Triệu chứng của bệnh hở van tim như thế nào và cách điều trị ra sao, chúng ta cùng theo dõi bài viết để biết thêm thông tin nhé!
HỞ VAN TIM - TRIỆU CHỨNG VÀ NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG LO NGẠI
Xung quanh bệnh hở van tim, PGS.TS Đỗ Kim Quế - phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM - cho biết:
- Van tim của con người giống như van một chiều trong hệ thống máy bơm, giúp máu lưu thông theo một chiều, máu từ tĩnh mạch về tim và từ tim đi ra động mạch mà không thể chảy theo chiều ngược lại. Nếu không có van tim, máu sẽ lưu thông hai chiều và tim không thể đẩy máu đi nuôi cơ thể. Van tim bị hở sẽ làm quá trình lưu thông máu khó khăn hơn.
Tim người có bốn van: van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Van dễ bị tổn thương nhất là van hai lá, kế đến là van động mạch chủ, còn van ba lá và van động mạch phổi ít bị tổn thương hơn.
* Thưa PGS, hở van tim bao nhiêu mới đáng lo và cần điều trị thế nào?
- Quy ước trên siêu âm tính độ hở của van tim có bốn mức: hở 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Nếu chỉ bị hở từ 2/4 trở xuống thì không phải lo lắng nhiều vì đó là chuyện bình thường, chưa phải điều trị mà chỉ cần định kỳ tái khám, theo dõi; ngoại trừ việc hở van tim là hậu quả của những bệnh khác như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, thấp tim...
Van tim bị hở từ 2/4 trở lên mới cần phải chú ý, kiểm tra để xác định nguyên nhân và điều trị. Khi van tim bị hở 3/4 trở lên mới phải điều trị tích cực. Nếu bị hở từ 3,5/4 trở lên sẽ mổ để sửa chữa van tim hoặc thay van tim nhân tạo.
Về điều trị, tùy nguyên nhân gây hở van tim mà việc điều trị sẽ khác nhau. Nếu hở van tim do tim bị giãn, khi điều trị tim nhỏ lại sẽ hết hở. Nếu hở do dây chằng bị dài hoăc bị đứt thì không thể hết, nhất là khi bị đứt thì phải mổ để sửa lại, nhưng vẫn phải điều trị để bệnh không nặng thêm và không dẫn tới suy tim. Khi bị hở van tim từ 2/4 trở lên, bệnh nhân nên đến bác sĩ tim mạch khám tìm những yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy bệnh nặng thêm để điều trị...
* Nguyên nhân nào khiến van tim bị hở, thưa PGS?
- Các tổn thương khiến van tim bị hở có thể chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất do nguyên nhân bẩm sinh, tức mới sinh ra đã có dị tật bẩm sinh ở tim. Nhóm thứ hai do nguyên nhân người bệnh có những bệnh lý mắc phải.
Trong bệnh lý hở van tim do mắc phải lại chia ra làm hai dạng bệnh thường gặp: Bệnh lý van tim mắc phải do hậu thấp, tức là sau khi bị thấp khớp, thấp tim mới dẫn đến bị hở van tim; hở van tim do nguyên nhân này hiện nay chiếm tỉ lệ cao nhất ở VN và những nước đang phát triển. Bệnh lý van tim mắc phải do thoái hóa, hở van tim do thoái hóa có thể do thoái hóa của tuổi già, hoặc do bệnh lý nào đó làm tim thoái hóa nhanh hơn so với người bình thường.
Bên cạnh hở van tim do thoái hóa còn có những bệnh lý có thể gây ra tổn thương ở van tim, cụ thể như thiếu máu (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim). Khi van tim bị hư như vậy sẽ làm đứt những dây chằng, đứt phần cơ giữ van tim ở trong khiến van tim bị hở. Ngoài ra còn những bệnh lý khác hiếm gặp nhưng cũng có thể làm van tim bị hở, như bệnh cơ tim giãn nở hoặc bệnh nhân bị phình động mạch chủ, viêm nội tâm mạc...
* Những triệu chứng của hở van tim thế nào?
- Thông thường hở van tim nhẹ sẽ không có triệu chứng. Chỉ khi hở van tim đã làm tim bị suy, thậm chí bị phù, gan đã lớn thì lúc đó mới xuất hiện triệu chứng khó thở, mệt, đau ngực, không nằm đầu thấp được. Đối với những trường hợp hở van tim mà chưa có triệu chứng phải siêu âm mới thấy.
* Có khi nào siêu âm tim bị sai không?
- Kết quả siêu âm phụ thuộc vào người thực hiện. Nếu người làm có kinh nghiệm thì kết quả sẽ chính xác hơn người không có kinh nghiệm. Trang thiết bị cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả siêu âm tim. Với máy móc tốt, độ nhạy cao, độ phân giải cao sẽ nhìn rõ hơn, chính xác hơn so với máy cũ, máy có độ phân giải thấp...
Ngoài ra, cần lưu ý van tim không phải lúc nào cũng cố định. Có lúc nó hở một chút, có lúc lại hết hở vì van tim là những cái lá rất mỏng, khi thắt lại với nhau thì kín, nhưng có khi vì một lý do nào đó bị hơi hở một chút nhưng sau đó lại trở về bình thường. Vì thế mới có chuyện bệnh nhân thắc mắc chỗ này siêu âm bảo hở, chỗ khác lại bảo không hở. Thực tế có khi van tim hết hở thật chứ không phải do bác sĩ siêu âm sai.
NGUYÊN NHÂN GÂY HỞ VAN TIM
Nửa đêm tôi đột nhiên khó thở và đau nhói vùng ngực trái, mấy hôm sau thấy hồi hộp đánh trống ngực, tim đập nhanh. Tôi đi khám và được chẩn đoán bệnh hở van tim (hở 3 van: van động mạch chủ, động mạch phổi và van 3 lá mức độ nhẹ). Xin hỏi, tôi có nên lập gia đình và sinh con không? Bệnh của tôi có tiến triển nhanh không? Có chữa được không? Nếu vá van tim chi phí là bao nhiêu mỗi van? Nếu thay van tim chi phí là bao nhiêu mỗi van? Nếu có bảo hiểm thì được giúp đỡ phần kinh phí thế nào? Hồi tôi 9 tuổi bị viêm amidan mạn tính, thỉnh thoảng khạc ra máu, đến năm tôi được 18 tuổi mới đi cắt amidan. Liệu đây có phải là nguyên nhân gây bệnh tim?
Quỳnh Lưu (Lào Cai)
Tim có 4 bộ van: van 2 lá (xen nhĩ - thất trái), van 3 lá (van nhĩ - thất phải), van động mạch chủ và van động mạch phổi. Tuyệt đại đa số các bệnh van tim đều là hậu thấp, nghĩa là do bệnh thấp sinh ra. Nói đúng hơn, những tật van tim là di chứng, hậu quả của viêm nội tâm mạc trong thấp tim cấp tính, nên y học gọi là bệnh van tim hậu thấp. Đây là bệnh van tim mắc phải, xảy ra sau viêm họng, amidan do liên cầu khuẩn beta nhóm A.
Tổn thương van tim do hậu thấp.
Đặc điểm của các van tim là do lớp nội tâm mạc (màng mỏng bao phủ toàn bộ mặt trong buồng tim và các lá van) bị viêm gây sưng nề trong các đợt cấp và sau nhiều lần tái đi tái lại làm cho các lá van và dây chằng sù sì, xơ, dày cứng, dính nhau nên khi tim cần đóng kín van thì các lá van không khép kín gọi hở van tim. Trên lâm sàng có thể gặp chỉ hẹp hoặc hở van đơn thuần nhưng nhiều khi do van có nhiều biến đổi cấu trúc nên bị phối hợp cả hẹp và hở. Hậu quả của hẹp, hở van tim là suy tim. Bệnh của bạn đã được chẩn đoán hở 3 van có nghĩa bệnh đã từ lâu và tiền sử có viêm amidan từ năm 9 tuổi hay tái phát đó chính là nguyên nhân của bệnh viêm họng, amidan do liên cầu mà không điều trị triệt để dẫn tới tổn thương van tim.
Vấn đề là ngay bây giờ bạn cần đi khám và điều trị tích cực tại Trung tâm Tim mạch hoặc Viện Tim mạch Quốc gia, nếu để muộn sẽ dẫn đến biến chứng suy tim nặng không hồi phục. Hiện nay bệnh van tim hoàn toàn có thể chữa khỏi, tùy trường hợp tổn thương mà bác sĩ sẽ quyết định mổ kín, vá van hay mổ hở có máy tim phổi nhân tạo nhằm thay van cơ học hay sinh học. Khi đi khám, bạn nhớ làm thủ tục chuyển bảo hiểm đúng quy định để tiện việc thanh toán viện phí. Sau khi điều trị chỉnh sửa van tim, bạn có thể lập gia đình và sinh con bình thường. Chúc bạn sớm khỏi bệnh.
NHỮNG ĐIỀU BỆNH NHÂN HỞ VAN TIM CẦN CHÚ Ý
Hở van tim là một bệnh lý tim mạch gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn giữ sức khỏe tốt, lối sống lành mạnh, theo dõi và điều trị hợp lý , giai đoạn hở van nhẹ có thể giữ được trong nhiều năm và chậm tiến triển thành nặng hơn.
Không uống cà phê vì cà phê làm nặng thêm tình trạng rối loạn nhịp tim
Hở van tim thể nhẹ
Đối với bệnh lý van tim, ở giai đoạn đầu, bệnh còn nhẹ, người bệnh chưa có triệu chứng khó thở hoặc chỉ khó thở nhẹ khi làm việc gắng sức.
Bệnh nhân cần có một chế độ sinh hoạt điều độ, không lao động quá sức, tránh những công việc nặng nhọc.
Về dinh dưỡng: bệnh nhân cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng. Hạn chế muối trong mỗi bữa ăn (vì muối giữ nước làm tăng gánh nặng cho cơ tim). Không uống cà phê vì cà phê làm nặng thêm tình trạng rối loạn nhịp tim. Không sử dụng rượu bia vì rượu bia có thể gây rối loạn nhịp tim và các bệnh lý cơ tim.
Nếu bệnh nhân béo phì cần phải giảm cân nặng bằng các bài tập nhẹ nhàng hằng ngày và sinh hoạt điều độ.
Nếu thấy đến giai đoạn cần sử dụng thuốc thì dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ. Thường xuyên kiểm tra huyết áp và điều trị tăng huyết áp nếu có vì tim phải hoạt động gắng sức khi huyết áp tăng cao.
Thể vừa và nặng có suy tim
Trường hợp hở van tim nặng đã có dấu hiệu suy tim, bệnh nhân cần phải tuân theo một chế độ điều trị chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn. Bệnh nhân cần hạn chế muối tối đa trong bữa ăn hàng ngày, không được lao động gắng sức, sinh hoạt điều độ, tránh mọi cảm xúc đột ngột…
Sử dụng các thuốc điều trị trợ tim, thuốc lợi tiểu đều đặn, đúng giờ theo chỉ dẩn của thầy thuốc.
Hiện nay, ở nước ta đã phẫu thuật sữa hở van tim ( kết quả thường bị hạn chế nhưng ưu điểm là không phải sử dụng thuốc chống đông) hoặc thay bằng van nhân tạo ( được chỉ định khi hở van tim không do nhiễm trùng; hở mạn tính… ) để giải quyết những trường hợp nặng khi điều trị nội khoa không giải quyết được.
Trong trường hợp là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nếu xây dựng gia đình thì việc sinh đẻ cần cân nhắc. Do thai nghén là một gánh nặng đối với người mắc bệnh tim, vì vậy phụ nữ mắc bệnh tim không nên chửa đẻ hoặc chỉ đẻ một con và phải được thầy thuốc theo dõi chăm sóc trong quá trình chửa đẻ.
Tập thể dục cho người bị bệnh tim
Các loại hoa màu tím kiêu sa
Tìm hiểu về bệnh thiếu máu cơ tim
Bệnh tim khi mang thai
Bệnh suy tim ở người cao tuổi
Thai nhi khi nào có tim thai
(ST)