Tác dụng của việc ăn cà rốt sống: rất tốt cho sức khỏe

Củ cà rốt là phần rễ của cây cà rốt, được trồng ở khắp mọi nơi trên thế giới và luôn sẵn có quanh năm. Cà rốt có thể chế biến bằng nhiều cách, như ăn sống (xay sinh tố, trộn với salad - giấm.), nấu chín (nấu xúp với khoai tây, làm mứt, nấu thành si-rô.); là thực phẩm thường dùng trong những món chay hoặc để thay thế cho các loại thực phẩm khó tiêu (thịt, chất béo). Khi rang khô và nghiền thành bột, nó có thể được dùng để thay thế cà phê. Người ta còn dùng si-rô cà rốt làm chất tạo ngọt. Dầu cà rốt dùng để tạo mùi thơm và chế tạo nước hoa.

TẠI SAO NÊN ĂN CÀ RỐT?

Không có loại hoa, quả, củ nào chứa nhiều carotene (tiền vitamin A) như cà rốt, vì vậy chất này đã được đặt tên từ chữ cà rốt (Carrot). Lượng carotene ăn vào sẽ được cơ thể chuyển hóa dễ dàng thành vitamin A ở ruột và gan. Vì vậy, nhiều người cho rằng ăn nhiều cà rốt sẽ làm "Sáng mắt", tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng, vì vitamin A có tác dụng phòng ngừa bệnh khô mắt, quáng gà, mù lòa ở trẻ em do thiếu vitamin A chứ không làm người bình thường sáng mắt thêm. Ngoài ra, cà rốt cũng là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và có nhiều chất bổ khác như các vitamin A, B, C, D, E, acid folic, kali và sợi Pectin (giúp hạ cholesterol máu). Những nguyên tố như can-xi, đồng, sắt, magnê, măng-gan, phospho, lưu huỳnh có trong cà rốt ở dạng dễ hấp thu vào cơ thể hơn bất kỳ dạng thuốc bổ nào. Trong cà rốt còn có nhiều chất chống oxy hóa quan trọng như: beta carotene, alpha carotene, Phenolic acid, Glutathione... đã được chứng minh là có khả năng làm giảm nguy cơ mắc phải nhiều bệnh như tim mạch, ung thư...

NÊN ĂN CÀ RỐT SỐNG HAY NẤU CHÍN?

Không giống hầu hết các loại rau quả khác, cà rốt đã nấu chín hay xay ép thành nước đem lại nhiều chất dinh dưỡng hơn so với ăn sống. Nguyên nhân là cà rốt sống có vách tế bào cứng, làm cơ thể chỉ chuyển hóa được < 25% lượng beta carotene thành vitamin A. Tuy nhiên, khi cà rốt đã được nấu chín hay xay ép thì các vách tế bào cellulose dày cứng sẽ bị phá vỡ và phóng thích ra chất dinh dưỡng, giúp cơ thể hấp thu hơn 50% carotene. Dĩ nhiên, nếu nấu quá lâu thì cũng làm giảm thành phần dinh dưỡng và mùi vị của cà rốt. 

Theo kết quả nghiên cứu của Ðại học Arkansas (Mỹ) đăng trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm (8/2000) cho thấy: Cà rốt nấu chín (với một ít dầu mỡ) hay xay ép ra nước sẽ làm tăng nồng độ các chất chống oxy hóa (beta carotene, Phenolic acid) và giúp cơ thể dễ hấp thu hơn 34,3% so với ăn cà rốt sống. 

Thông thường cà rốt được cắt thành mảnh nhỏ, vuông vức và ăn sau khi đã luộc hay hấp. Tuy nhiên, chế biến và ăn theo kiểu này sẽ làm mất đi 50% lượng protein và carbohydrate hòa tan. Vì vậy nên nấu chín nguyên củ cà rốt (đã gọt vỏ) rồi sau đó mới cắt nhỏ.

ĂN CÀ RỐT ÐÚNG CÁCH

Giá trị dinh dưỡng của thực phẩm tươi sẽ giảm theo thời gian sau khi chế biến và tồn trữ. Vì vậy, để lấy được nguồn dinh dưỡng tối đa từ cà rốt thì chỉ nên dùng loại tươi nhất và đã qua đun nấu (tốt nhất là luộc sơ qua). Ngoài ra cần phải nhai nhuyễn cà rốt khi ăn. Ðể việc hấp thu vitamin A từ thực phẩm được tốt hơn thì nên chế biến cùng với một ít dầu, mỡ. 



Nếu ăn hay uống cà rốt quá nhiều hoặc quá lâu có thể gây vàng da ở lòng bàn tay hay bàn chân. Nguyên nhân do tích tụ carotene từ cà rốt vào máu quá nhiều và làm thấm ra ngoài da. Tình trạng này không gây nguy hiểm gì và dễ kiểm sốt (khác với ngộ độc vitamin A gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, ói, lồi mắt, khô tróc da...). Chỉ cần ngưng hay giảm ăn cà rốt một thời gian thì sẽ hết vàng da (mỗi ngày ăn 1 củ cà rốt nhỏ bằng nắm tay em bé là đủ nhu cầu vitamin A từ beta carotene). Nhu cầu vitamin A hàng ngày là: 1.500-3.000 IU/ trẻ em, 3.000-5.000 IU/người lớn (1-2,5mg), 5.000-6.000 IU/phụ nữ mang thai, 6.000-8.000IU/phụ nữ cho con bú và carotene là 2-5mg/ngày/người lớn. 

Ðể tránh ngộ độc Phospho từ thuốc diệt côn trùng còn sót lại trên cà rốt, trước khi ăn ta nên rửa sạch, gọt vỏ và cắt bỏ 2 đầu. 

Loại cà rốt hoang dại Queen Annes Lace có thể gây độc khi ăn. Lá của nó chứa Furocoumarins có thể gây viêm da khi tiếp xúc phải, đặc biệt khi ướt. Hạt có thể gây sẩy thai.

BỆNH NHÂN TIỂU ÐƯỜNG CÓ DÙNG ÐƯỢC CÀ RỐT?

Cà rốt đã qua đun nấu có chỉ số đường máu (Glycaemic index) là 49, nghĩa là sau khi ăn sẽ làm nồng độ đường trong máu không tăng quá cao (< 50 là tốt). Nguyên nhân do đường trong cà rốt có cấu tạo phức tạp nên được tiêu hóa chậm hơn, bảo đảm cảm giác no kéo dài hơn. Tuy nhiên bệnh nhân tiểu đường không nên ăn hay chỉ dùng ít nước ép cà rốt.

CÁCH CHỌN VÀ DỰ TRỮ CÀ RỐT

Chọn mua những củ cà rốt có màu tươi sáng, cứng chắc, thẳng và trơn láng. Nếu củ cà rốt còn cành lá thì chọn loại có cành lá còn tươi xanh và ẩm ướt. Không mua loại đã mềm, khơ đét, nứt nẻ hay cong quẹo. Cà rốt có màu cam càng đậm thì càng chứa nhiều beta carotene. Những củ cà rốt nhỏ, non thường mềm và vị dịu nhưng cà rốt chín lại thường ngọt, chắc và đầy đủ hương vị hơn. 

Củ cà rốt dù già hay non, nếu lỏi ở giữa càng nhỏ thì càng ngọt vì đường của cà rốt tập trung ở lớp ngoài. Do đó, nếu thấy những củ cà rốt có nhiều cành lá ở gốc hay phần vai to dày thì thường có lỏi to ở giữa và lạt hơn. 

Cần cắt bỏ cành lá càng sớm càng tốt vì chúng sẽ rút đi vitamin, muối khoáng và nước từ phần củ. Ngoài ra khi chế biến, cần phải cắt bỏ luôn đầu kia và gọt vỏ. Lưu trữ cà rốt còn nguyên củ (không rửa nước và chưa cắt nhỏ) trong bao nylon bịt kín và để trong hộc cất rau quả của tủ lạnh. Chỉ nên rửa cà rốt ngay trước khi sử dụng. Thường có thể lưu trữ được cà rốt tươi hơn 1-2 tuần. Tránh để gần các loại trái cây khác, đặc biệt là táo (tây) và đào vì chúng sẽ phát ra hơi ethylene khi chín, làm cà rốt có vị hơi đắng, giảm thời gian bảo quản của cà rốt và các loại rau quả khác. 

Cà rốt sẽ bị mềm khi để ngoài không khí. Nếu bị mềm, có thể làm cứng lại bằng cách ngâm vào một tô nước đá.

THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG CỦA CÀ RỐT

Trong 230g nước ép cà rốt chứa: 70,8 calories; 0,1g chất béo toàn phần; 0g chất béo bảo hòa; 0mg cholesterol; 213,3mg natri; 0,6g chất xơ; 1,3g protein; Tối thiểu 27.000IU vitamin A; 20,550IU beta carotene; 6.388 IU alpha carotene; 32,2mg calci; 0,6mg sắt. 
(Theo kết quả thử nghiệm của Phòng thí nghiệm nghiên cứu thực phẩm Quốc gia Mỹ).

Công ty Asuzac Foods tại Tp.Hồ Chí Minh và Đà Lạt sản xuất cà rốt sấy theo phương pháp AD (Air dry) . Loại Cà Rốt sấy khô này hồi phục trong nước sôi trong khoảng 3 phút , do đó được sử dụng để ăn chung với mì gói , nấu canh , nấu súp …