Nguyên nhân của bệnh ung thư máu và những thông tin cần biết
Công dụng trị bệnh ung thư của trà xanh
Triệu chứng của bệnh ung thư máu
Tìm hiểu về bệnh ung thư dạ dày
Nguyên nhân của bệnh ung thư tiền liệt tuyến và hướng điều trị phù hợp
Ung thư vòm họng là bệnh thường gặp nhất trong các ung thư đầu cổ và là một trong 10 ung thư phổ biến tại Việt Nam. Dưới đây là các triệu chứng của bệnh ung thư vòm họng.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở nam giới, tuổi từ 40 – 60. Theo ghi nhận ung thư Hà nội, năm 1998 tỷ lệ mắc bệnh này ở nam giới là 9,2 người /100.000 dân và ở nữ giới là 4,8 người/100.000 dân.
Vòm họng là phần cao nhất của họng. Ung thư vòm họng là những ung thư xuất phát từ biểu mô vùng vòm họng.
Chẩn đoán ung thư vòm họng thường bị chậm do đặc điểm về vị trí giải phẫu khó khám, các triệu chứng vay mượn của các bộ phận quanh vòm họng.
Ung thư vòm họng cho tới nay được điều trị chủ yếu bằng xạ trị ở giai đoạn sớm, hoá trị kết hợp với xạ trị ở giai đoạn muộn.
NGUYÊN NHÂN GÂY UNG THƯ VÒM HỌNG
Nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng cho tới nay chưa được xác định rõ ràng. Tuy vậy có rất nhiều giả thiết:
Virus Epstein – Barr có liên quan đến ung thư vòm họng:
Qua nhiều nghiên cứu thấy ung thư vòm họng có liên quan đến virus Epstein – Barr (EBV). Kháng thể chống virus EBV cao ở các bệnh nhân ung thư vòm họng loại biểu mô không biệt hoá.
Yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân ung thư vòm họng
Nhiều trường hợp ung thư vòm họng được phát hiện trong một gia đình. Tỉ lệ tăng cao của kháng nguyên HL – A2 ở vị trí thứ nhất và sự thiếu hụt ở vị trí thứ hai của kháng nguyên BW46 hình như tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện ung thư vòm họng.
Môi trường tác động gây bệnh ung thư vòm họng
Kiều dân Trung quốc di tản sang Mỹ ít bị ung thư vòm họng hơn ở trong nước làm cho người ta nghĩ tới vai trò của môi trường tác động vào bệnh này. Tổn thương chức năng tế bào lympho T kèm theo nhiễm EBV mạn tính là hai yếu tố nguy cơ cao đã được xác định.
Thức ăn và cách chế biến được cho có liên quan tới ung thư vòm họng.
Thức ăn chế biến qua các khâu lên men như rượu, bia, cá muối, dưa khú, nước mắm có chứa nhiều chất Nitrosamin có liên quan đến một số loại ung thư của đường tiêu hoá, và ung thư vòm họng.
Tuổi và giới
Ung thư vòm họng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thấp nhất là 5 tuổi và cao nhất là 85 tuổi. Tuy nhiên, lứa tuổi hay gặp nhất từ 30 – 55 chiếm tỉ lệ 70%.
Giới: Bệnh gặp ở cả hai giới, tuy nhiên tỉ lệ nam/nữ = 2,5/1.
TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH UNG THƯ VÒM HỌNG
• Đau đầu: thường âm ỉ, lan toả
• Ù tai: Thường ù tai một bên như tiếng xay thóc hoặc ve kêu, xu hướng ngày càng tăng.
• Ngạt mũi, xỉ mũi ra máu, hoặc chảy máu cam.
Các triệu chứng nhức đầu, ù tai, ngạt mũi rất dễ lầm lẫn với cảm cúm, các bệnh nội khoa về thần kinh mạch máu. Tuy nhiên, các triệu chứng sớm của ung thư vòm họng thường ở một bên ngày càng tăng nặng. Các phương pháp điều trị nội khoa không có kết quả.
• Đau đầu: Thường khu trú có những cơn dữ dội.
• Ù tai: ù tai liên tục, giảm thính lực dần, một số trường hợp bị điếc.
• Ngạt mũi: Ngạt mũi liên tục và kèm theo chảy mủ lẫn máu lờ lờ như máu cá.
• Nổi hạch cổ: Nhóm hay gặp nhất là hạch góc hàm, đặc điểm nổi bật là hạch nhỏ, chắc, không đau thường tình cờ phát hiện, sau đó có thể xuất hiện thêm nhiều hạch ở một hoặc cả hai bên cổ. Hạch to dần phá vỡ vỏ bọc gây lở loét sùi ra da, lúc này bệnh nhân mới thấy đau.
• Liệt dây thần kinh sọ não: Thường gặp các dấu hiệu lác mắt, nhìn đôi, tê mặt, vẹo lưỡi, muộn hơn có thể gặp dấu hiệu nuốt sặc vv…
ĐIỀU TRỊ UNG THƯ VÒM HỌNG HIỆU QUẢ
Sau khi được chẩn đoán, các bác sỹ sẽ xác định giai đoạn của bệnh, căn cứ vào giai đoạn bệnh cùng một vài yếu tố khác để quyết định kế hoạch điều trị và tiên lượng bệnh. Các biện pháp điều trị chính hiện nay gồm có:
- Tia xạ: Với ung thư vòm họng hiện nay, xạ trị là phương pháp điều trị quan trọng nhất, chiếu tia cả khối u và hạch cổ nếu có. Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các bác sỹ có thể xác định chính xác trường chiếu tia dựa vào các hình ảnh không gian 3 chiều nhằm tăng tối đa tác dụng của tia xạ trên khối u đồng thời hạn chế làm tổn thương mô lành.
- Hóa chất: Trước đây hóa chất chỉ được sử dụng khi ung thư vòm họng có di căn xa hoặc khi điều trị tia xạ thất bại, xu hướng mới hiện nay là điều trị tia xạ kết hợp với hóa chất ngay từ đầu để làm tăng hiệu quả điều trị triệt để khối u.
- Phẫu thuật: Do vòm họng nằm ở vị trí giải phẫu chật hẹp và sâu nên trước đây phẫu thuật không có vai trò quan trọng trong điều trị triệt để mà chỉ có vai trò trong việc lấy bệnh phẩm để chẩn đoán bệnh. Ngày nay, với sự tiến bộ của phẫu thuật nền sọ, kết hợp với nội soi đã mở ra cơ hội chữa khỏi bệnh cho những bệnh nhân ung thư vòm họng thể kém đáp ứng với tia xạ như thể sừng hóa hoặc tái phát. Ngoài ra phẫu thuật còn có thể loại bỏ các hạch di căn ở vùng cổ giai đoạn còn khu trú.
Ngoài các phương pháp điều trị cơ bản như trên, các nhà khoa học hiện nay đang nỗ lực nghiên cứu các biện pháp điều trị mới dựa trên sinh học phân tử, công nghệ gen, miễn dịch học… và bước đầu đã cho thấy hiệu quả điều trị tích cực.
Tiên lượng bệnh ung thư vòm họng:
Tiên lượng bệnh ung thư vòm họng phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh khi được phát hiện, nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm tỷ lệ sống trên 5 năm sau điều trị có thể lên tới trên 70%, nhiều trường hợp khỏi hẳn.
Với ung thư vòm giai đoạn muộn, tỷ lệ tái phát và di căn sau điều trị rất cao, tỷ lệ sống thêm trên 5 năm thấp từ 10% tới 40%.
Tiên lượng bệnh ung thư vòm họng còn phụ thuộc nhiều vào thể ung thư, ung thư biểu mô không biệt hóa có tiên lượng tốt nhất vì rất nhạy cảm với tia xạ, ung thư mô liên kết có tiên lượng kém nhất.
Khuyến cáo
Nếu bạn điều trị nội khoa một, hoặc hai các dấu hiệu dưới đây sau 2 tuần không hiệu quả cần đến cơ sở chuyên khoa để khám và xác định bệnh:
• Đau đầu một bên kéo dài
• ù tai một bên kéo dài
• Ngạt mũi một bên, chảy máu cam
• Lác mắt
• Tê mặt một bên
• Tình cờ phát hiện hạch cổ không sưng nóng đỏ đau
Ung thư vòm họng là một bệnh có cơ may chữa khỏi với tỉ lệ cao nếu được điều trị ở giai đoạn sớm.
PHÒNG BỆNH UNG THƯ VÒM HỌNG
Hiện tại các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu để phát triển vắc xin phòng virus Epstein-barr, một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư vòm họng. Trong khi chờ đợi các biện pháp phòng bệnh đặc hiệu như trên chúng ta có thể áp dụng các biện pháp khác để nâng cao sức khỏe nói chung, hạn chế các yếu tố nguy cơ khác của ung thư vòm họng như:
• Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có chế độ làm việc sinh hoạt hợp lý để nâng cao sức khỏe.
• Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, chất kích thích, hạn chế ăn các thức ăn lên men như dưa muối, cà muối…
• Điều trị sớm những viêm nhiễm ở đường mũi họng.
• Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở vùng tai mũi họng như đau đầu kéo dài, xì máu mũi, ù tai, hạch cổ to… nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng sớm để được nội soi vòm, loại trừ bệnh.
Ung thư vòm là loại ung thư phổ biến ở Việt Nam, là bệnh nguy hiểm, độ ác tính cao nhưng có thể được điều trị rất tốt nếu được phát hiện sớm do đó cần nhận biết các dấu hiệu sớm, của bệnh để đi khám kịp thời. Người có nguy cơ cao bị ung thư vòm họng như tuổi trung niên, hút thuốc lá nhiều… nên được khám Tai mũi họng định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện bệnh sớm.
CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ VÒM HỌNG
Các chuyên gia Bệnh viện ung bướu Hiện đại Quảng Châu cho biết, chế độ ăn uống hằng ngày và chế độ ăn uống trong quá trình điều trị của bệnh nhân ung thư rất quan trọng, một chế độ ăn uống tốt sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến sức khoẻ của bệnh nhân.
Chế độ ăn uống hằng ngày
1.Ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hoá, đặc biệt là phải cung cấp đầy đủ protein và vitamin. Thực phẩm cần đa dạng và phải có đủ màu, mùi, vị để tăng sự thèm ăn cho bệnh nhân. Ăn những thức ăn thanh đạm, tránh các loại thức ăn nhiều dầu mỡ. Khi không muốn ăn thì có thể thêm một số thức ăn khai vị làm tăng sự thèm ăn cho bệnh nhân và nên chia nhỏ thành nhiều bữa.
2.Nên ăn những đồ ăn thanh đạm, có tác dụng phòng tránh viêm loét, thanh nhiệt giải độc như quả la hán, mã thầy, bì lợn, rau chân vịt, mướp đắng.
3.Có thể lựa chọn thực phẩm tương ứng với triệu chứng: khan giọng: củ cải, lê, ngân hạnh, mơ; khó nuốt: hạnh nhân, nhận quả hồ đào, hoa bách hợp; khạc ra máu: bột củ sen, cây kim châm.
4.Chọn những thức ăn chống lại u vòm họng ác tính như lá xa tiền thảo, hoa mã lan, chao, mướp, cà..
5.Những thức ăn nên kiêng: kiêng bia rượu, thuốc lá, hạn chế ăn các loại thức ăn cay nóng, khi có hiện tượng viêm nhiễm thì không nên ăn các loại thức ăn nóng như thịt chó, thịt dê. Nên động viên bệnh nhân cố gắng ăn uống, đồng thời cần dựa vào sức chịu đựng của từng người để có chế độ ăn uống hợp lý. Khi bệnh nhân cảm thấy ăn ngon miệng thì nên ăn nhiều một chút, không cần hạn chế gì, không nên ép bệnh nhân ăn những thức ăn mà mình không thích để tránh khó chịu, buồn nôn.
Chế độ ăn uống trong thời gian điều trị
Bệnh nhân ung thư vòm họng cần hết sức chú ý đến các thành phần dinh dưỡng, cần đưa ra một kế hoạch về chế độ ăn uống cho bệnh nhân ung thư vòm họng một cách hợp lý. Thực tế đã chứng minh, các chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với việc điều trị và hồi phục sức khoẻ của bệnh nhân ung thư vòm họng, có thể giúp bệnh nhân hồi phục sức khoẻ nhanh hơn sau phẫu thuật, tăng cường khả năng chịu đựng trong quá trình hoá xạ trị, nâng cao hệ miễn dịch, tránh viêm nhiễm và biến chứng.
1.Chế độ ăn uống sau khi phẫu thuật: sau khi phẫu thuật, bệnh nhân ung thư vòm họng nên ăn nhiều hạnh nhân, nước ép lê, nước mía, nước ép cà rốt, nước ép táo, nước ép kiwi…
2.Chế độ ăn uống khi xạ trị: nên ăn những loại rau củ quả tươi, đồng thời có thể ăn món nấm nấu đậu, canh gan lợn với rau chân vịt…
3.Chế độ ăn uống khi hoá trị: chọn các loại thức ăn bổ khí tư âm như cá chép, mộc nhĩ trắng, nấm hương, tổ yến, hướng dương, lê, ngân hạnh…
Có một số bệnh nhân sau khi phẫu thuật không dám ăn vì sợ sặc. Càng không dám ăn thì càng dễ bị sặc. nhờ sự tập luyện nuốt thức ăn mà sẽ ít bị sặc hơn, sau đó có thể không còn bị sặc nữa. nếu như lúc đầu luyện nuốt thức ăn mà bị sặc thì có thể ăn theo những cách sau:
(1)Dùng tay ấn: Khi nuốt thức ăn thì dùng tay ấn phần da hàm dưới.
(2)Ăn kết hợp: ăn một miếng màn thầu hoặc chuối trước, sau đó sẽ ăn thức ăn
(3)Khi vết mổ khí quản của bệnh nhân nằm ở khí nang mà có thể bơm khí, khi ăn có thể dùng ống tiêm để bơm khí, sau khi ăn xong lại tháo hết khí.
Chuyên gia Bệnh viện Ung bướu Hiện đai Quảng Châu khuyên rằng, bệnh nhân ung thư vòm họng không nên quá ỷ lại vào những phương pháp trên, cuối cùng vẫn nên luyện tập để khắc phục hiện tượng sặc. Có một số ít bệnh nhân thông qua quá trình luyện nuốt thức ăn mà vẫn không thể khắc phục được hiện tượng sặc thì phải cần giải quyết bằng phẫu thuật, nhưng có thể sẽ mất đi giọng nói. Chế độ ăn uống trong cuộc sống hằng ngày và trong quá trình điều trị cần chú ý cân bằng dinh dưỡng, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, có vai trò quan trọng trong việc hồi phục sức khoẻ cho bệnh nhân.
Tìm hiểu về bệnh ung thư vòm họng
Nguyên nhân của bệnh ung thư vòm họng
Ung thư-cách phòng tránh
Ung thư thực quản
Viêm họng gây nổi hạch có nguy hiểm không?
(ST)