Triệu chứng của bệnh lao kháng thuốc

Lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại với các thuốc chống lao, những  trường hợp này điều trị rất khó khăn và là nguồn lây lan rất nguy hiểm cho cộng đồng. Triệu chứng của bệnh lao kháng thuốc là gì và điều trị như thế nào, chúng ta cùng tham khảo bài viết sau nhé!

Việt Nam là một trong những quốc gia mang gánh nặng về bệnh lao. Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh lao trên thế giới. Một trong những khó khăn đối với việc điều trị lao cho người dân là tình trạng lao kháng thuốc, hay nói dễ hiểu hơn là bệnh nhân bị kháng với thuốc trị bệnh lao. Vậy phòng khám Phổi Việt chúng tôi trình bày một số kiến thức phổ thông để giúp các bạn hiểu thêm về bệnh lao kháng thuốc.

Thuốc kháng lao gồm có những loại nào ?

Vi trùng lao dễ kháng thuốc, nên điều trị lao cần dùng kết hợp nhiều thuốc, chứ không thể chỉ dùng đơn thuần một loại thuốc lao mà điều trị khỏi bệnh được. Có 2 nhóm thuốc trị bệnh lao, mà các BS thường gọi là “thuốc kháng lao hàng 1” và “thuốc kháng lao hàng 2”:

Kháng lao hàng 1 gồm có 5 thuốc. Đây là các thuốc được lựa chọn đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị lao:
Rifampicin (viết tắt là RIF hay R),
Isoniazid (INH hay H),
Pyrazinamide (PZA hay Z),
Ethambutol (EMB hay E), và
Streptomycin (SM hay S).
 
Kháng lao hàng 2 gồm nhiều thuốc: Kanamycin, Capreomycin, Amikacin, Ethionamide, PAS, Cycloserin, Clofazimin, Ciprofloxacine, Ofloxacin, Levofloxacin, …  
Đây là các thuốc được dùng khi bệnh nhân bị kháng với thuốc lao hàng 1, hay dùng trong một số trường hợp đặc biệt. Các thuốc này thường có nhiều tác dụng phụ hơn và việc sử dụng thuốc cũng phức tạp hơn thuốc kháng lao hàng 1. Ngoài ra, giá thành của các thuốc kháng lao hàng 2 cũng đắt hơn rất nhiều.
Lao kháng thuốc là gì ?

“Kháng thuốc” là khi vi trùng lao trong cơ thể chúng ta kháng – chống lại với một hay nhiều loại thuốc lao được trình bày ở trên. Có những bệnh nhân chỉ bị kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng hơn gọi là “lao đa kháng thuốc”, và có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nguy hiểm hơn nữa gọi là “lao siêu kháng thuốc”. Tùy theo mức độ kháng thuốc mà BS sẽ lựa chọn phác đồ điều trị khác nhau cho bệnh nhân.
 

Làm sao phát hiện lao kháng thuốc ?

Bạn cần phải làm xét nghiệm nuôi cấy vi trùng lao và kháng sinh đồ lao. Có nghĩa là phòng xét nghiệm sẽ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm của bạn (đàm, dịch cơ thể…) để tìm vi trùng lao, sau đó khi vi trùng lao mọc lên, chúng sẽ được thử với các loại thuốc lao xem “nhạy”với thuốc nào và “kháng” với thuốc nào. Quá trình nuôi cấy vi trùng và thử thuốc lao này mất khoảng 2 đến 3 tháng mới có kết quả. Như vậy, thông thường thì BS sẽ không thể biết được bạn có kháng thuốc lao hay không, khi bạn vừa mới được phát hiện bệnh lao.

Hiện nay, ở Việt Nam đã có xét nghiệm giúp phát hiện kháng thuốc sớm và nhanh hơn là Hain test (thời gian thực hiện xét nghiệm khoảng 5 ngày) và Xpert MTB/RIF (thời gian thực hiện xét nghiệm khoảng 2 giờ). Tuy nhiên, hai xét nghiệm này có giá thành đắt, và không dùng phổ biến cho mọi bệnh nhân bị lao.

Tại sao tôi bị lao kháng thuốc ?

Có một số nguyên nhân dẫn đến lao kháng thuốc: do bản thân người bệnh, do vi trùng lao, và do cả thầy thuốc.

Nguyên nhân phổ biến nhất là do người bệnh không tuân thủ đúng theo điều trị: BN tự ý ngưng dùng thuốc lao hay dùng thuốc không đúng và không đầy đủ. Một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc, thấy mình khỏe và không có triệu chứng gì, cho rằng mình đã khỏi bệnh nên tự ý bỏ trị lao. Bệnh nhân không biết rằng vi trùng lao “sống dai” và rất nguy hiểm. Sau một thời gian “nằm ẩn mình” và tìm cách chống lại thuốc lao, chúng sẽ hoạt động gây bệnh trở lại. Lúc này, người bệnh trở nên bị lao kháng thuốc, và bệnh sẽ nguy hiểm hơn lúc phát bệnh lao ban đầu. Ngoài ra, cũng có những bệnh nhân bị khó chịu do tác dụng phụ của thuốc lao trong quá trình điều trị, nhưng không đến tái khám để BS điều chỉnh thuốc, mà tự bỏ trị nửa chừng. Cũng có những bệnh nhân uống thuốc lao không đều đặn, hay uống không đủ liều thuốc…. Tất cả những trường hợp này đều tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng lao trở nên kháng thuốc.
Kháng thuốc có thể do vi trùng lao: vi trùng lao là loại vi trùng dễ đột biến, nói dễ hiểu hơn là chúng “rất khôn”, dễ thay đổi cấu trúc để chống lại thuốc lao. Ngay cả khi bệnh nhân được điều trị đúng cách và tuân thủ tốt việc dùng thuốc thì vi trùng lao vẫn có khả năng tìm cách chống lại thuốc lao. Vì vậy, bệnh nhân cần tái khám trong suốt quá trình điều trị lao để BS có thể phát hiện sớm tình trạng kháng thuốc.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể mắc phải bệnh lao kháng thuốc ngay từ trước khi điều trị lao, có nghĩa là, chúng ta hít phải vi trùng lao vốn đã kháng thuốc từ những người khác đã bị lao kháng thuốc trong cộng đồng, và sau đó loại vi trùng kháng thuốc này sẽ sinh sôi nảy nở trong cơ thể chúng ta. Bạn cũng cần biết rằng trong cộng đồng chúng ta có rất nhiều người bị lao kháng thuốc, nhưng chưa được điều trị và những người này là nguồn lây lan lao kháng thuốc cho những người khỏe mạnh khác trong cộng đồng.
Cũng cần phải nói tới lao kháng thuốc còn có thể do thầy thuốc: thầy thuốc có thể mắc sai sót khi lựa chọn phác đồ điều trị lao không đủ các thuốc cần thiết cho bệnh nhân, hay khi cho bệnh nhân ngưng thuốc lao trong thời gian lâu, để điều trị các tác dụng phụ của thuốc, mà không theo dõi đầy đủ.

Làm sao để phát hiện sớm lao kháng thuốc?

Như đã trình bày ở phần trên, tình trạng kháng thuốc lao thường không thể biết được ngay khi mới phát hiện bệnh lao. Như vậy, đối với những bệnh nhân có nhiều nguy cơ kháng thuốc lao, ví dụ như những bệnh nhân bị tái phát lao nhiều lần, những bệnh nhân lao bỏ trị, hay không đáp ứng tốt với điều trị lao, …, thì BS có thể sớm đưa ra chỉ định xét nghiệm phù hợp để phát hiện sớm tình trạng kháng thuốc lao, giúp việc điều trị bệnh lao thành công.

Điều trị lao kháng thuốc.

Thời gian điều trị lao kháng thuốc có thể cần kéo dài đến 24 tháng. Điều trị lao kháng thuốc cần kết hợp nhiều loại thuốc lao hơn bình thường, và các thuốc lao hàng hai dùng trong điều trị lao kháng thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ hơn. Do đó, quá trình điều trị lao kháng thuốc sẽ phức tạp hơn, và cần được theo dõi nhiều hơn.
 

Lao kháng thuốc điều trị có hết không?

Lao kháng thuốc có thể điều trị khỏi.

Mặc dù lao kháng thuốc gây khó khăn cho việc điều trị lao thành công, nhưng tùytheo mức độ nhẹ, nặng, hay nguy hiểm của tình trạng kháng thuốc mà BS sẽ lựa chọn phác đồ điều trị lao phù hợp cho bệnh nhân.

Tác dụng phụ của thuốc lao

Ngoài tác dụng điều trị bệnh lao thì thuốc kháng lao có thể gây ra các tác dụng bất lợi cho người dùng thuốc. Có nhiều bệnh nhân cảm thấy rất khỏe và không thấy khó chịu gì khi uống thuốc lao, nhưng cũng có bệnh nhân lại gặp nhiều bất lợi và khó khăn khi dùng thuốc lao. Các tác dụng phụ của thuốc lao thì đa dạng, và tùy thuộc vào loại thuốc lao mà bạn đang uống, cũng như tùy thuộc vào cơ thể và tình trạng bệnh lý riêng của mỗi người bệnh. Các ảnh hưởng bất lợi thường gặp là gây độc gan, độc thận, rối loạn tiêu hóa, và tình trạng mẫn cảm (hay tăng phản ứng).

Điều quan trọng là bạn cần tái khám đều đặn trong suốt quá trình điều trị, hoặc tái khám khi bạn có các triệu chứng bất thường. Như vậy, BS có thể theo dõi các tác dụng phụ và điều chỉnh thuốc cho phù hợp với cơ thể bạn.

Phòng ngừa lây lao

Bệnh lao hầu như chỉ lây lan qua đường hô hấp. Như vậy, chỉ những bệnh nhân bị lao phổi mới có khả năng phát tán vi trùng lao và lây lan bệnh cho người khác. Những bệnh nhân không bị lao ở phổi, mà bị lao ở các cơ quan khác (lao hạch, lao ổ bụng, lao màng não…) thì hầu như không lây lan bệnh lao cho người khác.


Những bệnh nhân bị lao phổi kháng thuốc cần hiểu rằng, họ sẽ là nguồn lây lan bệnh lao kháng thuốc cho những người khác khi họ chưa được điều trị , hay khi họ bỏ trị lao kháng thuốc. Nếu bạn có người thân bị lao phổi kháng thuốc, bạn cần động viên người thân của mình tuân thủ đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ, để giúp cho quá trình điều trị lao kháng thuốc có kết quả tốt đẹp. Những người có tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao phổi kháng thuốc, hay là có tiếp xúc với những bệnh nhân lao phổi nói chung, thì nên được khám kiểm tra để tầm soát bệnh lao.

 
MỐI HIỂM NGUY TỪ CĂN BỆNH LAO KHÁNG THUỐC


Trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lao mà điều trị không hiệu quả,  dù đang uống thuốc lao mà vẫn mệt, vẫn ho nhiều, vẫn sốt, hoặc vừa ngừng thuốc chừng một vài tháng lại thấy xuất hiện bệnh lao trở lại…,  hãy nghĩ đến lao kháng thuốc.

Mắc bệnh lao đã nguy hiểm, thì mắc lao kháng thuốc mức độ nguy hiểm còn tăng gấp nhiều lần. Bệnh nguy hiểm ở chỗ vi khuẩn không chỉ kháng một mà nhiều loại thuốc chống lao, khiến nguy cơ tử vong cao. Chi phí thuốc men đắt đỏ, thời gian chữa trị kéo dài, các chương trình hỗ trợ miễn phí của Nhà nước khó có thể lo cho bệnh nhân lao kháng thuốc… càng khiến cho cuộc sống của bệnh nhân mắc lao kháng thuốc càng khó khăn gấp bội. Theo thống kê, cứ 100 người mắc bệnh lao thì có khoảng 30 người bị lao kháng thuốc. Tỷ lệ kháng đa thuốc là khoảng 3%; chi phí điều trị cho trường hợp này cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường.
Người bệnh mắc lao kháng thuốc phải được điều trị theo một chế độ đặc biệt.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh lao đa kháng thuốc (MDR-TB) tức là vi khuẩn lao đã kháng lại các thuốc isoniazid và rifampicin – 2 trong số những thuốc chống lao hàng đầu (gồm: isoniazid (H), rifampicin (R), pyrazinamid (Z), ethambutol và streptomycin (S)). WHO cũng đã báo động khẩn cấp về tình trạng vi khuẩn lao kháng lại mãnh liệt các thuốc chống lao, đó là bệnh lao cực kỳ kháng thuốc (XDR-TB) – bệnh lao này gặp nhiều ở những người bệnh lao có nhiễm HIV. Theo báo cáo của WHO thì bệnh XDR-TB hiện nay đã có mặt tại 45 quốc gia.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho vi khuẩn lao kháng thuốc. Đó có thể là do vi khuẩn tự biến đổi để tồn tại; do bệnh nhân không tuân thủ đúng phác đồ điều trị bệnh, tự ý ngừng thuốc, giảm liều…; do môi trường ô nhiễm, do khạc nhổ, xả rác bừa bãi nơi công cộng…; do điều trị không đúng cách… là những yếu tố khiến Việt Nam có số người mắc lao và bị kháng thuốc cao.  

Theo thống kê của WHO, khoảng 2 tỷ người trên thế giới bị nhiễm bệnh lao, trong đó khoảng 450.000 người nhiễm trực khuẩn lao có khả năng kháng thuốc và khoảng 1,6 triệu người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này.
Muốn xác định vi khuẩn lao kháng thuốc phải nuôi cấy vi khuẩn lao và làm kháng sinh đồ. Sau khi xác định người bệnh mắc lao kháng thuốc phải được điều trị theo một chế độ đặc biệt. Những nguyên tắc cơ bản của điều trị bệnh lao kháng thuốc bao gồm:

Những người bệnh không mắc lao đa kháng thuốc (chỉ kháng isoniazid hay streptomycin chẳng hạn) có thể sử dụng lại phác đồ mà WHO khuyến cáo là 2SHRZE/RHZE/5(RHE)3.

Bệnh lao đa kháng thuốc phải được điều trị bằng các thuốc hàng thứ 2: Giai đoạn tấn công: thời gian 3 tháng với 5 loại thuốc. Giai đoạn duy trì: ít nhất 18 tháng. Phải kiểm soát trực tiếp việc điều trị: tìm AFB trong đờm liên tục trong 6 tháng, sau đó cứ 3 tháng một lần cho đến hết 18 tháng. Các thuốc chống lao hàng thứ 2 chỉ là các thuốc thứ yếu có nhiều tác dụng ngoài ý muốn nên phải theo dõi chặt chẽ. Khi dùng phác đồ này, nếu bệnh nhân không tuân thủ đúng hướng dẫn thì khả năng khỏi rất thấp, lúc đó không còn thuốc nào để chữa.

Trực khuẩn lao kháng thuốc phát triển khi các bệnh nhân không điều trị triệt để và cũng có thể lây trực tiếp từ người sang người. Chừng nào việc điều trị còn chưa đầy đủ và tỷ lệ chữa khỏi bệnh còn thấp hơn mức yêu cầu 85% thì số chủng trực khuẩn lao kháng thuốc sẽ còn phát triển.  

VITAMIN C TIÊU DIỆT ĐƯỢC VI TRÙNG LAO KHÁNG THUỐC


Ho khạc kéo dài là một trong những triệu chứng của bệnh lao - Ảnh: Shutterstock

Các nhà nghiên cứu tại Mỹ đã bất ngờ phát hiện vitamin C có thể tiêu diệt được vi trùng lao kháng thuốc, hứa hẹn khả năng trị bệnh hiệu quả trong thời gian ngắn hơn, theo MedicalXpress ngày 21.5.

Đó là kết quả một cuộc nghiên cứu tại phòng thí nghiệm do tiến sĩ William Jacobs và các đồng nghiệp tại Trường cao đẳng Y dược Albert Einstein, thuộc Trường đại học Yeshiva (Mỹ) thực hiện.

Trong quá trình kiểm tra một giả thiết nhằm tìm cách tiêu diệt vi trùng lao, nhóm nghiên cứu đã bất ngờ phát hiện vitamin C có thể tiêu diệt được vi trùng lao kháng thuốc trong ống nghiệm.

Không chỉ vậy, vitamin C còn có thể tiêu diệt được cả chủng lao đa kháng thuốc (MDR) và lao siêu kháng thuốc (XDR).

Vitamin C không đắt tiền, có sẵn để dùng và an toàn cho người sử dụng.

Do vậy, phát hiện trên mở ra hướng mới để bào chế thuốc tiêu diệt vi trùng lao một cách hiệu quả, nhanh chóng và tiết kiệm, theo tiến sĩ Jacobs.

Nghiên cứu được công bố trên Nature Communications.


Dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh lao phổi
Mẹo chữa hắc lào hiệu quả
Bệnh lao ruột chuẩn đoán và điều trị
Chống lão hóa da bằng thiên nhiên
Kinh nghiệm du lịch bụi Cù Lao Chàm


(ST)