Tác dụng chữa bệnh của quả na cực tốt cho sức khỏe

Quả na hay còn gọi là quả mãng cầu ta, đây là loại quả rất phổ biến và ăn rất thơm ngon, không chỉ là loại quả ngon, quả na còn là vị thuốc quý chữa được nhiều loại bênh.

 

Na, hay còn gọi là mãng cầu ta, mãng cầu dai/giai, sa lê, phan lệ chi, có nguồn gốc ở vùng châu Mỹ nhiệt đới. Cây na cao cỡ 2- 5 m, lá mọc xen ở hai hàng, hoa xanh, quả tròn có nhiều múi (hoặc nhiều người quen gọi là mắt), thịt quả trắng. Hạt na màu đen, có vỏ cứng, chứa độc tố, có tính làm bỏng da và có thể trừ sâu bọ, chấy rận.

Quả na chín có mùi vị thơm ngon đặc biệt, thịt quả mềm và thơm, ngọt, ngon nhất là na dai. Na chín được nhiều người ưa dùng với tác dụng bổ dưỡng, rất tốt cho người cao tuổi, người mới ốm dậy và phụ nữ sau khi sinh.

Mỗi năm na chỉ cho thu hoạch một lần vào dịp tháng 8. Na chín có mùa và có “giờ”, sáng thức giấc thấy quả na còn xanh mà tới chiều na đã “mở mắt”, thời gian thu hoạch na ngắn, chỉ kéo dài hơn 1 tháng nên mới đó thấy có vài quả na được mang ra chợ bán đã lại sắp hết mùa. Nhiều người do bận rộn chưa kịp tận hưởng vị ngon của quả na mùa này đành nuối tiếc chờ mùa na năm sau.

Na vừa là loại quả ngọt thơm, bổ dưỡng lại vừa là vị thuốc chữa bệnh rất tốt. Theo Đông y, quả na vị ngọt, chua, tính ấm; có tác dụng hạ khí tiêu đờm. Quả xanh làm săn da, tiêu sưng.

Quả na dùng chữa đi lỵ, tiết tinh, đái tháo, bệnh tiêu khát. Quả na điếc dùng trị mụn nhọt, đắp lên vú bị sưng.. Hạt na có vị đắng, hơi hôi, tính lạnh, có tác dụng thanh can, giải nhiệt, tiêu độc, sát trùng. Hạt thường được dùng diệt côn trùng, trừ chấy rận. Lá na dùng trị sốt rét cơn lâu ngày, mụn nhọt sưng tấy, ghẻ. Rễ và vỏ cây dùng trị ỉa chảy và trục giun.

- Quả na ương (hái lúc chín nửa chừng): Chứa nhiều tanin, được dùng làm thuốc chữa tiêu chảy, kiết lỵ. Khi dùng, lấy 30g, thái nhỏ, bỏ hạt, sắc uống làm hai lần trong ngày.

Quả na điếc (quả lúc đang lớn bị một loài nấm làm hỏng, khô xác, có màu nâu đỏ tím): Là vị thuốc được dùng phổ biến trong Đông y. Chẳng hạn, để chữa tiêu chảy, kiết lỵ, lấy quả na điếc 20 g đốt tồn tính, ngọn non cỏ lào 50 g, gạo tẻ 30 g, rang thật vàng; sắc uống làm 3 lần trong ngày. Dùng ngoài, quả na điếc phơi thật khô, tán thành bột, hòa với giấm, bôi nhiều lần trong ngày, chữa nhọt ở vú.

Hạt na: Giã nhỏ, ngâm rượu, ngậm nhổ nước chữa đau nhức răng, nếu nước đặc ngâm quần áo diệt được rận. Hạt na có độc, không được dùng uống. Khi dùng ngoài, không để dung dịch hạt na bắn vào mắt.

Lá na: 1 nắm rửa sạch, giã nát cùng với lá bồ công anh, đắp chữa sưng vú; nếu thêm lá ớt, lá táo, lá từ vi lại chữa mụn nhọt có mủ, đầu đinh. Lá na (10-20g) rửa sạch, giã nát, thêm nước, vắt lấy nước đem phơi sương một đêm, rồi thêm ít rượu mà uống trước khi lên cơn sốt rét khoảng hai giờ. Dùng riêng hoặc phối hợp với ngải cứu (10g), thạch xương bồ (8g), sắc uống. Dùng 5-7 ngày.

Để chữa bong gân, chạm thương: Lấy lá na 20g, quả đu đủ xanh 10g, vôi tôi 5g, muối ăn 5g, tất cả giã nát, hơ nóng, đắp vào vùng tổn thương. Ngày làm một lần.

Rễ na: Cũng dùng để chữa sốt rét. Lấy 50g rễ na sắc uống với 30g rễ và lá cây ngâu rừng, 30g rễ xoan rừng. Ngoài ra, rễ na 30-50g thái nhỏ, rửa sạch, sao qua, sắc uống có tác dụng tẩy giun đũa.

Chú ý: Hạt na có độc, không được uống. Nhưng nếu khi ăn quả na, sơ ý nuốt phải hạt thì không sao, vì hạt na có vỏ dày và rất cứng bao bọc, ngăn không cho nhân hạt phát huy tác dụng.