Thủ tục xin ly hôn

Trong thực tiễn cuộc sống, không phải tất cả mọi cặp vợ chồng đều xây dựng được gia đình hạnh phúc, mà có một số cặp vợ chồng không đạt được mục đích hôn nhân, mâu thuẫn vợ chồng nảy sinh, tình cảm giữa hai vợ chồng không còn, dẫn đến cuộc sống chung trở lên ngột ngạt, căng thẳng. Do đó, khi vợ chồng không còn nhu cầu chung sống nữa thì có quyền ly hôn. Việc ly hôn do Toà án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu cả hai vợ chồng hoặc của một bên vợ hay bên chồng khi tình trạng gia đình trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.


1. Quyền yêu cầu ly hôn

Theo Điều 85 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 và Điều 42 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn”.

Như vậy, ly hôn có thể được thực hiện theo yêu cầu của cả hai vợ chồng (thuận tình ly hôn) hoặc chỉ có một bên vợ hoặc bên chồng xin ly hôn. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của trẻ em và phụ nữ - là những người yếu thế trong xã hội - Luật Hôn nhân gia đình quy định tại khoản 2 Điều 85 về hạn chế quyền ly hôn của người chồng, trong trường hợp người vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.

2. Thẩm quyền giải quyết việc ly hôn

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Toà án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình, gồm: Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; ranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; Tranh chấp về cấp dưỡng; Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân...

Cụ thể, Toà án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm việc ly hôn là Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi một trong các bên ly hôn cư trú, làm việc (Điều 33 và điểm h khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2011(sau đây gọi tắt là Bộ luật Tố tụng dân sự)).

3. Trình tự, thủ tục ly hôn

Bước 1: Vợ, chồng có yêu cầu ly hôn chuẩn bị giấy tờ để xin ly hôn

- Viết đơn xin ly hôn. Trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn thì cả hai người ký vào đơn, nếu ly hôn theo yêu cầu của một bên thì người viết đơn ký vào đơn xin ly hôn.

- Bản chính Giấy đăng ký kết hôn;

- Bản sao Giấy khai sinh của các con;

- Kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh tài sản chung vợ chồng (nếu có yêu cầu chia tài sản khi ly hôn).

Bước 2: Nộp đơn xin ly hôn

- Vợ, chồng xin ly hôn, nộp đơn xin ly hôn và những giấy tờ, tài liệu kèm theo đến Toà án nhân dân cấp huyện nơi cư trú hoặc nơi làm việc của vợ, chồng (có thể nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua đường bưu điện).

Bước 3: Toà án thụ lý vụ án về ly hôn

- Toà án nhận đơn xin ly hôn và ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án phải xem xét và có một trong các quyết định: Thụ lý vụ án nếu đơn xin ly hôn và các tài liệu kèm theo đầy đủ và xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; Chuyển đơn cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người xin ly hôn biết, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác; Trả lại đơn cho người xin ly hôn và hướng dẫn người xin ly hôn bổ sung, hoàn thiện các giấy tờ, tài liệu hoặc giải thích cho người xin ly hôn biết việc ly hôn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án (như không có đăng ký kết hôn...).

- Toà án phải thông báo cho người xin ly hôn biết về việc thụ lý vụ án để họ đến nộp tiền tạm ứng án phí ly hôn trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Số tiền tạm ứng án phí được Toà án dự tính trên cơ sở quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí toà án ngày 27/02/2009, mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án về hôn nhân, gia đình không có giá ngạch (không có yêu cầu về chia tài sản) là 200.000 đồng; nếu có giá ngạch thì tiền tạm ứng án phí nộp theo tỷ lệ phần trăm của giá trị tài sản.

- Toà án vào sổ thụ lý vụ án khi người ly hôn nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Trong trường hợp người xin ly hôn được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí thì Toà án phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo.

Bước 4: Hoà giải tại Toà án

Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Toà án phải tiến hành hoà giải. Toà án phải thông báo cho vợ chồng biết về thời gian, địa điểm tiến hành phiên hoà giải, nội dung các vấn đề cần hoà giải.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Tố tụng dân sự thì có một số trường hợp không tiến hành hoà giải được là bị đơn cố tình vắng mặt đến lần thứ hai, một bên vợ hoặc chồng không thể có mặt vì lý do chính đáng như đang ở nước ngoài, đang thi hành án phạt tù... hoặc một bên vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự (bị tâm thần).

Thành phần phiên hoà giải gồm: Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải, Thư ký Toà án ghi biên bản hoà giải và hai vợ chồng. Việc hoà giải (thành hoặc không thành) được Thư ký Toà án ghi vào biên bản, biên bản hoà giải phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của các đương sự có mặt trong phiên hoà giải, chữ ký của Thư ký Toà án ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải.

Bước 5: Quyết định của Toà án

Sau khi đã tiến hành hoà giải, Toà án phải ra một trong các quyết định:

- Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi có một trong những trường hợp sau:

+ Hoà giải thành, hai bên vợ chồng vẫn còn thương yêu nhau và đồng ý tiếp tục chung sống, các bên rút đơn yêu cầu ly hôn và không yêu cầu Toà án giải quyết;

+ Một bên vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng chết;

Toà án tiến hành xoá tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn xin ly hôn cũng như các tài liệu, giấy tờ kèm theo cho đương sự nếu có yêu cầu.

- Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi: một bên vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật; cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án mà thời hạn giải quyết đã hết (như cần đợi kết quả uỷ thác tư pháp trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng cư trú ở nước ngoài).

- Quyết định đưa vụ án ra xét xử khi: hoà giải đoàn tụ không thành, các bên kiên quyết giữ quan điểm ly hôn, mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng đến mức không thể tiếp tục chung sống.

Bước 6: Xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn

Toà án chỉ tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn trong trường hợp có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc lý do tạm đình chỉ vụ án không còn.

+ Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân.

+ Vợ chồng xin ly hôn phải có mặt tại phiên toà theo Giấy triệu tập của Toà án, nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng (bị ốm hoặc gặp trở ngại khách quan) thì phải hoãn phiên toà. Người nộp đơn yêu cầu xin ly hôn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc ly hôn và Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, Toà án vẫn tiến hành xét xử vụ án khi nguyên đơn vắng mặt tại phiên toà mà có đơn đề nghị Toà án xét xử vắng mặt hoặc họ có người đại diện tham gia phiên toà. Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Toà án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

- Thủ tục chuẩn bị khai mạc phiên toà: Trước khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, Thư ký phiên toà phải ổn định trật tự trong phòng xử án, kiểm tra sự có mặt, vắng mặt của vợ chồng xin ly hôn và những người tham gia phiên toà theo giấy triệu tập, giấy báo của Toà án; nếu có người vắng mặt thì cần phải làm rõ lý do; phổ biến nội quy phiên toà.

- Thủ tục khai mạc phiên toà:

Hội đồng xét xử vào phòng xử án. Thông thường, Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà ngồi chính giữa, hai bên là Hội thẩm nhân dân, phía bên phải Hội đồng xét xử là Thư ký phiên toà, tiếp đến là vị trí của người bào chữa (nếu có). Các đương sự ngồi ở hàng ghế phía dưới trong phòng xử án.

Khi Hội đồng xét xử bước vào phòng xử án, mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy. Chủ toạ phiên toà khai mạc phiên toà và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Sau khi đọc xong Quyết định, Chủ toạ phiên toà cho mọi người trong phòng xử án ngồi và yêu cầu Thư ký Toà án báo cáo với Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên toà theo giấy triệu tập, giấy báo của Toà án và lý do vắng mặt. Chủ toạ phiên toà kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên toà theo giấy triệu tập, giấy báo của Toà án và kiểm tra căn cước của đương sự. Chủ toạ phiên toà phổ biến quyền, nghĩa vụ của các bên xin ly hôn và của những người tham gia tố tụng khác. Chủ toạ phiên toà giới thiệu họ, tên những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch (nếu có) và hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch xem họ có yêu cầu thay đổi ai không.

Nếu những người được triệu tập đã có mặt đầy đủ hoặc có người vắng mặt nhưng Hội đồng xét xử xét thấy việc xét xử được bảo đảm theo luật định thì vẫn tiến hành xét xử.

- Thủ tục hỏi tại phiên toà:

+ Chủ toạ phiên toà hỏi vợ chồng về việc có thay đổi, bổ sung hay rút đơn yêu cầu xin ly hôn không. Trong trường hợp vợ, chồng rút một phần yêu cầu ly hôn, chia tài sản, nuôi con hoặc rút toàn bộ đơn xin ly hôn thì Hội đồng xét xử xem xét và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ vụ án.

+ Nếu vợ chồng không có thay đổi, bổ sung hay rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Chủ toạ phiên toà hỏi xem họ có thoả thuận được với nhau về việc ly hôn, chia tài sản, nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con không. Trong trường hợp họ thoả thuận được với nhau và thoả thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thoả thuận đó.

Quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật.

+ Trong trường hợp đương sự vẫn giữ nguyên yêu cầu của mình và các đương sự không tự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử bắt đầu xét xử vụ án bằng việc nghe lời trình bày của các đương sự (vợ, chồng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (liên quan về tài sản), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ hoặc của chồng trình bày về yêu cầu, ý kiến và chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó.

Sau khi nghe lời trình bày của các đương sự, việc hỏi được tiến hành theo trình tự quy định tại Điều 222 Bộ luật Tố tụng dân sự, hỏi từng người về từng vấn đề theo thứ tự Chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến Hội thẩm nhân dân, sau đó đến người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự và những người tham gia tố tụng khác (trường hợp có Kiểm sát viên tham gia phiên toà thì Kiểm sát viên hỏi sau đương sự).

- Thủ tục tranh luận tại phiên toà:

Sau khi kết thúc việc hỏi, Hội đồng xét xử chuyển sang phần tranh luận tại phiên toà. Thứ tự phát biểu khi tranh luận được thực hiện theo quy định tại Điều 232 Bộ luật tố tụng dân sự như sau: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phát biểu (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến). Trong trường hợp nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ tự mình phát biểu khi tranh luận.

Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự.

Nếu qua tranh luận, xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xem xét chưa được đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi; sau khi hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.

- Nghị án:

Kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án để thảo luận về những tình tiết của vụ án, những tài liệu, chứng cứ được kiểm tra, xem xét tại phiên toà, qua việc xét hỏi và tranh luận tại phiên toà đã đủ căn cứ để ra quyết định giải quyết vụ án ly hôn (về nuôi con, chia tài sản, nghĩa vụ cấp dưỡng...).

Chỉ các thành viên của Hội đồng xét xử (Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân) mới có quyền nghị án, các thành viên của Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Khi phát biểu (hoặc biểu quyết) các Hội thẩm nhân dân phát biểu (hoặc biểu quyết) trước, Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà phát biểu (hoặc biểu quyết) sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản riêng và được đưa vào hồ sơ vụ án.

Qua nghị án, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận.

Khi nghị án phải lập biên bản ghi lại ý kiến đã thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử. Biên bản nghị án phải được các thành viên Hội đồng xét xử ký tên tại phòng nghị án trước khi tuyên án.

- Tuyên án:

Sau khi thông qua bản án sơ thẩm và các quyết định khác có liên quan tại phòng nghị án, Hội đồng xét xử trở lại phòng xử án để tuyên án. Trước khi tuyên án, Thư ký Toà án yêu cầu mọi người trong phòng xử án đứng dậy. Chủ toạ phiên toà hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án (nếu bản án dài thì có thể thay nhau đọc bản án). Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc thi hành bản án và quyền kháng cáo của đương sự.

Trong trường hợp có đương sự không biết tiếng Việt (một bên vợ hoặc chồng là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số) thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải dịch lại cho họ nghe toàn bộ bản án sang ngôn ngữ mà họ biết.

Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên toà, các đương sự được Toà án cấp trích lục bản án. Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày tuyên án, Toà án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

Khi bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật, hai bên nam nữ không còn là vợ chồng, mỗi người đều có quyền kết hôn với một người khác. Tuy nhiên giữa hai người vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo quy định của Toà án hoặc do hai bên thoả thuận.

Khi ly hôn có ba vấn đề đặt ra:

1. Về nhân thân - Tức giải quyết việc chấm dứt quan hệ vợ chồng giữa chị bạn và chồng. Căn cứ để xin ly hôn là: "tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được."

2. Về con chung, tùy khả năng mà chị bạn và chồng thỏa thuận ai là người nuôi các con, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định. Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi; con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng.

3. Về tài sản, các bên có thể thỏa thuận với nhau, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết. Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, có xem xét công sức đóng góp của các bên; tài sản của riêng ai thì thuộc về người đó.

Chú ý: Khi nộp đơn xin ly hôn, vấn đề về con chung và tài sản chung, Tòa chỉ giải quyết khi có yêu cầu của một trong các bên.

Lệ phí xin ly hôn:

Nếu không tranh chấp về tài sản: 200.000 đồng

Nếu có tranh chấp về tài sản: 200.000 đồng + án phí dân sự về tranh chấp tài sản (từ 2- 4% giá trị tài sản tranh chấp).

Hồ sơ xin ly hôn:

- Đơn xin ly hôn theo mẫu;

- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;

- CMND + Hộ khẩu của chị bạn;

- CMND + Hộ khẩu chồng chị bạn;

- Giấy khai sinh của con chung;

- Giấy tờ về tài sản có tranh chấp (nếu có).

Tòa án có thẩm quyền giải quyết:

Tòa án cấp Quận, Huyện nơi vợ chồng chị bạn sinh sống.


Ly hôn đồng thuận:


Ly hôn đồng thuận là cả hai bai tự nguyện đồng ý ly hôn, cùng ký vào đơn xin ly hôn. Đơn xin ly hôn phải có xác nhận của UBND cấp phường về nguyên nhân ly hôn, mâu thuẫn vợ chồng. Trước khi xác nhận, tổ hòa giải ở cấp phường sẽ tiến hành hòa giải 3 lần.

Theo quy định của pháp luật, khi giải quyết ly hôn đồng thuận, tòa án vẫn phải tiến hành hòa giải đoàn tụ. Nếu hòa giải đoàn tụ không thành, tòa án lập biên bản về việc đồng thuận ly hôn và hòa giải không thành.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản, nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không thay đổi ý kiến và Viện kiểm sát không phản đối thì Tòa án ra quyết định công nhận ly hôn mà không phải mở phiên tòa khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Hai bên đã tự thoả thuận được với nhau về việc phân chia hoặc không chia tài sản;

- Hai bên đã tự thoả thuận được với nhau về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;

- Sự thỏa thuận của hai bên về tài sản và con trong từng trường hợp cụ thể này là bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.

Quyết định công nhận đồng thuận ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay, các bên không có quyền kháng cáo,Viện Kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.

Trong trường hợp hoà giải tại tòa án thiếu một trong các điều kiện nêu trên thì tòa án lập biên bản về việc hòa giải đoàn tụ không thành. Trong đó nêu rõ những vấn đề hai bên không thoả thuận được hoặc có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con, đồng thời tiến hành mở phiên toà xét xử vụ án ly hôn theo thủ tục chung.

Hồ sơ, thủ tục ly hôn đồng thuận được quy định như sau:

- Hồ sơ ly hôn, gồm:

+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

+ Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);

+ Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực);

+ Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);

+ Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (Theo mẫu của từng Tòa)

- Nơi nộp hồ sơ: Tòa án nhân dân quận, huyện nơi thường trú của một trong hai bên.

- Thời gian giải quyết:

+ Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, Tòa án phải thụ lý vụ án, thông báo để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp án phí, người khởi kiện nộp cho tòa biên lai nộp tiền tạm ứng án phí để Tòa thụ lý vụ án.

+ Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, nếu Tòa án hòa giải không thành, xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; nếu không thoả thuận được hoặc tuy có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Toà án quyết định.

+ Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hòa giải không thành, nếu hai bên đương sự không thay đổi nội dung yêu cầu Công nhận thuận tình ly hôn thì Tòa án ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn.


Ly hôn đơn phương:

Theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn thì: “Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn”. Vậy, theo quy định này thì trong thời gian người vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới mười hai tháng tuổi thì người chồng không có quyền đơn phương xin ly hôn và anh trai của bạn phải tuân theo quy định pháp luật này. Tuy nhiên nếu hai vợ chồng anh chị bạn cùng thuận tình ly hôn thì sẽ được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định tại Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về thuận tình ly hôn, cụ thể: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; nếu không thoả thuận được hoặc tuy có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Toà án quyết định”.

Việc giải quyết cho ly hôn sẽ được Tòa án dựa trên căn cứ ly hôn quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể như sau:

“.Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn”. Như vậy tại thời điểm hiện tại nếu anh trai của bạn đơn phương xin ly hôn thì sẽ không được Tòa án giải quyết mà phải là cả hai vợ chồng thuận tình xin ly hôn. Về căn cứ ly hôn sẽ tuân theo quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình nêu trên. Việc vay nợ giữa hai vợ chồng như bạn trình bày không ảnh hưởng đến quyền yêu cầu xin ly hôn mà sẽ được Tòa án giải quyết luôn trong vụ án ly hôn theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình hoặc được giải quyết riêng trong một vụ án dân sự theo yêu cầu của anh chị bạn.

Chọn vợ thời nay trong mắt của các đấng mày râu

Nuôi con sau khi ly hôn bố mẹ nên làm thế nào

Kim Hiền sau khi ly hôn

Khủng hoảng hậu hôn nhân

toàn bộ chi phí xin ly hôn mất bao nhiêu khi không có tài sản chung
hơn 1 tháng trước - Thích
e la người viết đơn khi ra tòa e vắng mặt gia đình e có mặt thì có giải quyết được không
hơn 1 tháng trước - Thích
Gửi hỏi đáp - bình luận