Thực phẩm không nên ăn sau phẫu thuật

Theo các chuyên gia y tế, quá trình phục hồi cơ thể sau phẫu thuật đòi hỏi nhiều thời gian và sự cẩn trọng. Sau đây là những thực phẩm không nên ăn sau khi phẫu thuật.


Thực phẩm không nên ăn sau khi phẫu thuật

 

Trong đó vài loại phẫu thuật như phẫu thuật dạ dày, túi mật, răng… còn yêu cầu bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn đặc biệt nhằm giúp giảm đau, ngừa các biến chứng và đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Ảnh minh họa

Theo trang web Lifemojo, dưới đây là vài loại phẫu thuật và các loại thực phẩm nên và không nên ăn sau khi phẫu thuật:

1. Phẫu thuật vùng bụng: Theo các chuyên gia, sự thay đổi chế độ ăn sau khi giải phẫu vùng bụng cho phép dạ dày và hệ tiêu hóa được nghỉ ngơi. Bệnh viện Trung tâm Washington (Hoa Kỳ) đề xuất, bạn nên tuân thủ một chế độ ăn để lại ít cặn bã trong khoảng hai tuần sau phẫu thuật dạng này.

Các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và để lại ít cặn bã trong đường ruột có thể giúp quá trình hồi phục vết mổ được mau hơn. Người bệnh cần tránh các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, thực phẩm gây kích thích, thực phẩm béo, nước sô đa, rượu cũng như các loại thực phẩm tạo gas, gây co thắt vùng bụng hoặc tiêu chảy.

2. Giải phẫu túi mật: Giới chuyên môn cho biết, túi mật có nhiệm vụ giúp tiêu hóa chất béo. Trong trường hợp túi mật bị cắt bỏ, cơ thể phải làm việc vất vả hơn trong quá trình tiêu hóa các loại chất này. Hậu quả khiến bạn có thể mắc phải các triệu chứng như tiêu chảy, đầy hơi sau khi phẫu thuật.

Các bệnh nhân sau cắt bỏ túi mật cần tránh tiêu thụ các loại thực phẩm chiên, thực phẩm giàu chất béo hoặc cholesterol cũng như các loại thực phẩm được chế biến với bơ hoặc dầu ăn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tránh các loại thực phẩm đã qua chế biến như bánh mì trắng,… cũng như các loại dầu thực vật và các loại chất béo khác.

3. Phẫu thuật thắt dạ dày: Phẫu thuật dạ dày được xem như dạng phẫu thuật giúp giảm cân cấp thời cho những người bị chứng béo phì nặng. Dạng phẫu thuật này cũng đòi hỏi người bệnh thay đổi chế độ ăn hàng ngày. Sau khi phẫu thuật, dạ dày trở nên nhỏ hơn, vì vậy, người bệnh cần giảm khẩu phần ăn.

Theo các chuyên gia, trong khoảng thời gian từ 2 – 3 tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tuyệt đối tránh tiêu thụ các loại thực phẩm cứng.

Nên áp dụng chế độ ăn bao gồm các loại chất lỏng và các loại thực phẩm được nghiền nát. Người bệnh cần tránh ăn bỏng ngô, quả hạch và các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như ngũ cốc và cần tây, vì chúng có thể gây khó chịu lên phần niêm mạc dạ dày. Và khi ăn các loại thực phẩm cứng, người bệnh cần tránh uống nước vì chúng có thể làm dạ dày đầy nhanh hơn.

4. Phẫu thuật miệng: Các dạng phẫu thuật ở miệng có thể làm thay đổi một cách tạm thời cách ăn của bạn. Khi bạn nhổ răng, giải phẫu xương hàm hoặc trồng cấy răng có thể khiến việc nhai một vài loại thực phẩm trở nên khó khăn.

Theo giới chuyên môn, trong khoảng thời gian 24 giờ sau phẫu thuật răng, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn lỏng. Và suốt hai tuần sau phẫu thuật, người bệnh nên ăn các loại thực phẩm mềm như khoai tây nghiền hoặc bơ đậu phộng.

Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh ăn các loại thực phẩm cứng và giòn như các loại quả hạch, các loại hạt, khoai tây chiên, táo, ngũ cốc và các loại rau sống.
 

Chế độ dinh dưỡng cho người sau phẫu thuật

Đối với bệnh nhân sau phẫu thuật, việc ăn uống rất quan trọng để phục hồi sức khỏe và làm nhanh liền vết mổ. Ăn uống khoa học sau phẫu thuật như thế nào? Câu trả lời có trong bài viếtsau đây.

Ăn nhiều chất đạm, đủ chất béo

Để nhanh lành vết mổ, điều quan trọng là bệnh nhân phải ăn uống đầy đủ chất đạm (protein). Chất đạm tốt có nhiều trong các loại thịt nạc như thịt gà, thịt lợn, thịt bò, trứng gà vịt, chim cút. Hải sản bao gồm cá, tôm, cua... là một nguồn tuyệt vời cung cấp chất đạm tốt và dễ tiêu. Nếu bệnh nhân không ăn thịt hoặc không thích thịt, phải dùng protein có nguồn gốc thực vật như đậu phụ, các loại đậu, nhất là đậu nành. Các sản phẩm từ sữa là một nguồn protein tốt nhưng chúng có thể gây táo bón nên chỉ cho bệnh nhân sử dụng ở mức độ vừa phải. Một số nghiên cứu cho biết: các sản phẩm từ sữa có thể làm tăng tiết dịch trong phổi, vì vậy, nếu bệnh nhân bị ho, nên hạn chế dùng các sản phẩm từ sữa. Nếu bệnh nhân sử dụng các sản phẩm từ sữa mà không bị táo bón, nên dùng các sản phẩm có hàm lượng chất béo thấp như sữa lấy hết chất béo, sữa chua, phô mai.

Hải sản là nguồn cung cấp chất đạm tốt cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

Trường hợp bệnh nhân đang gặp khó khăn trong việc ăn uống, phải xem xét bổ sung chất đạm bằng truyền đạm, uống viên thuốc đạm.

Chất béo: chỉ nên ăn dầu thực vật bằng cách dùng chúng chế biến món ăn. Các chất béo trong cá hay thủy hải sản là chất béo tốt mà bệnh nhân nên ăn. Không ăn hoặc rất hạn chế ăn chất béo từ động vật như lợn, chó, gà, vịt... Tránh ăn nước béo trong nước dùng phở, bún; tránh ăn da gà, vịt.

Vitamin và khoáng chất

Trái cây và rau quả tươi chứa cả chất dinh dưỡng và chất xơ, rất cần thiết để giúp lành vết mổ. Ở những nơi có điều kiện, bệnh nhân nên dùng rau, củ quả tươi là tốt nhất, trường hợp không sẵn đồ tươi, có thể dùng các loại rau, quả tươi đông lạnh hoặc đóng hộp cũng tốt. Một tác dụng phụ của việc ăn nhiều trái cây và rau quả hơn bình thường là nhiều hơi trong đường tiêu hóa, khiến bệnh nhân phải trung tiện nhiều. Nếu lượng hơi nhiều đến mức bệnh nhân cảm thấy có áp lực dạ dày hoặc đau quặn bụng, khi đó cần giảm ăn trái cây và rau củ, đồng thời sử dụng thuốc giảm khí.

Vitamin C là một chất chống ôxy hóa, giúp nhanh lành vết mổ và nâng cao sức đề kháng, làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ. Những thực phẩm giàu vitamin C là cam, bưởi, chanh, rau ngót, dâu tây, kiwi, rau xanh các loại. Beta-caroten là chất có ở thức ăn, mà cơ thể sẽ biến thành vitamin A, rất quan trọng cho việc hình thành mô sẹo, làm nhanh lành vết thương. Các thực phẩm chứa nhiều beta-caroten mà bệnh nhân nên ăn là cà rốt, đu đủ, gấc, khoai lang, bí đỏ...

Cần ăn đủ chất đường và nhiều chất xơ

Chất đường nên ăn là các loại ngũ cốc, chế biến thông thường như cơm, cháo, xôi, chè đậu đen, đậu xanh, bánh mì... Hạn chế tối đa ăn đường kính, bánh kẹo ngọt vì dễ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm khuẩn vết mổ. Nên dùng ngũ cốc thô thay cho ngũ cốc tinh chế: chọn gạo lức, đậu còn nguyên hạt để nấu món ăn. Đối với ngũ cốc chế biến sẵn, khi mua cần kiểm tra nhãn để tránh dùng các loại ngũ cốc có nhiều đường hoặc chất xơ thấp.

Thức ăn chứa chất xơ không những lành mạnh hơn so với thức ăn không có chất xơ mà còn đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa bệnh táo bón, một biến chứng thường gặp sau phẫu thuật, nhất là phẫu thuật ổ bụng. Thức ăn chứa nhiều chất xơ là: bánh mì nâu và bánh mì đen làm từ ngũ cốc. Bánh mì trắng thường được tinh chế kỹ quá nên không cung cấp nhiều chất xơ. Trái cây: trái cây tươi là một nguồn cung cấp vitamin và chất xơ tuyệt vời cho bệnh nhân sau mổ. Rau củ quả cũng là nguồn chất xơ dồi dào, nhưng cần nấu chín mới ăn. Ngũ cốc: gạo, ngô, khoai, sắn, đậu đều có hàm lượng chất xơ cao.

Giải pháp cho bệnh nhân khó khăn ăn uống sau mổ

Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân gặp khó khăn ăn uống sau khi phẫu thuật. Nếu bị táo bón có thể gây ra thiếu cảm giác ngon miệng. Khi đó, bệnh nhân cần báo với bác sĩ phẫu thuật để được hướng dẫn cách làm giảm táo bón. Nếu bệnh nhân không táo bón mà vẫn gặp khó khăn vì không thèm ăn, nên dùng các thức ăn giàu calo như uống sinh tố có sữa và trái cây; ăn bột đậu trộn lẫn bột protein. Nghĩa là tuy bệnh nhân ăn ít, nhưng với thực phẩm giàu calo vẫn có thể cung cấp đủ calo cần thiết cho cơ thể.

Cách làm tăng calo trong khẩu phần ăn là: sử dụng kem nguyên chất thay vì kem đã tách chất béo. Dùng bơ nguyên chất, không dùng bơ ít calo. Dùng thức uống đầy đủ calo như nước trái cây, nước chanh, nước cam, nước ép trái cây... và uống bất cứ khi nào có thể uống. Ăn nhiều bữa, có thể là 6 - 7 bữa/ngày.



Sao Hàn biến dạng vì phẫu thuật thẩm mỹ cực khủng khiếp
Kelly nghi án phẫu thuật thẩm mỹ
Thực phẩm tốt cho người mới phẫu thuật
Phẫu thuật thẩm mỹ âm đạo nên hay không?
Sao Hollywood trước và sau khi phẫu thuật thẩm mỹ


(ST)