Thông tin về diễn viên hài Quang Thắng



 Quang Thắng, diễn viên Đoàn kịch Hải Phòng, dù đến Hà Nội chưa đầy hai năm nhưng đã kịp biến mình từ một diễn viên “trong bóng tối” trở thành một trong những cây hài được khán giả yêu mến.




Sinh năm 1967 tại Hải Phòng. Tốt nghiệp Trung cấp Nghệ thuật Hải Phòng (1989). HCV Hội diễn sân khấu miền duyên hải (1992).  Danh hiệu: Nghệ sĩ xuất sắc TP Hải Phòng (1994), Tài năng trẻ Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1998).

NHỮNG THẰNG TRẦM TRONG CUỘC ĐỜI DIỄN VIÊN QUANG THẮNG


Tuổi Thân, mũi to, biệt danh "Thắng vẹo", Quang Thắng có một ngoại hình hơi... dị tướng. Không biết có phải vì thế hay không mà cuộc đời anh cũng không hề phẳng lặng. Cười trên sân khấu nhưng ngoài đời anh thường xuyên rơi vào tình cảnh không thể khóc được và cười không nổi. Cuộc sống vất vả vì bươn chải mưu sinh, Quang Thắng giữ được mình vì luôn nhớ đòn roi nghiêm khắc của bố.



Quang Thắng từng làm đủ nghề tại thành phố Cảng Hải Phòng. Làm nghệ sĩ sân khấu ở địa phương, cuộc sống thật không dễ dàng, nhất là một nghệ sĩ xấu trai và vô danh như Quang Thắng. Đã có những thời gian dài, anh ngồi ở nhà, nhìn đăm đăm vào góc tường và nghĩ hoài đến tương lai. Khi ấy, anh chưa biết làm gì để thay đổi chính mình. Làm mọi việc chỉ để tìm đón một cơ hội nào đó trong nghề diễn.

Những vai diễn không đến với anh. Quang Thắng đi móc cống để kiếm tiền, đi làm bồi bàn, bán hàng ăn, đi sửa nhà, phụ vữa, miễn sao kiếm được tiền để nuôi thân. Những ngày đó vất vả nhất, nhưng anh không buồn. Vì anh sinh ra trong một cuộc sống nghèo khó nên mọi chuyện đi qua không mang dấu vết của sự đau đớn hay oán hận.

Anh nhớ hoài chiếc áo mẹ mua khi anh bắt đầu vào tuổi thanh niên. Đó là chiếc áo da, hàng "sida" thôi, nhưng lại là một báu vật quý giá với một gia đình nghèo thời đó. Mẹ anh chắt bóp nhiều ngày để mua cho con chiếc áo đẹp. Nhưng anh sơ ý để kẻ trộm lấy mất. Đó là chiếc áo đẹp nhất mà mãi đến sau này anh vẫn không bao giờ có được. Về sau, khi đã kiếm được tiền, anh vẫn luôn nhớ về chiếc áo ấy, giống như một cách để giữ mình trước những cám dỗ.

Đã có thời gian dài, Thắng đi buôn quần áo từ Hải Phòng lên Hà Nội. Không thành công. Anh lại xin đi làm lơ xe cho người quen, vẫn tuyến Hải Phòng - Hà Nội. Bây giờ anh vẫn đi về hàng ngày trên xe khách Hoàng Long. Việc ở Hà Nội nhưng gia đình, vợ con ở Hải Phòng.

Sáng đi, tối về, Quang Thắng đùa, anh làm việc và đi lại như ... Tây, sống và làm việc ở hai nơi tách biệt. Nhưng anh vẫn gắn bó mật thiết với Đoàn kịch nói Hải Phòng và luôn nhớ rằng, đó là nơi anh bắt đầu cuộc đời nghệ thuật. Thành thật và giữ chữ tín. Quang Thắng nói anh sẽ không rời bỏ đoàn kịch ấy. Anh vẫn nhận vai và làm việc cùng đoàn khi có vở diễn mới, Thời gian còn lại anh đi quay hình, đi diễn tỉnh. Ai mời cũng nhận và làm việc không phải để cho mình mà để cho gia đình không còn rơi vào cảnh túng thiếu. "Đến giờ tôi vẫn không giàu nhưng tạm ổn hơn, thấy mình làm việc cũng được nhiều hơn" - Quang Thắng tâm sự.

Quang Thắng thừa nhận, giới nghệ sĩ phức tạp và không ít người sống giả dối, Chuyện cám dỗ và sa ngã như một tất yếu nếu như bản lĩnh kém. Một môi trường có đủ cả bon chen lẫn những mánh khóe của cuộc sống, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để giữ cho mình sự bình ổn.

Anh đi lên từ một quá khứ vất vả, là một diễn viên tỉnh lẻ nhưng không bị ngợp khi làm việc tại thành phố lớn, bởi anh luôn nhớ những đòn roi của bố mình.

Mỗi khi anh làm việc sai trái, kể cả khi đã có vợ con, bố anh vẫn dằn lưng để đánh đòn. Ông là người nghiêm khắc và hiểu rõ bản chất cuộc sống nghệ sĩ. Quang Thắng nói, anh quan hệ với đủ các thành phần trong xã hội, nhưng quan hệ chân thành và luôn nhìn đến mặt tốt đẹp của họ, nên có nhiều bạn tốt. Nhưng anh lại không có nhiều bạn là nghệ sĩ. Sự đố kị và những bon chen trong giới nghệ sĩ đôi khi làm anh thất vọng và giảm niềm tin ở họ.

Quang Thắng tâm niệm, xởi lởi trời cho, anh sòng phẳng và thành thật giữa cuộc đời nhiều chuyện khó lường. Anh vẫn tin vào lòng tốt và tin mình sẽ không thể làm việc gì xấu khi nghĩ về gia đình nhỏ đang yên ấm của mình.



QUANG THẮNG TRẢI LÒNG CHUYỆN ĐỜI CHUYỆN NGHỀ



Nỗi sợ nhất của một diễn viên hài như anh?

- Tôi sợ nhất đi viếng đám ma. Vào đó, không chào hỏi thì người ta bảo khinh người, chào một vài câu người ta lại cười sằng sặc. Cái cảm giác người nhà đám ma nhìn mình như đang làm trò gì đó nhố nhăng ở lễ tang khiến tôi cảm thấy khó chịu vô cùng. Vì vậy, trừ những mối quan hệ không thể từ chối, tôi rất ngại xuất hiện trong đám ma. Đại khái thế!

- Như vậy, đám cưới chắc chắn là nơi khiến anh vui nhất?

- Đúng là có đỡ ngượng hơn đám ma, nhưng vẫn khiến tôi vô cùng khó xử. Anh em họ hàng thấy mặt tôi một cái là lôi thốc lên sân khấu nói: Này ông Thắng, lên sân khấu làm trò gì đó cho mọi người vui đi! Điều đó làm tôi cảm thấy tự ái. Họ hàng đâu có hiểu, công việc của tôi là hằng ngày đi diễn, mang lại tiếng cười cho mọi người, chứ đâu phải kẻ làm trò, mua vui. Cho nên, ngoài đi diễn ra, tôi rất ngại xuất hiện trước đông người vì lý do như vậy. Đại khái thế!

- Đã có lần nào anh bị người ta dồn vào thế “tiến thoái lưỡng nan” bắt buộc phải “làm trò cười” mà bản thân  không thích?

- Đó là khi trước đông người, bố mẹ tỏ ra không hiểu tôi. Họ vì nể mọi người mà bảo tôi “diễn” mấy tiết mục cho vui. Hay lần khác, tôi vào thăm người thân ốm trong bệnh viện. Bác sỹ nhận ra tôi, mới nói rằng, cháu biểu diễn cho bác và mọi người trong phòng xem, mai bác sẽ chữa bệnh nhiệt tình cho người thân của cháu.

Tôi vừa bực mình, vừa sợ làm phật lòng vị bác sỹ nọ. Nếu diễn thì cũng dở, tôi đâu phải là trò cười, nếu không… biết đâu bị bác sỹ ghét làm ảnh hưởng tới bệnh của người nhà. May mắn là tôi giữ được bình tình, cười rồi “xin khất” lần sau sẽ mang vé mời đi xem biểu diễn cho bác sỹ.

Bên cạnh đó, cũng có những khán giả thiếu tôn trọng mình. Lắm lúc đi đâu đó, gặp người hâm mộ, họ nhảy bổ vào đấm một cái rõ đau, hoặc chửi mình trước rồi mới hỏi han sau. Điều đó làm tôi rất buồn.

- Qua lời anh kể, có thể nói, trong cuộc sống  một diễn viên hài như anh cũng gặp không ít cảnh dở khóc, dở cười. Anh vượt qua điều đó như thế nào?

- Tính tôi dễ sống, thế nào cũng được. Cũng chính vì thế nên hay bị người khác chơi cho vố đau. Tuy nhiên, với mọi chuyện buồn, tôi chỉ phiền lòng một lúc thôi, chứ không lấy đó làm thù hằn. Tôi quan niệm, ai tốt thì chơi, ai xấu thì không dính dáng. Đi với bụt ặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy mà! Đại khái thế…

- Trong nghề, nhiều người nói Quang Thắng luôn hét giá cát-xê khá cao khi đi show?

- Làm bất cứ nghề nào cũng vậy, mục đích cao nhất là kiếm sống. Theo tôi nghĩ, đại khái đã là người đàn ông là phải biết kiếm tiền nuôi vợ con. Tôi không bao giờ ngộ nhận mình là “sao”, là danh hài để hét giá cát–xê cao cả, nhưng nó phải đáng với công sức mình bỏ ra. Có nhiều khi tôi vẫn đi biểu diễn không công ở các trường đại học, cao đẳng đấy chứ. Hơn nữa, với những chỗ có quan hệ thân thiết, tôi thường lấy cát-xê rẻ hơn một chút. Chỗ nào mà khệnh khạng, cậy tiền cần phải "chém", "chém" cật lực. Đại khái thế.

- Ước mơ phải kiếm thật nhiều tiền có phải là lý do đang có công việc ổn định tại Đoàn kịch Hải Phòng, anh vẫn quyết định lên Hà Nội học tiếp ngành đạo diễn trong Trường Sân khấu Điện ảnh năm 1999?

- Để có được cuộc sống đủ đầy, bất cứ ai cũng đều phải cố gắng cả. Nhiều người muốn đi học, để lên lãnh đạo. Lên lãnh đạo để làm gì? Để cho lương cao, cho cuộc sống đỡ vất vả hơn chứ sao! Thì tôi cũng vậy thôi, đi học không phải mơ ước làm ông to bà lớn, mà học để có cơ hội được nhiều tiền để nuôi gia đình. Hơn nữa, có học tập, va chạm mới trưởng thành ra nhiều thứ được.

Tôi ở đoàn kịch Hải Phòng mười mấy năm, vai chính, vai phụ, huy chương đều có cả, nhưng tôi cảm thấy mình như chưa làm được cái gì cả. Vậy là quyết định lên Hà Nội học theo học khoa đạo diễn của trường Sân khấu Điện ảnh.

May mắn, lên đây, gặp anh Quốc Khánh, Vân Dung… thấy mình hiền lành, đúng giờ giấc, diễn tốt, nên mọi người cho đi diễn. Đi diễn nhiều, tôi nghiệm ra, trong cuộc sống bon chen này, người tốt còn ít lắm, sân khấu cũng trở thành thương trường. Hở ra một tý là có người nói xấu ngay. Đi diễn có show nào "ngon", người ta cũng mặc cả như mớ rau con cá, sơ sẩy một tý là bị người khác sẵn sàng nhận thù lao thấp hơn để tranh đi mất.

- Nhân nói tới Vân Dung, phải công nhận, Quang Thắng và Vân Dung cặp diễn khá ăn ý trong nhiều năm qua, chắc chắn hai người hẳn có những kỷ niệm đáng nhớ?

- Đối với tôi, Vân Dung rất thân thiết, thỉnh thoảng có thời gian là Vân Dung vẫn lôi tôi về nhà cô ấy ăn cơm. Theo đánh giá của tôi, Vân Dung khôn hơn tất cả mọi người. Nếu mọi người là hạt cát thì Vân Dung là viên sỏi. Đại khái thế!

Tôi rất hay trêu cu Nhím, con trai Vân Dung. Có lần dạy nó bơi… dưới nền nhà, thế là bẩn hết quần áo, về bị mẹ đánh cho. Lần khác, tôi lừa nó thả điện thoại của mẹ xuống xô nước để… nó bơi như cá vàng đẹp, thế là lại bị mẹ đánh tiếp. Trong đám bạn bè của Vân Dung, chỉ có tôi là “lột truồng” được cu Nhím rồi “nhét” nó vào trong vỏ chăn, kéo khoá lại, làm Vân Dung phải… vật lộn mãi mới tìm được đầu khóa để mở cho cu Nhím ra ngoài. Thấy hai mẹ con nghễ nhại mồ hôi, tôi chỉ biết ngồi cười thôi, nên Vân Dung nên ghét tôi lắm. Cứ thấy đến nhà chơi là canh cu Nhím vô cùng cẩn thận.

- Lớn rồi vẫn nghịch ngợm, hẳn một Quang Thắng ngày còn bé tinh nghịch không kém?

- Mẹ tôi làm giáo viên cấp 1, nhưng tôi học hành lại không giỏi giang lắm, thường xuyên làm phiền lòng bố mẹ. Lớn lên, tôi vẫn đùa mẹ rằng: Có bao nhiêu chữ, dạy hết cho con người ta rồi, không còn chữ nào dạy con nữa.

Còn về khoản đi chơi, tôi là một “cao thủ”. Đã đi là quên luôn giờ về. Hồi còn bé, tôi theo mẹ lên học ở Trường Nhạc họa Trung Ương ở Hà Nội. Trước khi đi học, được mọi người trong phòng tập thể giao cho giữ chìa khoá phòng và dặn không được đi đâu. Ở nhà được một lúc, tôi mò đi chơi ở cánh đồng cạnh ký túc xá. Hết tắm lại mò cua, bắt tép. Buổi trưa hôm đó, mọi người đi học về, mệt mỏi, nhưng không có chìa khoá vào phòng. Họ vừa bực, vừa lo không biết tôi đi đâu, nên tỏa đi tìm. Lúc tìm được, tôi vẫn đang chơi nên bị lôi về nhà, và được một bữa “lươn” thừa sống thiếu chết của mẹ, còn nhớ đến tận bây giờ.


QUANG THẮNG 10 NĂM LÀM NGHỀ VẪN PHẢI Ở TRỌ

Gặp Quang Thắng tại quán cà phê quen thuộc ở Gia Lâm, gần nơi anh thuê trọ, câu đầu tiên tôi buột miệng là: “Anh đã mua được nhà chưa?”. Anh cười rất vui bảo: “Đang hy vọng năm nay đây, giá nhà đang xuống mà em!”. Nhớ cũng tại nơi này cách đây 4 năm, tôi đã từng hỏi anh đúng câu đó, và anh cũng đã từng trả lời đúng câu trả lời như thế này.

10 năm ăn nhờ ở đậu…

Hóa ra là anh vẫn chưa có nhà ở Hà Nội! Những đồng nghiệp của anh trên sân khấu hài, tôi nghe anh Chí Trung nói sống tốt lắm. Vân Dung, Xuân Bắc 1 show 20 - 30 triệu. Hay cát-sê của anh kém họ?

Anh bảo, chưa chắc kém hay hơn, cứ thuê anh làm show đi thì biết “lương” anh bao nhiêu. Mỗi người có một số phận, anh còn vợ con, lại ở Hải Phòng nên tiền đi lại thường xuyên giữa quãng đường dài 100km này cũng tốn kém… Người ta thì nhà này đất nọ, còn anh ,ngôi nhà cấp 4 ở Hà Nội mà vẫn còn là giấc mơ. Nhưng Quang Thắng bảo, anh tự hào vì chưa từng phải ngửa tay xin ai đồng nào ở Hà Nội này.

Không có nhà, buồn nhất là mỗi lần đi diễn về, thường là quá nửa đêm về sáng, phố xá vắng tanh, trời mùa đông giá buốt, anh thấy mình sao mà trơ trọi, cô đơn. Nhà nghỉ nhiều khi hết phòng, đến nhà người quen thì không tiện. Đó là lúc Quang Thắng cảm thấy mình thật lẻ loi giữa phố phường Hà Nội.


Quang Thắng vẫn tự rất vui vẻ dù phải sống trọ

Quang Thắng kể rằng, thời điểm khi làm Táo quân, anh từng phải ở trước cổng nhà nghỉ để chờ phòng. Lúc đó đã đêm muộn, anh đến nhà nghỉ nào người ta cũng nói hết chỗ. Cuối năm, chuẩn bị nghỉ Tết, người ta bận “hàn huyên chia tay nhau” trước khi về quê, sự lưu luyến của các đôi uyên ương trước khi về tụ họp với gia đình trong thời gian nghỉ Tết khiến cho nhà nghỉ cháy phòng. Lúc đó, anh phải ngồi ở cửa buôn chuyện với bảo vệ, chờ có phòng thì vào.

Có lần còn được bảo vệ quen biết thương tình cho ngủ nhờ trong kho của nhà nghỉ với lời khuyến mãi: “Sướng nhé, lẽ ra phải ngủ ở phòng 1 chăn, giờ lại được ngủ ở phòng có tới 40 cái chăn, tha hồ ấm!”. Anh bảo, sau đó mình cũng khôn ra, và giờ cũng có điều kiện hơn, anh đi làm bằng xe hơi, thiếu chỗ thì xe là nhà. Vợ anh ở Hải Phòng cũng chu đáo chuẩn bị sẵn cho chăn ấm trên xe, anh có thể ở trong xe thoải mái chờ đến khi nhà nghỉ có phòng.

Nhưng trước kia chưa có xe riêng thì đâu được như vậy, diễn xong muốn về nhà, chuyến xe đi Hải Phòng sớm nhất là 5 rưỡi sáng, anh tập xong lúc 4 giờ, vậy là phải lang thang ngoài chợ Xanh đường Xuân Thủy hơn 1 tiếng đồng hồ giết thời gian để chờ xe. Quang Thắng lên Hà Nội diễn đã 10 năm và suốt 10 năm ấy hoàn toàn là người không nhà, “ăn nhờ ở đậu”. Đầu tiên anh ở nhà dì ruột trong khu văn công Mai Dịch được khoảng 4 năm, rồi ở nhờ nhà diễn viên Quốc Khánh.

Nhà anh Khánh thì chật, chỉ có một phòng với một cái giường, hai anh em ngủ chung. Anh thì có tật ngủ ngáy, Quốc Khánh ngủ không được, nên dù Quốc Khánh rất thương anh nhưng Quang Thắng cũng chỉ trụ ở nơi này hai năm. Rồi tiếp theo là phòng bảo vệ của một khu xây dựng, nơi cũng là chỗ bạn bè thân thiết cho anh ở nhờ chung với bảo vệ. “Ở đây vui mà thoải mái nhất đấy!” – anh cười hồn nhiên kể. Phòng bảo vệ nên đi về lúc nào cũng được, thích ngủ lúc nào thì ngủ, không bất tiện như ở nhà người quen, vì công việc của anh về lúc tờ mờ sáng, ngủ đến chiều, làm khi chập tối.

Đi chợ, nấu cơm, ăn ngủ cùng với các bảo vệ khu xây dựng, đó là quãng thời gian đi ở nhờ vui vẻ nhất của anh. Thật buồn vì khi dự án xây dựng này hoàn thành, phòng bảo vệ đương nhiên giải tán, và anh chuyển đến khu Gia Lâm, cũng là nhà thuê của một người anh em cho đến tận bây giờ. Anh bảo “giờ thì cái khu Gia Lâm này, anh tường tận như lòng bàn tay...”.

Giấc mơ Đặng Thái Sơn sụp đổ

Quang Thắng họ Đặng,không biết có phải vì thế mà cha anh mong mỏi anh đi theo con đường âm nhạc. Được gia đình cho học piano từ hồi lớp 5, được 4 năm, đến đầu cấp 3 dính vào yêu đương nên Quang Thắng bỏ. Nhà nghèo, chả có tiền mua đàn nên hồi đó, mỗi sáng, bố anh bắt anh dậy từ 6 giờ sáng, kẻ phấn ô đen trắng hình phím nhạc trên một chiếc bàn học dài, và anh ngồi luyện… piano câm.

Là nhà quản lý văn hóa, bố anh rất kỳ vọng rằng, anh sẽ đi theo con đường của Đặng Thái Sơn, đây mới là con đường mang lại sự hãnh diện cho gia đình, đặc biệt khi gia đình bên ngoại anh có 14 người thì 13 người làm nghệ thuật, có người làm đến trưởng khoa âm nhạc của trường Múa Việt Nam. Quang Thắng từng là cây văn nghệ của trường phổ thông Ngô Quyền.

Anh biết nhạc lý, chơi được ghi ta và piano, hát ngêu ngao, khả năng này khiến anh hồi còn đi học dù xấu trai những cũng gặp được nhiều thành công trong việc làm xiêu lòng các cô gái, đặc biệt là những cô gái có tâm hồn (còn những cô thích vật chất thì anh đành chịu rồi). Bởi thế nên trông Quang Thắng tẩm ngẩm tầm ngầm vậy mà yêu rất sớm.

Hát và chơi được nhạc, nhưng kỳ lạ là anh không thể nhớ trọn lời một bài hát nào. Anh vẫn còn nhớ như in hồi anh 6 - 7 tuổi, mẹ anh đi học trường Cao Đẳng Sư Phạm Nhạc Họa Trung Ương ở Thanh Xuân – Hà Nội. Bố anh đi học ở Nga nên anh lên Hà Nội ở cùng mẹ.

Nhân một dịp biểu diễn văn nghệ của trường, các cô giáo dàn dựng một tiết mục thiếu nhi, biết anh là cây văn nghệ và là con của sinh viên nhạc họa chắc biểu diễn tốt, nên anh được giao lĩnh xướng. Đến lúc phải cất tiếng hát, bỗng dưng, cậu bé Quang Thắng… quên lời, đứng đơ ra giữa sân khấu, trước bao nhiêu khán giả và sinh viên trong trường. Chương trình bị đổ, cô giáo phụ trách văn nghệ nổi cáu, đuổi hết các em thiếu nhi ra khỏi sân khấu….

Anh bảo, anh không thể làm thỏa ước nguyện của cha mình nhưng anh cũng không dồn điều đó cho hai cô con gái. Quang Thắng đùa rằng, anh rất vui khi hai con gái của anh… không có chút năng khiếu gì hết. Tuy vậy, đàn, múa, hát… các con thích gì là anh đều chiều, cho đi học, nhưng chỉ để giải phóng cơ thể cho vui thêm phần tự tin như thế là đủ!


CHUYỆN TÌNH THÚ VỊ CỦA QUANG THẮNG


Với Quang Thắng, được tham gia ê-kíp Táo quân là một sự hạnh phúc mà không phải nghệ sỹ hài nào cũng có cơ may. Vì vậy, anh luôn cố gắng hết sức: trước là thỏa đam mê cá nhân, sau là tự hào với bà con lối xóm.

Hỏi Quang Thắng rằng, nếu ngày nào đó, một người chẳng quen biết nhắc nhở: “Thắng mũi to à, tôi thấy ông đóng Táo quân dở lắm, không đủ tư cách đâu. Dừng lại đi!”, thì anh  cư xử ra sao? Thoáng chút bối rối, diễn viên hài xứ Cảng nở nụ cười tinh quái: “Tôi bảo thế thì Tết năm sau mời anh lên đóng thay tôi nhé”.


Những chai rượu mà Quang Thắng rất thích thú sưu tầm ở nước ngoài trong nhiều năm.

Lại tiếp tục “dồn” Quang Thắng bằng câu hỏi: xuất hiện người thứ 2 nói y chang câu đó thì sao? - Nếu anh xem không thích thì tắt tivi nhé!, diễn viên hài ngay lập tức đưa quan điểm.

Lần này thêm người thứ 3, nhưng chính là Đạo diễn Táo quân Đỗ Thanh Hải nói giống 2 người kia thì sao?" – “Cái này mới là oái oăm đấy. Một người như anh Hải mà nói thì phải xem lại bản thân rồi. Có lẽ tôi sẽ rất buồn, sau đó phải xem kỹ lại mình có còn đủ sức lực và tiềm năng để diễn Táo quân nữa không để đưa ra quyết định sáng suốt nhất”, Quang Thắng bất ngờ chuyển sang thái độ rất nghiêm túc.

Ngồi cà kê với Quang Thắng mới biết, hóa ra ngoài thú vui mang lại tiếng cười cho bao người, anh còn mê chơi chim, sừng động vật và các loại rượu. “Mình làm người khác cười thì chim chóc khiến mình vui và thư giãn. Tôi còn sưu tầm vài trăm chai rượu nhỏ cất trong tủ để ngắm, để hít hà. Sướng lắm!”

Tại nhà Quang Thắng trên phố Văn Cao (Hải Phòng) treo rất nhiều sừng hươu, bò, thậm chí có cả một bộ da chuột túi được người thân ở nước ngoài tặng. Anh bảo, mỗi lần đi diễn xa mà nhìn thấy các loại sừng là hứng lên, mua bằng được rồi mang về treo. “Cũng chả biết tại sao lại thích nữa. Thấy là mua thôi”, anh nhấn mạnh.

Còn mấy trăm chai rượu ngoại bé xíu trưng bày trong tủ là thành quả nhiều năm đi nước ngoài sưu tầm. Tôi mê sưu tầm rượu, chứ không ham uống, chỉ được vài ba chén là say cả chấy”.


Quang Thắng là người đảm đang công công việc nhà cửa, bếp núc.

Quang Thắng hứng chí nói thêm: “Tửu cứ phải là đi đôi với sắc. Tôi may mắn lấy được vợ hiền, đảm đang. Đây mới là thứ sắc đáng trân trọng, gìn giữ”. Danh hài cho hay, anh quen vợ anh từ hồi cô còn học lớp 10 – khi đó Quang Thắng đã thường xuyên diễn ở Nhà  hát Tháng 8, Hải Phòng.

Hồi cô ấy học lớp 10, rất thường hay sang chỗ tôi diễn xem các anh lớn tập. Trông thấy mặt tôi, cô ấy còn bảo, trông cái mặt thằng đó buồn cười chưa! Ngày xưa diễn viên toàn bị gọi thằng với con mà. Thấy cô bé xinh xinh, tôi cứ nhấm nháy, chăn dắt mãi, sang lớp 12 thì ngỏ lời yêu đương. Thế rồi đợi cô ấy đi học đại học xong thì về làm đám cưới, hạnh phúc cho tới tận bấy giờ”.

Quang Thắng hồi tưởng dòng cảm xúc: “Hồi đó, lúc đầu gia đình vợ cũng cản lắm vì không muốn con gái lấy chồng làm nghiệp diễn vừa nghèo vừa lăng nhăng. Về sau, các cụ nghĩ lại thấy mình đứng đắn, không đến nỗi nào nên đồng ý”.

Lấy được vợ hiền hậu, đảm đang, Quang Thắng luôn hết lòng với gia đình. Hàng xóm lúc nào cũng khen anh chăm chỉ làm việc nhà như một người phụ nữ đích thực. Giải thích điều này, Thắng ‘mũi to’ bộc bạch: “Phải biết chia lửa với vợ chứ. Lỗi của mình là đi quá nhiều, nên khi về nhà là dốc toàn tâm với gia đình, bạn bè có rủ đi nhậu cũng phải xin thôi. Tôi hay được tham gia chương trình bếp núc như Ở nhà chủ nhật, Vào bếp với người nổi tiếng, Ẩm thực độc đáo nên có tý kinh nghiệm nấu ăn cho vợ hài lòng”.

Vợ Quang Thắng tên Hảo, nên anh thường gọi thân mật ở nhà là ‘Hảo lớ’ - tức là tốt, tốt. “Gọi thế cho vợ yêu, vợ thương”, anh cười hóm hỉnh. “Nhiều người hỏi tôi, yêu vợ thế thì anh có coi vợ là số 1, là duy nhất không? Tôi bảo không. Vợ chỉ là cơm rang thôi! Thế là người ta tròn mắt ngạc nhiên. Tôi mới bồi thêm: Vợ là cơm rang, nhưng tôi là người thích rang cơm và ăn cơm rang chứ sao. Họ lại cười và vỗ vai nói, đúng là Thắng mũi to”.

Diễn viên hài Quang Thắng khoe con gái yêu



Quang Thắng tranh thủ pose hình cùng cô con gái xinh đẹp, dễ thương 





Diễn viên hài Xuân Bắc và những chia sẻ về đời tư
Con trai Hoài Linh - Hoài Lâm
Gia đình Hoài Linh gồm những ai?
Vợ và con Hoài Linh 
Thông tin về diễn viên Hoài Linh
Diễn viên điện ảnh Dustin Nguyễn
Bí mật của những người nổi tiếng




(st)





gia đình quang thắng có mấy anh em, có ai tên là quang huy không
hơn 1 tháng trước - Thích (15)
Thông tin này chưa từng được Quang Thắng tiết lộ bạn nhé!
hơn 1 tháng trước - Thích (19)
Gửi hỏi đáp - bình luận