Phong tục cưới hỏi của người Hà Nội
Phong tục cưới hỏi của người Thái
Phong tục cưới hỏi của người Nam Bộ
Phong tục cưới xin của người Thái Tây Bắc
Cầm Đức Bình
Người Thái Sơn La nói riêng cũng như người Thái Tây bắc nói chung có nhiều phong tục đẹp cho đến nay vẫn được lưu giữ, bảo tồn, duy trì và phát triển.
Trước hết phải kể đến phong tục cưới xin, “dựng vợ, gả chồng”. Tục cưới xin của người Thái khá phức tạp, được diễn qua nhiều bước theo trình tự và những thủ tục: Bắt đầu từ khâu “bấng pi”(xem tuổi), “pay tham” (đi chạm ngõ), “pay dạm pợ” (đi hỏi vợ), “Kin đong khửn” (cưới gửi rể tức là xống khươi), và cuối cùng là “kin đong lông” (lễ đón dâu về nhà chồng).
“Bấng pi” (xem tuổi): Khi đôi lứa tìm hiểu - yêu đương và đi đến kết duyên, bên nhà trai sẽ tiến hành đi xem tuổi cho đôi lứa.
Lễ dạm hỏi: lễ này diễn ra theo hai bước :
Bước một: “ pay tham” (đi chạm ngõ), đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên của đại diện nhà trai với nhà gái.
Bước hai: “pay dạm pợ” (đi hỏi vợ), theo truyền thống lễ này phải có ông mối, bà mối cùng các chàng trai đem sính lễ và giúp việc cho buổi lễ. Trong lễ này ngoài gạo, rượu, lợn, … nhà trai bắt buộc phải tặng cô dâu tương lai một đôi vòng bạc trắng, gọi là “mai pợ” để đánh dấu nàng dâu.
Lễ “xống khươi” hoặc “kin đong khửn” (cưới gửi rể): sau lễ này chàng trai chính thức sang nhà gái để sống và làm việc như một thành viên của nhà gái. Ở rể cũng phải trải qua hai bước: Đầu tiên là ở rể ngoài (chàng rể chưa được phép chung chăn gối với cô dâu, mà phải ngủ riêng ở gian “quản” - gian nhỏ ở phía đầu hồi nhà sàn. Hết thời gian rể ngoài, một nghi thức được tiến hành gọi là “xú pha” hoặc “haử pội” (lễ ghép chăn, ghép đôi), lúc này đôi uyên ương mới chính thức hòa hợp. Riêng với Thái đen còn có tục “tẳng cẩu” (búi tóc lên đỉnh đầu), thủ tục này tiến hành sau lễ gửi rể.
Lễ “kin đong lông” (lễ đưa dâu về nhà chồng): Hết hạn ở rể (ở rể có thế kéo dài từ 3 năm đến 6 năm) thì lễ cưới “đong lông” hay còn gọi là lễ “tỏn pợ”, “xo pợ” (lễ rước dâu) được tiến hành. Lễ này được tổ chức linh đình ở cả nhà trai và nhà gái. Tất cả mọi thứ từ thực phẩm đến nấu nướng , phục dịch, …đều do nhà trai đảm nhận. Lễ vật mà nhà trai đem đến tặng họ hàng nhà gái (cô, dì, chú, bác) trong lễ đón dâu không thể thiếu “ bỏng hắp”, sản vật trong “ bỏng hắp” (giỏ đan bằng tre) gồm có “pa dảng” (cá sấy khô), “bỏng xộm” (cá hoặc thịt chua đựng trong ống bằng tre) và trứng gà. Theo phong tục, khi đưa dâu cha mẹ đẻ không được ra tiễn con gái. Đến nhà trai, chị gái hoặc em gái của chàng rể là người đón đầu tiên ở chân cầu thang, người đón dùng một chậu nước sạch giội nước rửa chân cho cô dâu trước khi bước vào nhà. Cuối cùng đại diện nhà gái bàn giao nàng dâu cho đại diện nhà trai. Quá bình bàn giao được hai bên dùng lời hay ý đẹp và những lời “khắp xắng xon” (hát dặn dò) trong không khí thân mật, vui vẻ, đầm ấm.