Trang phục truyền thống của dân tộc Dao Đỏ và nét đặc sắc

Theo quan niệm dân gian của người Dao Đỏ, bộ trang phục hay còn gọi là “Luy hâu” bao gồm khăn, mũ, áo, quần, thắt lưng, xà cạp quấn chân và giày dép, để tạo thành bộ y phục đẹp thì phải có 5 màu cơ bản nhưng chủ yếu nhất vẫn là màu đỏ.
Từ xa xưa, người Dao Đỏ chỉ mặc áo dài có màu đen hoặc màu chàm, không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân. Nẹp cổ liền với nẹp ngực được thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ. Hai đầu của nẹp ngực đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ. 
Cửa tay áo, nẹp xung quanh tà áo trước và sau đều được thêu bằng chỉ màu đỏ và trắng. Riêng ở gấu vạt trước và sau người ta thêu hai nẹp tách rời nhau, trông xa như hai áo mặc lồng nhau, áo ngoài ngắn hơn áo trong. 
Bên trong của chiếc áo dài, phụ nữ Dao Đỏ còn mặc áo con, giống như cái yếm, mặc bên trong che kín cả ngực và bụng, cổ tròn mở sau gáy, có những đường thêu bằng chỉ trắng và vàng. Khoảng giữa thân áo mỗi bên đính một dải vải nhỏ để làm dây buộc ra phía sau lưng.
Khăn đội đầu (Goòng phà) được người Dao đỏ trang trí hình vết hổ, cây vạn hoa, hình cách đoạn... Hoa văn ở trên khăn từ ngoài vào có 5 lớp, 5 lớp này được bao khuôn ổ vuông ở trung tâm "điểm" của khăn (ở thầy cúng thì có thêm 8 cánh sao tượng trưng cho đầu ông Tam thanh, gọi chung là "Phàm sinh goong", được bài trí rất hài hòa và công phu. Khi đội lên đầu, các hoa văn họa tiết của 5 lớp văn sẽ phô ra ngoài, làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn.
Có thể nói, nét đặc sắc tạo nên trang phục của người Dao Đỏ không thể thiếu hoa văn trang trí trên khắp các bộ phận của trang phục.
Hoa văn trang trí trên dây lưng tập trung ở hai đầu gồm các họa tiết hình dấu chân hổ, hình cây thông, hình người mặc váy... Khi thắt dây lưng phải cuốn từ 3-4 vòng và buộc chặt ở phía sau.
Hoa văn trang trí trên quần được thêu thùa tỉ mỉ hơn. Họa tiết ở nửa dưới của hai ống quần là các họa tiết hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ-vàng-trắng, hình cây thông, hình chữ vạn, hình quả trám... Khi mặc, quần phần trên màu đen không có hoa văn, quấn bằng dây, thắt lưng; phần dưới của hai ống quần với các hoa văn, họa tiết đã tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ y phục.

Các thiếu nữ dân tộc dao đỏ Lào Cai

Hoa văn trên áo bé tập trung chủ yếu ở phần ngực, cổ và lưng áo. Vì thế khi mặc áo dài chùm bên ngoài, những họa tiết sẽ không bị che lấp mà ngược lại, chúng được phố ra bên ngoài một cách tinh tế.
Trong khi đó, hoa văn trang trí trên áo dài lại tập trung ở viền nẹp ngực tà áo và đầu ống tay áo được trang trí các họa tiết hình sôm, hình dấu chân hổ, hình răng cưa, hình quả trám, hình thập ngoặc... Nẹp ngực mỗi bên đính 7 quả bông len đỏ và các tua len được đính ở nơi xẻ tà.
Nếu để ý kỹ, những họa tiết trên trang phục người Dao Đỏ rất gần gũi trong thiên nhiên như cỏ, cây, hoa lá hay các loài động vật… Người Dao Đỏ quan niệm, hoa văn trên y phục không chỉ biểu hiện cho tính cần cù và nhẫn nại, thể hiện sự khéo léo, trí tưởng tượng phong phú cùng với con mắt thẩm mỹ mà về nghệ thuật còn rất tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục cân đối hài hòa, tươi sáng của người dân, tạo nên nét riêng đậm đà bản sắc dân tộc.