Khó nhận biết do không gây đau và không có những dấu hiệu khác lạ chính là đặc điểm nguy hiểm nhất của căn bệnh ung thư cổ tử cung. Vậy có khả năng phòng ngừa bệnh này không?
Dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn và bị xem thường
Bệnh ung thư cổ tử cung hình thành ở biểu mô cổ tử cung (cổ tử cung là cơ quan nối giữa âm đạo và buồng trứng). Đây là một loại bệnh ung thư có diễn tiến âm thầm nên hầu như không có triệu chứng cụ thể. Những triệu chứng của nó ở giai đoạn đầu như có huyết trắng nhiều, hôi, có màu vàng hoặc xanh, chị em sẽ nghĩ răng đây là dấu hiệu của một số bệnh viêm nhiễm đường sinh dục thường gặp. Khi bệnh đã nặng hơn thì thấy có nốt sùi ở cổ tử cung, chạm vào ra máu. Nếu lúc có dấu hiệu nặng mới phát hiện ra bệnh, hầu như sẽ phải cắt bỏ tử cung, thậm chí tính mạng bị đe dọa. Vì đặc điểm khó nhận biết như vậy, ở Việt Nam bệnh ung thư cổ tử cung có tỷ lệ tử vong cao vì thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.
Không chỉ Việt Nam, ở nước có nền y học phát triển mạnh mẽ như Mỹ, ung thư cổ tử cung cũng là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Theo tổ chức National Cancer Institute, năm 2009 nước Mỹ phát hiện thêm 11.270 ca mắc ung thư cổ tử cung mới trong đó có 4.070 trường hợp đã tử vong.
Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm
Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là loại virus có tên Human papillomavirus (viết tắt: HPV). Virus này thường gây nhiễm ở phụ nữ có độ tuổi từ 30 đến 60 đã qua quan hệ tình dục. Đặc biệt, chủng 16 và 18 loại virus này là thủ phạm gây ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên hiện nay, phương pháp phết tế bào âm đạo- PAP’s có thể giúp phát hiện ung thư ngay từ lúc bệnh còn ở giai đoạn sớm. Nhờ đó cơ hội chữa trị mà không phải cắt bỏ tử cung của bệnh nhân ở mức cao. Vì thế, những phụ nữ đã có quan hệ tình dục hoặc trong độ tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh, cần đến các bệnh viện chuyên khoa phụ sản mỗi năm ít nhất một lần để thăm khám.
Hiện có ý kiến cho rằng nếu cắt tử cung, buồng trứng không thể hoạt động bình thường vì động mạch cung cấp máu cho 2 buồng trứng là một nhánh của động mạch cung cấp máu cho tử cung, khiến cho máu cung cấp cho buồng trứng không đầy đủ nên buồng trứng không thể tiết hormone. Và bệnh nhân nếu phải cắt bỏ tử cung sẽ không thể quan hệ vợ chồng như bình thường, điều này gây hoang mang và mặc cảm lớn với nhiều chị em không may lâm vào tình trạng đó. Theo thạc sĩ, bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh, trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện Hùng Vương, ý kiến trên là không chính xác vì buồng trứng vẫn có động mạch riêng nuôi dưỡng và người bệnh khi kết thúc quá trình điều trị rồi vẫn có thể sinh hoạt vợ chồng bình thường. Chỉ có điều, sau khi cắt bỏ tử cung, người đó sẽ không còn khả năng sinh con.
Cách phòng ngừa
Ths. BS. Đặng Lê Dung Hạnh cho biết, cách tốt nhất để chị em phụ nữ phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục trong đó có bệnh ung thư cổ tử cung là khám phụ khoa định kỳ hằng năm. Với những bệnh này, phát hiện càng sớm, điều trị càng đơn giản và rẻ tiền.
Hiện nay, phụ nữ dưới 26 tuổi đã quan hệ tình dục được khuyên nên đi chích ngừa HPV. Các loại vắc-xin được sử dụng là Cevarix và Gardasil. Chị em có thể đến các địa chỉ như các bệnh viện sản, trung tâm y tế dự phòng, viện Pasteur… để được chích ngừa. Chích ngừa vắc-xin không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe chỉ gây nóng sốt và đau tại chỗ tạm thời. Ngoài ra, giữ vệ sinh cá nhân là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
Hầu hết những trường hợp UTCTC đều được phát hiện ở giai đoạn trễ do người Việt Nam không có thói quen đi khám bệnh định kỳ để tầm soát.
Tại Bệnh viện (BV) Ung Bướu TPHCM, mỗi năm có khoảng 30 – 40% bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung (UTCTC) trong tổng số tất cả bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây.
- Cổ tử cung là một phần của cơ quan sinh dục nữ, tiếp nối giữa âm đạo và thân tử cung.
- Cổ tử cung bao quanh ống cổ tử cung, được giới hạn từ thân tử cung tới âm đạo, kinh nguyệt qua ống này để ra ngoài cơ thể, tinh trùng từ âm đạo cũng qua ống cổ tử cung đi lên gặp trứng để thụ tinh.
- Vị trí cổ tử cung ở sâu, khó giữ vệ sinh, dễ mắc bệnh.
Tiến triển của bệnh:
Ung thư cổ tử cung thường diễn biến qua nhiều năm. Hầu hết giai đoạn sớm của bệnh là sự thay đổi tiền ung thư của lớp ngoài cùng (bề mặt) của cổ tử cung. Tiền ung thư là sự biến đổi nhẹ của các tế bào để dần dần có thể phát triển thành ung thư. Nếu những thay đổi này được phát hiện kịp thời thì rất thuận lợi cho điều trị và phòng ngừa ung thu lan tràn, các giai đoạn phát triển ung thư cổ tử cung được phân loại như sau:
1. Tiền ung thư bao gồm dị sản và ung thư tại chỗ
- Dị sản có thể nhẹ, trung bình, nặng phụ thuộc vào sự thay đổi bất thường của lớp tế bào mặt cổ tử cung.
- Ung thư tại chỗ khi những tế bào bất thường chiếm hết chiều dày lớp “da” cổ tử cung.
- Dị sản và ung thư tại chỗ không phải luôn dẫn tới ung thư xâm lấn, nhưng nếu không được chữa trị thì nhiều khả năng dẫn tới ung thư, tình trạng này thường được phát hiện ở phụ nữ độ tuổi 20-30.
2. Ung thư xâm lấn của cổ tử cung:
Có nghĩa là những tế bào bất thường xâm lấn qua lớp sâu của bề mặt cổ tử cung để phá hủy cổ tử cung và tổ chức bình thường xung quanh gây chảy máu nặng nề, tắc đường dẫn nước tiểu.
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh:
Có sự liên hệ chặt chẽ giữa ung thư cổ tử cung và hoạt động tình dục. Hiếm thấy ung thư cổ tử cung ở phụ nữ không sinh hoạt tình dục. Ung thư cổ tử cung có thể phát triển ở bất cứ người phụ nữ nào, tuy nhiên các đối tượng sau đây có nguy cơ cao hơn:
- Sinh đẻ nhiều lần.
- Có nhiều bạn tình (nhất là những người này cũng có nhiều bạn tình khác).
- Những phụ nữ hút thuốc lá.
- Người đang điều trị bằng thuốc ức chế, giảm miễn dịch.
- Con gái của những phụ nữ điều trị bằng DES (diethylstilbestrol), trong thời kỳ mang thai, thuốc này được dùng để chống sảy thai.
Phòng và phát hiện sớm:
Cần hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bệnh, tham gia các chương trình sàng lọc phát hiện bệnh sớm qua khám phụ khoa và làm phiến đồ âm đạo.
Phiến đồ âm đạo là một xét nghiệm đơn giản để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, nhờ đó cho phép điều trị sớm, ngăn ngừa ung thư phát triển, những tế bào thu thập được từ lớp bề mặt của cổ tử cung và phết lên phiến kính để nhìn dưới kính hiển vi cho phép phát hiện mọi hiện tượng bất thường. Phụ nữ nên làm xét nghiệm này không lâu sau khi bắt đầu có quan hệ tình dục. Làm xét nghiệm này ít nhất 2 năm 1 lần và duy trì trong suốt cả cuộc đời.
Những nơi các chị em phụ nữ có thể đến làm phiến đồ:
- Các bệnh viện chuyên khoa ung thư.
- Các bệnh viện sản phụ khoa.
- Các trung tâm dịch vụ về dân số và kế hoạch hóa gia đình…
Hiện tại đã có vắcxin tiêm phòng virút HPV áp dụng cho các bé gái, phụ nữ chưa quan hệ tình dục
Triệu chứng sớm:
Dị sản và loạn sản hiếm khi có triệu chứng do vậy chỉ phát hiện được nó khi làm phiến đồ âm đạo. Dấu hiệu thường gặp của ung thư cổ tử cung xâm lấn là chảy máu từ âm đạo ở bất cứ thời điểm nào, đặc biệt là sau giao hợp. Mặc dù chảy máu không chỉ là dấu hiệu riêng của ung thư, nhưng nên đi kiểm tra ngay, thậm chí ngay cả khi vừa mới thử phiến đồ âm đạo.
Chẩn đoán:
Phiến đồ âm đạo: dùng để phát hiện những phụ nữ có tế bào bất thường trên bề mặt của cổ tử cung. Đa số tế bào lấy được là bình thường. Các tế bào bất bình thường chỉ được phát hiện trong 1/10 tiêu bản và ung thư hay sự thay đổi của tiền ung thư chỉ thấy ở 1/4 số tiêu bản bất thường. Các nguyên nhân khác như nhiễm trùng cũng có thể làm cho kết quả của phiến đồ âm đạo bất bình thường.
Soi cổ tử cung: Khám cổ tử cung và âm đạo bằng một dụng cụ phóng đại gọi là máy soi cổ tử cung, rất hiệu quả trong việc phát hiện vùng tế bào bất thường.
Sinh thiết: là biện pháp chẩn đoán cuối cùng để xác định dị sản, ung thư tại chỗ hoặc ung thư xâm lấn. Người ta lấy một mảnh nhỏ ở cổ tử cung để soi dưới kính hiển vi. Soi cổ tử cung cho phép các nhà chuyên môn định vị được vùng nghi ngờ để sinh thiết.
Điều trị:
Phương pháp điều trị được quyết định sau khi đánh giá kết quả của phiến đồ âm đạo, soi cổ tử cung và sinh thiết tế bào.
1. Dị sản và ung thư tại chỗ: Điều trị dễ dàng và tỷ lệ được điều trị khỏi là 100%. Các tế bào bất thường được đốt điện hoặc đốt bằng laser hay đông lạnh, đôi khi phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung. Các phương pháp điều trị trên không làm ảnh hưởng tới hứng thú tình dục hoặc khả năng sinh đẻ về sau.
Phẫu thuật cắt tử cung chỉ đôi khi được tiến hành khi có kèm theo các triệu chứng bệnh lý khác.
2. Ung thư thể xâm lấn: Đòi hỏi điều trị rộng hơn. Điều trị những giai đoạn sớm bằng phẫu thuật triệt để cắt bỏ tử cung và các tổ chức lân cận, bao gồm cả các hạch trong khung chậu.
Đôi khi xạ trị phối hợp với phẫu thuật, hoặc xạ trị đơn thuần, trong một số trường hợp cần thiết điều trị bằng hóa chất. Những hình thức điều trị này đều có thể có các tác dụng phụ và nên chú ý tới từ lúc bắt đầu điều trị.
Tỷ lệ điều trị khỏi ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm là 90%, nhưng tỉ lệ chữa khỏi chung cho mọi giai đoạn ung thư cổ tử cung chỉ đạt được 60%. Phẫu thuật cắt tử cung không ảnh hưởng lớn đến người phụ nữ và quan hệ tình dục. Mặc dù sự hứng thú tình dục không thường xuyên bị ảnh hưởng, nhưng khi cắt tử cung thì sẽ không còn khả năng sinh con./.
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư đứng hàng thứ hai trong các ung thư ở phụ nữ miền Bắc Việt nam sau ung thư vú và đứng hàng đầu trong các ung thư ở phụ nữ miền Nam Việt nam. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ cao của ung thư cổ tử cung ở nhiều nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ do không có các chương trình phát hiện sớm ung thư được tổ chức, tỷ lệ tử vong còn cao.
Ung thư cổ tử cung rất khó điều trị nếu không được phát hiện sớm, nhưng khi được phát hiện sớm, hầu như 100% ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Xét nghiệm Pap là một xét nghiệm đơn giản để phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm.
Ở các nước phát triển ung thư cổ tử cung đã được kiểm soát nhờ chương trình sàng lọc bằng phiến đồ tế bào học nhuộm theo phương pháp Papanicolaou, còn gọi là phiến đồ Pap hay gọi là xét nghiệm Pap (đôi khi còn gọi là phiến đồ Pap hay phiến đồ tế bào học cổ tử cung). Ở Việt Nam, do tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung thấp, chưa có chương trình sàng lọc quốc gia về ung thư cổ tử cung. Do đó, phụ nữ Việt nam chưa được tiếp cận và hưởng lợi ích của chương trình này. Tuy nhiên việc nâng cao hiểu biết của chị em phụ nữ về nguyên nhân của bệnh, việc sàng lọc bệnh, các triệu chứng, các phương pháp chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh là cần thiết. Cuốn sách nhỏ này sẽ giúp chị em phụ nữ có được các hiểu biết về bệnh ung thư cổ tử cung, cách dự phòng và điều trị bệnh.
CỔ TỬ CUNG LÀ GÌ?
Cổ tử cung là một phần của hệ thống sinh dục. Nó là phần thấp hơn và hẹp của tử cung. Tử cung là một cơ quan hình quả lê rỗng nằm ở phần ổ bụng dưới (vùng khung chậu), sau bàng quan và trước trực tràng. Cổ tử cung nối tử cung với âm đạo. Âm đạo dẫn ra phía ngoài của cơ thể (hình 1).
Ống cổ tử cung là một đường nhỏ. Máu chảy từ tử cung qua ống cổ tử cung vào âm đạo trong chu kỳ kinh của người phụ nữ. Cổ tử cung cũng sản xuất ra chất nhầy. Chất nhầy giúp tinh trùng di chuyển từ âm đạo vào tử cung. Trong khi có mang, cổ tử cung đóng kín lại để giữ thai nhi bên trong tử cung. Khi đẻ, cổ tử cung giãn ra cho phép thai nhi đi qua âm đạo.
Hình 1: Giải phẫu cổ tử cung
UNG THƯ LÀ GÌ?
Ung thư là một nhóm của hơn 100 bệnh khác nhau. Tất cả chúng đều ảnh hưởng đến tế bào - đơn vị căn bản của cơ thể. Ung thư bắt đầu trong các tế bào. Các tế bào tạo nên các mô. Các mô tạo nên các cơ quan của cơ thể.
Giống như các cơ quan khác trong cơ thể, cổ tử cung được tạo thành bởi nhiều loại tế bào. Bình thường, các tế bào phát triển và phân chia để tạo thành tế bào mới khi cơ thể cần chúng. Khi các tế bào phát triển già đi, chúng chết và các tế bào mới thay thế chúng. Các tế bào già và chết đi theo một chương trình định sẵn nên còn gọi là chết tế bào theo chương trình.
Đôi khi quá trình có trật tự này bị rối loạn. Các tế bào mới được tạo thành khi cơ thể không cần chúng và các tế bào già không chết khi đáng lẽ chúng phải chết. Do các đột biến trong gen của tế bào, chúng đã trở thành những tế bào “bất tử” (không thể chết). Các tế bào thừa này tạo thành một khối mô gọi là u. Các u có thể lành tính hay ác tính.Hình 2: Cổ tử cung bình thường và cổ tử cung bị ung thư
Các u lành tính không phải là ung thư
• Các u lành tính hiếm khi đe doạ đến đời sống
• Nói chung các u lành tính có thể được cắt bỏ và chúng thường không phát triển trở lại.
• Các tế bào từ các u lành tính không xâm nhập vào các mô xung quanh chúng.
• Các tế bào từ các u lành không lan tràn tới các phần khác của cơ thể.
• Các polyp, u nang và u nhú đường sinh dục là các loại phát triển lành tính trên cổ tử cung.
Các u ác tính là ung thư
• Các u ác tính nói chung trầm trọng hơn các u lành tính. Chúng có thể đe doạ đến đời sống của bệnh nhân.
• Các u ác tính có thể được phẫu thuật cắt bỏ, nhưng đôi khi chúng phát triển trở lại.
• Các tế bào từ các u ác tính có thể xâm nhập và phá huỷ các mô và các cơ quan lân cận: ung thư cổ tử cung xâm lấn bàng quang hoặc trực tràng (hình 3).
Hình 3: Ung thư cổ tử cung xâm lấn bàng quan, trực tràng
• Các tế bào từ các u ác tính có thể lan tràn (di căn) tới các phần khác của cơ thể. Các tế bào ung thư lan tràn sau khi tách khỏi các u ban đầu (u nguyên phát) và đi vào dòng máu hoặc hệ thống bạch huyết. Các tế bào u xâm nhập các cơ quan khác và phá huỷ các cơ quan này. Sự lan tràn của ung thư được gọi là di căn.
Khi ung thư lan tràn từ vị trí ban đầu tới một phần khác của cơ thể, u mới có cùng loại các tế bào bất thường và cùng tên như u nguyên phát. Ví dụ, nếu ung thư cổ tử cung lan tràn tới phổi, các tế bào ung thư ở phổi hiện thời là các tế bào ung thư cổ tử cung. Bệnh này là ung thư cổ tử cung di căn, không phải là ung thư phổi. Vì lý do này, nó được điều trị như ung thư cổ tử cung, không được điều trị như ung thư phổi. Các bác sĩ gọi khối u mới này là “bệnh ở xa” hoặc bệnh di căn.
Ung thư cổ tử cung cũng được gọi theo tên của các loại tế bào phát sinh ung thư. Hầu hết ung thư cổ tử cung là ung thư biểu mô tế bào vảy. Các tế bào vảy là các tế bào mỏng, dẹt nó hình thành bề mặt của cổ tử cung.
CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA UNG THƯ CỔ TỬ CUNG
Các bác sĩ không thể cắt nghĩa vì sao người phụ nữ này bị ung thư cổ tử cung trong khi người khác không bị. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng một người phụ nữ có một số yếu tố nguy cơ có thể dễ mắc ung thư cổ tử cung hơn những người khác. Một yếu tố nguy cơ đôi khi có thể làm tăng cơ hội phát triển bệnh.
Bằng một số nghiên cứu số lượng lớn phụ nữ trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu đã xác định các yếu tố nguy cơ chắc chắn làm tăng cơ hội để các tế bào ở cổ tử cung sẽ trở thành bất thường hoặc ung thư. Trong nhiều trường hợp họ tin rằng ung thư cổ tử cung phát triển khi hai hoặc nhiều hơn các yếu tố nguy cơ cùng tác động với nhau.
- Các virus u nhú ở người - HPV (Human papilloma virus). Có trên 80 loại virus u nhú ở người. Khoảng 30 loại được lây truyền theo đường tình dục. Khoảng một nửa số này có liên quan với ung thư cổ tử cung. Nhiễm virus u nhú ở người là yếu tố nguy cơ chính của ung thư cổ tử cung. Nhiễm virus u nhú rất phổ biến. Các virus này có thể được truyền từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục. Hầu hết các người lớn đã bị nhiễm HPV ở một thời điểm nào đó trong đời sống của họ.
Một số typ (chủng) HPV có thể gây nên những thay đổi trong tế bào của cổ tử cung, gây tăng sinh các tế bào bất thường. Các thay đổi này có thể dẫn đến các u nhú đường sinh dục, ung thư và các tổn thương khác. Người phụ nữ bị nhiễm HPV hoặc bạn tình của họ bị nhiễm virus này có nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung cao hơn trung bình.
Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào bị nhiễm HPV cũng phát triển thành ung thư cổ tử cung và các virus không có mặt ở tất cả các phụ nữ bị ung thư cổ tử cung. Vì lý do này, các nhà khoa học tin rằng các yếu tố khác tác động cùng với HPV, ví dụ nhiễm virus Herpes đường sinh dục.
Các bác sĩ có thể xét nghiệm HPV ngay cả khi người phụ nữ không có u nhú hoặc các triệu chứng khác. Nếu một phụ nữ bị nhiễm HPV, bác sĩ có thể hướng dẫn phương pháp tránh gây nhiễm virus cho người khác. Xét nghiệm Pap có thể phát hiện những thay đổi của tế bào trong cổ tử cung gây nên do HPV. Điều trị những thay đổi này có thể dự phòng ung thư cổ tử cung. Có nhiều phương pháp điều trị, bao gồm làm lạnh (đóng băng) hoặc làm bỏng mô bị nhiễm virus. Đôi khi thuốc có thể hỗ trợ.
- Không được xét nghiệm Pap đều đặn? Ung thư cổ tử cung phổ biến hơn ở những phụ nữ không được xét nghiệm Pap đều đặn. Đặc biệt nhiều phụ nữ trên 60 tuổi không được xét nghiệm Pap đều đặn có tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm Pap giúp các bác sĩ tìm thấy các tế bào tiền ung thư (trước khi trở thành tế bào ung thư thực sự). Điều trị những thay đổi cổ tử cung tiền ung thư có thể dự phòng được ung thư cổ tử cung.
- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu (hệ thống đề kháng tự nhiên của cơ thể): các phụ nữ nhiễm HIV (virus gây bệnh AIDS) hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn nguy cơ trung bình. Cũng như vậy, Các bệnh nhân được ghép tạng, được sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn ngừa thải ghép, nhiều khả năng phát triển các tổn thương tiền ung thư. Với những phụ nữ này, bác sĩ có thể gợi ý sàng lọc ung thư cổ tử cung đều đặn bằng xét nghiệm Pap.
- Tuổi: ung thư cổ tử cung xảy ra phổ biến hơn ở những phụ nữ trên 40 tuổi.
- Người phụ nữ bị nhiễm khuẩn cơ quan sinh sản: như polyp hoặc các bệnh lây qua đường tình dục.
- Người có kết quả xét nghiệm Pap bất thường trước đây.
- Tiền sử quan hệ tình dục:
+ Những phụ nữ có quan hệ tình dục trước 18 tuổi.
+ Người phụ nữ có quan hệ tình dục với nhiều người có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn nguy cơ trung bình.
+ Cũng như vậy, một người phụ nữ có quan hệ tình dục với một người đàn ông, người này bắt đầu quan hệ tình dục lúc tuổi trẻ và đã từng có quan hệ tình dục với nhiều người, hoặc trước đây người đàn ông này có vợ bị ung thư cổ tử cung, cũng có thể có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn.
Trong cả hai trường hợp, nguy cơ phát sinh ung thư cổ tử cung cao hơn vì những phụ nữ này có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn nguy cơ trung bình.
Các nhà khoa học không biết chính xác tại sao quan hệ tình dục của phụ nữ và bạn tình của họ ảnh hưởng tới nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng một số virus lây truyền qua đường tình dục có thể bắt đầu gây ra một loạt các thay đổi của các tế bào ở cổ tử cung, mà nó có thể dẫn tới ung thư. Người phụ nữ có nhiều bạn tình hoặc các bạn tình của họ đã có nhiều bạn tình có thể có nguy cơ tăng đối với ung thư cổ tử cung, ít nhất một phần bởi vì họ có nhiều khả năng bị nhiễm virus lây truyền qua đường tình dục hơn.
- Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá: hút thuốc lá cũng tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, mặc dù không rõ tại sao hoặc như thế nào. Nguy cơ có vẻ tăng theo số lượng thuốc lá mà người phụ nữ hút hàng ngày và số năm mà họ đã hút. Các phụ nữ có nhiễm HPV đồng thời có hút thuốc lá có nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn những phụ nữ có nhiễm HPV không hút thuốc lá.
- Sử dụng viên thuốc tránh thai bằng đường uống trong một thời gian dài (5 năm hay lâu hơn) có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung ở những phụ nữ nhiễm HPV.
Tuy nhiên không xác định được rằng viên thuốc tránh thai trực tiếp gây ung thư cổ tử cung. Mối liên hệ này khó chứng minh bởi vì hai yếu tố nguy cơ chính đối với ung thư cổ tử cung: quan hệ tình dục ở tuổi trẻ và có nhiều bạn tình, có thể phổ biến trong số các phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai hơn là trong số các phụ nữ không sử dụng thuốc tránh thai. Các hãng dược phẩm đều cảnh báo nguy cơ này và khuyên những người sử dụng thuốc tránh thai nên làm xét nghiệm Pap hàng năm.
- Có nhiều con: Các nghiên cứu đã chỉ rõ rằng đẻ nhiều con có thể tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung ở những người nhiễm HPV.
- Dùng thuốc Diethylstibestrol (DES) (được sử dụng vào những năm 1940-1970) – một loại thuốc dùng để ngăn ngừa sảy thai trong thời kì thai nghén, có thể làm tăng nguy cơ. Một loại ung thư cổ tử cung và âm đạo hiếm gặp đã được phát hiện ở một số nhỏ các người con gái mà mẹ của họ đã sử dụng thuốc này trong thời kì mang thai họ.
Dự phòng:
Vitamin A có thể có vai trò để làm dừng hoặc ngăn ngừa các thay đổi ung thư ở các tế bào như các tế bào ở bề mặt của cổ tử cung.
Hiện tại, phát hiện sớm và điều trị các tổn thương tiền ung thư vẫn là cách ngăn ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất. Người phụ nữ nên nói với bác sĩ của họ về lịch khám phù hợp. Dựa vào các yếu tố như tuổi của người phụ nữ, tiền sử bệnh và các yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ cho họ lời khuyên.
Những phụ nữ nghĩ rằng mình có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung có thể hỏi bác sĩ về cách dự phòng và kiểm tra.
SÀNG LỌC BỆNH
Ung thư cổ tử cung có thể dự phòng được. Người phụ nữ có thể tự bảo vệ mình khỏi bị ung thư cổ tử cung bằng việc đi khám sàng lọc bệnh một cách đều đặn. Bác sĩ có thể xác định nếu bạn có những thay đổi tế bào có hại trong cổ tử cung của bạn. Những thay đổi này có thể được điều trị trước khi chúng trở thành ung thư. Các lợi ích của sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung là:
- Sàng lọc để kiểm tra những thay đổi của cổ tử cung trước khi có các triệu chứng là rất quan trọng.
- Sàng lọc để phát hiện các tế bào bị tổn thương tiền ung thư như nhiễm HPV hoặc các tình trạng viêm nhiễm khác.
- Sàng lọc có thể giúp các bác sĩ tìm những tế bào bất thường trước khi ung thư phát sinh.
- Tìm kiếm và điều trị những tế bào bất thường có thể dự phòng hầu hết các ung thư cổ tử cung.
- Sàng lọc cũng giúp tìm các ung thư sớm khi điều trị còn có hiệu quả.
Trong nhiều thập kỷ vừa qua, ở các nước có chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung hàng loạt, số các phụ nữ được chẩn đoán ung thư cổ tử cung đã giảm. Các bác sĩ tin rằng đó là hiệu quả của việc sàng lọc.
Tại sao cần bạn cần có xét nghiệm Pap?
Bạn nên có xét nghiệm Pap và khám đều đặn để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Gần 100% các trường hợp ung thư cổ tử cung có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Hầu hết các phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung là những người không bao giờ có xét nghiệm Pap. Nếu các phụ nữ này có xét nghiệm Pap đều đặn, họ sẽ hầu như có thể đã sống thọ hơn.
Khám khung chậu và xét nghiệm Pap để tìm những thay đổi tế bào của cổ tử cung có thể trở thành ung thư hoặc tìm ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm. Nếu phát hiện cổ tử cung bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ điều trị viêm cổ tử cung và sau đó lặp lại xét nghiệm Pap lần sau. Nếu khám khung chậu hoặc xét nghiệm Pap cho thấy một số tổn thương khác nặng hơn nhiễm trùng, bác sĩ có thể lặp lại xét nghiệm Pap hoặc làm thêm một số xét nghiệm khác để phát hiện xem vấn đề đó là gì.
Tuy nhiên ở Việt nam, phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn muộn, điều trị tốn kém, khó khăn. Đó là do chị em phụ nữ chưa hiểu về giá trị của xét nghiệm Pap trong phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung sớm. Nếu đi xét nghiệm Pap định kỳ, phụ nữ không bị chết vì căn bệnh này.
Xét nghiệm Pap là gì?
Xét nghiệm Pap là một qui trình để tìm kiếm các tế bào bất thường ở cổ tử cung nó có thể giúp để phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm. Bác sĩ thực hiện xét nghiệm này trong khi khám phụ khoa.
Các bác sĩ khuyên rằng các phụ nữ có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung bằng cách đi xét nghiệm Pap đều đặn. Xét nghiệm Pap là một xét nghiệm đơn giản được sử dụng để xem xét các tế bào của cổ tử cung. Với nhiều phụ nữ, xét nghiệm Pap không đau.
Một phương pháp xét nghiệm Pap mới được gọi là xét nghiệm dựa trên dung dịch cố định. Bác sĩ không dùng quệt bẹt mà dùng một bàn chải nhỏ lấy tế bào ở cổ tử cung, sau đó các tế bào được ngâm trong dung dịch thuốc cố định để gửi đến phòng xét nghiệm.
Nhờ có xét nghiệm này, 90-95% các trường hợp ung thư cổ tử cung có thể được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm khi chúng có thể được điều trị khỏi hoàn toàn.
Cần xét nghiệm Pap như thế nào?
Xét nghiệm Pap đều đặn rất quan trọng để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Bởi vì xét nghiệm Pap có thể tìm thấy ung thư cổ tử cung hoặc các tế bào bất thường dẫn đến ung thư cổ tử cung. Phát hiện và điều trị sớm sự phát triển các tế bào bất thường là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Vậy cần xét nghiệm Pap như thế nào? Đến nay chưa có một quy trình xét nghiệm Pap cho phụ nữ Việt Nam, kinh nghiệm tại Mỹ cho thấy:
Các phụ nữ cần bắt đầu đi xét nghiệm Pap ba năm sau khi họ có quan hệ tình dục lần đầu hoặc khi họ tới 21 tuổi.
Hầu hết các phụ nữ phải đi xét nghiệm Pap ít nhất ba năm một lần.
Các phụ nữ từ 65 đến 70 tuổi đã có ít nhất ba lần kết quả xét nghiệm PAP bình thường và không có kết quả xét nghiệm Pap bất thường trong 10 năm sau, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để ngừng xét nghiệm Pap.
Các phụ nữ đã được tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung để loại bỏ cả tử cung và cổ tử cung không cần đi xét nghiệm Pap để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên nếu phẫu thuật cắt bỏ tử cung để điều trị các tổn thương (tế bào) tiền ung thư hoặc ung thư, cần tiếp tục xét nghiệm Pap.
Người phụ nữ có nguy cơ cao đối với ung thư cổ tử cung nên đặc biệt cẩn thận để theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm tra đều đặn, bao gồm khám khung chậu và xét nghiệm Pap.
- Chị em phụ nữ có thể hỏi bác sĩ để biết khi nào họ cần bắt đầu xét nghiệm Pap, thường phải đi xét nghiệm trong khoảng thời gian bao lâu và khi nào có thể dừng xét nghiệm. Xét nghiệm Pap đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn mức trung bình.
Một số hoạt động có thể “che dấu” hoặc làm mất các tế bào bất thường và ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm Pap. Cần tránh những hoạt động sau đây trước khi làm xét nghiệm Pap:
• Không rửa âm đạo trong vòng 48 giờ trước khi xét nghiệm
• Không có quan hệ tình dục trong 48 giờ trước khi xét nghiệm
• Không sử dụng các thuốc đặt âm đạo (trừ khi có chỉ định của bác sĩ) hoặc các chất đặt âm đạo để tránh thai
Người phụ nữ nên xét nghiệm Pap khi đang không có hành kinh : thời gian tốt nhất là giữa 10 đến 20 ngày sau ngày đầu của chu kì kinh nguyệt.
Bạn có thể xét nghiệm Pap ở đâu ?
Bạn có thể làm xét nghiệm Pap ở:
Phòng khám bác sĩ gia đình của bạn
Phòng khám của bác sĩ phụ khoa
Tại các bệnh viện chuyên khoa hoặc đa khoa
Hoặc có thể lấy tế bào xét nghiệm khi tổ chức khám sàng lọc ở các cộng đồng dân cư
Quy trình sàng lọc ung thư cổ tử cung
Sàng lọc là cách để phát hiện các tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung. Sàng lọc đối với ung thư cổ tử cung là cách quan trọng nhất để phòng ngừa bệnh. Cách tốt nhất để điều trị ung thư cổ tử cung là phải phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Quy trình sàng lọc gồm 3 phần:
Lấy mẫu tế bào xét nghiệm
Khám theo dõi phụ khoa
Điều trị phụ khoa
Sàng lọc cho phép bác sĩ phát hiện nếu có các biến đổi tế bào bất thường ở cổ tử cung. Theo dõi phụ khoa cần thiết cho bất kì người phụ nữ nào có một kết quả xét nghiệm Pap bất thường. Sự theo dõi này có thể bao gồm sự lặp lại xét nghiệm Pap đơn thuần hoặc làm một số xét nghiệm khác để kiểm tra tổ chức bất thường.
Điều trị phụ khoa có thể cần thiết, tuỳ thuộc vào kết quả khám định kì. Có thể điều trị ngay thời gian khám định kì hoặc sau một vài ngày.
Lấy mẫu tế bào xét nghiệm
Xét nghiệm Pap (Hình 4)
Xét nghiệm Pap là một kĩ thuật đơn giản và không đau, nó có thể được thực hiện ở phòng khám của bác sĩ. Bác sĩ sử dụng một dụng cụ dược gọi là mỏ vịt để mở rộng âm đạo của bạn để kiểm tra âm đạo và cổ tử cung. Sau đó bác sĩ sử dụng một cái quẹt bẹt nhỏ bằng gỗ hay bằng nhựa để nhẹ nhàng nạo các tế bào bên ngoài cổ tử cung và một bàn chải để nạo các tế bào bên trong cổ tử cung. Sau đó bác sĩ trải các tế bào trên một lam kính hoặc cố định chúng trong một dung dịch bảo quản và gửi tới phòng xét nghiệm để kiểm tra tế bào. Thường không có biến chứng gì khi làm xét nghiệm Pap.Hình 4: Cách lấy tế bào làm xét nghiệm Pap
Khám khung chậu
Sau khi tiến hành xong xét nghiệm Pap, bác sĩ khám cơ quan sinh sản bằng đưa 2 ngón tay vào âm đạo của bạn trong khi sử dụng tay khác ấn vùng bụng dưới của bạn xuống để kiểm tra tử cung, vòi trứng và buồng trứng của bạn để tìm kiếm bất kì mọi bất thường nào. Các khám này luôn nhanh, nhẹ nhàng và không gây đau. Quy trình này được gọi là khám khung chậu.
Kết quả xét nghiệm Pap
Thông thường nhất các tế bào bất thường được tìm thấy bởi một xét nghiệm Pap không phải là ung thư. Tuy nhiên, một số trạng thái bất thường có thể trở thành ung thư sau một thời gian.
Kết quả bình thường : các bác sĩ có thể trả lời là phiến đồ tế bào học bình thường hoặc phiến đồ tế bào học trong giới hạn bình thường. Trong trường hợp này, bác sĩ không cần xử trí gì thêm và có thể không cần liên lạc với bạn. Một kết quả xét nghiệm âm tính nghĩa là bạn không bị ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, ngay cả kết quả xét nghiệm là bình thường, năm sau bạn vẫn cần phải làm lại xét nghiệm Pap.
Kết quả bất thường (hình 5): Nếu kết quả xét nghiệm Pap của bạn bất thường, bác sĩ sẽ liên lạc với bạn. Bạn không nên quá lo lắng nếu điều này xảy ra. Xét nghiệm Pap bất thường có thể bị gây ra bởi nhiều tình trạng khác nhau. Đôi khi một nhiễm trùng đơn giản có thể gây ra một kết quả xét nghiệm Pap bất thường.
Các biến đổi viêm: một tỷ lệ khá cao các xét nghiệm Pap ở phụ nữ Việt Nam có biểu hiện viêm thông thường, không đặc hiệu (không do loại tác nhân gây bệnh đặc hiệu có thể xác định được) hoặc viêm do nấm hoặc do trùng roi Trichomonas hay virus u nhú (HPV). Trường hợp này bác sĩ sẽ cho đơn thuốc điều trị và sau đó kiểm tra lại. Điều trị khỏi viêm cũng là để tránh diễn biến xấu sau này. Nếu kết quả xét nghiệm có nhiễm HPV, bác sĩ có thể kiểm tra thêm để xác định lý do đối với xét nghiệm Pap bất thường.
Hình 5: Kết quả xét nghiệm Pap
Phương pháp soi cổ tử cung thường được sử dụng. Nó cho phép bác sĩ có thể nhìn thấy cổ tử cung để xác định nếu có chính xác các bất thường. Bác sĩ có thể yêu cầu lấy một mẫu nhỏ tế bào (được gọi là sinh thiết) từ vùng trong cổ tử cung mà không thể được nhìn thấy trong quá trình soi cổ tử cung.
Bạn phải thực hiện tất cả các xét nghiệm mà bác sĩ của bạn yêu cầu, bởi vì quy trình này sẽ giúp bác sĩ của bạn phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư. Bạn không nên sợ xét nghiệm Pap và các kết quả xét nghiệm Pap bất thường. Nên nhớ rằng, cách tốt nhất để ngăn ngừa chết do ung thư cổ tử cung là phải sàng lọc nó, phát hiện nó sớm và điều trị tình trạng tiền ung thư sớm trước khi nó trở thành ung thư.
Ngay cả sau khi tổ chức tiền ung thư của bạn được lấy bỏ, bạn vẫn cần được bác sĩ của bạn theo dõi. Bạn cần phải tuân theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này có nghĩa là cần có xét nghiệm Pap và gặp bác sĩ thường xuyên hơn. Đây là cách duy nhất để chắc chắn rằng các tổn thương tiền ung thư không trở lại.
CÁC TRẠNG THÁI TIỀN UNG THƯ VÀ UNG THƯ CỔ TỬ CUNG
Các tế bào trên bề mặt của cổ tử cung đôi khi trở nên bất thường nhưng không phải là ung thư. Các nhà khoa học tin rằng một số những thay đổi bất thường trên cổ tử cung là bước đầu của một loạt những thay đổi chậm dẫn đến ung thư trong những năm sau. Đó là một số những thay đổi bất thường là tiền ung thư, chúng có thể trở thành ung thư sau một thời gian.
Trong nhiều năm, các bác sĩ đã sử dụng những từ (thuật ngữ) khác nhau để mô tả những thay đổi bất thường trong các tế bào trên bề mặt cổ tử cung. Một thuật ngữ hiện nay được dùng là tổn thương nội biểu mô vảy (thuật ngữ tổn thương để chỉ một vùng bất thường, nội biểu mô nghĩa là những tế bào bất thường chỉ có mặt ở trên lớp bề mặt của các tế bào). Những thay đổi trong các tế bào này có thể chia thành hai loại:
- Tổn thương nội biểu mô độ thấp (LSIL): Đó là những biến đổi mức độ nhẹ của các tế bào cổ tử cung còn nằm trên bề mặt của cổ tử cung. Đó là những thay đổi sớm về kích thước, hình dạng và số lượng các tế bào tạo thành bề mặt của cổ tử cung. Những thay đổi này thường gây nên do nhiễm HPV. Tổn thương nội biểu mô độ thấp là phổ biến, đặc biệt ở những phụ nữ trẻ. Tổn thương nội biểu mô độ thấp không phải là ung thư. Ngay cả không điều trị, hầu hết các tổn thương nội biểu mô độ thấp vẫn giữ nguyên hoặc biến mất. Tuy nhiên, một số biến thành tổn thương nội biểu mô độ cao, nó có thể dẫn đến ung thư.
Các tổn thương độ thấp tiền ung thư cũng có thể được gọi là loạn sản nhẹ hoặc tân sản (sinh sản mới hay u) nội biểu mô cổ tử cung độ 1 (CIN-1). Những biến đổi sớm trong cổ tử cung này thường xảy ra ở những phụ nữ từ 25 đến 35 tuổi nhưng cũng có thể xuất hiện ở các lứa tuổi khác.
- Tổn thương nội biểu mô độ cao (HSIL): Tổn thương nội biểu mô độ cao nghĩa là có một số lượng lớn các tế bào tiền ung thư. Trông chúng rất khác với các tế bào bình thường. Giống như tổn thương nội biểu mô độ thấp, những biến đổi tiền ung thư này chỉ xảy ra trên bề mặt cổ tử cung. Các tế bào này sẽ không xâm nhập các lớp sâu hơn của cổ tử cung trong nhiều tháng và có thể nhiều năm.
Tổn thương độ cao cũng có thể được gọi là loạn sản vừa và nặng, CIN2 hoặc CIN3 hoặc ung thư biểu mô tại chỗ. Thường chúng xảy ra giữa tuổi 30 và 40 nhưng có thể xảy ra ở các lứa tuổi khác. Nếu các tế bào bất thường lan tràn sâu hơn vào cổ tử cung hoặc các mô khác, bệnh được gọi là ung thư cổ tử cung hoặc ung thư cổ tử cung xâm nhập. Nó thường xảy ra ở những phụ nữ ngoài 40 tuổi.
PHÁT HIỆN SỚM
Nếu tất cả các phụ nữ được khám phụ khoa và xét nghiệm PAP đều đặn, hầu hết các tổn thương tiền ung thư có thể được phát hiện và được điều trị trước khi trở thành ung thư. Bằng cách này, hầu hết các ung thư xâm nhập có thể được dự phòng. Bất kỳ một ung thư xâm nhập nào xảy ra sẽ có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm, có thể điều trị khỏi được.
Khi khám vùng khung chậu, các bác sĩ kiểm tra tử cung, âm đạo, các buồng trứng, vòi trứng, bàng quang và trực tràng. Bác sĩ kiểm tra bất thường của các cơ quan này về hình dạng hoặc kích thước. Một mỏ vịt được sử dụng để mở rộng âm đạo để bác sĩ có thể nhìn thấy phần trên âm đạo và cổ tử cung.
Xét nghiệm Pap là một xét nghiệm đơn giản, không đau để phát hiện các tế bào bất thường ở trong và xung quanh cổ tử cung.
Phương pháp mô tả kết quả của xét nghiệm Pap đang thay đổi. Phương pháp mới nhất là hệ thống Bê- thê- đa (Bethesda). Những thay đổi là những tổn thương nội biểu mô độ thấp và độ cao như đã mô tả ở trên. Nhiều bác sĩ cho rằng hệ thống Bê- thê- đa cung cấp thông tin có lợi hơn hệ thống cũ sử dụng các số từ loại 1 đến loại 5 (trong loại 1 các tế bào là bình thường, trong khi loại 5 là ung thư xâm nhập). Phụ nữ nên yêu càu bác sĩ của họ giải thích hệ thống được sử dụng cho xét nghiệm Pap của họ.
Tổn thương nội biểu mô độ cao không phải là ung thư, nhưng nếu không điều trị chúng sẽ dẫn đến ung thư. Các tế bào tiền ung thư cũng chỉ ở trên bề mặt của cổ tử cung.
Một phương pháp mới sàng lọc ung thư cổ tử cung. Một phương pháp mới để sàng lọc ung thư cổ tử cung có thể trở thành quan trọng trong tương lai là xét nghiệm virus HPV. Xét nghiệm HPV theo lý thuyết có thể tìm thấy hầu hết các phụ nữ có nguy cơ phát sinh ung thư cổ tử cung. Với việc phân tích ADN hiện đại, bác sĩ có thể cho bệnh nhân biết họ bị mắc chủng nào của HPV và nguy cơ ra sao.
CÁC TRIỆU CHỨNG
Ung thư cổ tử cung có thể mất nhiều năm để phát triển. Trong thời gian đó, nó có thể dễ dàng được phát hiện bằng xét nghiệm Pap và được điều trị thành công.
Những thay đổi tiền ung thư và ung thư sớm của cổ tử cung luôn không gây đau. Thực tế, nói chung chúng không gây bất kì một triệu chứng nào và không được phát hiện trừ khi người phụ nữ có khám khung chậu và xét nghiệm Pap. Điều quan trọng là không đợi đến khi cảm thấy đau mới đi khám bệnh.
Các triệu chứng luôn không xuất hiện đến tận khi các tế bào cổ tử cung bất thường trở thành ung thư và xâm nhập tổ chức gần kề. Khi bệnh đã diễn biến xấu hơn, người phụ nữ sẽ thấy một trong những triệu chứng sau đây:
- Chảy máu âm đạo bất thường:
+ Chảy máu xảy ra giữa các chu kỳ kinh đều đặn
+ Chảy máu sau khi quan hệ tình dục, rửa hoặc khám khung chậu
+ Các kỳ hành kinh kéo dài hơn và nhiều hơn bình thường
+ Chảy máu sau khi mãn kinh
- Chảy dịch âm đạo tăng
- Đau vùng khung chậu – phần bụng dưới, không liên quan tới chu kì kinh nguyệt
- Đau khi quan hệ tình dục
Nhiễm khuẩn và các vấn đề sức khoẻ khác cũng có thể gây nên các triệu chứng này. Chỉ có bác sĩ mới có thể khẳng định chắc chắn. Điều quan trọng là một phụ nữ có các triệu chứng này phải đi khám phụ khoa để bác sĩ có thể khám và điều trị bệnh sớm nếu có bệnh.
(ST).