Triệu chứng của bệnh tụt canxi máu và cách khắc phục

Canxi đóng vai trò chính trong quá trình co cơ, dẫn truyền thần kinh, giải phóng các hormon và đông máu, điều hoà nhiều enzym khác nhau nên khi cơ thể bị thiếu vi chất này sẽ dẫn đến một loạt các biểu hiện nguy hiểm như cơn tetani, loạn nhịp tim hoặc rối loạn dẫn truyền trong tim…

Canxi đóng vai trò chính trong quá trình co cơ, dẫn truyền thần kinh, giải phóng các hormon và đông máu, điều hoà nhiều enzym khác nhau nên khi cơ thể bị thiếu vi chất này sẽ dẫn đến một loạt các biểu hiện nguy hiểm như cơn tetani, loạn nhịp tim hoặc rối loạn dẫn truyền trong tim… Tuy nhiên, nếu có những kiến thức cơ bản để nhận biết dấu hiệu của hạ canxi máu lại có thể giúp người bệnh tránh được những hậu quả này.

Hạ canxi máu do đâu?

Hạ canxi máu là khi nồng độ canxi toàn phần trong máu dưới 8,8mg/dL (2,20mmol/l) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường, hoặc canxi iôn hoá dưới 4,7mg/dL (1,17mmol/L). Có nhiều nguyên nhân gây ra hạ canxi máu nên, trong đó chủ yếu là:

Tăng tạo xương trong khi cung cấp canxi không đủ (trẻ em đang giai đoạn phát triển nhanh, phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ), hội chứng kém hấp thu do rối loạn tiêu hoá kéo dài; 

Suy và giả suy tuyến cận giáp trạng, là giảm bài tiết parathyroid hormon gây hạ canxi máu, tăng photpho máu và thường gây nên cơn tetani mạn tính.

Thiếu hụt vitamin D; bệnh lý thận: bệnh lý ống thận, suy thận;

Các nguyên nhân khác: thiếu hụt magiê, viêm tụy cấp, giảm albumin máu, tăng photpho máu. Các thuốc gây hạ canxi máu như thuốc chống động kinh (phenobarbital, phenytoin), rifampicin, truyền máu nhiều, thuốc cản quang, dùng liều cao calcitonin.

 Dấu hiệu Trousseau nhận biết hạ canxi máu.

Hạ canxi máu gây những rối loạn nghiêm trọng nào?

Dấu hiệu hay gặp là tình trạng co cứng cơ (chuột rút) ở vùng lưng và chân. Những trường hợp hạ canxi máu diễn biến từ từ, âm ỉ có thể gây các dấu hiệu thần kinh nhẹ như trầm cảm, lú lẫn hay kích thích tâm thần. Phù gai thị và đục thể thủy tinh có thể xuất hiện khi bị hạ canxi máu kéo dài.

Nhu cầu canxi của cơ thể

Canxi trong cơ thể được duy trì ổn định phụ thuộc vào 3 yếu tố chính, đó là do thức ăn, nước uống đưa vào, hấp thu canxi từ ruột và đào thải qua thận. Nhu cầu hằng ngày một chế độ ăn đầy đủ phải đảm bảo cung cấp khoảng 1.000mg Ca qua đường ăn uống thì có khoảng 200mg canxi bị đào thải qua đường mật và các dịch tiêu hoá khác. Mỗi ngày có khoảng 200 - 400mg canxi được hấp thu từ ruột vào máu và quá trình này phụ thuộc vào nồng độ vitamin D trong máu, phần còn lại đào thải qua phân. Cân bằng canxi được duy trì qua con đường đào thải qua thận, trung bình 200 mg/ngày. Gần 99% canxi trong cơ thể tập trung ở trong xương, chủ yếu dưới dạng tinh thể hydroxyapatite. Chỉ 1% canxi trong xương là tự do trao đổi với dịch ngoài tế bào, do đó luôn sẵn sàng để điều chỉnh nồng độ canxi trong máu luôn ổn định. Nồng độ canxi toàn phần bình thường trong máu được duy trì dao động từ 8,8 đến 10,4mg /dL (2,20-2,60mmol/L), trong đó 40% được gắn với protein huyết tương, chủ yếu là albumin. 60% còn lại bao gồm canxi iôn hóa và phức hợp canxi với phosphate và citrate.

Cơn tetani xuất hiện do hạ canxi máu nặng nhưng cũng có thể gặp trong trường hợp chỉ hạ canxi iôn hoá trong khi canxi toàn phần bình thường, ví dụ như trong tình trạng kiềm hoá máu. Biểu hiện của cơn tetani là các triệu chứng cảm giác như dị cảm ở đầu chi, môi, lưỡi, bàn cổ chân, đau cơ lan toả, co cứng cơ vùng mặt, tay, chân. Ngoài cơn tetani tự phát, người ta còn dùng một số nghiệm pháp để tìm các dấu hiệu đặc trưng của hạ canxi máu. Dấu hiệu Chvostek biểu hiện bằng sự co cơ mặt tự phát sau khi gõ nhẹ vào dây thần kinh mặt ở vị trí ngay trước ống tai. Dấu hiệu Trouseau biểu hiện bằng sự co rút các cơ vùng cổ tay, bàn tay xuất hiện khi giảm lượng máu cung cấp cho bàn tay, dấu hiệu này còn gặp trong hạ magiê, kiềm hoá máu, hạ kali máu và khoảng 6% người khoẻ mạnh không phát hiện có rối loạn điện giải. Loạn nhịp tim hoặc rối loạn dẫn truyền trong tim có thể gặp ở một số trường hợp hạ canxi máu nặng. Một số triệu chứng khác có thể gặp như: da khô, dày, móng tay giòn, có khía, dễ gãy; tóc xơ, cứng. Nhiễm nấm Candida cũng rất hay gặp, nhất là trong các trường hợp suy tuyến cận giáp trạng.

Điều trị hạ canxi máu tùy nguyên nhân

Trong trường hợp hạ canxi máu cấp tính như cơn tetani thì nên điều trị bằng tiêm tĩnh mạch chậm dung dịch canxi gluconate hoặc canxi clorua 10%, các triệu chứng thường hết nhanh chóng sau tiêm nhưng tác dụng thường ngắn, chỉ kéo dài vài giờ. Do đó có thể tiêm nhắc lại hoặc truyền tĩnh mạch chậm (canxi gluconate 10% pha trong glucose 5%). Đặc biệt lưu ý ở bệnh nhân đang sử dụng thuốc trợ tim digoxin: truyền rất chậm và theo dõi điện tim liên tục. Khi cơn tetani phối hợp với hạ magiê máu, phải bổ sung đồng thời cả magiê với canxi. Trong trường hợp hạ canxi máu sau mổ cắt tuyến cận giáp thì chỉ cần bổ sung canxi bằng đường uống (1g/ngày) là đủ. Với hạ canxi máu mạn tính, bổ sung canxi bằng đường uống và đôi khi phối hợp với vitamin D. Có thể dùng canxi gluconat hoặc canxi carbonat, 1-2g canxi/ngày.

Phòng hạ canxi máu bằng cách nào?

Lựa chọn thức ăn giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, phomát… và tăng cường tập thể dục ngoài trời (tăng tổng hợp vitamin D làm tăng hấp thu canxi ở ruột)… là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.