Tác dụng của cây cỏ sữa không phải ai cũng biết

Mô tả cây cỏ sữa

Cây thảo sống nhiều năm, mọc bò, có lông và có nhựa mủ trắng. Thân và cành tỏa rộng trên mặt đất, hình sợi, màu đỏ tím, hơi có lông. Lá nhỏ mọc đối, hình bầu dục hay thuôn, tù đầu, hình tim không đều hay tù ở gốc, có răng ở mép, có lông ở mặt dưới, dài 7mm, rộng 4mm. Cụm hoa dạng xim co ít hoa ở nách lá. Quả nang, đường kính 1,5mm, có lông. Hạt nhẵn, có 4 góc lồi, dài 0,7mm. Cây ra hoa vào mùa hè.

Nơi sống và thu hái: Loài liên nhiệt đới, mọc hoang khắp nơi ở bãi cỏ, sân vườn, ở những nơi đất có sỏi đá. Thu hái cây quanh năm, tốt nhất vào hè thu, rửa sạch dùng tươi hay phơi khô.

 

Thành phần hoá học: Trong cây có một loại tinh dầu màu xanh, mùi đặc biệt, vị kích ứng. Thành phần tinh dầu gồm cymol, carvacrol, limonen-sesquiterpen và acid salicylic. Lá và thân chứa flavonoid cosmosiin (5,7,4-trihydroxyflavon-7-glucosid). Rễ chứa taraxerol, tirucallol và myrixyl alcohol.

Tính vị, tác dụng: Cỏ sữa lá nhỏ có vị ngọt đắng nhạt, hơi chua, tính lạnh; có tác dụng thông huyết, tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu, kháng khuẩn, thông sữa. Dùng dung dịch cỏ sửa đưa vào ruột sẽ ức chế sự sinh sản của các loại vi trùng lỵ (Sonner, Shigella, Flexneri,…) cũng có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn tụ cầu vàng. Cỏ sữa lá nhỏ được xem là loại thuốc kháng khuẩn tụ cầu vàng. Cỏ sữa lá nhỏ được xem là loại thuốc kháng sinh trị bệnh đường ruột và bệnh ngoài da. Chất nhựa mủ của nó có tính gây xót đối với niêm mạc dạ dày và độc đối với cá và chuột. Ở Ấn Ðộ, người ta xem nó như có tác dụng làm thơm, săn da, kích thích và nhuận tràng.

Tác dụng của cây cỏ sữa trong điều trị

Người ta dùng lá cây cỏ sữa để cầm máu và điều trị các trường hợp rối loạn đường tiêu hóa. Nó giúp hạ sốt và làm mát cơ thể. Cỏ sữa giúp làm mềm da và làm giảm kích ứng các màng nhầy trong cơ thể; có tác dụng xổ nhẹ. Trong lá còn chứa nhiều cellulose. Mỗi ngày dùng 15 gr cỏ sữa (dùng riêng hoặc phối hợp với 5 gr hương nhu hay húng quế) ở dạng dịch ép nguyên chất, dạng bột dẻo hoặc dạng nước sắc.

Cỏ sữa được y học Vệ đà dùng từ xa xưa và nó được tin tưởng là một loại thuốc cổ truyền có tác dụng tốt đối với các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như ho, cảm lạnh, sổ mũi, viêm phổi và hen suyễn nhờ tác dụng làm giãn phế quản và các mạch máu ngoại vi.

Cỏ sữa rất hữu hiệu trong việc điều trị chứng tiêu chảy. Lấy khoảng 12 gr thân lá nghiền hoặc xay chung với ít nước và uống sẽ giúp cầm tiêu chảy và lỵ.

Rất hiệu quả trong việc điều trị bệnh lậu, hoa liễu. Cây cỏ sữa còn được dùng để chữa liệt dương, xuất tinh sớm hoặc những trường hợp sinh lý yếu, xuất tinh ngoài ý muốn.

Lá cỏ sữa được dùng để trị bệnh giun sán, đặc biệt là nhóm giun đũa giun kim ở trẻ nhỏ. Cỏ sữa cũng giúp gia tăng lượng sữa cho những phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú.

Có thể lấy cây cỏ sữa phơi khô nghiền thành bột trộn thành khối nhão sau đó đắp lên vết thương hay vết bỏng. Nó còn hữu hiệu để làm tiêu các mụn cóc bằng cách bôi trực tiếp trên vùng da bị nhiễm.

Chữa nứt môi hoặc viêm lưỡi: lấy dịch mủ của cây cỏ sữa bôi lên môi mau lành các vết nứt nẻ môi. Dịch mủ của cây cỏ sữa chà xát lên da đầu sẽ giúp cho tóc mọc mau và tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, cần tham khảo kỹ ý kiến người có chuyên môn trước khi dùng.

Một số bài thuốc của cây cỏ sữa thường dùng trong dân gian.

– Chữa lỵ: Cỏ sữa lá nhỏ 20-50 g (ở người lớn có thể dùng tới 100-150 g). Sắc uống ngày một thang. Hoặc: Cỏ sữa lá nhỏ 30 g, rau sam 30 g, sắc uống ngày một thang. Hoặc: Cỏ sữa lá to phối hợp với hoàng đằng, nấu thành cao lỏng để uống.

– Chữa lòi dom chảy máu: Cỏ sữa lá nhỏ tươi 80-100 g, giã nát, vắt lấy nước cốt uống. Có thể dùng cây khô sắc uống.

– Chữa viêm loét, mụn nhọt ngoài da: Cỏ sữa lá nhỏ lượng vừa đủ, giã nát đắp lên tổn thương.

– Chữa viêm da mẩn ngứa: Cỏ sữa lá nhỏ lượng vừa đủ giã nát, xoa xát hay nấu nước tắm rửa.

– Chữa ho hen: Cỏ sữa lá to 10 g, lá cây bồng bồng 3 lá, lá dâu 20 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.