Bệnh sốt xuất huyết hay còn gọi là sốt dengue hoặc sốt xuất huyết dengue là bệnh nhiễm virut cấp tính do muỗi truyền. Bệnh có những biểu hiện khác nhau tùy mức độ ở nhiễm bệnh của từng người.
Bệnh sốt xuất huyết có ba biểu hiện cụ thể như sau:
1. Bệnh sốt dengue (SD) không có xuất huyết tự phát.
2. Bệnh sốt xuất huyết dengue (SXHD) có những mức độ xuất huyết khác nhau như xuất huyết dưới da, niêm mạc và xuất huyết nội tạng. Xuất huyết dưới da thường gặp là những nốt chấm xuất huyết (petechiae), có thể diễn biến nặng là các ban xuất huyết (purpura), hoặc các bầm máu (ecchymosis), nơi nào trên cơ thể bị va chạm nhiều thì ở đó dễ bị xuất huyết nhiều.
3. Hội chứng sốc dengue và dễ tử vong: khởi đầu của bệnh là sốt đột ngột kéo dài từ 2 - 7 ngày kèm theo mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau lưng dọc theo các cơ và xương hoặc khớp, buồn nôn, nôn và nổi ban. Dấu hiệu xuất huyết nhẹ nhất là chảy máu cam, ngày có kinh kéo dài ở phụ nữ và dấu hiệu dây thắt dương tính.
Bệnh tiến triển nặng biểu hiện ở xuất huyết dưới da có thể lan rộng toàn thân, xuất huyết nội tạng với triệu chứng nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen, gan to. Có thể dẫn đến hội chứng sốc dengue với biểu hiện: bệnh nhân vật vã li bì, chân tay lạnh, nổi da gà, mạch nhanh, huyết áp hạ... có thể dẫn đến tử vong. Những trường hợp này xét nghiệm thấy bạch cầu, tiểu cầu giảm và hematocrit tăng.
Để tránh nguy cơ bị sốt xuất huyết cần phải ngủ màn, dọn vệ sinh quanh nhà sạch sẽ để không cho muỗi truyền bệnh phát triển. Nếu xuất hiện các biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế khám và điều trị.
Lưu ý 3 ngày đầu tiên.
Ngày thứ 1: Bệnh nhân sốt cao, đột ngột, liên tục, sốt không ớn lạnh, mặt ửng đỏ, họng đỏ không đau. Không cần làm xét nghiệm vì lúc này các xét nghiệm đều bình thường. Cần dặn dò bệnh nhân đến tái khám hàng ngày để theo dõi các dấu hiệu khác.
Ngày thứ 2: Bệnh nhân tiếp tục sốt cao, liên tục. Hãy cố gắng tìm các dấu hiệu xuất huyết trên cơ thể bé như xuất huyết dưới da trên bụng, tay chân, mí mắt, cổ. Trong trường hợp không thấy dấu xuất huyết tự nhiên thì chúng ta làm dấu xuất huyết nhân tạo, tức là làm dấu dây thắt bằng cách lấy máy đo huyết áp đo cho em bé, giữ mức huyết áp trung bình giữa huyết áp tối đa và tối thiểu trong 5 phút, sau đó xem trên tay có dấu xuất huyết dưới da hay không? Dấu “dây thắt” dương tính là có 5 nốt xuất huyết dưới da trở lên trên một diện tích da là 1cm2. Xét nghiệm máu trong ngày thứ 2 cũng chưa thay đổi rõ ràng nên cũng không cần làm.
Ngày thứ 3: Dấu hiệu SXH trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Bệnh nhân vẫn còn sốt cao, có thể xuất huyết da niêm mạc như chảy máu mũi, máu răng. Nếu trẻ trên tuổi dậy thì hỏi thêm về kinh nguyệt có ra huyết bất thường không? Bệnh nhân có thể cảm giác khó chịu, đau bụng nhợn ói. Hãy làm xét nghiệm máu, kết quả máu nếu có Hct tăng 39-40%, tiểu cầu giảm dưới 150.000 tế bào/mm3 là chẩn đoán SXH chính xác đến trên 90%. Test nhanh SXH có thể làm trong ngày này.
Sang ngày thứ 4, thứ 5 các triệu chứng rõ ràng nhất
Như vậy để chẩn đoán sớm SXH là trong 3 ngày đầu tiên chúng ta lưu ý kỹ về các triệu chứng của bé. Các bà mẹ phải nhớ ngày khởi phát sốt của con, các dấu hiệu của con để báo bác sĩ và tập trung các trẻ có dấu hiệu đã kể ở trên để sớm nhận ra bệnh SXH. Hãy đưa trẻ đến khám bệnh hàng ngày và bất cứ khi nào trẻ có dấu hiệu khác thường như: Lừ đừ, ói nhiều, đau bụng nhiều, chảy máu nhiều, tay chân mát lạnh. Chẩn đoán sớm, đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời thì điều trị SXH sẽ đạt kết quả tốt nhất.
Cách phòng chống bệnh:
- Mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để nơi ở thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi chích (đốt).
- Thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.
- Đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước và hàng tuần nên cọ rửa sạch sẽ; thả cá 7 màu diệt lăng quăng (bọ gậy).
- Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể, vỏ xe…), thay nước bình bông mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi. Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi.
Đặc biệt lưu ý đối với người bệnh sốt xuất huyết :
- Không cho người bệnh uống Aspirin (vì gây thêm xuất huyết).
- Không cắt lễ hay cạo gió, không quấn kín hoặc mặc áo nhiều khi đang sốt.
- Không cữ ăn, không nhịn uống.
(St)