Trang trí bàn thờ gia tiên ngày tết đơn giản mà đẹp

Chăm chút bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đế ông bà tổ tiên, vì thế, mỗi độ năm hết, Tết đến công việc này được mọi người chú ý trước tiên.


Thờ phụng tổ tiên là một trách nhiệm có tính cách luân lý đối với người Việt Nam, nó thể hiện cho nhu cầu được phát lộ tình cảm và niềm tin huyết thống trong môi trường gia đình.

Tại sao lại trang trí bàn thờ tổ tiên khi "Năm hết, Tết đến"?

Bàn thờ tổ tiên là nơi dung tụ cốt cách của từng nhà, song nó cũng là bóng dáng chung của tâm hồn dân tộc, vì thế người Việt Nam luôn có ý thức dồn vào đó tất cả vẻ đẹp hình thức mà khả năng có được, nhất là vẻ đẹp tâm linh.

Ông Dương, Bắc Ninh, cho rằng: “Mỗi gia đình người Việt đều có bàn thờ cho nên vào mỗi dịp cuối năm, việc dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ, và trang trí lại bàn thờ cho hợp với truyền thống là điều quai trọng. Những việc làm này không phải vì mê tín dị đoan mà tất cả vì lòng người, vì một tâm hướng thiện.”

Cụ Bứu, 76 tuổi ở Văn Quán, Hà Đông cho hay: “Bàn thờ tổ tiên là vẻ đẹp của văn hoá truyền thống, người Việt hiểu sâu sắc rằng có quá khứ mới có hiện tại và tương lai. Nên dọn dẹp bàn thờ tổ tiên vào dịp cuối năm để trong những ngày đầu năm mới gặp nhiều may mắn, được tổ tiên phù hộ. Lau sạch sẽ bàn thờ, rửa sạch những đồ vật được bày trên bàn thờ còn thể hiện lòng tôn kính với tổ tiên.”

 


Bàn thờ tổ tiên là vẻ đẹp của văn hoá truyền thống Việt Nam

Cuối năm, người Việt có tập tục tân trang căn nhà của mình, trong đó việc trang trí bàn thờ theo đúng với truyền thống là việc mà gia đình nào cũng mong muốn với suy nghĩ đầu năm đàng hoàng, no đủ thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn.

Tuy nhiên, việc trang trí nhà cửa ngày Tết, trang trí bàn thờ tổ tiên phải chú ý đến một số nguyên tắc bất thành văn. Thông thường, bàn thờ được đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất. Bàn thờ tổ tiên chính là một cách thể hiện chữ Hiếu của nhân dân. Không chỉ nhớ về nguồn cội, nhân dân ta coi tổ tiên của gia đình chính là các vị thần linh thiêng luôn ở bên cạnh để phù hộ độ trì cho con cháu.

KTS Nguyễn Hải, Sở QH KT Hà Nội, cho biết: “Theo phong thủy, hướng bàn thờ cũng được người Việt rất quan tâm. Thông thường hướng theo đạo Phật thì hướng nam là nơi của bát nhã, tức trí tuệ, hướng của sự sáng tạo, của sinh lực tràn trề, đầy dương khí. Cũng có gia đình đặt bàn thờ hướng tây vì người ta nghĩ hướng này hợp với sự đối đãi của âm dương, nên yên ổn và phát triển, nghĩa là vị thần được an toạ.”

Làm sạch và bài trí lại bàn thờ tổ tiên là cách để con cháu bày tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Những thứ không thể thiếu trên bàn thờ gồm hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú, trục vũ trụ là khúc trầm hương dưới dàn khúc khủyu vương lên trong bát hương.


Giữ bàn thờ sạch bày tỏ lòng hiếu kính


Bàn thờ là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình, vì thế nó thường được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất trong nhà. Điều này không chỉ để tránh sự va chạm mà còn tránh gió, bụi bặm và côn trùng. Việc lau dọn sạch sẽ bàn thờ là công việc trước tiên và được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ.

Công việc chăm chút bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đế ông bà tổ tiên

Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng, và rất hạn chế sự chung đụng. Nước lau bàn thờ thường được dùng từ nguồn nước sạch sẽ, có người còn dùng nước mưa thậm chí nước nấu từ lá trầu, lá bồ đề để lau.

Trong tâm thức người Việt, người đã khuất và người còn sống luôn có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Không gian thờ tự là không gian thiêng liêng trong gia đình, là nơi lưu giữ nhiều ẩn ức tình cảm giữa các thế hệ, chính vì thế việc giữ gìn bàn thờ luôn sạch sẽ, mát mẻ không chỉ thể hiện sự chăm sóc và tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên mà còn là sự chăm sóc đến cái tôi tâm linh ở mỗi con người.

Không phải đợi lúc năm hết tết đến, nhân dịp giỗ chạp hay vào những ngày sóc vọng, người ta mới dọn dẹp và chăm chút bàn thờ.

Tuy nhiên, phải vào những ngày cận Tết, chúng ta mới thấy hết được không khí bận bịu, tất bật của việc dọn dẹp và chuẩn bị sắm sửa đồ thờ.

Từ việc đánh sáng lại bộ tư đồng, lau chùi khung ảnh, thay cát bát hương (nhang)... đều thể hiện cho nhu cầu giao hòa, gắn kết mật thiết giữa thế giới hữu tình và thế giới tâm linh thiêng liêng.

Công việc quét tước nhà cửa thường là việc của phụ nữ trong nhà vì nó đòi tính cẩn thận, tỉ mỉ. Song việc bày bàn thờ ngày Tết lại được ưu ái dành cho quý ông, đơn giản vì việc ấy nặng nhọc hơn. Hơn thế, người đàn ông là chủ gia đình, phải đại diện chăm lo nơi cư ngụ của tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính.

Phụ nữ trong nhà thì lo việc bếp núc, nấu nướng và dọn dẹp gian bếp. Đó là cách nhìn từ văn hóa truyền thống xưa kia.

Ngày nay, nhất là nơi đô thị, chúng ta không còn biệt rạch ròi việc này như trước. Việc bày biện hay thắp hương (nhang) trên bàn thờ không phân biệt nam nữ, tuổi tác như ở thôn quê.

Tuy nhiên, để giữ nếp xưa, mọi nhà vẫn mời người lớn tuổi nhất họ hay nhất nhà ra khấn và thắp hương cho ông bà tổ tiên trong những ngày quan trọng như: tất niên, đêm giao thừa, mừng năm mới, cúng tiễn...

Chu đáo bày biện, lễ cúng

Trong gia đình Việt Nam ngoài việc chọn lựa vị trí trung tâm và cao ráo để đặt bàn thờ, người Việt còn chú ý xem hướng của ngôi nhà và tuổi của gia chủ để thấy nên đặt bàn thờ quay mặt về hướng nào là tốt nhất.

Việc dọn dẹp hay bày biện bàn thờ vào ngày thường có thể qua loa, sơ sài vì lý do bận bịu làm ăn, thu vén tiền bạc... Song vào những ngày Tết, công việc này được yêu cầu có sự chu đáo nhất định.

Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ), hai bát hương khác đặt ở bên trái và bên phải tạo nên tư thế tam tài; ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn dầu (hoặc nến) tượng trưng cho mặt trời bên trái và mặt trăng ở bên phải.

Khi cần giao tiếp với tổ tiên (có lúc thỉnh cầu, có lúc sám hối... người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên.

Lễ vật dâng cúng thường bao gồm vài bộ quần áo, giấy tiền vàng mã cho các cụ, một vài cái chung (ly nhỏ, thấp) và một bình trà; đĩa hoa quả lớn đặt ở trung tâm bàn thờ, một bình hoa lớn và một bình rượu ngon. Xung quanh, ta có bày thêm bánh mứt cho cân đối và đẹp mắt.

Hoa để thờ cũng có nhiều loại, ví dụ hoa tươi hay hoa làm bằng giấy bạc (một bạc, một vàng biểu tượng cho một âm một dương, âm dương giao hòa) để có thể dùng được lâu. Đối với hoa tươi, người Việt Nam thường sử dụng hoa cúc, hoa huệ, hoa lay ơn, hoa mai, hoa đào trong cúng gia tiên ngày Tết...

Khoảng sáng 30 Tết, việc bày biện bàn thờ Tết phải được hoàn tất. Tuỳ theo điều kiện kinh tế hay văn hóa từng miền mà trên bàn thờ có thêm cặp dưa hấu xanh, gói thuốc lá, cặp bánh chưng hay bánh tét...

Việc thắp sáng cho bàn thờ ngày Tết cũng được bắt đầu từ ngày 30. Có nhà sử dụng loại hương vòng, hay hương que loại lớn, cháy liên tục trong nhiều ngày với nhiều ý nghĩa biểu trưng như các vì tinh tú đang tỏa sáng, sự chăm lo ân cần của con cháu...

Hương khói còn tạo nên một không khí ấm cúng nơi gian thờ, gắn kết tình cảm và ước nguyện hạnh phúc của mọi người trong một gia đình. Hương dùng cho những ngày Tết cũng thường là các loại hương có mùi thơm đặc biệt ví dụ như hương bài, hương trầm, hương nhài... là những loại hương có mùi thơm hết sức đặc trưng cho nhân dân ba miền ở Bắc - Trung - Nam.

Trang trí bàn thờ đậm nét truyền thống đón Tết

Cụ Bứu cho hay: “Để trang trí được một bàn thờ tổ tiên đậm nét truyền thống thì ta cần có bát hương, hương, nến, hoa quả, chén nhỏ để đựng rượu và nước. Như tôi đã nói, trước khi bài trí bàn thờ tổ tiên, ta cần lau chùi sạch sẽ bàn thờ, rửa sạch đồ vật để trên bàn thờ".

"Việc bài trí cần dựa trên nét truyền thống, phong tục xa xưa của người Việt. Mọi gia đình đều đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) ở vị trí chính giữa và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ)."

KTS Nguyễn Hải nhận định: “Thông thường, ở ngay sau bát hương người ta thường đặt một chiếc Tam sơn trên đó đặt ba cái đài nhỏ đựng ba chén nước trong. Phía sau Tam sơn, thường có một cái đỉnh ba chân, nắp đỉnh được vẽ hình con lân với ý nghĩa sức mạnh bề trên kiểm soát tinh thần con cháu khi đứng trước bàn thờ. Hai góc ngoài
bao giờ cũng có hai cây đèn dầu (hoặc nến) tượng trưng cho mặt trời ở bên trái và mặt trăng ở bên phải.”
 


Đỉnh đồng ba chân hình sư tử vờn cầu



“Trước bàn thờ, người ta thường thắp 2 ngọn nến tượng trưng cho hai vầng nhật nguyệt, tiếp đó là một nén tâm hương để hướng tới mọi điều tốt lành vì tâm hương có nghĩa là ngũ hương. Hai cây nến (hoặc đèn) tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Nhưng cũng có nhiều người thắp 3 nén hương nhằm cầu cho một sự việc nào đó được tiến triển vì số 3 lẻ dẫn tới chuyển động, biến đổi, phát triển.” KTS Nguyễn Hải cho biết thêm.

Cũng theo KTS Nguyễn Hải: “Trong ngày Tết thì cành đào được cắm trên bàn thờ để trừ ma tà và mọi xấu xa, màu đỏ của hoa đào chứa một sinh khí lớn lao. Vì thế hoa đào thắm được cắm trên bàn thờ là lời cầu nguyện và lời chúc phúc đầu xuân. ”

Cụ Vũ Văn Bẩy, Vũ Thư, Thái Bình cho rằng: “Mỗi gia đình có một cách trang trí riêng, nhiều gia đình còn đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả, phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Có gia đình lại cắm vào lọ một cành hoa tre, nhuộm ngũ sắc để cầu phúc".

"Ở các vùng miền khác nhau, cách trang trí bàn thờ tổ tiên cũng khác nhau, có nơi, trên bàn thờ còn có khảm (gần giống chiếc am nhỏ, bằng gỗ có cánh cửa đựng bài vị tổ tiên) được chạm trổ với tứ linh long, ly, quy, phượng cùng hoa cỏ thiêng... Hoặc, có nơi lại treo lên tường phía trên bàn thờ một tranh dân gian vẽ ngũ quả, chiếc cuốn thư, chữ thư pháp... để cầu sự no đủ, đồng thời làm sáng, ấm ngôi nhà.”

Cụ Bẩy nói: “Tết nào gia đình tôi cũng trang trí thêm hai cây mía dựng hai bên bàn thờ tổ tiên bởi việc trang trí cây mía dựng bên bàn thờ có ý là để các cụ chống gậy về vui với con cháu. Thực ra, từ xưa, cây mía đã là cây linh thiêng gắn với câu chuyện tạo thiên lập địa của cư dân hải đảo. Mía được du nhập vào đất Việt trở thành một thứ trục vũ trụ, gạch nối tầng trên với tầng dưới, để dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về với con cháu."

Ngoài ra, trên bàn thờ có thể cắm thêm những cành vàng lá ngọc tượng trưng cho phú quý. Bạn có thể dễ dàng mua những cành hoa này ở phố Hàng Mã với giá từ 20.000 đồng - 80.000 đồng/cành.

Ở Việt Nam theo tôn giáo nào cũng tôn trọng đạo lý "uống nước nhớ nguồn", người theo Phật giáo thì có một bàn thờ là thờ ông bà tổ tiên. Trên bàn thờ, người ta trang trí mâm trái cây là chủ yếu. Mâm cúng hoa quả, bánh, xôi, thịt, hương, trà đều có mục đích bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên và các bậc thánh thần.

Bàn thờ tổ tiên luôn cần được thanh tịnh nên đồ tế lễ chỉ có thể là hương, hoa, trà, quả... Những ngày giỗ Tết, con cháu muốn cúng cỗ mặn phải chú ý bài trí ở một chiếc bàn phụ phía trước và thấp hơn bàn thờ chính.

Tết là thời điểm quan trọng trong năm cho nên bàn thờ ngày Tết cũng trở nên đặc biệt. Việc trang hoàng bàn thờ tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh mỗi nhà nhưng dứt khoát nhà nào cũng phải bày mâm ngũ quả.

Theo KTS Nguyễn Hải: “Nội dung mâm cúng thay đổi tùy theo từng nhà và từng vùng của đất nước, thường là ngũ quả. Thông thường ngũ quả gồm 5 loại quả có 5 màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên).”

Cụ Bẩy cho biết: “Mâm ngũ quả của miền Bắc thường có 5 loại quả: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Trong đó, nải chuối tượng trưng cho bàn tay che chở; bưởi tròn trịa hứa hẹn một năm mới no đủ, may mắn; đào - hồng - quýt đỏ thắm mang lại sự ấm cúng, thành đạt, giàu sang…"

"Trong khi đó, mâm ngũ quả của người miền Nam hầu như không xuất hiện nải chuối vì sợ “chúi đầu, chúi mũi”, vất vả cả năm. Người ta cũng kỵ trái cam vì sợ phải “cam chịu”. Do đó mâm ngũ quả của miền Nam thường chỉ có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Phía dưới chân đế còn để thêm trái thơm với ý nghĩa “cầu thơm vừa đủ xài”.”


Mâm ngũ quả ngày Tết.

Việc bày mâm ngũ quả xuất phát từ lý thuyết về ngũ hành: thuỷ - hỏa - mộc - kim - thổ những yếu tố tạo nên vũ trụ và sự vận hành của nó.

Thông thường ngũ quả gồm 5 loại quả có các màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: Phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên).

Mỗi một miền lại có một quan niệm riêng về ý nghĩa mâm ngũ quả. Người Nam bộ có cách đọc chại âm hay đơn tiết hóa một số từ, ví dụ chỉ tên trái mãng cầu thì gọi đơn tiết hóa là Cầu (mãng cầu: thoả mãn trong sự cầu xin) - Sung (sung: chỉ sự sung túc, sung mãn) - Vừa (đọc chệch âm là dừa: quả dừa) - Đủ (đơn tiết hóa của đu đủ và xài (là cách đọc chệch của âm xoài).

Trong khi đó, người miền Bắc hướng đến ý nghĩa biểu trưng nhiều hơn, quả phật thủ hay nải chuối như bàn tay che chở của đức phật cho tất cả mọi người; quả bưởi, dưa hấu thể hiện cho sự đầy đặn, trọn vẹn căng đầy sức sống; màu sắc thắm tươi của quýt, hồng tượng trưng cho sự may mắn, phồn thịnh cát tường.

Ngày nay, mâm quả trên bàn thờ tết người Việt phong phú hơn về chủng loại bởi sự góp mặt của những hoa quả ngoại nhập. Với tính dung hợp trong văn hóa, người Việt Nam luôn có thể tìm thấy tất cả những yếu tố thích hợp, có giá trị ý nghĩa đối với đời sống tâm linh của dân tộc mình.

Cuối cùng, những sản vật đẹp mắt nhất, tinh tuý nhất, được dâng bày với những tình cảm hiếu kính, trang trọng và thiết thân nhất. Bàn thờ tết không chỉ là nơi mà mọi người bày tỏ tình cảm gia đình, huyết thống mà đó còn là nơi chúng ta gửi gắm những lời chúc may mắn và một năm mới an khang, thịnh vượng hơn.

(St)

Xung đột quan niệm về bày bàn thờ ngày tết
Hướng dẫn làm mâm ngũ quả ngày Tết
Trang trí nhà vào dịp Tết Nguyên Đán
Cách bài trí bàn thờ gia tiên theo nghi lễ văn hóa dân tộc
Phong tục tập quán trong ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc