Tiểu sử diễn viên Võ Sông Hương
Scandal của diễn viên Mộng Vân
Diễn viên Khánh Huyền và chồng mới
Diễn viên Hùng Thuận trong phim Đất phương Nam ngày ấy bây giờ
XUÂN HINH VÀ CHUYỆN ĐỜI CHƯA KỂ
Nếu vào Sài Gòn diễn, thế nào anh cũng gọi điện thoại cho tôi, rủ ra quán "lai rai" chút chút. Gọi là "lai rai", chứ thực sự tôi chỉ ngồi "độc ẩm" vì anh chẳng uống bia, cũng chẳng uống rượu.
Thế nhưng vẫn khoái gặp. Vừa có hơi men, vừa nghe anh kể chuyện đời, chuyện nghề thật là thú vị bởi những câu chuyện ấy thấm đẫm hương vị cuộc đời nghệ sĩ...
Cuộc đời như... một vở tuồng
Người nghệ sĩ là nghề của trăm họ. Tôi đã đóng cả trăm vai diễn khác nhau, tôi nghĩ muốn có một vai diễn sâu sắc, diễn viên cần có sự đồng cảm với nhân vật. Tôi rất trân trọng, cảm thông với những số phận nghèo khổ vì cuộc sống của tôi đã khổ cực từ nhỏ.
Gia đình tôi rất đông anh em, là con trai trong gia đình, từ năm 13-14 tuổi, tôi đã phải tập buôn bán kiếm tiền phụ bố mẹ nuôi anh em. Lớn lên, tôi tự nhận ra mình có máu nghệ thuật, nộp đơn dự tuyển vào đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh. Sau đó, muốn nghề nghiệp nâng cao, tôi học tiếp hệ đại học, khoa chèo đầu tiên của trường Sân khấu điện ảnh Việt Nam ở Hà Nội. Suốt bảy năm ròng, tôi phải bôn ba, kiếm tiền ăn học, hoàn toàn không xin phụ cấp của gia đình.
Nếu nói có vẻ trịnh trọng, thì nghề diễn đối với tôi là cái nghiệp. Đã là nghiệp thì khó mà không hết lòng, hết sức vì nó. Nghệ thuật đã nuôi sống tôi, nuôi sống vợ con, bố mẹ...
Ngày xưa, nhiều lúc tôi hay chạnh lòng về sự nghèo khó của mình, của gia đình. Nhưng sau này, cái nghèo đó đã bổ sung "hồn" trong từng vai diễn của mình. Chính vì quá khổ, tôi mới biết hết giá trị của những gì mà mình đạt được và những ngày tháng khổ cực đó đã theo tôi vào từng số phận nhân vật trên sân khấu.
Khán giả của tôi, đủ thành phần là trí thức, sinh viên, là nông dân, nhưng o, mệ buôn bán nhỏ lẻ... Tôi biết, để có tiền mua vé, vào xem tôi hát, họ cũng phải lao động bằng mồ hôi, nước mắt. Tôi nghĩ thế, tôi không thể nào cẩu thả với nghề diễn của mình. Tôi thích sự công bằng, nghĩa là tôi cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt trên sân khấu, tương xứng với những gì khán giả đã bỏ ra nuôi mình.
Cứ gọi tôi là Hinh
Sau từng đêm diễn, hạnh phúc nhất của cuộc đời, là tôi được nhận những động viên chân thành của khán giả. Tôi chỉ nghĩ đến khán giả của mình. Một diễn viên, có thương khán giả, mới có thể có trách nhiệm với vai diễn, sống trọn vẹn tâm hồn cho nghệ thuật được.
Chính vì thế, khi đến một điểm diễn nào ở thôn quê, tôi hay nói với mấy anh em treo băng rôn: "Thôi đừng lót thêm NSưT trước tên tôi làm gì. Cứ gọi tôi là Hinh được rồi...". Lòe loẹt với người dân quê, chân lấm tay bùn làm gì? Bình thường, đối với họ, nghệ sĩ đã là một tầng lớp gì xa vời lắm rồi. Họ muốn xem mình, mình phải làm sao tạo cảm giác gần gũi, thân thiện.
Bạn bè tôi hay thắc mắc, tại sao tới bây giờ, tôi vẫn chưa được phong NSND, tôi cười: "Sự cống hiến, khi đến đỉnh điểm, người khác sẽ thấy. Đó là công bằng. Tôi không quen phải làm đơn nộp, xin được phong chức này, chức nọ, hóa ra chính bản thân tôi đi "khoe" sự cống hiến của mình à? Tôi chỉ quan tâm khi tôi lên sân khấu, khán giả có xem tôi hay không?"
Mấy chục năm nay, tôi đã trải qua bao thăng trầm của nghề diễn, cũng như cuộc sống. Khi người ta không còn trẻ, lửa nhiệt tình cũng phần nào mai một. Qua rồi cái thời mưu sinh, chạy show tất bật, tôi không còn muốn bon chen nhiều nữa.
Tôi là đại diện cho dân nghèo khổ, từ nghèo khó mà ra nên cuộc sống chẳng có gì gọi là xa hoa. ăn uống cũng đơn giản. Mọi thứ, tôi chỉ muốn bình bình, không có ham muốn nhiều.
Tôi mãn nguyện nhất là có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Vợ tôi là một kế toán nhà nước bình thường, không cùng nghề của chồng nhưng hiểu và thông cảm. Hai đứa con tôi: Đứa gái 15 tuổi, đứa trai 11 tuổi, đều ngoan ngoãn.
XUÂN HINH - VUA HÀI ĐẤT BẮC
Có thể nói, Xuân Hinh là người bén duyên với sân khấu hài từ những ngày còn sơ khai.
Với bản tính dí dỏm, thông thuộc ca dao tục ngữ nên mỗi khi xuất hiện, Xuân Hinh luôn mang lại tiếng cười sảng khoái cho những người xung quanh. Chính vì vậy, dù chưa được công nhận là NSND nhưng từ nhiều năm nay, trong lòng công chúng, Xuân Hinh đã được coi là nghệ sĩ của nhân dân, từ thành thị đến nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh. Anh cũng không ngần ngại tự nhận mình là nghệ sĩ "bình dân". "Bình dân mà được ở trong lòng dân thì đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ", Xuân Hinh tâm sự.
Tuy nhiên, trước khi đến với sân khấu hài, Xuân Hinh đã có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực chèo. Chất dân dã của hề chèo đã ngấm vào anh nên chất hài của Xuân Hinh cũng gây nên nhiều tranh cãi. Người yêu mến thì cho rằng "tục mà thanh". Người khắt khe thì nhìn nhận là tục tĩu, bình dân dễ dãi... Nhưng Xuân Hinh cho rằng: "Tục hay không là do cái đầu mình nghĩ. Nó cũng giống như khi xem một bức tranh khỏa thân, nếu nhìn nó bằng con mắt tục thì nó sẽ là tục. Ngược lại, nếu nhìn ở góc độ thẩm mỹ thì nó là một bức tranh nghệ thuật. Mỗi nghệ sĩ như là một món ăn để phục vụ một lớp công chúng nhất định. Có người thích món này, người thích món khác. Ai cũng biết quả cà rất độc nhưng người ta vẫn thích ăn. Và món ăn dù có ngon đến mấy mà ăn mãi thì người ta cũng chán. Nghệ thuật cũng thế thôi. Không thể bắt người ta ăn mãi một thứ. Nó cần được thay đổi theo khẩu vị của từng lớp công chúng. Tôi là người rất cẩn trọng trong công việc. Nếu không, làm sao tôi có được vị trí như ngày hôm nay".
Hẳn sân khấu hài miền Bắc phải rất lâu nữa mới tìm ra một nghệ sĩ dí dỏm, đầy duyên hài như Xuân Hinh. Và nếu cứ nhìn vào sức nóng của Xuân Hinh ở tuổi 50 vẫn khiến khán giả "phát sốt" mỗi khi xuất hiện, danh xưng "vua hài đất Bắc" hẳn thật xứng đáng với người nghệ sĩ dành trọn cuộc đời cho sân khấu và cho hề chèo như Xuân Hinh.
"Chương trình không diễn được. Người ta tổ chức vừa vất vả mà tốn bao nhiêu tiền của. Mình là nghệ sỹ cũng nên chia sẻ, sống còn phải có lúc này lúc khác", Xuân Hinh chia sẻ.
Thăng trầm trong nghiệp diễn
Thời buổi kinh tế khó khăn, hoạt động của làng nghệ thuật cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Xuân Hinh, dĩ nhiên không phải ngoại lệ. Năm nay, mỗi lúc ai đó hỏi đến chuyện chạy show, kiếm tiền, danh hài này lại hóm hỉnh nói rằng: "Tôi cát-sê vẫn như năm ngoái. Nhưng như thế, có nghĩa là thụt lùi rồi". Vui đùa thế, chứ thực ra Xuân Hinh năm nay không chạy được show nhiều. Anh bảo, mình đã già rồi nên sức cũng có hạn. Tết nhất đến nơi, muốn làm cái đĩa phục vụ bà con nhưng cũng phải xem có nhà tài trợ không mới kham nổi. Giờ 100 - 200 triệu đồng làm đĩa đã là tiết kiệm, mà con số ấy cũng là cả vấn đề.
Nghe chuyện ấy, ai đó có thể bảo cái ông Xuân Hinh này sao mà nghịch lý. Mà quả thực, kinh tế khủng hoảng nhưng chẳng ai trong làng văn nghệ không biết Xuân Hinh chạy show theo kiểu "tưng tửng". Nhận lời bầu sô, cầm tiền đặt trước rồi nhưng nếu trời mưa gió hoặc vì lý do bất khả kháng mà chương trình không diễn ra được, danh hài này lập tức trả lại tiền cho nhà tổ chức. Anh bảo: "Chương trình không diễn được. Người ta tổ chức vừa vất vả mà tốn bao nhiêu tiền của. Mình là nghệ sỹ cũng nên chia sẻ, sống còn phải có lúc này lúc khác". Cái khổ của Xuân Hinh là ở chỗ ấy. Nhiều người cứ nghĩ, danh hài đất Bắc này "đại gia" rồi, nên chơi trội chứ lẽ thường thì mấy ai lại "chê" tiền bao giờ.
Nhưng với Xuân Hinh, thì cuộc sống khi đã trải qua đủ thăng trầm, cay đắng suốt bao nhiêu năm, cuối cùng hạnh phúc nhất lại là sự giản đơn. Ai đó đồn đoán anh "đại gia". Mặc. Xuân Hinh bảo: "Bữa cơm nhà tôi chỉ cần cà, dưa, cá là xong chuyện". Người ta đồn Xuân Hinh giàu lắm, đất đai có cả chục mảnh. Nào thì Xuân Hinh mua cả ô tô xịn, nhưng đi diễn lại vẫn vi vu xe mấy cốt để… giấu giàu. Ai nói gì thì nói, anh cũng mặc. Cái kiểu tưng tửng, hài hài khi được hỏi về cái chuyện đồn thổi này của anh không thể nhầm với ai.
Xuân Hinh bảo: "Tôi vẫn đi ô tô đấy chứ, nhưng là ô tô… thuê của người ta. Mà lúc nào cả gia đình về quê thì mới đi ô tô thôi chứ sức mấy. Còn đất cát ấy à. Thử hỏi thời buổi này, nhiều đất hay ít đất là sướng. Nhiều đất cát bây giờ thì có chết thôi, chứ sung sướng gì".
Kết lại cái chuyện nói về bạc tiền, danh vọng, Xuân Hinh bảo: "Miệng lưỡi thế gian như sóng biển. Mình nghe thấy, biết đấy nhưng bỏ qua mà sống thôi". Trầm ngâm hồi lâu, anh tiếp: "Nói thật lòng nhé, nghệ sỹ mình mấy ai có lắm tiền mà mua đất, tậu nhà. Cuộc sống khó khăn lắm. Tôi biết nhiều người cát - sê thấp cứ nói vống lên cho nó oai với đời thôi. Thử hỏi đi diễn tỉnh mà thuê ô tô, cát - sê được 2 triệu thì tiền trả xe cho người đã tròm trèm 1,8 triệu". Nghe Xuân Hinh tâm sự, người đối diện có cảm giác sự chân thành. Tự sâu thẳm bản thân Xuân Hinh, anh coi: "Nghệ sĩ như con gà. Mở cửa ra là ghẹ ghẹ cục cục, bán cháo phổi, buôn nước bọt, gọi là hà tiện thì cũng có một chút nay mai già đỡ phiền hà đến con cháu là mừng rồi".
Tôi chỉ muốn làm... hề
Thành danh với chiếu chèo, nhưng Xuân Hinh luôn được khán giả ngóng chờ bởi những vai hài rất duyên, rất độc đáo. Trên sân khấu hài năm nay, Xuân Hinh tiết lộ anh đã "đóng cặp với Vân Dung trong Con hư tại bố, Hồng Vân với Chiếc gương của trời, Tìm vợ mất tích". Bên cạnh đó, còn nhiều "bóng hồng" đình đám khác đã đi qua những tiểu phẩm của Xuân Hinh, từ Thanh Ngoan đến Minh Vượng. Với người nào, anh cũng thấy nét đằm thắm riêng và ấn tượng khó phai.
Xuân Hinh vẫn rất sung sức và tâm huyết với nghiệp diễn dù đã ở ngưỡng lục tuần
Cũng bởi cái lòng "luyến ái", mến tài ấy, mà nhiều người nói Xuân Hinh "sát gái", đào hoa. Anh cũng thừa nhận: "Tôi cứ hay dại, hay vương vấn với phụ nữ lắm". Lúc diễn, thì với cô nào anh cũng hợp, cô nào anh cũng thích. Gương mặt này thấy đã "cũ" với khán giả, anh lại chuyển sang đóng cặp cùng người khác. Mà diễn với ai, Xuân Hinh cũng biết cách tung hứng, đỡ phần nặng nhọc cho bạn diễn của mình. Anh bảo: "Ấy là vì tôi ưa cái đẹp". Nhưng mà với Xuân Hinh, "đẹp chỉ để ngắm thôi".
Nói về cuộc sống gia đình mà nhiều người bấy lâu nay vẫn tò mò, anh bảo: "Tôi chỉ ở nhà, không trăng hoa. Vợ tôi cơ bản là người tốt. Đi đâu ra ngoài, cô ấy cũng chỉ bảo tôi nhớ mang vàng về. Mình hỏi vàng đâu ra thì vợ nói ngay: "Một cây với hai chỉ là vàng đấy chứ còn gì nữa". Chơi thế mới ác chứ, làm tôi mỗi lần ra ngoài là lại vấn vương, lại quay lại chứ chẳng phiêu du ở đâu lâu được".
Lúc nào cũng tâm niệm thế, nên chẳng trách khi được hỏi về tác phẩm ưng ý nhất của đời mình, Xuân Hinh đáp không cần nghĩ: "Tác phẩm lớn nhất trong cuộc đời tôi là hai đứa con. Còn tiền tài thì biết thế nào là đủ. Con người vốn lòng tham vô đáy, có cái nhà rồi lại muốn có cái xe, có xe rồi lại muốn cái khác. Nghĩa là tham suốt đời. Với tôi, hạnh phúc nhất là khi về già, con hỏi: "Bố có khỏe không? Bố thèm cái gì để con mua?". Tiền đó có khi vẫn là tiền của mình thôi, nhưng nó biết hỏi như thế nghĩa là cũng xuất phát từ tấm lòng thì mới nói được, chứ nếu nó đưa cho mình một đống tiền chưa chắc đã thích, vì có đi được nữa đâu mà cần tiền, lúc đó cần tình cảm hơn chứ".
Bỏ dáng vẻ hoạt bát thường thấy, Xuân Hinh trầm tư hướng ánh mắt về phía xa xăm. Hình như anh không hứng thú đào sâu chuyện đời tư thêm nữa. Anh chủ động ngắt câu chuyện để nói về chuyện nghề, chuyện mấy dự án dở dang của mình. Xuân Hinh bảo anh vẫn nuối tiếc khi không hoàn thành được ý tưởng mở một địa điểm âm nhạc chuyên về hát chèo, lấy đó làm chỗ cho anh em nghệ sĩ sinh hoạt nghề nghiệp. Mấy năm trước, anh từng sốt sắng lắm với giấc mơ ấy. Nhưng rồi cái tuổi đuổi xuân đi, có nhiều chuyện khúc mắc cản trở khiến anh không hoàn tất được. Bây giờ, Xuân Hinh thổ lộ anh thậm chí "chỉ muốn diễn in ít thôi, tránh mang tiếng cạnh tranh lứa trẻ".
Đi qua mọi sóng gió cuộc đời, Xuân Hinh kết lại câu chuyện bằng khẳng định: "Tôi xác định làm anh hề mua vui cho thiên hạ". Cái khát vọng mà bạn bè anh, có người đã bảo Xuân Hinh "gàn", lại khiến anh cảm thấy mãn nguyện. "Người đời mơ ước làm quan chức", cũng có khi ham muốn tiền bạc, danh vọng, còn Xuân Hinh "làm hề thì thôi làm quan, làm quan thì thôi làm hề". Anh tâm niệm nếu cho chọn lại, anh vẫn cứ chọn hát, chọn đi diễn hề chứ chẳng màng làm quan chức.
"Nghiệp của mình chỉ như thế thôi, bon chen làm gì. Trong nhà vợ chồng đón được ý nhau, con cái nghe lời là hạnh phúc rồi. Điều quan trọng là tự thấy hài lòng với những gì mình đạt được", Xuân Hinh tâm sự rồi thở dài giống như vừa trút một gánh nặng mà bấy lâu nay anh chất chứa.
XUÂN HINH KỂ CHUYỆN GIA ĐÌNH
Chẳng may vợ không thương nữa thì đành chịu, chứ Xuân Hinh không bao giờ bỏ vợ. Vợ trong mắt tôi là “number one”.
Xuân Hinh hạnh phúc bên người vợ hiểu mình.
- Dễ tìm thấy Xuân Hinh trong kệ đĩa của các gia đình, nhưng trên sân khấu anh xuất hiện hơi ít. Vì sao vậy?
- Đúng. Tôi xuất hiện ít vì còn phải “để dành” cái mặt mình. Tôi quan niệm, mặt là cái quý mà cứ đem bày ê chề ngoài đường thì còn gì là quý nữa. Nguyên tắc của tôi là: Của hiếm mới là của quý. Người châu Âu có một câu nói rất hay: “Người khách đến nhiều quá thì người khách sẽ bị coi thường”. Nhiều khán giả cũng nhắc nhở muốn xem Xuân Hinh diễn “tươi”.
- Hai nghệ sĩ hải ngoại Quang Minh, Hồng Đào thổ lộ khó khăn nhất trong nghiệp diễn hài của mình là thiếu kịch bản, nhưng Xuân Hinh có rất nhiều tiết mục đa dạng, phong phú. Anh có bí quyết nào?
- Quang Minh, Hồng Đào nói thế là đúng. Tìm được một kịch bản tốt thật là khó, không phải bỗng dưng mà người ta nói rằng “Kịch bản là sinh mệnh của một đoàn hát”. Tôi là người rất chú ý đến vấn đề này. Tôi đầu tư rất kỹ, gửi tiền nhuận bút cho những người viết kịch bản rất cao. Nhân đây tôi cũng gửi đến các tác giả lời nhắn nhủ: “Hãy viết cho Xuân Hinh. Viết cho Xuân Hinh không sợ thiệt thòi”.
Ngoài ra, tôi thường xuyên la cà quán xá, trà đá “buôn chuyện” để thu thập tư liệu. Xuân Hinh giống như kẻ bụi đời vậy. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được lăn lóc với cuộc sống và từ những cuộc lăn lóc ấy tôi tìm ra nhiều chất liệu cho vai diễn của mình. Tôi nghĩ, sở dĩ khán giả yêu thích Xuân Hinh một phần chính vì Xuân Hinh đã mang lại cho họ những điều gần gũi, thiết thân.
- Để trả tiền kịch bản cao, anh buộc phải lấy cát-xê cao. Các ông bầu nói sao về mức tiền công mà anh đưa ra?
- Xuân Hinh có rất nhiều lời mời diễn. Từ các thành phố lớn đến nông thôn. Diễn hài, hát chèo, hát xẩm... đủ cả. Có suất cát-xê cao, có suất cát-xê thấp, có suất diễn lại chỉ tặng nhau vài món quà. Những người viết kịch bản cho mình cũng thế. Quan trọng là hợp nhau.
Gia đình ấm cúng của Xuân Hinh.
- Vậy điều gì khiến anh nhận lời diễn cho một chương trình?
- Phải là một chương trình tốt, ý nghĩa!
- Là vua hài miền Bắc nhưng anh chưa từng xuất hiện trong các chương trình Táo quân vốn là chương trình hài được khán giả trông đợi nhất trong năm. Vì nhà sản xuất không mời hay vì chương trình không hợp với anh?
- Cũng là chữ “nhân duyên” thôi. Các nhà làm chương trình vẫn mời Xuân Hinh đấy, nhưng dường như tôi chưa có duyên với họ vì mỗi lần nhận được lời mời, tôi hoặc đang bận lưu diễn nước ngoài hoặc đang bận ra đĩa cuối năm nên không sắp xếp thời gian. Xuân Hinh đã nhận lời thì không muốn thất hứa hay lỡ hẹn.
- Thương hiệu giả gái của anh gặp phải đối thủ là Hoài Linh. Anh có những “đòn riêng” nào để không bị vượt mặt?
- Nghệ sĩ giống như người làm dâu trăm họ, có người thích, có người không, có người thích nhiều, có người thích ít. Xuân Hinh hay Hoài Linh đều là những nghệ sĩ có khán giả của riêng mình. May mắn làm nghề mấy chục năm nay, đến giờ Xuân Hinh vẫn được khán giả yêu quý, thế là hạnh phúc lắm rồi!
Khán giả với hài chèo cũng giống như người thưởng thức món ăn, ăn nhiều quá một món họ sẽ chán, họ muốn đổi mới. Thẩm mỹ của khán giả bây giờ càng ngày càng cao, rạp hát còn phải trang trí lại cho đẹp hơn để thu hút khán giả, huống hồ người nghệ sĩ.
Nhiều lúc tôi thấy mệt mỏi, vì mình cũng bước vào tuổi ngũ tuần rồi, muốn nghỉ ngơi lắm, nhưng khán giả vẫn thương, vẫn mến, họ luôn hỏi Xuân Hinh khi nào ra đĩa, khi nào diễn..., nên Xuân Hinh chưa thể dừng lại được.
Tôi bước vào tuổi ngũ tuần, cũng muốn nghỉ ngơi lắm rồi nhưng khán giả thương nên không dừng lại được.
- Bạn diễn của anh thường là phụ nữ đẹp và tài năng có tiếng trong giới nghệ thuật như Thanh Thanh Hiền, Hồng Vân… Bà xã của anh phản ứng thế nào?
- Vợ tôi rất phấn khởi vì thấy chồng mình nhan sắc không lấy gì làm đẹp lắm nhưng lại được các người đẹp tài năng vây quanh. Điều này đáng tự hào lắm chứ. Cứ mỗi một lần xem tôi diễn với các mỹ nhân này, vợ tôi đều tặng cho tôi một cái hôn. Cô ấy chẳng những không ghen mà còn thường dặn tôi rằng, nếu có đi ăn “phở” thì cũng phải ăn “cơm” no ở nhà đã. Vợ không thương nữa thì đành chịu, chứ Xuân Hinh không bao giờ bỏ vợ. Vợ trong mắt tôi là “number one”.
- Một nghệ sĩ của sân khấu như anh, khi trở về làm người đàn ông của gia đình sẽ thế nào?
- Vợ chồng tôi có hai cháu, một trai một gái, vậy là đúng kế hoạch nhà nước giao rồi, không nhiều cũng không ít. Trước khi lấy vợ tôi đã chọn kỹ, chồng nói nhiều thì vợ nói ít, chồng nhanh thì vợ chậm, người nhanh cứ nhanh, người chậm cứ chậm, không vấn đề gì. Chồng căng thì vợ chùng, mình đã giao trách nhiệm cho vợ cứ mỗi khi hai vợ chồng giận nhau thì vợ là người xin lỗi, như thế vợ là người thắng cuộc rồi. Nếu có giận nhau vợ chỉ “miệng cười tủm tỉm hỏi anh chuyện gì”. Thế là êm ấm.
Gia đình tôi cũng có tục lệ đêm 30 Tết hai vợ chồng tổng kết xem năm qua làm được những gì, chưa làm được những gì, sức khoẻ có tốt không... để phấn đấu cho năm mới. Bí quyết giữ hạnh phúc của tôi là gia đình bao giờ cũng phải đầy ắp tiếng cười, “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Trong chương trình sức khoẻ trên truyền hình, thầy thuốc đã bảo nếu cười gượng cũng chữa được hai bệnh, còn cười sảng khoái, cười hết mình là chữa được năm bệnh đấy. Nên nhà mình bao giờ cũng phải đầy ắp tiếng cười, cười để khoẻ, mà có sức khoẻ là có tất cả.
Đối với tôi, cuộc sống phải vui, phải thấy bằng lòng với mình thì mới thấy mình an nhàn. Phấn đấu đến chữ “an nhàn” khó lắm. Mình “an nhàn” có nghĩa mình là tỷ phú rồi.
Xuân Hinh: "Tác phẩm” lớn nhất đời là 2 đứa con
Danh hài chia sẻ: “Tác phẩm” lớn nhất trong cuộc đời tôi là 2 đứa con. Còn tiền tài thì biết thế nào là đủ. Với tôi, hạnh phúc nhất là khi về già, con hỏi: "Tối qua bố có ngủ được không?".
Cứ đến cuối năm là NSƯT Xuân Hinh đắt sô, những lời mời làm phim hài, đĩa hài tết, diễn tiểu phẩm cứ tơi tới... Dân Việt trò chuyện với nghệ sĩ hài được rất nhiều người yêu mến này về chuyện năm cũ - năm mới.
Xuân Hinh luôn là gương mặt hài được nhiều khán giả trông đợi nhất vào mỗi dịp cuối năm, vậy Tết Quý Tỵ anh có món gì “độc” để đãi khán giả?
- Đến hiện tại, tôi đã làm được 2 đĩa, gồm đĩa "Con hư tại bố" (đóng cùng Vân Dung) và đĩa "Xuân Hinh Tết 2013" với 2 tiểu phẩm: "Chiếc gương của giời" đóng với nghệ sĩ Hồng Vân và "Tìm vợ mất tích". Khi đã được mời thì tôi luôn cố gắng diễn hết mình, diễn bằng cả tấm lòng, bằng sự say mê nghề để làm sao khi bà con ngồi trước màn hình, xem đĩa hài của Xuân Hinh thấy vui, thấy cười sảng khoái, thư thái.
Nhiều khán giả nhận xét với tôi rằng, mỗi khi thấy Xuân Hinh xuất hiện ở đĩa hài nào thì y như rằng ở đĩa đó có hát dù ít, dù nhiều. Đôi khi là những điệu chèo cổ, chèo hiện đại, đôi khi là làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh... tôi cho đó là một trong những nét đặc trưng của Xuân Hinh mà khán giả mê chăng.
Xuân Hinh (phải) trong tiểu phẩm “Bù nhìn rơm”.
|
Anh được nhiều người yêu mến nhưng cũng có nhận xét cho rằng, Xuân Hinh diễn có phần hơi tục và hình như đã hết chiêu trò. Anh nghĩ sao về lời nhận xét này?
- Cuộc sống bây giờ sướng nhiều lắm, có rất nhiều thứ để giải trí. Vì thế đối với tôi, ở tuổi ngũ tuần mà vẫn được nhiều người hâm mộ, được nhiều câu hỏi quan tâm thì chỉ riêng điều đó đã là hạnh phúc rồi. Tục hay không là do cái đầu người nghĩ, chứ ngày xưa các cụ còn tục hơn mình nhiều, như ở tiết mục "Xã trưởng - mẹ Đốp", mẹ Đốp còn hành động tục hơn, bốc mồm xã trưởng bỏ vào...
Tôi nghĩ đã là người nghệ sĩ sống trong giới nghệ thuật, như là làm dâu trăm họ, vì thế có người khen, kẻ chê là chuyện hết sức bình thường. Thế chứ bây giờ nhà báo chỉ xem có chỗ nào viết kịch bản hay, hoặc chỗ học nào để diễn hay thì đắt mấy tôi cũng mua, tôi cũng đăng ký xin học. Tôi cầu tiến lắm, không cổ hủ đâu (cười).
Đối với anh, diễn hài dường như là việc rất tự nhiên, có nhiều vai diễn để đời và khiến khán giả nhớ mãi. Vậy theo anh, nguyên nhân những phút thăng hoa đó là từ đâu?
- Tôi sinh ra ở nông thôn Bắc Ninh, nơi có những làn điệu quan họ nổi tiếng, tuổi thơ tôi là những ngày cày bừa, cấy hái... Chất nông dân đã ngấm vào trong từng thớ thịt, mạch máu của tôi, nên hơn ai hết, tôi hiểu cuộc sống của người nông dân là như thế nào. Chính vì thế khi đóng những vai như trong seri tiểu phẩm hài "Người ngựa - ngựa người" hay như vai anh chồng nhà quê luôn say rượu trong tiểu phẩm "Bù nhìn rơm", tôi diễn một cách tự nhiên mà không bị khiên cưỡng.
Đối với người nghệ sĩ là người của trăm nghề, đóng hàng trăm vai diễn khác nhau, hoá thân vào hàng trăm nhân vật thì tất cả những nhân vật đó mình phải hiểu, phải quan sát, thậm chí có những lúc tôi còn hay lê la ngoài vỉa hè, ngồi uống trà đá, cà phê để thâm nhập cuộc sống của người dân. Từ đó mình có cái nhìn đa chiều để diễn mà không bị khiên cưỡng, áp đặt.
Văn hóa dân tộc hẳn đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời làm nghệ thuật của anh?
- Từ bé tôi đã được nghe những tiếng hát quan họ, tiếng hát ru, tiếng hát chầu văn, hát chèo... tất cả đã thấm vào tôi và tôi yêu chúng. Tôi còn nhớ ngày tôi học cấp 1, tôi đã mê hát đến mức dù đang làm việc ngoài đồng nhưng cứ đúng 11 giờ 30 mỗi trưa là tôi chạy thục mạng về nhà chỉ để nghe chương trình dân ca và chèo được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tôi mê tiếng đàn dân tộc lắm, mê những làn điệu chèo cổ, những làn quan họ, mỗi khi những giai điệu đó cất lên là tôi thấy như tâm hồn mình được hòa quyện, lâng lâng lắm. Chả thế mà mỗi vai diễn của tôi bao giờ cũng có thêm phần hát.
Gần 40 năm theo đuổi nghệ thuật, có hàng trăm vai diễn, hàng trăm tác phẩm, anh cảm thấy mình tâm đắc vở nào hay vai nào nhất?- “Tác phẩm” lớn nhất trong cuộc đời tôi là 2 đứa con. Còn tiền tài thì biết thế nào là đủ. Với tôi, hạnh phúc nhất là khi về già, con hỏi: "Tối qua bố có ngủ được không?". Nó biết hỏi như thế nghĩa là cũng xuất phát từ tấm lòng vì lúc đó, mình cần tình cảm hơn chứ.
Diễn viên hài Xuân Bắc và những chia sẻ về đời tư
Con trai Hoài Linh - Hoài Lâm
Gia đình Hoài Linh gồm những ai?
Vợ và con Hoài Linh
Thông tin về diễn viên Hoài Linh
Diễn viên điện ảnh Dustin Nguyễn
Bí mật của những người nổi tiếng
(st)