Ăn bao nhiêu trứng 1 tuần là đủ với từng đối tượng?
Sau khi quan hệ có nên đi tiểu không?
Từ cà phê bắt nguồn từ từ "Qawah" theo cách gọi của người Ả Rập, có nghĩa là "sự phấn khích". Hơn một nghìn năm trước trên một ngọn núi ở châu Phi, một đàn dê đã khiến người chủ của chúng thức suốt đêm sau khi ăn những quả cà phê màu đỏ. Người chăn dê đã mang thứ quả đó tới cho một số nhà sư. Từ đó, các nhà sư đã biến thứ quả này thành món đồ uống giúp họ có thể tỉnh táo trong những buổi cầu nguyện lâu dài.
Người Ý uống cà phê Espresso với đường. Người Đức và Thụy Sĩ uống cà phê với sôcôla nóng. Người Mehico uống với nước chanh và người Morroccans uống cà phê với hạt tiêu. Người Ả Rập là những người đầu tiên phổ biến cho thế giới cách pha cà phê bằng nước nóng. Còn người châu Phi pha cà phê bằng nước lạnh. Phụ nữ Nhật tắm trong bồn có bã cà phê lên men với vỏ dứa để giảm nếp nhăn và làm đẹp da. Một bí mật mà ai cũng biết: Phụ nữ giữ eo bằng cách uống cà phê đen không đường. Caffein trong cà phê là chất oxy hóa mạnh, gấp bốn lần trà, có tác dụng lưu giữ tuổi thanh xuân.
Với đa số người Việt Nam, uống cà phê là một nét văn hoá gần như không thể thiếu, nhất là giới trẻ. Quán cà phê là địa chỉ để gặp gỡ, chuyện trò của mọi người. Đôi khi, ta cũng bắt gặp những người “cà phê một mình” để nhâm nhi cà phê, nghe nhạc hoặc suy ngẫm về một điều gì đó.
Ở Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có đặc trưng văn hóa cà phê rất riêng. Tuy không phải là địa phương trồng và chế biến cà phê, nhưng ai đã từng uống cà phê ở thành phố nhỏ bé này đều khó có thể quên hương vị cà phê nơi đây, và khi đi xa rồi cứ muốn quay lại uống nữa.
Dạo trên đường phố Phan Rang – Tháp Chàm, quán cà phê nối tiếp quán cà phê. Cà phê cóc tràn ngập các vỉa hè dành cho giới bình dân, cà phê máy lạnh wifi, cà phê vườn, cà phê ca nhạc, cà phê khiêu vũ, cà phê bãi biển, cà phê võng, và có cả cà phê đèn mờ dành cho những cặp tình nhân đến tâm sự v.v…Có thể nói, ở Việt Nam có những loại quán cà phê nào thì ở đây đều có. Theo thống kê của Phòng quản lý Du lịch, hiện trong thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có gần 100 quán cà phê có đăng ký kinh doanh và có biển hiệu. Ngoài ra chưa kể hàng trăm quán cà phê cóc ở các vỉa hè, góc phố chỉ bán buổi sáng, chiều và đêm. Đối với một thị xã nhỏ vừa mới được công nhận thành phố loại 3 mà có số lượng quán cà phê như vậy quả là không nhỏ. Có thể kể đến một số quán cà phê ca nhạc nổi tiếng như quán Omely, cà phê Giai Điệu, cà phê Sài Gòn – Ninh Chữ v.v…ở đây, hàng tuần đều có ca nhạc với sự tham gia của các ca sĩ, nhạc công đến từ các đoàn nghệ thuật và các ca sĩ phòng trà. Khách cũng có thể đăng ký và tham gia vào chương trình hát cho nhau nghe. Các ca sĩ thường được khách “boa”, “thưởng” tiền bằng cách kẹp tiền vào những nhành hoa lên tặng. Có thể nói đây là một loại hình hoạt động văn hóa văn nghệ mang tính xã hội hóa rất hiệu quả.
Người Phan Rang không ai không biết đến những quán cà phê vườn nổi tiếng ở ngay trung tâm thành phố như quán “Sân Vườn”, “Dây leo xanh”, “279”, “Suối nguồn”, “Góc phố”, “Cỏ Hồng”, “Cà phê Việt”, cà phê K&P nằm trên đường 16 tháng 4, “sông Dinh”, “Dư âm”, “Biển xanh”; “Làng văn”, cà phê có hồ bơi Thủy Nguyên, cà phê “Cảnh”, cà phê “Chiều hạ” v.v và v.v…Mỗi quán đều cố gắng tìm cho mình một phong cách kiến trúc riêng. Bên cạnh những quán cà phê vườn dân dã là những quán cà phê wifi máy lạnh sang trọng như cà phê “Quang Dũng”, cà phê khách sạn Thống nhất, cà phê “Fellinh”, “hoa Tulip”, cà phê “King” với lối kiến trúc Âu châu, v.v…Có thể nói, hiếm có đô thị tỉnh lỵ nào có nhiều quán cà phê đến vậy.
Những ai mới đến thành phố này lần đầu, đều đặt dấu hỏi: quán cà phê nhiều đến vậy, lấy đâu ra khách uống cà phê? Có thể nói, dân ở đây đa phần nghiện cà phê. Hơn nữa, khách đến quán cà phê không chỉ uống cà phê mà có thể uống các loại đồ uống khác. Quán cà phê là địa chỉ gặp gỡ, giao tiếp của bạn bè. Những sáng thứ bảy, chủ nhật, đi dạo một vòng các quán cà phê có thể thấy khách nườm nượp. Xe máy của khách xếp kín các bãi gửi. Một số quán phải cử nhân viên đứng ở cổng thông báo với khách mới đến là hết bàn. Quả thật, những quán như “Sân vườn”, cà phê “Việt” nếu đến trễ là hết chỗ. Khách đến quán cà phê không chỉ có thanh niên mà đủ mọi lứa tuổi, thường đi theo nhóm bạn bè hoặc nhóm gia đình. Nhiều nhóm đi uống cà phê như đi hội, trang điểm và diện những bộ áo váy đẹp nhất. Cũng có nhiều trường hợp biến quán cà phê thành nơi họp bàn công việc của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Quán cà phê ở Phan Rang – Tháp Chàm lúc nào các quán cũng đông nghịt khách. Đài Truyền hình Ninh Thuận đã làm một phóng sự phê bình về việc trong giờ làm việc có hàng chục, hàng trăm cán bộ công chức có mặt ở quán cà phê. Nhiều người đã lên án việc thanh niên bỏ bê chuyện học hành, một bộ phận không nhỏ lớp trẻ thường xuyên la ca là giết thì giờ ở các quán. Một bộ phận thanh niên thất nghiệp, khi các doanh nghiệp về tận các địa phương mở các cơ sở sản xuất, tuyển lao động, đi làm được vài hôm lại bỏ việc ra quán cà phê giết thì giờ vô bổ.
“Gu” cà phê của người Phan Rang là không mặn mà với những loại cà phê bột chế biến sẵn đã có thương hiệu như cà phê Trung Nguyên, cà phê Mê Trang… mà có các đầu mối chuyên chế biến cà phê bỏ cho các quán. Những quán cà phê có tiếng đều có bí quyết chế biến riêng, làm cho khách hàng “nghiện” luôn hương vị cà phê của mình mà không thể bỏ được.
Theo một số người am hiểu về cà phê, trước kia, khi giá cà phê đắt đỏ, một số người chế biến cà phê đều có “mánh lới” để kiếm lời bằng xay bột cà phê trộn lẫn với bột bắp (ngô) theo tỷ lệ 7 bột cà phê, 3 bột bắp, thậm chí những khi giá cà phê lên cao còn cho tỷ lệ bột bắp nhiều hơn. Về hương vị, hầu hết đều mua hương liệu các loại, trong đó có hương liệu của 2 loại cà phê nổi tiếng thế giới là cà phê Arabica và Robusta ở chợ Kim Biên (Chợ Lớn – Sài Gòn).
Gặng hỏi mãi, một anh bạn làm nghề chế biến cà phê, nay đã bỏ nghề mới chịu tiết lộ: Ở Phan Rang, nhiều người còn cho một chút nước mắm nhĩ (nước mắm cốt, đặc quánh), một chút bơ và nhất thiết phải có hương liệu. Ngoài ra, mỗi cơ sở chế biến cà phê lại có những bí quyết riêng, rất khó khai thác.
Bên cạnh những lợi ích cho sức khoẻ con người, cà phê còn là một nét văn hóa độc đáo, là nơi giao lưu gặp gỡ bạn bè, là nơi bàn bạc công việc hoặc đọc báo buổi sáng và đã trở thành thói quen không thể thiếu được của nhiều tầng lớp xã hội.
Tuy nhiên, pha chế và thưởng thức cà phê như thế nào là một vấn đề cần có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi. Mỗi người đều có “gu” và mức độ “ghiền” cà phê khác nhau tuỳ theo lứa tuổi, tuỳ theo sức khoẻ. Ngày nay, với sự cạnh tranh khốc liệt, quán cà phê mọc lên như nấm với rất nhiều loại hình khác nhau nhưng đều tập trung vào xây dựng những kiểu kiến trúc truyền thống hoặc hiện đại với những quanh cảnh đẹp và trang trí bắt mắt tạo nên một nếp văn hoá đẹp.
Một vấn đề cũng cần được đặt ra là sự quản lý chất lượng và kiểm định các hợp chất đối với các sản phẩm cà phê đã chế biến. Bởi vì tất cả đồ ăn, thức uống, trong đó có cà phê ở Việt Nam luôn là vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Để hút khách và giữ khách, biết đâu có thể có chất gây nghiện trong việc pha chế cà phê.
Là một “đệ tử” của chất cafein, xin trao đổi đôi điều về văn hoá cà phê với một vài suy nghĩ ban đầu.
Cafe NGẪU NHIÊN
Một đêm cuối tuần, ngồi một góc bàn nào đó trong cafe NGẪU NHIÊN, bạn bất chợt tìm cho mình một thoáng bình yên, tự tại. Không gian nơi đây thật chan hoà và trầm lắng. Du khách lại được trở về với những hoài niệm vang bóng một thời, được đắm mình trong một thế giới đầy hoa, thơ và nhạc. “Khi mùa xuân vội qua chốn nơi đây…” của một Tuấn Ngọc càng thấy lòng hưng phấn lạ thường, bỗng “… Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau.” khẽ gọi của một Khánh Ly sao mà ấm lòng, mà chung thuỷ đến tận cùng.
Xin nhắn gửi cùng ai giữa cuộc sống đời thường, nếu có một lần về với NGẪU NHIÊN, cũng là về với chính mình bên giọt cafe đầy suy tư và xúc cảm.