Phương pháp dạy con bắt đầu vào lớp 1
Phương pháp chữa bệnh hen suyễn cực hiệu quả
Cách giao tiếp của người phương Tây
Từ trước đến nay, nói đến thiền là người ta thường nghĩ ngay đến việc khoanh chân ngồi bán già hay kiết già hang tiếng đồng hồ. Nghe đã thấy mỏi mệt, nhụt chí và mất thời gian rồi, nên cứ bảo tập gì, ăn gì uống gì cho sức khỏe tốt là thích lắm, háo hức lắm, nhưng hễ mà nghe đến việc muốn được như vậy thì cần phải “thiền” là nhụt hết cả cái háo hức xuống rồi! “làm sao mà thiền được đây? lấy đâu ra thời gian mà ngồi khoanh chân như vậy chứ?...”. Nhưng Thiền trong Nhân Điện không bắt buộc nhất thiết phải tuân theo một tư thế nào và thời gian thiền tương đối ngắn.
Còn với những người đã quen thiền, dù theo bất cứ dòng thiền nào, từ Yoga, Khí Công, Thần gia, Tiên gia, Thánh Gia hay Phật Gia, không ra ngoài 2 dòng chính:
Tùng Tướng Nhập Tánh: dùng sự chăm chú vào một đối tượng, một cách thức, một hành động, một nghi thức nào đó, vô tình hay cố ý, để dần dần bước vào cái đích điểm nào đó mà đạo Phật gọi là “Tánh”, các trường phái khác gọi là bản thể vũ trụ, v.v…
Nhiếp Tướng Hiển Tánh: không dùng bất cứ phương thức nào qua cái chú tâm của trí, buông tất cả tri thức, đóng hết các “hình tướng” và bước thẳng vào đích điểm.
Dòng thiền Yoga là một nhánh thiền cổ điển của nhân loại. Trong đó, có một pháp thiền được xem là rất “cao”: raja yoga. Pháp thiền nầy thuộc hệ số 2 phía trên, nghĩa là không dùng “ý”, không dùng sự chăm chú, mà lại vượt khỏi cái trí để vào Tánh “Không”. Chữ “raja” yoga có nghĩa là “vua” của thiền. (Thiền “cao” của Phật gia cũng không còn dùng “ý” nữa.)
Ngày đầu tiên bước vào Nhân Điện, tôi đã học được một phép “định tâm” tương tự. Lúc đó, người hướng dẫn chỉ nói đơn giản là: “nhắm mắt lại, hít thở 3 hơi, không nghĩ gì hết trong 5 phút rồi kết thúc bằng cách hít thở 3 hơi một lần nữa.”.
Vì lúc đó Thầy Đáng chưa thực hiện việc mở Luân Xa 100% từ đằng xa nên tôi phải chờ 4 tháng sau mới được dự lớp 3. Suốt 4 tháng đó tôi phải tập như thế hằng ngày vì nếu không sẽ bị “bít” Luân Xa. Nhờ thế mà tôi đã may mắn trải nghiệm được một ít huyền vi của thiền định. Tôi tìm tòi qua sách vở liên tục, lúc đó mới hiểu ra là mình đã vô tình học được một pháp thiền “cao” nhất, gọi là “vua thiền” hay “Siêu thiền”. Dù thiền ở cấp thấp hay cấp cao của Nhân Điện, pháp thiền này đều có thể đạt thiền trong mọi cái động. Học viên tập luyện và đạt thiền ngay cả khi đang đi đứng, nói năng, ăn uống v…v… Họ chịu khó tập theo pháp thiền cao siêu này và đạt tâm trống rỗng ngay khi thân xác vẫn đang hoạt động, thật quả là tuyệt đẳng!
Một số người vẫn chưa thoát ra khỏi các cảnh giới, điều hạn chế nhiều nhất tới phát triển tiến hóa tâm linh của học viên Nhân Điện. Họ mong đạt những cảnh giới như ở Thiên Đàng, nhìn thấy Đất Phật, Đất Thánh hay gì gì đó nữa, tất cả đều hạn chế khả năng học hỏi và tiến hóa mà họ không thoát ra được. Trong pháp thiền Nhân Điện, lẽ ra họ đạt đường tu cao nhất là đạt tới “Số 0”, con số 0 mà trong đó lại có tất cả: Tri thức, hiểu biết, sự minh triết - giác ngộ, sự tĩnh tọa của Thân – Tâm an lạc, sự sung sướng như ở niết bàn, hạnh phúc như ở thiên đàng, thăng hoa cả thể xác lẫn linh hồn”, những gì gọi là Chân – Thiện - Mỹ, những điều mà con người đang khao khát đạt được, khao khát vươn tới.
Khi gặp Thầy Đáng để mở Luân Xa 100% thì có một học viên hỏi Thầy rằng: “Thưa Thầy, bảo không nghĩ gì hết, con không làm được, nó cứ nghĩ hoài, làm sao bây giờ?” Thầy Đáng yên lặng vài giây rồi cười trả lời: “Vậy thì tạm thời cứ nghĩ đến Luân Xa 7 đi.”
Thì ra vì căn cơ trình độ của hành giả mà Thầy đành “xuống cấp” vị “Vua thiền”. Tiếc một điều là sau này, hầu hết học viên mới đều được hướng dẫn là nghĩ đến Luân Xa 7 nên ít ai hiểu được chiếc chìa khóa bí mật này của ngành Nhân Điện. Hoặc nếu có được học đúng pháp “Vua thiền” lúc đầu thì sau khi mở Luân Xa 100%, không còn bị buộc phải thiền pháp này mỗi ngày nữa nên phần đông hành giả cũng không dùng đến nó nữa. Vì vậy, điều đáng quý giá trong pháp thiền này là: hãy tuyệt đối nghe theo lời Thầy Đáng dạy: Hãy buông bỏ mọi suy nghĩ, không nghĩ và không tập trung vào bất cứ một điểm nào cả. Như thế mới thể nghiệm hết được cái cao siêu trong pháp thiền mà Thầy truyền dạy.
Có thêm hai điều đáng tiếc. Một là về sau nầy, lớp 2 và 3 chỉ cách nhau 1, 2 ngày nên pháp thiền “Vua” kia gần như bị rơi vào quên lãng. Hai là nếu ngay khi nhập môn Nhân điện, học viên đắc thiền ngay khi tâm trống rỗng, buông bỏ mọi suy nghĩ thì lên cấp cao sẽ đạt về đích điểm dễ dàng mà thậm chí không cần truyền nơi này nơi khác quá lâu, mà khi đó chỉ cần dùng ý điều khiển, tức khắc thân xác và linh hồn cũng có thể nhập vào bản thể vũ trụ dễ dàng. Khi đó, hành giả Nhân Điện sẽ tự mình tạo ra nhiều cơ hội chủ động giúp đỡ mọi người một cách hiệu quả tuyệt đối, chứ không chỉ nhập vào bản thể vũ trụ để học hỏi nữa.
Tuy nhiên, lên lớp cao, Thầy cũng đã đưa học viên một bí quyết tương đối ngắn hơn khi Thầy dạy cách thiền để “đi ra ngoài vũ trụ”, tức là sau khi phóng điện đi chừng 30 đến 40 chỗ thì trí mỏi mệt, nó sẽ buông để thần thức thoát ra và thể nhập được vào “bản thể vũ trụ”. Và nếu nghe thật kỹ, trong lớp, Thầy Đáng có nói một câu ngắn gọn mà ít ai để ý: “nè nhen, hễ mà còn thấy trăng, thấy sao hay thấy gì thì có nghĩa là chưa được à nghen.” Tôi bật cười khi nghe câu nầy. Thì ra, sau bao nhiêu ngày chiều theo lòng ham muốn của học viên, sau cùng thì Thầy cũng bật mí là … “hổng có gì hết”, cái bí mật mà Đức Phật ngày xưa cũng nhắc đến nhưng ít đệ tử thích nghe lọt tai. Đi tu mà bảo “tu để mai mốt sẽ đến được một chỗ … hổng có gì hết” thì mấy người chịu đi tu! Phải có Niết bàn, có Chánh Đẳng Chánh Giác, có lục thông, có thiên đàng, có quyền năng khả năng v.v… thì họa may chứ. Ừ, muốn thì đều sẽ có hết, có xong rồi đem ra giúp chúng sinh thì cũng tốt thôi.
Tôi còn nhớ cách đây không lâu, có người bạn hỏi riêng Thầy Đáng là mình bay ra ngoài vũ trụ thì có gì? Thầy cười: “Không có gì hết, chỉ bóng tối đen và yên lặng. Nhưng mà là có tất cả trong đó. Ai thể nhập rồi sẽ tự biết.”
Suy nghĩ kỹ xem. Phải chăng nhìn lên nhìn xuống Kim Tự Tháp hằng nửa giờ làm sao? hay truyền điện vào mô hình anten, hoặc truyền điện đi khắp các quốc gia, các tế bào, các bà con thân thuộc, người thưong, kẻ ghét v.v., mặc dầu là vẫn được thêm khả năng, nhưng cũng chỉ cốt lũy là đưa hành giả đến được chỗ buông hết sự chủ động của cái trí ra để thể nhập? Nhưng phần đông chúng ta lại dừng bước khi nghe mỏi mệt, chứ nếu chúng ta bước thêm một bước nữa là khi mỏi mệt rồi, ta để thân tâm thể nhập vào thiền “vua”: tức buông bỏ và “không nghĩ gì hết” như Thầy đã dạy lúc đầu thì chúng ta đã có cơ hội trải nghiệm được rất nhiều rồi. Các pháp thiền khác có thể mất vài chục năm để vào được “định” sâu, cách thiền của Nhân Điện có thể đưa hành giả vào nhiều mức “định” trong một thời gian rất ngắn. Cái cao siêu của Nhân Điện là ở chỗ đó.
Cái tuyệt diệu của Nhân Điện còn ở chỗ: Trong khi thiền, dù thiền trong lúc thân tĩnh hay thiền trong lúc thân động, hành giả Nhân Điện vẫn luôn truyền Năng lượng tình thương đến cho mọi người, cho muôn loài và vạn vật, dâng hiến hết những gì mình có được cho tất cả cùng được tiến hóa, cùng được mạnh khỏe, chứ không chỉ thiền riêng cho ích lợi bản thân mình.
KHOA HỌC TÂM LINH NHÂN ĐIỆN
Sử dụng Năng lượng Vũ trụ phục vụ đời sống, là Nhân Tâm căn bản mà khoa học Tâm linh Nhân Điện đang thực hiện và bài viết này , viết về những giả thiết khoa học về thực hành Nhân Điện trong dưỡng sinh và học tập, để bạn đọc gần xa cùng suy ngẫm và ứng dụng.
Tĩnh tâm Nhân Điện - (refreshing body by meditation) hay thiền là kỹ thuật dưỡng sinh huyền diệu. Thiền có nhiều trường phái khác nhau đã được các thiền sư và các môn phái dưỡng sinh Đông – Tây - Kim - Cổ áp dụng và kết quả thì tùy thuộc vào công phu luyện tập, để lấy nguyên khí ngoài Vũ trụ hay Năng lượng Vũ trụ vào cơ thể mình. Sách vở báo chí viết về thiền rất nhiều và thú vị, đó chính là thành tựu mà loài người đã đạt được về ứng dụng Năng lượng Vũ trụ trong dưỡng sinh. Thiền Nhân Điện dựa trên căn bản khoa học Tâm linh Nhân Điện do Giáo sư; Thiền sư Lương Minh Đáng sáng lập, mang tính hiện đại thể hiện ở các khía cạnh được trình bày ngắn gọn bằng sự hiểu biết khoa học sau đây:
Điều kiện cần và đủ để thiền hiệu quả (Condition for entrance).
Dung nạp Năng lượng Vũ trụ chỉ đạt kết quả cao khi các trung tâm tiếp nhận Năng lượng Vũ trụ (gọi là luân xa hay Charka) được mở, hay nói cách khác là được kích chấn. Các thiền sư trong mọi thời đại đều tập luyện và khi độ tập luyện chín muồi thì luân xa tự mở, nhưng rất khó khăn, vì vậy có người cả đời người theo nghiệp tu hành, thiền định nơi cửa Phật mà luân xa vẫn chưa được khai mở. Chính vì vậy con người khi nói đến thiền định đều rất ngại vì mất quá nhiều quỹ thời gian cho luyện tập sẽ ảnh hưởng đến thời gian kiếm kế sinh nhai.
Thiền Nhân Điện thì bạn không phải tốn thời gian công phu luyện tập, mở luân xa đã có người Thầy Nhân Điện giúp cho thông qua năng lực Tâm linh siêu việt.
Luân xa mở thì năng lực tĩnh tâm rất cao và do vậy thiền Nhân Điện chỉ cần 5 phút tối thiểu đến 30 phút tối đa là đủ xóa các stress đọng lại của một ngày làm việc. Nhân Điện cho rằng thời gian nhiều ít không quan trọng mà chất lượng thiền mới quan trọng. Chất lượng thiền chính là thời gian bạn cắt tạm thời với ngoại giới hay nói rõ hơn là cửa đón nhận Năng lượng Vũ trụ là luân xa mà mở rộng thì nguyên khí Vũ trụ vào cơ thể nhiều. Do vậy thiền ít thời gian nhưng chất lượng lại cao, hợp với cách sống của người hiện đại.
Thực tế cho thấy bạn không thể dùng ý chí (năng lực ức chế) của não bộ để bắt tâm bạn yên lặng vì sự loạn động của trí não có cơ chế rõ ràng là: khi bị stress, chất nội tiết cortisol ở tuyến Thượng Thận tiết nhiều để huy động Năng lượng chống stress và đặc biệt làm cho huyết áp tăng cao. Huyết áp cao tức thời khi phân tâm là nguyên nhân chính gây cho tâm bạn không tĩnh tâm được.
Tư thế thiền (Meditated porture)
Tư thế thiền Nhân Điện rất linh động, có thể ngồi, nằm, thậm chí đứng ở nơi yên tĩnh cũng được, miễn là tư thế thoải mái, xương sống thẳng. Vì vậy, bạn có thể thiền Nhân Điện trong giờ giải lao hay ngồi trên tàu xe cũng được. Khác với các môn phái thiền khác, thiền Nhân Điện không quá coi trọng tư thế thiền (meditated porture), (các môn phái khác phải nhờ tư thế thiền để hy vọng mở luân xa). Vì vậy, các tình trạng sức khỏe, tuổi tác, hoàn cảnh công việc nào cũng có thể thực hành tĩnh tâm Nhân Điện được.
Thời gian thiền dài, ngắn, thời điểm thiền sáng, trưa, chiều, tối và số lần thiền ít nhiều phụ thuộc vào nhu cầu cũng như kế hoạch cá nhân của từng người. Nhân Điện không có qui định cứng nhắc về tư thế và thời gian thiền. Có thể nói rằng Nhân Điện đã đưa thiền vào đời sống hiện đại một cách vi tế phục vụ lợi ích dưỡng sinh của con người.
Một số giả thiết về cơ chế thiền Nhân Điện (Meditation mechanism)
Giả thiết 1: Thiền xoá stress và lập lại cân bằng thần kinh – nội tiết
Thiền là phương pháp xóa đi những stress có hại (negative stress) đọng lại trong đời sống, xét theo quan điểm khoa học hiện đại, Stress có nguồn gốc rất đa dạng như sự thay đổi khí hậu, ghen ghét, đố kỵ, thù hằn, v.v… Stress có lợi possitive stress thì khác và nó là nguồn hứng khởi, hoài bão, ước mơ, là sự rung động của con tim với cái đẹp chẳng hạn và dạng này được xem là có lợi, song cái gì cũng có ngưỡng của nó, thái quá thì bất cập.
Trong điều kiện người không sử dụng thiền để xóa stress, đặc biệt là các stress tâm lý psychological stress thì rất cực nhọc và đau khổ thân xác. Thí dụ người đã hãm hại cha mình, thì liệu bạn có thể tha thứ cho người đó được không? Vì vậy, stress về việc cha bị hại cứ còn đó, khi bạn nghĩ về sự kiện này.
Năng lượng Vũ trụ là Năng lượng mang cấu hình và sức mạnh tình thương form and force of love (hiểu theo quan niệm khoa học Tâm linh Nhân Điện) sẽ kích chấn làm cho sóng não bộ mang tên sóng β loạn động sang sóng α hay các sóng thấp khác êm dịu hơn. Các nghiên cứu ảnh hưởng của thiền đến các sóng thần kinh, đã được khoa học nghiên cứu và thừa nhận ưu điểm vượt trội của thiền trong dưỡng sinh.
Nếu ai có tôn giáo, sùng kính các Đấng giáo chủ, thì có thể hiểu cơ chế thiền theo kiểu riêng của mình đó là: thiền là giống như ta mời Đức Phật hay Đức Chúa ngự trong lòng ta và tình thương nội phát trong ta bừng sáng. Xin nhắc lại rằng, điều kiện cần và đủ, để thiền đạt hiệu quả là luân xa được mở. Nên chăng, chúng ta nghĩ về người Thầy đã mở luân xa cho ta, thì tình thương của các Đấng ta hằng tôn kính, sẽ thông qua đó mà tỏa sáng trong ta. Người Thầy Nhân Điện không phải là Đấng nào cả, vì Thầy là con người bằng da bằng thịt và Thầy chỉ là người trợ lực cho ta tiếp nhận Năng lượng Vũ trụ. Năng lượng này mang bản chất tình thương, chính là đặc tính của các vị Giáo Chủ. Thầy đang dắt tay anh chị em hành động tình thương, để bạn thực hiện được lời dạy của Đức Phật, Đức Chúa vốn vô cùng cao siêu và khó thực hiện trong đời sống hiện đại thường nhật.
Trong sinh lý học thần kinh người ta cho rằng: các thông tin cảm nhận bằng bản thể và các thông tin do 5 giác quan ngoài đưa vào bộ máy cao cấp của não bộ là bán cầu đại não, là não trung gian thalamus (một bộ phận của não dưới). Cơ quan này ví như một kẻ đưa thư trung thành, thông tin gì cũng gửi lên não trên mà không phải là người thư ký biết chọn lọc, biết trình cấp trên thông tin hợp với hoàn cảnh. Vì vậy, não trên rất bận rộn với hàng hà xa số thông tin của cả nội và ngoại môi trường. Làm nhiều thì quá sức và dễ mệt mỏi, thậm chí bị kiệt sức. Đó là lý do giải thích vì sao nhịp sinh học của con người thời hiện đại công nghiệp này thay đổi nhịp sống gấp gáp hơn so với nhịp sinh học tự nhiên vốn có.
Người biết thiền Nhân Điện đều đặn thì Năng lượng Vũ trụ kích chấn não trên hành động hiệu quả, sáng suốt, mà trạng thái sáng suốt đặc biệt gọi là minh tuệ (trên cả thông minh), để tự xác định ý nghĩa của các thông tin đưa lên, mà gạn lọc lấy những thông tin quan trọng cho đời sống tiến hóa để xử lý và “phớt lờ” không xử lý những thông tin có hại cho cơ thể. Đây là điều kỳ diệu mang niềm vui và sức khỏe cho người ứng dụng Năng lượng Vũ trụ trong dưỡng sinh Nhân Điện.
Giả thiết 2: Thiền là trạng thái sinh học tiềm sinh
Khi thiền sâu, gọi là nhập định super meditation, Năng lượng Vũ trụ thông qua các luân xa, đặc biệt là luân xa 7, lan tỏa khắp tế bào sống trong cơ thể và đưa trạng thái trao đổi Năng lượng của cơ thể con người xuống mức thấp nhất (mức trao đổi cơ bản). Thật vậy, con rắn trừ khi đi kiếm mồi, còn phần lớn sống trong hang dưới dạng tiềm sinh, mức trao đổi Năng lượng rất thấp nên tuổi thọ con rắn dài lắm. Thí dụ này cũng đáng để chúng ta suy ngẫm về cơ chế trao đổi Năng lượng của cơ thể khi được nguyên khí Vũ trụ trợ giúp. Tuy nhiên người hiện đại ngày nay đâu cần phải sống tiềm sinh như con vật này, mà chỉ cần xóa được stress trong đời sống nhanh bằng thiền Nhân Điện là chúng ta đã đưa mức trao đổi Năng lượng của cơ thể xuống rất thấp. Đối với nhiều học viên Nhân Điện, nhịp tim khi thiền có khi xuống rất thấp là 10 nhịp/phút, còn phần đa là 60 nhịp/phút. Còn khi làm việc những người Nhân Điện cũng có nhịp tim thấp hơn người thường khoảng 5 đến 10 nhịp/ phút.
Thiền là cách con người giao hòa với trời đất Vũ trụ. Khi ngồi thiền, các cơ quan duy trì sự sống tối cần thiết như tim, phổi, v.v… hoạt động, còn đại bộ phận cơ bắp và các cơ quan khác tạm nghỉ ngơi, sinh lực của con người được tỏa sáng do không bị phân tán Năng lượng. Hay nói cách khác phần não dưới, trung tâm phát sinh những sóng điện ẩn chứa mật mã “danh - lợi - tình” tạm ngưng hoạt động, “giải phóng” năng lượng của não bộ để phần vỏ yên tĩnh trống trơn quán tưởng về những điều thiêng liêng hơn của đời sống. Đó chính là sự giao hòa của cơ thể con người với tự nhiên, với trời đất Vũ trụ. Không nghĩ gì khi thiền, là giây phút bừng tỉnh của tâm hồn ta, là trạng thái giao hòa hợp nhất ta với đất trời bao la, mà ở một khía cạnh nào đó nó có thể gọi là bước đầu lập lại tính tự nhiên trong đời sống.
Cảm nhận sự dung nạp Năng lượng Vũ trụ vào cơ thể khi thiền là cảm thấy điều thiêng liêng, bâng khuâng, thanh nhẹ, thậm chí mất trọng lượng, hay cảm giác tan biến thể xác vào Vũ trụ. Cái cảm giác ấy mang đặc tính khi ẩn khi hiện của ngoại giới “sắc sắc không không”. Đó chính là trạng thái giao hòa của con người với Vũ trụ bao la cao vời vợi “có mà không, không mà có” của cái chân ngã.
Phút cuối cùng trước khi lâm chung, ranh giới giữa sự sống và cái chết, trao đổi Năng lượng xuống thấp nhất gọi là trạng thái tiềm sinh. Nhiều người may mắn thoát chết kể lại rằng họ thấy những cảnh giới vô hình với những điều chưa từng biết tới trong đời sống ở không gian ba chiều. Cuốn phim về những dấu ấn từng trải trong cuộc đời được tái hiện lần cuối để hóa thân sang đời sống “sóng điện” hay “thông tin” mới, là những bí mật của sinh học cần được nghiên cứu. Phải chăng ở trạng thái siêu tiềm sinh người ta tìm được điều mới lạ của bản chất sự sống.
Giả thiết 3: Tế bào siêu điện ảnh (Super nerve – cell) giác quan đặc biệt được kích chấn khi thiền.
Trạng thái thiền định và đặc biệt là trạng thái nhập định, nhờ Năng lượng Vũ trụ kích chấn, siêu tế bào điện ảnh ẩn chứa trong não bộ sẽ chuyển từ trạng thái ngủ sang trạng thái hoạt động tích cực và người thiền có cảm nhận rất đặc biệt về không gian như cảm nhận thấy hiện tượng bị mất trọng lượng, hay thấy những Ánh Sáng kỳ lạ có màu xanh hoặc màu vàng xuất hiện trong đầu. Đặc biệt hơn là nhận cảm được những thông điệp Vũ trụ, mà ta thường gọi là linh cảm, dưới nhiều dạng như:
(a) bâng khuâng nhận ra điều triết lý gì đó khó tả liên quan đến định hướng hành động của bạn.
(b) giải tỏa được điều mà lâu nay trăn trở.
(c) phần đa trường hợp thấy não bộ trống trơn không còn băn khoăn lo lắng điều gì.
(d) kỳ diệu hơn là sau đó thấy yêu thương mình và mọi người và tự nhiên khôn tả.
Tóm lại sau khi thiền sâu, ta học trong vô thức được nhiều điều mới lạ và đặc biệt ta lãnh nhận được những ý nghĩa triết lý thiêng liêng hàm chứa trong những việc thường nhật. Đó chính là kết quả hoạt động của giác quan đặc biệt, tế bào siêu điện ảnh đều phát huy khả năng tiềm ẩn của não bộ giúp con người thông minh sáng suốt trong đời sống.
Giả thiết 4: Thiền Nhân Điện thiết lập bộ nhớ mới hiệu năng.
Trí nhớ là các dạng thông điệp thần kinh có ý nghĩa được hình thành trong đời sống và lưu giữ ở các nơron đặc biệt của vỏ não. Thông điệp này ví như các file nén của máy tính để giảm tải dung lượng lưu trữ cho não bộ, khi cần lục lại, nhớ lại. Thường thì khi già, bộ phận chuyển file nén thành file thông thường bị trục trặc, do sự lão hóa của các nơ ron thần kinh đảm nhận việc này, nên người ta hay quên. Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường trong lão khoa. Khi dung nạp Năng lượng Vũ trụ vào cơ thể, các nơron thần kinh nằm ở trung khu lưu tồn trí nhớ được kích hoạt và bồi hoàn chức năng, nên thiền Nhân Điện có khả năng khôi phục trí nhớ. Những người do di chứng xuất huyết não bị mất trí nhớ có thể ứng dụng thiền Nhân Điện để khôi phục trí nhớ nhờ công năng này. Trong lão khoa, thiền Nhân Điện nên được coi trọng và khả năng làm tươi hóa, trẻ hóa tế bào và khôi phục lại trí nhớ nhanh chóng.
Thiền Nhân Điện có khả năng xác lập nhanh trí nhớ khi học tập trên căn bản sau: học thì nhiều nhưng nhớ cái gì lại là câu chuyện của các “tế bào nhớ” chứa trong bán cầu đại não. Trước khi học điều gì ta nên thiền nhanh, thậm chí trong giây lát bằng cách nghĩ đến người Thầy Nhân Điện. Tất cả các thông điệp “rác” tạm thời tiêu biến nhanh chóng và nhường khoảng không gian trống rỗng của não bộ cho học tập, bạn sẽ không bị phân tâm và tiếp thu kiến thức nhanh và đặc biệt dễ thiết lập trí nhớ về những điều học hỏi.
Người biết thiền Nhân Điện thường xuyên, do Năng lượng Vũ trụ luôn luân lưu trong cơ thể nên tế bào thiết lập trí nhớ luôn ở trạng thái hưng phấn và hiệu quả ghi nhớ thông điệp gia tăng và còn bền nữa. Xưa các cụ ta có câu “người ta tâm viên ý mã” có nghĩa là: não bộ của con người luôn hành động do các thông điệp “rác” quá nhiều nên con người khó tĩnh tâm được, mà đưa các thông điệp rác vào não bộ thì chỉ làm cho não bộ bệnh hoạn, vì rác thì giữ lại làm gì. Nhớ cái gì chính là nhớ cái hồn, cái ý của kiến thức chứ chưa hẳn là nhớ lời, nhớ kiến thức suông đâu bạn ạ.
Một số học viên Nhân Điện còn trẻ có phàn nàn rằng dường như anh chị em hay “lú”. Đừng nhầm giữa mất trí nhớ và trạng thái trống rỗng của não bộ khi thiền Nhân Điện. Những điều không cần cho đời sống hiện thời đã được lưu giữ cẩn thận ngăn nắp trong bộ nhớ. Nên nhớ rằng file nén của những học viên Nhân Điện được cập nhật, nên nó “nén” được gấp nhiều lần người bình thường theo cơ chế trình bày ở trên.
Nhận ra tính “KHÔNG” tuyệt đối khi thiền, đồng nghĩa với nhận ra chân lý của đời sống ở khía cạnh vĩ mô là quan điểm: muôn loài vạn vật đều là những tế bào sống của thể xác thiên nhiên vĩ đại mà linh hồn của thể xác có bản chất từ Năng lượng Vũ trụ (naturally super power). Thượng Đế là danh từ mà con người đặt ra để chỉ cái năng lực siêu nhiên sinh ra Vũ trụ và muôn loài. Thượng Đế là khối sáng toàn thiện có ở mọi nơi trong Vũ trụ này, chứ Ngài không chỉ ở trong Chùa hay nhà Thờ đâu. Đích thực Ngài có trong từng hơi thở để ta sống và Ngài không cần con người phải thờ phụng Ngài hoành tráng linh đình. Ở một khía cạnh nào đó, có thể hình dung Ngài là Năng lượng Vũ trụ mà Nhân Điện đang tiếp cận. Ngài dường như không có mục đích vì Ngài là khối Năng lượng toàn năng và chỉ con người là có mục đích và mục đích của Nhân Điện là nghiên cứu sử dụng Năng lượng Vũ trụ để dưỡng sinh và phục vụ đời sống nhân sinh.
Cách ngồi thiền đúng phương pháp
Cách ngồi thiền chữa bệnh
Cách ngồi thiền định đúng phương pháp
Dạy thai nhi bằng thiền và hát ru
Thiền và tập trung tư tưởng
(st)