Thực đơn món ăn miền Tây dung dị mà đậm đà

 
Về miền Tây, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã nhưng lạ miệng, độc đáo như gỏi củ hủ dừa, cơm cháy khô cá dứa hay cơm chiên cá mặn. Chúng ta cùng chọn thực đơn món ăn miền Tây dân dã mà ngon miệng nhé!



Miền Tây gạo trắng, nước trong được thiên nhiên ưu đãi nhiều ưu đãi nhiều sản vật quý, món ăn ngon. Xuôi về nơi đây, thực khách được thưởng thức nhiều món ăn dân dã bình dị nhưng lạ miệng, độc đáo như gỏi củ hủ dừa, cơm cháy khô cá dứa hay cơm chiên cá mặn…

Gỏi củ hủ dừa

Nguyên liệu:

Củ hủ dừa: 200g
Tôm sú: 200g
Thịt heo: 100g
100g chả lụa, 100g hành tây, 100g cà rốt, 50g dưa leo, 100g đậu phộng, 10g hành lá, rau thơm, 50ml dầu ăn; Bánh phồng tôm, nước mắm chua ngọt
Nước trộn gỏi: Trộn đều 2 thìa súp nước cốt chanh, 1 thìa súp đường, 1 thìa cà phê giấm trắng, 1 thìa súp tương, 1 thìa cà phê giấm trắng, 1 thìa súp nước mắm, 1 thìa cà phê ớt sừng.

Cách làm:

Củ hủ dừa rửa sạch, xé nhỏ.

Tôm sú rửa sạch, bỏ đầu, bóc vỏ, chẻ lưng lấy chỉ đen. Thịt heo rửa sạch, thái miếng mỏng. Tôm và thịt heo luộc chín. Chả lụa thái miếng mỏng vừa ăn.

Hành tây lột vỏ, bào mỏng. Cà rốt, dưa leo thái sợi. Hành lá cắt gốc, trụng sơ. Rau thơm thái sợi. Bánh phồng tôm chiên giòn. Đậu phộng rang chín, tróc vỏ.

Cho củ hủ dừa, tôm, thịt heo, hành tây, cà rốt, dưa leo, rau thơm vào tô, rưới nước trộn gỏi lên, đảo đều, rắc đậu phộng lên. Cho hỗn hợp vào miếng chả lụa, cuộn tròn, dùng hành lá buộc cố định.

Dọn gỏi ra đĩa, ăn kèm với bánh phồng tôm và nước mắm chua ngọt.

Mách nhỏ: Nên chọn củ hủ dừa xiêm, đọt vừa, không quá to, ăn ngon hơn. Sau khi rửa sạch, ngâm củ hủ dừa với nước đá pha nước cốt chanh để giữ độ giòn và trắng.

Cơm chiên cá mặn

Nguyên liệu:

Cơm nguội: 2 chén
Cá mặn: 50g
Tôm sú: 50g
50g thịt cua, 2 quả trứng gà, 1 thìa cà phê tỏi băm, 2 nhánh hành lá, 20g xà lách, 2 trái dưa leo.
Gia vị: Muối, hạt nêm, bột ngọt, tiêu xay, dầu ăn.

Cách làm:

Cơm nguội rưới thêm ít nước lọc cho bớt khô, bóp tơi. Cá mặn thái hạt lựu hoặc xé nhỏ. Tôm bỏ đầu, đuôi, bóc vỏ, chần sơ, thái hạt lựu. Thịt cua xé nhỏ.
Trứng gà tách vỏ cho vào chén, đánh tan. Hành lá rửa sạch, cắt hạt lựu. Xà lách rửa sạch, để ráo, thái chỉ. Dưa leo rửa sạch, cắt miếng nhỏ.

Làm nóng 2 thìa súp dầu ăn, cho tỏi vào phi thơm, sau đó cho cá mặn, tôm, thịt cua vào đảo đều khoảng 2 phút cho nguyên liệu chín. Cho trứng gà vào trộn đều, sau đó tiếp tục cho cơm vào chiên chung, nêm muối, hạt nêm, bột ngọt vừa ăn. Chiên khoảng 10 phút cho tất cả nguyên liệu thấm đều, tắt bếp.

Khi vừa tắt bếp cho hành lá và rau xà lách vào trộn thật đều. Dọn cơm ra thố, ăn kèm với dưa leo.

Mách nhỏ: Nên cho ít gừng vào đảo chung với cơm chiên để khử bớt mùi tanh của cá khi ăn đồng thời giúp dễ tiêu hóa. Giữ lửa lớn suốt quá trình chiên để cơm đều màu.

Cơm cháy khô cá dứa

Nguyên liệu:

Cơm trắng: 200g
Cá dứa: 200g
Hành hoa: 10g
20g tóp mỡ, ½ thìa cà phê tỏi băm, 4 thìa súp dầu ăn.

Cách làm:

Làm nóng chảo, cho 2 thìa súp dầu ăn vào tráng đều sau đó cho cơm vào dàn mỏng đều bề mặt chảo. Hạ lửa vừa, xoay đều chảo trong khoảng 20 phút cho tới khi cơm kết thành lớp màu vàng là được, tắt bếp, lấy cơm cháy ra.

Khô cá dứa cắt thành miếng vuông khoảng 4 cm. Ngâm khô cá dứa với nước đun sôi khoảng 5 phút cho bớt mặn và mềm sau đó vớt ra để ráo. Hành hoa rửa sạch, cắt nhỏ. Tóp mỡ cắt hạt lựu.

Làm nóng dầu ăn còn lại, phi thơm tỏi, cho khô cá dứa vào chiên giòn, vớt ra để ráo dầu.

Dùng chảo khác, làm nóng dầu ăn, cho hành hoa vào phi thơm, thêm tóp mỡ vào đảo nhanh tay, tắt bếp.

Dọn khô cá dứa ra đĩa, cơm cháy cắt miếng vừa ăn, quết mỡ hành lên trên, dùng nóng.

Mách nhỏ: Khô cá dứa giống khô cá tra nhưng dưới lớp da không có mỡ. Có thể chiên khô cá dứa bằng mỡ heo, chiên cho đến khi mỡ ngấm vào trong khô cá như vậy cá sẽ giòn và thơm hơn.

Gà nòi nướng muối ớt

Nguyên liệu:

Gà nòi: 1 con
Lá chanh tươi: 20g
Ớt tươi: 20g
10 củ tỏi, 3 thìa súp muối hột, 2 thìa súp tiêu xay, 3 thìa cà phê hạt nêm, một ít rau răm.

Cách làm:

Gà làm sạch, để ráo nước, dùng mũi dao nhọn khứa nhẹ lên phần thân cho dễ thấm gia vị. Lá chanh rửa sạch, thái nhuyễn.

Ớt tươi nhặt bỏ cuống, bỏ hạt, cắt đôi. Tỏi bóc vỏ, đập giập. Cho ớt, muối hột, tiêu, hạt nêm vào máy xay nhuyễn. Thoa đều hỗn hợp vừa xay lên mình gà, để 30 phút cho thấm gia vị.

Cho gà vào khay cùng với tỏi, nướng ở nhiệt độ 200 độ C khoảng 30 phút khi thấy da gà vàng đều, dậy mùi thơm thì cho lá chanh cắt nhỏ lên trên mặt, cho lại vào lò nướng thêm khoảng 1 phút để lá chanh dậy mùi thơm là được.

Lấy gà ra đĩa, chặt nhỏ, ăn kèm với rau răm và muối tiêu chanh.

Mách nhỏ: Không nên cho lá chanh vào cùng nướng với gà ngay từ đầu lá sẽ bị khô và không dậy mùi, nếu nướng quá lâu dễ gây mùi khét.


3 MÓN LẨU NGON NGẤT NGÂY ĐẬM CHẤT MIỀN TÂY

 Lẩu mắm, lẩu cháo cua đồng và lẩu cá linh hoa điên điển là 3 món lẩu ngon ngất ngây, đặc trưng của ẩm thực miền Tây nam bộ, bạn đã thử qua chưa ?

Nhắc đến miền Tây nhiều người sẽ nghĩ đến những món ăn dân dã, nhưng vẫn rất thơm ngon và đậm đà. Trong số đó, lẩu được xem là bản hòa tấu của rau, đủ sắc xanh đỏ, tím, vàng. Món lẩu miền Tây đặc sắc ở chỗ nó có những quy tắc ẩm thực rất riêng. Ví như hoa điên điển, lại ăn rất bắt với món lẩu cùng cá linh; hoa bí vàng, hoa so đũa, rau đắng lại ngon tuyệt vời khi ăn cùng món lẩu mắm; hay rau ngót, mồng tơi xanh có thể kết hợp thành món ăn rất ngon cùng với lẩu cháo cua đồng…

Lẩu cá linh hoa điên điển

Mùa nước nổi không thể không nhắc đến cá linh và hoa điên điển, bởi đây chính là những nét đặc trưng rất riêng ở miền Tây. Người dân Nam bộ từ lâu rất tự hào về sự giàu có của những sản vật mà thiên nhiên ban tặng. Điển hình như món lẩu cá linh hoa điên điển. Để món lẩu này ngon, trước hết phải chọn cá linh tươi mang về móc ruột, làm sạch, để vào rổ thưa cho ráo nước, ướp với tỏi, ớt, đường, chút muối khoảng 10 phút.

Chặt một trái dừa tươi đổ vào nồi để nấu, cho vài muỗng nước mắm ngon, đường, ít me dầm lấy nước chua rồi nêm nếm sao cho vừa ăn. Sau đó cho tỏi phi thơm, thêm ít tóp mỡ, rau ngò gai và nấu cho sôi. Cá linh rất mềm và mau chín, nên trước khi ăn mới trút nhẹ cá vào nồi. Vừa ăn, vừa nhúng hoa điên điển để giữ độ giòn và ngọt từ hoa.

Cái ngon độc đáo của món ăn này là nhờ vị chua chua, ngòn ngọt, thơm thơm kèm thêm hương vị từ hoa điên điển. Ăn kèm với món có thể là bún tươi hoặc cơm nóng, không thể thiếu một ít nước mắm ngon và ớt để chấm cá.

Lẩu cháo cua đồng

Để có được một nồi lẩu cháo thơm ngon, người đầu bếp phải cất công từ khâu chọn cua đến khâu chế biến. Cua đồng phải còn sống, được rửa sạch, bóc vỏ yếm, gỡ mai nạo lấy gạch trong cua để riêng, còn lại cho vào cối giã nát, sau đó lọc lại, cho ít muối, hạt nêm, tiêu. Sau đó, cho hỗn hợp cua vào nồi, đặt lên bếp để lửa vừa rồi chờ đến khi sôi và tiến hành vớt váng cua nổi trên mặt nước.

Đặc biệt, gạo dùng để nấu cháo phải được rang hơi ửng vàng để khi nấu hạt cháo có mùi vị thơm thơm. Cháo nấu lẩu cua đồng phải thật loãng, ngập nước dùng để còn nhúng rau. Khi cháo chín mới đưa vào nồi lẩu cua đồng có nấm rơm, hẹ, hành tím, tiêu, ngò, hành lá và nêm mắm muối cho vừa ăn. Gạch cua cũng xào riêng cho dậy thơm và cho vào lẩu.

Món ăn sẽ thêm phần hấp dẫn nếu bạn kết hợp với nhiều loại rau đồng quê: rau má, rau ngót, rau mồng tơi và mướp hương… Và một chút gừng xắt sợi kèm theo, cùng nước chấm mắm ngon cũng sẽ làm bạn ấm bụng hơn với món lẩu này.


Nước lẩu thơm ngọt đậm đà hương vị con cua nơi đồng quê, cùng đĩa rau xanh và mướp hương, khi ăn tới đâu nhúng tới đó, thực khách cũng đủ thấy khoái vị. Chính cái hương vị đặc sắc, mùi thơm ngon ngọt của cua, cùng với những loại rau dân giã nơi sông nước miền Tây đã làm nên món lẩu cháo cua đồng quyến luyến rất nhiều thực khách mỗi khi có dịp thưởng thức.

Lẩu mắm miền Tây

Người dân miền sông nước Nam bộ đã biến tấu thành lẩu mắm mang nét đặc trưng rất độc đáo với nguyên liệu chế biến từ cá đồng, cá sông và rau các loại rau sẵn có trong vườn nhà. Tại đây họ có bí quyết riêng giúp lẩu mắm không quá mặn, nồi lẩu lại ngả màu nâu đặc trưng của mắm, nước sanh sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả vừa thơm lại vừa bắt mắt. Và để có nồi lẩu mắm thơm, bạn phải chọn loại mắm ngon ở miệt vườn Cần Thơ, Cà Mau, hay Châu Đốc…

Mắm sau khi nấu, lọc bỏ xương lấy nước. Cho tỏi băm, sả, ớt vào nồi đảo lên cho vàng đều, cho thịt ba dọi vào xào thơm, tiếp tục đổ nước mắm vào, nấu sôi lên, nêm một ít đường, bột ngọt. Để mùi mắm dịu, ngọt tự nhiên, nên lấy một nắm sả đập dập bỏ vào nấu. Tiếp theo, bạn cho cá vào trần để nồi nước mắm có vị ngọt, rồi vớt ra dĩa, tiếp tục bỏ cà tím, khổ qua (cắt miếng vừa ăn). Cuối cùng tất cả nguyên liệu vừa làm xong ra một cái lẩu, để lửa liu riu.

Cái màu nâu và hương thơm đặc trưng từ mắm cá linh, cá sặc; nước sanh sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả; vị ngọt từ thịt, tôm, mực và các loại cá tươi như cá lóc cùng đĩa rau miệt vườn xanh mướt đã tạo nên một món lẩu mắm dân dã đậm chất trong ẩm thực đất phương Nam.

Người ta thường nói “Về vùng sông nước ăn rau” và chính sự kết hợp tuyệt vời giữa các loại rau, hoa cùng với nồi lẩu, đã tạo nên bản âm hưởng giao hòa trong ẩm thực đặc trưng miệt sông nước. Đây cũng là cách để mỗi người có thề tận hưởng trọn vẹn phong thái ẩm thực thiên nhiên đầy khoáng đạt của miệt vườn, mà khó vùng đất nào có được.



Cách làm bún mắm miền Tây
Kinh nghiệm du lịch bụi Miền Tây
Nghề kinh dị của phụ nữ Miền Tây
Bông bí nhồi cá thác lác đặc sản miền Tây
Cách làm bánh đúc lá dứa đặc sản miền Tây Nam Bộ
Cách làm bánh khọt miền Nam



(ST)