Triệu chứng của bệnh nhiễm sán chó bạn cần biết
Triệu chứng của bệnh nhiễm sán chó và cách điều trị
Video Clip: Triệu chứng của bệnh nhiễm sán chó cần phát hiện sớm
Bệnh sán cho là bệnh lây nhiễm, được lan truyền từ chó, súc vật nuôi trong nhà. Dưới đây là một số triệu chứng của bệnh nhiễm sán chó.
TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH NHIỄM SÁN CHÓ
Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Sán chó là một loại ký sinh trùng có tên khoa học là Toxocara canis. Sán chó hình tròn, dài giống như giun đũa ở người. Cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh nhiễm này nếu có những tiếp xúc gần gũi, thân mật với chó như: ôm hôn, ăn ngủ, chơi đùa cùng chó nuôi trong nhà. Trong đó, trẻ em có nguy cơ cao hơn”.
Sán chó nằm trong đường tiêu hóa của chó. Mỗi khi chó thải phân ra ngoài, thường mang theo trứng sán và những đốt sán. Những trứng sán này lan ra trong môi trường. Một số trứng sán bám vào chân, vào lông chó, khi trẻ em vuốt lông chó hoặc nằm, ngồi chơi đùa, bốc thức ăn hoặc mút tay sau khi tiếp xúc với chó và nền đất có trứng sán sẽ bị nhiễm bệnh sán chó. Trứng sán chó vào trong ruột người sẽ nở thành các thể sán non, những thể này có thể theo máu đi đến các cơ quan của người như: gan, não bộ, phổi, mắt … và gây bệnh ở các nơi này.
Triệu chứng của bệnh nhiễm sán chó thường ẩn, không có gì cụ thể. Nhưng nếu để ý, người bệnh có thể có các chứng mệt mỏi, đau bụng, ăn không ngon, giảm cân, ngứa, nóng sốt, ho, khò khè… Nếu sán chó lên phổi sẽ gây viêm phổi, suyễn, đến mắt gây viêm xung quanh mắt, thậm chí gây bệnh ở võng mạc có thể làm mù lòa; các thể sán này còn có thể đến não bộ và gây viêm não hoặc nằm ký sinh dưới da và có thể di chuyển đến nhiều vùng dưới da trong cơ thể, tạo nên những cục u với sự tập trung một lượng lớn các thể nang sán chó.
PHÂN LOẠI BỆNH NHIỄM SÁN CHÓ
Đây là bệnh lây nhiễm, được lan truyền từ chó, súc vật nuôi trong nhà và chúng bao gồm 2 loại bệnh hoàn toàn khác nhau đó là bệnh do sán dãi chó (hay còn gọi là bệnh sán chó) và bệnh do ấu trùng giun đũa chó ở người (mà trong cộng đồng lầm tưởng là bệnh sán chó).
Dù là bệnh sán dãi chó hay bệnh do ấu trùng giun đũa chó ở người thì tất cả đều là bệnh truyền nhiễm, chúng được lan truyền từ chó và súc vật nuôi trong nhà qua đường ăn uống nhưng về mặt ký sinh trùng học thì đây là 2 bệnh hoàn toàn khác nhau, vì mỗi bệnh do một loại tác nhân gây bệnh khác nhau, đó là: bệnh do ấu trùng giun đũa chó ở người hay còn gọi là bệnh giun đũa chó (có tên khoa học là Toxocara Canis ) và bệnh sán dãi chó do ấu trùng của sán dãi chó gây ra (có tên khoa học là Echinococcus granulosus).
Bệnh do ấu trùng giun đũa chó ở người:
Đây là bệnh truyền nhiễm mà nguồn lây chính là từ chó, mèo và các loài súc vật nuôi trong nhà. Mầm bệnh xuất phát từ chó-mèo, nhất là chó con. Từ chó, mèo sau khi trứng giun được thải ra theo phân, chúng phát triển thành trứng có phôi, nó tồn tại rất lâu ở môi trường bên ngoài, có thể trong nhiều tháng và chính những trứng có phôi này là tác nhân lây nhiễm cho người. Khi chúng ta ăn phải thức ăn, nước uống chứa trứng có phôi của ấu trùng giun đũa, khi đó trở thành người nhiễm bệnh. Vào cơ thể người, ấu trùng được phóng thích vào ruột non, sau đó chúng đi theo đường máu di chuyển đến các tạng khác nhau, tại đây chúng có thể sống nhiều năm dưới dạng tự do hay hóa kén, nhưng không bao giờ phát triển thành con trưởng thành.
Bệnh do ấu trùng giun đũa chó ở người là một bệnh rất đa dạng, rất dễ nhầm với các bệnh khác vì với những biểu hiện lâm sàng của chúng thường không rõ ràng, không điển hình cho nên bệnh rất dễ bị bỏ sót, nhất là ở giai đoạn đầu của bệnh.
Bệnh sán dãi chó là gì?
Bệnh sán dãi chó là một bệnh khác hẳn với bệnh do ấu trùng giun đũa chó về tác nhân gây bệnh, mầm bệnh là ấu trùng của loài sán dãi có tên khoa học là Echinococcus granulosus. Sự lây nhiễm xảy ra là do chúng ta khi ăn hoặc uống phải thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh trong đó. Mầm bệnh này thường được tìm thấy ở chó, cừu và những loại thú nuôi khác.
Mặc dù tỉ lệ nhiễm và mắc bệnh loại này không cao nhưng hậu quả của chúng rất nguy hiểm. Khi trứng của ký sinh trùng được ăn vào, chúng sẽ tạo ra thành những nang, chúng cư trú và phát triển trong nội tạng của người như gan, phổi, não và các cơ quan khác. Ở đó, các nang này tồn tại và phát triển rất thầm lặng qua nhiều năm. Khi kích thước đủ lớn để có thể chèn ép hoặc gây xuất huyết bên trong cơ thể thì chúng sẽ bùng phát và gây bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Mầm bệnh thường được tìm thấy trong phân chó, do vậy những người thường tiếp xúc với chó là đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh.
Sán dãi chó là một bệnh có thể không có triệu chứng gì cả trong suốt hàng chục năm sau khi bị nhiễm, vì những u nang sán phát triển rất chậm và khi chúng chưa đủ kích thước thì chúng sẽ chưa có những biểu hiện của bệnh. Những triệu chứng của bệnh thường rất mơ hồ như cảm giác đau vùng có u nang, yếu, mệt mỏi hoặc sụt cân. Trên một số người còn có thể có các dấu hiệu khác như ngứa ngáy, ho, đau ngực, sốt và tiêu ra máu. Khi đó nếu tiến hành việc khám bệnh, xét nghiệm để tầm soát thì có thể tìm thấy được nguyên nhân gây bệnh vì có thể phát hiện những u nang.
Đây là một bệnh truyền nhiễm, chúng được lây truyền từ súc vật nuôi, do đó chúng ta có thể phòng ngừa được hoàn toàn.
-Thường xuyên cho súc vật nuôi uống thuốc tẩy giun sán.
- Không nên tiếp xúc với súc vật nuôi khi chưa tẩy giun sán.
- Phải rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc hoặc chơi đùa với súc vật nuôi.
- Phải rửa sạch trái cây trước khi ăn nhất là loại trái cây không phải gọt vỏ khi ăn.
ĐIỀU TRỊ BỆNH NHIỄM SÁN CHÓ
Trứng sán chó có thể tồn tại trong máu vài năm. Do đó, những người nghi bị nhiễm sán chó cần thử máu và test Elisa để tìm kháng thể chống lại sán chó. Do ký sinh trùng này tồn tại nhiều năm trong cơ thể, nên có thể sau khi điều trị bệnh sán chó, thử máu vẫn cho kết quả dương tính.
Điều trị bệnh sán chó sẽ do bác sĩ chỉ định sau khi đã làm xét nghiệm kiểm tra. Ở những trường hợp bị sán chó làm ảnh hưởng đến các cơ quan nhạy cảm và dễ tổn thương như mắt, cần được phẫu thuật kịp thời. Do trứng sán chó dễ phát tán trong môi trường, nên người bị có thể bị nhiễm sán chó nhiều lần, nếu không sử dụng các biện pháp phòng ngừa.
Theo bác sĩ Đa Hà, cả người lớn lẫn trẻ em cần giữ gìn vệ sinh cá nhân: rửa tay sạch trước khi ăn, nhà cửa phải được lau dọn sạch sẽ; thực hiện ăn chín, uống sôi; không có các cử chỉ quá thân mật, gần gũi với chó mèo; nên tắm rửa thường xuyên và xổ giun định kỳ cho chó. Nếu để chó ra vào nhà, thì không nên cho trẻ nhỏ chơi đùa, bò lê dưới đất hay bốc thức ăn dưới đất đưa vào miệng.
THAM KHẢO THÊM:
NỖI KHỔ CỦA BỆNH NHÂN BỊ NHIỄM KÝ SINH TRÙNG CHÓ MÈO
Từ một người đàn ông khỏe mạnh, là trụ cột gia đình, bỗng nhiên anh Văn Viết Điền (SN 1970, ngụ tổ 4, ấp 6, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành - Bình Phước) phát căn bệnh lạ: người bị lột da như rắn và toàn thân đem sạm.
Ngày 25/9, chị Ung Thị Ngọc Hạnh (SN 1975, vợ anh Điền) cho biết Bộ môn Ký sinh vi nấm Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Tp.HCM vừa gửi kết quả xét nghiệm máu của chồng chị và kết luận anh Điền bị nhiễm giun chó, mèo, giun lươn và amip E.Histolytica.
Mỗi nơi chẩn đoán mỗi kiểu
Chị Hạnh buồn bã kể: “Khoảng tháng 7/2011, chân của chồng tôi bỗng nhiên sưng to. Do nhà ở xa bệnh viện nên anh Điền chỉ đến một phòng khám tư gần nơi cư ngụ để chích thuốc và mua thuốc về uống. Sau đó vài ngày, chân của anh Điền không bớt sưng mà anh còn bị ho, sốt cao.
Ngay sau đó, gia đình đưa anh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp.HCM điều trị được 16 ngày rồi xuất viện. Tuy nhiên, chỉ ở nhà được khoảng 1 tuần, anh Điền phải trở lại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để điều trị. Tại đây, bác sĩ phát hiện anh bị vỡ hồng huyết cầu nên tiến hành truyền tiểu cầu rồi chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy xét nghiệm.Kết quả, anh Điền bị sốt xuất huyết (Dengue) và phải nằm điều trị thêm 15 ngày”.
Thời điểm này, da trên người anh Điền bắt đầu bị bong. Được một số người hướng dẫn, chị Hạnh tiếp tục đưa chồng đến Bệnh viện Da liễu Tp.HCM để điều trị gần 1 tháng. Lúc chuẩn bị xuất viện, anh Điền lại phát sốt và được đề nghị chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng do không còn tiền nên chị Hạnh buộc lòng phải đưa chồng về nhà. Được một thời gian, anh Điền tiếp tục bị dịch tràn phổi và phải quay lại Bệnh viện Chợ Rẫy để mổ, điều trị hơn 2 tháng.
Anh Điền đang nằm tại nhà vì không còn tiền để vào bệnh viện chữa bệnh. (Ảnh: Tân Tiến) |
“Tại các bệnh viện trên, mỗi nơi đều đưa ra chẩn đoán khác nhau. Nơi thì bảo chồng tôi bị dị ứng thuốc, nơi lại cho rằng bị nhiễm trùng máu, mủ màng phổi, hội chứng Steven Johnson, sốt xuất huyết…, không biết đâu mà lần” - Cầm xấp giấy chẩn đoán của các bệnh viện, chị Hạnh rầu rĩ.
Ký sinh trùng đã ăn vào phổi!
“Trong lúc nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị vết mổ, da trên toàn thân của chồng tôi vẫn tiếp tục bong tróc hết lớp này đến lớp khác, giống như loài rắn lột da. Toàn thân anh loang lổ, đen sạm, 2 tai nặng khó nghe, mắt bị mờ. Sau khi xuất viện, tôi lại đưa chồng vào Bệnh viện tư nhân Thánh Tâm ở Bình Phước để tiếp tục điều trị thêm 2 tuần thì hết tiền vì không còn ai dám cho vay thêm nên buộc lòng xin xuất viện. Lúc đó vào tháng 4/2012”. Đưa tay quệt nước mắt, chị Hạnh nói.
Biết được hoàn cảnh gia đình chị Hạnh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã cử cán bộ tới tận nhà để lấy mẫu máu của anh Điền đem về xét nghiệm và cho kết quả nhiễm ký sinh trùng giun chó, mèo, lươn và amip E.Histolytica.
Khi được hỏi có đau không, anh Điền chỉ còn biết ú ớ với giọng rất khó nghe. Tóc của anh Điền cũng rụng sạch; tất cả móng tay, móng chân đều hư hết và chỉ nằm một chỗ. Theo chị Hạnh, sức khỏe anh Điền bị giảm sút nghiêm trọng, lúc trước anh cân nặng 64 kg, nay chỉ còn khoảng 34 kg và bác sĩ cho biết ký sinh trùng đã ăn vào phổi.
Qua đường ăn uống hoặc tiếp xúc qua da
Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Tp.HCM, bệnh do nhiễm ký sinh trùng chủ yếu qua đường ăn uống hoặc tiếp xúc qua da. Ở đường ăn uống, việc lây nhiễm gặp phải chủ yếu khi con người sử dụng các loại thực phẩm sống, chưa qua chế biến hoặc chế biến chưa kỹ, nấu chưa chín.
Ở đường tiếp xúc qua da, ký sinh trùng có thể lây nhiễm khi con người tiếp xúc với những bề mặt có chứa giun, sán… trong quá trình lao động, sinh hoạt; ký sinh trùng sẽ đi vào mạch máu rồi tấn công các cơ quan nội tạng.
Tác hại của bệnh do nhiễm ký sinh trùng phụ thuộc nhiều vào cơ quan mà ký sinh trùng xâm nhập, có thể chia ra làm 3 mức độ khác nhau. Nặng nhất là ký sinh trùng xâm nhập hệ thần kinh trung ương như não, màng não, gây tác động trực tiếp, có tỉ lệ tử vong cao.
Mức độ thứ 2 là ký sinh trùng xâm nhập cơ quan nội tạng, hay gặp nhất là gan, gây ra áp xe, kế đến là phổi gây áp xe phổi, tổn thương màng phổi… Dạng bệnh này ít nguy cấp nhưng có thể diễn tiến nặng. Mức độ thứ 3 là ký sinh trùng gây tổn thương ngoài da. Trường hợp này ít khi gây bệnh quá nặng nhưng thường kéo dài, gây khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh .
(ST)