Tiểu sử nhạc sĩ Nguyễn Cường

Tiểu sử nhạc sỹ Nguyễn Cường. Những thông tin và hình ảnh về nhạc sỹ cá tính của Việt Nam


Nguyễn Cường, nhạc sĩ VN, Việt Nam

 "Người làm nghệ thuật nào cũng có tác phẩm không hài lòng. Chúng tôi thường gọi đó là những đứa con hoang. Tôi về đây nghe sóng là một trong những sản phẩm ngoài ý muốn như vậy", nhạc sĩ tâm sự. Thực lòng viết xong, tôi không ưa "hắn" lắm. Chẳng hiểu sao. Thế nhưng "hắn" chẳng tủi thân mà rời bỏ tôi. Hắn sống khoẻ mạnh, sống hồn nhiên trong lòng công chúng mấy chục năm qua và thỉnh thoảng lại về gõ cửa nhà tôi qua giọng hát của một vài ca sĩ.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường - Tôi phải lòng cả Tây Nguyên

Một đứa con hoang nữa là ca khúc Em muốn sống bên anh trọn đời. Khi viết xong bài hát này, tôi tìm đến một người bạn rất thân là nhạc sĩ Dương Thụ và hăm hở hát cho cậu ấy nghe. Ai dè cậu ấy bảo: Mày viết bài này không hay, như hủi ý. Thế là tôi ném nó vào ngăn kéo, cho nó thành con hoang. Rồi quên luôn. Một lần Y Moan đến chơi, hỏi: Thầy có bài gì cho em hát với. Rồi nó lôi Em muốn sống bên anh trọn đời ra tập hát. Bài này gắn với Y Moan từ đó và thật ngạc nhiên nó rất được người nghe yêu thích. Đôi lúc ngồi nghĩ tôi thấy buồn cười, hoá ra mình cũng chỉ là một người nghe bình thường đối với âm nhạc của chính mình. Khi nhạc sĩ cho ra đời đứa con tinh thần rồi thì không thể tự định đoạt được số phận của nó nữa. Quyền năng tối thượng ấy thuộc về khán giả.

Sau mỗi chuyến đi thực tế, tôi để mình lắng lại, rồi dốc toàn bộ lực sống và viết khi lòng mình thực sự đòi hỏi. Mỗi bài hát của tôi thường có bóng dáng của người con gái, hoặc là một đôi mắt rất ám ảnh. Có người hỏi tôi rằng hình như anh phải lòng rất nhiều cô gái Tây Nguyên. Không, tôi phải lòng cả Tây Nguyên. Đó là một vùng đất tôi yêu tha thiết, mảnh đất khởi nguồn cho mọi rung động, mọi cảm hứng sáng tác của tôi.

(Nguyễn Cường)


Nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Tôi nợ Hà Nội cả cuộc đời”


“Nhiều người gặp tôi ở bờ hồ Hoàn Kiếm hẳn hoi, mà tôi lúc đó thì quần soóc áo phông giày bata chạy bộ buổi sáng, vẫn níu lại hỏi: “Anh ở Tây Nguyên về Hà Nội chơi mấy hôm?”, nhạc sĩ Nguyễn Cường hóm hỉnh kể lại.


“Mỗi nhạc sĩ đều mang ơn đặc biệt một mảnh đất. Mình sinh ra ở Hà Nội, nhưng Nguyễn Cường - nhạc sĩ thành danh lại nhờ vào... đất Tây Nguyên. Mọi người thường thắc mắc, sao người Hà Nội lại đi viết về Tây Nguyên? Mình trả lời, vì là người Hà Nội nên mới viết về Tây Nguyên. Hà Nội là trái tim của cả nước, cả nước hướng về Hà Nội, Hà Nội vì cả nước mà. Yêu Hà Nội là đương nhiên nên cái nhu cầu cần bộc lộ ra ít, những bài hát hay về địa phương thường là của khách, bài hát về Hà Nội cũng thế phần lớn của các nhạc sĩ ngoại tỉnh. Nói vậy nhưng tôi thấy tình yêu với Hà Nội tôi đã bộc lộ trọn vẹn trong các ca khúc của mình”, nhạc sĩ Nguyễn Cường tâm sự.

“Nơi đây thảo nguyên, từng đàn bò đua nắng, tung tăng mặt trời… Tôi sinh, sinh từ nơi đây, cha tôi, cũng sinh từ nơi đây...Ơi! Madrak, Madrak ơi!” và “Những tháng ngày tuổi thơ tôi, Hà Nội/ Những chiều chiều đội mưa/Lũ bạn bè ngày xưa/ Trốn học đi tìm thơ/ Trái tim tôi mộng mơ”. Dường như Nguyễn Cường có phép phân thân, một dành cho Tây Nguyên và một cho Hà Nội?

Không có phép phân thân nào cả. Tôi là một và thống nhất cả ngoài đời lẫn trong tác phẩm. Từ Hà Nôi tôi đi và từ mọi nơi tôi về. Tôi may mắn vì đã đi và tới được Tây Nguyên rồi từ đấy lại mang về cho Thủ đô “cái nắng cái gió” cao nguyên.

Khán thính giả dường như biết đến Nguyễn Cường gắn bó với những ca khúc Tây Nguyên nhiều hơn, phải chăng anh có thiên vị?

Chuyện này không chỉ trong thưởng thức âm nhạc đâu, nhiều người gặp tôi ở bờ hồ Hoàn Kiếm hẳn hoi, mà tôi lúc đó thì quần soóc áo phông giày bata chạy bộ buổi sáng, vẫn níu lại hỏi: “Anh ở Tây Nguyên về Hà Nội chơi mấy hôm?” (Cười)

Hà Nội là nơi tôi sinh ra, lớn lên nhưng bây giờ thấy tôi ở Hà Nội nhiều người tưởng tôi là khách về chơi. Thật ra tôi là người Hà Nội chính cống đấy. Bố tôi quê gốc ở Phú Xuyên nhưng ông cũng được sinh ra ở Hà Nội. Mẹ tôi thì gốc đã nhiều đời ở đất kinh kỳ, nghề tổ là chài lưới, đình tổ ngày trước ở chỗ khách sạn Thắng Lợi bây giờ.

Tôi có trọn vẹn một tuổi thơ bé, tuổi thanh niên trưởng thành ở khu phố cổ. Tôi biết rõ Hà Nội như lòng bàn tay mình và Hà Nội thấm đẫm trong mỗi ca từ giai điệu của tôi dù rằng bài hát đó là Madrak, Playcu, Buôn Ma Thuột… Một nhạc sĩ đến từ Sài Gòn sẽ viết khác, tôi chắc vậy.

Tuổi thơ anh và Hà Nội, giờ đọng lại những gì?

Thật ra cái gì đọng lại từ tuổi thơ tôi đã viết rõ trong ca khúc của mình (Nguyễn Cường ngẩng mặt, nhắm mắt mơ màng vừa gõ tay xuống nền nhà làm nhịp hát bài Tuổi thơ tôi Hà Nội). Đấy, tôi đã bảo từ trước, tôi là một cả cuộc đời lẫn trong tác phẩm, không hề có mâu thuẫn.

Chắc chắn đó chưa phải là tất cả…?

Ôi tất nhiên! Đó chỉ là những gì lắng đọng, những gì dù chân trời góc bể cũng không quên được. Ngày nhỏ tôi nghịch ngợm lắm. Tôi được hưởng từ ông cụ - một phi công hàng không dân dụng của Pháp cả cơ thể lực lưỡng lẫn một tâm hồn ưa phiêu lưu mạo hiểm.

Chúng tôi những đứa trẻ cùng phố hoặc một nhóm như kiểu phường ngày nay chơi không phân biệt giàu nghèo, lớn bé. Chúng tôi đá bóng đá cầu, tắm mưa dưới các mái hiên, trốn tìm trong suốt các ngõ ngách sâu hun hút của phố cổ. Chúng tôi trèo me, hái sấu, câu cá câu tôm ở Bờ Hồ, cũng nghếch mắt coi sách cọp, cũng vòi mẹ mua kem Tràng Tiền. Những cây kem Tràng Tiền tuổi thơ tôi thơm mát đến tận bây giờ…

Như vậy anh còn “nợ” Hà Nội nhiều lắm?

(Cười) Tôi nợ cả cuộc đời ấy chứ, nhưng thật ra tôi viết nhiều về Hà Nội lắm. Có nhiều bài vẫn đang chờ thời điểm thích hợp để ra mắt. Những bài hát về Hà Nội luôn là những đơn đặt hàng của trái tim. Bài hát Tuổi thơ tôi Hà Nội từ lúc tôi đặt bút đến khi công bố là mười năm. Những ca khúc về Hà Nội khác cũng vậy. Ngay những bài mới mà dịp Hà Nội ngàn năm này tôi sẽ đưa ra như Khúc romance Hà Nội, Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc hồng…

Xin cảm ơn nhạc sĩ!


Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Cao bồi phố Hàng Bạc

Nhạc sĩ Nguyễn Cường ở Tây Nguyên.

Nếu cứ nghêu ngao hát “Tôi sinh, sinh từ nơi đây. Cha tôi cũng sinh từ nơi đây. Ơi M’drăk…,” rồi lại nhìn Nguyễn Cường tóc rối bời cỏ dại, để ria từ 1975 khi có người khen đẹp đến nay, hễ cười nói là rổn rảng, ngông nghênh kiêu bạc như một gã cao bồi già - người ta thường đoán chỉ có rừng rú mới “nảy nòi” ra người đàn ông này.

Thế nhưng Nguyễn Cường lại là trai Hà Nội - dân phố cổ “xịn," Hàng Bạc đàng hoàng, người đã dành hết những năm tháng trai trẻ đẹp đẽ nhất của đời mình để lặn lội với Tây Nguyên.

1. Theo Nguyễn Cường, phải sống ở Hà Nội nhiều đời thì thời gian đó mới đủ để hun đúc nên tính cách, phẩm chất rất riêng của người Hà Nội. Cái tinh thần của người Hà Nội lạ lắm. Học thức, đầy kiêu hãnh, nhưng lại an phận thủ thường, không có nhu cầu liên kết bè phái, không có khả năng bon chen, không mê chính trị. Mỗi người Hà Nội là một nghệ sĩ - họ lãng mạn, ưa được rong chơi và sáng tạo trong từng ngày sống của mình. Nguyễn Cường nghĩ thế vì suy ra từ chính bản thân mình.

Nguyễn Cường kể, có lần anh đi chữa xe Vespa ở phố Phủ Doãn, gặp một người đàn ông cùng tầm tuổi. Ông ta nói: “Lâu lắm mới gặp một người Hà Nội ở giữa Hà Nội." Dù gương mặt Nguyễn Cường thì 50% là mũ cao bồi, 30 là râu, 20% là kính.

Câu nói đó thật lạ lùng! Ai cũng biết Hà Nội là thanh bình, nề nếp. Nhưng anh lại nghĩ Hà Nội là một khái niệm vận động, Hà Nội là quá trình văn hóa hội nhập và biến đổi, là tụ hội tinh hoa mọi vùng miền, lắng đọng rồi lan tỏa ngược trở lại. “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” - câu nói này không hề là một khẩu hiệu chính trị.

Người tứ phương đến Hà Nội là ghê gớm lắm, họ mang theo khát vọng và ý chí đổi đời. Những công dân này làm Hà Nội năng động, bỗ bã và cũng khỏe khoắn hơn rất nhiều. Nếu biết mở mình để tiếp nhận nguồn sức sống mới này sẽ không thấy mình mất mát. Có những người Hà Nội cũ cực đoan không chấp nhận quá trình biến đổi ấy, họ có cảm giác mình bị lạc loài.

Y Moan cõng Nguyễn Cường trên thảo nguyên M’Drak. Ảnh: Nhạc sĩ Nguyễn Cường cung cấp



Cái bát nháo hiện nay của Hà Nội là một phản ứng kết tủa văn hóa bắt buộc. Khi nó qua đi thì Hà Nội sẽ ổn định - dù có thể thời gian để “phản ứng” này hoàn thành có khi mất vài chục, vài trăm năm. Quá trình kết tủa ấy lâu hay mau phụ thuộc rất nhiều vào tầm vóc văn hóa của bộ máy chính quyền Hà Nội.

Nếu định nghĩa bằng âm nhạc thì Hà Nội là quan họ, là hip-hop, rock, dân ca Tây Nguyên, là chèo, là xẩm, là cải lương…đã được hòa trộn và lọc qua một tấm phin. Chính vì Hà Nội có bản lĩnh tinh hoa, thì mới đủ cường tráng để hợp duyên với văn hóa các vùng miền khác.

Nhiều người hỏi Nguyễn Cường: Tại sao anh lại đến Tây Nguyên? Câu trả lời đơn giản thôi: “Vì tôi là người Hà Nội! Không phải tôi đến với Tây Nguyên chỉ bằng mấy câu nhạc vàng, quan họ, nhạc đỏ, nhạc tiền chiến… mà tôi đến Tây Nguyên cả với Bach, Mozart, Betthoven, nhạc Jazz, Disco… ở sau lưng. Tôi mang theo nỗi khát vọng của tuổi trẻ cùng một tình yêu thật lòng (yêu đến mức lặn lội - “mấy sông cũng lội mấy núi cũng trèo”). Cả Hà Nội trong tôi cùng đến với Tây Nguyên. Không có Nguyễn Cường này thì sẽ có một Nguyễn Cường khác của Hà Nội tìm đến Tây Nguyên. Tôi tự thấy mình hợp với khí chất khoáng đãng, rộng lớn và mãnh liệt của Tây Nguyên. Tôi yêu Hà Nội theo cách “con không chê cha mẹ khó” - đó là tình yêu không được lựa chọn. Và vì thế có lúc tôi yêu mà lòng đầy bất mãn. Còn Tây Nguyên là một người tình đầy mê đắm. “Nàng” quyến rũ tôi bởi những huyền thoại và cỏ dại, và tôi đã theo “nàng” bằng cả thời trai trẻ - mối tình si ấy đã đằng đẵng hơn 30 năm nay. Tôi có Hà Nội là miền thực, Tây Nguyên là miền mơ - liệu mấy ai có “gia tài” ấy như tôi."

2. Cha anh, cụ Nguyễn Quang Hộ, quê gốc ở Phú Xuyên, Hà Tây cũ, nhưng sinh năm 1910 tại Hà Nội. Thời Pháp thuộc, cha anh là phi công hãng Air France, ông đã tử nạn trên một chuyến bay dân dụng vì đâm vào núi ở Sơn Trà năm 1953.

Cha Nguyễn Cường đã để lại cho anh một thể lực, sức vóc hợp với mọi chuyến phiên lưu. Sự gắn bó của Nguyễn Cường với Tây Nguyên gần như một cơ duyên đã được định sẵn.

Năm 1964, sau khi tốt nghiệp trung cấp Violoncelle trường âm nhạc Hà Nội, anh được phân công về đoàn văn công Tây Nguyên và ở lại đó hai năm. Ngay lập tức, cái nắng, cái gió, càphê và cả mầu đất đỏ bazan lập tức đã cuốn hút Nguyễn Cường.

Năm 1981, anh và nhạc sĩ Trần Tiến quay lại vùng đất này. Ấn tượng mạnh mẽ nhất trong anh lúc ấy là được nghe người dân đánh chiêng trong một đêm uống rượu cần. Tiếng chiêng ấy đã tạo cho anh cảm xúc để viết bài hát "Nhịp chiêng buôn Kơ Siar" với khúc mở đầu “Đêm huyền thoại, đêm dừng lại, tôi nghe từ buôn Kơ Siar…”

Cũng năm 1981, ca khúc "H'Zen lên rẫy" của Nguyễn Cường được công chúng đón nhận khá nồng nhiệt.

Bao nhiêu năm qua, Nguyễn Cường đã cho ra đời khoảng 100 tác phẩm ca khúc và khí nhạc từ những giai điệu dân gian của Tây Nguyên. Mỗi lần đến, mỗi lần đi, cảm xúc mới lại về và ca khúc mới lại ra đời.

Người dân Tây Nguyên không chỉ thích nhạc Nguyễn Cường mà còn coi đó là tài sản của họ. Một số bài của anh còn được chính giới nhạc sĩ nhầm tưởng đó là dân ca như nhạc sĩ Huỳnh Tú ở Nhà hát Thăng Long đã tưởng bài “Thênh thênh oh ơi” là dân ca Ba Na để phát triển thành khí nhạc. Bài “H’Zen lên rẫy” còn được các tộc người Ba Na, Gia Lai, Êđê… dịch ra tiếng của họ để hát.

Những ai đã lên Tây Nguyên và đã sống ở Tây Nguyên đều biết điều đó. Sáng tác trên nền kiến thức âm nhạc được học hành cẩn thận là lý do vì sao anh có thể “bền và sâu” như thế. Nghe nhạc và quan sát “chất” của Nguyễn Cường, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã có một nhận xét về anh: “Phi công bay bốn khí tượng," tức là bay được cả đêm, ngày, mưa, nắng.

3. Mẹ Nguyễn Cường, cụ Nguyễn Thị Nhung sinh năm 1920, gia đình nhà ngoại đã có năm đời sống ở Hà Nội. Từ khi cha anh tử nạn máy bay năm 1953 đến nay, mẹ anh vẫn hưởng lương trợ cấp ở Pháp gửi về, đều đặn khoảng hơn 1.000 euro mỗi tháng.

Những đời trước nữa tổ tiên anh làm nghề chài lưới ở Hồ Tây, nhà thờ tổ ở vị trí khách sạn Thắng Lợi bây giờ. Mẹ Nguyễn Cường cho anh cái chất Hà Nội “thâm căn cố đế." Đó là lý do vì sao Nguyễn Cường viết bài hát “Mãi mãi tuổi thơ tôi Hà Nội." Viết bài ấy mất 10 năm, vì quá hiểu Hà Nội nên đâm ra thận trọng.

Theo Nguyễn Cường, phẩm chất của người Hà Nội là làm cái gì thì bao giờ cũng muốn vươn tới tầm bác học. Làm văn hóa cũng phải ở chiều sâu nhất, dù năng lực có thể không tới nhưng cái đích luôn là như vậy. Theo anh, Hà Nội là “khí nhạc."

Trong âm nhạc, người ngoại đạo coi những nghệ sĩ sáng tác bài hát là nhạc sĩ, điều đó không sai, nhưng mới chỉ là định nghĩa cấp 1. Sâu hơn phải có giao hưởng, sonat, nó bắt người sáng tác phải sáng tạo, không có “chữ” nào cũng xây dựng được tác phẩm chứ không phải chỉ cứ “vịn vào chữ mà đi."

“Rabindranath Tagore sáng tác khoảng 600 ca khúc, trong đó có hai bài được chọn là quốc ca của Ấn Độ và Bangladesh, nhưng có ai gọi Tagore là nhạc sĩ đâu”? - Nguyễn Cường nói, rồi anh cầm lấy cái hóa đơn thanh toán tiền điện ngôi nhà mình ở phố Hàng Bạc mà người bên ngành điện mới chuyển tới, nghĩ một chút rồi hát “vịn chữ” cụm từ “hóa đơn thanh toán tiền điện” bằng năm kiểu khác nhau. Rồi dậm chân xuống sàn cười ha ha ha, ria đen răng trắng, người thế này phụ nữ mê phải biết. Rồi lại hơi buồn một chút: “Thế hệ bọn anh đúng ra là phải lặng lẽ mà đi theo nhạc khí, như các bác Nguyễn Văn Quỳ, Nguyễn Vĩnh Thưởng ấy, chứ không bao giờ tính tới viết bài hát. Anh đã đọc của Dương Thụ một bài viết rất hay trên mạng có tên là 'Những giấc mơ gẫy cánh'.”

4. Nguyễn Cường đang viết “Khúc Romace Hà Nội” cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Sáng tác này bắt nguồn từ ca khúc “Gặp gió sông Hồng” của anh, phát triển lên thành một đơn ca cùng với dàn hợp xướng, nằm trong một thanh xướng kịch lớn có tên là “Thăng Long ngàn thủa."

Đồng thời anh cũng đã sáng tác xong “Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc Hồng” - một hợp xướng cần tới hàng ngàn nghệ sĩ theo hình thức Acapella không có dàn nhạc đệm, mà biểu diễn trên 100 trống đồng của các nghệ nhân Thanh Hóa đang đúc tặng Thủ đô.

Anh hát thử cho chúng tôi nghe, tay vung vẩy sung sướng, chân dẫm thình thịch xuống sàn. Đã hoàn tất phần văn bản, vấn đề còn lại của hai tác phẩm này chỉ là chạy tài trợ. “Thế mới là chuyên nghiệp” - Nguyễn Cường lại cười, ria đen răng trắng./.


Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Đời tôi có hai... "bà vợ"


Nhạc sĩ Nguyễn Cường.

"Tôi thường nói đùa, trong đời tôi luôn có hai bà vợ. Một bà vợ Tây Nguyên và một bà vợ Dân ca đồng bằng Bắc bộ. Tôi đã “kết hôn” cùng với hai bà vợ ấy và cho ra đời những đứa con không đến nỗi tệ", nhạc sĩ Nguyễn Cường tâm sự.

Đừng mơ chuyện người nước ngoài sướng nghe nhạc mình!

Anh nghĩ thế nào về việc giới thiệu âm nhạc Việt Nam ra thế giới?

Thôi, đừng ảo tưởng nữa. Nhạc Việt ra nước ngoài chỉ được biểu diễn ở các tỉnh lẻ hoặc biểu diễn cho Việt kiều xem thôi. Có gì đáng nói đâu. Phục vụ được hơn 80 triệu người dân trong nước, để họ nghe, họ hát theo là hạnh phúc lắm rồi. Mơ mộng nhiều mà làm gì.

Ý kiến này của anh có vẻ hơi cực đoan?

Chẳng có gì là cực đoan cả. Hãy xem những chương trình nhạc Việt diễn ở nước ngoài xem, có chương trình nào xuất hiện trên các sân khấu lớn và thực sự gây được tiếng vang không. Đấy là chưa kể khán giả nước ngoài họ lịch sự lắm. Mình cất công đem nhạc đến tận nước họ biểu diễn, lẽ nào họ không cho một vài lời khen xã giao

Chỉ có mình mới nghĩ thế là ghê gớm, là to tát. Nhiều ông còn có ảo tưởng đem dịch bài hát của mình ra tiếng Anh để cho khán giả nước ngoài nhảy nhót. Tội nghiệp!

Không lẽ, mọi chương trình nhạc Việt đã từng "đem chuông đi đánh xứ người" đều không có gì đáng nói hay sao?

Đừng mơ chuyện người nước ngoài họ sướng nghe nhạc của mình!

Hay vì âm nhạc của anh không được giới thiệu ra bên ngoài nên anh "trù ẻo" thế?

Chính vì tôi đã có một vài đêm nhạc diễn ở Pháp, Nhật nên tôi mới có cơ sở để nói.

Nghĩa là nhạc Nguyễn Cường cũng không được khán giả nước ngoài yêu thích?

Tôi không giám mơ tới chuyện sẽ được khán giả nước ngoài nghe và hiểu nhạc của mình.

Không lẽ cả các loại hình âm nhạc dân gian, đặc sản riêng của VN, cũng không có cơ hội tiếp cận với khán giả nước ngoài hay sao?

Cơ hội thì có, nhưng nói thật, làm sao khán giả nước có thể hiểu những ca khúc đó. Tôi đã từng nói với một tiến sĩ âm nhạc người Đức sang nghiên cứu ca trù rằng “Chị ở Việt Nam đã 3 năm rồi, nói tiếng Việt sõi lắm rồi, nhưng chỉ khi nào chị sống đời đời kiếp kiếp ở mảnh đất này, bị một thằng đàn ông Việt làm cho đau khổ, hạnh phúc, lập gia đình với nó, sinh con đẻ cái với nó, khi ấy chị mới hiểu được ca trù”.

NS Nguyễn Cường với đồng bào Tây Nguyên.

Trời cho... tham lam, sao lại không nhận?

Nguyễn Cường có vẻ rất mê nhạc Đỗ Nhuận?

Đối với tôi, Đỗ Nhuận là một nhạc sĩ vĩ đại.

Vĩ đại? Anh dùng từ có chính xác không?

Giữa những bài hát não nề của kẻ thất tình, tiếng kêu than vãn của người nô lệ mất nước thì những ca khúc “Hành quân xa”, “Đồi Him Lam”, “Giải phóng Điện Biên” trở thành ca khúc bất hủ của Việt Nam. Âm nhạc của NS Đỗ Nhuận là một thứ âm nhạc bài bản, thấm đẫm những giai điệu dân ca, chứ không phải là thứ âm nhạc lai căng, học lỏm của mấy anh lính viễn chinh.

Sùng bái Đỗ Nhuận là thế, vậy Nguyễn Cường học hỏi được gì từ ông?

Âm nhạc luôn luôn đòi hỏi sự sáng tạo. Người nghệ sĩ phải tự tìm con đường riêng cho mình, dẫu rằng còn đường ấy có ngắn ngủi, hay dẫn vào bụi rậm. Đi vào con đường mà người khác đã đi là chết.

Vậy con đường của Nguyễn Cường dài bao nhiêu?

Con đường của tôi không dẫn vào bụi rậm. Tôi hài lòng vì tôi chưa bao giờ chạy theo thị hiếu của công chúng mà luôn tạo được một sức hút, kéo công chúng vào với mình.

Tôi thường nói đùa, trong đời tôi luôn có hai bà vợ. Một bà vợ Tây Nguyên và một bà vợ Dân ca đồng bằng Bắc bộ. Tôi đã “kết hôn” cùng với hai bà vợ ấy và cho ra đời những đứa con không đến nỗi tệ.

Thế giữa hai “bà vợ” ấy, anh yêu người nào hơn?

Tôi yêu hai người như nhau.

Anh không nghĩ thế là quá tham lam?

Có chứ, nhưng trời cho thì tại sao mình lại không nhận.

Chỉ giới trẻ mới có quyền phán xét thế hệ già

Nếu là trờii cho, liệu anh có sợ một ngày nào đó, trờii sẽ lấy đi của anh tất cả không?

Thì nó đang lấy lại từng ngày đấy thôi. Nó lấy lại không chỉ sự sáng tạo trong âm nhạc, mà còn cả sức khoẻ nữa. Tôi tự coi mình đã thuộc thế hệ già rồi.

Anh đánh giá thế nào về các nhạc sĩ trẻ hiện nay?

Không đánh giá gì cả. Chỉ giới trẻ mới có quyền đánh giá, phán xét thế hệ già thôi.

Vậy anh nghĩ sao nếu thế hệ trẻ nói nhạc của Nguyễn Cường cũng “thường thường thôi”?

Đó là quyền của họ!

Theo anh, sự lăng-xê thái quá của giới truyền thông và công chúng có khi nào làm cho các nhạc sĩ đánh mất đi cá tính của mình không?

Không, dư luận và giới truyền thông chỉ khiến những nhạc sĩ không có cá tính bộc lộ rõ cái phi cá tính của mình mà thôi.

Theo Thu Giang - Đức Minh (VNN)

Tiểu sử ca sỹ nhạc sỹ Phương Uyên

Bảo Yến và chồng nhạc sỹ Quốc Dũng và những phát ngôn sốc

Nhạc sỹ Quốc Trung và gia đình

Vợ nhạc sỹ Đức Trí người thay thế Hồ Ngọc Hà là ai?

Cuộc đời nghệ sĩ nhân dân Trà Giang

(St)