Thực phẩm nên ăn trước khi mang thai
Những vấn đề cần lưu ý trước khi mang thai nên tham khảo
Có nên tiêm phòng trước khi mang thai hay không?
Các bác sĩ sản khoa khuyên chị em phụ nữ nên tiêm ngừa trước khi mang thai để đảm bảo bé sinh ra an toàn, khỏe mạnh. Tuy nhiên, những phụ nữ không tiêm ngừa cũng không nên quá lo lắng, gây ảnh hưởng bất lợi tới thai nhi.
Tiêm ngừa tại Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM
Chị T.T.Vân (Q.3, TP.HCM) lấy chồng được hai tháng. Nghe bạn bè tư vấn, chị đến Viện Pasteur tiêm ngừa trước khi có thai. Sau khi yêu cầu chị làm xét nghiệm máu kiểm tra virut siêu vi B, virut rubella, bác sĩ tại đây cho chị tiêm ngừa cúm, thủy đậu và rubella, dặn một tháng sau là có thể có thai. Tuy nhiên gặp lại bạn thân, cô ấy bảo bác sĩ sản khoa khuyên tốt nhất sau sáu tháng hãy có thai.
Giật mình, chị lên mạng tìm hiểu và phát hoảng trước những thông tin tư vấn không giống nhau của các bác sĩ: người nói ba tháng, người bảo sáu tháng.
Một trường hợp khác cho biết sau khi tiêm ngừa rubella vài ngày, chị phát hiện mình mang thai. Đi khám tư, bác sĩ khuyên bỏ thai. Chị làm theo, nhưng sau đó lo lắng không biết mình có thể mang thai nữa không do chị đã lớn tuổi.
Không như hai trường hợp trên, Ngọc Anh (Q.12, TP.HCM) kể: một mặt do chồng hối thúc, một mặt do “lời phán” của mẹ và chị gái “tao có tiêm gì đâu mà vẫn đẻ con khỏe re”, chị không đi tiêm ngừa. Tuy nhiên sau khi mang thai, qua bạn bè và mạng Internet, chị được biết nếu mắc bệnh rubella trong thời gian mang thai sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, trong khi bệnh rubella ngày càng phổ biến và không có cách nào hữu hiệu để “né”. Lo lắng, chị không dám tới chỗ có đám đông, luôn đeo khẩu trang y tế khi đi ra ngoài.
Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM), tiêm ngừa trước khi mang thai giúp phòng ngừa các bệnh có thể ảnh hưởng trên thai như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu… Nếu mắc những bệnh này trong thời gian mang thai, người mẹ dễ có nguy cơ sẩy thai, thai lưu, thai suy dinh dưỡng, dị tật bẩm sinh.
Đặc biệt, nếu nhiễm rubella trong ba tháng đầu thai kỳ, khả năng 90% thai nhi bị hội chứng rubella bẩm sinh gồm các dị tật bẩm sinh như: đục thủy tinh thể, điếc, các vấn đề liên quan đến tim mạch, gan lách to, viêm màng não…, trong đó điếc bẩm sinh không thể chẩn đoán được trước khi sinh. Nếu người mẹ nhiễm rubella ở khoảng tuần lễ 16 của thai kỳ thì xác suất ảnh hưởng lên thai nhi giảm còn 20%, nếu nhiễm sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ thì yên tâm vì rất hiếm gặp dị tật trong giai đoạn này.
Sau khi chích ngừa bao lâu thì được có thai? ThS.BS Nguyễn Hồng Hoa (giảng viên bộ môn sản Đại học Y dược TP.HCM) cho biết một tháng sau khi chích ngừa đã có thể mang thai. Riêng với rubella, lúc đầu các chuyên gia y tế khuyến cáo nên đợi ba tháng sau khi chích ngừa, tuy nhiên nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy có thể mang thai an toàn sau khi chích ngừa một tháng.
Đối với viêm gan siêu vi B (gồm ba mũi tiêm), hiệu quả bảo vệ tối đa là ba tháng sau mũi tiêm cuối cùng. Tuy nhiên, nếu có thai trong thời gian đang chích ngừa cũng không ảnh hưởng gì, người mẹ có thể chích tiếp hoặc đợi sau khi sinh tiêm mũi nhắc lại.
Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà, về lý thuyết, nguy cơ gây dị tật cho thai nhi sau tiêm ngừa là 1,6%, tuy nhiên thực tế vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về dị tật bẩm sinh do thuốc tiêm ngừa gây ra. Vì vậy những trường hợp phát hiện có thai ít lâu sau khi tiêm ngừa vẫn không được khuyên bỏ thai do có nguy cơ bị nhiễm trùng lòng tử cung, thủng tử cung, băng huyết, vô kinh do dính buồng tử cung… Riêng trường hợp tiêm ngừa rubella, cần đến bệnh viện gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn nên giữ hay bỏ thai.
Đối với những người đã mang thai mà chưa tiêm ngừa, TS.BS Lê Thị Thu Hà khuyên đừng nên lo lắng, vì lo lắng cũng ảnh hưởng đến thai kỳ. Điều quan trọng là cần giữ vệ sinh cơ thể tốt, tránh nơi đông người, tránh vào vùng đang có dịch bệnh, ăn uống bồi dưỡng đầy đủ chất, ưu tiên các chất có vitamin C, uống nhiều nước…
Còn bác sĩ Phạm Thị Hải Châu (Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM) lưu ý chị em tránh lao lực mệt nhọc, tránh để bị nhiễm lạnh, nên mang khẩu trang trong khi tiếp xúc với những người nghi ngờ hoặc đang mắc các bệnh nhiễm siêu vi, khử trùng mũi họng với nước muối sinh lý…
“Tốt nhất chị em phụ nữ nên có sự chuẩn bị ít nhất ba tháng trước khi mang thai, gồm cả kiến thức – tâm lý, dinh dưỡng, đi khám sức khỏe để được bác sĩ tư vấn chích ngừa và uống axit folic để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho thai nhi” – ThS.BS Nguyễn Hồng Hoa khuyên.
Hỏi: Em năm nay 26 tuổi và mới có bầu được hơn 3 tháng. Trước khi có bầu em không tiêm phòng gì cả. Em nghe nói nếu không tiêm phòng thì khi có bầu nếu bị bệnh sẽ lây sang con và rất nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng do virus gây ra. Em cũng nghe nói bà bầu thì có sức đề kháng cao hơn nên không dễ nhiễm bệnh. Không biết có đúng như vậy không? Có cách nào để biết được liệu cơ thể em có thể bị nhiễm bệnh hay không? Các xét nghiệm có thể cho kết quả chính xác hay không? Em xin cảm ơn!
Trả lời:
Khi mang thai, sức đề kháng của bà mẹ giảm đi nhiều so với thời kỳ chưa có thai nên rất dễ bị mắc một số bệnh. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.
Trước khi mang thai, việc khám sức khỏe tổng thể là cần thiết (google image)
Vì vậy, trước khi mang thai, việc khám sức khỏe tổng thể là cần thiết để biết được rằng cơ thể của mình sẵn sàng cho quá trình mang thai. Thông thường trước khi mang thai tối thiểu là 3 tháng, bạn gái nên tiêm phòng viêm gan siêu vi B, C, tiêm phòng uống ván, sởi – quai bị – rubella.
Trong quá trình mang thai chỉ có một chỉ định duy nhất đối với việc tiêm phòng uốn ván. Nếu em chưa tiêm phòng uốn ván trong thời gian 5 năm trở lại đây thì trong thời gian mang thai, em phải tiêm đủ 2 mũi, mũi thứ nhất vào khoảng tháng thứ năm, thứ sáu của thai kỳ và mũi thứ hai cách mũi thứ nhất một tháng và phải trước thời gian dự kiến sinh ít nhất 2 tuần (thường là 1 tháng) để cơ thể mẹ kịp tạo ra kháng thể chống bệnh. Trường hợp em đã tiêm phòng uống ván trong thời gian 5 năm trở lại thì chỉ cần tiêm một mũi duy nhất vào tháng thứ 6 của thai kỳ.
Không có cách nào để biết được chính xác liệu em có thể bị nhiễm bệnh hay không trừ khi bệnh được biểu hiện ra bên ngoài.
Chúc em sức khỏe và hạnh phúc!
Rubella:Đây là bệnh lành tính, khỏi trong thời gian ngắn và hoàn toàn có thể phòng ngừa. Nếu mẹ bị nhiễm Rubella trong ba tháng đầu của thai kỳ sẽ lây cho thai nhi gây ra sẩy thai hoặc nhiều dị tật bẩm sinh cho trẻ như mù, điếc, suy dinh dưỡng bào thai, tật ở tim... Vì vậy, trước khi để cấn thai ít nhất ba tháng, phụ nữ nên đi tiêm phòng Rubella một mũi duy nhất. Tuy nhiên, nếu đã bị nhiễm Rubella trước đó (được bác sĩ chẩn đoán hoặc làm xét nghiệm máu dương tính) thì không cần chích ngừa nữa.
Viêm gan siêu vi B (VGSVB): Phụ nữ có thể bị nhiễm VGSVB trước hoặc bất kỳ lúc nào trong thời gian mang thai. Thống kê cho thấy nếu mẹ mang thai bị VGSVB trong ba tháng đầu của thai kỳ thì tỉ lệ lây truyền bệnh cho trẻ sơ sinh không đáng kể (1%) nhưng nếu mẹ bị VGSVB trong ba tháng giữa, nguy cơ lây truyền cho trẻ là 10%-20%, nguy cơ này tăng lên đến 90% nếu mẹ bị nhiễm bệnh trong ba tháng cuối của thai kỳ. Vì thế phụ nữ nên tiêm chủng vaccine phòng VGSVB trước khi mang thai để tránh lây truyền cho con.
Tiêm phòng và khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai rất quan trọng. Ảnh minh họa: INTERNET
Thủy đậu : Khoảng 2% số bé có mẹ mắc thủy đậu trong năm tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ mắc dị tật, gồm dị dạng hình thể, liệt chân tay. Ngoài ra, người mẹ mắc thủy đậu còn có thể chuyển virus gây bệnh này sang cơ thể con trong khi sinh nở. Vì vậy, trước khi chuẩn bị có bầu, phụ nữ nên tiêm phòng bệnh thủy đậu một lần duy nhất và ít nhất ba tháng sau đó mới nên có em bé.
Uốn ván: Uốn ván là một chứng bệnh tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây co cứng cơ và rối loạn nhận thức. Chúng xâm nhập vào mạch máu qua vết thương hở trên da, vì vậy tốt nhất là chích ngừa uốn ván ngay khi còn nhỏ, người lớn và nhất là phụ nữ cũng nên đi chích ngừa uốn ván vì khả năng bị lây nhiễm rất cao. Nhiễm uốn ván lúc mang thai có thể gây nên tình trạng thai chết lưu. Phụ nữ có thai chưa chích uốn ván cần chích đủ hai liều và phải ngưng chủng ngừa trước khi sanh một tháng. Thuốc ngừa uốn ván chích khi mang thai vô hại đối với thai nhi.
Tiêm phòng cúm: Phụ nữ cũng nên tiêm phòng cúm trước khi có ý định mang bầu để phòng tránh những cơn cúm trong thời gian mang thai và nhất là phòng tránh dị tật thai khi bị cúm trong ba tháng đầu. Thuốc ngừa cúm thường hiệu lực chỉ trong một năm. Với trường hợp chưa tiêm phòng mà nhiễm cúm xuất hiện triệu chứng như hắt hơi, ho hay chảy nước mũi, khó thở, cần đi khám sớm, nghỉ ngơi, uống đủ nước và theo dõi thai kỳ chặt chẽ hơn.
Sởi: Nếu mẹ mắc bệnh sởi trong giai đoạn ba tháng đầu của thai kỳ thì nguy cơ dị dạng thai nhi là rất lớn. Còn trong giai đoạn tiếp theo của thai kỳ thì nguy cơ bị sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc thai nhiễm sởi tiên phát… cũng khá cao. Tại Việt Nam, do khá nhiều phụ nữ đã bị mắc sởi từ nhỏ nên không có chương trình tiêm sởi cho người lớn.
Lưu ý:Khi tiêm chủng phòng bệnh, cần áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn trong khoảng 3-6 tháng. Nếu trong khoảng thời gian đó, chẳng may “vỡ kế hoạch”, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và theo dõi quá trình phát triển của em bé một cách chặt chẽ. Trong thời gian mang thai, thai phụ chỉ tiêm hai mũi uốn ván. Nếu đang bị bệnh, nóng sốt hay các bệnh khớp, thận... cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng vaccine.
Ngoài việc tiêm phòng, khi chuẩn bị có thai, phụ nữ cũng nên đi kiểm tra sức khỏe tổng quát để phát hiện và điều trị ổn định bệnh trước khi có thai. Nếu có bệnh lý tim mạch, cường giáp, đái tháo đường… người mẹ điều trị chưa ổn định thì không nên để cấn thai. Việc kiểm tra bệnh di truyền từ họ hàng cả hai bên là cần thiết, tranh thủ ý kiến của bác sĩ để xác định mức độ nguy hiểm của bệnh di truyền đối với em bé. Nên thay đổi một số thói quen sinh hoạt không tốt như rượu bia, thuốc lá, cà phê, làm việc quá khuya, các môn thể thao đòi hỏi vận động mạnh cường độ cao... Nên khám phụ khoa trước khi có thai vì một số bệnh phụ khoa có khả năng làm ảnh hưởng tới việc có thai hoặc làm giảm khả năng có thai.
(St)