Nếu bạn nghĩ rằng những đứa bé dưới 1 tuổi không hiểu những lời răn dạy của bố mẹ thì bạn đã hoàn toàn nhầm về khả năng của bé rồi đấy! Chúng ta cùng tham khảo phương pháp dạy con dưới 1 tuổi hiệu quả nhé!
6 cách để dạy bé dưới 1 tuổi biết nghe lời
Thật khó để bạn có thể “bắt” một đứa trẻ mới chập chững biết đi vâng lời bạn vì ở độ tuổi này, các bé chưa phân biệt được điều đúng sai, chưa thể hiểu rõ những cái được và không được. Nhưng các mẹ có biết rằng, chỉ bằng các biểu hiện thái độ, giọng nói, ánh mắt... mẹ hoàn toàn có thể truyền tải được thông điệp mình muốn nói và bé sẽ ngoan hơn mà mẹ không cần phải quát mắng.
Tiến sĩ Martin J. Drell (Hàn Lâm Viện Mỹ về Tâm Lý Trẻ Nhỏ và Vị Thành Niên - AACAP) sẽ mách nhỏ các mẹ một vài phương pháp để răn dạy những bé dưới 2 tuổi nghe lời.
1. Hãy nghiêm giọng thay vì la mắng
Tiến sĩ Martin J. Drell cho biết, khi bạn để cho con thấy mình giận dữ, tức là bạn đã thất bại. Vì khi bạn giận dữ, hoặc là trẻ sẽ thấy sợ, hoặc là sẽ trở nên bướng và lì hơn.
Thay vì giận dữ và la mắng, bạn hãy nghiêm giọng lại và nói với con về việc bé vừa làm là không tốt và đừng quên chỉ ra cho con những hậu quả mà bé đã gây ra.
"Tất nhiên là bé sẽ không hiểu được vấn đề như bố mẹ mong đợi, nhưng đừng vì thế mà không giải thích và nói chuyện với con về những việc bé vừa làm. Cách bạn nói, ngữ điệu, thái độ nghiêm nghị của bạn sẽ làm bé phần nào nhận ra vấn đề. Bé sẽ ít nhiều cảm thấy áy náy, hối lỗi", Martin J. Drell cho biết.
Thể hiện thái độ giận dữ tức là bạn đã thất bại trước con. (Ảnh minh họa)
2. Sử dụng ánh mắt
Bạn đừng quên sử dụng "vũ khí" cực hiệu quả đó là ánh mắt nghiêm nghị. Khi nói với bé về những lỗi lầm mà trẻ vừa gây ra, hãy nhìn thẳng vào mắt con và bắt đầu câu chuyện. Ánh mắt của bạn sẽ giúp bé tập trung, thấy vấn đề là nghiêm trọng và cần phải lắng nghe.
Tuy nhiên, Martin J. Drell cũng dặn dò cha mẹ một điều, đó là "cũng như giọng điệu, bạn đừng nhìn bé với ánh mắt giận dữ mà hãy thể hiện sự nghiêm khắc đúng mực, vì bé đang “đọc” vấn đề từ ánh mắt của bạn".
3. Nói đi đôi với làm
Đôi khi bạn hãy truyền tải cho bé những thông điệp có "trọng lượng". Thông điệp này đòi hỏi sự mạnh mẽ trong lời nói, ngữ điệu và có hành động kèm theo. Ví dụ khi bạn nói: “Đã đến lúc đi ngủ rồi con yêu” thì hãy kèm theo hành động bế bé hoặc dắt bé đi vào phòng ngủ, đồng thời tắt đèn.
Bé sẽ hiểu rằng, đã đến giờ phải lên giường đi ngủ, không có gì có thể thay đổi được điều đó và sẽ làm theo ý của bạn.
4. Hãy hướng dẫn trẻ thật cụ thể
Khi bạn muốn bé thu dọn đồ chơi của mình sau khi chơi thì hãy hướng dẫn con thật cụ thể. Đừng bao giờ nói với trẻ dưới 2 tuổi một câu mơ hồ như: "Con hãy cất đồ chơi đi", mà phải nói: "Con hãy cất con ốc sên màu xanh vào hộp đi", và kèm theo đó là bạn làm cho bé thấy để ghi nhớ và tự làm lần sau.
"Bé sẽ chẳng hiểu cất cái gì và cất vào đâu vì như đã nói, ở lứa tuổi này ngôn ngữ của bé chưa hoàn chỉnh, bé đang học hỏi rất nhiều, kể cả lời nói. Vì vậy nếu muốn một đứa trẻ dưới 2 tuổi hiểu và biết nghe lời thì cha mẹ phải có hướng dẫn cụ thể", Tiến sĩ Martin J. Drell cho biết thêm.
Việc bé hối lỗi bằng ánh mắt và đôi môi này đã khiến không ít cha mẹ mềm lòng. (Ảnh minh họa)
5. Không yêu cầu quá nhiều
Nếu như bạn đã yêu cầu con làm việc gì đó, nhưng bé vẫn chưa thực hiện thì bạn chỉ nhắc nhở lại 1 lần. Nếu bạn nói đi nói lại, bé dễ lầm tưởng bạn đang cáu giận và sẽ có tâm lý tránh xa bạn đấy.
Và khi bạn càng nói, bé càng không nghe thì khả năng bạn sẽ tức giận là rất cao. Mà khi tức giận thì tức là bạn đã thất bại.
6. Đừng mềm lòng trước ánh mắt của bé
Nhìn vào đôi mắt ngân ngấn nước của con, nhiều bà mẹ đã không thể kiềm chế được lòng mình nên đã vội vã ôm con vào lòng khi vừa mắng bé xong. Hành động đó của bạn đã vô tình xóa bỏ hết “công cuộc” dạy dỗ vừa rồi.
Tiến sĩ Martin J. Drell khuyên các mẹ sau khi răn dạy con xong, bạn hãy để bé “tự ngẫm” trong 5 phút, sau đó mới lại nựng nịu bé.
Ở lứa tuổi này trẻ hay bắt chước hành động, lời nói của người lớn. Vì vậy cha mẹ cần tích cực giúp bé nhận biết thế giới xung quanh, làm gương cho con bắt chước lời nói, hành động đẹp của mình.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM cho rằng, ở giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi, sự phát triển của trẻ diễn ra với tốc độ rất nhanh. Hệ thần kinh nhạy bén tạo điều kiện cho trẻ học hỏi nhanh, song đồng thời các em cũng dễ bị tổn thương. Vì thế, những thay đổi đột ngột trong cuộc sống, đặc biệt đối với trẻ những năm đầu đời rất nguy hiểm.
|
Ở tuổi này trẻ hay bắt chước nên cha mẹ cần làm gương từ lời nói đến việc làm để giúp trẻ hình thành nhân cách tốt. Ảnh: Thi Ngoan. |
Mặt khác, nhu cầu giao tiếp của trẻ với người lớn rất cao. Đặc điểm của các em ở lứa tuổi này là thích bắt chước hành động, lời nói của người lớn. Vì vậy cha mẹ cần tích cực cho trẻ nhận biết thế giới xung quanh, đồng thời làm gương cho trẻ bởi các em có thể bắt chước lời nói, hành động, việc làm tốt hay xấu của người lớn để định hình nên nhân cách về sau.
Bà Minh cho biết, tốc độ phát triển thì ở mỗi đứa trẻ có sự khác nhau, nên tùy theo đặc điểm của con mình mà cha mẹ có những phương pháp giáo dục phù hợp theo lứa tuổi. Sau đây là một số điều cơ bản cha mẹ cần giáo dục trẻ:
Đi theo tư thế đứng thẳng
Khi mới tập đi, khả năng điều khiển các cử động chưa hình thành nên trẻ luôn bị mất thăng bằng, cảm giác căng thẳng, vấp ngã, bối rối, sợ hãi khi gặp các vật cản trên đường. Vì vậy, người lớn cần dìu trẻ từng bước một và kịp thời cổ vũ khi trẻ đi được vài bước cho đến lúc đi thành thạo.
Đi theo thế thẳng đứng là một bước tiến cơ bản nhằm làm cho trẻ độc lập về mặt sinh học, đồng thời là một bước quan trọng trong việc "xã hội hóa" đứa trẻ:
- Khi trẻ biết đi đứng trên đôi chân của mình thì sẽ giải phóng hai bàn tay khỏi chức năng di chuyển. Từ đó bàn tay trở thành công cụ để nhận thức thế giới xung quanh: Cầm, nắm, xúc cơm, viết, vẽ… Đây chức năng hoạt động của con người.
- Ngẩng cao đầu, dây thanh của trẻ càng phát ra được nhiều âm tiết tinh vi.
- Giúp trẻ mở rộng tầm nhìn, phát triển khả năng định hướng trong không gian.
- Mở rộng phạm vi hoạt động với đồ vật, tiếp xúc với nhiều đồ vật hơn, mở rộng khả năng tìm hiểu những thuộc tính của đồ vật và kỹ năng sử dụng chúng.
- Mở rộng giao tiếp với mọi người xung quanh giúp vốn kinh nghiệm riêng của trẻ thêm phong phú, phát triển nhu cầu giao tiếp và kích thích khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ ở trẻ.
Đặc điểm hoạt động với đồ vật
Thời kỳ trước tuổi mẫu giáo, trẻ đã thực hiện những hành động khá phức tạp với các đồ vật, nhưng chưa nhằm vào việc khám phá chức năng và phương thức sử dụng nó.
Đến tuổi đi nhà trẻ: đồ vật lúc này đối với trẻ không phải chỉ là cái để nghịch, để chơi mà còn là để tìm hiểu chức năng nhất định và phương thức sử dụng tương ứng. Ví dụ: chiếc thìa (muỗng) dùng dể xúc cơm và có cách cầm nhất định, khác với cái chén... Do đó, trẻ hướng hoạt động của mình vào việc nắm cách sử dụng đồ vật. Trẻ lĩnh hội những kiến thức về đồ vật, biết cách sử dụng đồ vật giống như người lớn, trong đó người lớn giữ vai trò của người hướng dẫn, người cộng tác, người hỗ trợ trong quá trình lĩnh hội này.
Hoạt động với đồ vật (là một loại hoạt động có đối tượng) trở thành hình thức hoạt động chủ đạo trong suốt giai đoạn nhà trẻ. Nhờ có hoạt động này mà chức năng của các đồ vật lần đầu tiên được bộc lộ ra trước trẻ và đồ vật xung quanh trở thành đối tượng thu hút sự chú ý của trẻ, khiến trẻ hăng hái tìm kiếm, tháo lắp suốt ngày. Chính nhờ vậy mà tâm lý của trẻ phát triển mạnh, đặc biệt là trí tuệ.
Khi lĩnh hội những hành động sử dụng đồ vật sinh hoạt hàng ngày thì đồng thời trẻ cũng lĩnh hội được những qui tắc hành vi trong xã hội. Về điểm này, thái độ của người lớn rất quan trọng trong việc nắm vững quy tắc hành vi xã hội để dạy cho trẻ.
Tham khảo thêm điều cha mẹ nên làm để trẻ lớn lên trong hạnh phúc
Những điều cha mẹ nên làm dưới đây phần nào sẽ giúp đưa trẻ hòa nhập và cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống, để bé trưởng thành toàn diện hơn.
Nuôi dưỡng một đứa trẻ không chỉ là nuôi dưỡng về mặt thể chất mà còn về mặt tâm hồn. Những điều cha mẹ nên làm vô cùng đơn giản dưới đây phần nào sẽ giúp cha mẹ đưa trẻ hòa nhập và cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống, để bé trưởng thành toàn diện hơn.
Hiểu tâm trạng của bé
Trong 6 tháng đầu đời, bé sẽ thể hiện mọi cảm xúc trên khuôn mặt để bạn có thể hiểu được bé. Bé sẽ cười tươi khi bạn bước vào phòng và khóc lóc khi có ai đó lấy đi món đồ chơi yêu thích.
Bạn sẽ phải thích nghi với sự thay đổi biểu cảm liên tục của bé, cười tươi ngay sau khi khóc và ngược lại. Bạn đừng lo lắng khi bé khóc nhiều hơn cười vì khóc và nét mặt không hài lòng là cách duy nhất để bé giao tiếp với bạn.
Có thể bé làm vậy để báo cho bạn biết rằng tã lót của bé đã bị bẩn, bé đói hoặc bé đang bị đau đớn. Việc này sẽ giảm dần khi bé lớn lên và có thể biểu hiện cảm xúc dễ dàng hơn với ngôn ngữ cơ thể và lời nói.
Mang đến sự vui vẻ cho bé
Thay vì mang đến cho bé một chiếc điện thoại di động đồ chơi đầy màu sắc hoặc một căn phòng rực rỡ thì điều làm bé vui vẻ đơn giản hơn rất nhiều, đó chính là sự hiện diện của bạn.
Hãy chơi cùng bé vì khi bạn vui vẻ cũng khiến cho bé vui vẻ. Chơi đồ chơi là một cách tuyệt vời để giúp con phát triển những kĩ năng cần thiết cho tương lai. Xây nhà với các khối xếp hình hay chơi các đồ chơi nấu ăn hoàn toàn có khả năng giúp bé hình thành sở thích thậm chí là định hướng tới một nghề nghiệp nào đó trong tương lai.
Giúp bé thể hiện tình cảm của mình
Đối với trẻ sơ sinh, cách duy nhất thể hiện cảm xúc, đó là khóc. Nhưng khi lớn hơn, bạn có thể hướng dẫn bé đặt tên cho các cảm xúc của mình thông qua lời nói. Bé sẽ nhận biết được các trạng thái “vui vẻ” hay “giận dữ”. Thậm chí trước lúc bé biết nói, bạn có thể biểu hiện một trạng thái cảm xúc trên khuôn mặt mình và hỏi xem bé có cảm thấy như vậy không.
Bạn cần chú ý nếu bé trở nên quá nhạy cảm hoặc hay giận dữ vì rất có thể do thói quen của bé bị thay đổi hoặc bé đã thất vọng vì một điều gì đó. Khi lớn dần, bé sẽ phải thường xuyên gặp sự thất vọng như khi hờn dỗi ở một bữa tiệc sinh nhật hay khóc lóc vì không được mời tham gia trò chơi, bạn hãy để bé thể hiện mọi cảm xúc một cách tự nhiên nhất. Con bạn cần phải biết rằng, sự thất vọng là một phần của cuộc sống.
Tập cho bé đối mặt với sự thất vọng
Trong năm đầu tiên, bé được học rất nhiều điều như: ngồi, đi, đứng, nói chuyện,… Những kĩ năng này đều cần thời gian để phát triển. Điều quan trọng là bạn hãy để bé gặp những sai sót khi học tập và hãy khuyến khích bé sửa sai để tiếp tục cố gắng.
Bé sẽ cảm thấy từ thất vọng, tức giận chuyển thành cảm giác hân hoan khi đạt thành quả và sự tự tin khi làm những việc khác. Khi bé đã trải qua tất cả các cảm xúc này, chúng sẽ giúp bé có nội tâm vững chắc để biết đối mặt và vượt qua mọi khó khăn khi trưởng thành.
Khen ngợi bé đúng lúc
Những người hạnh phúc thường là những người đã làm chủ một kĩ năng và kĩ năng đó cần có thời gian để phát triển thành một thói quen tốt trong cuộc sống. Vì vậy, khi con bạn viết thành công tên của bé lần đầu tiên, hãy khen ngợi vì bé xứng đáng nhận được những lời khen khi làm tốt một việc gì đó.
Quan trọng nhất là, để bé có thể hiểu rằng bé có quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Bé có thể làm tốt bất kì việc gì nếu như bé để tâm vào việc đó. Điều này sẽ là yếu tố quan trọng để đạt được thành công trong cuộc sống của bé sau này.
Giữ gìn sức khoẻ
Tình trạng sức khoẻ tốt thì tâm trạng mới luôn vui vẻ. Ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và một chế độ ăn uống lành mạnh là những yếu tố quan trọng đối với cơ thể đang phát triển của bé. Hãy cho bé giải phóng năng lượng thường xuyên để bé có tâm trạng tốt khi làm mọi việc bằng cách chơi các trò chơi như: đá bóng, chạy nhảy hoặc tham gia các trò chơi tập thể.
Bé có thể bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của bạn
Điều này hoàn toàn thực tế. Đối với trẻ sơ sinh, khi bạn mỉm cười bé sẽ bắt chước bạn và bé cũng mỉm cười. Với những gia đình trẻ, nhiều lúc bạn sẽ thấy quá tải và mệt mỏi, điều này ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm trạng của bé. Bạn cần dạy con cách chia sẻ cảm xúc và đơn giản là nhận sự giúp đỡ của bố mẹ để tránh cho bé bị bệnh trầm cảm.
Dạy bé cách khiến cho người khác cảm thấy vui vẻ
Khi bé trên 10 tháng tuổi, bạn có thể dạy bé cách giúp đỡ người khác bằng những việc đơn giản. Ví dụ như bạn hãy đề nghị bé cho bạn một miếng trên quả chuối mà bé đang ăn. Nếu bạn đang chải tóc, hãy để bé có cơ hội cầm lược chải tóc cho bạn. Những khoảnh khắc nhỏ này rất có ý nghĩa trong việc dạy bé cách chia sẻ và chăm sóc người khác.
Khi bé lớn hơn một chút, hãy để bé bỏ quần áo bẩn của bé vào trong giỏ quần áo thay vì bạn tự thu gom, điều này sẽ khiến bé cảm thấy rằng bạn công nhận sự giúp đỡ của bé là cần thiết. Chắc chắn, bé cũng sẽ rất vui khi những người được bé “giúp đỡ” cũng cảm thấy vô cùng vui vẻ, hạnh phúc.
Nuôi con khỏe dạy con ngoan
Cách dạy con viết chữ đẹp hiệu quả
Cách dạy con học tiếng anh hiệu quả trẻ hào hứng
Cách dạy con học chữ cái cho con học nhanh thuộc
Dạy con từ thuở lên 3 - học cách làm những ông bố, bà mẹ tốt
(ST)