Tác dụng phụ của việc bỏ thuốc lá với cơ thể

Bạn cần chuẩn bị tinh thần cho những thay đổi về thể chất và nội tiết tố qua một số tác dụng phụ thường gặp khi bạn bỏ hút thuốc. Chúng ta cùng tìm hiểu tác dụng phụ của việc bỏ thuốc lá nhé!




TÁC DỤNG PHỤ KHI BỎ THUỐC LÁ




Thèm thuốc mãn tính

Ức chế cơn thèm thuốc lá dường như không thể khi cảm giác thèm thuốc tấn công bạn mạnh mẽ. Trong hầu hết các trường hợp, cơn thèm thuốc lá gia tăng về cường độ ngay sau khi bạn ngừng hút thuốc. Sự thèm thuốc bắt đầu phát triển vào giữa ngày thứ 2 và thứ 5 sau khi bạn bỏ hút thuốc; sau thời gian này, nó dần dần giảm bớt. Đây được cho là giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình bỏ thuốc.

Chứng mất ngủ

Cần nhiều thời gian hơn cho giấc ngủ là một tác dụng phụ phổ biến của việc cai thuốc. Nhiều người hút thuốc phàn nàn về việc họ không ngủ đủ giấc khi đang cố gắng bỏ hút thuốc lá. Những lo âu và căng thẳng xuất hiện kèm theo do ngừng nicotine cũng được cho là nguyên nhân gây mất ngủ. Vấn đề này tồn tại trong khoảng tuần thứ 1 và thứ 3 của thời kỳ cai thuốc.

Mệt mỏi

Bạn có cảm thấy dường như bộ não của bạn ngừng làm việc sau khi bạn bỏ thuốc lá? Việc từ bỏ sự phụ thuộc vào nicotine là một quá trình khó khăn. Bạn cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, ngay cả sau khi đã có giấc ngủ ngon.

Khó khăn trong việc tập trung, thị lực mờ, đau đầu; tất cả các triệu chứng thông thường này chỉ kéo dài trong một vài tuần. Nhưng trong trường hợp những triệu chứng này kéo dài sau 6 tuần bỏ hút thuốc, nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì có thể có các nguyên nhân khác liên quan.

Chóng mặt

Chất nicotine trong khối thuốc lá làm tắc lưu thông của oxy đến não. Khi bạn ngừng tiêu thụ nicotine, não của bạn bắt đầu nhận được nhiều oxy hơn bình thường, có thể gây ra cảm giác chóng mặt. Hãy để cơ thể và não của bạn quen với việc thêm oxy nên phải mất một vài ngày và cảm giác ban đầu sẽ hết.

Ho hoặc triệu chứng như cúm

Đau đầu nặng, xoang, đau nhức là những triệu chứng tương tự như cảm cúm hoặc cảm lạnh, nhưng thực sự chúng có liên quan đến sự thay đổi trong hệ thống hô hấp. Nhiều người bỏ hút thuốc lá gặp phải các triệu chứng trên trong giai đoạn đầu khi vừa bỏ thuốc.

Hút thuốc tích tụ độc chất trên lông mao trong phổi. Môi trường không hút thuốc sẽ giúp làm sạch và kích hoạt lại lông mao và những cơn ho là một phần của quá trình làm sạch này. Tùy thuộc vào "khối lượng độc chất" trong phổi, các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày đến vài tháng.


Tăng cân

Nicotine được cho là ngăn chặn sự thèm ăn, do đó, việc tăng cân sau khi bỏ hút thuốc rất phổ biến. Lý do chính cho việc tăng cân là thói quen thay thế thuốc lá bằng một cái gì khác. Nhiều người bỏ thuốc chọn thực phẩm ngọt cung cấp và đáp ứng ngay cơn thèm thuốc, trong khi một số người khác thay thế thuốc lá bằng một viên kẹo hoặc kẹo cao su, một trong hai cách làm tăng thêm calo dẫn đến tăng cân.

Tiêu hóa khó

Khi bạn bỏ hút thuốc, nicotine ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa bằng nhiều cách. Nhiều người bị khó chịu dạ dày, đầy hơi, tiêu chảy, IBS (hội chứng ruột kích thích) và chứng táo bón, có thể kéo dài từ một đến bốn tuần. Hãy tránh những thực phẩm gây đầy hơi như đậu, bông cải xanh, bắp cải và các bữa ăn nặng trong 3-4 tuần. Nên ăn thực phẩm tươi sống lành mạnh và uống nhiều nước.

Vấn đề về da

Trong quá trình bỏ thuốc, cơ thể của bạn bắt đầu loại bỏ các hóa chất gây hại và giải độc cho cơ thể. Trong quá trình làm sạch này, một số người có thể bị mụn trứng cá hoặc nổi mụn. Cơ thể tìm cách loại bỏ độc tố và sự xuất hiện của mụn trứng cá có thể là một trong những dấu hiệu cho quá trình này. Một số người có đốm mụn đỏ và ngứa như phát ban do căng thẳng. Vấn đề này có thể kéo dài đến một tháng.


Khó chịu

Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao mình lại cảm thấy không như bình thường khi đã đoạn tuyệt với nicotine? Câu trả lời có thể "nấp" bên trong bộ não của bạn. Lý do bạn cảm thấy bị kích thích, khó chịu là do có sự thay đổi đáng kể trong tâm trí trong quá trình cố gắng thích nghi với môi trường không nicotine.

Những triệu chứng như mất ngủ, chuột rút, mệt mỏi cũng có thể làm tăng thêm áp lực làm bạn gắt gỏng. Nhưng với sự kiên nhẫn và một số chiến lược kìm chế sự tức giận, bạn có thể sẽ kiểm soát được tình hình.

Thay đổi tâm trạng hoặc trầm cảm

Hầu như tất cả những người hút thuốc thừa nhận rằng hút thuốc lá làm họ bình tĩnh trong tình huống căng thẳng, tuy nhiên sự thật lại mâu thuẫn. Cuộc chiến thực sự bắt đầu khi bạn không có nicotin và bạn không biết làm thế nào để đối phó với những thay đổi về hormon và thể chất mà cơ thể đang đối mặt trong quá trình từ bỏ thuốc lá.

Hãy là người chịu trách nhiệm trong cuộc sống của riêng bạn, hãy tìm ra cách để đối phó với sự căng thẳng. Việc nghiện thuốc lá rất dễ tái phát, hãy nhớ rằng cuộc hành trình để hồi phục và từ bỏ hút thuốc là một quá trình chông gai nhưng sẽ cho bạn một cuộc sống khỏe mạnh về sau.

+ Sau một năm: quá trình cai thuốc lá của bạn được xem là thành công, nếu bạn hút trở lại thì hoàn toàn không phải do bạn bị lệ thuộc thuốc lá mà bởi vì bạn muốn hút. Hãy nhớ lại lúc nhỏ bạn từ cậu bé không biết hút thuốc trở thành người nghiện hút thuốc lá như thế nào và bạn đã chịu khổ sở như thế nào khi hút và khi cai thuốc. Hãy điện thoại cho bác sỹ nếu thấy cần thiết.


THUỐC LÁ GÂY RA BỆNH GÌ?

Hút thuốc sẽ làm biến đổi da, răng, tóc và những bộ phận khác của cơ thể để tạo ra vẻ ngoài già hơn so với tuổi thực. Nó cũng tác động tới những bộ phận ẩn sâu trong cơ thể, từ khả năng sinh sản đến sức khỏe tim mạch, phổi và hệ xương.

Tổn thương răng lợi

Vàng răng là một trong những tác động điển hình của việc hút thuốc lá lâu. Những tổn thương của răng không chỉ dừng ở đây.

Những người hút thuốc có xu hướng mắc các bệnh nướu răng, hơi thở hôi và các vấn đề vệ sinh răng miệng khác.

Người hút thuốc có nguy cơ mất răng cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc.

Rụng Tóc

 

Cả nam và nữ đều có xu hướng bị tóc thưa mỏng hơn khi có tuổi và hút thuốc có thể làm tăng tốc quá trình này.

Các nhà nghiên cứu tại Đài Loan đã xác định được rằng hút thuốc như là một yếu tố nguy cơ rõ ràng gây hói đầu ở đàn ông châu Á.

Đục thủy tinh thể

Thậm chí ngay cả đôi mắt cũng dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với thuốc lá.

Hút thuốc làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể khi lớn tuổi. Đây là những vùng mây trên thủy tinh thể vốn giữ ánh sáng đến từ võng mạc. Thường bác sĩ chỉ định phẫu thuật nếu bệnh ảnh hưởng lớn tới thị lực.

Dễ gãy xương

 

Mọi người đều tin thuốc lá tấn công lá phổi đầu tiên nhưng các nghiên cứu cho thấy 1 thực tế đáng ngạc nhiên là thuốc lá lại tác động tới cơ thể bắt đầu từ hệ xương. Hút thuốc làm tăng nguy cơ yếu xương hay loãng xương và hậu quả là dẫn tới cong vẹo cột sống.

Bệnh tim và rối loạn tình dục

Hút thuốc ảnh hưởng đến gần như mọi cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả trái tim. Ở những người hút thuốc lá, các động mạch mang máu tới tim bị thu hẹp theo thời gian. Hút thuốc cũng làm tăng huyết áp và các cục máu đông dễ hình thành. Hậu quả là dễ gây ra các cơn đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.

Ở nam giới, hút thuốc lá nhiều sẽ làm giảm lưu lượng máu tới “cậu nhỏ” có thể dẫn đến rối loạn chức năng cương dương.

Giảm khả năng tập luyện

Tác động tới tim, phổi của thuốc lá có thể gây bất lợi cho bất kỳ việc tham gia hoạt động nào.

Nhịp tim của người hút thuốc có xu hướng nhanh hơn, lưu thông máu kém và khó thở hơn - không phù hợp với hoạt động luyện tập thể dục thể thao.

Các vấn đề về sinh sản

Phụ nữ hút thuốc trong 1 thời gian nhất định sẽ khó mang thai cũng như sinh 1 đứa trẻ khỏe mạnh vì các chất độc trong thuốc sẽ làm tăng nguy cơ khó thụ thai, dễ sẩy thai hay sinh trẻ nhẹ cân.

Mãn kinh sớm

Mọi phụ nữ đều trải qua thời kỳ mãn kinh, giai đoạn kích thích tố nữ giảm và chu kỳ kinh nguyệt ngừng hẳn. Hầu hết phụ nữ đều trải nghiệm sự thay đổi này ở tuổi 50 nhưng những người hút thuốc sẽ mãn kinh sớm hơn, trung bình là 1,5 năm so với phụ nữ không hút thuốc.

Tác động này rõ rệt nhất ở những phụ nữ hút thuốc nhiều năm.

Ung thư miệng

 

So với người không hút thuốc, người hút thuốc có nguy cơ ung thư miệng cao gấp 6 lần. Những người nhai thuốc lá hoặc sử dụng sản phẩm thuốc lá không khói khác có nguy cơ cao gấp 50 lần.

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh gồm một tổn thương hay biểu hiện khác lạ trên lưỡi, môi, nướu răng, hoặc khu vực khác bên trong miệng mà không khỏi hoặc không gây đau.

Ung thư phổi

 

Ung thư phổi là kẻ giết người hàng đầu của nam giới và phụ nữ ở Mỹ trong số các bệnh ung thư.

Trong số những người chết vì căn bệnh này, 9 trong số 10 ca tử vong là do hút thuốc lá. Thuốc lá cũng có thể gây tổn thương phổi nhẹ hơn như gây khó thở và các viêm nhiễm nặng như viêm phổi.

ÍCH LỢI KHI BỎ THUỐC LÁ

Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và vẻ đẹp là rất rõ ràng. Và việc cải thiện sức khỏe cũng như làn da cũng rất cụ thể ngay sau khi bạn bỏ thuốc lá.

Làn da khỏe mạnh hơn

 

Bỏ hút thuốc lá sẽ giúp cải thiện đáng kể vẻ ngoài.

Khi lưu thông máu được tốt hơn, làn da sẽ nhận được nhiều ô-xy và chất dinh dưỡng, giúp cho làn da phát triển khỏe mạnh.

Khi bỏ thuốc, các vết bẩn trên ngón tay và móng tay sẽ dần biến mất. Thậm chí, bạn có thể dễ dàng nhận thấy răng của bạn trắng lên.

Bảo vệ, chống tổn thương da: Khi bỏ hút thuốc lá, làn da sẽ có khả năng chống lão hóa sớm tốt hơn. Tuy nhiên, những nếp nhăn và các đốm tàn nhang đã xuất hiện thì không có cách gì để làm mất đi. BS da liễu Keri, Đại học Miami (Mỹ), cho biết những người hút thuốc có thể dùng các sản phẩm dưỡng da các chất chống ôxy hóa và retinoids nhiệt đới như vitamin C và E. Bà Keri cũng đề nghị nên thoa kem chống nắng mỗi ngày.

Các giải pháp khác: Để có cải thiện nhanh chóng, có thể chọn các giải pháp thẩm mỹ. Là laser và loại bỏ lớp “vỏ bọc” hóa chất bên ngoài của da, nơi tổn thương rõ nhất. “Khi bạn nhìn thấy làn da ngày càng đẹp hơn bạn sẽ có động lực để tránh xa nicotine”, BS Keri nói.

Cải thiện sức khỏe toàn diện

Chỉ sau 20 phút ngừng hút thuốc, huyết áp và nhịp tim trở lại bình thường. Trong thời hạn 24 giờ, nguy cơ đau tim của bạn bắt đầu giảm xuống.

Trong những tuần đầu tiên sau khi cai, các lông nhỏ trong phổi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ “quét sạch” kích thích ra khỏi phổi.

Trong vòng 1 năm, nguy cơ mắc bệnh tim giảm xuống một nửa. Và sau 10 năm không hút thuốc, nguy cơ tử vong vì ung thư không khác so với người không bao giờ hút thuốc.

Bỏ thuốc cũng giúp “loại trừ” các mùi đặc trưng của thuốc lá trong hơi thở, tóc và quần áo. Mùi này không những gây khó chịu mà còn ảnh hưởng xấu tới người tiếp xúc, vốn được gọi là “hút thuốc lá thụ động bắc cầu”. Những độc tố trong hơi thở, lưu trên tóc, quần áo có thể gây hại cho trẻ em.

Bạn có thể bỏ thuốc lá?

 

Các chuyên gia đồng ý rằng việc bỏ thuốc lá là rất khó khăn nhưng nếu nói không thể thì không đúng.

Chỉ cần nhớ rằng hầu hết mọi người phải cố gắng nhiều hơn một lần và chỉ có 4-7% thành công mà không cần giúp đỡ. Hãy nhờ bác sĩ tư vấn cho chiến dịch bỏ thuốc lá của mình.


NHỮNG CẢM GIÁC KHÓ CHỊU KHI CAI THUỐC LÁ

Lợi ích của cai thuốc lá:

Lợi ích trước mắt:

+ Tim mạch: Nhịp tim chậm lại, huyết áp giảm sau ngưng hút 30 phút.

+ Hô hấp: Bạn sẽ khạc đàm nhiều hơn trong một vài tuần đầu tiên là dấu hiệu tốt cho biết tế bào niêm mạc phế quản đã hoạt động trở lại. Nếu bạn mắc viêm phế quản mạn, tần suất, cường độ triệu chứng ho, khạc đàm, khó thở, thở rít giảm rõ ngay trong những ngày, tuần đầu sau cai thuốc lá.

+ Tai mũi họng: Giảm kích thích vùng hầu họng, bớt ngứa cổ ngay tuần đầu tiên, Bạn sẽ cảm nhận trở lại mùi vị thức ăn và ăn sẽ ngon miệng hơn.

+ Xét nghiệm: Nồng độ CO máu giảm nhanh chóng và trở về bình thường sau 12 giờ.

o Lợi ích lâu dài: thể hiện bằng việc giảm dần dần tỷ lệ tử vong và tỷ lệ bệnh tật có liên quan đến thuốc lá. Lợi ích lâu dài này được thể hiện ở nhiều khía cạnh:

+ Bệnh lý ung thư: nguy cơ tương đối của ung thư phổi, hầu họng, ung thư khoang miệng, thực quản, tụy tạng, bàng quang giảm dần dần và đạt ở mức ngang với người không hút thuốc lá sau 10 năm.

+ Bệnh lý tim mạch: nếu cai thuốc sau nhồi máu cơ tim thì nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát giảm 50%; nguy cơ tử vong giảm 50% vào 1 năm, mất hẳn nguy cơ tim mạch có liên quan thuốc lá vào 5 năm.

+ Bệnh lý hô hấp: nguy cơ nhiễm trùng phổi giảm, và tốc độ suy giảm chức năng hô hấp theo tuổi trở về dần tới mức sút giảm của người không hút thuốc.

+ Bệnh lý khác: giảm tác hại của thuốc lá lên hệ thống sinh sản, ngưng hút thuốc trước hoặc trong 3 - 4 tháng đầu của thai kỳ giúp giảm nguy cơ sinh con nhẹ cân.

Tác dụng gây khó chịu của cai thuốc lá:


Ngay tức thì:

+ Một số người cai thuốc lá một cách bình yên, dễ dàng. Nhưng đa số trường hợp, cai thuốc lá đi kèm với các khó chịu cả về mặt tâm thần và thể chất. Ðặc biệt ở những người nghiện nặng. Những khó chịu này gọi là hội chứng cai thuốc lá

+ Hội chứng này thể hiện bằng ít nhất 4 trong 11 triệu chứng sau đây:

- Thèm hút thuốc lá dữ dội.

- Dễ nổi giận.

- Cáu gắt.

- Hung hăng.

- Lo lắng.

- Vật vã.

- Mất tập trung.

- Mất bình tĩnh.

- Mất ngủ.

- Giảm tần số tim.

- Thèm ăn.

+ Hội chứng cai nghiện thuốc lá thường xuất hiện 24 giờ sau cai thuốc, tăng lên đạt đỉnh điểm vào cuối tuần lễ thứ nhất và giảm dần và biến mất sau 4 - 6 tuần.

Lâu dài:

+ Sau nhiều tuần lễ, nhiều tháng cai thuốc, có người vẫn còn muốn hút thuốc lá. Ham muốn này chủ yếu là do lệ thuộc về mặt tâm lý.

+ Tăng cân thường do chuyển hoá cơ bản giảm đi khi ngưng hút thuốc lá và mặt khác là do ham muốn ăn nhiều hơn. Trung bình sau 1 -2 năm cai thuốc lá, người cai thuốc lá sẽ tăng cân khoảng 3 - 5 kg.

Những tình huống và biện pháp ngăn ngừa tái nghiện hút thuốc:

o Tình huống tái nghiện đột ngột: liên quan đến hai hoàn cảnh sau:

+ Hoàn cảnh khó khăn, căng thẳng quá mức, cần hút một điếu thuốc để chống lại.

+ Hoàn cảnh cực kỳ dễ chịu thoải mái, cần hút một điếu thuốc để thêm phần thư dãn.

+ Ðây là hai hoàn cảnh thường khiến bạn rất "yếu đuối" trước cám dỗ của thuốc lá. Bạn cần có suy nghĩ trước về hai hoàn cảnh này và chọn sẵn cho mình hành vi thay thế trong các trường hợp đó.

Tình huống tái nghiện có thể kiểm soát được: thường liên quan đến việc tăng cân nặng sau khi cai thuốc lá. Bạn hút thuốc lá trở lại với mục tiêu giảm cân nặng. Ðối với tình huống này bạn cần trao đổi với bác sỹ để tìm ra cách ăn uống và vận động thể lực phù hợp để giảm cân nặng hơn là hút thuốc trở lại.

Các mốc thời gian sau cai thuốc cần phải cảnh giác nguy cơ tái nghiện cao nhất:

+ Trong một tháng đầu tiên: nguyên nhân là do hội chứng cai nghiện thuốc lá, bạn cần báo cho bác sỹ để bác sỹ cho lời khuyên và các thuốc men nhằm làm giảm đến mức tối đa các tác dụng khó chịu của hội chứng này.

+ Ba - sáu tháng sau cai thuốc: lúc này hội chứng cai thuốc lá không còn nữa, bạn chủ quan cho rằng mình đã cai được thuốc lá và cho rằng nếu chỉ hút một hai điếu do bạn bè mời mọc thì sẽ chẳng sao. Hãy nhớ rằng chỉ hút trở lại dù chỉ một điếu bạn sẽ nhanh chóng trở lại nghiện thuốc lá. Như vậy trong giai đoạn này nâng cao cảnh giác trong mọi tình huống là điều cần thiết, hãy mạnh dạn nói với người thân và bạn hữu rằng bạn đang cai thuốc lá và hãy đừng mời bạn hút.

+ Sáu tháng - một năm: đây là thời điểm những xung đột trong cuộc sống và công việc xảy ra, bên cạnh đó số lần và thời gian bạn gặp bác sỹ cũng đã thưa thớt rồi, nên bạn rất dễ hút trở lại để giải quyết vấn đề. Hãy nhanh chóng điện thoại cho bác sỹ để có lời khuyên phù hợp.






Tác hại của đeo kính áp tròng
Tác hại của việc đi giày cao gót quá đà
Tác hại khôn lường của thuốc tránh thai khẩn cấp
Tác dụng làm đẹp của nghệ cực kì thú vị
Những điều cần biết về thuốc tránh thai cấp tốc
Tác dụng chữa bệnh của muối ăn




(ST)
Trong thời gian cai thuốc lá cần bổ sung ăn uống và kiêng khem nhu thế nào? cà uống thuốc gì để giảm bớt các triệu chứng khó chịu trên? Monh được bác sĩ tư vấn
hơn 1 tháng trước - Thích
Gửi hỏi đáp - bình luận