Sau khi hiến máu có bị tăng cân không?

Máu là món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho mỗi chúng ta. Hàng ngàn người không may mắn đang khao khát chờ có máu để được cứu sống. ''Thương người như thể thương thân'' xin đừng ngại ngần, máu của bạn là vô giá với người bệnh.

 

Quan niệm hiến máu để...có da, có thịt có đúng?

Sau khi hiến máu, cơ thể huy động năng lượng, nguyên liệu để tái tạo lượng máu mới nên dễ kích thích sự thèm ăn, thèm ngủ. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ khiến cơ thể tăng cân.

Rất nhiều sinh viên đang rỉ tai nhau bí quyết tăng cân mà không cần tẩm bổ nhờ… hiến máu. Bác sĩ Ngô Mạnh Quân, Viện Huyết học truyền máu Trung ương, khẳng định: “Qua nghiên cứu khoa học và thực tiễn theo dõi hàng triệu người hiến máu tình nguyện, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh hiến máu có thể giúp tăng cân”.

N.T.N, 19 tuổi, sinh viên năm thứ 2 ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội), kể, ngay từ hồi học cấp 3, em đã bị bạn bè gán cho biệt danh “cây sào” vì người cao 1,65 m nhưng chỉ nặng có 45 kg.

Mặc dù đã cố gắng tẩm bổ bằng cách ăn thật nhiều, thậm chí uống cả thuốc bổ nhưng cân nặng của N. vẫn không được cải thiện. N. cho biết: “Mấy bạn cùng lớp đã từng đi hiến máu đều nói tăng cân. Sắp tới trường có tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện em sẽ đăng ký, để mình trông có da có thịt hơn”.

 

Hiến máu tình nguyện là nghĩa cử cao đẹp. Ảnh: Internet

Còn bạn T.T.K, sinh viên năm thứ nhất CĐ Bách Khoa, khoe đã tăng được 2 kg ngay sau lần hiến máu tình nguyện đầu tiên. K. cũng đã vận động mấy bạn trong khu xóm trọ đi hiến máu để tăng cân giống mình.

K. hào hứng: “Mấy đứa bạn bảo em trông béo hơn hẳn. Chúng nó thấy người thật việc thật như thế nên thích đi hiến máu lắm. Cuối tuần này em sẽ dẫn các bạn ra trạm y tế phường để đăng ký hiến máu”.

Trong khi, những người gầy hồ hởi rủ nhau đi hiến máu để tăng cân thì một số sinh viên đang thừa cân lại lo sợ mình sẽ béo thêm khi hiến máu. Cô bạn T.B.L, ở cùng khu trọ với K. nhất định không đi hiến máu tình nguyện dù đã đăng ký. L.nói: “Nghe bạn K. nói sau khi hiến máu sẽ tăng cân, em chẳng dám đi nữa, nếu béo nữa thì em sẽ lăn nhanh hơn đi”.

Chưa có bằng chứng khoa học

Bác sĩ Quân cho biết, theo nguyên lý, việc hiến máu rất tốt cho cơ thể vì sản sinh lượng máu mới. Phong trào hiến máu tình nguyện rất phát triển trong giới học sinh, sinh viên, sau khi thực hiện xong các bạn trẻ thường có cảm giác hồ hởi, tinh thần sảng khoái. Cơ thể lúc này cũng huy động năng lượng, nguyên liệu để tái tạo lượng máu mới nên dễ kích thích sự thèm ăn, thèm ngủ. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ khiến cơ thể tăng cân.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, hiến máu tình nguyện là một nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc và cần được đẩy mạnh trong xã hội. Chính vì thế, các bạn trẻ không nên có quan điểm hiến máu có tăng cân thì mới làm.

Các bác sĩ khuyến cáo, nhằm đảm bảo sức khỏe, sau khi hiến máu, nên uống nhiều nước, không nên lao động nặng trong hai ngày đầu. Trong ngày đi hiến máu, nên hạn chế sử dụng rượu bia, cần tăng cường thức ăn bổ máu như thịt, cá, trứng, sữa, đậu tương… Khoảng cách giữa các lần hiến máu an toàn là 12 tuần một lần.

Sự thật là?

Những thay đổi của cơ thể sau khi hiến máu

Máu có hai thành phần chính là tế bào (gồm hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu) và huyết tương.Trong đó, quá trình tạo thành từ hồng cầu là tủy xương. Sau 120 ngày hồng cầu sẽ tự động tiêu hủy và hồng cầu mới ra đời.

Mỗi lần hiến máu, cơ thể chúng ta mất tối thiểu 250ml ( tùy người), tuy nhiều hơn lượng máu mất đi ( từ 25-50ml) mỗi ngày theo sinh lý của con người nhưng điều này giúp thúc đẩy việc tạo máu mới nhanh hơn 5-7 lần.

 

Trong quá trình hiến máu, cơ thể chúng ta có những chuyển hóa hormone để sản xuất ra máu mới. Các thành phần trong máu được trẻ hóa, tốt hơn, tạo ra sự hưng phấn giúp chúng ta ăn, ngủ ngon hơn. Cũng từ vấn đề này, những cơ thể thích ứng tốt sẽ tăng cân.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đạt được điều này, tăng cân hay không tùy vòa cơ địa của mỗi người.Nhưng một điều không thể  phủ nhận là sau khi hiến máu, cơ thể chúng ta sẽ khỏe hơn.

Hiến máu có lợi và hại gì?

Máu được cấu tạo bởi một số loại tế bào khác nhau hay còn gọi là thành phần hữu hình và huyết tương. Các thành phần hữu hình gồm: Hồng cầu (chiếm 96%), Bạch cầu (chiếm khoảng 3%), Tiểu cầu (chiếm 1%).

Còn huyết tương là dung dịch chứa đến 96% nước, 4% là các protein huyết tương và rất nhiều chất khác. Mỗi thành phần của máu chỉ có đời sống nhất định và luôn luôn được đổi mới hằng ngày. Ví dụ: Hồng cầu sống được 120 ngày, huyết tương thường xuyên được thay thế và đổi mới.

Lượng máu trong cơ thể tương đối hằng định nhờ quá trình điều hoà sinh máu (trung bình là 77 ml/kg cân nặng đối với nam và 66 ml/kg cân nặng đối với nữ). Một người lớn khỏe mạnh có khoảng 3,8 đến 5,6 lít máu.

Vì vậy, các nghiên cứu về huyết học cho thấy, nếu mỗi lần hiến dưới 1/10 lượng máu trong cơ thể thì không có hại đến sức khỏe, sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường không hề gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của cơ thể.

Trái lại, lượng máu được "tồn trữ" trong gan, lách không được lưu thông, nhưng khi hiến máu, cơ thể sẽ được "làm mới" lại bằng lượng máu tương ứng do tuỷ xương sản sinh ra. Trên thực tế, đã có hàng triệu người hiến máu nhiều lần mà sức khỏe vẫn hoàn toàn tốt. Trên thế giới có người hiến máu trên 400 lần. Ở Việt Nam, người hiến máu nhiều lần nhất đã hiến gần 100 lần, sức khỏe hoàn toàn tốt.

Hiện nay nhu cầu về máu tại các bệnh viện để cứu sống người dân là vô cùng cấp thiết. Mỗi giờ có hàng trăm người bệnh cần phải được truyền máu vì: Bị mất máu do chấn thương, tai nạn, thảm hoạ, xuất huyết tiêu hoá; Do bị các bệnh gây thiếu máu, chảy máu: ung thư máu, suy tuỷ xương, máu khó đông…;

Các phương pháp điều trị hiện đại cần truyền nhiều máu: phẫu thuật tim mạch, ghép tạng... Theo đó, mỗi năm nước ta cần khoảng 1.700.000 đơn vị máu điều trị nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Nhưng nếu chỉ cần một bịch máu (khoảng 200ml) đã có thể cứu một mạng người.

Vì vậy, để vừa trực tiếp tham gia cứu sống người bệnh, vừa đảm bảo được sức khoẻ, các nhà chuyên môn đưa ra lời khuyên đối với người tham gia hiến máu: Cần ăn sáng đầy đủ trước khi hiến máu, ví dụ uống cốc nước cam và ăn một bát phở, không nên dùng các chất kích thích trước khi hiến máu như: Rượu,  cà phê, chè ...vì chất cafein làm cơ thể mất nước.

Ngay sau khi hiến máu, nên: Chỉ dời điểm hiến máu khi thực sự thoải mái và được sự đồng ý của nhân viên y tế. Nếu cảm thấy chóng mặt, mệt, buồn nôn nên nằm nghỉ 10 – 15 phút; Uống nhiều nước sau khi hiến máu; Để miếng băng dính sau ít nhất 4-6 giờ mới bỏ đi. Trong 2-3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, không uống rượu, bia và làm việc gắng sức (leo núi, tập tạ …).

Ngoài ra hiến máu sẽ là cử chỉ đẹp được nhiều người cảm kích. Bên cạnh đó, điều này giúp cơ thể tràn đầy sức sống hơn, máu của chúng ta sẽ sàn lọc kỹ càng từ ngân hàng máu. Nếu có vấn đề đối với cơ thể, chúng ta sẽ được tư vấn để có thể đi xét nghiệm chuẩn đoán bệnh sớm. Hơn nữa, những người trực tiếp hiến máu sẽ được ưu tiên bồi hoàn lại máu trong trường hợp nếu cơ thể họ cần.

Hiến máu là cử chỉ đẹp

Bạn có biết? Trung bình, mỗi kg trọng lượng cơ thể có từ 70-90ml máu, người có cân nặng 50kg có khoảng 3500-4500ml máu, lượng máu mỗi lần chúng ta hiến nhỏ hơn 10% lượng máu của cơ thể.

Mỗi năm hiến máu từ 3-4 lần được xem là bình thường, Chúng ta nên tránh việc lấy lượng máu qua nhiều trong một lần cũng như số lần hiến, vì việc này làm máu tái tạo lại không kịp, dẩn đến suy nhược cơ thể.

Một số lưu ý khi hiến máu:

- Những người hiến máu cần đảm bảo một số yêu cầu tối thiểu nhất. Đầu tiên không mắc bệnh, đặc biệt là những căn bệnh lây nhiễm. Độ tuổi cũng là một yếu tố quan trọng cần lưu ý, nam tuổi từ 18-60, nữ từ 18-55 mới được hiến máu. 

- Ngoài ra, còn có những lưu ý trước và sau khi truyền máu nhằm đảm bảo lượng máu đủ chất lượng và cơ thể chúng ta có thể phục hồi tốt. 

- Trước khi hiến máu, không nên thức khuya, tránh uống rượu bia, luôn giữ cho tinh thần thư giãn, thoải mái. Trong ngày hiến máu, nếu sốt nhẹ chúng ta có thể bị từ chối.

- Sau khi hiến máu 24 giờ, ngoài những chú ý trên, chúng ta cần tránh làm những việc nặng, không chạy xe đường dài hay tập trung cao độ vào việc nào đó và nên bồi bổ nhẹ cơ thể. Nếu tuân theo những quy định cần thiết để chăm sóc cơ thể, chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng gì.


Quyền lợi của người hiến máu

-Phục vụ ăn uống nhẹ tại chỗ trước và sau khi hiến máu.
- Máu hiến trước khi được sử dụng trong bệnh viện, phải thông qua nhiều xét nghiệm đắt tiền, người hiến máu không phải trả tiền.
- Bản thân người hiến máu nhân đạo trong trường hợp phải truyền máu tại các cơ sở y tế công lập, được miễn trả tiền máu tối đa bằng số lượng máu đã hiến theo thẻ Chứng Nhận Hiến Máu.
- Được nhận phần quà bồi dưỡng sức khỏe bằng hiện vật nhằm động viên khuyến khích HMNĐ và được hổ trợ chi phí đi lại hiến máu.
- Được khám sức khỏe tổng quát và tư vấn sức khỏe miễn phí.
- Người tham gia hiến máu nhân đạo được tôn vinh, khen thưởng theo thành tích hiến máu.
- Không có chế độ miễn giảm viện phí đối với người hiến máu, nhưng các ban Chỉ đạo vận động HMNĐ từ thành phố, quận , huyện đến phường xã cùng ác ban nghành đoàn thể có liên quan, có trách nhiệm hổ trợ một phần viện phí cho người hiến máu nhiều lần có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi họ yêu cầu.

LÀM SAO ĐỂ CÂN BẰNG ĐƯỜNG HUYẾT SAU KHI HIẾN MÁU

Luôn sẵn sàng

Trong bất kì một tình huống hay sự kiện nào, việc chuẩn bị tinh thần luôn rất cần thiết, đặc biệt là trong trường hợp bạn có thể gặp nguy hiểm cho sức khỏe. Trước khi hiến máu, phải đảm bảo các bữa ăn thông thường để tăng cường lượng dưỡng chất và khoáng chất trong máu vì khi hiến máu, những chất này có thể bị mất đi. Nếu bạn theo một chế độ ăn cụ thể, phải chắc chắn nó chứa đủ vitamin và khoáng chất cần thiết. Ngoài ra, điều này cũng dựa vào những gì mà bác sĩ tư vấn cho chế độ ăn kiêng trước khi hiến máu.


Đừng quá kiêng khem

Việc ăn thêm bữa hay món phụ sau khi hiến máu là bình thường. Điều này không những chứng tỏ sự thèm ăn mà còn đảm bảo chúng ta có thể khỏe mạnh trở lại sau khi mất một lượng máu khá lớn. Mất nước sẽ trở thành vấn đề nếu bạn không kịp bù nước, không chỉ sau khi hiến máu mà phải trong cả một ngày.

Mất nước khiến bạn có thể bị vọp bẻ hay đau đầu. Nước tăng lực rất cần thiết cho cơ thể lâu dài. Đối với ăn nhẹ, bạn có thể chọn những thanh Granola giàu năng lượng, nó có thể giúp bạn vượt qua những cơn chóng mặt hay buồn nôn- những triệu chứng không thể tránh khỏi sau khi hiến máu.

Sau vài giờ, bạn bắt buộc phải ăn một bữa thật thịnh soạn để tái tạo các tế bào máu và duy trì mức sắt trong cơ thể. Ngoài ra, còn một cách để cân bằng lượng đường trong máu là ăn những thức ăn có nhiều sắt như các loại rau xanh, thịt, trái cây khô, và ngũ cốc.

Không nên vội vã hoạt động

Sau khi hiến máu, trước hết kiểm tra xem bạn có bị nhức đầu, buồn nôn, vọp bẻ, hoa mắt, xây xẩm hay thậm chí bất tỉnh hay không? Nếu bạn mắc phải một trong bất kì các triệu chứng trên, trước hết nên ngồi xuống cho đến khi bạn có thể tự đi lại được.

Cũng như đã đề cập ở trên, lúc này bạn cần bổ sung những thức ăn giàu năng lượng và nước. Phải chắc chắn mình không còn những triệu chứng này trước khi lái xe về nhà đấy nhé! Sau khi đã trở lại bình thường, không có nghĩa là bạn được phép tập thể dục hay nâng tạ nặng. Bạn cần nghỉ ngơi hai ngày để cơ thể phục hồi trở lại như cũ.

Lời khuyên & Cảnh báo

Việc tuân thủ theo đúng những gì đã nêu có thể sẽ giúp bạn mau chóng bình phục sau khi mất một lượng máu khá lớn. Việc ổn định đường huyết cần phải được ưu tiên dựa vào việc hấp thụ các chất khoáng và dung dịch mất đi khi hiến máu.

Vì máu chứa các thành phần giúp ta duy trì sự sống, bạn phải bổ sung đầy đủ thực phẩm giàu sắt và nhiều nước. Ngủ cũng là một cách giúp hồi phục sức khỏe nhanh chóng. Hiến máu là một nghĩa cử đẹp nhưng trước hết bạn phải chuẩn bị cho mình những kiến thức bổ ích vì sức khỏe là điều rất quan trọng.


(ST)

tại sao trước khi hiến máu phải uống trà gừng
hơn 1 tháng trước - Thích (16)
Gửi hỏi đáp - bình luận