Tác dụng chữa bệnh của tam thất: giảm đau

Các bài thuốc chữa bệnh và bổ dưỡng sử dụng tam thất
trong Y học dân tộc 
Cũng như Sâm, Tam thất già là tốt nhưng càng già càng chưa chắc đã là tốt vì với Tam thất, củ nằm dưới đất mà nằm quá lâu thì lại hay xơ. Cho nên người ta thường thu hoạch Tam thất từ 4 đến 6 tuổi. ở thời gian này, Tam thất thường cho chất lượng tốt hơn cả (Đó là kinh nghiệm dân gian, còn chờ các nhà khoa học chứng minh).

Củ Tam thất thường có hình giống như con ốc đá hay hình trụ, nhưng theo những người có kinh nghiệm thì củ nào giống ốc đá, màu xám xanh hơi đen hoại nâu, bóng sáng là tốt. Bên ngoài củ Tam thất thường có vết bám vàng ngang hay vết lõm và có cả những lằn dọc không liên tục nữa. Đầu củ có nhiều mấu. Đó là dấu vết của thân cây hàng năm chết đi để lại. Cây càng nhiều mấu thì tuổi càng nhiều là vậy.

Thịt củ Tam thất chắc, khó có thể bẻ bằng tay. Nếu dùng vật nặng đập vỡ thì vỏ và lõi thường tách rời nhau. Mặt cắt cũ có màu xám hơi xanh hoặc vàng đất hoại xám trắng. Củ Tam thất nào có ruột màu xám xanh, mịn chắc không có vết nứt xốp là tốt nhất. Các phiến Tam thất có màu xám xanh hay xám nâu, mịn chắc không nứt là tốt.

Giá Tam thất trên thị trường thường tính theo số lượng củ. Củ nhỏ giá thấp, củ to đắt hơn, 100g thường từ 15.000đ cho tới 40-50.000đ (tuỳ theo nhiều hay ít củ trong một lạng). Bạn không nên chú ý tới các củ to và nhiều mấu sần sùi. Hãy xem kỹ để tránh mua phải củ ghép, củ có chì bên trong…

Cây tam thất
Công dụng của Tam thất – Vàng không đổi

Tam thất là một trong những vị thuốc có tác dụng nhiều mặt, mà tác dụng nào cũng đáng tin cậy cả. Vì vậy người xưa, nhất là trong nhà có phụ nữ thì Tam thất được quý hơn vàng vì có những lúc bệnh cấp, có vàng cũng chưa chắc đổi được Tam thất mà dùng. Vì vậy mới có tên “vàng không đổi”.

Theo YHCT, Tam thất có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào Kinh, Can, Vị, Tâm, Phế, Đại tràng, có tác dụng hoá ứ, cầm máu, tiêu thũng, giảm đau, bổ khí huyết, (dùng chín) dùng chữa tất cả các chứng xuất huyết, ngã đau sưng bầm tím, đau tức ngực, u bướu, huyết ứ, bế kinh, thống kinh, sản hậu huyết hư gây đau bụng, các loại mụn nhọt sưng đau, khí huyết lưỡng hư, tức ngực…

Chú ý: Phụ nữ có thai cần cẩn thận khi dùng.
Người huyết nhiệt không dùng.

Bài thuốc sử dụng tam thất

Xin giới thiệu một số bài thuốc đơn giản theo kinh nghiệm hay theo y văn cổ thường dùng có Tam thất. Bạn hãy tự chọn bài thuốc nào phù hợp với mình để sử dụng (những bài thuốc này chỉ phù hợp với bệnh vừa và nhẹ).

* Chữa nôn ra máu: Gà 1 con làm sạch bỏ lòng

Tam thất bột 5g
Nước ngó sen: cốc (200ml)
Rượu lâu năm: nửa chén (15ml)
Hầm cách thuỷ để ăn, cách ngày ăn 1 lần, đến khi khỏi

*Chữa ho ra máu, chảy máu cam, đi ngoài, đi tiểu ra máu

Đá hoa: 12g (nung)
Tam thất: 10g
Than tóc rối tồn tính: 4g
Tán bột chia làm 2 lần uống với nước chín sẽ khỏi.

* Đi tiểu ra máu:

Tam thất bột: 4g
Nước sắc Cỏ bấc đèn và Gừng tươi: vừa đủ (200ml)
Uống ngày 2 lần tới khi ngừng.

* Xuất huyết đại tràng: Tam thất bột: 8g

Rượu trắng nhẹ 20 độ vừa đủ trộn với bột .
Uống ngày 2 lần với Tứ vật thang (Thục địa chế rượu: 10g, Bạch thược: 10g, Đương quy tẩm rượu sao: 10g, Xuyên thang: 10g)
Uống vài ba lần sẽ khỏi

* Loét hành tá tràng và dạ dày:

Tam thất bột: 12g
Bạch cập: 9g
Mai mực: 3g
Nghiền bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g uống từ 15-21 ngày.

* Lỵ ra máu:

Bột Tam thất: 12g
Nước gạo nếp vừa đủ.
Uống từ 2-3 ngày.

* Xích bạch đới:

Bột Tam thất 5g uống với 15ml rượu nóng.

* Đau bụng kinh:

Bột Tam thất: 5g. Uống trước khi hành kinh 3 ngày cho tới khi có kinh, nếu hết đau thì ngừng.

* Sau khi đẻ máu ra nhiều: Bột Tam thất 6g hoà với nước cháo uống hàng ngày.

* Bệnh mạch vành: phòng và chữa.

- Bột Tam thất 3g ngày uống 5 lần liên tục tới khỏi.
- Bột Nhân sâm và bột Tam thất: mỗi thứ 1.5g, uống ngày 2 lần liên tục tới khỏi
- Bột Tam thất: 1,5g
Bột Ngọc trai: 0,3g
Bột Xuyên bối mẫu: 3g.
Uống ngày 2 lần, liên tục tới khỏi.

* Đau tức ngực:

Bột Tam thất: 8g
Uống với 15ml rượu nóng. uống hàng ngày, lâu dài

* Thấp tim:

Bột Tam thất: 1g, uống ngày 2-3 lần; làm chậm quá trình phát triển của bệnh.

* Vết thương phần mềm bầm tím:

Bột Tam thất một ít.
Dấm vừa đủ
Trộn đều đắp lên vết thương.
Nếu vết thương bị loét thì rắc thẳng bột Tam thất lên sẽ lành.

* Bị ngã hoặc đánh mà vết thương bầm tím lâu không hết:

Tam thất uống 5g, nhai nát đắp lên.

* Bị đánh hoặc ngã có vết thương kín trong nội tạng.

Bột Tam thất: 15g
Cua sống: 1 con.
Làm sạch cua, giã nát, trộn đều, uống với rượu nóng. Cứ 2 ngày/lần tới khi hết đau.

* Nam giới bị viêm tiền liệt tuyến:

Tam thất sống: 3g. Nhai rồi nuốt hàng ngày vào sáng sớm.

* Đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi:

Mài Tam thất với nước rồi bôi xung quanh mí mắt (bôi ngoài).

* Sưng đau không rõ nguyên nhân: Hoà bột Tam thất với dấm, đắp ngày 2 lần.

* Mụn nhọt các loại:

Nhũ hương, Tam thất, Mộc dược, Huyết kiệt, Hài nhi trà, mỗi thứ 8g
Bằng phiến: 4g.
Xạ hương: 0,8g.
Nếu xưng đỏ da: gia bột Hoàng liên 4g
Nếu loét : gia bột Khinh phấn: 4g
Mụn nước chảy: gia bột Long cốt nung 4 g.
Mụn lâu không liền miệng: gia bột Ngọc trai: 4g, bột Mai cua cả gạch: 8g
Nếu mụn đang sưng: trộn với Dấm mà đắp
Nếu mụn đã vỡ mủ: rắc bột khô
Viêm tĩnh mạch nông: Uống bột Tam thất 2 lần/ngày, mỗi lần 2g

* Bổ dưỡng:

Chóng mặt do thiếu máu: Tam thất 3g, Chim bồ câu 1 con. Hấp cách thuỷ ăn hàng ngày.
Khí huyết lưỡng hư: Tam thất: 3g, Nhân sâm: 3g. Nghiền bột ăn với bánh vào buổi sáng hàng ngày.
Thật khó có vị thuốc nào chữa được cả bệnh nội lẫn bệnh ngoại thương, vừa cầm máu lại vừa bổ máu như Tam thất. Tam thất dễ dùng, uống lâu dài không có tác dụng phụ.

Nhưng chú ý: người huyết nhiệt tuyệt đối không nên uống.