Trang phục truyền thống của người Mường
Trang phục đặc trưng của Miền Bắc
Trang phục truyền thống của dân tộc Dao
Khỏe khoắn trang phục nam
Người đàn ông Ê Đê có tập quán mang khố (Kpin). Khố màu đen, có nhiều đường hoa văn chỉ màu chạy dọc theo hai bên mép vải và tua dài ở hai đầu, khố buông đầu dài phía trước. Khố có nhiều loại và được phân biệt ở sự ngắn dài có trang trí hoa văn như thế nào. Đẹp nhất là các loại ktêh, drai, đrêch, piêk, còn các loại bong và băl là loại khố thường.
Trang phục phụ nữ Ê Đê (tỉnh Đăk Lăk) đã được cách tân. Ảnh: Thanh Hà.
Loại áo khá tiêu biểu cho người đàn ông Ê Đê là áo dài tay, chui đầu, thân dài che kín mông buông dài đến điểm giữa đùi và đầu gối, thân sau dài hơn thân trước, xẻ tà. Trên nền chàm của thân và ống tay áo, ở giữa ngực áo mở ra một đoạn từ 10 – 15 cm, có hàng khuy đồng, khuyết bện bằng chỉ màu đỏ. Hai mảng ngực áo được trang trí hai dải hoa văn màu đỏ rực hình “đại bàng dang cánh”, tạo vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ đúng với phong cách của người đàn ông Ê Đê giữa núi rừng đại ngàn Tây Nguyên. Những nhà giàu có, chức sắc trong buôn, áo thường được thêu dải hoa văn ở dọc hai bên nách và gấu áo, thân sau lưng có đính hạt cườm. Áo này thường được mặc vào dịp lễ hội, cưới hỏi của cộng đồng.
Loại áo dài quá gối, khoét cổ, ống tay bình thường không trang trí như loại áo dài trùm mông nói trên. Áo thường ngày ít có hoa văn, bên cạnh các loại áo trên còn có loại áo cộc tay đến khủy, hoặc không tay.
Thướt tha và kín đáo của trang phục phụ nữ
Theo phong tục truyền thống, trước kia trong lễ cưới, người con gái Ê Đê thường phải tự tay dệt các tấm chăn, áo, khố, thổ cẩm mang về làm quà tặng họ hàng nhà chồng. Nếu ai có bộ váy áo đẹp thì được dân làng đánh giá là người con gái giỏi giang và sẽ được nhiều chàng trai để mắt. Đó là một thước đo về mặt giá trị tinh thần mà trước đây người con gái Ê Đê luôn phấn đấu, còn người con trai xem đó là tiêu chí để chọn bạn gái.
Trang phục phổ biến của người phụ nữ Ê Đê là loại áo che nửa thân (áo chui đầu) dài đến mông khi mặc cho ra ngoài váy, tay áo dài, hẹp, cổ áo khoét hình thuyền. Cổ áo, vai áo xuống cánh tay, gấu áo được thêu những đường viền, trang trí bằng những dải hoa văn sáng màu đỏ, vàng và trắng là những màu sắc gần gũi với màu hoa của núi rừng. Phần gấu áo và gấu tay áo được dệt tỉ mỉ công phu bằng họa tiết hoa văn sinh động, mô tả động vật, thực vật và các hiện tượng trong thiên nhiên rất gần gũi quen thuộc với công việc lao động hàng ngày. Loại áo này người phụ nữ Ê Đê gọi chung là áo Đếc anăkđrai (áo hoa văn rồng) thường hay mặc trong các lễ hội hoặc khi cưới chồng.
Cùng với áo là chiếc váy mở. Váy (Yêng) của phụ nữ Ê Đê là một tấm vải lớn màu đen hoặc chàm sẫm quấn quanh thân mình từ eo hông xuống phủ kín mắt cá chân. Cũng trên nền chàm mềm mại, phần gấu yêng và phần ngang gối được trang trí bằng chỉ các màu tương tự như áo.
Đồng bào dân tộc Ê Đê giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hà Tuấn.
Váy có nhiều loại và được phân biệt ở các dải hoa văn gia công nhiều hay ít. Có loại váy thường mặc khi lên nương rẫy, có váy mặc ở nhà và những váy được trang trí công phu, nhiều màu sắc sặc sỡ dành cho những ngày hội ngày lễ, tết. Căn cứ vào dải hoa văn, người Ê đê chia ra hai loại yêng khác nhau như: Myêng Đếc, yêng hoa văn rồng; còn loại Myêng Bơng là loại yêng được dệt thô nhám, hoa văn dệt đơn giản hơn hoặc không có hoa văn, thường mặc khi lao động trên nương rẫy hay ở nhà.
Ngày nay thiếu nữ Ê Đê thường mặc váy kín, phổ biến mặc váy ống bằng vải hoặc in hoa. Phía trên mặc áo ngắn chui đầu, ống tay dài hoặc cộc, có nhiều đường chỉ màu hoa văn ở vai, nách, cổ tay, gấu áo. Phụ nữ Ê Đê cũng như phụ nữ nhiều dân tộc khác, họ chú trọng nhiều đến trang sức, chuộng các đồ bằng bạc hay đồng làm vòng đeo cổ, đeo tay.
Trang phục chứa đựng những giá trị tinh thần mang bản sắc riêng, niềm tự hào của mỗi dân tộc và cũng là đặc điểm để phân biệt giữa các nhóm cộng đồng với nhau. Ngày nay, người Ê Đê được tiếp thu những kiến thức của nền văn minh mới, cách ăn mặc cũng đã hiện đại hơn. Tuy nhiên, dù xã hội phát triển tới đâu, thì người Ê Đê vẫn có ý thức duy trì bảo lưu nét văn hoá truyền thống, trong những dịp lễ hội, trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… đồng bào vẫn mang trên mình bộ trang phục truyền thống, đây là thành tố cần phải gìn giữ của mỗi dân tộc, cần được quan tâm và bảo tồn khi thành tố này đang ngày càng bị mai một.