Tác dụng chữa bệnh của hoa hiên: chữa viêm đại tràng

Theo đông y, hoa hiên có vị ngọt, tính mát, không độc, tác dụng trừ thấp nhiệt, lợi tiểu, tiêu thực, an thai....

Người ta thu hái khi hoa hiên vừa chớm nở, phơi hoặc sấy cho khô gọi là kim châm, thường được nấu chung với bún khô, mộc nhĩ, đậu phụ trong các món ăn chay hoặc hầm chung với các thực phẩm khác. Kim châm (100 g) chưng với đường phèn (100 g -150 g) là một món ăn bổ dưỡng, giải nhiệt độc, làm thư thái tâm hồn, nhẹ nhàng cơ thể.

Nhiều vùng nông thôn, người dân hay dùng hoa hiên tươi nấu canh ăn để giải nhiệt độc vào mùa hè, thu. Dùng bột hoa hiên cho vào canh cá, cua để làm tăng mùi vị thơm ngon và bổ dưỡng. Dùng 10 g - 20 g khô hoặc 30 g - 50 g tươi, sắc uống hoặc ép lấy nước uống để chữa sốt, viêm đại tràng, lỵ, phù thũng, tiểu tiện khó, sưng vú, chảy máu cam, nôn ra máu, viêm khớp.

Phụ nữ bị khí hư do thấp nhiệt, có triệu chứng phiền muộn, bứt rứt, mất ngủ, tiểu tiện đỏ và ít, ra khí hư có màu vàng và đặc thì nên dùng kim châm (50 g - 60 g) xào chín với thịt heo nạc (100 g) để ăn lúc đói bụng, liên tục 5-7 ngày.

Để trị ho, hết đàm, giảm béo phì, bạn có thể dùng món cháo kim châm. Cách làm như sau: Vo sạch một chén gạo trắng để ráo nước, kim châm (50 g) đem rửa sơ, ngâm nước cho mềm. Cho 8 chén nước vào nồi nấu sôi rồi cho gạo, kim châm vào nấu cho sôi trở lại, vặn lửa nhỏ trong vòng 30 phút, sau đó cho đường cát vào, nấu sôi lại là được.