Stress là gì?

STRESS LÀ GÌ?

 

K hông giống như những thói quen về sức khỏe có thể trực tiếp đưa những tác nhân gây biến đổi tình trạng sức khỏe vào trong cơ thể, stress chỉ các thay đổi về tâm sinh lý xảy ra nhằm đáp ứng các với các kích thích được cơ thể nhận biết là đe dọa hoặc có hại . Những điều mà chúng ta nghĩ đến và cách thức mà chúng ta cảm thấy đều có ảnh hưởng đến sức khỏe; tâm trí và thân thể liên hệ với nhau một cách mật thiết. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét khái niệm về stress và những tác động của nó đối với sức khỏe và bệnh tật.

ĐỊNH NGHĨA STRESS

Stress là một khái niệm khó nắm bắt. Nó đã được định nghĩa theo nhiều cách: như một tác nhân môi trường , một đáp ứng sinh lý , và như một quá trình nhận thức - hành vi . Các định nghĩa này đều tập trung vào một bình diện cơ cấu (organizational level) nào đó và loại bỏ một cách tương đối những bình diện khác; và điều này đã dẫn đến nhiều sự nhầm lẫn. Mỗi một định nghĩa đơn bình diện (single-level) này sẽ được xem xét một cách vắn tắt để đưa những lý thuyết và nghiên cứu liên quan đến stress vào những bối cảnh lịch sử cụ thể. Mỗi một trong số những cách nhìn này đều không đầy đủ. Khái niệm về stress vốn dĩ là một khái niệm đa bình diện (multilevel), nó bao gồm những đáp ứng thuộc về cảm xúc, hành vi và sinh lý của cơ thể thông qua sự tương giao với môi trường. Sau khi những lý thuyết trên từng bình diện được xem xét, một cách nhìn tổng hợp về stress sẽ được trình bày.

Stress - Một đáp ứng sinh học

Quan niệm về stress liên quan đến sức khỏe thể chất đã bắt nguồn từ các nhà sinh học. Theo cách nhìn sinh học, stress được định nghĩa là một hội chứng đặc hiệu bao gồm tất cả những thay đổi được gây ra một cách không đặc hiệu bên trong hệ thống sinh học (Selye, 1956). Stress là một đáp ứng sinh lý có tính không đặc hiệu, xét về cả nguyên nhân lẫn kết quả. Bất cứ sự kiện nào đòi hỏi sự thích ứng đều làm khởi phát các đáp ứng sinh lý đặc trưng cho stress. Những đáp ứng này cũng có tính không đặc hiệu; các loại sự kiện gây stress khác nhau đều dẫn đến những biến đổi tương tự nhau. Chúng ta hãy xem xét tóm tắt những đáp ứng sinh lý được dùng để định nghĩa stress.

Trong khi Selye (1956) lần đầu tiên đưa ra khái niệm về stress, Cannon (1927) là nhà nghiên cứu đầu tiên mô tả một cách khái quát một phản ứng đối với sự đe dọa mà ông gọi là phản ứng “chống hoặc chạy” (fight or flight). Cannon cho rằng khi một sinh vật đương đầu với một sự đe dọa cho sự sống còn của mình, thì các biến đổi sinh lý sẽ xảy ra theo một mô hình đã được “cài đặt” sẵn. Có sự gia tăng nhịp tim, huyết áp và hô hấp. Máu được phân bố đến các bắp cơ lớn và các quá trình tiêu hóa bị ngưng lại. Những thay đổi này nhằm chuẩn bị cho cơ thể sinh vật ấy thực hiện được những hành động mạnh mẽ nhằm đáp ứng với sự đe dọa: hoặc chống trả, hoặc “cao chạy xa bay”. Sự khuấy động ấy là một khả năng hoạt hóa đã được cài đặt sẵn bên trong cơ thể sinh vật, tạo nên cơ may sống còn của nó dưới những điều kiện đe dọa. Tất cả chúng ta đều từng trải qua sự kích hoạt này. Ngay sau khi thoát khỏi một tai nạn gần kề, bạn thấy ngay tim đập thình thịch, cảm giác nôn nao và lòng bàn tay ẩm mồ hôi.

Selye (1956) đã quan sát thấy một hệ thống liên quan của các đáp ứng sinh lý chung nhất khi những sinh vật tiếp xúc với các kích thích có hại như bị dồn ép trong đám đông, nhiệt độ lạnh hoặc tiếp xúc các độc tố. Ông gọi các đáp ứng này là Hội chứng thích nghi tổng quát (GAS - general adaptation syndrome). GAS ngụ ý chỉ những hoạt động thần kinh và nội tiết cho phép cơ thể sinh vật chống lại những kích thích sinh lý có hại. GAS được chia làm ba giai đoạn: báo động (alarm), kháng cự (resistance) và kiệt quệ (exhaustion). Trong giai đoạn báo động, có sự bài xuất liên tục các hormone từ tuyến thượng thận, mà điều này được cho là để bảo vệ cơ thể sinh vật chống lại các kích thích có hại. Nếu các kích thích này vẫn không giảm bớt, những hormone tuyến thượng thận sẽ bắt đầu gây ra những tác hại cho hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Nếu các yếu tố gây stress tiếp tục đủ lâu, sinh vật sẽ bị chết vì tiềm năng thích ứng của nó sẽ bị kiệt quệ.

Trong lúc Selye và Cannon mô tả một cách tỉ mỉ những ảnh hưởng sinh lý của stress, họ đã không nhận ra được tầm quan trọng của những thông số tâm lý và hành vi trong việc xác lập những đáp ứng sinh lý này. Sự xuất hiện các đáp ứng “chống hoặc chạy” và GAS tùy thuộc vào sự nhận biết của đương sự về các kích thích có hại và việc người đó có diễn giải các kích thích này là có tính đe dọa hoặc có hại cho họ hay không. Khi các kích thích có hại xảy đến mà không có sự nhận biết của đương sự, các đáp ứng sinh học sẽ không xảy ra (Mason, 1975b). Ví dụ, những bệnh nhân sắp chết nhưng đang trong tình trạng hôn mê thì không biểu hiện một bằng chứng sinh học nào của stress; trong khi những người sắp chết nhưng còn tỉnh thì lại biểu hiện các phản ứng (Syrington, Currie, Curran, Davidson, 1955).

Selye và Cannon sử dụng các kích thích có hại về thể chất làm yếu tố gây stress. Các phản ứng “chống hoặc chạy” và GAS cũng được gây ra từ những kích thích có hại về tâm lý, như chán chường, thi cử, hoặc xem một cuốn phim kinh dị (Frankenhaeuser, 1972, 1978). Sự khuấy động sinh lý xảy ra để đáp ứng với cả những kích thích về tâm lý lẫn thể chất. Trong các thực nghiệm của Selye và Cannon, các sinh vật không được điều kiện hóa để đáp ứng bằng hành vi với các yếu tố gây stress. Trong môi trường tự nhiên, con người lại có thể đáp ứng một cách điển hình với các tác nhân gây stress. Sự xuất hiện phản ứng “chống hoặc chạy” hoặc GAS phụ thuộc vào khả năng tiên đoán và kiểm soát các sự kiện có hại. Một loạt nghiên cứu của Weiss (1968, 1971a, 1971b) đã cho thấy tầm quan trọng của những khả năng tiên đoán và kiểm soát ấy. Trong một nghiên cứu, hai nhóm chuột được cho tiếp xúc với một loạt các cú sốc điện. Các con chuột trong nhóm thứ nhất có thể đạp lên một đòn bẩy để thoát khỏi các cú sốc; những con trong nhóm thứ hai cũng nhận các cú sốc điện như nhóm thứ nhất, nhưng không có khả năng né tránh. Chuột trong nhóm thứ nhất được thấy ít bị loét dạ dày hơn nhóm thứ hai. Trong một thí nghiệm tương tự, những con chuột được nhìn thấy những tín hiệu báo cho biết sốc điện sắp xảy ra, ngay cả khi không có khả năng né tránh bằng hành vi, cũng ít bị loét hơn những con chuột chịu những cú sốc điện tương tự nhưng không được báo trước bằng tín hiệu và không có khả năng né tránh. Do vậy, tiên đoán được một sự kiện có hại xảy ra vào lúc nào thì tốt hơn là khi không có thông tin gì về sự kiện này. Trong thí nghiệm sau cùng, Weiss thấy rằng những con chuột nhận được một tín hiệu mà nhờ đó giúp cho đáp ứng hành vi của chúng có hiệu quả cắt được cú sốc điện cũng sẽ ít bị loét dạ dày hơn những con chuột bị sốc điện nhưng không nhận được tín hiệu báo tin. Để tóm tắt những phát hiện của Weiss, một sự kiện đe dọa sẽ ít gây ra những hậu quả tai hại nếu chúng ta biết được khi nào nó sẽ xảy ra, nếu chúng ta có thể làm được một việc gì đó trước sự kiện ấy, và nếu chúng ta nhận được những phản hồi về hiệu quả của hành động ấy. Tầm quan trọng của khả năng tiên đoán và kiểm soát cũng được thấy trong các đáp ứng của con người đối với những tác nhân gây stress (Rodin, 1980).

Quan niệm cho rằng đáp ứng sinh lý với stress là có tính không đặc hiệu (giống nhau trong mọi điều kiện có hại) cũng đã bị thách thức. Các biến đổi sinh lý còn tùy thuộc vào cách thức phản ứng của đương sự về hành vi và cảm xúc. Nhiều mô hình sinh lý khác nhau đã được phát hiện khi người ta đáp ứng với yếu tố gây stress bằng sự sợ hãi hơn là giận dữ (Mason, 1975b), bằng sự cảnh giác hơn là hành động (Obrist, 1976), bằng phương thức ganh đua, thù địch hơn là bằng phương thức ôn hòa (Dembroski, 1981). Cách thức mà chúng ta diễn giải hoặc đối phó với những tình huống đe dọa sẽ ảnh hưởng đến mô hình khuấy động sinh lý liên quan đến tình huống đó. Cách nhìn về stress dựa trên các đáp ứng sinh học không phải là không đúng, nhưng nó chưa được hoàn hảo.

Stress - Một sự kiện từ môi trường

Quan niệm về stress như một sự kiện từ môi trường được xuất phát từ các quan sát lập đi lập lại của tình trạng suy sụp về sinh lý và hành vi ở những người tiếp xúc với các điều kiện sống khắc nghiệt, như tham chiến trong quân đội (Grinker & Spiegal, 1945) và bị những mất mát (Lindemann, 1944). Nếu như môi trường khắc nghiệt dẫn đến những hậu quả tiêu cực, thì sự tích lũy dần những sự kiện ít khắc nghiệt hơn cũng có thể có những hậu quả tai hại. Từ cách nhìn này, stress được định nghĩa như một sự kiện từ môi trường đòi hỏi một cá nhân phải thử thách những tiềm năng và đáp ứng không bình thường (Holroyd, 1979). Stress trú ngụ trong những “đòi hỏi” của sự kiện hơn là bên trong cá nhân người ấy.

Các nghiên cứu thực hiện theo quan điểm môi trường đều có bản chất dịch tễ học: số lượng và mức độ của các sự kiện gây stress sẽ có tính tiên lượng cho tình trạng sức khỏe của đương sự (Dorenwend, 1981). Một cách có phương pháp, các đương sự được yêu cầu liệt kê những sự kiện gây stress mà họ đã trải qua trong một khoảng thời gian nhất định (trong 6 tháng chẳng hạn), ví dụ danh sách về các sự kiện mới nhất (SRE: schedule of recent events) của Holmes Rahe, 1967. SRE gồm nhiều tiết mục như ly hôn, cưới hỏi, sinh con, ngồi tù, mắc nợ, lễ giáng sinh… Mỗi tiết mục được đánh giá dựa trên giả định rằng một số việc (cưới hỏi) có tính “đòi hỏi” nhiều hơn một số việc khác (lễ giáng sinh). Việc đánh giá các sự kiện được giả định một cách dứt khoát rằng mỗi một sự kiện nhất định đều có tính chất gây stress như nhau với tất cả mọi người. Cả những sự kiện tích cực lẫn tiêu cực đều được xem là có tính gây stress, vì cả hai loại đều đòi hỏi sự thích ứng.

Rất nhiều nghiên cứu đã sử dụng SRE để đánh giá mối liên quan giữa stress và sức khỏe. Những nghiên cứu nhằm tiên đoán bệnh trong tương lai và giải thích căn bệnh trong hiện tại đã tìm ra mối liên quan giữa số lượng và mức độ của các yếu tố gây stress với khả năng mắc các bệnh như đột tử do bệnh tim, các cơn đau thắt ngực, lao (Rabkin, Struening, 1976) và một số bệnh nhiễm trùng (Jemmotti, Locke, 1984).

Có vài vấn đề trong phương pháp tiếp cận với stress về khía cạnh môi trường. Liên quan giữa stress và bệnh tật có mức độ vừa phải; tương quan trung bình khoảng 0,12; tối đa 0,3 (Tanig, 1982). Các đánh giá về mặt môi trường của stress có khả năng tiên đoán giới hạn. Trái với quan điểm về môi trường, không hẳn tất cả những thay đổi đều nhất thiết có tính gây stress. Những thay đổi như mãn kinh và về hưu không được xem là yếu tố gây stress nếu chúng xảy ra “đúng lúc” và được dự kiến trước. Trong vài trường hợp, tình trạng ít thay đổi lại có thể gây stress. Những tình huống chán chường kéo dài hoặc không được thăng tiến lại thường được xem là có thể gây stress (Lazarus, Folkman, 1984).

Các sự kiện cũng không có tính gây stress như nhau ở tất cả mọi người. Mức độ stress phụ thuộc vào ý nghĩa của sự kiện và những tiềm năng sẵn có ở mỗi người. Ví dụ, Lazarus, Homikos Rankin đã cho những đối tượng nghiên cứu của họ xem cuốn phim về một tai nạn đáng sợ, trong đó một công nhân bị đứt một ngón tay và một người khác bị chết do một tấm gỗ lớn đâm xuyên qua ngực. Trước khi xem, một số đối tượng được cho biết rằng cuốn phim chỉ là một sự dàn cảnh, còn các đối tượng khác thì không được thông báo gì. Những người được biết trước thì ít bị khuấy động và lo âu hơn, có lẽ do họ đã nhận định sự việc là “không thật”. Việc nhận định về sự kiện đóng vai trò trung tâm trong khi xác định mức độ gây stress của sự kiện.

Mức độ stress cũng tùy thuộc vào những kỹ năng và tiềm năng sẵn có của đương sự trong việc ứng phó với sự kiện . Nuchol, Cassel Kaplan (1972) đã đánh giá những hậu quả của stress và khả năng ứng phó trong thai kỳ đối với các biến chứng khi sinh đẻ. Tuy nhiên, khi xem xét chung các sự kiện trong đời sống và khả năng ứng phó, người ta thấy chúng có liên quan chặt chẽ với nhau. 90% phụ nữ có điểm số thay đổi đời sống (life change score) cao và khả năng ứng phó kém đều được chứng minh là có ít nhất một biến chứng, trong khi chỉ 33% có điểm số thay đổi cao và khả năng ứng phó cao bị biến chứng.

Quan niệm về stress như một sự kiện có tính “đòi hỏi” từ môi trường là chưa đầy đủ. Những cuộc xét lại các sự kiện gây stress gần đây đã sửa chữa một số nhược điểm này bằng cách yêu cầu đương sự xác định mức độ ảnh hưởng - tích cực hoặc tiêu cực - của những sự kiện mà họ đã trải qua (Sarason, Johnson, Siegel, 1978). Thông qua việc chia mức độ như thế, những phương thức đánh giá mới này đã cố gắng ghi nhận khả năng nhận định và ứng phó của các đương sự. Trái với những quan niệm cho rằng bất kỳ sự kiện thay đổi nào cũng gây stress, dữ kiện từ các đánh giá đã cho thấy các sự kiện tích cực có tính tăng cường sức khỏe hơn là hủy hoại sức khỏe (DeLongis, Coyne, Dakof, Folkman, Lazarus, 1982; Sarason, 1978).

Cách nhìn về stress theo quan điểm sinh học và môi trường cơ bản là những mô hình kích thích - đáp ứng ( S timulus- R esponse model ). Chúng không cung cấp một cái nhìn thấu đáo vào những thông số và những quá trình trung gian điều hòa mối liên quan giữa các sự kiện có hại và các đáp ứng sinh học. Nếu những sự kiện gây stress dẫn đến hậu quả tiêu cực cho sức khỏe, thì điều đó xảy ra như thế nào?

Stress - Một hiện tượng thuộc về nhận thức - hành vi

Phương pháp tiếp cận về mặt nhận thức - hành vi định nghĩa stress như một quá trình tương giao giữa con người và môi trường, trong đó đương sự nhận định sự kiện từ môi trường là có tính chất đe dọa và có hại, và đòi hỏi đương sự phải cố gắng sử dụng các tiềm năng thích ứng của mình (Lazarus, 1966; Lazarus, Folkman, 1984). Stress không chỉ trú ngụ trong sự kiện hoặc trong đáp ứng của đương sự, mà tồn tại trong cả hai yếu tố đó, cũng như trong các đáp ứng nhận thức-hành vi giữ vai trò điều hòa hai yếu tố đó. Cách nhìn này rõ ràng nhấn mạnh vào khía cạnh nhận thức - hành vi (thuộc về tâm lý) trong việc hiểu biết về stress, vì thế, nó đã bù đắp vào những thiếu sót của các mô hình stress “sinh học” và stress “môi trường”.

Hai quá trình trung tâm trong quan điểm tâm lý-hành vi là nhận định (cognitive appraisal) và ứng phó (coping). Nhận định là quá trình mà qua đó đương sự đánh giá sự kiện là có tính đe dọa hoặc có hại hay không, nếu có thì ở mức độ nào. Một sự kiện chỉ gây stress khi đương sự nhận định là “có hại”. Ứng phó là quá trình xảy ra những đáp ứng về hành vi, nhận thức và tình cảm của đương sự đối với sự kiện. Một sự kiện chỉ gây stress khi đương sự thiếu các phương tiện để ứng phó. Bằng cách tích hợp các bình diện nhận thức, cảm xúc, hành vi và môi trường của stress, quan điểm này do vậy có thể được dùng làm khởi điểm cho việc xây dựng một phương thức tiếp cận stress một cách có hệ thống. Quan điểm nhận thức - hành vi bỏ qua bình diện sinh học của stress cùng những liên quan giữa sinh học với các bình diện nhận thức, xúc cảm, hành vi.

STRESS - MỘT QUAN ĐIỂM HỆ THỐNG

Stress là một khái niệm mang tính tổ chức, liên hệ đến nhiều thông số và quá trình, xảy ra trên nhiều bình diện của sự phân tích: sinh lý, nhận thức - cảm xúc, hành vi và môi trường. Vì thế, stress là một đáp ứng tích hợp sinh học - tâm lý - xã hội với những sự kiện được xem là có hại và đòi hỏi những kỹ năng ứng phó của đương sự. Chúng ta sẽ khảo sát từng bình diện một cách chi tiết và mô tả những ảnh hưởng qua lại của chúng.

Nhận định (cognitive appraisal)

Các kích thích không mong muốn từ môi trường, sinh lý và tinh thần không gợi lên ngay một đáp ứng stresss. Đương sự không thụ động tiếp nhận kích thích, mà chủ động nhận định về nó. Nhận định là quá trình trong đó chúng ta gán những ý nghĩa cho các sự kiện bên trong chung ta hoặc xung quanh chúng ta (Levine, Weinberg, Ursin, 1978). Chúng ta thường xuyên đánh giá sự thích đáng đối với bản thân (personal relevance) và ý nghĩa hưởng lạc (hedonic connotation) của những kích thích mà chúng ta chú tâm đến. Dựa trên kinh nghiệm quá khứ và hoàn cảnh hiện tại, một kích thích có thể được đánh giá là: (1) không đáng kể (một tình trạng không có ý nghĩa đặc biệt nào); (2) lành tính (một tình trạng tích cực, làm gia tăng phúc lợi cá nhân); hoặc (3) tiêu cực (một tình trạng thực sự tiêu cực, đe dọa đến phúc lợi cá nhân) (Lazarus, Launier, 1978). Stress liên quan đến việc nhận định một sự kiện là có tính đe dọa, có hại hoặc thách thức. Giả sử bạn lái xe lên miền núi để thực hiện một kỳ trượt tuyết và gặp phải một trận bão tuyết. Con đường có thể vượt qua được, nhưng bị đóng băng rất nhiều. Nhiều xe hơi, xe tải được thấy nằm trong các mương rãnh ở hai bên đường. Bạn thật khó mà điều khiển được xe. Có lẽ bạn sẽ thấy rất căng thẳng và tức giận. Bạn cũng đang trong tình trạng nguy hiểm và có thể bị mất một kỳ nghỉ đáng giá mà bạn đã chuẩn bị từ lâu. Như đã nêu trong phần đầu, một tình huống nhất định có thể gợi lên một số kiểu nhận định tiêu cực.

Một khi sự kiện được nhận định là “tiêu cực”, một sự lượng giá khác cũng sẽ được thực hiện nhằm xem xét có thể làm được gì để ứng phó với sự kiện và liệu những việc ấy sẽ mang lại hiệu quả như thế nào. Quá trình này gọi là nhận định khả năng ứng phó (coping appraisal) (Lazarus, Folkman, 1984). Nếu quá trình nhận định kích thích (stimuli appraisal) đặt ra các câu hỏi chính như “Sự kiện này có ý nghĩa gì đối với ta?”, thì quá trình nhận định khả năng ứng phó sẽ đặt ra câu hỏi “Ta có thể làm gì để giải quyết vấn đề này?” và “Những việc ấy sẽ có hiệu quả như thế nào?”. Giai đoạn này bao gồm việc đề ra một chiến lược ứng phó (coping strategy) đối với tác nhân gây stress và ước tính hiệu quả của những chiến lược này.

Ví dụ, để tiếp tục lái xe (trong tình huống nêu trên), mối quan tâm của bạn về tình trạng đường sá và mong muốn thực hiện kỳ trượt tuyết khiến bạn phải xem xét để lựa chọn một giải pháp. Bạn có thể rời khỏi con đường và chờ đợi một xe ủi tuyết; bạn có thể lái xe chầm chậm cho đến khi tìm được lối ra và chờ cho qua cơn bão; hoặc tìm một lối đi khác ít nguy hiểm hơn. Bạn có thể đưa ra bất kỳ sự lựa chọn nào, nhưng phải liệu xem chúng có giúp ích gì hay không? Ngoại trừ việc dừng xe lại tại chỗ, còn thì chẳng có cách nào có thể tức thời chấm dứt được mối nguy hiểm. Nhưng việc này lại dẫn đến một sự đe dọa khác kéo dài và nghiêm trọng hơn: không có thức ăn và thiếu điều kiện để sưởi ấm. Những giải pháp khác thì tốt hơn về lâu dài. Tuy nhiên, nếu bạn dừng lại và chờ cho cơn bão đi qua, việc đặt phòng trọ của bạn sẽ bị hủy bỏ. Còn các lối đi khác, theo đài phát thanh, cũng chẳng có gì tốt hơn vv…

Cả việc nhận định sự kiện là tiêu cực cũng như việc xem xét các khả năng ứng phó là không đầy đủ và không hiệu quả đều là những yếu tố cần có để stress xuất hiện . Hai loại nhận định này được bàn riêng để làm rõ các quá trình, nhưng chúng lại có thể xảy ra tương đối tự nhiên và đồng thời. Mức độ “tiêu cực” của một sự kiện và mức độ “không đầy đủ” của tiềm năng ứng phó có thể thay đổi. Việc nhận định kích thích và nhận định khả năng ứng phó sẽ tương tác với nhau để hình thành mức độ của stress mà đương sự trải qua. Mức độ stress cao nhất (như trong ví dụ trên) xảy ra khi kích thích là rất tiêu cực và khi không có biện pháp nào để giải quyết sự kiện. Khi sự kiện ít trầm trọng hơn và các cố gắng ứng phó có tính khả thi thì mức độ stress sẽ giảm đi. Tuy nhiên, một số tình huống vẫn xảy ra stress khi sự kiện kích thích được nhận định là “rất tiêu cực”, ngay cả khi những phương thức ứng phó có khả năng thực thi được (ví dụ: khi dự các kỳ thi quan trọng, dù bạn đã được chuẩn bị kỹ) do tính chất nghiêm trọng của sự kiện. Tương tự, khi sự kiện ít nghiêm trọng, nhưng trong tay không có sẵn những biện pháp giải quyết (như khi ngồi trên ghế cho nha sĩ nhổ răng, hoặc lái xe qua một vùng hoang vắng), stress sẽ xảy ra do bị mất khả năng kiểm soát sự kiện.

Như đã mô tả, quá trình nhận định dường như khá tách biệt và có tính phân tích, và nó không phù hợp với kinh nghiệm chủ quan của chúng ta về sự đe dọa hoặc có hại. Một phản ứng cảm xúc sẽ xảy ra đồng thời với quá trình nhận định (Leventhal, Nerenz, 1983). Khi một sự kiện được nhận định là lành tính, những cảm xúc tích cực như vui vẻ, yêu thương, hạnh phúc, phấn khởi, thanh thản sẽ diễn ra nơi đương sự. Nếu sự kiện được đánh giá là tiêu cực, những cảm xúc như sợ hãi, lo âu, tội lỗi, thất vọng hoặc trầm uất sẽ xuất hiện. Quá trình nhận định hòa nhịp cùng với cảm xúc. Các quá trình nhận định và cảm xúc có ảnh hưởng qua lại với nhau (Schacter, 1964). Trong thực tế, ngoài việc kiểm soát chính bản thân sự kiện tiêu cực, đương sự cũng cần kiểm soát các khuấy động cảm xúc. Trong ví dụ nêu trên, lái xe trên một con đường trơn trợt và việc mất một kỳ nghỉ có thể gây nên sự tức giận.

Quá trình nhận định có tính chủ quan nhưng không mạo hiểm. Nó chịu ảnh hưởng bởi bản chất của sự kiện kích thích và bởi những đặc trưng của đương sự thực hiện việc nhận định. Đây là ý nghĩa thực sự của quan niệm về tính tương giao (transaction) của stress (Lazarus, 1966). Nhân cách, kinh nghiệm quá khứ và các thông số cá nhân khác của đương sự giúp hình thành nên sự nhận định, đặc biệt khi sự kiện có tính nhập nhằng, nước đôi. Nhưng cách nhận định của đương sự lại chịu sự thúc ép của sự kiện. Khi một sự kiện tương đối nhập nhằng, việc nhận định thường phù hợp với bản chất khách quan của sự kiện. Chúng ta hãy xem xét những yếu tố thuộc về cá nhân đương sự và sự kiện kích thích đã góp phần vào quá trình nhận định.


Những thực phẩm tuyệt vời nhất để kéo bạn ra khỏi trạng thái căng thẳng mệt mỏi.
Áp lực hàng ngày bởi công việc, thời tiết... khiến bạn càng ngày càng rơi vào trạng thái stress mệt mỏi. Một vài thực phẩm có công dụng tốt sẽ kéo bạn ra khỏi đó và trở lại cuộc sống vui vẻ và tràn trề sinh lực.

1. Cam



Vitamin C có thể giúp làm giảm stress và huyết áp trở lại mức bình thường sau một tình huống căng thẳng. Đồng thời vitamin C cũng thúc đẩy hệ thống miễn dịch làm việc tốt.

2. Khoai lang



Khoai lang có thể được đặc biệt sử dụng để giảm căng thẳng, bởi trong nó chứa các vitamin, vị ngọt làm dịu đi căng thẳng và chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt.

3. Quả mơ sấy khô



Mơ rất giàu magie rất tốt để phá hủy mọi stress và là một chất để giúp thư giãn tốt.

4. Hạnh nhân, quả óc chó và quả hồ trăn



Hạnh nhân chứa các vitamin B và E giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn. Quả óc chó và quả hồ trăn giúp làm giảm huyết áp.

5. Gà tây


Trong thành phần dinh dưỡng của gà tây có chứa acid amin được gọi là L-tryptophan. Chất này có tác dụng kích thích sản xuất serotonin, một hoạt chất giúp não cảm thấy tốt hơn, bớt mệt mỏi. Đó là lý do vì sao nhiều người ăn gà tây lại cảm thấy thư giãn.

6. Cải bó xôi


Sự thiếu hụt magie có thể gây ra nhức đầu và cảm giác mệt mỏi. Một chén nước ép từ rau cải bó xôi có thể cung cấp 40% nhu cầu magie hàng ngày cho bạn.

7. Cá hồi




Chất omega3 trong cá hồi có tác dụng bảo vệ và chống lại bệnh tim. Và một nghiên cứu khác cho thấy omega3 có thể làm giảm các hormone stress.

8. Quả bơ



Các chất béo và chất kali trong bơ giúp giảm huyết áp. Và một nghiên cứu cho thấy cách tốt nhất để hạ huyết áp là hãy tiêu thụ đủ kali mỗi ngày. (Kali có trong bơ nhiều hơn trong chuối).

9. Rau xanh



Bông cải xanh, cải xoăn hay các loại rau sẫm màu khác có chứa các vitamin bổ sung giúp cơ thể chúng ta trong những lúc căng thẳng.

Ngoài ra để giảm căng thẳng bạn hãy thực hiện một số lời khuyên sau đây?
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Ăn một bữa sáng đầy đủ năng lượng
  • Ăn những bữa nhỏ trong ngày sẽ giúp ổn định đường huyết.(Bởi khi đường huyết trong máu thấp, tinh thần và thể chất sẽ giảm xuống và căng thẳng sẽ gia tăng).

(ST)