Tôm sú nướng giấy bạc đậm đà nóng hổi


Chỉ mất vài phút bạn đã có món tôm sú nướng giấy bạc ngon, đậm đà nóng hổi.

Tôm sú ủ muối nướng giấy bạc

Nguyên liệu:
500g tôm sú (khoảng 40 con/kg), 50g bột xù, muối, bột nêm, tiêu, chanh, giấy bạc nướng thực phẩm, que tre xiên tôm.

Thực hiện:

- Tôm rửa sạch, chẻ lưng, dùng que tre xiên từng con. Dùng giấy bạc bọc tôm, bỏ vào lò nướng khoảng ba phút. Lấy tôm ra ngoài, xé bỏ lớp giấy bạc.

- Trộn bột xù với chút muối, tiêu, bột nêm. Cho hỗn hợp bột và gia vị này vào tôm, xóc đều tay. Cho tất cả vào giấy bạc, gói kín. Bỏ vào lò, nướng lại khoảng bốn - năm phút.

- Đặt tôm lên đĩa, xé giấy bạc, trang trí thêm với rau ngò rí, cà chua, dưa leo.

- Dùng nóng với muối tiêu chanh.


Tham khảo thêm: Tôm om gừng hành làm nhanh ăn ngon



Nguyên liệu:

- 300g tôm lớt mỏng vỏ
- 1 nhánh gừng
- Vài cây hành lá
- 3 thìa canh xì dầu (hay còn gọi là nước tương)
- 3 thìa canh dầu ăn.
Bước 1:
Tôm rửa sạch, cắt bỏ phần đầu nhọn, bỏ phần phân trên đầu tôm.

Gừng cạo vỏ, thái sợi thô (không cần nhỏ quá).

Bước 2:
Làm nóng dầu ăn trong nồi, cho phần gừng vụn vào đảo sơ (phần gừng sợi bạn giữ lại).

Cho tôm vào đảo cùng.

Bước 3:
Khi tôm chuyển màu, bạn thêm xì dầu và gừng sợi vào đảo đều...
           

... đậy vung om khoảng 7 phút cho tôm chín và ngấm gia vị.

Bước 4:
Cuối cùng cho hành vào đảo đều rồi tắt bếp là xong.

Tôm chín có vị đậm đà, thơm mùi gừng, hành rất hợp làm món mặn để ăn cơm. Với món này nồi cơm nhà bạn chẳng mấy chốc sẽ vơi đi nhanh chóng!

Bữa cơm ngày thường, hầu hết các bà nội trợ đều cố gắng hướng tới sự giản tiện, làm sao để có bữa ăn đủ chất, ngon miệng nhưng không mất quá nhiều thời gian chế biến. Tôm om gừng hành là một trong những món ăn đáp ứng đủ các tiêu chí nói trên, bạn hãy thử trổ tài làm món này cho cả nhà thưởng thức nhé!
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!

Gỏi cuốn tôm thịt - món ngon mùa hè


Trong ẩm thực Việt, có lẽ chẳng món ăn nào “dễ chịu” như gỏi cuốn. Dùng làm thức ăn nhẹ cũng được, mà ăn no căng bụng cũng không ngấy!

Nguyên liệu - cho 4-5 phần ăn:

- 1kg tôm
- Bánh tráng
- 500g thịt ba chỉ
- Xà lách, rau sống, hẹ, giá, ớt
- Bún
- 1 quả trứng gà
- Tương hột, ớt, đồ chua ăn kèm.

Bước 1:

Thịt ba rọi rửa sạch, luộc chín rồi xắt mỏng.

Bước 2:

Tôm rửa sạch.

Cho 1/2 bát giấm + 1/3 bát nước lạnh + 2 muỗng cafe muối vào nồi, đun sôi rồi cho tôm vào luộc. Cách luộc tôm này giúp tôm đỏ và ngọt.

Tôm chín đem vớt ra rổ có vài viên đá lạnh, để 15 phút rồi mới lột vỏ, thịt tôm sẽ rất chắc. Tôm nhỏ bạn để nguyên con, tôm to bạn xẻ làm đôi theo chiều dọc.

Bước 3:

Trứng đánh tan, tráng mỏng trên chảo không dính rồi thái sợi. Thường thì gỏi cuốn ở ngoài hàng không cho trứng thái sợi, nhưng mình thấy cho vào tăng độ béo và thêm màu sắc cho cuốn gỏi.

Đậu phộng rang vàng, giã nát. 

Bước 4:

Đổ chút nước vào tương để lắng cát trong khoảng 30 phút rồi vớt hột tương ra, dầm nhuyễn. Phần nước tương còn lại bạn gạn bỏ cát phía dưới, phần nước tiếp tục trộn đều với hột tương đã dằm nhuyễn.

Giã nhuyễn khoảng 5 tép tỏi, cho vào nước tương vừa trộn ở trên rồi trút vào nồi, nấu sôi cho sền sệt thì nêm đường, giấm cho vừa khẩu vị. Bằm ớt nhỏ cho lên mặt tương, sau cùng cho đồ chua và rắc đậu phộng lên mặt tương nếu thích.

Bước 5:

Xà lách, rau sống, hẹ, giá, ớt rửa sạch, để ráo.

Bánh tráng thấm sơ nước cho dẻo mềm.

Lần lượt xếp xà lách, rau sống, giá, bún lên bánh tráng; thịt và tôm để phía ngoài, lưu ý bạn đặt tôm sao cho phần màu đỏ xuống dưới để khi cuốn lại sẽ thấy cuốn gỏi có màu tôm đỏ đẹp.
Cuối cùng hẹ cắt làm 2 để ló ra ngoài một ít, cuốn lại thật chặt là xong. Làm lần lượt tới khi hết nguyên liệu.

 
Xếp gỏi cuốn ra đĩa, dùng với tương bạn đã pha ở bước 4.
Trong ẩm thực Việt, có lẽ chẳng món ăn nào “dễ chịu” như gỏi cuốn. Dùng làm thức ăn nhẹ cũng được, mà ăn no căng bụng cũng không ngấy; có lẽ bởi vậy mà gỏi cuốn đã trở thành món ăn không thể thiếu trong thực đơn của các nhà hàng Việt tại trời Tây. Người Pháp thì gọi gỏi cuốn là "Rouleaux de Printemps" - những cuốn gỏi của mùa xuân. Có lẽ là do sự kết hợp sắc màu thú vị của gỏi cuốn. Cắn một miếng gỏi cuốn, cảm nhận vị dai của bánh tráng, vị béo đậm đà của thịt ba rọi trộn lẫn vị ngọt của tôm luộc, thêm một chút mặn mà của nước chấm, cái mát lạnh, cay nồng nơi đầu lưỡi của rau sống tạo thành một bản hợp tấu làm dậy lên các cung bậc vị giác.
Chúc các bạn thành công và làm được món gỏi cuốn thật ngon nhé!


Cách làm chả tôm tuyệt ngon
Cách làm món tôm chua xứ Huế chua cay lạ miệng
Cách làm gỏi cuốn tôm thịt
Tôm viên tuyết hoa nóng giòn
Các món chế biến từ tôm tươi tuyệt ngon!


(ST)