Tác dụng chữa bệnh của cây chuối hột: trị sỏi thận
Chữa bệnh viêm đường tiết niệu bằng thuốc nam
Tác dụng chữa bệnh của hạt vừng đen
Thành phần chủ yếu của tỏi là chất kháng sinh alicin, có tác dụng kháng khuẩn mạnh với tụ cầu khẩn, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn phó thương hàn, trực khuẩn lỵ, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn bạch hầu, amip lỵ.
Một số thử nghiệm lâm sàng về tác dụng của tỏi
Thử nghiệm trên lâm sàng dùng tỏi chữa lỵ amip và lỵ trực khuẩn, kết quả khỏi bệnh đạt tới 80-85%. Ngoài ra, tỏi còn có phổ kháng nấm khá rộng. Trên động vật bị gây nhiễm nấm da và được điều trị tại chỗ với cao tỏi, các thương tổn da hoàn toàn bình phục sau 7-10 ngày. Một số hoạt chất trong tỏi có tác dụng kháng các siêu vi khuẩn gây bệnh cúm, mụn rộp và viêm miệng có mụn nước.
Bột tỏi đông khô được dùng cho 430 bệnh nhân có các bệnh về tai mũi họng như viêm amidan cấp, viêm họng, viêm đường hô hấp trên mạn tính, viêm mũi và viêm xoang mạn tính, viêm tai giữa cấp và mạn tính, viêm loét mũi đều cho kết quả tốt. Đối với các bệnh vừa nêu, có thể dùng bột tỏi đông khô thay thế kháng sinh, hoặc dùng kết hợp để giảm bớt liều kháng sinh. Thuốc không gây tác dụng phụ.
Có nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng của tỏi trong điều trị bệnh tim mạch. Nghiên cứu thực nghiệm trên động vật cho thấy tỏi có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol, lipid trong máu và ức chế sự sinh tổng hợp cholesterol ở gan. Ngoài ra, thực nghiệm cũng đã chứng minh tác dụng chống tăng huyết áp của tỏi, làm giảm sức kháng của mạch máu do trực tiếp làm giãn cơ trơn thành mạch. Tỏi có tác dụng gây phân hủy fibrin trong huyết thanh và ức chế kết tập tiểu cầu, nên giúp ích cho việc dự phòng và điều trị các chứng bệnh do rối loạn đông máu.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng trên 950 người có tăng cholesterol máu, được cho uống 600-900mg/ngày trong thời gian trung bình 12 tuần cho thấy: Ở các bệnh nhân dùng tỏi, có sự giảm trung bình 12% nồng độ cholesterol toàn phần và 13% nồng độ triglycerid trong huyết thanh. Trên bệnh nhân vữa xơ động mạch được uống cao, nước, bột hoặc tinh dầu tỏi, thấy có tác dụng phân hủy fibrin trong huyết thanh, tác dụng này tăng lên khi uống tỏi đều đặn trong nhiều tháng.
Tỏi làm giảm độ nhớt của huyết tương, làm giãn các động mạch nhỏ. Ở những bệnh nhân tắc động mạch ngoại biên, mỗi ngày được uống 800mg bột tỏi trong 4 tuần, thấy có sự tăng tốc độ tuần hoàn máu ở mao mạch, giảm độ nhớt huyết tương. Thử nghiệm lâm sàng trong 3 năm trên 432 bệnh nhân có nhồi máu cơ tim, được điều trị hàng ngày bằng tinh dầu tỏi chiết với ête với liều 0,1mg tương đương với 2g tỏi tươi cho mỗi kg thể trọng, đã ghi nhận số cơn nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân giảm 35% và tỷ lệ tử vong giảm 45% so với nhóm chứng.
Như vậy, trong việc dự phòng và điều trị một số bệnh tim mạch (như tăng cholesterol và lipid máu, xơ vữa động mạch, tắc động mạch ngoại biên, dự phòng tái phát nhồi máu cơ tim), bên cạnh các thuốc hóa dược hiện đại, có thể dùng các chế phẩm từ tỏi để điều trị kết hợp, làm giảm bớt liều và giảm bớt tác dụng phụ của các thuốc hóa dược.
Các bài thuốc có tỏi
1. Chữa lỵ amip, lỵ trực khuẩn:
Tỏi 5-10g, giã nát ngâm với 100ml nước đun sôi để nguội trong 2 giờ, lọc qua gạc (ngày pha một lần). Thụt giữ hậu môn trong khoảng 15 phút. Một hai ngày đầu, thụt dung dịch 5% (100ml), sau đó dùng dung dịch 10%. Mỗi ngày thụt một lần, đồng thời ăn mỗi ngày 6g tỏi sống, chia làm 3 lần. Thời gian điều trị 5-7 ngày. Nhược điểm là sau nhiều ngày thụt dung dịch này, bệnh nhân thường thấy khó chịu ở hậu môn.
2. Chữa giun kim, giun móc:
Dùng nước ngâm tỏi 10% lọc qua gạc, phối hợp với lòng đỏ trứng gà, thụt giữ. Đồng thời thường xuyên ăn tỏi sống.
3. Chữa tiêu chảy:
Tỏi 100g, sắc với 300ml nước, còn100ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
4. Chữa sốt truyền nhiễm, cảm cúm:
Tỏi giã vắt lấy nước cốt 10ml rồi uống, đồng thời dùng tỏi bọc bông nút mũi để chống lây.
5. Chữa sốt rét:
Tỏi 6,7 củ, để sống một nửa, nướng chín một nửa, ăn hết, khi nôn hoặc đại tiện thông thì khỏi bệnh.
6. Chữa nhọt sưng tấy, mụn lở:
Tỏi giã trộn với ít dầu vừng rồi đắp, bôi lên vết lở, nhọt.
7. Chữa trùng roi, âm đạo lở ngứa:
Tỏi 120g giã nhỏ, ngâm trong 2 lít nước rồi dùng để rửa và thụt giữ vào âm đạo.
8. Chữa vết thương phần mềm, bỏng nước:
Tỏi, hành, lá trầu không tươi mỗi vị 300g, lá ớt tươi 200g, một ít mật lợn, hành tỏi bỏ vỏ cùng trầu không, lá ớt giã nhỏ, cho vào nửa lít nước nấu kỹ, lọc, còn khoảng 300ml; Cho vào 1kg đường, đun thành cao lỏng, cuối cùng cho mật lợn vào canh kỹ, đựng vào lọ kín. Rửa sạch vết thương, bôi cao thuốc đã chế vào. Ngày rửa và bôi thuốc một lần.