Tác dụng của cây trầm gửi cây gạo: trị sốt rét
Các loại quả có tính mát , giải độc cơ thể
Cách giải độc cho chó hiệu quả
4 loại thực phẩm giúp giải độc cơ thể, loại bỏ mỡ thừa tốt nhất
Gần 1 triệu đồng cho 1kg tầm gửi khô nhưng vẫn không đủ để bán, nhiều người đang trở nên giàu có nhờ tầm gửi và cũng không ít người đang nuôi hi vọng lành bệnh từ nó.
Ảnh minh họa: Internet
Hiếm có, khó tìm
Chẳng biết bắt nguồn từ đâu nhưng những lời đồn đại về lợi ích của cây tầm gửi mọc trên cây gạo đã biến loại thảo dược này trở thành “hàng hiếm”. Người ta mách nhau tìm mua vì cho rằng “tầm gửi cây gạo vô cùng quý giá, có thể chữa được rất nhiều bệnh, từ thanh nhiệt, giải độc cơ thể, giải rượu, bồi bổ sức khỏe, đến chữa các bệnh mãn tính như gan, thận…”. Ngay cả những người có bệnh nhưng không rõ là bệnh gì cùng tìm đến thứ cây này như một loại thần dược.
Trong các bài thuốc Đông y, có rất nhiều loại tầm gửi như tầm gửi cây na, cây mít, cây xoan, cây ngái, cây dâu… Nhưng khó tìm, đắt đỏ và được nhiều người săn lùng nhất phải nói đến tầm gửi cây gạo. Để tìm được tầm gửi cây gạo, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) đã phải nhờ đứa cháu làm lâm sản ở tận trên vùng rừng núi của Sơn La tìm giúp.
Ông Hùng cho biết, do vợ đang chạy thận, lại thấy người ta mách tầm gửi cây gạo rất tốt cho bệnh gan thận nên ông lùng mua bằng được. Theo ông Hùng, “tầm gửi cây gạo ngay cả vùng rừng núi cũng rất hiếm, có lần cháu ông đã phải đốn hạ cả cây gạo để lấy… mấy cân tầm gửi. Hiện tại, tầm gửi khô đang được bán với giá 600.000-1.000.000 đồng/kg nhưng vẫn không có mà mua”.
Về “đất” tầm gửi
Tìm về xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, nơi có những cây gạo vô cùng đặc biệt, ở chỗ chúng có thể sản sinh ra hàng tạ tầm gửi mỗi năm, mới thấy nhu cầu tầm gửi cây gạo cao đến mức nào. Ông Chu Văn Vượng, chủ nhân của một cây gạo cổ thụ trên 100 năm tuổi cho biết: “Mới đây, đợt tết mùng 5/5, chỉ riêng cây gạo này của nhà tôi cũng đã bán được trên 1 tạ tầm gửi tươi, ô tô về mua tầm gửi đỗ đầy đường làng, thợ trẩy không kịp”.
Với giá 300.000 đồng một cân tầm gửi tươi hoặc 600.000 đồng một cân tầm gửi khô, chỉ tính riêng hôm đó gia đình ông đã thu hơn ba chục triệu bạc. Còn túc tắc bán vài chục cân một thì cũng là chuyện thường ngày. Ở Hiền Quan, số gia đình bán được nhiều tầm gửi như nhà ông Vượng đếm sơ cũng hàng chục hộ, nhưng chẳng lúc nào tầm gửi bị ế mà chỉ liên tục tăng giá vụ này qua vụ khác.
Thực hư tác dụng
Mặc dù là địa phương có nhiều tầm gửi cây gạo nhất cả nước nhưng bản thân những người dân ở xã Hiền Quan cũng không biết rõ những tác dụng của loại cây này. Theo những người dân ở đây thì rõ ràng nhất là tác dụng… giải rượu. Người nào trước khi uống rượu chỉ cần uống vài chén nước tầm gửi cây gạo là có thể uống rượu thoải mái mà không say; hay người đã say rượu cũng chỉ cần uống thứ nước này là rất nhanh tỉnh.
Ngoài ra, còn rất nhiều câu chuyện được dẫn ra như những nhân chứng sống về tác dụng của tầm gửi cây gạo. Chẳng hạn ông N bị đủ thứ bệnh trong người, dặt dẹo từ hồi nhỏ, thế mà chỉ uống mỗi tầm gửi gây gạo đến nay đã thọ trên 80 tuổi vẫn còn khỏe mạnh. Hay ông V vị suyễn từ nhỏ, nhờ tầm gửi cây gạo mà đến nay gần 80 tuổi mà không thấy biểu hiện của bệnh…
Không biết thực hư những lời đồn đại trên như thế nào, nhưng số người tìm đến bài thuốc này ngày càng nhiều. Tìm hiểu trong các tài liệu chính thống về các loại cây thuốc, chúng tôi tuyệt nhiên không thấy tài liệu nào nói về tầm gửi cây gạo. Các thông tin có được vẫn chỉ là những thông tin truyền miệng, kinh nghiệm dân gian, thậm chí những lời đồn thổi.
Trao đổi với Thạc sĩ, Dược sĩ Trần Phi Hùng (Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương), thì được biết tầm gửi cây gạo ở điều kiện tự nhiên rất hiếm gặp, bản thân cây gạo phải sống lâu năm và trong điều kiện môi trường sinh trưởng thuận lợi khi có hạt của cây tầm gửi được phát tán tự nhiên (do chim, sóc, sâu bọ ), hạt nảy mầm và phát sinh, phát triển được trên thân, cành cây gạo. Ngày nay cũng có tầm gửi cây gạo do con người cấy, ghép, tạo phôi, mầm tạo ra và phát triển thành tầm gửi cây gạo bán tự nhiên.
Theo Ths. Trần Phi Hùng, “hiện nay, chưa có nghiên cứu chính thức nào công bố về thành phần hoá học, độc tính cấp, độc tính bán trường diễn, tác dụng sinh học của tầm gửi cây gạo. Và cũng chưa có tài liệu chính thức nào viết về tầm gửi cây gạo. Nhưng theo kinh nghiệm dân gian tầm gửi cây gạo không độc, được dùng trong các bệnh viêm cầu thận cấp, mãn, suy thận, viêm gan, viêm gan virus, xơ gan, phong thấp, xương khớp, sưng xương khớp, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, hậu sản… Còn theo nghiên cứu và đánh giá sơ bộ của các nhà khoa học tầm gửi cây gạo có tác dụng chống viêm, giải độc, chống ôxy hoá, lợi tiểu, có tính mát. Vì vậy, có thể sử dụng tầm gửi cây gạo trong hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh mãn tính”.
Trong một công bố trên báo chí gần đây, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần (Phó giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y dược Cổ truyền Tuệ Tĩnh) cho biết, theo dân gian thì loại cây này có thể dùng chữa một số bệnh. Tuy nhiên, có tác dụng hay không, chữa được bệnh gì, cách uống thế nào, liều lượng ra sao… thì cần có sự phân tích, nghiên cứu trên cơ sở khoa học mới có thể khẳng định được.
Ngoài việc xác định tác dụng của loài cây này, thì việc nghiên cứu trên cơ sở khoa học còn có mục đích đặc biệt quan trọng là để xác định độ an toàn của nó. Vì trong tự nhiên có rất nhiều cây cỏ có tác dụng làm mát cơ thể và cũng không có hại gì. Tuy nhiên, có một số loại cây được cho là có tác dụng chữa bệnh lại có thể gây tác dụng phụ mà có khi đến 20 năm sau khi uống mới có biểu hiện.
Đồng quan điểm đó, Ths.Trần Phi Hùng cũng cho rằng cần có nghiên cứu và công bố chính thức về đặc điểm sinh thái và phát triển, về thành phần hoá học, độc tính cấp, độc tính bán cấp và tác dụng sinh học, hiệu quả ứng dụng trong lâm sàng để có cơ sở hướng dẫn sử dụng rộng rãi tầm gửi cây gạo.
Ông Hùng cũng cảnh báo, hiện nay do tính chất hiếm ít gặp của tầm gửi cây gạo mà người dân đồn thổi lên tác dụng của nó như thần dược chữa bách bệnh, giá tầm gửi cây gạo cũng theo đó tăng cao. Do đó, người dân cũng cần cân nhắc khi sử dụng, khi có bệnh nên đi khám xét để có tư vấn của bác sĩ.