Nhiều bà mẹ lo ngại khi thấy con mình bắt đầu tăng trưởng chậm hơn so với trước đây, cũng có người khá thờ ơ trước những biểu hiện bất thường ở trẻ, và kết quả là cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ không được phát triển toàn diện, gây nên những hậu quả khôn lường.
Những con số biết nói
Có nhiều chỉ số thể hiện sự tăng trưởng thể chất và sự phát triển các chức năng mà bạn cần thường xuyên quan tâm:
Mức cân nặng và chiều cao theo tuổi:
Mức tăng trưởng trung bình/ tháng
Sơ sinh - 3 tháng
- Mức tăng trưởng trung bình cân nặng: 750-800g
- Mức tăng trưởng trung bình chiều cao: 3-3,5cm
3-6 tháng
- Mức tăng trưởng trung bình cân nặng: 600-700g
- Mức tăng trưởng trung bình chiều cao: 2-2,5cm
6-9 tháng
- Mức tăng trưởng trung bình cân nặng: 400-500g
- Mức tăng trưởng trung bình chiều cao: 1,3-1,7cm
9-12 tháng
- Mức tăng trưởng trung bình cân nặng: 250-300g
- Mức tăng trưởng trung bình chiều cao: 1,2-1,3cm
12-36 tháng
- Mức tăng trưởng trung bình cân nặng: 200g
- Mức tăng trưởng trung bình chiều cao: 0,7-1cm
Mức độ tăng cân và chiều cao của trẻ giảm dần theo thời gian. Sau 2 tuổi, mỗi năm trẻ tăng khoảng 2.000g. Từ 3-15 tuổi, mỗi quý trẻ tăng từ 1,3-1,6cm. Sau đó mức tăng chiều cao giảm nhanh, mỗi quý tăng độ 0,3-0,9cm và thông thường quá trình tăng chiều cao sẽ kết thúc lúc trẻ được 20 tuổi.
Các mốc dễ nhớ:
- Sơ sinh: 2,4 - 4kg (Trung bình 3kg) - Chiều cao: 50cm
- 5-6 tháng: 6 - 7kg (Gấp 2 lúc sinh) - Chiều cao: 65cm
- 1 tuổi: 9-10kg (Gấp 3 lúc sinh) - Chiều cao: 75cm
- 2 tuổi: 12kg (Gấp 4 lúc sinh) - Chiều cao: 85cm
- 4 tuổi: 16kg - Chiều cao: 102cm
- 6 tuổi: 20kg - Chiều cao: 115cm
Khi nào thì đáng ngại?
Khi mức tăng cân và chiều cao thấp hơn so với độ tuổi tương ứng là biểu hiện của chậm tăng trưởng hoặc nặng hơn là suy dinh dưỡng. Cân nặng theo tuổi là biểu hiện sớm nhất và nhạy nhất về tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Sau vài tháng chậm tăng cân hoặc suy dinh dưỡng thì có thể ảnh hưởng đến mức tăng chiều cao và khi chiều cao đã bị thấp, lùn thì rất khó phục hồi. Các chỉ số nhân trắc này thường được theo dõi liên tục hằng tháng bằng biểu đồ có trong các sổ sức khỏe của trẻ em.
Một số chỉ số phát triển vận động và tâm lý trẻ em:
0 - 2 tháng tuổi:
- Phát triển vận động của trẻ: Ngóc đầu
- Phát triển tâm lý của trẻ: Mỉm cười, tìm vú, nhìn theo đồ vật.
2 - 3 tháng tuổi:
- Phát triển vận động của trẻ: Giữ đầu lâu hơn
- Phát triển tâm lý của trẻ: Hóng chuyện, chơi với 2 bàn tay.
3 - 6 tháng tuổi:
- Phát triển vận động của trẻ: Lật sấp, cầm lúc lắc
- Phát triển tâm lý của trẻ: Cười thành tiếng, nhìn và đưa tay về phía đồ chơi.
6 - 9 tháng tuổi:
- Phát triển vận động của trẻ: Ngồi 1 mình, bò
- Phát triển tâm lý của trẻ: Nói bập bẹ (papa, mama), vẫy tay chào tạm biệt.
9 -12 tháng tuổi:
- Phát triển vận động của trẻ: Đứng chựng, vịn đi men
- Phát triển tâm lý của trẻ: Nói 5 từ: ma, ba, cha, ăm, biết nghe theo lệnh, biết uống nước bằng ca, cốc.
12 - 15 tháng tuổi:
- Phát triển vận động của trẻ: Đi một mình
- Phát triển tâm lý của trẻ: Nói 5-7 từ, làm xấu. Tìm đồ chơi bị giấu.
15 -18 tháng tuổi:
- Phát triển vận động của trẻ: Đi nhanh, chạy
- Phát triển tâm lý của trẻ: Chỉ được vài hình vẽ trong tranh, chỉ vào vật mà bé muốn lấy.
18 - 21 tháng tuổi:
- Phát triển vận động của trẻ: Dắt 1 tay lên xuống cầu thang
- Phát triển tâm lý của trẻ: Nói được câu nhiều từ, chỉ được mắt, mũi, miệng. Biết đòi ăn, uống, thích tự làm 1 mình.
21 - 24 tháng tuổi:
- Phát triển vận động của trẻ: Nhảy lên xuống cầu thang 1 mình
- Phát triển tâm lý của trẻ: Xưng tên, hát bài hát ngắn. Gọi khi mắc tiêu, tiểu
24 - 36 tháng tuổi:
- Phát triển vận động của trẻ: Chạy nhanh, ném bóng xa 1 mét
- Phát triển tâm lý của trẻ: Thuộc vài bài hát. Đặt nhiều câu hỏi, vẽ nét đứng, đường tròn.
> 36 tháng tuổi:
- Phát triển vận động của trẻ: Nhảy cao, nhảy xa
- Phát triển tâm lý của trẻ: Tập kể chuyện, tập đếm, tập đánh vần. Đi thăm hàng xóm
Các chức năng trên thường phát triển hài hòa và thúc đẩy lẫn nhau, tuy nhiên, một trẻ bình thường cũng có thể phát triển sớm hay muộn hơn ít lâu về một chức năng nào đó.
Nếu trẻ chậm phát triển vận động, có thể trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, sai khớp, bệnh ở hệ cơ, hoặc hệ thần kinh, giác quan (mắt, tai) hoặc một bệnh toàn thân khác. Chậm phát triển tâm lý thường có nguyên nhân phức tạp hơn, về mặt cơ thể, đứa trẻ bị bệnh tật liên tiếp sẽ làm chậm hoặc hạn chế về mặt tăng trưởng thể chất, từ đó làm chậm phát triển các vận động thô sơ và các kỹ xảo, dẫn đến hạn chế sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài, gây thiếu thông tin cho não nên không kích thích bé phát triển nhận thức.
Sự chậm phát triển tâm lý còn do môi trường và hoàn cảnh sống bất lợi, nhất là thiếu tình thương yêu, chăm sóc và dạy dỗ chu đáo của cha mẹ, người nuôi trẻ. Ở các trẻ có hoàn cảnh đáng thương như trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, cha mẹ ly dị, ly thân,… sẽ có những tác động rất xấu lên sự phát triển tâm lý của chúng.
Khi thấy trẻ chậm tăng trưởng thể chất, chậm phát triển vận động và thờ ơ với mọi thứ xung quanh, hay chậm phát triển từng mặt kéo dài, cha mẹ cần cho trẻ đi khám chuyên khoa để chữa trị kịp thời cũng như được sự hướng dẫn chăm sóc đặc biệt cho từng trường hợp.
Nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ trong những năm tháng đầu đời là điều hết sức quan trọng. Ngoài việc phải làm theo chỉ dẫn của bác sĩ bạn còn phải biết tự mình đánh giá đúng sự phát triển của trẻ, nhận ra những sai lệch dù là nhỏ nhất so với tiêu chuẩn. Muốn vậy, bạn phải hiểu tính quy luật cơ bản sự phát triển của trẻ trong những năm tháng đầu đời.
Các chỉ số chiều cao, cân nặng
Một trong những chỉ số quan trọng về sự phát triển thể lực là sự tăng cân bình thường. Trẻ sơ sinh khỏe mạnh trung bình cân nặng 3,1-3,4kg đối với bé trai, 3,0-3,2kg đối với bé gái. Trong 4-5 ngày đầu thường thì thể trọng các em bị sút 140-200g, đến ngày thứ 10-12 thì trở lại mức cũ.
Nếu thấy đứa trẻ chậm lên cân, thì có thể kiểm tra bằng cách tính đơn giản như sau: Lấy số tháng tuổi nhân với 600 trong nửa năm đầu và với 500 trong nửa năm sau rồi cộng với trọng lượng đứa trẻ lúc mới sinh. Con số thu được sẽ là trọng lượng cần có của đứa trẻ (tính bằng gam). Ví dụ, một em gái 5 tháng tuổi lúc sinh nặng 3.200g phải có trọng lượng 6.200g (3200+(5x600). Trong năm thứ hai mức tăng là 2,5-3,0kg, tức là trung bình mỗi tháng 200-250g. Năm thứ 3 tăng chậm hơn, chỉ khoảng 2-2,8kg trong cả năm.
Chỉ số chiều cao cũng là chỉ số không kém phần quan trọng. Trẻ sơ sinh cao khoảng 48-52cm, ngoài ra các em gái thấp hơn các em trai. Năm đầu trung bình tăng 25cm (3 tháng đầu mỗi tháng 3cm, 3 tháng tiếp theo tăng 2,5cm, rồi 3 tháng sau nữa tăng 1,5cm và từ tháng thứ 10 tăng 1cm mỗi tháng). Năm thứ 2 tăng chậm hơn - chỉ tăng 10-12cm, còn trong năm thứ 3 tăng khoảng 7cm. So với nam, các em gái tăng trọng và chiều cao chậm hơn.
Cần chú ý đến kích thước vòng đầu, vòng ngực và vòng bụng, bởi tỷ lệ giữa các chỉ số này nói lên tính cân đối của sự phát triển. Vòng đầu của trẻ sơ sinh trung bình là 34cm. Đến tháng thứ 6 tăng lên 42cm, 1 tuổi-46cm. Lúc 3 tuổi lên tới 48-49cm.
Vòng ngực của trẻ sơ sinh vào khoảng 32-34cm, ở các bé trai có vòng ngực thường lớn hơn ở các bé gái. Lúc một tuổi vòng ngực tăng 11-13cm, đạt con số trung bình 45-48cm; năm 3 tuổi là 51-52cm. Vòng bụng phải hơi nhỏ hơn vòng ngực. Nếu lớn hơn thì có nghĩa là bé phát triển không cân đối, có thể bị còi xương.
Hệ cơ xương
Tình trạng các hệ cơ, xương, cũng như sự nắm vững các kỹ xảo vận động là sự phát triển tâm lý có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển cân đối. Cha mẹ và những người lớn trong gia đình có thể có ảnh hưởng nhất định đến mọi điều trên.
Hệ cơ của trẻ nhỏ tương đối yếu. Trọng lượng các cơ chỉ chiếm 23-25% trọng lượng các cơ thể, trong khi ở người lớn là 42%. Đặc biệt các cơ tay chân phát triển kém, vì thế ngay từ những tháng đầu tiên cố gắng tăng cường hệ cơ của trẻ bằng các bài thể dục và xoa bóp (nhưng nhất thiết phải được bác sĩ cho phép).
Tư thế bình thường của trẻ sơ sinh: trẻ nằm co chân, co tay. Điều này có sự liên quan đến sự căng thẳng hơn mức bình thường của trương lực cơ sau khi sinh, sự căng thẳng này sẽ mất dần trong 2-4 tháng đầu. Sự căng các cơ làm nhiệm vụ co tay và chân biểu hiện mạnh hơn so với các cơ duỗi. Vì thế không nên cố gắng duỗi tay trẻ, khi 2-2,5 tháng tuổi và duỗi chân khi 3-4 tháng tuổi.
Bộ xương của trẻ yếu, mềm và tình trạng này kéo dài khá lâu. Vì thế phải rất thận trọng khi chăm sóc trẻ. Những tháng đầu xương sống hầu như thẳng. Những khúc cong hình thành dần dần trong lúc đứa trẻ lớn lên, khi trẻ bắt đầu biết giữ thẳng đầu, biết ngồi, biết đứng và biết đi; cần đổi tay khi bế trẻ để cột sống của nó khỏi bị cong.
Các cơ quan nội tạng
Não của trẻ sơ sinh còn chưa phát triển và không thể đáp ứng lại một cách hoàn chỉnh những kích thích từ bên ngoài. Vì thế các động tác của trẻ bao giờ cũng lộn xộn. Các động tác này chỉ được thay thế dần bằng các động tác ít nhiều được điều chỉnh: quay đầu và xoay người, tay nắm các đồ vật, ý định bò và ngồi, đứng dậy và cuối cùng là đi. Lúc đầu đó là những cử động phản xạ vô thức. Dần dần các cử động này được hoàn thiện và chuyển thành các kỹ năng vận động có ý thức.
Tim mạch bắt đầu hoạt động trước các hệ khác và phát triển sớm nhất. Tuy nhiên các sợi cơ tim còn rất mỏng, huyết áp thấp. Đặc điểm nổi bật của trẻ nhỏ là tim đập nhanh và nhịp tim tăng khi trẻ khóc hoặc vận động. Đường hô hấp của trẻ sơ sinh rất hẹp, thở nhanh; nhịp thở không ổn định, dễ tăng lên do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân khác nhau; tính cơ động của lồng ngực bị hạn chế do hệ cơ hô hấp yếu.
Cơ quan tiêu hóa của trẻ nhỏ có đặc điểm chủ yếu là thích nghi với việc tiêu hóa sữa mẹ. Dạ dày có thành tương đối mỏng, đáy chưa phát triển và môn vị rộng nên trẻ hay bị trớ. Sự phát triển kém của lớp cơ và sự đàn hồi trong thành ruột nên thường xảy ra các trường hợp bí đái tiện và trung tiện. Hoạt động của cơ quan nội tạng bảo đảm sự trao đổi chất và việc này góp phần thúc đẩy sự phát triển thể chất. Đồng thời lại giúp hoàn thiện hoạt động của hệ thần kinh và do đó hoàn thiện cả tâm lý.
Bạn hiểu gì về trẻ sơ sinh nhẹ cân? Có phải tất cả những trẻ nhẹ cân đều khó phát triển? Khi sinh ra bé nhẹ cân, bạn cần phải hiểu rõ tình trạng của bé để chăm sóc bé tốt hơn...
Thế nào là trẻ sơ sinh nhẹ cân?
Trẻ nhẹ cân là trẻ có cân nặng lúc sanh dưới 2.500gr. Trẻ có cân nặng lúc sanh giữa 1.000gr và 1.499gr gọi là trẻ rất nhẹ cân, và trẻ có cân nặng lúc sanh dưới 1.000gr là trẻ cực nhẹ cân.
Những trẻ này có thể đủ tháng hoặc non tháng, trẻ có thể bình thường hoặc có dị tật bẩm sinh đi kèm. Nguyên nhân gây nhẹ cân có thể do chậm phát triển trong tử cung hoặc không.
Các dạng trẻ nhẹ cân
Trẻ nhẹ cân được phân loại theo tuổi thai (trẻ nhẹ cân đủ tháng và trẻ nhẹ cân non tháng), theo sự cân đối (nhẹ cân cân đối và nhẹ cân không cân đối) và theo tình trạng suy dinh dưỡng (nhẹ cân có gầy mòn và không gầy mòn). Trẻ nhẹ cân dưới 37 tuần tuổi thai gọi là trẻ nhẹ cân non tháng. Trẻ nhẹ cân và không cân đối hoặc trẻ gầy mòn là những trẻ chỉ có cân nặng thấp, còn chiều cao và vòng đầu bình thường. Trẻ nhẹ cân cân đối là những trẻ giảm cả cân nặng, chiều cao và vòng đầu. Trẻ sinh đủ tháng nhẹ cân có thể cân đối hoặc không cân đối. Những trẻ non tháng nhẹ cân thường là nhẹ cân cân đối.
Quan sát trẻ nhẹ cân không cân đối sẽ thấy có sự khác biệt so với trẻ nhẹ cân cân đối. Trẻ nhẹ cân không cân đối bề ngoài trông gầy mòn, giảm mô dưới da, da nhăn, đầu to, móng dài, da khô tróc vẩy. Trẻ nhẹ cân cân đối thường có khe khớp sọ giãn, thóp trước rộng, chậm phát triển hành xương, trẻ lùn và vòng đầu nhỏ.
Những nguyên nhân làm trẻ nhẹ cân
Khả năng phát triển thai thay đổi cũng như việc cung cấp dinh dưỡng không đủ cho thai nhi chính là những nguyên nhân làm trẻ nhẹ cân. Ngoài ra, yếu tố di truyền, môi trường... cũng sẽ làm trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Mặc dù có rất nhiều yếu tố di truyền, về thai, dinh dưỡng, môi trường, về nhau - tử cung có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, nhưng trong một vài trường hợp, người ta không rõ nguyên nhân gây nhẹ cân. Những nguyên nhân gây nhẹ cân thường gặp là:
1. Khả năng phát triển thai thay đổi:
* Bất thường về di truyền.
* Dị tật bẩm sinh.
* Bất thường nhiễm sắc thể.
* Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.
* Nhiễm trùng trong tử cung.
* Tiếp xúc với chất gây ung thư hoặc thuốc.
* Rối loạn điều hòa nội tiết.
2. Cung cấp dinh dưỡng không đủ:
* Chức năng nhau không đủ.
* Đa thai.
* Sinh già tháng.
* Bất thường bánh nhau.
* Viêm bánh nhau (do vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng).
* Suy dòng máu qua bánh nhau hoặc giảm vận chuyển oxy.
* Mẹ bị sản giật.
* Mẹ bị tiểu đường, cao huyết áp, bệnh thận.
* Sống trên vùng cao.
* Mẹ hút thuốc lá.
Sự tăng trưởng thai trong 3 tháng đầu, 3 tháng giữa thai kỳ chủ yếu bị ảnh hưởng bởi khả năng phát triển liên quan đến di truyền của thai. Nhiễm trùng trong tử cung hoặc tiếp xúc độc chất (như chì) xảy ra trong giai đoạn phân chia tế bào có thể làm thay đổi khả năng phát triển liên quan đến di truyền của thai. Trẻ sinh ra từ bà mẹ có điều trị thuốc (Hydantoin, thuốc chống chuyển hóa, hoặc thuốc có cocain, heroin, alcohol) thường bị chậm phát triển.
Quá trình tăng trưởng của thai trong 3 tháng cuối ảnh hưởng chủ yếu bởi sự cung cấp dinh dưỡng qua nhau. Do đó, chúng có thể bị ảnh hưởng bởi chức năng của bánh nhau, sự thay đổi mạch máu tử cung hoặc cả hai. Chức năng bánh nhau không đầy đủ có thể do nhồi máu bánh nhau, u mạch máu, thuyên tắc mạch máu, dây rốn bất thường, nhau bong non.
Hãy chú ý đến các bệnh lý của mẹ: sản giật, tiểu đường, cao huyết áp, thận... có thể làm thai chậm phát triển.
Các bệnh lý của mẹ gây thay đổi mạch máu như: sản giật, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh thận có thể gây giảm lưu lượng máu tử cung - bánh nhau và làm thai chậm phát triển. Tình trạng mẹ mập, ốm ít ảnh hưởng đến sự phát triển thai. Tuy nhiên, năng lượng bà mẹ nhận trong thai kỳ có liên quan đến sự tăng cân của mẹ, của bánh nhau và cân nặng của trẻ. Bà mẹ mang thai hút thuốc lá sẽ làm giảm rõ rệt cân nặng lúc sanh của trẻ (có thể giảm cả chiều cao và vòng đầu). Nguyên nhân có thể do áp lực của khí CO (carbon monoxide) đối với Hemoglobin cao hơn oxy, gây thiếu oxy máu thai và do tác động gây co mạch tử cung của nicotine.
Những tình trạng làm thay đổi khả năng phát triển thai hoặc gây giảm phát triển thai sớm (trước 34 tuần thai) làm giảm cả cân nặng, chiều cao và vòng đầu. Tuy nhiên, những tình trạng gây giảm cung cấp dinh dưỡng của thai hoặc giảm tưới máu tử cung - bánh nhau thường ảnh hưởng đến cân nặng trước (gây nhẹ cân không cân đối)
Hầu hết trẻ nhẹ cân cân đối không tìm được nguyên nhân, còn trẻ nhẹ cân không cân đối thường có nguyên nhân do mẹ bị sản giật, cao huyết áp.
Chức năng trẻ nhẹ cân có gì thay đổi?
Tỷ lệ nhẹ cân ở các nước đang phát triển cao hơn ở các phát triển. Một số nơi, trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 2.500gr chiếm tỷ lệ hơn 10%. Trong nhóm nhẹ cân, trẻ đủ tháng chiếm từ 17-80%.
Trẻ nhẹ cân có sản phẩm nitrogen trong máu cao như ammonia, urea và acid uric, chứng tỏ có tăng dị hóa protein. Những trẻ này có rối loạn tân tạo glucose và phân hủy glycogen. Do đó, trẻ có khuynh hướng hạ đường huyết kéo dài trong nhiều tuần. Ở bào thai suy dinh dưỡng, tim, phổi, thận to hơn trẻ bình thường ở cùng cân nặng, trong khi lách, gan, thượng thận, tuyến ức thì nhỏ. Dự trữ glycogen trong tim và gan giảm, sợi cơ tim nhỏ hơn bình thường.
Tỷ lệ nhẹ cân ở các nước đang phát triển cao hơn ở các phát triển. Một số nơi, trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 2.500gr chiếm tỷ lệ hơn 10%. Trong nhóm nhẹ cân, trẻ đủ tháng chiếm từ 17-80%.
Điều trị bệnh lý mẹ lúc mang thai, theo dõi sự phát triển thai có thể giúp giảm tỷ lệ trẻ nhẹ cân.
Trẻ nhẹ cân và nguy cơ tử vong
Các vấn đề thường gặp ở trẻ nhẹ cân là ngạt, viêm phổi, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, đa hồng cầu, những bệnh lý do dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng bào thai.
Nguyên nhân chính gây tử vong là ngạt. Trẻ chậm phát triển càng nặng thì tỷ lệ thai lưu, hạ đường huyết, hạ calci/máu, da hồng cầu càng tăng đáng kể.
Trong nhóm trẻ chậm phát triển nặng, hầu hết là trẻ nhẹ cân không cân đối.
Sự phát triển của trẻ nhẹ cân sau khi sinh cũng sẽ đặc biệt hơn trẻ bình thường. Trẻ có những thay đổi trong thành phần cơ thể và sự phát triển thần kinh bị hạn chế.
Trẻ nhẹ cân cân đối thường bị tổn thương khả năng tăng trưởng từ giai đoạn đầu của bào thai. Còn trẻ nhẹ cân không cân đối bị tổn thương khả năng tăng trưởng chỉ trong giai đoạn ngắn ở cuối thai kỳ. Do đó, trẻ nhẹ cân không cân đối thường có dự hậu tốt hơn.
Sự phát triển sau sanh: Đa số trẻ nhẹ cân sẽ tăng trưởng nhanh, bắt kịp trẻ bình thường trong 3-6 tháng đầu sau sanh. Tuy vậy, sau giai đoạn nhũ nhi, lúc 15-18 tháng tuổi và có thể kéo dài tới 7 tuổi, trẻ nhẹ cân sẽ có cân nặng, chiều cao và vòng đầu nhỏ hơn trẻ bình thường. Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng chậm phát triển trong tử cung có ảnh hưởng lâu dài đến sự tăng trưởng của trẻ.
Trẻ nhẹ cân không cân đối dễ phát triển sau sinh hơn trẻ nhẹ cân cân đối.
Những thay đổi trong thành phần cơ thể: Khi so sánh trẻ sinh non nhẹ cân và trẻ sinh non đủ cân cùng cân nặng, người ta thấy sự tăng cân của trẻ nhẹ cân bao gồm: tăng nước nhiều hơn, và tăng chất béo, chất đạm ít hơn trẻ đủ cân.
Sự phát triển thần kinh: Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy trẻ nhẹ cân có chỉ số thông minh kém hơn trẻ đủ cân. Ở lứa tuổi học đường, trẻ nhẹ cân có chỉ số thông minh, chỉ số phối hợp nhìn, vận động, phối hợp động tác kém, khó tập trung. Trẻ nhẹ cân sinh ra từ các bà mẹ cao huyết áp, thường có đầu nhỏ hoặc vấn đề chậm phát triển thần kinh nhiều hơn trẻ đủ cân. Trẻ chậm phát triển trong tử cung có tỷ lệ chậm phát triển tâm thần cao, không có khả năng học tập lúc 12-14 tuổi.
Tóm lại, sự hiểu biết về căn nguyên, kiểu tăng trưởng, sự phát triển thần kinh tâm lý của trẻ nhẹ cân có vai trò rất quan trọng đối với cả nhân viên y tế và các bậc cha mẹ, để từ đó chúng ta biết cách chăm sóc và tạo những điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển bình thường.
Những câu hỏi thường gặp khi chăm sóc bé sơ sinh
1. Cân nặng và chiều cao của trẻ sơ sinh là bao nhiêu thì được coi là bình thường?
Đối với trẻ sơ sinh đủ tháng (không dưới 40 tuần mang thai), trọng lượng cơ thể dao động trong khoảng từ 3,2-3,8 kg (trung bình là 3,5 kg), chiều cao 5053 cm (trung bình là 51 cm) được coi là bình thường. Trọng lượng cơ thể và chiều cao của trẻ sơ sinh có thể ít hơn mức này nếu trẻ đẻ thiếu tháng hoặc do mẹ có hút thuốc lá, uống rượu.
2. Con tôi bị đẻ thiếu tháng. Tại sao lại như vậy? Liệu những đứa con sau này cũng bị đẻ thiếu tháng không?
Có nhiều nguyên nhân gây đẻ non: Sức khỏe của người mẹ, chế độ ăn uống khi có thai, lứa tuổi của người mẹ, tư thế và sức khỏe của bào thai, các yếu tố về mặt di truyền. Đẻ non cũng có thể xảy ra đối với những phụ nữ đẻ nhiều lần, có cổ tử cung không phát triển đầy đủ, bị u xơ, bị nhiễm độc sau tháng thứ 4.
Một số phụ nữ sinh lần thứ hai cũng vẫn bị đẻ non. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần phải gặp bác sĩ phụ sản để xác định rõ nguyên nhân gây ra đẻ non, tiến hành điều trị và chỉ sau đó mới quyết định có nên tiếp tục mang thai hay không.
3. Hiện tượng trẻ bị sụt cân ngay sau khi sinh liệu có bình thường không? Nếu bình thường thì sụt cân bao nhiêu là vừa đủ?
Hiện tượng trẻ bị sụt cân sau khi sinh là hoàn toàn bình thường. Trong cơ thể của trẻ sơ sinh có rất nhiều nước, chiếm tới 35% trọng lượng cơ thể trẻ. Trong vòng 3-5 ngày đầu tiên sau khi sinh, trung bình trẻ sụt khoảng 100200 g nước thừa.
4. Mỗi tháng, trẻ tăng cân bao nhiêu là đủ? Trẻ thường cao lên thêm bao nhiêu sau mỗi tháng?
Để kiểm tra xem trẻ có phát triển bình thường không, có thể căn cứ vào các chỉ số sau:
-Trẻ đẻ đủ tháng mỗi tháng tăng trung bình khoảng 600 g. Tháng thứ 2 và tháng thứ 3 tăng khoảng 800 g. Trong những tháng tiếp theo, mức tăng sẽ giảm 50 g so với tháng trước đó. Chẳng hạn như ở tháng thứ tư, sự tăng cân của trẻ sẽ là 800 g trừ 50 g, có nghĩa là 750 g.
-Về chiều cao, trong 3 tháng đầu, mức tăng trung bình là khoảng 3 cm mỗi tháng. Ở độ tuổi 3-6 tháng, mức tăng là 2,5 cm/tháng. Từ 6 đến 9 tháng: 1,5
- 2 cm/tháng; từ 9 đến 12 tháng: 1-1,5 cm. Như vậy, sau một năm, chiều cao của trẻ tăng khoảng 25 đến 27 cm, đạt mức 75-78 cm. Chiều cao của các cháu gái trong năm đầu tiên thường ít hơn so với các cháu trai khoảng 1,5 cm.
5. Việc sử dụng dầu hướng dương để làm mềm da cho trẻ sơ sinh có hại gì không?
Không, hòan toàn vô hại; nhưng nói chung trẻ sơ sinh chưa cần tới bất cứ loại kem hoặc loại dầu bôi nào cả. Người ta thường dùng dầu khi trẻ bị hăm hoặc khi da trẻ bị nẻ. Trước khi dùng dầu hướng dương, cần phải tiệt trùng bằng cách đổ dầu vào các lọ nhỏ (50 ml), đậy nắp, sau đó để vào nồi đun sôi trong vòng 30 phút. Mỗi lọ dầu như vậy có thể dùng trong khoảng 1 tuần.
6. Khi mới sinh ra, khắp cơ thể con tôi có những lông tơ nhỏ và sáng màu. Liệu chúng có mất đi được không?
Nhiều đứa trẻ sơ sinh có lông tơ bao phủ khắp thân thể. Chuyện đó không có gì đáng ngại cả, vì lông tơ sẽ mất đi trong vòng vài tuần sau đó.
7. Cần bao nhiêu lâu để đứa trẻ sơ sinh bù đắp lại trọng lượng cơ thể mà trẻ bị mất đi sau khi sinh?
Thường thì những đứa trẻ đẻ đủ tháng, khỏe mạnh có thể lấy lại trọng lượng ban đầu sau 2 tuần. Nếu nuôi trẻ bằng sữa bò thì chỉ sau 5 ngày là trẻ có thể lấy lại mức cân như cũ. Còn những trẻ bú mẹ cần phải mất một tuần hoặc lâu hơn nữa.
Những đứa trẻ sơ sinh đẻ thiếu tháng hoặc bị bệnh thì việc bù đắp lại trọng lượng ban đầu của cơ thể chậm hơn. Những trẻ sinh quá tháng thì hầu như không bị sụt cân mà bắt đầu tăng cân ngay từ lúc mới sinh.
8. Các bác sĩ nhi khoa thường hay đo vòng đầu của trẻ để làm gì?
Việc đo vòng đầu của trẻ cho phép tiến hành kiểm tra một cách gián tiếp sự tăng trọng lượng của bộ não trẻ và quá trình tuần hoàn của các chất lỏng trong não. Lần đo vòng đầu thứ nhất được coi là khởi điểm để có thể so sánh với những lần đo sau, nhằm phát hiện sự phát triển quá nhanh hoặc quá chậm vòng đầu của trẻ. Ở những đứa trẻ khỏe mạnh, vòng đầu tăng khoảng 1-1,5 cm mỗi tháng.
9. Có phải trẻ 1 năm tuổi phải tăng cân gấp 3 lần so với trọng lượng lúc mới sinh ra không?
Thường thì đến 5 tháng tuổi, cân nặng của trẻ phải tăng gấp đôi và đến 1 năm tuổi phải tăng gấp 3 so với trọng lượng lúc mới sinh, đạt mức khoảng 10-11 kg. Vào khoảng 6 tháng tuổi, các bé gái thường nhẹ hơn các bé trai khoảng 200-400 g và đến 1 năm tuổi, các bé trai thường nặng hơn các bé gái cùng tuổi khoảng 400-600 g.
10. Những chỗ mềm trên đầu trẻ là cái gì? Cần phải thận trọng với các chỗ mềm đó tới mức nào?
Người ta thường gọi những chỗ mềm trên đầu trẻ là các thóp. Đó là những phần còn lại của màng xương kết với các xương sọ. Nhờ màng xương này mà đầu của bào thai có thể chui qua âm đạo ra ngoài nhờ có sự co bóp và đẩy. Thóp lớn phía trước nằm ở chỗ nối giữa xương trán với xương đỉnh đầu, có hình đồng xu với kích thước khoảng 2,5 x 2,5 cm (kích thước của thóp này khác nhau ở mỗi trẻ. Thóp bình thường có tính đàn hồi; khi trẻ kêu khóc, có thể nó hơi phồng lên. Dùng ngón tay chạm vào thóp của trẻ, ta có thể nhận biết được nhịp đập.
Thóp là một hiện tượng hết sức bình thường. Không nên quá lo sợ cho thóp của trẻ, chỉ cần cẩn thận khi chăm sóc cho trẻ là đủ.
11. Khi nào thì thóp ở trên đầu trẻ liền lại?
Ở những đứa trẻ phát triển bình thường, thóp nhỏ liền lại trong khoảng từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 4; thóp lớn liền lại khi trẻ được 12 đến 18 tháng. Có tới 80% trẻ đẻ đủ tháng đã liền các thóp này ngay trước khi ra đời.
Nếu thóp của trẻ liền lại chậm hơn thời gian nói trên, cần cho trẻ tới bác sĩ nhi khoa khám.
12. Thóp của con tôi rất bé, lẽ nào nó có thể liền lại nhanh đến thế sao?
Một số trẻ sinh ra có thóp rất bé (kích thước 0,3 x 0,5 cm). Nguyên nhân có thể là:
-Quá trình trao đổi muối trong bào thai bị rối loạn.
-Có các rối loạn khác về nội tiết.
-Người mẹ dùng quá nhiều canxi hoặc các vitamin trong thời kỳ mang thai.
Những đứa trẻ sinh ra có thóp lớn quá nhỏ cần được theo dõi đặc biệt về tốc độ phát triển của vòng đầu hoặc được khám định kỳ thường xuyên ở bác sĩ thần kinh.
13. Thóp của con tôi bị lõm xuống và có nhịp đập mạnh. Liệu điều đó có bình thường không?
Thóp có thể bị lõm xuống khi trẻ ở tư thế thẳng đứng và đặc biệt là khi trẻ bị thiếu nước. Nhịp đập của thóp là do máu đẩy từ tim lên não của trẻ sau mỗi một lần co bóp tạo nên. Thóp thường đầy lên và đập mạnh khi trẻ kêu khóc hoặc gắng sức làm một việc gì đó.
14. Đứa con mới sinh của tôi ngủ hầu như suốt cả ngày. Liệu điều đó có bình thường không?
Điều đó là hoàn toàn bình thường; vì trẻ sơ sinh trong những tuần lễ đầu tiên thường ngủ tới 20 tiếng trong một ngày. Trẻ chỉ tỉnh dậy vào những lúc ăn.
15. Tại sao núm vú đứa con mới sinh của tôi lại hơi bị sưng lên?
Hầu hết những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh đều có các phản ứng hoóc môn, thường gọi là "sự dị ứng hoóc môn". Phản ứng này có ở tất cả các bé và là phản ứng đáp lại đối với các hoóc môn tình dục được tiết từ rau thai của mẹ vào cơ thể chúng. Sự sưng tấy nhẹ ở các tuyến vú của trẻ có thể kéo dài trong 2-3 tuần. Thường thì sự sưng tấy này không gây khó chịu cho trẻ và sẽ tự mất đi mà không cần phải điều trị. Ở những đứa trẻ thiếu tháng thường ít xảy ra các phản ứng hoóc môn.
16. Sau khi ra đời, trên đầu con tôi có các vệt xanh và một phần đầu bị sưng lên. Đến bao giờ thì đầu cháu sẽ trở lại trạng thái bình thường?
Do gặp khó khăn trong lúc chui ra ngoài trên đầu trẻ có thể bị xuất huyết dưới da (các vệt xanh) và nặng hơn là hiện tượng u máu đầu. Các vệt xanh trên đầu trẻ sẽ mất đi khoảng 5-7 ngày sau khi sinh, để lại các vết màu sẫm nhạt hoặc màu vàng. Da trên các u máu đầu sẽ không thay đổi về màu sắc, các u máu này có thể nằm trên đỉnh đầu, một bên đầu hoặc hai bên đầu. Hiện tượng u máu đầu sẽ mất đi chậm hơn (khoảng 1-2 tháng). Khi đặt trẻ vào giường hoặc bế trẻ trên tay, cần chú ý không để các bọc máu đầu bị chấn thương. Thường xuyên theo dõi trẻ, nếu các u máu không lặn đi, phải đưa trẻ tới khám bác sĩ ngoại khoa.
17. Tốt nhất nên đặt trẻ ngủ ở tư thế nào, nằm ngửa, nằm sấp hay nằm nghiêng?
Tốt nhất là nên đặt trẻ nằm nghiêng, luân phiên nằm nghiêng bên phải rồi bên trái và ngược lại. Ở tư thế này, trẻ sẽ đỡ bị sặc nếu nó trớ sữa ra. Dưới má trẻ, có thể đặt một mảnh giấy hoặc một mảnh vải mềm để lót.
18. Ở bẹn của con tôi có cái gì cưng cứng? Đó là cái gì vậy?
Nguyên nhân làm xuất hiện các cục cứng ở bẹn của trẻ sơ sinh có thể là:
-Các thanh dịch còn đọng lại ở tuyến dịch, chưa xuống hết được tinh hoàn của bé trai. Điều này sẽ cản trở việc di chuyển của thanh dịch theo các tuyến bạch hạch. Người ta gọi hiện tượng đó là tràn dịch tinh mạc. Đa số các trường hợp tràn dịch tinh mạc tự mất đi, không cần phải điều trị. Nhưng nếu tràn dịch phát triển thành thoát vị thì cần phải tiến hành phẫu thuật để giải quyết.
-Các bạch hạch phồng lên: Nếu nó không có liên quan tới các bệnh viêm nhiễm khác thì hoàn toàn vô hại và không cần phải điều trị.
-Thoát vị bẹn do có đột biến trong sự phát triển của thành bụng dưới, dẫn tới các đoạn nối và ruột bị lồi ra tận vùng bẹn. Trong trường hợp này cần phải tiến hành phẫu thuật.
19. Vòng đầu của con tôi trong 1 tháng to ra thêm 4 cm. Tại sao vòng đầu phát triển nhanh đến như vậy?
Vòng đầu của trẻ phát triển quá nhanh là điều đáng lo ngại. Thường đó là hiện tượng tràn dịch não hoặc biểu hiện của còi xương. Vì vậy cần phải cho trẻ đến bác sĩ nhi khoa khám gấp.
20. Cần phải rửa ráy cho các bé gái như thế nào?
Nếu rửa ráy cho các bé gái bằng vòi hoa sen thì hướng tia nước hơi thấp xuống dưới, phía hậu môn. Cũng có thể dùng bông thấm nước rửa bộ phận sinh dục của bé gái, sau đó rửa hậu môn và các vùng xung quanh. Nếu dùng bông rửa một lần chưa sạch thì thay bông và rửa lại cho trẻ. Khi mặc cho trẻ quần áo hoặc tã lót, phải kiểm tra xem có chặt quá không, nên chọn các loại vải bông mềm làm tã lót. Để tránh cho trẻ khỏi bị hăm, có thể dùng dầu hướng dương đã tiệt trùng hoặc kem trẻ em bôi vào bẹn và mông của trẻ.
21. Rốn của con tôi có mùi hôi và chảy mủ. Vậy cần phải làm gì?
Cần phải cho trẻ đến bác si nhi khoa khám, chắc rốn của con bạn đã bị viêm nhiễm.
22. Mọi người nói rằng con tôi bị thoát vị rốn. Liệu cháu có phải mổ rốn không?
Trước hết, cần phải hiểu rằng, thoát vị rốn khác với các dạng thoát vị khác ở chỗ nó không có túi thoát vị (nơi mà các cơ quan nội tạng có thể chui vào đó). Thực chất, thoát vị rốn là có vòng rốn trong thành khoang bụng, một hiện tượng xuất hiện khi các thành trong khoang bụng không dính sát được vào với nhau. Khi đứa trẻ cố sức hoặc kêu khóc, áp suất trong khoang bụng tăng lên, làm cho rốn bị phồng. Mới nhìn, có thể có cảm giác trẻ bị đau đớn, mặc dù thực ra trẻ không bị đau đớn gì cả.
Việc có cần phải mổ rốn của trẻ hay không phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Nếu như đường kính của lỗ thoát vị rốn không lớn hơn 1,5-2 cm thì chúng sẽ tự liền lại. Thường lỗ thoát vị rốn sẽ liền lại trong khoảng từ 12 đến 24 tháng. Để đẩy nhanh quá tình liền lại của lỗ thoát vị, hằng ngày nên làm các động tác mát xa nhẹ thành bụng của trẻ và đặt nằm sấp.
Tới 18 tháng tuổi mà lỗ thoát vị rốn vẫn không liền lại cũng không cần phải mổ rốn trẻ. Nhưng nếu lỗ rốn quá to thì cách tốt nhất là đưa trẻ tới bác sĩ khâu lỗ rốn lại và cắt bỏ các phần da thừa của rốn.
23. Con tôi bị thoát vị rốn. Khi nó khóc, lỗ thoát vị mờ rộng, phồng lên. Điều đó có bình thường hay không?
Chứng thoát vị rốn rất hay gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ đẻ thiếu tháng. Mọi hành động (kêu, khóc, ho, cố sức) đều làm cho áp suất trong khoang bụng tăng lên, làm phồng lỗ thoát vị. Thoát vị rốn thường không làm cho trẻ bị đau đớn. Vì vậy, việc băng lỗ thoát vị lại cũng chẳng giúp ích gì, chỉ làm cho làn da còn rất mỏng của trẻ dễ bị tổn thương mà thôi. Thường thì lỗ thoát vị rốn liền lại khi trẻ được 2 tuổi. Nếu đến 5 tuổi mà lỗ thoát vị vẫn chưa liền lại thì phải cần có sự can thiệp về mặt phẫu thuật.
24. Có người khuyên tôi nên đặt một đồng xu vào lỗ thoát vị ở rốn. Liệu có nên làm như vậy không?
Không nên, vì đa số các lỗ thoát vị rốn sẽ tự liền lại khi trẻ được 1-2 tuổi. Việc bạn để đồng xu lên rốn trẻ có thể sẽ gây tổn thương hoặc làm cho rốn của trẻ bị nhiễm trùng. Điều đó sẽ rất nguy hiểm.
25. Lỗ thoát vị ở rốn của con tôi thường xuyên phồng lên, trước đây chỗ này chỉ phồng lên khi cháu kêu khóc. Nguyên nhân là do đâu?
Theo các triệu chứng kể trên thì con của bạn đã bị mắc bệnh còi xương. Điều đó làm cho thành ở cơ bụng bị yếu đi và hiện tượng đầy hơi trong ruột xuất hiện, có nghĩa là lỗ thoát vị ở rốn sẽ hay phồng lên hơn.
26. Cần phải chăm sóc rốn của trẻ sơ sinh như thế nào?
Sau khi đón trẻ từ nhà hộ sinh về, cần chăm sóc trẻ theo trình tự sau: Rửa sạch tay bằng xà phòng, sau đó lấy một que diêm bẻ đầu, quấn bông vào rồi tẩm dung dịch thuốc tím 5%, bôi vào thẳng vào giữa vết cắt rốn (chứ không phải xung quanh rốn). Nếu vết cắt rốn rộng và có mùi hôi thì không nên tắm cho trẻ.
Hằng ngày, cần chăm sóc rốn của trẻ. Các băng dùng băng rốn cho trẻ cần phải giặt qua nước sôi và được là kỹ.
27. Khi đẻ, con tôi bị dây rốn quấn quanh cổ. Làm thế nào để biết điều đó có ảnh hưởng tới não của cháu hay không?
Hiện tượng dây rốn quấn quanh cổ thường không gây tổn thương gì cho não của trẻ cả vì các bà đỡ sẽ phát hiện ra ngay và sẽ có cách giúp đỡ. Nếu dây rốn quấn quanh cổ quá chặt, trẻ có thể bị thiếu ôxy. Nên cho trẻ đi khám bác sĩ thần kinh nếu sau khi sinh thấy có các biểu hiện: hay lo lắng, ngủ không yên giấc, hoặc bị co giật ở dưới cằm, run tay, run chân. Cần kể cho bác sĩ về các triệu chứng hoặc những thay đổi trong tính cách của trẻ.
28. Con tôi khi đẻ ra cân nặng tới 5 kg. Người ta nói rằng đó là do tôi quá béo. Liệu điều đó có đúng không?
Đúng là như vậy. Ngày nay, người ta đã chứng minh được rằng những phụ nữ mắc bệnh béo phì hay bệnh tiểu đường thường sinh ra những đứa trẻ có trọng lượng cơ thể cao gấp 2 lần so với những trẻ bình thường. Điều này cũng có thể đúng với những phụ nữ béo ra quá nhiều trong thời kỳ mang thai. Việc theo dõi các trường hợp như trên cần phải được tiến hành ở nhà hộ sinh, dưới sự giám sát của các bác sĩ nội tiết.
29. Một bên mắt của con tôi bị chảy nước rất nhiều. Liệu có phải lo ngại về chuyện đó không?
Con bạn đã bị viêm, nhiễm trùng mắt hoặc bệnh kết mạc. Một nguyên nhân khác làm cho nước mắt chảy là tuyến dẫn lệ bị tắc do viêm nhiễm. Cần phải đưa trẻ tới bác sĩ mắt để khám.
30. Nên ngoáy tai cho trẻ sơ sinh như thế nào?
Cần phải hết sức thận trọng khi chăm sóc tai cho trẻ sơ sinh, tốt nhất chỉ nên dùng bông ướt để lau vành trong và vành ngoài của tai trẻ. Chưa nên ngoáy sâu vào tai trong của trẻ.
31. Việc dùng que tăm quấn bông để ngoáy mũi cho trẻ có gây nguy hiểm gì không?
Không nên dùng que diêm hoặc các loại que khác để ngoáy mũi cho trẻ vì bông quấn ở đầu que có thể sẽ bị mắc lại trong mũi trẻ và que có thể gây tổn thương cho niêm mạc mũi. Tốt nhất là dùng các que bông làm sẵn xoay tròn trong lỗ mũi trẻ. Nếu lỗ mũi trẻ khô và có gỉ mũi thì nên nhỏ trước vào mũi trẻ 1 giọt dầu hướng dương đã tiệt trùng, sau đó mới ngoáy mũi cho trẻ.
32. Con tôi thở bằng mũi rất khó nhọc. Có người khuyên nên nhỏ sữa vào mũi cháu. Việc đó có giúp được gì không?
Không nên làm như vậy vì sữa sẽ tạo ra một màng sữa trong mũi, nó sẽ khiến cho trẻ càng khó thở qua mũi hơn. Cách tốt nhất là tăng số lần làm vệ sinh mũi cho trẻ.
33. Có nên lau mắt cho trẻ hằng ngày không?
Nên lau mắt cho trẻ hằng ngày bằng bông ướt. Lau quanh hốc mắt, đuôi mắt của trẻ.
34. Con tôi thích nằm lệch đầu hẳn sang một bên. Liệu điều đó có bình thường không?
Trẻ lệch đầu về một bên có thể do các tật ở cổ (vì các cơ và dây chằng ở cổ bị lệch) hoặc do một đốt nào đó trong cột sống bị vẹo. Cần cho trẻ tới bác sĩ chỉnh hình để khám.
Nhưng nếu trẻ nằm lệch sang một bên không nhiều lắm thì có thể khắc phục bằng cách quay đầu trẻ sang bên đối diện, hoặc có thể cho trẻ nằm sấp để đổi tư thế một vài lần trong ngày.
35. Đứa con mới đẻ của tôi có một ngón tay thừa. Đến bao giờ thì có thể cắt bỏ ngón tay này?
Nếu ngón tay thừa đó nối với bàn tay bằng các túi da thì các bác sĩ phụ sản có thể cắt bỏ ngay sau khi đứa trẻ mới sinh. Còn trong các trường hợp khác, vấn đề thời gian, phương pháp cắt bỏ đều do bác sĩ ngoại khoa nhi xem xét và quyết định.
36. Sau khi đẻ, tôi không được xuất viện ngay vì con tôi bị bệnh vàng da. Vậy nguyên nhân của bệnh này là gì?
Bệnh vàng da là căn bệnh rất hay gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân gây ra bệnh này là do chất Bilirubin tập trung quá nhiều trong các mô và máu của trẻ sơ sinh. Chất Bilirubin là các sắc thể có màu vàng đỏ, do sự phá hủy của các huyết tố cấu tạo thành. Vì chất này tập trung với số lượng lớn ở da nên da có màu vàng. Lúc này, lượng Bilirubin trong máu cũng tăng nhanh. Ở mức độ bình thường, Bilirubin không gây tác hại gì đối với sức khỏe cả. Nhưng nếu lượng Bilirubin cao quá mức cho phép, nó có thể chạy lên não và làm tê liệt các tế bào của hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, khi trẻ sơ sinh bị bệnh vàng da, cả mẹ và con sẽ phải ở lại nhà hộ sinh hoặc khoa chuyên để theo dõi lượng chất Bilirubin có trong máu.
37. Con tôi bị bệnh vàng da. Tại sao cháu phải thường xuyên nằm dưới đèn huỳnh quang?
Đối với một số trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh, dưới tác động của một số tia khác nhau, lượng chất Bilirubin tập trung ở trong máu của trẻ sẽ bị chuyển hóa thành dạng khác, không gây hại gì cho hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Người ta gọi phương pháp điều trị đó là liệu pháp ảnh. Trẻ bị vàng da sẽ được đèn huỳnh quang có tia cực xanh chiếu vào, làm thay đổi lượng Bilirubin trong máu. Thường thì liệu pháp ảnh này được tiến hành trong khoảng 2-3 ngày hoặc lâu hơn.
38. Mức cân tối thiểu khi xuất viện đối với trẻ sơ sinh là bao nhiêu?
Trẻ sơ sinh nặng dưới 2 kg sẽ không được xuất viện sau khi sinh. Thường đó là các trẻ đẻ thiếu tháng. Những đứa trẻ này sẽ được chuyển vào các khu đặc biệt có các điều kiện riêng để chăm sóc.
39. Da của con tôi bị vàng, liệu có đáng ngại lắm không?
Cũng cần phải lo ngại vì nguyên nhân gây vàng da có thể là một căn bệnh nghiêm trọng khác (chẳng hạn như sự khác biệt về nhóm máu giữa mẹ và con, sự rối loạn chức năng của gan, tuyến tụy chậm phát triển hoặc viêm gan).
Nhiều trẻ sơ sinh có hiện tượng vàng da sau 2-3 ngày ra đời, đó là vàng da sinh lý, sẽ mất đi sau 7-10 ngày. Đối với những trẻ đẻ thiếu tháng, thời kỳ vàng da có thể kéo dài tới 3 tuần. Nếu bệnh vàng da tiếp tục phát triển hoặc tái phát thì cần đưa trẻ tới bác sĩ khám và hỏi ý kiến.
40. Tại sao trẻ đẻ thiếu tháng lại phải nuôi trong lồng kính?
Nhiều trẻ đẻ thiếu tháng, đặc biệt là những trẻ thiếu cân không thể tự giữ được thân nhiệt của mình và cần được sưởi ấm thêm. Vì vậy, người ta thường đưa trẻ thiếu tháng vào các lồng kính nhân tạo có các điều kiện đặc biệt để sưởi ấm cho trẻ.
Trong các lồng kính, nhiệt độ tự điều chỉnh trong khoảng từ 33-38 độ C; độ ẩm 85-100%; tỷ lệ ôxy là 33-66%. Việc chăm sóc trẻ được thực hiện bằng các ống đặc biệt hoặc dùng tay.
41. Đứa con mới đẻ của tôi có tiếng tim đập rất to. Liệu điều đó có nghiêm trọng lắm không?
Con của bạn cần được kiểm tra kỹ lưỡng về mặt sức khỏe để phát hiện nguyên nhân khiến tiếng tim đập to. Nếu đó là do các dị tật của tim gây ra thì rất nguy hiểm.
42. Vùng da xung quanh móng tay của con tôi bị tấy đỏ và sưng lên. Liệu có nguy hiểm không?
Không, căn cứ vào các triệu chứng, có thể đoán con bạn bị viêm móng. Cần đưa trẻ tới bác sĩ ngoại khoa để khám và điều trị.
43. Đứa con 9 tháng của tôi bị các vết ban màu hơi vàng ở cổ và nách. Điều đó có bình thường không?
Đó là căn bệnh truyền nhiễm viêm mủ da. Cần phải rạch các bọng mủ dưới da và làm vệ sinh chỗ đó. Việc này phải do bác sĩ hoặc y tá thực hiện.
44. Đứa con mới sinh của tôi rất hay bị nấc. Điều đó có nguy hiểm không và làm thế nào để trẻ hết nấc?
Nấc không gây nguy hiểm gì cho trẻ cả. Nấc có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, chẳng hạn do một phần thức ăn trong dạ dày truyền xuống đường tiêu hóa. Cách tốt nhất giúp trẻ khi trẻ bị nấc là cho bú một ít sữa mẹ hoặc cho uống nước lọc. Nếu như không hết nấc, hãy hỏi ý kiến của các bác sĩ nhi khoa.
45. Thân nhiệt của trẻ sơ sinh ở mức độ nào thì được coi là bình thường?
Nhiệt độ cơ thể của trẻ sơ sinh (đo ở nách) được coi là bình thường nếu ở khoảng 36,5-36,8 độ C.
46. Nhiệt độ trong phòng ở của trẻ sơ sinh là bao nhiêu thì được coi là vừa đủ?
Những trẻ sơ sinh đẻ đủ tháng đã xuất viện cần được ở trong phòng có nhiệt độ 22-24 độ C. Đối với những trẻ đẻ thiếu tháng, nên giữ nhiệt độ trong phòng ở mức 24-26 độ C.
47. Các cây cảnh để trong phòng có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ sơ sinh không?
Không, không hề có hại. Nhưng bạn cũng đừng nên quên rằng trẻ tiếp xúc thường xuyên với một số cây cảnh có thể bị các phản ứng do dị ứng, viêm da hoặc nhiễm độc.
Nếu trẻ sơ sinh có sự nhạy cảm cao đối với phấn hoa thì rất dễ bị dị ứng phấn hoa của những loại hoa nở trong phòng. Vì vậy, nên để trẻ sơ sinh tránh xa các loại cây cảnh để trong phòng.
48. Khi đứa con mới đẻ của tôi thở, cả lồng ngực và cơ bụng của nó nâng lên và hạ xuống. Có phải cháu bị khó thở không?
Không, không phải do trẻ khó thở. Vì khi thở, có 2 loại cơ hoạt động: cơ giữa các xương sườn và cơ hoành (ngăn cách khoang bụng với lồng ngực). Khi trẻ hít vào, lồng ngực trẻ phồng lên và bộ phận trên của khoang bụng cũng sẽ phồng lên do cơ hoành chạy xuống phía dưới, bảo đảm cho hơi hít được vào hết.
49. Tôi phải tắm cho con tôi như thế nào khi rốn của cháu vẫn chưa lành hẳn?
Khi rốn còn chưa lành hẳn (còn ướt) thì không nên tắm cho trẻ, chỉ nên làm vệ sinh bằng cách dùng khăn ẩm lau các phần quanh bẹn, cổ, chân tay trẻ. Sau mỗi lần trẻ đi ngoài hoặc tiểu tiện, nên dùng nước rửa vùng xương chậu của trẻ, không nên chạm vào rốn. Đầu trẻ có thể lau gội riêng.
50. Tại sao da của trẻ sơ sinh lại bị bong vẩy?
Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi sinh, da trẻ thường bị bong vẩy ra. Đó là quá tình sinh lý bình thường. Hiện tượng bong các mảng da lớn thường gặp ở những đứa trẻ đẻ quá tháng. Hiện tượng bong da sẽ tự hết đi. Nếu da của trẻ bị khô quá, có thể dùng kem trẻ em hoặc dầu hướng dương đã tiệt trùng bôi vào làm mềm da.
51. Bìu của đứa con mới đẻ của tôi chứa đầy chất lỏng. Liệu nó có tự hết không?
Bìu của các bé trai sơ sinh có chứa chất lỏng là hiện tượng bình thường, không gây nguy hiểm gì cho trẻ. Hiện tượng này sẽ tự mất đi mà không cần phải chữa trị. Tuy nhiên, cũng có khi chất lỏng trong bìu dái trẻ liên quan tới hiện tượng thoát vị bẩm sinh. Khi đó, cần phải can thiệp bằng phẫu thuật.
52. Trẻ sơ sinh có nên ở trong căn phòng đang được tu sửa không? Một vài giọt sơn có gây hại gì cho trẻ không?
Không nên tu sửa phòng ở khi đang có trẻ sơ sinh ở. Trẻ sơ sinh và trẻ đang bú mẹ thường rất nhạy cảm với những thay đổi đột ngột về không khí trong phòng. Bụi vôi, sơn tường, dầu bóng có thể gây ra những rối loạn nghiêm trọng trong cơ thể trẻ, phá vỡ quá trình phát triển của các chức năng quan trọng như thần kinh, hô hấp, tim mạch, miễn dịch...
53. Nên gội đầu cho trẻ sơ sinh như thế nào? Gội đầu bao nhiêu lần là vừa?
Nên gội đầu cho trẻ sơ sinh hằng ngày, trong mỗi lần tắm cho trẻ. Trong 1-2 tháng đầu, nên dùng xà phòng để gội đầu cho trẻ 1-2 lần trong 1 tuần, chú ý đừng để bọt xà phòng rơi vào mắt trẻ. Nước gội đầu cho trẻ phải ấm khoảng 37 độ C. Mẹ dùng tay trái giữ đầu trẻ, hơi ngửa về phía sau, dùng khăn xô ướt thấm lên đầu trẻ, sau đó xát xà phòng và gội bằng nước, dùng tay lấy khăn thấm nước lau từ trán xuống gáy trẻ.
54. Triệu chứng đột tử ở trẻ là cái gì vậy?
Triệu chứng đột tử ở trẻ là trẻ bị chết bất ngờ, đột ngột mặc dù nhìn bề ngoài, trẻ hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh.
55. Nguyên nhân gây ra hiện tượng đột tử của trẻ là gì?
Hiện nay, người ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể và các phương pháp phòng ngừa triệu chứng đột tử ở trẻ con. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, triệu chứng đột tử có liên quan tới sự rối loạn ở các trung tâm thần kinh điều khiển hoạt động của hệ hô hấp và nhịp đập của tim mạch. Những rối loạn này rất khó xác định. Vì vậy, cả bố mẹ và bác sĩ cũng chẳng làm gì được trong trường hợp này.
Có hàng loạt yếu tố nguy hiểm trong thời kỳ mang thai có thể gây ra triệu chứng đột tử ở trẻ. Có thể là do mẹ bị thiếu máu nặng, huyết áp tăng hoặc giảm một cách đột biến trong thời kỳ mang thai. Việc mẹ hút thuốc trong thời kỳ mang thai cũng có thể gây ra sự rối loạn trong hoạt động của hệ tim mạch, dẫn tới đột tử.
Khoảng 1/3 số trẻ bị đột tử có dấu hiệu viêm nhiễm đường hô hấp dạng nhẹ, đặc biệt là các cháu bé trai. Những trẻ đẻ thiếu tháng và con những người mẹ quá trẻ, trẻ có cân nặng quá thấp khi mới sinh cũng dễ bị đột tử.
Tuy có các yếu tố đó nhưng hiện nay, người ta vẫn chưa có phương pháp nào xác định chính xác những triệu chứng cụ thể của đột tử ở trẻ em. Phần lớn những đứa trẻ ở trong nhóm nguy hiểm dễ trở thành nạn nhân của triệu chứng đột tử; nhưng ngay cả những đứa trẻ khỏe mạnh trong các gia đình bình thường cũng có thể bị đột tử.
56. Cần phải mặc cho trẻ sơ sinh ở nhà như thế nào? Có cần phải đi găng tay cho trẻ không?
Quần áo và tã lót của trẻ sơ sinh cần phải được làm từ vải bông, thoáng mát, mềm, dễ thấm nước và đủ ấm. Tã quấn sẽ giữ nhiệt độ cho trẻ tốt hơn. Đối với trẻ thiếu tháng, nên quấn cả tã vào tay để giữ ấm hoặc đeo găng tay, tất chân cho trẻ (nhưng nên để hở đầu và chân để tạo điều kiện cho trẻ hoạt động). Khi trẻ ngủ, cần đắp chăn mỏng cho trẻ. Nên quấn chăn cho trẻ khi đi dạo hoặc sau khi tắm xong. Trẻ dưới 1 tháng tuổi không nên mặc bất kỳ thứ quần áo nào.
57. Cách bế trẻ sơ sinh thế nào là tốt và an toàn nhất?
Người ta thường bế trẻ sơ sinh sau khi thay hoặc quấn tã cho trẻ. Trẻ phải nằm ngang, đầu nằm trên khủyu tay trái gập lại của người lớn, tay phải của người lớn đỡ chân của trẻ. Nếu bế trẻ để tắm, tốt nhất nên đỡ bằng tay trái, dùng đùi trái để giữ người trẻ.
58. Khi đón trẻ từ nhà hộ sinh về, cần chuẩn bị những thứ gì?
Trước hết, nên chuẩn bị sẵn một chiếc chăn quấn mỏng, một khăn choàng, một mũ sơ sinh, 2 tã mỏng, 1 tã ấm và chăn bọc ngoài tùy theo thời tiết. Tất cả các tã lót đều phải được giặt sạch, là khô trước. Ngoài ra, ở nhà cần có một số tã lót dự phòng khác.
59. Liệu có nên cho trẻ sơ sinh nằm trên một cái gối nhỏ không?
Không nên. Trẻ còn bé không nên cho nằm gối đầu. Tốt nhất nên dùng cái tã lót gập làm tư. Đừng sợ cái gối kiểu này làm cho trẻ khó chịu. Ngược lại, những gối bông, gối bông mềm chỉ có hại cho trẻ, làm cho trẻ dễ bị chảy mồ hôi hoặc dễ bị vẹo cột sống.
60. Triệu chứng đột tử có mang tính di truyền không?
Hiện nay người ta vẫn chưa xác định được chính xác rằng triệu chứng đột tử có mang tính di truyền hay không.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy, ở những trẻ mà gia đình từng có người đột tử, khả năng đột tử là rất lớn. Do đó, những đứa trẻ trong các gia đình này được coi là thuộc nhóm có mức nguy hiểm cao.
61. Triệu chứng đột tử của trẻ thường xảy ra ở lứa tuổi nào?
Triệu chứng đột tử thường xuất hiện trong khoảng 1-12 tháng tuổi. Nhiều trẻ bị đột tử ngay sau khi sinh. Theo các thống kê thì các vụ đột tử của trẻ em có xu hướng tăng trong mùa đông hoặc khi trẻ đang ngủ.
62. Cần phải đặt giường của trẻ ở chỗ nào trong phòng?
Trước hết, cần làm sao cho trong phòng trẻ nhỏ có càng có ít đồ vật dễ bám bụi càng tốt. Nếu trong phòng có rải thảm, tốt nhất nên tạm bỏ ra chỗ khác. Giường của trẻ nên đặt ở chỗ sáng nhưng không nên để sát cửa sổ quá, phải sát với giường của mẹ.
63. Có nên sử dụng xe nôi để thay cho giường của trẻ không?
Không nên sử dụng xe nôi thay cho giường vì các thành của xe nôi rất bí, không khí không lọt được vào. Ngoài ra, xe nôi dùng để đẩy ở ngoài đường nên rất dễ có nhiều bụi.
64. Đứa con mới đẻ của tôi thở rất gấp. Điều đó có bình thường không?
Thường thì nhịp thở của trẻ sơ sinh nhanh hơn nhịp thở của người lớn. Bạn hãy đếm nhịp thở của trẻ. Nếu nhịp thở là 30-40 lần/1 phút thì là hoàn toàn bình thường.
65. Ở vùng gáy và trên mí mắt đứa con sơ sinh của tôi có các vết đỏ. Khi nào thì chúng sẽ mất đi?
Các vết đỏ (nốt ruồi) là do sự giãn mạch gây ra, không hề gây cho trẻ bất kỳ sự đau đớn, khó chịu nào cả. Thường thì các vết này sẽ mất đi khi trẻ được 2 tuổi.
66. Thể dục tiền đình là cái gì vậy?
Đó là một dạng thể dục giúp cho bộ máy tiền đình của trẻ phát triển. Trung tâm tiền đình là bộ phận phát triển nhất của thai nhi, việc kích thích sẽ khiến bộ phận này phát triển tốt hơn.
Một trong các bài tập đơn giản là xoa đầu trẻ khi cho trẻ bú. Từ khi trẻ được 14-15 ngày tuổi cho đến 3 tháng tuổi, có thể sử dụng trò chơi bằng bóng. Cần mua trước một quả bóng thổi có đường kính khoảng 40-50 cm. Dùng tã lót quấn xung quanh quả bóng, cho trẻ mặc áo túi liền quần. Tay trái đỡ trẻ nằm ngửa, tay phải dùng bóng xoa vào chân trẻ theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Hằng ngày nên làm khoảng 1-2 phút, sau tăng dần lên thành 5 phút/ngày.
67. Dưới má của con tôi có các cục màu xanh - nâu. Đó là cái gì vậy?
Các cục màu xanh - nâu là các u mạch dưới da, có thể nguy hiểm đối với trẻ. Chúng có thể phát triển to ra về kích thước nên bạn phải cẩn thận để không làm tổn thương các u hoặc gây chảy máu. Cần cho trẻ tới bác sĩ ngoại khoa để khám và có phương pháp điều trị cụ thể.
68. Những đồ dùng gì cần có để phục vụ cho việc chăm sóc trẻ?
Các đồ dùng cần thiết để chăm sóc trẻ gồm có: Chậu tắm, xà phòng trẻ con, hộp đựng xà phòng, bình đựng nước nóng, 3 cái cặp nhiệt độ (để đo nước tắm, nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ cơ thể), một hộp đựng bông, cây ngoáy tai, một cái kéo nhỏ hoặc bấm móng tay, kem trẻ em, dầu bôi vadơlin.
Tất cả đồ dùng đều phải rửa sạch, để trong hộp riêng. Các tã lót và tã bẩn của trẻ nên để trong xô riêng có nắp đậy.
69. Bệnh Feninxeton là gì?
Đó là một căn bệnh di truyền rất nguy hiểm. Đặc điểm chính của nó là quá trình trao đổi của axit amin feninalanin bị phá vỡ, rối loạn. Feninalanin là chất có trong thành phần cơ bản của tất cả các protid tự nhiên.
Chất feninalanin được tạo thành do sự tách ra của các protid có trong thịt, sữa... Ở những đứa trẻ bị bệnh feninxeton, quá trình trao đổi bình thường của chất feninalanin bị rối loạn, tạo thành các chất Feninxeton, rơi xuống đường nước tiểu ra ngoài hoặc tập trung ở não trẻ, dẫn tới sự chậm phát triển về tâm lý và thể chất của trẻ.
70. Tóc của con tôi gần đây bị rụng nhiều. Điều đó có bình thường không? Nguyên nhân có phải là thiếu vitamin không?
Đứa con sơ sinh của bạn bị rụng lớp tóc đầu tiên (tóc máu), sau đó sẽ mọc tóc khác. Hiện tượng này không phải do bệnh tật hoặc thiếu vitamin. Đôi lúc trẻ bị rụng tóc rất nhanh, thành trọc đầu; nhưng rồi tóc mới sẽ lại mọc lên. Đó là hiện tượng bình thường trong quá trình phát triển của trẻ.
(ST)