Công dụng chữa bệnh tuyệt vời của chim câu
Tác dụng chữa bệnh của khổ qua: tiêu độc
Tác dụng chữa bệnh của khổ qua: trị ung thư
Cây bông mã đề ngoài tác dụng nổi bật nhất là lợi tiểu thì còn rất nhiều tác dụng chữa bệnh và chế biến nhiều món ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao mà không phải ai trong chúng ta cũng biết tới.
Vậy những tác dụng đó là gì? Các bài thuốc chữa bệnh và món ăn từ cây bông mã đề ra sao hãy cùng Benh.vn tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về cây bông mã đề
- Mã đề là cây thân thảo, cao độ 10-15cm, sống hàng năm. Lá có cuống dài, hình trứng đầu tù, hơi có mũi nhọn.
- Mã đề rất dễ nhận ra bởi phiến lá hình thìa, đôi khi hình trứng, có gân hình cung dọc theo sống lá và đồng quy ở ngọn và gốc lá.
- Thành phần hoá học cây có chứa một glucosid. Lá có chất nhầy, chất đắng, chứa caroten, sinh tố C, K, T, acid citric.
Mã đề là cây thân thảo, cao độ 10-15cm, sống hàng năm.
Tác dụng của cây bông mã đề
- Mã đề tính hàn, vị ngọt, không độc. Có tác dụng lợi tiểu, thanh phế can, trừ phong nhiệt, thẩm thấp khí trong bàng quang, chữa đẻ khó, ho, trừ đờm, cầm đi ngoài khi bị tả, giúp sáng mắt, bồi bổ cơ thể.
- Mã đề được dùng làm thuốc thông tiểu, chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, tả lỵ, đau mắt đỏ.
- Thuốc viên bào chế từ cao mã đề và terpin đã được áp dụng trên lâm sàng, điều trị hiệu quả các bệnh viêm cấp tính đường hô hấp trên, làm nhẹ quá trình cương tụ niêm mạc hô hấp, chữa ho và phục hồi tiếng nói ở bệnh nhân viêm thanh quản cấp.
- Cao nước mã đề đã được áp dụng cho hơn 200 bệnh nhân viêm amiđan cấp, kết quả 92% khỏi bệnh, 8% đỡ. Tác dụng hạ sốt, phục hồi số lượng bạch cầu và làm hết các triệu chứng tại chỗ của mã đề được đánh giá là tương đương các thuốc kháng khuẩn thường dùng.
- Mã đề cũng được sử dụng trong các dược phẩm trị mụn nhọt và bỏng. Thuốc dạng dầu chế từ bột mã đề khi đắp lên mụn nhọt có thể làm mụn đỡ mung mủ và viêm tấy.
- Thuốc mỡ bào chế từ cao đặc mã đề đã được sử dụng để điều trị các ca bỏng 2-45% diện tích da, đạt kết quả tốt. Bệnh nhân cảm thấy mát, dễ chịu, không xót, không nhức buốt, dễ thay bông và bóc gạc. Vết bỏng đỡ nhiễm trùng, ít mủ, giảm mùi hôi thối, lên da non tốt, thịt phát triển đều, không sần sùi. Bệnh nhân giảm được lượng thuốc kháng sinh dùng toàn thân.
Mã đề được sử dụng trong các dược phẩm trị mụn nhọt và bỏng.
- Nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy, chất polysacharid trong hạt mã đề có tác dụng nhuận tràng, trị táo bón mạn tính.
- Tuy nhiên, do mã đề có tác dụng lợi tiểu nên những người đi tiểu quá nhiều, thận hư, dương khí hạ giáng không nên dùng. Đồng thời phụ nữ có thai cũng cần rất thận trọng khi sử dụng mã đề.
Món ăn bổ dưỡng từ cây bông mã đề
Cháo mã đề:
Món ăn này chế biến từ lá mã đề, gạo tẻ, hành, muối, có tác dụng thanh nhiệt, trừ đờm, lợi tiểu, sáng mắt. Cho tới ngày nay, cháo mã đề vẫn rất nổi tiếng và được ưa chuộng tại Trung Quốc.
Canh mã đề:
Món canh mã đề được chế biến từ lá mã đề, hành, gừng, muối ăn có tác dụng chữa bệnh đái ra máu, đau buốt niệu đạo rất hiệu nghiệm.
Một số bài thuốc đơn giản có tác dụng chữa bệnh từ cây bông mã đề
Thuốc lợi tiểu:
Hạt mã đề 10g, cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc và giữ sôi trong nửa giờ, chia 3 lần uống trong ngày.
Mã đề có thể chữa sỏi tiết niệu.
Chữa ho, tiêu đờm:
Mã đề 10 g, cam thảo 5 g, cát cánh 12 g, tất cả đổ ngập nước, đun sôi 30 phút, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Chữa chứng bí tiểu tiện:
Dùng 12 g hạt mã đề sắc uống nhiều lần trong ngày, có thể thêm ít lá sắc cùng để uống.
Chữa rụng tóc:
Lá mã đề rửa sạch phơi khô đốt thành than sau đó trộn với dấm ngâm trong 1 tuần rồi bôi lên chỗ bị rụng tóc sẽ rất hiệu quả.
Chữa bệnh lỵ:
Mã đề tươi 30g, rau sam tươi 30g, đem rửa sạch và đun nước uống hàng ngày như trà xanh.
Chữa sỏi đường tiết niệu:
Mã đề 20, kim tiền thảo 30g, rễ cỏ tranh 20g, sắc chung 3 thứ uống ngày 1 thang hoặc hãm như chè uống nhiều lần trong ngày.
Lời kết
Cây bông mã đề không độc nên có thể chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng đồng thời là thành phần chính trong nhiều bài thuốc chữa bệnh đơn giản mà vẫn hiệu quả. Tuy nhiên phụ nữ mang thai khi muốn sử dụng cần có sự chỉ định của bác sĩ đồng thời do mã đề có tác dụng lợi tiểu nên những người tiểu thận yếu, hoặc những người tiểu đêm nhiều lần không nên sử dụng.