Tăng đường huyết ở phụ nữ mang thai

Bệnh đái tháo đường và thai sản

ThS. BS. Trần Xuân Đài

BV. Chợ Rẫy  

Đái tháo đường (ĐTĐ) bao gồm hai loại bệnh lý: ĐTĐ được biết trước khi có thai gọi là người có ĐTĐ mang thai, hoặc chỉ xuất hiện lúc đang có thai gọi là ĐTĐ thai kỳ.

ĐTĐ thai kỳ

ĐTĐ thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết bất thường (có rối loạn dung nạp chất đường) sau khi cho uống đường glucose. Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện, sẽ biến mất sau 6 tuần sau khi sinh.

ĐTĐ thai kỳ chiếm tỷ lệ từ 1,5 – 6% tổng số phụ nữ có thai, có nhiều nguy cơ cho mẹ và thai nhi nếu không được điều trị và theo dõi đúng cách.

A. Đối tượng có nguy cơ bị ĐTĐ thai kỳ:

1. Tiền căn bản thân:

- Đã từng bị ĐTĐ thai kỳ ở những lần mang thai trước.

- Tiền căn sẩy thai liên tiếp hoặc thai chết trong tử cung không rõ nguyên nhân.

- Sinh con trên 4kg.

- Sinh con trước có dị tật bẩm sinh.

- Nhiễm độc thai ở lần mang thai trước.

2. Tiền căn gia đình:

- Trực hệ có người bị ĐTĐ típ 2 hoặc ĐTĐ thai kỳ.

3. Tình trạng thai kỳ lần này:

- Sản phụ uống nhiều, tiểu nhiều, nước tiểu có đường, bị nhiễm nấm tái phát nhiều lần.

- Mẹ mập phì, tăng cân nhiều và nhanh (> 20kg).

- Mẹ lớn hơn 35 tuổi, nước ối nhiều, thai to.

Tất cả những phụ nữ có thai thuộc diện trên đều nên đến khám bệnh ở chuyên khoa nội tiết để làm các xét nghiệm phát hiện bệnh ở 3 tháng đầu thai kỳ và sau đó vào giữa tuần 24 – 28.

B. Hậu quả:

1. Đối với mẹ:

- Nguy cơ mổ lấy thai cao.

- Dễ bị cao huyết áp, phù tay, phù chân, tiền sản giật.

- Nhiễm trùng tiểu.

2. Đối với thai nhi - trẻ sơ sinh:

- Thai to, sinh khó, dễ bị chấn thương khi sinh.

- Hạ đường huyết, hạ canxi máu, bệnh đa hồng cầu, vàng da khi sinh.

- Tăng nguy cơ sinh non, suy hô hấp và tử vong chu sinh.

C. Các điều nên làm:

1. Khám hoặc được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa. 

2. Theo dõi đường huyết khi đói và sau ăn 2 giờ thường xuyên và chặt chẽ.

3. Chế độ ăn: ăn theo chế độ ĐTĐ nhưng phải đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho mẹ và thai, thức ăn giàu canxi (sữa), chất sắt (thịt), acid folic (rau xanh, quả có màu vàng). Đường huyết có khuynh hướng cao nhất sau bữa ăn sáng cho nên sau ăn sáng sản phụ nên đi bộ tốc độ nhanh trong vòng 20 phút giúp bạn ngừa được đường huyết tăng cao. Bác sĩ dinh dưỡng sẽ giúp bạn thành lập thực đơn thích hợp dựa vào cân nặng, giai đoạn mang thai và thói quen ăn uống.

4. Dùng Insulin: nếu chế độ ăn kiêng và tập thể dục nhẹ nhàng không kiểm soát tốt đường huyết thì phải điều trị bằng insulin dưới sự chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.

5. Tập thể dục nhẹ nhàng là điều cần thiết:

- Giúp giảm stress.

- Cải thiện sức khỏe và sức dẻo dai.

- Kiểm soát cân nặng.

- Giúp hồi phục cơ thể sau khi sinh.

D. Theo dõi:

- Các bà mẹ ĐTĐ thai kỳ trong tương lai có thể bị ĐTĐ típ 2 với tỷ lệ 30 – 60% trong vòng 5 – 10 năm và thường bị ĐTĐ thai kỳ tái phát ở lần mang thai kế tiếp.

- Sau sinh nên đặt vòng tránh thai. Chỉ được phép có thai trở lại sau khi đường huyết ổn định và cho phép của bác sĩ chuyên khoa.

- Những trẻ sinh ra từ mẹ ĐTĐ thai kỳ trong 10 – 20 năm sau có thể mập phì và ĐTĐ típ 2. Do đó cần được tư vấn bởi các bác sĩ nội tiết để sớm phát hiện và điều trị bệnh ĐTĐ thật sự xuất hiện về sau.

Người có ĐTĐ mang thai

Tình trạng những phụ nữ đã được chẩn đoán ĐTĐ và đang được điều trị bệnh ĐTĐ bằng insulin hoặc các thuốc hạ đường huyết nay có thai.

A. Nguy cơ:

a. Với mẹ:

- Rối loạn chuyển hóa:

· Do thay đổi chuyển hóa đường từ lức mang thai cũng như tác dụng của nội tiết tố của bánh nhau, thai nghén là một tình trạng sinh ĐTĐ.

· Biến chứng hạ đường huyết: dễ xảy ra 3 tháng đầu.

· 3 tháng giữa và 3 tháng cuối: ảnh hưởng của nội tiết tố bánh nhay gây đề kháng cao với insulin dễ bị nhiễm ceton máu.

· Tất cả những rối loạn trên đều nguy hiểm cho mẹ và con.

- Biến chứng thoái hóa:

· Mắt: mang thai có thể gây bệnh ở đáy mắt. Nếu trước khi mang thai có bệnh võng mạc thì sẽ bị nặng hơn và có thể dẫn đến mù mắt.

· Thận và huyết áp: nếu đã có biến chứng nặng ở thận và huyết áp cao không kiểm soát được thì không nên có thai, vì dễ gây tiền sản giật ở mẹ, thai bị suy dinh dưỡng và có thể chết trong tử cung.

- Rối loạn khác:

· Tăng nguy cơ nhiễm độc thai nghén (gấp 4 lần so với người bình thường).

· Nhiễm trùng dễ gây ra và dễ bị nặng hơn (nhiễm trùng tiểu).

· Có nguy cơ mổ lấy thai cao và phẫu thuật nguy hiểm hơn so với người bình thường.

· Dễ bất dung nạp đường sau khi sanh.

· Tình trạng thai to, nhiều ối có thể rối loạn hô hấp tuần hoàn cho mẹ.

b. Với con:

- Nếu thời gian trước khi mang thai và 8 tuần lễ đầu của thai kỳ đường huyết của mẹ không kiểm soát tốt, thai nhi dễ bị dị dạng và có nguy cơ tử vong chu sinh đến 50%, kiểm soát đường huyết của mẹ không tốt sẽ gây sẩy thai tự phát.

- Thai to trên 4 kg gây sinh khó, dễ bị chết khi sinh: gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay.

- Thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng, dễ sinh non do bị nhiễm độc thai, suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi.

- Trẻ dễ bị tiểu đường di truyền.

- Dễ bị thiểu năng tâm thần - thần kinh.

Muốn phòng ngừa và giảm bớt các rối loạn nêu trên, bệnh nhân ĐTĐ trước khi muốn có thai nên đến các phòng khám nội tiết để khám và tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.

B. Điều nên làm:

- Phụ nữ bị bệnh ĐTĐ trước khi muốn có thai nên kiểm soát tốt đường huyết trong vòng 3 – 6 tháng để giảm nguy cơ dị tật cho thai nhi. Đường huyết nên duy trì ≤ 120mg%.

- Khám thai mỗi tháng trong 6 tháng đầu, sau đó 15 ngày 1 lần.

- Theo dõi cân nặng, huyết áp mỗi lần khám.

- Thường xuyên theo dõi và kiểm soát đường huyết, duy trì đường huyết khi đói 90mg/dl, sau khi ăn 2 giờ < 120mg/dl.

- Khám mắt mỗi 3 tháng một lần.

- Chế độ ăn theo chế độ ĐTĐ bình thường nhưng đảm bảo năng lượng cho mẹ và con, thức ăn giàu canxi, sắt, folic acid.

- Tập thể dục nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa để hỗ trợ cho việc kiểm soát đường huyết tốt.

- Thuốc: insulin là bắt buộc, mặc dù trước đó dùng thuốc uống có kết quả tốt. Chích insulin với sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Theo dõi chăm sóc mẹ và thai nhi cần có sự kết hợp giữa bác sĩ chuyên khoa nội tiết - sản khoa – nhi khoa.

C. Kết luận:

Nhờ vào sự tiến bộ trong việc theo dõi và chăm sóc sản khoa cũng như dùng insulin để điều trị ĐTĐ cho sản phụ, bệnh nhân ĐTĐ týp 1 và týp 2 đều có thể mang thai được an toàn theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Đái tháo đường ở phụ nữ mang thai


Tôi đang mang thai và bị đái tháo đường. Tôi rất băn khoăn không biết có nên giảm cân để điều chỉnh đường huyết. Nếu tiếp tục tăng cân, tôi rất sợ có những biến chứng xấu xảy ra do không kiểm soát được đường huyết.

Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên tốt nhất để vừa chữa được bệnh đái tháo đường, vừa không gây ảnh hưởng đến thai nhi? - Hồng Diệu (Quận 1, TPHCM)

Đái tháo đường ở phụ nữ đang mang thai rất dễ có những biến chứng thai sản. Sức khoẻ của người mẹ cũng bị đe doạ trước những biến chứng đái tháo đường, vì vậy đòi hỏi phải có sự chăm sóc và điều trị.

Những bệnh nhân đái tháo đường khi có thai, cần điều trị tình trạng tăng đường huyết, theo dõi đường huyết để điều chỉnh được nồng độ đường huyết bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và insulin.

Trong chế độ ăn, do nhu cầu kalo của người phụ nữ mang thai cao hơn so với người bình thường, nên không cần giảm kalo để kiểm soát đường huyết, thậm chí còn được phép tăng cân trong thời kỳ có thai. Tuy nhiên phải hạn chế thức ăn nhiều chất béo, mỡ động vật, hạn chế sử dụng đường hoá học và phải cung cấp đủ protein. Nên ăn mỗi ngày 3 bữa và một bữa phụ vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Trong trường hợp điều trị đái tháo đường bằng chế độ ăn không còn hiệu quả thì phải kết hợp điều trị bằng insulin. Đối với bệnh nhân đã bị đái tháo đường trước thời kỳ có thai thường phải tiêm insulin 2 lần/ngày. Cần theo dõi sát sao đường huyết, nên đo đường huyết vào lúc 9 giờ tối và 3 giờ sáng sau khi đã có bữa ăn phụ để đánh giá đúng nhu cầu insulin cần đưa vào.

Cần lưu ý, phụ nữ mang thai đang điều trị ngoại trú bằng insulin nhưng đường huyết không ổn định cần phải đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú trong bệnh viện, đặc biệt thời gian trước và sau khi đẻ.

Bị đái tháo đường trong khi có thai, người bệnh thường chỉ cần các biện pháp điều trị thông thường, không cần phải chế độ điều trị tích cực. Hầu hết bệnh nhân được điều trị như đái tháo đường tuýp 2, bệnh nhân có thể không cần phải giảm cân nhưng không nên dùng các thuốc hạ đường huyết.

Biến chứng mãn tính của bệnh đái tháo đường rất quan trọng đối với bệnh nhân có thai, nhất là những người bị bệnh này đã lâu. Đó là biến chứng võng mạc, bệnh nhân có thể bị nặng lên rất nhanh trong thời kỳ có thai, ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và con; biến chứng bệnh mạch máu lớn, vi mạch có thể làm giảm tuần hoàn nhau thai, đây là biến chứng đe doạ đến sự sống của thai nhi.

Vì những biến chứng nguy hiểm trên, người phụ nữ mang thai mà bị đái tháo đường ngoài chế độ dùng insulin, luôn cần quan tâm đến chế độ ăn. Không ăn quá nhiều đồ ngọt, chất béo, đường, nhưng phải đảm bảo dinh dưỡng cho thai nhi phát triển.

Thai phụ đường huyết cao, thai nhi nguy cơ mắc bệnh

Thai phụ có chỉ số đường huyết càng cao trong thai kỳ thì đứa con sinh ra càng có nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường và cao huyết áp. Kết quả này dựa trên việc theo dõi 23.000 thai phụ ở 9 quốc gia.

Nghiên cứu này, với sự tham gia của hơn 23.000 thai phụ ở 9 quốc gia, đã mang lại một kết quả đáng ngạc nhiên về mối quan hệ giữa chỉ số đường huyết của phụ nữ mang thai với nguy cơ về sức khỏe của trẻ sơ sinh. Mối quan hệ này không bị ảnh hưởng bởi việc người mẹ có đang là bệnh nhân tiểu đường hay không.

Thai phụ có chỉ số đường huyết càng cao thì đứa con sinh ra càng có nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường và cao huyết áp. (Ảnh: The MINI MBA)

Kết quả nghiên cứu cho thấy người mẹ có đường huyết cao trong thai kỳ thì đứa trẻ sinh ra thường có hàm lượng đường trong máu thấp và hàm lượng insulin cao. Những yếu tố này có thể làm cho trẻ có nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường và cao huyết áp.

Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Boyd Metzger của trường Đại học Northwestern University, cho biết: “Chúng tôi đã xác định rất rõ rằng chỉ số đường huyết gắn liền với các nguy cơ nói trên thấp hơn mức tiêu biểu mà bệnh nhân tiểu đường thường có”.

Đồng thời, ở phụ nữ có đường huyết cao trong thai kỳ, bào thai có nguy cơ phát triển quá lớn, dẫn đến khả năng thai phụ phải trải qua thủ thuật mở tử cung lần đầu tiên để sinh con.

Theo nhóm nghiên cứu, thai quá to làm cho trẻ dễ bị thương tổn ở vai và các bộ phận khác nếu được sinh ra bình thường theo đường âm đạo. Do đó, các bác sĩ phải can thiệp bằng thủ thuật mở tử cung cho sản phụ. Trong nghiên cứu này, thai to chiếm tỉ lệ 5% trong trường hợp phụ nữ có chỉ số đường huyết trong lúc đói thấp hơn 75 mg/dl, và tỉ lệ này tăng lên đến 27% khi chỉ số đường huyết lớn hơn 100 mg/dl.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những nguy cơ nói trên được ghi nhận ở trẻ sơ sinh ở 9 nước: Mỹ, Canada, Barbados, Anh, Israel, Thái Lan, Úc, Singapore và Hồng Kông.

Sau khi đã loại trừ các yếu tố ảnh hưởng như bệnh béo phì, tuổi tác và tiền sử gia đình về bệnh tiểu đường của thai phụ, các chuyên gia vẫn nhận thấy tình trạng đường huyết của người mẹ có ảnh hưởng độc lập đến kích thước của bào thai và các nguy cơ về sức khỏe của trẻ sơ sinh.

Theo ông, chỉ số đường huyết mà phụ nữ mang thai nên có trong lúc đói là thấp hơn 95 mg/dl trong vài tháng cuối của thai kỳ. Nhưng ông cho rằng mức 90 mg/dl có thể là tốt hơn.

Theo nhóm nghiên cứu, bệnh tiểu đường trong thai kỳ đã được biết từ lâu là không tốt cho cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, đường huyết của người mẹ sẽ trở lại bình thường sau khi sinh.

Chỉ số đường huyết cao trong thai kỳ cũng có thể làm cho thai quá lớn, khiến người phụ nữ phải trải qua thủ thuật mở tử cung để sinh con. (Ảnh: Netdoctor.co.uk)

Những kết quả xét nghiệm khác đối với phụ nữ mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ, như độ dung nạp glucose, cũng có liên quan đến nguy cơ về sức khỏe của trẻ sơ sinh.

Hiện nay, bệnh tiểu đường trong thai kỳ chiếm tỉ lệ 4% trong tổng số phụ nữ mang thai. Riêng ở Mỹ, hàng năm có khoảng 135.000 phụ nữ mắc bệnh này.

Theo nhóm nghiên cứu, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ cần được điều trị bằng một chế độ ăn uống đặc biệt có ít chất carbohydrate nhưng có nhiều chất xơ. Họ cần được bác sĩ kiểm tra sức khỏe định kỳ và trong một số trường hợp, cần được tiêm insulin.

Theo hãng tin AP, đây là nghiên cứu lớn nh��t về mối quan hệ giữa nguy cơ sức khỏe của trẻ sơ sinh với chỉ số đường huyết của người mẹ trong lúc mang thai, và cũng là nghiên cứu đầu tiên xác định rằng những chỉ số đường huyết được chấp nhận hiện nay ở phụ nữ mang thai vẫn có thể gây ra nguy cơ bệnh tật cho trẻ sơ sinh.

Nhóm nghiên cứu hiện chưa đưa ra khuyến cáo gì trong lúc này. Theo giáo sư Metzger, những hướng dẫn mới về vấn đề này có thể được đưa ra trong năm tới, sau khi các chuyên gia quốc tế họp để phân tích và đánh giá những phát hiện này.

Nghiên cứu của giáo sư Metzger và các cộng sự vừa được công bố ngày 22/06/2007 tại hội nghị khoa học thường niên của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ.

Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm cho cả mẹ và con

Mẹ mắc tiểu đường, con dễ bị dị tật.

Do không được phát hiện tiểu đường trong thời gian mang thai nên chị Nguyễn Thị Xuân (TP HCM) sinh ra một đứa trẻ bị suy hô hấp và mắc bệnh tim bẩm sinh. Còn chị sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thực sự nếu không kịp thời điều chỉnh lối sống.

Chị Xuân có chị ruột bị tiểu đường và bản thân đã một lần có thai chết lưu. Trong quá trình theo dõi thai ở phòng mạch tư, người phụ nữ này không được bác sĩ tầm soát chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Đến khi đau bụng sinh, vào bệnh viện thì kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói của chị lên đến 298 mg% (trị số bình thường là 80-110 mg%). Chị phải sinh mổ; cho ra đời một bé trai nặng 3.950 g nhưng... bị suy hô hấp và mắc bệnh tim bẩm sinh. Các bác sĩ điều trị cho rằng đó là do tình trạng đường huyết cao ở thai phụ đã không được khống chế hiệu quả trong giai đoạn đầu thai kỳ.

Khoa Sản Bệnh viện Hùng Vương TP HCM cũng mới tiếp nhận một phụ nữ 36 tuổi bị thai chết lưu ở tuần thứ 37, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị tiểu đường thai kỳ. Tỷ lệ thai phụ mắc bệnh này hiện khá cao. Một khảo sát tại TP HCM cho thấy có gần 4% số thai phụ mắc bệnh.

Bệnh xuất hiện do sự rối loạn chuyển hóa đường do thai nghén, dẫn đến tình trạng tăng đường huyết bệnh lý. Trong số các trường hợp được chẩn đoán trong thai kỳ, có khoảng 10% đã bị bệnh từ trước khi mang thai và đây là nhóm bệnh nhân có nguy cơ rất cao.

Đã có không ít thai phụ tử vong vì toan chuyển hóa hay do các biến chứng khác của tiểu đường thai kỳ. Bệnh hay kèm với cao huyết áp, bệnh tim mạch, chuyển hóa... và làm suy giảm sức đề kháng, từ đó dẫn đến tình trạng bội nhiễm hay vết thương khó lành. Tiểu đường thai kỳ không điều trị tốt có thể dẫn đến những nguy cơ nặng nề đối với thai nhi, nhất là với thai phụ đã có bệnh từ trước. Các trường hợp không điều trị ổn định có tần suất thai nhi chết lưu trong bụng hay chết ngay sau sinh cao gấp 2-4 lần các thai phụ bình thường.

Tần suất trẻ dị tật bẩm sinh được sinh ra từ những thai phụ có đường huyết cao trong giai đoạn tạo cơ quan của phôi thai (5-8 tuần sau kỳ kinh cuối) cao gấp 8 lần bình thường; dị tật tim mạch cao gấp 18 lần và dị tật hệ thần kinh cao gấp 16 lần. Ngay cả trong các trường hợp đái tháo đường xuất hiện muộn trong thai kỳ, nguy cơ của thai nhi như sang chấn lúc sinh hay suy hô hấp... cũng cao hơn nhiều lần so với bình thường. Nếu không kiểm soát đường huyết tốt, người mẹ dễ bị sẩy thai, sinh non hoặc thai dễ chết lưu. Con của thai phụ tiểu đường thai kỳ không được điều trị tốt thường rất nặng cân nhưng lại dễ bị suy hô hấp, chấn thương trong cuộc sinh, dễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh lý.

Tuy rất nguy hiểm nhưng các biến chứng nguy hiểm của bệnh có thể giảm hoặc không xuất hiện nếu thai phụ được quản lý tốt. Theo một nghiên cứu của Mỹ, ở những thai phụ có tiền sử tiểu đường được điều trị ổn định từ trước khi mang thai, tần suất sinh con dị tật bẩm sinh chỉ vào khoảng 1,2%. Con số này lên đến 11% ở nhóm thai phụ không được điều trị ổn định đường huyết.

Thai phụ tiểu đường sẽ được điều trị bằng chế độ ăn thích hợp, vừa cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi và hoạt động của mẹ, tránh được biến chứng toan hóa do thiếu dinh dưỡng, vừa tránh đường huyết lên quá cao. Nên ăn nhiều bữa, thường là khoảng 6 bữa/ngày, tránh để đói vào đêm khuya và rạng sáng. Trường hợp không thể khống chế đường huyết bằng chế độ ăn, người bệnh sẽ được điều trị bằng tiêm Insuline.

Song song với điều trị ổn định đường huyết, tình trạng phát triển của thai nhi cần được theo dõi sát sao qua siêu âm định kỳ hay các thử nghiệm đánh giá sức khỏe thai, đặc biệt trong những tuần lễ cuối.

Trong vòng 20 năm sau sinh, hơn 50% thai phụ tiểu đường thai kỳ sẽ bị tiểu đường thật sự. Do đó, sau khi sinh, người bệnh cần tái khám để phát hiện và điều trị tình trạng tiểu đường còn tồn tại.

Thai phụ dễ sinh mổ nếu tăng đường huyết.

Khi mức đường huyết của các thai phụ luôn cao hơn bình thường thì thai nhi cũng gặp nhiều nguy cơ trong quá trình sinh hơn, một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Sức khỏe (NIH) tiết lộ.

Những vấn đề liên quan đến thai nhi bao gồm: tăng nguy cơ sinh mổ và có cân nặng bất thường. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ có lượng đường trong máu cao hơn cũng có nguy cơ bị kẹt vai khi sinh (tức là vai của bé bị kẹt trên “đường sinh nở” theo cách tự nhiên của người mẹ).

Các tác giả nghiên cứu cũng từ chối đưa ra khuyến nghị về mức đường huyết cho phép đối với các thai phụ. Bởi trong quá trình nghiên cứu, họ không thể xác định được mức đường huyết nào sẽ làm tăng nguy cơ. Ngoài ra, nguy cơ và mức đường huyết luôn tỉ lệ thuận với nhau.

Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy chỉ cần mức đường huyết cao vượt chuẩn (không cần ở mức gây ra bệnh tiểu đường) cũng đủ để làm tăng nguy cơ đối với các bà mẹ. Hơn thế, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy các yếu tố như mang thai khi lớn tuổi, béo phì và huyết áp cao… cũng làm tăng mức đường huyết ở các bà bầu.

Nghiên cứu này kéo dài 7 năm với hơn 23 ngàn thai phụ ở 9 quốc gia tham gia.

“Rõ ràng tăng đường huyết trong quá trình thai nghén khiến phụ nữ mang thai phải chịu nhiều rủi ro hơn”, Duane Alexander, TS, Giám đốc Viện Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người Eunice Kennedy Shriver (thuộc NIH) nhấn mạnh, “Vì vậy, mục tiêu hiện nay của NIH là làm sao cung cấp cho các bà bầu những hướng dẫn mới nhất về cách quản lý đường huyết trong cơ thể. Cho đến khi những nghiên cứu mang lại kết quả cụ thể, tất cả các bà bầu nên tự theo dõi sức khỏe bản thân và thường xuyên kiểm tra đường huyết trong suốt giai đoạn thai kỳ”.

Tiểu đường là kết quả của sự trục trặc trong quá trình chuyển hóa đường glucose. Những bệnh nhân tiểu đường khi mang thai cũng có nguy cơ mắc chứng tăng huyết áp đột ngột. Những đứa trẻ sinh ra từ người mẹ mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ béo phì, mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao và các bệnh tim mạch khi trưởng thành.


(ST)

trước khi sinh em thấy huyết cao lên đến 160.em muốn hỏi ý kiến và cho em xin chế độ ăn uống phù hợp với hiện trạng của en bây giờ ajh!
hơn 1 tháng trước - Thích (9)
Gửi hỏi đáp - bình luận