Thỏa thuận về mức lương và những sai lầm thường gặp

Trong công việc, mức lương phần nào biểu thị năng lực của mỗi cá nhân. Nếu quá hấp tấp, thiếu trung thực hoặc thiếu kỹ năng đàm phán, mức lương của bạn sẽ không đạt được như mong đợi, hơn thế, nhà tuyển dụng đôi khi lại có cái nhìn khác về bạn.


Cần thận trọng trong từng câu nói của mình trong buổi phỏng vấn để không mắc phải những sai lầm đáng tiếc.


 


Quá hấp tấp đề cập đến vấn đề lương lậu và đưa ra một con số cụ thể

Lời khuyện dành cho các ứng viên là nên trao đổi mức lương khi được nhà tuyển dụng hỏi hoặc đến cuối buổi phỏng vấn. Ngoài ra, khi nhà tuyển dụng yêu cầu bạn đưa ra một mức lương cụ thể, tốt nhất bạn đừng vội vàng đưa ra một con số cụ thể mà hãy để nhà tuyển dụng thấy rõ mong muốn của bạn về một mức lương cạnh tranh theo năng lực. Nếu có thể, nên tránh đàm phán chi tiết về mức lương cụ thể, ít nhất là trong vòng phỏng vấn đầu tiên.

Nói sai về mức lương cũ

Không ít ứng viên cho rằng công ty mới này khá tiềm năng nên tự đánh giá cao giá trị bản thân, khi được hỏi về mức lương cũ thì tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba số lương ấy. Bạn đừng nên làm điều này, bởi nhà tuyển dụng chẳng khó khăn gì để tìm ra mức lương mà bạn đã có trong quá khứ. Lúc đó họ sẽ đánh giá bạn thiếu trung thực và có cái nhìn tiêu cực về bạn.

Không cần phải nói chính xác mức lương trong quá khứ, bạn chỉ cần tổng hợp lại, đưa ra con số tương đối miễn sao đó là sự thật. Điều đó khiến nhà tuyển dụng tin tưởng bạn hơn, biết đâu đó “tấm vé” vào công ty lại dành cho bạn.

Chỉ chú trọng mức lương cơ bản, bỏ qua mức phụ cấp

Nhiều người chỉ chăm chăm đến mức lương cơ bản mình được hưởng chứ không hề đả động tới các mức phụ cấp khác. Điều này quả là một sai lầm. Bởi nhiều người chỉ nhìn thấy mức lương cơ bản thấp mà không có ý định làm việc, hãy chú ý và tính toán thật nhanh tổng mức lương bạn sẽ nhận được.

Không quan tâm về thời gian làm việc

Vì chỉ “nhắm” vào mức lương mà quên mất thời gian làm việc kéo dài lê thê tại công ty. Dù bạn có phần hài lòng vì năng lực của mình được phát huy, số tiền kiếm được cũng khá hơn người khác, nhưng lúc này, đồng nghĩa với việc bạn chẳng có thời gian để thư giãn hay làm điều gì yêu thích. Lâu dần bạn sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi và tất nhiên, hiệu quả công việc lúc đó sẽ giảm, bạn sẽ sinh ra chán nản và lại muốn nhảy việc.

Mức lương là vấn đề rất quan trọng, tuy nhiên lại không phải là yếu tố khiến bạn có thể gắn bó cả cuộc đời với lựa chọn của mình. Cần cân nhắc cả thời gian làm việc, chế độ đãi ngộ, nghỉ ngơi để đưa ra chọn lựa đúng đắn nhất.


Sai lầm thường gặp khi đàm phán lương


Không ít ứng viên gặp rắc rối vì vấn đề lương lậu. Có người hấp tấp thể hiện sự vui mừng khi thấy người phỏng vấn đưa ra mức lương cao hơn họ nghĩ. Người khác đánh mất cơ hội trong tầm tay chỉ vì đưa ra mức lương cao ngất ngưởng…

Hồ sơ xin việc và CV của bạn đã gây ấn tượng tốt, đưa bạn vào danh sách ứng viên được gọi phỏng vấn của nhà tuyển dụng. Bạn tự tin với những câu hỏi về kinh nghiệm, kỹ năng nhưng lại băn khoăn nếu gặp phải câu hỏi về lương lậu.


Bạn nên bộc lộ năng lực của mình chứ đừng chăm chăm nhắc đến tiền lương trong buổi phỏng vấn - (Ảnh minh họa)

Trong cuộc phỏng vấn, đề cập đến lương trước khi người phỏng vấn nhắc tới là một điều tối kị. Theo Ronald Kaufman, tác giả cuốn “Cẩm nang đi đến thành công”: Nếu bạn nhắc đến lương lậu trước, người phỏng vấn sẽ cảm thấy bạn chỉ quan tâm đến tiền bạc, chỗ nào trả lương cao bạn sẽ theo chỗ đó chứ không xác định gắn bó lâu dài với công ty của họ.

Nếu sếp cảm thấy ấn tượng với bạn và cảm thấy những ý tưởng bạn đưa ra đủ sức thuyết phục, họ sẵn sàng trả mức lương hậu hĩnh để bạn về đầu quân cho họ. Vì vậy, bạn nên bộc lộ năng lực của mình trong buổi phỏng vấn, đừng vội nhắc đến mức lương cho đến khi nhà tuyển dụng đề cập tới. Tuy nhiên, không ít ứng viên gặp rắc rối vì vấn đề lương lậu. có người hấp tấp thể hiện sự vui mừng khi thấy người phỏng vấn đưa ra mức lương cao hơn họ nghĩ. Người khác đánh mất cơ hội việc làm trong tầm tay chỉ vì đưa ra mức lương cao ngất ngưởng…

Dưới đây là một sai lầm Kaufman cho rằng, các ứng viên thường mắc nhất khi đàm phán lương trong buổi phỏng vấn:

- Đưa ngay con số cụ thể

Một số ứng viên thường bị nhầm bởi câu hỏi về mức lương tối thiểu mà nhà tuyển dụng yêu cầu trả lời trong mẫu đơn xin việc có sẵn. Họ cứ thật thà ghi thẳng các con số cụ thể vào đó, đúng như mong muốn của bản thân. Sự thành thật là tốt nhưng đôi khi, bạn nên biết cách thu hút và gây tò mò đối với nhà tuyển dụng.

Lúc này, câu trả lời khôn ngoan nhất là: “Tiền lương có thể thương lượng”. Bằng cách này, bạn không chỉ trả lời câu hỏi nhà tuyển dụng đưa ra mà còn tháo gỡ rắc rối có thể xảy ra với bản thân. Bởi một khi chưa gặp gỡ nhà tuyển dụng, chưa hiểu rõ ý đồ của họ, bạn có thể bị “hớ” nếu lỡ điền mức lương từ trước.

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, nếu sợ bị hớ thì cứ đưa ra mức lương thật cao, rồi nhà tuyển dụng đàm phán xuống là vừa. Thực tế, điều đó không đơn giản. Nếu bạn đưa ra mức lương quá cao, rất có thể, cơ hội việc làm dành cho bạn giảm hẳn một nửa. Thậm chí nhà tuyển dụng đôi khi còn cảm thấy hơi khó chịu hoặc cho rằng bạn hơi “có vấn đề” vì không hiểu gì về mặt bằng chung trong công việc này.

Đừng sợ thương lượng mức lương với nhà tuyển dụng

- Không thương lượng

Nhiều ứng viên thường chấp nhận ngay mức lương ban đầu nhà tuyển dụng đưa ra mà không thương lượng gì thêm bởi họ cảm thấy mức đó là đủ rồi. Nhiều người không muốn, thậm chí không dám thương lượng vì cảm thấy như mình đang mặc cả với nhà tuyển dụng. Những người này quan niệm rằng, tìm việc không phải như mớ rau mớ cá ngoài chợ để mà cân lên đặt xuống. Và họ cứ thế chấp nhận mức lương khởi điểm nhà tuyển dụng đưa ra. Thế nhưng, bạn nên nhớ rằng, bao giờ nhà tuyển dụng cũng muốn trả mức lương thấp nhất có thể và mức họ đưa ra ban đầu này là thấp nhất trong quỹ lương họ định trả cho vị trí của bạn đấy.

Đặc biệt, khi bạn đã có một mức lương cụ thể ở vị trí tương tự trước đây, nhà tuyển dụng có thể sẽ theo đó mà trả một mức lương xấp xỉ. Vì thế, bạn nên thương lượng một cách khôn ngoan để có được mức lương có lợi nhất cho mình. Không chỉ tìm hiểu kĩ càng về mức lương phù hợp cho vị trí của bạn, mà còn tìm hiều rõ những gì công việc đòi hỏi, những gì nhà tuyển dụng tìm kiếm và mong đợi ở ứng viên. Nếu như nhà tuyển dụng đưa ra mức lương quá thấp, bạn nên đưa ra yêu cầu về mức lương tối thiểu và hẹn gặp lại trong vài ngày tới để đi đến thỏa thuận. Bạn cũng có thể chấp nhận thử việc với mức lương thấp hơn nhưng khi bạn đã chứng minh khả năng của mình và đi vào làm việc chính thức, nhà tuyển dụng bắt buộc phải trả cho bạn mức lương xứng đáng.

- Thể hiện cảm xúc

Nếu bạn vẫn còn lăn tăn về vấn đề tiền lương, Kaufman khuyên bạn nên xác định mức lương tối thiểu của mình trong mỗi năm, mỗi tháng, mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày rồi đưa ra mức mong muốn có thể chấp nhận được.

Kaufman cho rằng nếu người tuyển dụng cảm thấy bạn không chắc chắn về mức lương mong muốn, họ sẽ đưa ra cho bạn mức lương thấp nhất. Nhưng nếu họ đưa ra mức cao hơn, bạn cũng đừng nên quá vui mừng bởi như thế dễ khiến nhà tuyển dụng “chột dạ” và thay đổi lại quyết định. Nếu bạn tỏ ra thất vọng vì mức lương quá thấp, bạn sẽ tạo ấn tượng không tốt với nhà tuyển dụng, cho họ cảm giác bạn sẽ bỏ công ty ra đi nếu tìm được một vị trí khác trả lương cao hơn. Bởi vậy, tốt nhất là nên giữ thái độ trung lập, không thể hiện niềm vui hay thất vọng quá lộ liễu.


Những nguyên tắc trong việc thoả thuận lương


A. Nguyên tắc đầu tiên khi thỏa thuận lương là sự trì hoãn: hãy cố gắng làm chậm trễ bất cứ cuộc thoả thuận về lương bổng nào càng lâu càng tốt

Có hai lý do để giải thích cho hành động này của bạn. Đầu tiên, bạn không muốn tự mình phá đi cơ hội nhận được công việc bằng cách đưa ra một con số nhất định về lương bổng mà chính nó sẽ khiến bạn trở nên thất thế trong sự so sánh với những ứng viên khác.

Nếu bạn tự đề nghị một mức lương quá cao với mục đích là muốn một nhà tuyển dụng tiềm năng biết rằng bạn sẽ không dễ bị phớt lờ lời đề nghị của mình, bạn đã gửi đi một thông điệp sai lầm. Trong trường hợp này, nhiều nhà tuyển dụng sẽ loại bạn ra khỏi danh sách những người mà họ đang cân nhắc cho vị trí cần tuyển dụng, bởi vì, họ cho rằng bạn sẽ không mấy hào hứng với lời đề nghị về mức lương của họ.

Một lí do khác để trì hoãn việc thỏa thuận về lương bổng là nhằm tránh việc chính bạn bán sức lao động của mình một cách quá rẻ. Một khi nhà tuyển dụng đã nghe được mức lương mà bạn đề nghị, thông thường, anh ta sẽ không sẵn sàng để trả cho bạn một mức lương cao hơn mức lương đó. Điều này có thể sẽ làm bạn bị hao phí một khoản tiền lương đáng kể mà bạn có thể được nhận bởi vì sự “nhanh nhẩu” khi thoả thuận lương của mình.

Để chiến thắng trong một cuộc thỏa thuận về lương bổng, đừng là người đầu tiên đưa ra một số tiền lương nhất định!

Sau đây là một số ví dụ để bạn trì hoãn việc thoả thuận mức lương, hoặc là, bạn có thể chuyển vai trò là người đề nghị mức lương trước cho nhà tuyển dụng bằng những lí do rất hợp lý sau:

” Theo sự tìm hiểu của tôi thì công ty của anh thường đưa ra một mức lương có tính cạnh tranh cao phụ thuộc vào sự đóng góp cho công ty của người lao động. Tôi cảm thấy điều này thật sự thú vị và rất sẵn lòng nếu được đánh giá năng lực của mình theo chính sách này của quí công ty. Anh vui lòng cho tôi được biết khoảng dao động về tiền lương mà công ty trả cho một nhân viên chứ?”
“Thật sự thì tôi không cảm thấy thoải mái nhiều lắm khi thảo luận với quí công ty về vấn đề tiền lương mà tôi sẽ được nhận khi trở thành thành viên của công ty ta, trừ khi, tôi chắc chắn được là công ty thật sự cần đến tôi và tôi đã quyết định là khả năng mình có sẽ đóng góp một cách hiệu quả để phát triển quí công ty.”

”Tôi rất vui khi được thoả thuận về vấn đề lương bổng với quí công ty, nhưng, trước khi bắt đều việc đó thì anh/ chị có thể giúp tôi tìm hiểu kỹ hơn về những vấn đề khác có liên quan đến công việc mà tôi sẽ đảm trách chứ?”

”Đối với tôi thì mức lương đề nghị không phải là một vấn đề quan trọng, thứ mà tôi thực sư quan tâm là công việc, môi trường làm việc, các đồng nghiệp, định hướng phát triển trong tương lai của quí công ty…”

Đôi lúc, một số nhà tuyển dụng tiềm năng sẽ thực hiện một số cuộc gọi điện thoại để tìm hiểu về mức lương mà bạn đề nghị trước khi họ quyết định có nên sắp xếp một cuộc phỏng vấn việc làm với bạn hay không. Sau đây là 2 câu trả lời thông minh sẽ đưa bạn đến với cuộc phỏng vấn đó:
• “Tôi biết rằng cả hai chúng ta đều không muốn mất thời gian vô ích một khi chúng ta không thể thỏa thuận về một mức lương hợp lý mà tôi sẽ nhận được khi gia nhậm vào quí công ty. Vậy thì, anh/ chị có thể vui lòng cho tôi biết khoảng dao động về tiền lương mà quí công ty đã trả cho người lao động làm cùng vị trí như tôi chứ?”


”Trước khi đưa ra một con số cụ thể, tôi nghĩ là chúng ta nên có một cuộc tiếp xúc với nhau lâu hơn. Bởi vì, như anh/ chị biết đấy, vấn đề lương bổng còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như chế độ quản lý, số lượng giờ làm thêm cần thiết, phúc lợi về y tế, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, chế độ thăng tiến, bồi dưỡng khi tôi gắn bó lâu dài với quí công ty… Do đó, tôi nghĩ mức lương mà mình xứng đáng được nhận là trong khoản từ … đến … (hãy cố gắng đưa ra một khoảng dao động lớn!).”
Trong trường hợp bạn nhất định phải đưa ta một mức lương cụ thể cho nhà tuyển dụng biết, hãy cố gắng đề nghị một khoảng tiền lương dao động thật hợp lý. Bởi vì, hầu hết các công ty đều chi trả mức tiền lương cho người lao động theo nhiều mức độ khác nhau, đó là một khoảng dao động tiền lương, phụ thuộc vào số năm kinh nghiệm và mức độ đóng góp cho công ty. Mức dao động có thể lên đến 50%.

Do đó, khoảng lương mà bạn đề nghị có thể đi từ 10% thấp hơn mức lương gần đây nhất của bạn cho đến cao hơn 20% con số đó. Điều nhằm tạo ra nhiều lựa chọn trong việc thỏa thuận lương, chắc chắn không ai muốn mức lương của mình giảm đi 10% và đồng thời bạn có thể thỏa thuận để mức lương hiện tại của mình tăng cao hơn nếu công ty thực sự cần đến bạn.

B Hãy chuẩn bị tinh thần và mọi thứ thật sẵn sàng là nguyên tắc thứ 2 khi thỏa thuận lương.

Bạn cần biết rõ giá trị của mình trên thị trường lao động. Có nhiều cách để bạn có thể đánh giá sự cạnh tranh của các đối thủ của mình.

Chẳng hạn, bạn có thể tham khảo bảng khảo sát mức lương đề nghị thông thường của những người có cùng chuyên môn, lĩnh vực với mình được đăng trên các tờ bào chuyên về tuyển dụng nhân sự.

Hãy giữ mối liên hệ giao tiếp thường xuyên với những người làm cùng nghề với mình để có được những thông tin gần như là mới và phù hợp nhất để giúp bạn biết được giá trị thật sự của mình trên thị trường lao động.

Hãy gọi điện thoại trực tiếp đến các công ty đang có nhu cầu tuyển dụng các vị trí phù hợp với công việc của bạn và đừng ngại ngần khi tham khảo họ về khoảng tiền lương mà họ đề nghị.


Những điều tối kỵ khi thoải thuận lương

Đàm phán lương là một trong những bước khó nhất của quá trình xin việc. Nhiều người tìm việc đã chủ quan không tìm hiểu kĩ về bước này dẫn tới sai lầm và mức lương đạt được không như ý. Bạn hoàn toàn có thể tránh khỏi tình trạng đó bằng cách sau:


Những điều tối kỵ khi thoải thuận lương

1. Ngại thương lượng

Nhiều người có tâm lí ngại thương lượng về vấn đề tiền bạc, một số người lại nghĩ hời hợt: mới ra trường nên mức lương ra sao cũng được và chấp nhận tất cả những gì nhà tuyển dụng đề nghị. Bạn nên tránh sai lầm này vì lương là quyền lợi của bạn và để đạt được mức lương mong muốn, thương lượng là điều cần thiết. Hãy nghĩ tới kết quả, nếu bạn chấp nhận mức lương thấp, thấp hơn những gì bạn đáng được hưởng, sau này bạn có thể mắc kẹt giữa vấn đề “ cơm áo gạo tiền”, ghen tị với đồng nghiệp, thất vọng với bản thân về sai lầm này… Do đó, hãy mạnh dạn đàm phán mức lương với nhà tuyển dụng để bảo vệ quyền lợi của mình.

2. Không chuẩn bị

Bạn đã đầu tư nhiều thời gian và công sức cho hồ sơ xin việc, chuẩn bị kĩ lưỡng cho các câu hỏi trong cuộc phỏng vấn cũng như trang phục ấn tượng. Tuy nhiên, một bước quan trọng bạn lại bỏ qua: thương lượng mức lương. Hoặc bạn cho rằng mình đã nghe nhiều về vấn đề này nên chủ quan không tìm hiểu nữa. Đây là một sai lầm cần tránh. Bạn nên nghiên cứu cách thương lượng thích hợp, chuẩn bị tất cả thông tin về kinh nghiệm và thành công của mình bởi chúng là thứ bạn đem ra thương lượng với nhà tuyển dụng. Ngoài ra, hãy tìm hiểu về lịch sử công ty, mức lương cho vị trí tương đương ở các công ty khác.

3. Kêu gọi lòng thương của nhà tuyển dụng





Nhớ rằng nhà tuyển dụng không quan tâm tới số hóa đơn tiền điện, nước, Internet… bạn phải trả hàng tháng hay bạn cần tiền ra sao để nuôi các em ăn học. Điều duy nhất họ quan tâm là những gì bạn có thể mang lại cho công ty và số tiền lương bạn nhận được dựa trên giá trị bạn cống hiến. Vì vậy, kêu gọi lòng thương từ nhà tuyển dụng rằng hoàn cảnh khó khăn sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí còn gây ra phản ứng ngược, nhà tuyển dụng có thể cho rằng bạn là người yếu đuối, không có tinh thần phấn đấu.

4. Tiết lộ mức lương hiện tại

Bạn có thể nghĩ rằng nói thật sẽ khiến nhà tuyển dụng nâng mức lương lên cao hơn so với hiện tại. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng lại không làm vậy. Họ chỉ trả cho bạn mức tương đương hoặc thậm chí thấp hơn với hàng tá lí do khác nhau. Cho nên, bạn cần biết cách kiểm soát tình huống. Hãy cố gắng không thừa nhận một con số cụ thể để có cơ hội đàm phán mức lương mình mong muốn.

Trên đây là một số sai lầm cần tránh khi nói chuyện về vấn đề tiền lương với nhà tuyển dụng. Biết cách thương lượng và ghi nhớ những sai lầm, bạn sẽ đạt được mức lương xứng đáng với giá trị của mình. Chúc bạn thành công!


Bí quyết thương lượng mức lương cao

Khi người phỏng vấn đặt câu hỏi về lương bổng, bạn nên trả lời ra sao? Đừng vội vã nói ngay mức lương mà bạn mong muốn. Hãy khéo léo “hoãn” lại giây phút quan trọng này cho các buổi phỏng vấn sau. Chỉ cần nắm vững một số “bí kíp” và thêm một chút khéo léo, bạn sẽ dễ dàng thương lượng được mức lương mơ ước.

1. Có nên trả lời câu hỏi về lương bổng ngay ở vòng đầu cuộc phỏng vấn?
Bạn không nên, đặc biệt nếu đó là các vòng phỏng vấn đầu tiên và bạn chưa chắc mình được nhà tuyển dụng “chấm”. Nếu người phỏng vấn hỏi bạn “Anh/Chị đề nghị mức lương bao nhiêu?”, bạn có thể trả lời một cách “vô thưởng vô phạt” như: “Qua vòng đầu phỏng vấn này, tôi nghĩ mình cần hiểu rõ hơn về các yêu cầu cụ thể của công việc. Tôi xin phép được đề cập đến mức lương trong các buổi phỏng vấn sau.”

2. Đâu là mức lương thỏa đáng?
Nhiều ứng viên cho rằng họ xứng đáng được hưởng mức lương cao hơn thu nhập hiện tại vì cho rằng kinh nghiệm và trình độ của họ đã được nâng cao, vì họ sẽ phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, vì tình hình vật giá ngày một leo thang...





Tuy nhiên, nhà tuyển dụng thường xét lương cho ứng viên dựa theo mức lương hiện tại và trách nhiệm mới mà ứng viên sẽ đảm nhận sau này. Vì vậy bạn cần đánh giá khách quan năng lực của mình để đưa ra mức lương phù hợp.

3. Khả năng thực sự là nhân tố quyết định mức lương của bạn
Để có mức lương mong muốn, bạn cần chứng minh được giá trị và khả năng làm việc thực sự của mình. Bạn nên tránh đề cập đến mức lương cũ nếu nhà tuyển dụng không hỏi đến. Nhưng nếu nhà tuyển dụng muốn biết mức lương hiện tại, bạn hãy cho họ biết và trình bày sự khác biệt giữa công việc cũ và công việc ứng tuyển, nhấn mạnh những nhiệm vụ mới mà bạn sẽ đảm trách.

Đừng bao giờ giải thích vì sao bạn muốn lương cao hơn mức hiện tại bằng những lý do trẻ con như “Công ty tôi trước đây ở Bình Dương, chi phí sinh hoạt khá thấp. Nay Quý công ty tọa lạc ở khu vực trung tâm nên chi phí sẽ đắt đỏ hơn…”

4. Trực tiếp hỏi về mặt bằng lương trong công ty
Xin chúc mừng, bạn đã vào được vòng phỏng vấn cuối cùng và giây phút quan trọng đã đến rồi đây. Nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn “Anh/Chị đề nghị mức lương bao nhiêu?” Bạn sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?

Bạn có thể hỏi ngược lại nhà tuyển dụng “Ông/Bà có thể cho biết mức lương tương ứng dành cho vị trí tương đương?” hoặc “Ông/Bà có thể cho biết ngân sách của công ty dành cho vị trí này?” Câu trả lời của nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn định được mức lương phù hợp.

5. Khéo léo trao đổi về lương bổng
Bạn nên tránh những câu trả lời như “Đối với tôi, lương bổng không phải là vấn đề quan trọng nhất, tôi mong muốn được học hỏi và rèn luyện trong một môi trường năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp như Quý công ty…” Đây quả là câu trả lời làm “mát lòng mát dạ” nhà tuyển dụng. Nhưng cẩn thận đấy, nhà tuyển dụng có thể sẽ nghĩ rằng bạn thiếu kinh nghiệm, nên có cơ hội gì đến là nhận ngay mà không cần cân nhắc mức lương. Khi đó bạn sẽ mất cơ hội thương lượng được mức lương mong muốn.

6. Cân nhắc vấn đề “lương + bổng”
Người Việt Nam rất chính xác khi dùng cụm từ “lương bổng”. Nghĩa là ngoài “lương” (salary), bạn còn được hưởng “bổng” (benefit). Bổng là các lợi ích khác ngoài lương chính thức mà bạn được hưởng từ công ty và không phải chịu thuế. Vì vậy khi thương lượng lương, bạn nên lưu ý các ”bổng” khác ngoài lương như lương tháng 13, tiền thưởng (bonus) hàng năm, chi phí giải trí, chi phí khám bệnh, cơ hội đào tạo, được chia cổ phần của công ty… Nếu bạn được tuyển vào công ty, hãy yêu cầu nhà tuyển dụng nêu rõ và cụ thể những nội dung này trong thư mời làm việc (offer letter).

Ngoài ra, hãy nhớ rằng lương ròng (net salary) sẽ là mức lương sau khi trừ đi tất cả các khoản khác như thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn…

7. Làm gì khi bạn rất thích công việc nhưng mức lương không như mong đợi?
Trong trường hợp bạn rất thích công việc và được nhà tuyển dụng mời làm việc, nhưng mức lương không như bạn mong đợi, đừng vội từ chối ngay mà hãy trả lời rằng bạn cần suy nghĩ thêm. Điều đó cho thấy bạn rất quan tâm đến công việc. Vài ngày sau buổi phỏng vấn, bạn hãy gọi điện cho nhà tuyển dụng xem họ có quyết định nào khác về mức lương mà bạn mong muốn hay không. Khi đó, bạn có thể đưa ra quyết định cuối cùng.


Những bí mật về thỏa thuận lương



Bạn đã gần “chạm” được tới công việc mơ ước nhờ bản sơ yếu lý lịch hoàn hảo và buổi phỏng vấn tuyệt vời. Nhưng nếu bạn thờ ơ, không để ý đến bước thỏa thuận lương, “công việc mơ ước” sẽ “đón” bạn với mức lương thảm hại.






Mức lương khởi điểm chỉ dành cho người mới đi làm?

Nhà tuyển dụng thường mong muốn ứng viên đồng ý mức lương thấp. Thường thì những mức lương thấp như vậy chỉ là mức lương khởi điểm khi bạn mới làm việc, hiếm khi là mức lương cơ bản. Trên thực tế, tiền thù lao của công nhân viên luôn được xét lại hàng năm, và những thỏa thuận về lương mới thường được tính toán dựa trên phần trăm lương bạn được trả trước đó. Nói một cách khác, nếu bạn có một mức lương khởi điểm thấp, mọi chế độ tăng lương và hoa hồng cũng thấp theo. Đó là lý do tại sao bạn cần “đấu tranh” cho một mức lương tốt ngay từ bước khởi đầu.

Nhà tuyển dụng không hài lòng với sự thỏa thuận?

Những người tìm việc thường lưỡng lự đưa ra mức lương mình mong muốn vì sợ rằng nhà tuyển dụng sẽ để ý tới những thí sinh khác. Tuy nhiên, chính việc đàm phán lương bổng lại là một phần của quá trình tuyển chọn khi nhà tuyển dụng luôn sẵn sàng thảo luận về vấn đề “nhạy cảm” này. Sự thật là họ thích tuyển những ứng viên biết rõ giá trị nghề nghiệp của mình. Thậm chí nếu không thể đi đến sự đồng ý chung, điều này cũng không hề ảnh hưởng gì đến kết quả buổi phỏng vấn của bạn.

Yêu cầu có thêm cơ hội?

Những người săn tìm việc vẫn nghĩ rằng cách tốt nhất để “an toàn” được công việc đó là đưa ra mức lương thấp nhất. Nhưng đây chính là lỗi cơ bản mà người xin việc hay mắc phải và cũng là lý do tại sao nhiều nhân viên có năng lực có kinh nghiệm lại “mắc kẹt” trong những vị trí cấp thấp. Tuy nhiên, bạn không cần thiết đưa ra mức lương quá chênh lệch so với ban đầu. Thêm vào đó, mức lương thấp không phù hợp với năng lực khiến hình ảnh của bạn giảm sút, do đó cơ hội nhận được việc cũng sẽ “xa khỏi tầm tay” bạn.

Thỏa thuận bằng miệng cũng như việc ký kết hợp đồng?

Nhiều ứng viên coi việc hứa qua miệng của nhà tuyển dụng chính là điều kiện của hợp đồng. Việc thỏa thuận lương như thế rất nguy hiểm bởi vì nó như một tiền lệ cho việc đưa ra những quyết định “nhẹ dạ” không suy xét những vấn đề trọng đại. Đừng vội thôi việc, cũng đừng từ chối những đề nghị khác cho đến khi chữ ký của bạn có mặt trên bản hợp đồng làm việc. 

Mọi thứ đều có thể thỏa thuận được?

Trên thực tế, luôn có ba loại lương cho ba vị trí cơ bản: khởi đầu, tầm trung và quản lý. Những vị trí khởi đầu luôn có mức lương “linh hoạt”, do vậy bạn có thể “mặc cả” với những buổi làm thêm. Trong khi đó, mức lương cho vị trí tầm trung có thể “xê dịch” cho dù bạn phải làm việc trong phạm vi đặc trưng. Cuối cùng, mức lương ở vị trí quản lý là “bất di bất dịch” đơn giản vì nó thể hiện khả năng và giá trị của bạn - và tất nhiên công ty cũng chỉ sẵn lòng trả mức lương “cao ngất ngưởng” cho một vị lãnh đạo tự tin và tài ba mà thôi.

 


Lưu ý khi thoả thuận lương


Thoả thuận lương là vấn đề tế nhị và khó nói đối với hầu hết ứng viên tìm việc. Trong khi thoả thuận lương, nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn về mức lương trước đây của bạn. Câu hỏi này khiến bạn bối rối, không biết xử trí ra sao? Đây là vấn đề bạn cần phải hết sức lưu ý khi thoả thuận lương, vì nó có thể ảnh hưởng đến mức lương sau này của bạn. Để giúp bạn vượt qua khó khăn này, hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây:

Mục đích:

Sở dĩ nhà tuyển dụng hỏi mức lương trước đây của họ vì họ muốn biết mức lương bạn kiếm được ở từng công ty mà bạn đã từng làm trước đây, được liệt kê trong resume, đặc biệt là vị trí công việc gần đây nhất. Hơn nữa, họ muốn biết mức lương mong muốn mà bạn có thể chấp nhận nếu bạn được nhận vào làm việc tại công ty. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các ứng viên đều cảm thấy không thoải mái khi nhà tuyển dụng hỏi họ về mức lương trước đây.

5 "bí kíp" trả lời câu hỏi "Mức lương trước kia của bạn là bao nhiêu?" của nhà tuyển dụng:

- Trước khi bắt đầu quá trình tìm việc, hãy cân nhắc kỹ có nên nói về mức lương trước đây của bạn hay không. Bạn có coi việc tiết lộ mức lương trước đây là bí mật hay không? Bạn sẽ rời bỏ, không nhận lời làm việc cho công ty nếu nhà tuyển dụng yêu cầu bạn cho biết thông tin về mức lương trước kia của bạn? Hơn nữa, nếu nhà tuyển dụng yêu cầu bạn nói về tình trạng sức khoẻ của mình thì bạn có đồng ý tiết lộ hay không? Hãy tự trả lời những câu hỏi này và chuẩn bị tâm lý trước khi bước vào phòng phỏng vấn xin việc.

- Không bao giờ tự động nói đến mức lương cũ của bạn nếu không được yêu cầu. Để đảm bảo bạn sẽ nhận được một mức lương công bằng và đúng với khả năng của mình, hãy tiếp thị bản thân bằng những kinh nghiệm làm việc, những thành tích đã đạt được, chứ không phải là mức lương trước đây. Bạn không nên đưa thông tin về mức lương của mình vào đơn xin việc và resume.

- Hãy chuẩn bị sẵn câu trả lời hợp lý khi nhà tuyển dụng hỏi bạn về mức lương trước đây của mình. Một lần nữa, hãy nhớ rằng, không nên đề cập đến chuyện lương bổng của bạn trong resume, cũng như trong đơn xin việc. Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu thông tin xem liệu bạn xứng đáng được hưởng mức lương là bao nhiêu. Khi được hỏi, bạn nên đưa ra một giới hạn tiền lương từ mức này đến mức kia. Do vậy, bạn và nhà tuyển dụng có thể thoả thuận được mức lương sao cho hợp lý.

- Nếu nhà tuyển dụng ép buộc bạn nói về mức lương trước kia nhưng bạn lại cho rằng những thông tin về lương là bí mật và tế nhị, bạn không nên nói với nhà tuyển dụng: “Đó là những thông tin bí mật và tôi không muốn tiết lộ.” Tốt hơn hết, bạn có thể nói “Tôi luôn cho rằng thông tin về mức lương là hết sức tế nhị. Tuy nhiên, theo tôi, xem xét những thành tích trong công việc và khả năng trước đây của tôi, tôi cho rằng mức lương từ… đến… là phù hợp.”

- Nếu bạn tiết lộ thông tin về mức lương của mình, thì bạn không nên nói dối. Bởi vì có thể nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra thông tin lương của bạn từ sếp cũ của bạn. Khi họ phát hiện ra bạn nói dối, bạn có thể sẽ bị loại.



Bí quyết để được sếp tăng lương -
Bí quyết buôn bán thành công
Phát triển cá nhân
Bí quyết làm giàu nhanh chóng
Nên chuẩn bị gì khi đi phỏng vấn
Bí quyết làm giàu của những tỷ phú


(st)