Phương pháp ăn chay đủ chất cho người ăn chay trường


Nếu người ăn chay không biết cách ăn đa dạng sẽ có nguy cơ thiếu hụt một số chất dinh dưỡng gồm vitamin A, vitamin B12, vitamin D, chất kẽm, sắt và acid béo omega 3. Chúng ta cùng tham khảo phương pháp ăn chay đủ chất cho người ăn chay trường nhé!

Cách ăn chay đủ chất



Các chất sắt, kẽm có trong các thực phẩm nguồn gốc thực vật ít hơn so với nguồn động vật (thịt, cá), hiện diện nhiều ở mộc nhĩ, nấm hương, đậu nành, đậu hũ, mè đen, mè trắng, rau câu, rau cần, rau đay, đậu hạt trắng, đậu đũa, hạt sen khô, đậu đen, rau dền, măng khô...
 
Sắt đóng vai trò quan trọng trong tạo máu cho cơ thể, nếu thiếu máu người bệnh sẽ giảm năng suất học tập, lao động, làm việc mau mệt mỏi; nếu mang thai sẽ dễ bị sinh non, thai lưu hoặc trẻ sinh ra kém phát triển thể lực và trí tuệ...

Kẽm đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, đường ruột và trong chức năng sinh dục, do đó thiếu kẽm cũng có thể dẫn đến giảm sức đề kháng và mắc các bệnh đường ruột, giảm chức năng sinh dục - đặc biệt ở nam giới. Vì thế người ăn chay nên chọn lựa các thực phẩm giàu sắt và có thể bổ sung thuốc bổ sắt, kẽm.

Ngoài ra, như đã nói trên, chế độ ăn chay làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên chế độ ăn chay lại thiếu các chất acid béo omega 3 và vitamin B12, lại làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các cục máu đông trong thành mạch và từ đó gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Để phát huy tối đa lợi ích chế độ ăn chay và hạn chế tác dụng bất lợi, người ăn chay nên bổ sung hai chất này vào chế độ ăn của mình, cũng như có thể sử dụng thuốc bổ sung vitamin B12 và acid béo omega 3.

Các yếu tố khác ngoài chế độ ăn bao gồm vận động thể lực, hút thuốc, ô nhiễm môi trường, làm việc căng thẳng, stress... cũng góp phần vào nguy cơ bệnh tật nói chung. Do vậy, ngoài chế độ ăn chay, người ăn chay phải tăng cường vận động, giảm hút thuốc... để gia tăng tối đa tác dụng có lợi cho sức khỏe của chế độ ăn chay.
 

Ăn chay dưới góc độ dinh dưỡng


Tác giả : Thạc sĩ BS. LÊ NGỌC DIỆN
"Không có thứ gì mang lại lợi ích cho sức khỏe con người và làm tăng cơ hội sống còn trên thế gian này bằng phương pháp phát triển một chế độ ăn chay." (Albert Einstein).

Ăn chay đang là một khuynh hướng thịnh hành ở các nước phát triển. Dưới góc độ dinh dưỡng, ăn chay giúp phòng chống được nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, có một số vấn đề chúng ta cần lưu ý, nhất là với những người ăn chay tuyệt đối và lâu dài.
Có mấy kiểu ăn chay?

Có rất nhiều biến thể ăn chay khác nhau trên thế giới, nhưng quy tụ có 4 kiểu truyền thống sau:

- Ăn chay tuyệt đối là không ăn thịt, gia cầm, cá, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng.

- Ăn chay có dùng sữa.

- Ăn chay có trứng.

- Ăn chay có sữa và trứng.

Một dạng ăn chay khác cũng khá phổ biến hiện nay là "ăn chay bán phần", chỉ không dùng các loại thịt đỏ như thịt bò, cừu... Ngoài ra, còn có những người chỉ ăn trái cây và thỉnh thoảng ăn rau, hoặc chỉ ăn cá, trai, sò, tôm, cua....
Ăn chay mang lại lợi ích gì?

Chế độ ăn chay có ít cholesterol, ít acid béo bão hòa, nhiều acid béo chưa bão hòa nhiều nối đôi, nhiều vitamin E, C... có tác dụng chống oxy hóa, vì vậy ăn chay rất phù hợp với các khuyến nghị của Mỹ trong "Hướng dẫn phòng chống các bệnh mãn tính". Người ăn chay có lượng LDL-cholesterol thấp, chỉ số xơ vữa mạch máu thấp và HDL-cholesterol cao, giúp phòng ngừa được nhiều bệnh như:

- Béo phì: do chế độ ăn chay có ít chất béo, nhiều chất bột đường hấp thu chậm.

- Cao huyết áp: do chế độ ăn ít dùng rượu bia, ít natri, nhiều kali.

- Bệnh mạch vành: do ít chất béo, ít đạm động vật, nhiều đạm thực vật, nhiều chất xơ, nhiều chất bột đường hấp thu chậm và nhiều chất béo chưa bão hòa.

- Ðái tháo đường type 2: do có nhiều chất bột đường hấp thu chậm và chất xơ.

- Sỏi mật: do có nhiều chất xơ.

- Táo bón: do có nhiều chất xơ.

- Ung thư (vú, đại tràng): do có nhiều chất xơ, nhiều rau quả giàu vitamin chống oxy hóa và chất chống ung thư, ít đạm động vật và mỡ, nhiều chất bột đường hấp thu chậm.

- Sa sút trí tuệ: do ít đạm động vật.

- Ðột quỵ: do có ít chất béo bão hòa và cholesterol, nhưng nhiều chất bột đường hấp thu chậm.

- Loãng xương: do có ít chất đạm, đặc biệt là ít đạm động vật.

- Bệnh túi thừa: do có nhiều chất xơ.

Ngoài ra, người ăn chay còn có khuynh hướng ít bị viêm ruột thừa, thoát vị cơ hoành, hội chứng ruột kích thích, trĩ và giãn tĩnh mạch chi... Tuy nhiên, các kiểu ăn chay có thể tạo sự cân bằng hoặc không cân bằng về mặt dinh dưỡng.

Các vấn đề dinh dưỡng thường gặp trong ăn chay và cách khắc phục

Nếu biết chọn lựa, phối hợp thực phẩm và bổ sung các vitamin, chất khoáng hợp lý thì người ăn chay sẽ không bị thiếu các acid amin thiết yếu, vitamin B12, năng lượng, kẽm, sắt, đặc biệt ở người ăn chay tuyệt đối.

Về năng lượng: Chế độ ăn chay thường ít năng lượng do có ít chất béo và mau làm no bụng do nhiều chất xơ. Thiếu năng lượng có thể xảy ra ở những người cần tăng nhu cầu về năng lượng như trẻ em đang lớn, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và người bệnh đang trong giai đoạn hồi phục. Vì vậy cần lưu ý cung cấp đủ lượng calorie cần thiết bằng cách ăn thêm bữa phụ và sử dụng những thức ăn thực vật giàu năng lượng như các hạt có dầu, sữa đậu nành có béo...

Về chất đạm: Về số lượng đạm thì đã nhiều hơn nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị RDA của Mỹ. Tuy nhiên, thức ăn thực vật giàu đạm lại thường thiếu một số acid amin thiết yếu như lysine (gạo, bắp, lúa mì), threonine (gạo), tryptophan (bắp) và methionine (các loại đậu). Nhưng tình trạng mất cân đối các acid amin sẽ không xảy ra nếu chúng ta biết cách phối hợp các loại đạm thực vật theo cách sau:

- Rau đậu và các loại hạt, ví dụ: cháo với mè và đậu.

- Ngũ cốc và họ rau đậu, ví dụ: cơm với đậu, súp đậu với bánh mì...

- Ngũ cốc và sản phẩm từ sữa, ví dụ: bánh mì với sữa, cơm hoặc mì sợi với phô-mai.

- Rau có thể ăn với cơm, các hạt có dầu, phô-mai, mầm lúa mì.

Ðối với trẻ dưới 24 tháng tuổi, cần bổ sung methionine vào công thức sữa làm từ đậu nành.

Chất sắt: Tại các nước tiên tiến, thiếu máu do thiếu chất sắt ở người ăn chay ít xảy ra do họ ăn nhiều rau quả (đặc biệt là cam, chanh, dưa đỏ, ớt, cà chua, bông cải xanh...) có nhiều vitamin C, giúp tăng cường hấp thu sắt và lấn át cả tác dụng ngăn cản hấp thu của acid phytic, acid oxalic, acid tannic... Tuy nhiên, đối với phụ nữ đang có thai, đang cho con bú, trẻ nhũ nhi, trẻ em đang dậy thì, vận động viên hoặc người mất máu nhiều thì nên sử dụng viên sắt bổ sung. Ở nước ta, người ăn chay thường là ăn chay tuyệt đối nên có thể bị thiếu sắt.

Vitamin B12: Thiếu vitamin B12 gây thiếu máu hồng cầu to hoặc bệnh dây thần kinh, có thể xảy ra ở người ăn chay tuyệt đối vì thức ăn thực vật không có vitamin B12. Nấm men bia, các loại tảo biển, bia và các thực phẩm lên men khác có hàm lượng B12 thay đổi rất nhiều, và chúng có nhiều chất "giống vitamin B12" nên có thể cạnh tranh làm giảm hấp thu vitamin B12. Do vậy, cần bổ sung vitamin B12 cho người ăn chay là phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và đặc biệt là người cao tuổi (vì thường đi kèm với giảm hấp thu vitamin B12 do thiếu yếu tố nội tại). Nếu ăn chay có trứng và sữa thì ít khi bị thiếu chất này.

Chất kẽm: Thiếu kẽm có thể xảy ra ở người ăn chay tuyệt đối do kẽm trong thức ăn thực vật bị giảm hấp thu bởi acid phytic, oxalates, chất xơ và đạm đậu nành. Người cao tuổi (dù có ăn chay hay không) cũng đều có nguy cơ thiếu kẽm. Do vậy, có thể bổ sung bằng cách uống viên kẽm hoặc viên chứa kẽm.

Chất calci: Chế độ ăn chay có khẩu phần calci thấp hơn nhu cầu khuyến cáo, nhưng hiếm khi xảy ra tình trạng thiếu chất này. Tỷ lệ mắc bệnh loãng xương ở người ăn chay thấp hơn so với người không ăn chay, vì chế độ ăn chay có ít chất đạm hơn nên giúp gia tăng hấp thu và giữ calci, đồng thời lượng calci bài tiết ra nước tiểu giảm. Tuy nhiên, cần sử dụng sản phẩm bổ sung calci cho những người cần tăng nhu cầu như phụ nữ có thai và cho con bú.

Vitamin D: Thiếu vitamin D có thể chỉ xảy ra với những người không tiếp xúc với ánh nắng, đặc biệt là người ăn chay tuyệt đối, hoặc trẻ bú mẹ quá 6 tháng mà không tiếp xúc với ánh nắng và cũng không bổ sung vitamin D. Nên bổ sung vitamin D từ viên đa sinh tố và khoáng chất khi cần thiết.

Như vậy, chúng ta có thể chọn bất cứ kiểu ăn chay nào, nhưng điều quan trọng là phải biết cách bù đắp các chất dinh dưỡng một cách hợp lý. Có lẽ tốt nhất là nên ăn chay định kỳ vì vừa hưởng được lợi ích của ăn chay, giú? ngăn ngừa một số bệnh - vừa tránh được tình trạng thiếu các chất dinh dưỡng do ăn chay trường gây nên

Tham khảo thêm những món chay ngon cực dễ làm


Xôi gấc đậu xanh

Một kết hợp hoàn hảo giữa gấc và đậu xanh cho món xôi thêm thơm ngon và hấp dẫn.  Nhìn những đĩa xôi gấc đậu xanh như thế này ai chẳng bị quyến rũ bởi hương vị thơm ngon và sự đẹp mắt. Hơn nữa, nhiều chị em quan niệm, màu đỏ của xôi gấc sẽ đem lại sự may mắn cho cả tháng. Vì thế, chị em hãy thử làm món xôi ngon và đẹp mắt này!

Nguyên liệu:

- Nếp cái hoa vàng
- Đậu xanh
- Đường
- Gấc
- Vừng

Cách làm:

- Gạo nếp các bạn ngâm qua đêm cho gạo nở rồi vo sạch, sau đó để gạo thật ráo và xóc gạo với 1 chút muối tinh.

- Bổ đôi quả gấc, dùng thìa nạo lấy phần ruột đỏ ra bát rồi thêm vào 1 thìa rượu trắng, đeo bao tay nilong và bóp đều để lấy phần thịt gấc.

- Trộn thật đều gạo nếp với phần thịt gấc để các hạt gạo có màu đỏ đẹp.

- Đậu xanh ngâm nở, đãi sạch rồi đem hấp hoặc nấu chín, tranh thủ lúc đậu còn nóng các bạn dùng thìa miết cho đậu xanh có độ nhuyễn mịn.

- Thêm 1 lượng đường vừa với khẩu vị của các bạn rồi bắc nồi đậu lên bếp sên nhỏ lửa đến khi đậu quánh đặc lại, tắt bếp, để đậu nguội.

- Cho nước vào chõ, đợi nước sôi các bạn mới rải đều gạo vào chõ, dùng đũa tạo vài lỗ tròn nhỏ trên gạo để nước có chỗ thoát hơi, xôi đồ sẽ mau chín hơn.

- Khi xôi chín, các bạn rắc 1 chút đường vào tạo cho xôi có vị ngọt nhẹ rồi rưới chút dầu ăn, trộn đều để hạt xôi được bóng.

- Tiến hành đóng xôi vào khuôn cho đẹp, đầu tiên các bạn rải 1 lớp xôi, rồi đến 1 lớp đậu xanh ở giữa, cuối cùng lại rải tiếp 1 lớp xôi, nén chặt lại rồi lấy xôi ra khỏi khuôn, rắc chút vừng rang cho đĩa xôi thêm phần hấp dẫn.

Chị em có thể xem tại đây để được hướng dẫn chi tiết bằng hình ảnh.

Đậu phụ chiên sả

Đậu phụ chiên sả ăn nóng hay nguội cũng đều rất ngon bởi vị đậm đà của xì dầu, vị thơm của sả sẽ làm món đậu của bạn không còn đơn điệu nữa.

Nguyên liệu

- Đậu phụ trắng: 3 bìa

- Sả: 3 củ

- Tỏi, hành: 1 củ

- Hành hoa: 2 nhánh

- Dầu ăn, xì dầu, bột canh, mì chính, đường.

Cách làm:

- Đậu phụ trắng cắt miếng vừa ăn rồi cho vào rán chín vàng hai mặt.

- Sả bóc vỏ băm nhỏ, tỏi, hành củ đập dập băm nhỏ, hành hoa thái nhỏ.

- Phi thơm hành tỏi với chút dầu ăn. Cho sả băm vào đảo nhanh tay.

- Cho thêm 3 thìa xì dầu cùng ½ bát nước lọc, ½ thìa đường, ½ thìa bột canh, mì chính đun nhỏ lửa để tạo độ sền sệt.

- Cho đậu vào rim.

- Dùng kéo khứa nhẹ hình chữ thập và cho sả tỏi hành hoa vào giữa miếng đậu rồi gắp ra đĩa.

- Phần nước còn lại rưới lên trên.

Thế là bạn có thêm một món chay thơm lừng cho ngày đầu tháng rồi nhé. Chúc các bạn ngon miệng! Chị em có thể xem tại đây để được hướng dẫn chi tiết bằng hình ảnh.

Chả lá lốt

Nguyên liệu:

- Lá lốt, đậu phụ, nấm hương, hành khô băm nhỏ

Cách làm:

- Đậu phụ ép hoặc nghiền nhuyễn

- Lá lốt chọn lá to, ít rách, rửa sạch và để ráo nước.

- Nấm hương ngâm với nước ấm rồi rửa sạch, băm nhỏ

- Trộn tất cả nguyên liệu, cùng hành khô xay nhuyễn, thêm muối.

- Dùng là lốt bọc các nguyên liệu như chả lá lốt thịt bình thường.

- Món này có thể chấm cùng xì dầu thêm vài lát ớt.

Canh chua

Nguyên liệu:

1 quả cà chua, đậu bắp, dọc mùng, nấm rơm, dứa, 1 quả me, giá, hành, ngổ…

Cách làm:

Món canh chua chay thơm ngon hấp dẫn (Ảnh: Internet)

- Đậu bắp, bạc hà tước xơ, cắt xéo.

- Cà chua thái múi cau, dứa cắt lát mỏng.

- Me đun cùng ít nước sôi vắt lấy nước.

- Rau om, ngò gai xắt nhỏ.

- Nấm rơm cắt bỏ gốc, ngâm nước muối cho sạch, vớt ra để ráo.

- Bắc nồi nước lên bếp, nước sôi cho nước me vào, nêm muối cho vừa ăn.

- Lần lượt cho đậu bắp, dứa, cà chua, nấm rơm và dọc mùng vào. Nước sôi lại thì nhắc xuống, cho giá cùng hành và ngổ cắt nhỏ.

Bao tử chay cuốn rau củ

Các món cuốn bao giờ cũng rất thú vị và hấp dẫn. Trong ngày đầu tháng, chị em có thể làm món chay này để cả nhà cùng thưởng thức. Bạn có thể thay nước chấm bằng chao cũng rất ngon.

Cách pha: Khuấy tan 1 thìa cà-phê chao với chút đường, nước cốt chanh, ớt xay và 1 thìa súp nước lọc. Nếu thích, bạn có thể thêm chút sa tế vào.

Nguyên liệu:

- 200g bao tử chay
- 100g ngô non tươi
- 100g cà rốt
- 100g đậu cô ve
- 100g củ dền
- 150g xà lách xoăn
- 1 quả chanh
- 1 quả dừa tươi
- 2 thìa súp nước tương
- 1 thìa súp đường
- 1 thìa cà phê dầu hào chay
- 1 thìa cà phê dầu vừng
- 1 thìa cà phê tiêu
- 1/2 thìa cà phê ớt xay
- Vài nhánh hoa hẹ

Cách làm:

- Xà lách rửa sạch, để ráo. Ngô non rửa sạch, chần chín. Cà rốt và củ dền rửa sạch, thái que, hấp chín. Đậu cô ve rửa sạch, chần chín, thái từng cọng dài bằng cà rốt.

- Bao tử chay rửa sạch, để ráo, đem ướp với dầu hào, dầu vừng, 1 thìa súp nước tương, tiêu trong khoảng 15 phút cho thấm.

- Tiếp đến, thái bao tử thành miếng hình tròn giống như kích cỡ của bánh đa (bánh tráng) nhỏ.

- Trải lá xà lách ra mặt phẳng, đặt củ dền, cà rốt, đậu cô ve và ngô non vào rồi cuốn lại. Đặt miếng bao tử lên mặt phẳng, để cuốn xà lách lên trên rồi cuốn tròn, dùng hoa hẹ buộc lại.

Làm nước chấm

- Chanh tươi rửa sạch, dùng dao tách khoảng 3 tép chanh và vắt lấy 1 thìa cà phê nước cốt. Dừa tươi chặt lấy khoảng 2 thìa súp nước dừa.

- Hòa tan 1 thìa súp nước tương với đường, nước dừa và nước cốt chanh.

- Thả tép chanh vào bát nước chấm. Nếu thích ăn cay, bạn có thể cho thêm ít ớt xay hoặc ớt thái lát.

- Xếp từng cuốn bao tử chay lên đĩa. Dùng kèm nước nước chấm. Đây là món chay rất ngon và hấp dẫn, chị em thử làm nhé!

Làm món ăn chay đơn giản cho ngày rằm
Thực đơn hàng ngày cho người ăn chay
Ăn chay đúng cách có lợi cho sức khỏe như thế nào
Thực đơn ăn chay cho người giảm cân hiệu quả
Món ăn chay từ đậu phụ


(ST)