Những thay đổi của cơ thể sau khi bỏ thuốc lá
Tác dụng phụ của việc bỏ thuốc lá với cơ thể
Sau khi hiến máu nên ăn thức ăn gì để tốt cho cơ thể?
Châm cứu, bấm huyệt là những phương pháp chữa bệnh đơn giản, nhưng có công hiệu rất lớn trong phòng và chữa một số loại bệnh, tuy nhiên, nó lại trở thành con dao hai lưỡi nếu bị lạm dụng. Chúng ta cùng tìm hiểu tác dụng phụ của việc châm cứu nhé!
CHÂM CỨU - BẤM HUYỆT: CON DAO HAI LƯỠI
Ngày nay, châm cứu được ứng dụng phổ biến trong y học như: châm tê để hỗ trợ phẫu thuật ngoại khoa, châm cứu cắt cơn nghiện trong điều trị cai nghiện ma túy, châm cứu để giảm béo.
Tuy vậy, không phải ai cũng có thể chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu này, bởi nếu thiếu hiểu biết và chưa có kinh nghiệm thì châm cứu có thể gây ra nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Các bác sĩ hiện đang áp dụng một số phương pháp châm cứu thông dụng như:
- Điện châm: Dùng dòng điện để tăng kích thích của kim vào huyệt khi mắc điện cực của máy điện châm vào kim châm cứu và điều chỉnh cường độ của dòng điện phù hợp với ngưỡng của bệnh nhân. Điện châm hiện đang là phương pháp điều trị rất phổ biến trong lĩnh vực y học cổ truyền.
- Thủy châm: Dùng thuốc tiêm trực tiếp vào các huyệt.
- Cứu ngải: Dùng điếu ngải (được làm từ cây ngải cứu khô đã sao vàng và nghiền thành bột, sau đó lấy giấy bản quấn chặt lại giống như điếu xì gà) đã được châm lửa rồi hơ vào huyệt (y học cổ truyền gọi là cứu).
Bác sĩ sẽ dùng điếu ngải đã châm nóng, để cứu thẳng vào huyệt hoặc cứu vào đốc kim châm cứu, khi đó, tinh dầu của ngải cứu và hơi nóng sẽ tác động sâu vào huyệt giúp phục hồi những tổn thương nhanh chóng.
Châm cứu thường được dùng để điều trị các bệnh cấp và mãn tính như:
- Thần kinh: liệt dây VII ngoại biên (thường do nhiễm lạnh đột ngột), đau dây V và các dây thần kinh ngoại biên khác, máy mắt, sụp và mỏi mi mắt, liệt nửa người, đau thần kinh tọa, và nhiều chứng đau khác.
- Cơ xương khớp: giãn dây chằng, thoái hóa khớp gối, đau do thoái hóa cột sống cổ, lưng.
- Tuần hoàn: Huyết áp cao, thấp, rối loạn thần kinh tim.
- Tiêu hóa: Các bệnh về dạ dày, ruột.
- Sinh dục: Các bệnh rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, di mộng tinh.
- Tiết niệu: Tiểu dầm, tiểu bí.
Những trường hợp không nên châm cứu:
- Những người cơ địa yếu, không thích nghi được.
- Những người có thể trạng yếu, suy kiệt, châm cứu dễ bị sốc.
- Bệnh nhân bị bệnh tiểu đường.
Mặc dù châm cứu tỏ ra rất hiệu quả trong điều trị một số loại bệnh, nhưng nếu không cẩn thận dễ gây ra những rủi ro nguy hiểm. Nếu bác sĩ châm cứu thẳng vào dây thần kinh, có thể dẫn đến bị liệt, teo cơ…
Khi châm kim, nếu người bệnh có cảm giác rất buốt, bác sĩ cần phải rút kim ra ngay lập tức. Bởi nếu châm sai huyệt, châm vào những huyệt nguy hiểm, châm quá sâu, có thể gây t��� vong.
Do đó, để châm cứu chữa bệnh đạt hiệu quả, người bệnh chỉ nên đến bệnh viện, viện châm cứu đã được xác nhận của Bộ Y tế.
Không lạm dụng xoa bóp, bấm huyệt
Xoa bóp, bấm huyệt là một kích thích cơ học, trực tiếp tác động vào da thịt, thần kinh, mạch máu và các cơ quan cảm thụ gây nên những thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết, qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ thần kinh. Đó là nền tảng đem lại những ứng dụng đột phá trong phòng, điều trị bệnh và nâng cao sức khỏe.
Đây là hai phương pháp thường được phối hợp nhuần nhuyễn trong phòng và chữa bệnh. Trước khi bấm huyệt, bác sỹ cần tiến hành xoa bóp để cơ vùng huyệt mềm mại, tránh tình trạng làm cơ phản ứng đột ngột gây co và tổn thương cơ.
Đối với cơ xương khớp, xoa bóp, bấm huyệt có tác dụng làm giãn cơ, đặc biệt là những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó. Xoa bóp, bấm huyệt thường xuyên còn làm tăng tính linh hoạt của khớp và làm giảm khả năng bị chấn thương, cải thiện tư thế.
Ngoài ra, xoa bóp còn kích thích hệ thống lympho, làm tăng miễn dịch và cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể.
Xoa bóp, bấm huyệt tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh dày đặc ở dưới da tạo ra các đáp ứng phản xạ thần kinh có tác dụng điều hòa quá trình hưng phấn hay ức chế thần kinh trung ương, làm thư giãn thần kinh, giảm đau, giãn cơ, và cải thiện chức năng tiêu hóa, làm da bóng đẹp.
Xoa bóp còn có nhiều tác dụng phục hồi sức khỏe. Theo y học cổ truyền, xoa bóp, bấm huyệt thông qua tác động vào các huyệt, kinh lạc (kinh cân) có thể đuổi được ngoại tà, thông kinh hoạt lạc và điều hòa chức năng tạng phủ.
Do đó, bấm huyệt còn được kết hợp với châm cứu để trị bệnh. Bấm huyệt trước khi châm cứu sẽ làm tăng tác dụng của châm cứu lên rất nhiều.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bác sỹ khuyến cáo chỉ nên bấm huyệt mà không được châm cứu như: cơ địa bệnh nhân không chịu được châm cứu, người mắc bệnh tiểu đường…
Khi cơ thể bị mệt mỏi sau thời gian lao động căng thẳng cả về thể xác lẫn tinh thần, xoa bóp, bấm huyệt cũng được xem là giải pháp hiệu quả và nhanh nhất để giúp lấy lại sự thăng bằng và tươi trẻ. Đối với phụ nữ muốn kéo dài tuổi thanh xuân, thường xuyên xoa bóp, bấm huyệt sẽ giữ gìn sức khỏe và sắc đẹp được lâu dài.
Đặc biệt, khi phụ nữ bước sang tuổi trung niên, xoa bóp, bấm huyệt thường xuyên sẽ giúp lưu thông khí huyết và tạo hưng phấn để nội tiết tố được duy trì dồi dào.
Ở người tuổi trung niên, đặc biệt là người cao tuổi, hoạt động của hệ thống cơ xương khớp và tạng phủ đã trì trệ, khí huyết lưu thông kém thì việc xoa bóp, bấm huyệt đều đặn là biện pháp rất tốt giúp khí huyết lưu thông, tăng cường nuôi dưỡng các tế bào và thải độc tố, làm giảm đáng kể quá trình lão hóa và ngăn ngừa phát sinh bệnh tật ở tuổi già.
Những trường hợp không được xoa bóp, bấm huyệt:
- Chấn thương: cả vết thương kín và vết thương hở khi bị tổn thương ở cơ, xương, khớp.
- Vùng bị viêm nhiễm tấy đỏ hoặc lở loét.
- Các chứng bệnh ngoại khoa: viêm ruột thừa, thủng dạ dày, viêm vòi trứng vỡ./.
TUY NHIÊN KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN LỢI ÍCH TUYỆT VỜI CỦA VIỆC CHÂM CỨU
Tạp chí Archives of Internal Medicine đã tổng hợp các nghiên cứu và tìm ra 6 lợi ích tuyệt vời từ việc châm cứu đối với sức khỏe.
Đối tượng tham gia nghiên cứu gồm 18.000 người và kết quả cho thấy châm cứu là một phương pháp điều trị rất tốt cho những người có bệnh mãn tính, bệnh đau khớp.
Châm cứu giúp giảm đau lưng
Sử dụng liệu pháp châm cứu làm giảm chứng đau lưng kinh niên. Phương pháp này đã được nhắc đến trong nhiều tài liệu khoa học. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Archives of Internal Medicine vào tháng 5 vừa qua cho thấy những người được cho “mô phỏng” châm cứu (bấm huyệt vào một điểm đau nhất định nhưng không được sử dụng kim tiêm). Kết quả cho thấy những người tham gia phương pháp đó sức khỏe cải thiện hơn 15% so với những người đang dùng thuốc và được chỉnh hình theo tiêu chuẩn.
Tăng hiệu quả của dược phẩm
Một nghiên cứu từ Trung Quốc, được công bố vào hồi tháng 8 trên Tạp chí Y học Thay thế và Bổ sung thấy rằng: “Một liều lượng thấp của fluoxetine (Prozac) kết hợp với châm cứu trị liệu có hiệu quả giảm lo lắng ở bệnh nhân đang được điều trị trầm cảm như một liều thuốc.
Châm cứu làm tăng hiệu quả của dược phẩm
Làm giảm chứng ợ nóng và đầy hơi
Tháng 6 vừa qua, các nhà khoa học Brazil khẳng định châm cứu trị liệu làm giảm bớt chứng ợ nóng và khó tiêu ở phụ nữ mang thai.
Họ đã nghiên cứu trên hai nhóm trong đó một nhóm phụ nữ mang thai được kết hợp giữa châm cứu và các loại thuốc và một nhóm khác được tư vấn để thay đổi chế độ ăn uống và được cấp thuốc men nếu thấy cần thiết. Kết quả cho thấy 75% phụ nữ trong nhóm sử dụng biện pháp châm cứu đã giảm đáng kể cường độ ợ nóng và nồng đồ axit trong dạ dày, trong khi ở nhóm điều trị bằng thuốc cộng với chế độ ăn, con số chỉ là 44%.
Chống lại những ảnh hưởng của xạ trị
Theo nghiên cứu của các nhà khoc học Hoa Kỳ vừa được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy bệnh nhân ung thư phải xạ trị thường phải chịu một loạt các tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt. Tuy nhiên, nhờ biện pháp châm cứu, chứng buồn nôn ít hơn, ít bị khô miệng hơn.
Mặc dù, châm cứu không thực sự giảm hẳn các tác dụng phụ của xạ trị nhưng phần nào giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.
Giảm chứng đau đầu dai dẳng
Căn cứ vào kết quả đánh giá trên 22 nghiên cứu liên quan đến châm cứu trị liệu, đau nửa đầu, nhức đầu căng thẳng cho thấy những người thường xuyên dùng phương pháp châm cứu trị liệu có hiệu quả trong việc phòng ngừa chứng đau đầu.
Châm cứu giảm chứng đau nửa đầu hiệu quả
Giảm béo phì?
Các nhà khoa học Hàn Quốc đã phân tích 31 nghiên cứu trên 3.013 bệnh nhân cho thấy điều trị bằng phương pháp châm cứu giúp giảm trọng lượng cơ thể hơn với việc thay đổi lối sống, sinh hoạt và dùng thuốc.
Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn lưu ý rằng, những người sẵn sàng để thử phương pháp này vẫn nên tập thể dục hàng ngày và cần có một chế độ ăn uống hợp lý.
CHÚNG TA CÙNG TÌM HIỂU CƠ CHẾ TÁC DỤNG CỦA CHÂM CỨU
Châm cứu là một phương pháp chữa bệnh có nhiều kết quả, phạm vi ứng dụng rộng rãi, ngày một phát triển dưới những hình thức vô cùng phong phú.
Đã từ lâu, lý luận về cơ học tác dụng của phương pháp châm cứu dựa trên những nguyên lý của các học thuyết cơ bản của y học dân tộc cổ truyền (âm dương, ngũ hành, tạng tượng, kinh lạc, thiên nhân hợp nhất…). Trong những năm gần đây, ở rất nhiều nước, phương pháp chữa bệnh bằng cách tác động lệ “huyệt” nằm trên cơ thể con người và động vật đã được một sự quan tâm đặc biệt, và việc tìm hiểu cơ chế tác dụng của nó (châm cứu) trên cơ sở khoa học đã và đang gây nên những tranh luận vô cùng sôi nổi.
Qua các công trình nghiên cứu trên lâm sàng và thực nghiệm, thật khó mà nói một cách chính xác khoa học về cơ chế tác dụng của phương pháp chữa bệnh bằng châm cứu. Có rất nhiều giả thuyết về cơ chế tác dụng của châm cứu được bàn đến.
·Cơ chế thể dịch: Miarbe (Pháp), Tokieda (Nhật)
·Cơ chế thay đổi trình diện sinh vật: Delafuje, Niboyet (Pháp), Patsibiskin (Liên Xô), Okamoto (Nhật).
·Cơ chế thay đổi các chất trung gian hoá học đặc biệt là Histamine Maritiny (Pháp)
·Cơ chế thần kinh phản xạ: Chu Liễn (Trung Quốc), Vogralic (Liên Xô), Felix Mann (Anh), Kassin (Liên Xô), J. Bossy (Pháp)
·Cơ chế “cửa kiểm soát”: Melzach (1965)
·Cơ chế thần minh thể dịch nội tiết đặc biệt là b. Endorphine (Giải thưởng Nobel về y học năm 1977): Bruce Pomeranz (Canada).
I – CƠ CHẾ CỦA CHÂM CỨU THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN DÂN TỘC
1. Sự mất thăng bằng về âm dương dẫn tới sự phát sinh ra bệnh tật và cơ chế tác dụng của châm cứu cơ bản là điều hoà âm dương.
Theo y học cổ truyền, âm dương là thuộc tính của mỗi vật trong vũ trụ. Hai mặt âm dương luôn có quan hệ đối lập (mâu thuẫn) nhưng luôn thống nhất với nhau. Âm dương trong cơ thể bao giờ cũng thăng bằng (bình hành) nương tựa vào nhau (hỗ can) để hoạt động giúp cho cơ thể luôn luôn thích ứng với hoàn cảnh xã hội, thiên nhiên.
Bệnh tật phát sinh ra là do sự mất cân bằng của âm dương. Sự mất cân bằng đó gây nên bởi các tác nhân gây bệnh bên ngoài (Tà khí của lục dâm) hoặc do thể trạng suy yếu, sức đề kháng kém (chính khí hư) hoặc do sự biến đổi bất thường về mặt tình cảm, tinh thần (nội nhân), hoặc cũng có khi do những nguyên nhân khác như thể chất của người bệnh quá kém, sự ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt không điều độ…
Trên lâm sàng, bệnh lý biểu hiện hoặc hàn hoặc nhiệt, hoặc hư hoặc thực (hư hàn thuộc về âm, thực nhiệt thuộc về dương), nhiều khi bệnh tật rất phức tạp, các dấu hiệu thuộc về hàn nhiệt rất khó phân biệt (kiêm chứng)…
Nguyên tắc điều trị chung là điều hoà (lập lại) mối cân bằng của âm dương. Cụ thể trong điều trị bằng châm cứu, muốn đánh đuổi tà khí, nâng cao chính khí (sức đề kháng của cơ thể) phải tùy thuộc vào vị trí nông sâu của bệnh, trạng thái hàn nhiệt, hư thực của người bệnh để vận dụng thích đáng dùng châm hay cứu, dùng thủ thuật hay bổ như nhiệt thì châm, hàn thì cứu, hư thì bổ, thực thì tả vv…
2. Bệnh tật phát sinh ra làm rối loạn hoạt động bình thường của hệ kinh lạc và cơ chế tác dụng của châm cứu cơ bản là điều chỉnh cơ năng hoạt động của hệ kinh lạc.
Theo y học cổ truyền, hệ kinh lạc bao gồm những đường kinh (thẳng) và những đường lạc (đường ngang) nối liền các tạng phủ ra ngoài da và tứ chi, khớp ngũ quan, và nối liền các tạng phủ, kinh lạc với nhau. Hệ thống kinh lạc chằng chịt khắp cơ thể, Thông suốt ở mọi chỗ (trên, dưới, trong , ngoài), làm cơ thể tạo thành một khối thống nhất, thích nghi được với hoàn cảnh tự nhiên và xã hội.
Trong kinh lạc có kinh khí (Thenergy of life) vận hành để điều hoà KHÍ HUYẾT làm cơ thể luôn khoẻ mạnh, chống được các tác nhân gây bệnh. Hệ kinh lạc cũng là nơi biểu hiện các trạng thái bệnh lý của cơ thể, đồng thời cũng là nơi tiếp nhận các hình thức kích thích (dùng châm, cứu, xoa bóp, ấn huyệt giác…) thông qua các “huyệt” để chữa bệnh.
Bệnh tật sinh ra do nguyên nhân bên ngoài (ngoại nhân – tà khí) hoặc nguyên nhân bên trong (chính khí hư) đưa đến sự bế tắc vận hành kinh khí trong đường kinh. Nếu có tà khí thực thì phải loại bỏ tà khí ra ngoài (dùng phương pháp tả), nếu do chính khí hư thì phải bồi bổ cho chính khí đầy đủ (dùng phương pháp bổ).
Mỗi đường kinh mang tên một tạng hoặc một phủ nhất định. Khi tạng phủ có bệnh thường có những biểu hiện thay đổi quan biểu lí với nó (Chẩn đoán dựa vào phương pháp chẩn đoán chung, kết hợp với phương pháp chẩn đoán trên kinh lạc, dò kinh lạc…). Khi châm cứu, người ta tác dụng vào các huyệt trên các kinh mạch đó để điều chỉnh các rối loạn chức năng (bế tắc) của kinh mạch.
Trên cơ sở học thuyết kinh lạc, tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh, tình trạng của cơ thể, người ta chú trọng đặc biệt đến các vấn đề sau:
Châm kim phải đắc khí
Hư thì bổ, thực thì tả
Dựa vào sự liên quan giữa tạng phủ và đường kinh, người ta phối hợp sử dụng các huyệt tại chỗ với các huyệt ở xa (thường ở tay, chân)…
II – CƠ CHẾ TÁC DỤNG CỦA CHÂM CỨU THEO HỌC THUYẾT THẦN KINH - NỘI TIÊT - THỂ DỊCH
1. Một số vấn đề của hoạt động thần kinh có liên quan tới việc giải thích cơ chế tác dụng của châm cứu.
a) Châm cứu là một kích thích gây ra một cung phản xạ mới
Châm là một kích thích cơ giới, cứu là một kích thích về nhiệt gây nên kích thích tại da, cơ.
Tại nơi châm, cứu có những biến đổi, tổ chức tại nơi châm bị tổn thương sẽ tiết Histamin, axetylcholin, cathecolamin… nhiệt độ ở da thay đổi, bạch cầu tập trung, phù nề tại chỗ, các phản xạ đột trục làm co giãn mạch máu…
Tất cả những kích thích trên tạo thành một kích thích chung của châm cứu. Các luồng xung động của các kích thích được truyền vào tủy lên não, từ não xung động chuyển tới các cơ quan đáp ứng hình thành một cung phản xạ mới.
b) Hiện tượng chiếm ưu thế Utomski
Theo nguyên lý của hiện tượng chiếm ưu thế của Utomski thì trong cùng một thời gian, ở một nơi nào đó của hệ thần kinh trung ương (vỏ não), nếu có hai luồng xung động của hai kích thích khác nhau đưa tới, kích thích nào có cường độ mạnh hơn và liên tục hơn sẽ có tác dụng kéo các xung động của kích thích kia tới nó và kìm hãm, tiến tới dập tắt kích thích kia.
Như trên đã trình bày, châm hay cứu là một kích thích gây ra một cung phản xạ mới, nếu cường độ kích thích được đầy đủ sẽ ức chế ở hưng phấn do tổn thương bệnh lí gây ra, tiến tới làm mất hoặc phá vỡ cung phản xạ bệnh lí.
Trên thực tế lâm sàng, người ta thấy hiệu quả nhanh chóng của châm cứu (đặc biệt là dùng châm điện trong việc làm giảm cơn đau của một số bệnh cấp tính như cơn đau dạ dày, giun chui ống mật, đau các dây thần kinh ngoại biên gẫy xương, viêm khớp, đau răng …) và tác dụng làm chết cảm giác lạnh, sợ lạnh của phương pháp cứu trong điều trị cấp cứu các trường hợp trụy tim mạch vv… Tác dụng của châm cứu có thể làm thay đổi hoặc đi tới làm mất phản xạ đau và nhiều bệnh. Khi châm cứu để đảm bảo kết quả điều trị, để kích thích tác động lên huyệt phải đạt đến ngưỡng (seuil d’excitation) mà y học cổ truyền gọi là đắc khí và phải tăng (hoặc giảm) cường độ kích thích khi cần thiết để nâng cao thêm hiệu quả chữa bệnh mà y học cổ truyền gọi là thủ thuật bổ tả.
c) Sự phân chia tiết đoạn thần kinh và sự liên quan giữa các tạng phủ đối với các vùng cơ thể do tiết đoạn chi phối.
Thần kinh tủy sống có 31 đôi dây, mỗi đôi dây chia ra làm hai ngành trước và sau chi phối vận động và cảm giác một vùng cơ thể gọi là một tiết đoạn. Sự cấu tạo thần kinh này gọi là sự cấu tạo tiết đoạn
Ví dụ: vùng da ở các tiết đoạn ngực D5, D6, D9 và tiết đoạn cổ C2, C3, C4 tương ứng với dạ dày (hình 2)
Khi nội tạng có bệnh, người ta thấy có sự tăng cường cảm giác vùng da cùng tiết với nó như cảm giác đau, thay đổi điện sinh vật vv… Hiện tượng này xảy ra do những sợi thần kinh giao cảm bị kích thích, xung động dẫn truyền vào tủy, lan toả vào các tế bào cảm giác sừng sau tủy sống gây ra những thay đổi về cảm giác ở vùng da. Mặt khác những kích thích giao cảm làm co mạch, sự cung cấp máu ở vùng da ít đi và làm điện trở ở da giảm xuống gây ra những thay đổi về điện sinh vật.
Trên cơ sở này Zakharin (Liên Xô) và Head (Anh) đã thiết lập được một giản đồ về sự liên quan giữa vùng da và nội tạng, và đây cũng là nguyên lý chế tạo các máy đo điện trở vùng da và máy dò kinh lạc …
Bảng đối chiếu sự liên quan giữa các nội tạng và tiết đoạn thần kinh
Nội tạng |
Tiết đoạn |
Tim |
D1-D2 (D4-D6) |
Phổi |
D2-D3 (D4-D6) |
Thực quản |
D7-D8 |
Dạ dày |
D5-D9 (C2-C5) |
Ruột |
D9-D12 |
Trực tràng |
S2-S4 |
Gan, Mật |
D7-D9 |
Thận, niệu quản |
D10-D12, L1-L2 |
Bàng quang |
D11-D12, L1, S1-S4 |
Tiền liệt tuyến |
D10-D11, L5-S1-S2-S3 |
Tử cung |
D10-L1L2, S1-S4 |
Tuyến vú |
D4-D5 |
(Trong đó C = cổ; L = thắt lưng; S = cùng)
Nếu nội tạng tổn thương, dùng châm cứu hay các phương pháp vật lý trị liệu khác tác động vào các vùng dạ dày trên cùng một tiết đoạn với nội tạng sẽ chữa được các bệnh ở nội tạng.
d) Nguyên lý về cơ năng sinh lý linh hoạt của hệ thần kinh của Widekski
Theo nguyên lý này, trong trường hợp thần kinh ở trạng thái yên tĩnh, một kích thích nhẹ thường hay gây ra một phản ứng hưng phấn nhẹ, kích thích mạnh thường gây ra một phản ứng hưng phấn mạnh, nhưng nếu thần kinh ở trạng thái bị hưng phấn do bệnh kích thích mạnh chẳng những không gây ra mạnh mà trái lại nó làm cho hoạt động thần kinh chuyển sang quá trình ức chế nên bớt đau.
e) Lý thuyết về đau của Melzak và Wall (cửa kiểm soát - 1965)
Trong trạng thái bình thường các cảm thụ bản thể đi vào sừng sau tủy sống, ở các lớp thứ ba, thứ tư (gồm các tế bào của các chất keo và các tế bào chuyển tiếp) làm cảm giác đau (hoặc không đau) được dẫn truyền. Tế bào như cánh cửa kiểm soát, quyết định cho cảm giác nào đi qua. Ở trạng thái bình thường luôn có những xung động, những xung động này phát huy ức chế, qua tế bào chuyển tiếp và đi lên với kích thích vừa phải. Xung động được tăng cường đến làm hưng phấn tế bào chất tạo keo làm khử cực dẫn truyền và đi lên.
Trên cơ sở lý thuyết cửa kiểm soát của Melzak và Wall, năm 1971, Shealy chế tạo được một máy luôn kích thích cột sau tủy sống để làm giảm đau trong các bệnh ung thư.
h) Vai trò thể dịch, nội tiết và các chất trung gian thần kinh
Từ năm 1973, nhiều thực nghiệm đã chứng minh được trong châm cứu và đỉnh cao của nó là châm tê, ngoài vai trò của thần kinh ra còn có vai trò của thể định tham gia trong quá trình làm giảm đau (trong châm cứu chữa bệnh) và nâng cao ngưỡng chịu đau (trong châm tê phẫu thuật). Có nhiều thảo luận về các chất này. Có thể là: Axetycholin, các chất Mono-min (Cathecolamin, 5 Hydroxyplamin, các chất peptit, các chất monoaxit, mocphine-like) (quan trọng là Endorphine) chất gây đau p (Subtice P) Mocphinelike - những năm 1976, Guillemin (người gốc Pháp, quốc tịch Hoa Kỳ) Chor HaoLi (người Hoa, quốc tịch Hoa Kỳ) đã phân tích được tuyến yên của lạc đà, lợn, cừu… chất mocphine-like (gồm, Endorphine và …) trong đó chất Endophine có tác dụng tương đương 200 lần mocphin (trên ống nghiệm). Cùng năm 1976, Mayer và cộng sự đã chứng minh tác dụng châm tê bị huỷ do tiêm vào động vật thực nghiệm chất Naloxone (chất đối lập với số thực nghiệm về châm tê):
Bruce Pomeranz (Trường đại học Toronto Canada); năm 1976 đã thành công trong một số thực nghiệm về châm tê:
Tiêm Naloxone vào mèo được châm tê thấy sự phóng điện của các tế bào ở lớp V sừng sau tủy sống mèo không bị ức chế nữa. Cắt bỏ tuyến yên mèo rồi châm tê, không thu được kết quả tê.
Người ta đã xác định được công thức hôạhc của chất morphine-like là những chất tiết của não chủ yếu do hậu yên tiết ra, ngoài ra còn thấy ở trên ruột và nhiều cơ quan khác. Nó là một polypeptid gồm 91 axit amin từ số 61 đến số 91 có tác dụng morphine nhiều nhất, mạnh gấp 200 lần mocphine.
2. Cơ chế tác dụng của châm cứu
Như đã trình bày: châm cứu là một kích thích gây ra một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế và phá vỡ cung phản xạ bệnh lý có thể xuất hiện ngay tức thì sau khi châm kim và tác động vào huyệt, nhưng cũng nhiều khi phải lưu kim lâu và điều trị nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhiều liệu trình mới thu được kết quả. Ngoài vai trò của thần kinh ra còn có vai trò của nội tiết, thể dịch tham gia trong việc phá vỡ cung phản xạ bệnh lý. Vogralic, Kassin (Liên Xô), Chu Liễn (và nhiều tác giả Trung Quốc), Vũ Xuân Lãng, Lê Khánh Đồng (Việt Nam), Mai Văn Nghệm, Jean-Bossy (Pháp), vv… Căn cứ vào vị trí tác dụng của nơi châm cứu đề ra 3 loại phản ứng cơ thể, trên cơ sở này để giải thích cơ chế tác dụng và hướng dẫn phương pháp học tập và sử dụng châm cứu cho dễ dàng (xem hình 4 về cơ chế tác dụng của châm cứu).
a) Phản ứng tại chỗ:
Châm hay cứu vào huyệt là một kích thích gây một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế và phá vỡ cung phản xạ bệnh lý: như làm giảm cơn đau, giải phóng sự co cơ, vv…
Những phản xạ đột trục của hệ thần kinh thực vật làm ảnh hưởng đến sự vận mạch, nhiệt, sự tập trung bạch cầu, vv… làm thay đổi tính chất của tổn thương, giảm xung huyết, bớt nóng, giảm đau.
Phản ứng tại chỗ có ý nghĩa thực tiễn lâm sàng khá lớn là cơ sở của phương pháp điều trị tại chỗ hay xung quanh nơi có thương tổn mà châm cứu dùng các huyệt gọi là A thị huyệt (thống điểm, thiên ứng huyệt).
b) Phản ứng tiết đoạn
Khi nội tạng có tổn thương bệnh lý thì có những thay đổi cảm giác vùng da ở cùng một tiết đoạn với nó, ngược lại những kích thích từ vùng da của một tiết đoạn nào đó sẽ có ảnh hưởng đến nội tạng cùng trên tiết đoạn đó (xem sơ đồ Zakhazin - Head)
Việc sử dụng các huyệt ở một vùng da để chữa bệnh của các nội tạng cùng tiết đoạn với vùng này sẽ gây ra một phản ứng tiết đoạn, gây ra các luồng xung động thần kinh hướng tâm. Những luồng này sẽ truyền nhịp vào sừng sau tủy sống rổi chuyển qua sừng trước từ đó bắt đầu cung phản xạ ly tâm, một là theo các sợi vận động trở về bộ phận cơ của tiết đoạn được châm, hai là theo các sợi thực vật đến mạch máu và đến các cơ quan, nội tạng tương ứng, làm điều hoà mọi cơ năng sinh lý như phân tiết dinh dưỡng…
Việc sử dụng phản ứng tiết đoạn có nhiều ý nghĩa thực tiễn lớn vì nó có thể giúp cho người thầy thuốc châm cứu chọn những vùng và huyệt ở một tiết đoạn thần kinh tương ứng với một cơ quan, nội tạng bị bệnh. Việc thành lập công thức châm cứu điều trị một số bệnh thuộc từng vùng được tiện lợi và dễ ứng dụng hơn. Mặt khác theo quan niệm của phản ứng tiết đoạn giúp người học và ứng dụng châm cứu hiểu và giải thích được phương pháp dùng các du huyệt (ở lưng), mô huyệt (ở ngực, bụng) và các huyệt ở xa (tay, chân) để châm cứu làm giảm đau một số bệnh thuộc nội tạng có cùng tiết đoạn thần kinh chi phối, đặc biệt là dùng các huyệt sát cột sống (Hoa Đà giáp tích) và các bối du huyệt trong châm gây tê để phẫu thuật.
c) Phản ứng toàn thân
Qua thực tế lâm sàng chữa bệnh bằng châm cứu người xưa đã đúc kết ra được rất nhiều cách dùng huyệt. Một huyệt có thể dùng để chữa nhiều bệnh, một bệnh cũng có thể dùng nhiều công thức huyệt khác nhau và cũng là một loại bệnh trên cùng một bệnh nhân,nhưng tùy theo thời gian bị bệnh (mùa xuân, hạm thu và đông) và thời gian đến điều trị (sáng, trưa, chiều, tối) mà thầy thuốc châm cứu dùng các huyệt khác nhau (xem thêm tỳ ngọ lưu chú - thời châm cứu học).
Việc sử dụng các huyệt theo các cách dùng huyệt kể trên nhiều khi không nằm tại chỗ cơ quan bị bệnh và cũng có khi không nằm trên các tiết đoạn có liên quan với nơi bị bệnh. Các nhà nghiên cứu châm cứu hiện đại cho rằng tác dụng điều trị của châm cứu trong các trường hợp kể trên là thông qua tác dụng gây ra phản ứng toàn thân.
Thực chất, bất kỳ một kích thích nào đối với cơ thể cũng đều có liên quan tới hoạt động của vỏ não, nghĩa là có tính chất toàn thân. Như vậy, sự phân chia ra phản ứng cục bộ tại chỗ, phản ứng tiết đoạn chỉ có giá trị về sự liên quan cục bộ từng phần cơ thể thông qua hoạt động của tủy.
Khi nói tới phản ứng toàn thân, chúng ta cần nhắc lại nguyên lý về hiện tượng chiếm ưu thế vỏ não của Utomski, về cơ năng linh hoạt của hệ thần kinh của Wedensky, về các kích tố (hormon), và các chất trung gian hoá học thần kinh (hisamin, axetylcholin, mocphin-like…)
Điểm quan trọng của phản ứng toàn thân là tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương và thông qua hệ này và hệ thần kinh thực vật mà ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và mọi tổ chức của cơ thể.
Sau khi châm, từng luồng xung động thần kinh không ngừng được diễn truyền vào tủy sống (Dẫn truyền xung động thần kinh là do các chất axetylcho line…) từ đó dẫn truyền qua bó tủy lên hành não và lên não.
Vogralic, Kassin (và nhiều tác giả) nghiên cứu điện não đồ trong khi châm cứu thì thấy điện thế có những biến đổi lan toả, toàn diện và đối xứng toàn thân thường thấy làn sóng delta và têla chậm hơn, có nhiều ca làn sóng không đều nhịp…
Tình trạng tinh thần luôn luôn căng thẳng gây ra các rối loạn tinh thần làm cho quá trình hưng phấn và ức chế của hoạt động thần kinh cao cấp bị rối loạn. Châm cứu có tác dụng điều chỉnh các trạng thái rối loạn đó vì sau một đợt điều trị triệu chứng lâm sàng tốt hơn và điện não đồ biến đổi.
Một điểm quan trọng nữa của phản ứng toàn thân là các biến đổi về thể dịch và nội tiết. Thường thường trong khi châm và sau một đợt điều trị bằng châm cứu, các thể dịch như sympatine, adrenaline, histamine, axetycholin, mocphine-like (đặc biệt là bEndorphine) cũng có những biến đổi, ảnh hưởng đến các hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá, bài tiết, và sự chuyển hoá các chất.
Nhiều tác giả nghiên cứu hoạt động của tuyến yên và thượng thận sau châm thấy rõ tuyến yên tạo ra một kích tố (hormonotrope) làm tăng hoạt động của một số tuyến nội tiết như: tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng, tuyến sinh dục… Người ta đã chứng minh được rằng: châm làm cho bạch cầu ái toan giảm. 70-80% các trường hợp, châm làm lớp vỏ thượng thận bài tiết ra kích tố corlicosteroid cũng tương tự như tiêm vào cơ thể 20 đơn vị ACTH để kích thích tuyến thượng thận bài tiết chất này. Châm các huyệt Đại chuỳ (XIII 14) và Thuy đột (V 10) và cứu giữa các đốt sống lưng có thể làm cho tuyến giáp trạng tạm thời ngừng hút iốt…
3. Những ưu điểm và nhược điểm khi vận dụng học thuyết thần kinh - thể dịch để giải thích cơ chế tác dụng của châm cứu:
Cơ chế tác dụng của châm cứu giải thích theo thuyết học thần kinh - thể dịch cho quá trình học tập và sử dụng châm cứu dễ dàng, có thể vận dụng để giải thích được hầu hết các trường hợp bệnh lý cơ năng được chỉ định điều trị bằng phương pháp châm cứu.
Về mặt học tập, chia các huyệt theo từng vùng tiết đoạn cơ thể, số lượng huyệt sử dụng trong điều trị chừng 80-100 huyệt thông thường (mà không cần thiết phải nhớ tất cả 365 huyệt) để điều trị các chứng bệnh thường gặp, giúp các thầy thuốc đa khoa có cơ sở cơ bản để kết hợp tốt hai nền y học – y học hiện đại và y học cổ truyền – trong điều trị bệnh.
Huyệt ở vùng ngực lưng: chữa các bệnh về tuần hoàn, hô hấp, viêm tuyến vú, tắc tia sữa, đau thần kinh liên sườn …
Huyệt vùng hạ vị - thắt lưng cùng: chữa bệnh đường tiết niệu, sinh dục
Về toàn thân cần nắm một số huyệt có tác dụng đặc hiệu, có tác dụng toàn thân để phối hợp điều trị với các huyệt từng vùng.
Cơ chế châm cứu giải thích theo học thuyết thần kinh thể dịch chưa giải thích được những điều đã nêu trong các sách châm cứu cổ điển như hệ kinh lạc, phương pháp bổ tả… không giải thích được các quy luật vận dụng các huyệt toàn thân nhất là bệnh lý các tạng phủ, các quy luật lấy huyệt theo thời gian (châm cứu theo giờ, theo mùa…)
III - KẾT LUẬN
Vấn đề điều chỉnh cơ năng của cơ thể qua cách tác động lên huyệt – châm cứu đã có một lịch sử khá lâu đời, song để tìm ra những vấn đề cụ thể của nó trên cơ sở khoa học, có thể nói mới chỉ được bắt đầu. Nắm vững được hệ thống lí luận của y học cổ truyền kết hợp với các kiến thức của y học hiện đại, cùng với việc nghiên cứu và áp dụng châm cứu một cách rộng rãi và nghiêm túc của các nhà khoa học trong nước và trên thế giới chắc chắn rằng trong tương lai không xa, cơ chế tác dụng của châm cứu sẽ được sáng tỏ hơn.
Thuật châm cứu
Nguyên nhân và cách điều trị bệnh mề đay
Viêm cột sống lưng chữa như thế nào?
Hồi phục sau xuất huyết não
'Thổi bay' đau đầu trong thai kỳ
(ST)