Triệu chứng của bệnh rối loạn tuần hoàn não

Rối loạn tuần hoàn não là một bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Dưới đây là các triệu chứng của bệnh rối loạn tuần hoàn não.



RỐI LOẠN TUẦN HOÀN NÃO: TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG BỆNH


Đây là một bệnh do rối loạn chức năng của não gây ra do mạch máu nuôi dưỡng não bị chèn ép, tắc, hẹp… làm cho lượng máu đến nuôi dưỡng não bị thiếu.

Biểu hiện của rối loạn tuần hoàn não là gì?

Đối với rối loạn tuần hoàn não cấp tính, biểu hiện thường gặp là chóng mặt, xây xẩm mặt mày, buồn nôn, nôn, nặng đầu khi thay đổi tư thế… Những triệu chứng này thường gặp vào lúc nửa đêm hoặc gần sáng.
Nhiều người bệnh cho biết là họ rất sợ các triệu chứng này bởi nó rất dễ nhầm với tai biến mạch máu não, đặc biệt ở người có tăng huyết áp. Tuy vậy cơn rối loạn tuần hoàn não không gây yếu, liệt tay chân, nhân trung, mặt… Ngoài các triệu chứng điển hình khi cơn cấp tính xảy ra người bệnh còn có thể thấy kém tập trung tư tưởng, giảm khả năng tư duy, chậm hiểu, lười suy luận và đãng trí.

Vì sao lại mắc bệnh rối loạn tuần hoàn não?

Như trên đã nói là do thiếu lượng máu cần thiết đến nuôi dưỡng não mà trong máu có đầy đủ chất dinh dưỡng và đặc biệt là lượng oxygen dồi dào. Hiện tượng này xảy ra có thể do quá trình lão hóa mạch máu não hoặc xơ hóa mạch máu não (xơ vữa động mạch não).

Bệnh xơ vữa động mạch là một bệnh được giới chuyên môn y khoa nhắc đến từ lâu do thành mạch và lòng động mạch dày, cứng (xơ cứng), thậm chí có nhiều mảng xơ vữa thành mạch làm giảm lưu lượng máu và giảm sự lưu thông của máu hoặc tắc dòng máu đến nuôi dưỡng tổ chức não gây nên rối loạn tuần hoàn não.

Nguyên nhân của xơ vữa động mạch đã được làm sáng tỏ bởi sự lắng đọng mỡ, trong đó cholesterol đóng vai trò chủ đạo. Chất cholesterol phần lớn do tổ chức gan sản xuất ra và được chuyển hóa thành HDL (High Density Lipoprotein) và tồn tại dưới dạng LDL-C. Nếu chất này nhiều quá sẽ hình thành các mảng xơ vữa trong lòng động mạch (chất này còn gọi là cholesterol xấu).

Khoa học đã chứng minh xơ vữa động mạch và biến chứng của nó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của người cao tuổi.

Phòng bệnh rối loạn tuần hoàn não như thế nào?

Để phòng bệnh rối loạn tuần hoàn não hiệu quả, người cao tuổi không nên ăn hoặc chỉ nên ăn rất ít mỡ động vật, kiêng rượu, bia (vì rượu, bia làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của gan), lòng đỏ trứng… Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào. Đối với dầu thực vật cũng không nên lạm dụng.

Người cao tuổi cũng cần tập thể dục đều đặn hằng ngày, tập đúng bài, nhẹ nhàng. Đối với người tăng huyết áp cần đề phòng tai biến mạch máu não. Vì vậy người bị rối loạn tuần hoàn não cần kiểm tra sức khỏe định kỳ ở các cơ sở y tế có đủ trang thiết bị để được thầy thuốc theo dõi, điều trị và tư vấn sức khỏe một cách khoa học.

Nguyên tắc điều trị rối loạn tuần hoàn não

Trước hết khi có cơn rối loạn tuần hoàn não cấp hoặc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua người bệnh cần được đưa ngay đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời. Trong điều trị cần thiết dùng thuốc ức chế tiểu cầu, thuốc tăng khả năng cải thiện việc cung cấp oxygen cho não. Nếu có các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường cần được theo dõi và điều trị kết hợp.
 

THẬN TRỌNG KHI CHỌN VÀ DÙNG THUỐC TUẦN HOÀN NÃO


Rối loạn tuần hoàn não thường có một số biểu hiện như đau đầu (đau ê ẩm, râm ran, nặng đầu, khó chịu) ù tai, giảm thính lực tạm thời, chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng, hay quên đột ngột, giảm trí nhớ, nặng hơn có thể có cơn đột quỵ (drop attacks) kèm theo mất ý thức. Thuốc tuần hoàn não làm giảm các biểu hiện trên nhưng mỗi thuốc lại có cơ chế, cách sử dụng khác nhau…

Các thuốc thường dùng

Cinnarizin (stugeron, cinarin): Đây là thuốc chẹn kênh calci có chọn lọc, đồng thời làm giảm hoạt tính co mạch của một số chất (adreanlin, serotonin), do đó làm tăng lưu lượng máu đến các vùng, giảm tình trạng thiếu ôxy não mà không làm tăng áp lực máu, tốc độ tim. Ngoài ra, cinnarizin có tính kháng histamin, góp phần làm giảm một số triệu chứng của rối loạn tuần hoàn não.

Nicergolin (sermion): Làm giảm lực cản, tăng dòng chảy ngoại vi, làm tăng mức tiêu thụ ôxy, glucose, lập lại cân bằng tuần hoàn não. Được dùng trong rối loạn tuần hoàn não do giảm sút dòng chảy ngoại vi.

Piracetam (nootropyl, ucetam, anoxyl, gabacet): Piracetam tác động trực tiếp lên não, lên hệ thống thần kinh trung tâm, cải thiện khả năng dẫn truyền, cải thiện sự chuyển hóa não của người bình thường cũng như người thiếu hụt một vài chức năng về sự nhận thức, sự học - nhớ, sự linh lợi, tỉnh táo.

Piracetam tăng cường sự chuyển hóa ôxy, glucose não; duy trì tổng hợp năng lượng não; tăng cường sự phục hồi tổn thương, do đó bảo vệ, phục hồi khả năng nhận thức sau chấn thương não (giảm ôxy huyết, nhiễm độc, sau sock điện) cải thiện tình trạng bị mất trí sau nhồi máu phức tạp hoặc thiếu máu cục bộ não. Nên dùng sớm trước 7 giờ sau khi xảy ra sự cố.

Thuốc được dùng cho người già cải thiện sự mất trí nhớ, chóng mặt, thiếu sự tập trung hoặc linh lợi, thay đổi trạng thái hành xử; cho trẻ em khó học và viết (nhưng không thay thế các biện pháp khác). Piracetam còn gọi là thuốc hưng trí.

Cerebrolysi: Đi qua hàng rào máu - não, tác động vào bên trong tế bào thần kinh, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung tâm theo nhiều cách, có tác dụng dinh dưỡng thần kinh độc đáo, bao gồm: tăng sinh, biệt hóa, đảm bảo các chức năng, tính đặc trưng của các tế bào thần kinh; tăng cường sự dẫn truyền, chuyển hóa; che chở cho các thương tổn não do thiếu máu cục bộ và nhiễm độc thần kinh.Thuốc được dùng cho người rối loạn trí nhớ, kém tập trung, sa sút trí tuệ (do nguyên nhân mạch máu não, nhồi máu não nhiều chỗ), dùng cho người đột quỵ (do thiếu máu cục bộ, do chấn thương). Trong phục hồi tổn thương não, cerebrolysin có hiệu lực cao khi dùng sớm (trước 4 ngày sau khi xảy ra sự cố).

Ginkgo biloba: Là cao đã được chuẩn hoá của lá bạch quả. Ginkgo biloba dọn sạch gốc tự do, ngăn ngừa sự phá hủy màng tế bào, kích thích sự giải phóng catecholamin, duy trì sự hoạt động của động mạch, tĩnh mạch, làm bình thường sự chuyển hóa của não (tăng tiêu thụ glucose, hạn chế mất cân bằng chất điện giải) trong điều kiện thiếu máu cục bộ. Được dùng làm giảm các biểu hiện của rối loạn tuần hoàn não, một vài chứng về mắt (tắc mạch võng mạc). Gần đây được nghiên cứu dùng trong các biểu hiện: chán nản, khác thường về ứng xử, đau đầu mạn do căng thẳng, biểu hiện tâm thần vận động, thần kinh tiểu đường, giảm sút trí tuệ, trí nhớ (khi các biểu hiện này là do rối loạn tuần hoàn não hay có liên quan đến tuần hoàn não).



Xơ vữa mạch máu gây tắc mạch là một nguyên nhân gây rối loạn tuần hoàn não.

Dùng thế nào cho đúng?

Trên thực tế lâm sàng, các triệu chứng như nhức đầu, hoa mắt chóng mặt do rối loạn tiền đình hay đau đầu, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ do suy nhược thần kinh... cũng có những biểu hiện giống như bị rối loạn tuần hoàn não. Vì vậy, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh, dùng đúng thuốc.

Các thuốc (kể cả loại được coi là hưng trí piracetam, ginkgobiloba) chỉ có khả năng phục hồi lại sự suy giảm trí nhớ do rối loạn tuần hoàn não đến mức bình thường chứ không làm vượt qua mức bình thường trước đó. Một số người dùng các thuốc này khi không bị bệnh, hay tăng liều để tăng cường trí tuệ là không có hiệu quả thực tế.

Thầy thuốc tùy theo kiểu và mức độ rối loạn tuần hoàn não chọn thuốc, liều thích hợp để đủ lập lại cân bằng não bị suy giảm. Một số người tự ý dùng tăng liều với hy vọng tuần hoàn não mạnh lên sẽ có lợi, là quan niệm hết sức sai lầm, việc tăng liều như thế sẽ có hại, có thể gây nên các biểu hiện trái ngược như căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ...

Trong thiếu máu cục bộ cần dùng thuốc sớm (như piracetam, cerebrolysin). Sau khi đạt được yêu cầu bảo vệ hồi phục tổn thương não, thường ngừng thuốc. Một số người coi chúng là thuốc “bồi dưỡng cho não” tự ý dùng thêm không có ích lợi gì hơn.

Khi dùng thuốc cần chú ý đến các tương tác bất lợi, nhất là khi dùng nhiều loại thuốc điều trị nhiều bệnh một lúc. Ví dụ, cinnarizin, nicergolin làm tăng hiệu lực của các thuốc kháng histamin, thuốc an thần gây ngủ, rượu. Cerebrolysin làm tăng tích lũy thuốc IMAO, các thuốc chống trầm cảm. Ginkgobiloba gây nguy cơ tăng huyết áp khi dùng chung với IMAO.

Thận trọng khi dùng cerebrolysin, piracetam trên người chức năng thận suy giảm (vì thuốc bài tiết qua thận). Thận trọng khi dùng cerebrolyzin, necergolin, ginkgo biloba cho người cao huyết áp. Không dùng ginkgo biloba cho người cường giáp, piracetam cho người suy gan.



BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH TUẦN HOÀN NÃO


Khi nghi ngờ bị thiểu năng tuần hoàn não (có đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…), cần đi khám bệnh ngay và rất nên khám bệnh định kỳ.

Trong cuộc sống hàng ngày cần có chế độ ăn uống hợp lý như ăn nhiều rau, quả, cá (mỗi tuần nên ăn vài ba bữa cá), hạn chế ăn nhiều thịt, không nên ăn mỡ động vật. Nên hạn chế đến mức tối đa uống rượu, bia.

Nên bỏ thuốc lá hoặc thuốc lào. Tập thể dục đều đặn để ngăn ngừa một số bệnh như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thừa cân vì các bệnh này gián tiếp  làm  xuất hiện bệnh thiểu năng tuần hoàn não. Khi đã được xác định bị thiểu năng tuần hoàn não, cần tuân theo những lời tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình, nhất là chế độ ăn, tập luyện, dùng thuốc.

Cần cho những thành viên trong gia đình biết về bệnh của mình, nhất là các bệnh có liên quan đến bệnh thiểu năng tuần hoàn não để được giúp đỡ, giám sát và tạo điều kiện thuận lợi trong chế độ ăn, uống, nghỉ ngơi và dùng thuốc. NCT không nên tắm nước lạnh khi mới đi ngoài trời nắng về và mùa lạnh, NCT nên mặc ấm, nơi nằm ngủ tránh gió lùa. Mùa đông mỗi lúc thức dậy, nhất là lúc nửa đêm và gần sáng cần nằm tĩnh dưỡng một lúc mới ngồi dậy, tránh lạnh đột ngột bởi vì NCT bị thiểu năng tuần hoàn não có nhiều nguyên nhân gây nên nhưng nếu liên quan đến bệnh của hệ thống tim mạch (tăng huyết áp) mà bị lạnh thì mạch máu co lại đột ngột làm não thiếu máu đột xuất sẽ rất dễ gây tai biến  mạch máu não.



Thiểu năng tuần hoàn não
Tìm hiểu về bệnh thiểu năng tuần hoàn não
Nguyên nhân của bệnh rối loạn tuần hoàn não
Rối loạn tuần hoàn não
Triệu chứng của bệnh đột quỵ não


(ST)