Làm sao để hết bị táo bón nhanh và không tái phát
Bà bầu ăn gì cho dễ tiêu hóa tránh bị táo bón trong thai kỳ?
Táo bón là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em với đặc điểm là giảm số lần đại tiện bình thường, kèm theo đi tiêu khó và đau do phân rắn hoặc quá to. Khi số lần đi tiêu của trẻ sơ sinh dưới 2 lần/ngày, của trẻ bú mẹ dưới 3 lần/tuần (trên 2 ngày/lần), của trẻ lớn dưới 3 ngày/lần thì coi là bị táo bón.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến táo bón ở trẻ:
Do tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa: Loại này hiếm gặp, thường chỉ chiếm 5% trong các nguyên nhân gây táo bón, đó là các dị tật bẩm sinh: phình to đại tràng, bệnh suy giáp trạng. Khi mắc các bệnh này, trẻ thường bị táo bón rất sớm từ ngay sau khi sinh. Ngoài ra, còn do nguyên nhân khác như trẻ bị nứt hậu môn, trĩ, nên đi tiêu bị đau, gây co thắt hậu môn.
Do nguyên nhân cơ năng: Chủ yếu là sai lầm trong chế độ ăn uống, uống ít nước dẫn đến thiếu nước, ăn quá nhiều chất đạm, ít chất xơ (do ăn ít rau xanh, quả chín), pha sữa quá đặc, ăn chưa đủ về số lượng hàng ngày. Trẻ bú sữa bò dễ bị táo bón hơn bú sữa mẹ. Mẹ bị táo bón, con bú sữa mẹ cũng dễ bị táo bón. Trẻ lớn có thói quen nhịn đại tiện do sợ bẩn hoặc ngại đi đại tiện và đây cũng là nguyên nhân gây táo.
Xử trí khi trẻ bị táo bón
Cho trẻ ăn đủ số lượng hàng ngày, uống nhiều nước.
Ăn nhiều rau xanh và hoa quả (chọn loại rau có tính nhuận tràng như rau lang, mồng tơi, rau giền, củ khoai lang). Khi nấu bột và cháo, phải băm nhỏ cho trẻ ăn cả cái. Ăn các loại quả như: chuối tiêu, đu đủ, bưởi, cam, quýt, thanh long… Khi trẻ đã bị táo bón không nên ăn cà rốt, hồng xiêm, táo…
Trẻ bú sữa bò bị táo bón: Pha sữa loãng hơn bình thường một chút, có thể pha thêm một thìa cà phê nước quả (cam, quýt) vào cốc sữa cho trẻ, hoặc dùng nước cháo pha sữa cho trẻ trên 5 tháng.
Mẹ bị táo bón cho con bú thì phải điều trị táo bón cho mẹ, ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước…
Xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải sang trái, 3-4 lần/ngày giữa 2 bữa để kích thích tăng nhu động ruột.
Tập thói quen ăn nhiều rau: Thái nhỏ nấu canh, luộc rau cho trẻ ăn trước. Trẻ lứa tuổi mẫu giáo cần 100-150 g rau/ngày. Cho trẻ ăn cả múi các loại quả như quýt, bưởi, đu đủ, chuối tiêu, thanh long…
Vệ sinh đại tiện giữ một vai trò quan trọng: Tập cho trẻ đại tiện đúng giờ, chọn thời gian lúc trẻ không vội vã, nên chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột hoạt động tăng. Tránh để trẻ ngồi bô hoặc ngồi hố xí quá lâu.
Các trường hợp táo bón do nứt hậu môn: Rửa sạch hậu môn, bôi dung dịch Natri bạc 2%.
Điều trị các bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu… nếu có.
Khi đã áp dụng các biện pháp trên nhưng không có hiệu quả thì mới dùng thuốc (dầu Parafin): 5-10 ml (trẻ nhỏ), 10-20 ml (trẻ lớn) vào buổi sáng. Thụt hậu môn là biện pháp cuối cùng; dùng nước ấm pha với Glycerin 30-40 ml đối với trẻ dưới 1 tuổi và 100-250 ml đối với trẻ trên 1 tuổi.
Những trường hợp cần đưa trẻ đến bệnh viện:
- Táo bón kéo dài trên một tuần, thay đổi chế độ ăn không có tác dụng.
- Táo bón sau khi trẻ mới sinh, bụng chướng.
- Táo bón ảnh hưởng đến sức khỏe: Kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng, kèm theo nôn.