Phong tục cưới hỏi của người Thái - Sơn La

Tục cưới hỏi của người Thái - Sơn La

Những gì được coi là văn hoá truyền thống, nó đều có sự biến đổi theo thời gian và không gian. Qua sự biến đổi ấy nó đã tự gạn đục khơi trong để có giá trị văn hoá đích thực phù hợp với thời đại mà con người đang sống, làm ra nó, hưởng thụ nó và tôn vinh để nó trường tồn, bất diệt. Tục cưới hỏi của một số tộc người cũng vậy, không có một hương ước hay quy ước hay một văn bản nào quy định hay thay đổi một cách nhanh chóng được tục lệ cưới hỏi của họ vì nó đã in sâu thành nền nếp bao đời. Chỉ qua một quá trình đi lên của xã hội, những tục lệ không còn phù hợp đời sống văn hoá tinh thần mới. Tục cưới hỏi, lấy vợ của người Thái - Sơn La là một minh chứng

           Tuy niên mỗi dòng họ, mỗi vùng miền có đôi chỗ hoặc tên gọi khác nhau. Xưa kia con trai, con gái trưởng thành, nếu con trai muốn lấy vợ thì họ phải chăm lao động, đặc biệt là đan lát, sau là học thổi khèn bè, thổi sao nói được tình yêu với cô gái… Người con gái muốn có chồng, ngoài nết na phải học được thêu thùa khăn Piêu, dệt vải khuýt và luyện cái tai tinh tường để “nghe tình yêu qua khèn bè”; đâu là tiếng khèn bạn tình, đâu là tiếng khèn họ đang trèo cầu thang lên nhà, đâu là tiếng khèn gọi mình ra ngồi đầu sàn nói chuyện cùng họ đêm ttrăng; đâu là tiếng khèn tình không lành mạnh… Khi đôi nam nữ đã nhờ phần lớn là tiếng khèn, ánh mắt nói thay lời yêu thương, khi muốn lấy cô gái làm vợ, người con trai nhờ mẹ đẻ và một vài bà trong họ đến nhà cô gái làm một vài thủ tục gọi là Lòng Luông.
          Lòng Luông: là mấy bà chưa mang lễ vật, chỉ đến nhà cô gái xin cho con trai mình được đi về (mà ngày nay gọi là xin đi lại) để tìm hiểu. Sau một thời gian, họ nhà trai tổ chức một đòn có lễ vật: gà, lợn, rượu, gạo… đến nhà cô gái, đoàn này do một ông mối (làm) dẫn đầu và giao tiếp gọi là pay đu, có dòng họ gộp hai giai đoạn này làm một gọi là Lòng luông đu châu.
          Pay đu: Nội dung mời bên ngoại (họ của mẹ cô gái) về xin ý kiến, xin cho đôi nam nữ có điều kiện tìm hiểu. Sau một thời gian từ 3-4 tháng, gia đình và họ nhà gái chỉ nhận lời cho gần gũi, chứ chưa nhận lời cho lấy nhau.  Tiếp đó là thủ tục mới gọi là To pác.
          To Pác: cũng là một đoàn nhà trai mang lễ vật đến nhà gái làm cỗ mời hai họ (thực chất là 4 họ). Sau đó họ nhà gái công khai hỏi đôi nam nữ về nguyện vọng xây dựng gia đình. Giai đoạn trên họ nhà gái bàn bạc đi đến nhất trí cho lấy hay không, nên gọi là To Pác (đo và đánh dấu). Sau To Pác là Khưới quản. Có vùng gọi giai đoạn này là: Ôm sáo (chứng minh cho cô gái tìm hiểu về mình).
          Khưới quản: Người con trai đến ở nhà cô gái, được cùng ăn, làm vệc nhưng ngủ một chỗ riêng gần sàn quản, gọi là khưới quản. Giai đoạn này khoảng 1 năm cô gái vẫn có quyền tiếp bạn trai khác. Tuyệt đối người khưới quản không được lén lút ngủ với cô gái, nếu có (nhất là chửa) sẽ bị phạt rất nặng. Sau một năm, nhà trai làm thủ tục gọi là Xông Phắc phá.
          Xông Phắc Phá (đem bao dao cho chú rể): nhà trai làm một bao dao mới (có cả dao) đem theo lễ vật: lợn, gà, cá nướng, thịt chua, gạo, rượu làm cỗ mời nhà gái ăn, từ 10 giờ sáng đến tận tối (gọi là công ơn). Trong bữa cơm công ơn này có Khoóng Phác nói (gửi nhỏ), Khoóng Phác luống (gửi lớn). Đây là một hình thức gửi rể cho nhà gái, họ có lời chúc, lời khuyên đôi trai gái sắp thành vợ chồng, lời khuyện răn là những câu ca dao, tục ngữ, gọi chung là lời nói có vần (dài từ 20-30 câu) chẳng hạn như:
          Chớ nghe lời con gà mà bỏ vườn.
Chớ nghe lời xúi dục mà bỏ anh em.
          Chớ nghe lời ham muốn dại mà mất cuả.
 Bằng lòng nhau thành thơm, không ưa thành thối.
 Không nên người ăn người ngửi mùi.
Trai khôn nhà không bằng người đi xa….
          Cứ thế người ta dạy cô dâu, chú rể bằng văn vần và kết hợp cho một số tiền nhỏ làm vốn, đạt vào một cái đĩa, gọi là Phan khẩu xó (Bàn cơm xin). Ở đây là xin phúc, xin lời răn dạy, xin nhận họ hàng. Ở nghi lễ này đôi nam nữ được chấp nhận là vợ chồng. Họ được dọn nhà mình, (biểu hiện bằng sự mừng vui được đón cô dâu về nhà chồng), một đoàn trai tráng khiêng gánh chăn, đệm và các vật phẩm họ nhà gái tặng như dụng cụ nhà bếp bát, chậu, nồi xoong về đến nhà chồng người ta làm lễ tổ tiên cho co dâu nhập gia. Nhà trai lại tổ chức một bữa cỗ đông vui chào hai họ và bè bạn. Sau đó là tục mời uống rượu cần, nhà trai có một đoàn từ 5-6 người biết cách sắp xếp ngôi thứ hai họ, giỏi mời chào cầm tay vào chum rượu uống theo đôi một hoặc 4 đến 5 đôi, lời hát răn dạy lại cất lên:
          …Có chồng phải ủ rượu ngọt đắng
          Nặng nhọc giúp nhau làm.
ốm đau giúp nhau thuốc
Được ăn không quên đũa
Được ở không quên ơn cha mẹ…
          Cổ xưa phần này dược coi trọng phần trả ơn cha mẹ, công ơn người làm mối, và cha mẹ cô gái chia tài sản cho đôi vợ chồng, tiếp theo là lời hát chào, mừng hai họ và đôi vợ chồng mới. Tiếp nữa là hình hành vòng xoè giao kết hai họ và nam thanh nữ tú của hai họ. Cuộc xoè mú kéo dài đến tận đêm khuya, vừa xoè múa vừa ống rượu cần.
          Ngày nay do thực tế đời sống người con trai không thể ở rể như trước bởi họ là cán bộ công nhân viên chức, làm nghĩa vụ quân sự… hoặc do phong trào giãn hộ tách bản để làm kinh tế theo hộ gia đình, nên việc ở rể tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, có khi chỉ là một, hai tháng, một hai tuần và việc cưới xin chỉ thực hiện 1 lần, sau khi đôi nam nữ tìm hiểu đi đến hôn nhân, đoàn nhà trai có một doàn gồm đủ thành phần đủ cả họ bố, mẹ đến xin và hẹn ngày làm đăng ký kết hôn và làm lễ Tằng cẩu thực hiện ngay tại ủy ban Nhân dân xã, đôi vợ chồng trẻ được nghe một đoạn về luật hôn nhân, gia đình… Chú rể chỉ đến nhà vợ ở một tháng hay một tuần người ta tổ chức lễ cưới đón cô dâu về nhà chồng, nghi lễ cũng ngắn gọn hơn, những hình thức vẫn là nhà trai đem đến vật phẩm tặng nhà gái. Việc cúng lễ tổ tiên chấp nhận cô dâu mới ngắn gọn, việc ăn uống tuy đông đúc nhưng không xa hoa lãng phí mà mang một nét ẩm thực độc đáo, một tục lễ uống rượu cần và rượu chai hết sức văn hoá, tuy có say nhưng người ta chỉ hát xèo, múa, thể hiện sự mừng vui, thắt chặt tình làng xóm, họ tộc, không say làm điều sai quấy. Đặc trưng nhất là tục uống rượu cần, chỉ có họ nhà trai đi mời chào họ nhà gái, họ nhà gái ít từ chối và uống theo một tục lệ nhất định nhằm tăng cuộc vui, sau đó là xèo múa vòng, người ta tạm quên đi bao nỗi nhọc nhằn, xoá bỏ đi mọi va chạm của cuộc sống, nắm tay nhau vào vòng xoè vui bất tận.
          Qua việc biến cải về tục cưới xin của người Thái ta thấy: việc cưới hỏi không chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất và làm cho trai gái thành vợ thành chồng gắn bó sinh sống, nối dõi tông đường, mà nó còn nhằm vào một mục dích cao cả nữa là giúp cho đôi vợ chồng ấy có đủ cơ sở vững chắc đủ bản lĩnh và thói quen, kinh nghiệm sản xuất, văn hoá ứng xử chọn vẹn đạo lý làm người, mà sống suốt đời hạnh phúc góp phần xây dựng cho họ tộc và cộng đồng những giá trị tập quán văn hoá. Đồng thời cũng thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm của cha, mẹ họ tộc trước hôn nhân của thế hệ trẻ, mà không hề mất đi tính tự do trường tồn cho đế tận ngày nay, những cải biến chỉ là để phù hợp với thời đại chứ không mang tính thị trường, thương mại, lai căng làm giảm giá trị nhân văn của họ. Cưới hỏi của người Thái được xem như một lễ hội rõ rệt. Lễ hội của tình yêu, hạnh phúc./.