Quán bánh gối ngon nổi tiếng nhất Hà Nội

Nói đến quán bánh gối ngon và nổi tiếng nhất Hà Nội, không thể không kể đến quán bánh gối ở 52 Lý Quốc Sư. Đây là cảm nhận của một chuyên gia ẩm thực của Tạp chí Món Ngon về quán bánh gối độc đáo này.

Tính tớ từ bé chả tin những gì thiên hạ kháo nhau bao giờ nếu chưa qua chính mình kiểm chứng. Thế là nhân thứ bảy vi vu phố Cổ, phải thử luôn món bánh gối quán Gốc Đa xem lời đồn thiên hạ có “thổi” tí nào không. “Mum” rồi đúng là phải gật gù đồng ý tin, mà đã tin thì cái miệng lại…chẹp chẹp, “tấn công” thêm suất nữa, chỉ thương bài ca “ví ơi ở lại, xiền đi nhé”.


Khóc thương cái ví cho đúng lệ thế thôi chứ đúng là bánh ở đây ăn “đáng đồng tiền, bát gạo”. Chiếc bánh gối vàng xuộm mới nhìn đã ngon rồi. Khi ăn lại càng thấm thía ẩm thực Việt Nam mình quả là nhất. Chiếc bánh đã cắt nhỏ ăn kèm với nước chấm chua ngọt bỏ thêm chút tương ớt cay cay, gắp miếng đu đủ vuông giòn giòn, túm mấy cọng rau thơm non mát mắt mà tớ cứ ngỡ mình đang thưởng thức bánh gối do đầu bếp của nhà hàng sang trọng làm, chứ không phải trong một quán bình dân thế này. Nét hấp dẫn của bánh gối ở đây chính là lớp vỏ bánh mỏng tang, giòn rụm chứ không “ỉu xìu” hay cứng quèo như nơi khác, mà nhân thì nhiều thịt, lại còn thơm phức nữa.  Ôi! Thèm!


Theo suy  luận của tớ thì quán tên là Gốc Đa do quán nằm “tựa lưng” bên một gốc đa cổ thụ. Nhưng điều đó không thú vị bằng việc phát hiện ra tuổi của quán đã ngoài hai mươi. Nếu bạn là tớ bạn cũng sẽ khoái mê tơi khi biết mình được ngồi ăn những món mình thích và rất ngon ở một cái quán nhỏ xíu nhưng nhiều hơn tuổi mình.

Quán Gốc Đa có phong cách khá độc đáo. Khách vào ăn đông nên quán thực hiện kiểu “chuyên môn hóa”: chuyên rán, chuyên vớt, chuyên cắt bánh, chuyên bưng bê phục vụ, mỗi người của quán cứ theo nhiệm vụ mà làm. Còn với khách, ăn xong cứ theo bảng giá tính tiền, mặc dù ra cửa sẽ có người tính lại.

Bảng giá “chuẩn” của quán

Nhưng mà phải nói là “xôm” cực kì nếu có khách gọi mỗi loại bánh một chiếc mà không gọi theo suất thì kiểu gì cũng bị cằn nhằn: người vớt bánh cằn nhằn, ông cụ cắt bánh cằn nhằn. Những lúc quán đông, gặp ông cụ chủ cửa hàng càng nghe cằn nhằn nhiều. Ông cằn nhằn khách, cằn nhằn người làm từ lúc khách gọi món đến khi họ ngồi ăn. Thế nhưng cái kiểu cằn nhằn ấy chẳng làm mếch lòng ai cả, chỉ thấy ông hóm hỉnh và vui tính thôi. Nói chuyện với ông cụ thú vị lắm ý, ngay cả lúc tớ trêu ông gọi quán Gốc Đa là “quán cằn nhằn” rồi xin phép ông chụp ảnh, ông lại cằn nhằn rất hóm: “Ô! Thế hóa ra mục đích vào đây ăn là quảng cáo cái “quán cằn nhằn” này ra tận nước ngoài à? Ông không thích đâu nhé”.Tớ tự hỏi chả hiểu quán này làm ra phong cách hay là phông cách tạo nên quán nhỉ?

  Ông cụ “cằn nhằn” vui tính

Đến quán Gốc Đa khách hàng thích gọi món “truyền thống” là món bánh gối. Nhưng mấy món như bánh rán, bánh bao, nem cua bể…bạn cũng không nên bỏ qua vì nó cũng ngon chả kém gì bánh gối đâu. Ăn xong nhớ gọi thêm cả cốc trà Bát Bảo nhé, giá đắt hơn vỉa hè một nghìn đồng nhưng vị lạ và ngon cực.

Quán Gốc Đa lúc 7h tối

Thế mới có chuyện tớ đến ăn sáng ở đây lúc 11h, vi vu chán khu phố Cổ lại thấy 7h tối lọ mọ đúng cái quán đầu tiên mình xuất phát. May mà ông cụ trò chuyện với tớ cả buổi sáng không thấy có mặt ở đây chứ nếu không chả biết phải chui đi đâu vì cái tội “phàm ăn”. Mà trách sao nổi tớ khi bánh ở quán này ngon như thế chứ.

Địa chỉ: Quán Gốc Đa, 52 Lý Quốc Sư.

Giá cả: từ 2000đ đến 7000đ (cụ thể các bạn tự xem giá ở ảnh tớ đã chụp nhé ^^)

Thời gian: mở cửa từ 9h sáng đến khoảng 11h đêm

Lưu ý:
 đồ thì ngon nhưng vào buổi tối, quán đông khiếp luôn, phải “chiếm dụng” cả vỉa hè luôn ý (nhưng mà đi ăn thế mới thú vị nhỉ, có chen nhau thật nhưng càng đông lại càng vui mà).

Mách nhỏ cho bạn nè: Đối diện quán Gốc Đa là hàng ô mai ngon lắm nhé. Vào buổi tối, sát quán có món nộm bò khô + vó bò tương gừng của quán cô Ngọc  ăn cũng được.


Thùy Linh

Theo TapchiMonngon.com
Mình ăn nhiều rồi, công nhận ngon thật, nhưng sợ nhiều mỡ, béo
hơn 1 tháng trước - Thích (10)
Gửi hỏi đáp - bình luận