Trang phục đặc trưng của Miền Bắc
Trang phục truyền thống của dân tộc Dao
Trang phục đi học dành cho sinh viên đẹp kín đáo
Trang phục nữ giới:
Trong bất cứ dân tộc nào, thời đại nào người phụ nữ là người lưu giữ một cách bền vững bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình. Áo truyền thống của phụ nữ Chăm ngày nay là biểu hiện sắc thái riêng ấy của dân tộc Chăm mà người ta dễ dàng nhận biết, không lẫn lộn được với bất cứ dân tộc nào khác.
Áo (aw):
Áo truyền thống của người phụ nữ Chăm là áo dài bít tà, mặc chui đầu mà họ gọi là “Aw loah” (áo có 3 lỗ). Áo có một lỗ chui đầu và hai ống tay. Áo này xưa kia được cấu tạo bằng 7 mảnh vải may ghép với nhau, người Chăm gọi là “aw kauk kaung”. Nhóm áo này ở phần trên thân áo chạy dài từ vai xuống ngang bụng thì dừng lại. Vì khổ vải của khung dệt ngày xưa không cho phép vải rộng quá 1m; phần thứ hai từ ngang bụng đến quá đầu gối hoặc đến gót chân phần này cũng được may ghép hai phần, ở mặt trước và mặt sau: hai cánh tay được nối lại với hai phần vai và nách áo; và cuối cùng hai mảnh nhỏ đắp vào hai bên hông, người Chăm gọi bộ phận này là “dwa boong”. Cổ áo thường khoét lỗ hình tròn hoặc hình trái tim. Nhìn chung từng chiếc áo dài truyền thống Chăm ngày xưa chỉ là những tấm vải ghép lại mà người may quay tròn thành hình ống để bó thân người mặc. Áo có nhiều màu khác nhau như màu đỏ, vàng, đen, trắng... Nhưng mỗi cái áo đều luôn có hai màu (đen-đỏ-xanh-trắng hoặc tím ,vàng). Áo chỉ là những tấm vải thô, trơn không có trang trí hoa văn. Nhưng thay vào đó thì các phụ nữ trẻ khi mặc áo dài truyền thống đi hội họ thường choàng loại dây thắt lưng có thêu hoa văn trước ngực và buột xung quanh lưng gọi là “Taley kabak”.
Ngày nay áo dài truyền thống Chăm đã cải tiến. Do kỷ thuật dệt đã mở rộng được khổ vải cho nên áo dài Chăm không còn là những mảnh vải nối ghép (kauk kuang) nữa mà áo dài Chăm được may bằng 4 mảnh vải cùng màu nối nhau. Những phụ nữ Chăm trẻ thường mặc áo dài đến quá đầu gối phủ lên váy mặc, may hơi bó tay, thân hơi phình rộng, ở hai bên hông áo “dwa boong” họ cải tiến bằng cách mở một đường ngay eo hông, có may thêm hàng khuy bấm hoặc nút dính gọi là “aw eo”.
Ngày xưa phụ nữ Chăm, ngoài mặc áo dài thì bên trong còn có áo lót gọi là áo klăm, giống như yếm của người Kinh, gồm có mảnh vải nhỏ che ngực, và dãi vải nhỏ buột qua vai và lưng. Ngày nay áo này không được mặc phổ biến mà thay vào đó là “áo nhỏ” giống như áo lót bên trong của người Kinh.
Váy, Khăn (Aban, khan):
Váy người Chăm có hai loại: váy kín và váy mở (aban) là loại váy quấn bằng tấm vải, hai mép vải không may dính vào nhau, khi mặc cặp váy được xếp vào và lận vào bên trong giữ chặt eo hông. Còn váy kín (khan) thì hai mép đầu vải được may dính vào nhau hình ống. Phụ nữ lớn tuổi thường mặc váy mở (aban) còn váy kín dành cho phụ nữ trẻ tuổi. Chỉ có váy mở (aban) có nhiều hoa văn trang trí và có may cạp váy, còn váy kín thì không có hoa văn trang trí.
Váy (aban) Chăm là loại sarong, đây là sản phẩm được mặc phổ biến phụ nữ của Chăm. Váy có kích thước (160cm x 90cm). Váy của người Chăm được trang trí nhiều loại hoa văn và màu sắc khác nhau. Váy Chăm có nhiều màu đen, đỏ, xanh... nhưng chủ yếu là nền đen, dệt nhiều hoa văn. Váy Chăm có nhiều loại, căn cứ vào kỷ thuật dệt, hoa văn trang trí mà họ có tên các loại váy khác nhau như sau:
- Váy dệt có đường viền (đường sọc đứng)
- Váy Chăm không có đường viền
- Váy có cạp (loại biyor)
Váy Chăm đa số được phủ kín hoa văn trên bề mặt. Hoa văn được kết hợp với nhiều màu sắc khác nhau trên màu nền như đen, đỏ, xanh tạo nên nhiều kiểu dáng hoa văn phong phú như: hoa văn quả trám (bingu tamun), hoa văn hình con thằn lằn (kachak), hoa văn 4 cánh (tuk riteh), hình ô vuông (bingu caor)... Váy Chăm thường may cạp ở rèm chân theo chiều ngang hoặc chiều dài của váy gọi là jih hoặc biyon. Đàn bà bình dân thường mặc váy có hình quả trám (bingu tamum), hoa văn hình dây leo (biyon hareh). Còn đàn bà quí tộc mặc váy có nhiều hoa văn mà phổ biến là hoa văn 4 cánh (bingu riteh) và vua chúa Chăm còn sử dụng việc dệt thêm những sợi chỉ bằng vàng, bạc vào váy của họ. Còn đàn bà lớn tuổi thì mặc váy có hoa văn hình hạt lúa nổ (bingu kamang). Loại váy này không phổ biến, người Chăm kiên cử khi dệt thì phải cúng cho vị tổ nghề Pô Nưgar một cặp gà.
Cùng với váy, phụ nữ Chăm còn mặc một loại “khan” (khăn mặc) có kích thước khoảng (142cm x 77cm). Khăn mặc đàn bà có nền màu trắng, đen, xanh, vàng... Hoa văn thường dệt phủ kín trên bề mặt như hoa văn quả trám, hoa cà dược, hoa văn mắc lưới, hoa văn caro (hình vuông). Tuy nhiên loại hoa văn này phụ nữ Chăm không mặc phổ biến bằng loại váy (aban) Chăm. Cũng như vậy, khăn mặc phụ nữ Chăm còn dùng để choàng, đắp ngủ trong mùa có thời tiết lạnh.
Khăn đội đầu (tanrak):
Khăn đội của phụ nữ Chăm thường dệt bằng vải thô màu trắng , xanh, đỏ,vàng... Khăn có kích thước (129cm x 32cm), có dệt loại hoa văn quả trám, cùng màu phủ kín lên mặt vải, khăn đội đầu của người Chăm hồi giáo Bà Ni thường màu trắng, có may thêm cạp vải hoa văn theo dọc đường biên của khăn gọi là “khăn mbram”. Còn phụ nữ Chăm Bàlamôn bình dân thường thích đội khăn màu trơn, không may cạp vải hoa văn. Ngoài ra phụ nữ Chăm còn có loại khăn choàng vai, và khăn cầm tay màu đỏ và hộp túi vải để đựng trầu cau.
Cách đội khăn của người Chăm là quấn lên đầu, vòng từ sau ra trước, một phần trùm xuống đỉnh đầu, rồi hai mép gặp lại, buông chùng xuống hai tai. Ngày nay việc đội khăn truyền thống chỉ còn lại ở phụ nữ lớn tuổi, còn giới trẻ thì đội nón, chỉ còn đội khăn truyền thống trong những dịp lễ hội.