Thai trứng - Nguy hiểm rình rập thai phụ

Có thai và sinh con sau 9 tháng là qui luật tự nhiên của người phụ nữ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ – bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết, một số trường hợp nếu thai nhi không bình thường thì cần chấm dứt thai kì, dù không ai mong muốn nhưng đó là cách tốt nhất cho cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là những trường hợp cần chấm dứt thai kì sớm. 

Phần 1: Thai trứng

Thai trứng phần lớn thường thấy là do sự phát triển bất thường của các gai nhau. Các nguyên bào nuôi phát triển nhanh nên các tổ chức liên kết và các mạch máu trong gai nhau không phát triển kịp, trở thành các bọc nước có đường kính từ vài milimet đến vài cemtimet. Hình ảnh những gai nhau thoái hóa nước này giống những chùm trứng ếch nên còn được gọi là thai trứng.

Có 2 loại thai trứng: thai trứng toàn phần và thai trứng bán phần.

Thai trứng toàn phần là toàn bộ gai nhau thoái hóa nước, không có gai nhau bình thường, không có thai nhi, dây rốn và nước ối. Bộ nhiễm sắc thể 46 XX (90%) có nguồn gốc từ người cha. Do noãn thụ tinh với tinh trùng, noãn này không có nhân hoặc nhân không hoạt động, trong khi nhiễm sắc thể của tinh trùng nhân đôi, vì thế bộ nhiễm sắc thể này là của người cha.

Thai trứng bán phần là một phần gai nhau thoái hóa nước, phần còn lại phát triển bình thường, có khi thấy cả thai nhi. Trong đó, 90 – 93% thai trứng bán phần có bộ nhiễm sắc thể là tam bội thể, tức 69 nhiễm sắc thể: 69 XXX, 69 XXY hoặc 69 XYY.

Các triệu chứng thai trứng toàn phần rõ ràng và điển hình hơn nhiều so với thai trứng bán phần. Diễn tiến và tiên lượng thai trứng toàn phần cũng nặng nề hơn. Cho dù là thai trứng bán phần thì chuyên gia sản khoa cũng khuyên thai phụ cần chấm dứt chứ không nên duy trì thai kỳ.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố góp phần nguy cơ dẫn đến thai trứng như thiếu dinh dưỡng, thiếu các chất như: đạm, carotene, acid Folic, vitamin A dễ bị thai trứng tòan phần.

Do tuổi mẹ trên 35, trứng người mẹ lớn tuổi dễ bị thụ thai bất thường. Mẹ lớn hơn 35 tuổi có nguy cơ bị thai trứng tăng gấp 2 lần so với thai phụ dưới 30 tuổi. Người mẹ trên 40 tuổi có nguy cơ bị thai trứng tăng gấp 7.5 lần.

Dấu hiệu nhận biết

Trễ kinh, ra huyết âm đạo có thể ít hoặc nhiều ồ ạt.

Nghén nhiều, cần phải dùng thuốc chống nôn hoặc truyền dịch.

Tử cung lớn hơn so với tuổi thai, thai phụ thấy bụng lớn nhanh so với ngày mất kinh. Không thấy thai máy.

Xét nghiệm beta hCG trong máu tăng rất cao.

Siêu âm được xem là phương pháp giúp chẩn đoán thai trứng với độ tin cậy cao.

Xử trí

Nếu được chẩn đoán là thai trứng thì cần phải bỏ thai vì thai trứng có nguy cơ diễn tiến thành thai trứng xâm lấn vào thành tử cung và ung thư tế bào nuôi. Bản thân thai trứng không có thai nhi phát triển bình thường bên trong nên không nuôi được. Nếu diễn tiến thành thai trứng xâm lấn cần phải cắt bỏ tử cung. Nếu diễn tiến thành ung thư tế bào nuôi có khả năng di căn sau này. Do đó, khi được chẩn đoán thai trứng thì thai phụ nên cần thiết phải bỏ thai.

Với những thai phụ trên 40 tuổi và không có nhu cầu sinh con nữa, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ tử cung để đề phòng biến chứng ác tính.

Ngay sau khi nạo hoặc hút, thai phụ cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ trong 6 tháng đầu mỗi tháng 1 lần, sau 1 năm: 3 tháng 1 lần cho đến hết 2 năm sau khi nạo. Thời gian tối thiếu để thai phụ có thể mang thai lại là 2 năm và trước khi có thai lại, thai phụ cần kiểm tra nồng độ HCG trong nước tiểu.

Trong thời gian này, để ngừa thai, nên chọn phương pháp dùng thuốc hoặc bao cao su. Không nên đặt vòng vì có nguy cơ thủng tử cung. Trong trường hợp người mẹ đã có đủ con thì có thể khuyên triệt sản.

Phòng ngừa thai trứng

Giai đoạn chuẩn bị có thai, người mẹ cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Nên có thai ở tuổi trên 20 và dưới 35.

Khi bị trễ kinh từ 1 – 2 tuần cần khám thai sớm và khám thai định kỳ.

Còn nữa....