Sốt rét còn gọi là ngã nước, một chứng bệnh có khả năng lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi đốt. Chúng ta cùng điểm lại một số triệu chứng của bệnh sốt rét nhé!
Sốt rét là gì ?
Sốt rét còn gọi là ngã nước là một chứng bệnh gây ra bởi ký sinh trùng tên Plasmodium, lây truyền từ người này sang người khác khi những người này bị muỗi đốt. Bệnh phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Mỹ, châu Á và châu Phi. Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất, là vấn đề rất nghiêm trọng đối với sức khoẻ cộng đồng và là một cản trở lớn đối với phát triển kinh tế.
Nguyên nhân gây sốt rét.
Bệnh sốt rét có thể lây truyền qua 3 con đường :
Do muỗi Anopheles truyền bệnh (rất phổ biến). Do truyền máu. Truyền qua rau thai. Ngoài ra những người tiêm chích ma túy dùng chung bơm kim tiêm cũng có thể bị mắc bệnh sốt rét.
Triệu chứng của sốt rét.
Cơn sốt điển hình : trải qua 3 giai đoạn
Giai đoạn rét run : xảy ra dữ dội kéo dài từu 1 đến 2 giờ, bệnh nhân rét run cầm cập (đắp nhiều chăn, răng va vào nhau) da tái nhợt, môi tím chi lạnh.
Giai đoạn nóng : thân nhiệt tăng vọt 39 – 40 độ ; kéo dài 30 phút đến 1 giờ kèm theo mặt đỏ, mắt xung huyết đỏ, nhức đầu dữ dội, mạch nhanh nhịp thở nhanh, có thể nôn.
Giai đoạn vã mồ hôi : sốt dần dần hạ, bệnh nhân ra nhiều mồ hôi, có cảm giác khát nước, sau đó cảm thấy dễ chịu dần và trở lại trạng thái gần như bình thường. Thời gian cơn sốt trung bình 2 đến 3 giờ có thể ngắn hơn hoặc có thể kéo dài 6-8 giờ tuỳ thuộc chủng loại ký sinh trùng và việc bệnh nhân có bị tán huyết hay không
.
Điều trị sốt rét.
Khi phát hiện sốt rét phải lập tức đưa ngay đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt, đúng thuốc, đủ liều. Kết hợp điều trị cắt cơn với điều trị tiệt căn và chống lây lan. Nâng cao thể trạng, không ngừng giữ vệ sinh, phòng chống muỗi,… Có thể dùng thuốc : Chloroquin phosphat, Artesunate, … theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để điều trị sốt rét.
CÁCH NHẬN BIẾT CÁC THỂ BỆNH SỐT RÉT
Căn cứ trên dấu hiệu lâm sàng, bệnh sốt rét có thể chia thành các thể bệnh khác nhau như thể sốt rét thông thường điển hình, thể sốt rét mang ký sinh trùng lạnh, thể cụt, thể dai dẳng, thể ác tính và thể tiểu huyết cầu tố.
Các thể bệnh sốt rét trên lâm sàng được phân loại để giúp cho việc phát hiện, chẩn đoán xác định bệnh nhằm hỗ trợ cho công tác điều trị, theo dõi và quản lý bệnh nhân có hiệu quả.
Thể thông thường điển hình có cơn sốt điển hình với 3 giai đoạn rét run, nóng sốt, vã mồ hôi và giảm nhiệt độ cơ thể. Cơn sốt thường kéo dài khoảng 2 - 3 giờ. Ngoài cơn sốt, bệnh nhân có thể ăn uống, đi đứng, sinh hoạt trở lại bình thường. Các cơn sốt tiếp theo thường xảy ra có chu kỳ như sốt hàng ngày khi bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum, sốt cách một ngày còn gọi là sốt cách nhật khi bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium vivax hoặc sốt cách hai ngày còn gọi là sốt 3 ngày một cơn khi bị nhiễm Plasmodium malariae.
Thể mang ký sinh trùng lạnh là thể bệnh ở những bệnh nhân có mang ký sinh trùng sốt rét ở trong máu nhưng không có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng của bệnh sốt rét ra bên ngoài. Thể bệnh này bao gồm những người mang ký sinh trùng lạnh tiên phát đối với bệnh nhân có ký sinh trùng trong máu nhưng chưa bao giờ bị sốt; những người mang ký sinh trùng lạnh thứ phát đối với bệnh nhân đã bị lên cơn sốt nhưng sau đó không sốt mặc dù trong máu người bệnh còn ký sinh trùng sốt rét do bệnh nhân đã thích nghi, có thể đã có kháng thể chống lại sốt rét hoặc do số lượng ký sinh trùng sốt rét còn quá ít chưa đến ngưỡng gây sốt và những người mang ký sinh trùng lạnh trong giai đoạn thứ phát của bệnh.
Thể dai dẳng là thể bệnh thường do ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây nên. Bệnh nhân bị sốt rét lai rai, điều trị hết đợt vẫn không diệt được hết ký sinh trùng sốt rét ở trong máu và không thể cắt được cơn sốt hoặc dứt được cơn sốt, trong vài ngày lại lên cơn sốt. Theo GS. Bùi Đại, có hai kiểu sốt rét dai dẳng. Kiểu thứ nhất là kiểu sốt rét dai dẳng kéo dài từ 7 - 10 ngày trở lên, có khi tới 2 - 3 tuần, điều trị hết đợt thuốc sốt rét vẫn không cắt được cơn sốt và không diệt được hết ký sinh trùng. Kiểu thứ hai với biểu hiện lâm sàng có sốt và xuất hiện ký sinh trùng sốt rét ở trong máu kéo dài chỉ vài ngày, thường dưới 1 tuần rồi chấm dứt. Nhưng sau đó khoảng 7 ngày, ký sinh trùng sốt rét lại xuất hiện trở lại và gây sốt tái phát. Có trường hợp bệnh nhân có thể bị sốt từ 3 - 4 đợt trong khoảng thời gian 1 tháng.
Bệnh nhân bị sốt rét dai dẳng thường dẫn đến hậu quả biến chứng như thiếu máu, bị suy kiệt, teo cơ hoặc bệnh từ nhẹ chuyển thành nặng; một số trường hợp có thể chuyển sang thể sốt rét ác tính. Nguyên nhân dẫn đến thể sốt rét dai dẳng do ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum bị nhiễm đã kháng lại với thuốc điều trị; do liệu trình điều trị không đủ liều lượng, không đủ thời gian nên không đủ hiệu lực diệt được hết ký sinh trùng sốt rét ký sinh ở trong máu; do bệnh nhân chưa có tính miễn dịch đối với sốt rét hoặc bệnh nhân bị mắc sốt rét và các bệnh khác kèm theo làm giảm sức đề kháng và khả năng tạo miễn dịch trong cơ thể để chống lại ký sinh trùng sốt rét.
Thể ác tính là thể bệnh sốt rét nguy kịch do bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây nên. Chúng làm rối loạn huyết động, tắc nghẽn vi tuần hoàn phủ tạng như não, gan, lách, thận, tim, phổi... Chủ yếu làm giảm thiểu sự cung cấp máu, thiếu hụt oxygen vận chuyển đến các tổ chức, mô tế bào. Nói chung, sốt rét ác tính do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum là một bệnh hệ thống gây nên những biến đổi ở hầu hết các phủ tạng từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng rồi dẫn đến hậu quả tử vong. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh lý sốt rét ác tính là thiếu oxygen ở mô tế bào, do suy giảm khả năng vận chuyển oxygen của máu, tổn thương tế bào nội mạc thành mạch máu, thay đổi tuần hoàn máu tại chỗ cũng như toàn thân dẫn đến hội chứng suy sụp đa phủ tạng (mof: multi organs failure).
Theo y văn, chủng loại ký sinh trùng gây nên sốt rét ác tính chủ yếu là Plasmodium falciparum. Tuy vậy, cũng có một số nhà khoa học đã đề cập đến vai trò của chủng loại ký sinh trùng Plasmodium vivax nhưng hầu hết các nhà khoa học vẫn nghi ngờ khả năng gây nên sốt rét ác tính của ký sinh trùng Plasmodium vivax vì cho rằng có thể một số trường hợp sốt rét ác tính phát hiện thấy Plasmodium vivax trong máu bệnh nhân trên lam máu nhuộm giemsa soi dưới kính hiển vi quang học nhưng thực chất có thể người bệnh bị nhiễm phối hợp cả hai chủng loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax hoặc có sự nhầm lẫn nào đó trong chẩn đoán bệnh.
Hiện nay có 4 giả thuyết được các nhà khoa học nêu ra để giải thích những thương tổn thực thể và rối loạn chức năng các cơ quan trong sốt rét ác tính là giả thuyết về bệnh lý biến dạng của hồng cầu, giả thuyết về tăng tính thấm của thành mạch máu, giả thuyết kết dính tế bào máu với thành mạch và giả thuyết về đáp ứng miễn dịch.
Thể tiểu huyết cầu tố cũng thường xảy ra trên những bệnh nhân sốt rét do nhiễm chủng loại Plasmodium falciparum. Thể bệnh này thường gặp tại vùng sốt rét lưu hành nặng và trên những bệnh nhân bị sốt rét dai dẳng, hay tái đi tái lại hoặc điều trị sốt rét một cách thất thường. Bệnh biểu hiện bằng tình trạng huyết tán đột ngột, dữ dội, gây thiếu máu cấp tính; có triệu chứng vàng da - niêm mạc và tiểu ra huyết cầu tố dễ dẫn đến suy thận cấp tính gây hậu quả tử vong với tỷ lệ cao nếu người bệnh không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời một cách khẩn cấp.
Diễn biến lâm sàng của bệnh nhân bị sốt rét tiểu huyết cầu tố thường trải qua hai giai đoạn là giai đoạn khởi phát kéo dài từ nửa ngày đến một ngày; sau đó là giai đoạn toàn phát gây nên những triệu chứng rầm rộ hơn.
Hiện nay, cơ chế gây nên sốt rét tiểu huyết cầu tố có nhiều giả thuyết khác nhau như giả thuyết do một á chủng của ký sinh trùng Plasmodium falciparum thường thấy ở một vùng nhất định, giả thuyết do khả năng nhiễm độc dị ứng với thuốc sốt rét, giả thuyết do một số hoặc tất cả ký sinh trùng sốt rét có thể có một chất giống yếu tố Rh (Rhesus) ở trong máu, giả thuyết do ký sinh trùng sốt rét làm thay đổi hóa học màng hồng cầu làm nó trở thành tự kháng nguyên kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống lại hồng cầu.
Sốt rét tiểu huyết cầu tố là một thể bệnh nặng của bệnh sốt rét, rối loạn và tổn thương cơ bản nhất là hiện tượng huyết tán cấp diễn. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có một giả thuyết nào đầy đủ giải thích về cơ chế bệnh sinh của sốt rét tiểu huyết cầu tố.
CÁCH CHĂM SÓC BỆNH NHÂN SỐT RÉT
Việc điều trị bệnh nhân sốt rét (BNSR) cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Phát hiện và điều trị thật sớm bệnh sốt rét.
- Chọn thuốc và liều lượng tùy thuộc vào loại ký sinh trùng sốt rét, trọng lượng cơ thể, thể trạng, mức độ miễn dịch đối với bệnh.
- Dùng thuốc sốt rét phải đúng phác đồ, đủ liều, đủ ngày.
- Phải điều trị toàn diện, coi trọng chữa đặc hiệu với chữa triệu chứng và nuôi dưỡng người bệnh.
- Quản lý ca bệnh sau điều trị.
Một số lưu ý:
Cần đôn đốc và kiểm tra việc dùng thuốc của bệnh nhân cho đúng phác đồ (đủ liều, đủ ngày, đúng khoảng cách). BNSR khi uống thuốc rất dễ bị nôn, khi đó phải uống lại cho đủ liều. Trẻ em uống thuốc khó khăn có thể dùng dạng viên đạn đặt hậu môn.
BNSR cần được theo dõi để phát hiện sớm các triệu chứng dự báo sốt rét ác tính như: đang sốt cơn chuyển sang sốt liên tục hoặc dao động, chồng cơn, đôi lúc lú lẫn thoáng qua, mất ngủ trắng đêm, vã mồ hôi thành giọt, có lúc đái dầm (tuy chưa hôn mê), nôn nhiều, tiêu lỏng, li bì hoặc kích thích...
Phải để ý phát hiện các triệu chứng ngoại ý (tác dụng phụ) của thuốc như: ban, dị ứng, đái huyết cầu tố (nước tiểu màu hung đỏ)...
BNSR cần được cho ăn đảm bảo đủ calo ngay từ ngày đầu, tốt nhất là ăn lỏng (cháo, sữa...) khi sốt cao và ăn đặc (cơm) khi đã hạ sốt. Cho uống nhiều nước (nước sôi để nguội, nước hoa quả, nước cháo...). Đối với trẻ em đang bú, phải tiếp tục cho bú...
Khi bệnh nhân ăn uống kém, cần bổ sung năng lượng và dịch thể bằng đường truyền tĩnh mạch.
Tình trạng sốt cao (trên 39 độ C) dễ gây kích thích, vật vã, mê sảng, nôn, trẻ dễ bị co giật. Cần hạ sốt bằng các biện pháp như cởi nới bớt quần áo, để bệnh nhân nằm nơi thoáng mát, lau người bằng khăn ấm... Khi sốt quá cao (trên 40 độ C), có thể dùng paracetamol (uống hoặc viên đạn đặt hậu môn). Không nên dùng các thuốc hạ sốt có aspirin.
BNSR rất dễ bị thiếu máu, nhất là những người sốt dai dẳng, phụ nữ có thai và trẻ em. Thiếu máu ở BNSR thường là thiếu máu nhược sắc (giảm hồng cầu và huyết cầu tố) do vỡ hồng cầu, rối loạn chuyển hóa sắt và thiểu dưỡng. Do vậy, ngoài vấn đề nuôi dưỡng tốt, BNSR cần được bổ sung sắt và các nguyên tố vi lượng (bằng ăn uống hoặc thuốc), tăng cường các vitamin, nhất là vitamin A, kẽm (giúp chuyển hóa sắt) và axit folic. Khi thiếu máu nặng, cần được truyền máu cùng nhóm.
Cách xử trí khi có dấu hiệu sốt rét ác tính
Khi bị mắc bệnh sốt rét, nếu bệnh nhân không được phát hiện, chuẩn đoán và điều trị kịp thời thì có thể gây tử vong.
Thực tế cho thấy tại tuyến cơ sở, đôi khi y tế phải đối mặt với một số bệnh nhân sốt rét nặng có dấu hiệu và nguy cơ chuyển thành sốt rét ác tính gây hậu quả tử vong nếu không được xử trí phù hợp; nhất là các trường hợp bị nhiễm sốt rét ngoại lai trở về cơ sở.
Khi phát hiện được các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính, các cơ sở y tế ở tuyến đầu cần phải xử trí ban đầu khẩn cấp bằng những biện pháp điều trị quy định và chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên.
Theo quy định của Bộ Y tế, các bệnh viện huyện, thị xã, thành phố, công - nông - lâm trường - xí nghiệp; bệnh viện tỉnh, Trung ương mới có đủ phương tiện và khả năng để điều trị sốt rét ác tính hiệu quả.
Y tế thôn bản, trạm y tế và cơ sở hành nghề y tế tư nhân chỉ được phép xử trí ban đầu khi phát hiện được các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính và tìm mọi cách chuyển ngay người bệnh lên tuyến trên, không được lưu giữ để điều trị.
Các dấu hiệu sốt rét ác tính
Khi bị mắc bệnh sốt rét, nếu bệnh nhân không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời thì có thể chuyển thành sốt rét nặng, sốt rét ác tính gây nguy cơ tử vong. Vì vậy, cơ sở y tế cần phát hiện sớm các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính để chủ động xử trí, ngăn chặn ngay tình huống xấu có thể xảy ra.
Các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính bao gồm những triệu chứng rối loạn ý thức nhẹ thoáng qua như li bì, cuồng sảng, vật vã...; người bệnh bị sốt cao liên tục, có rối loạn tiêu hóa như nôn nhiều lần trong ngày, tiêu chảy mất nước, đau bụng cấp. Ngoài ra có thể bị nhức đầu dữ dội, thiếu máu nặng như da xanh, niêm mạc nhợt nhạt.
Xét nghiệm máu thấy mật độ ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum thường cao, được đánh giá mức độ ++++ hoặc ≥ 100.000 ký sinh trùng/µl máu. Cần chú ý đến dấu hiệu sốt cao liên tục và nôn nhiều lần trong ngày để có định hướng sớm việc xử trí.
Hiện nay, y tế thôn bản, trạm y tế xã, phường, thị trấn và y tế tư nhân ở các cơ sở đã được trang bị một số thuốc điều trị sốt rét thiết yếu, có hiệu lực cao để giải quyết, xử trí khi gặp các trường hợp cần thiết.
Đối với y tế thôn bản, cần theo dõi chặt chẽ người bệnh, nếu phát hiện có một trong các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính đã nêu ở trên thì cần cho bệnh nhân uống ngay liều đầu tiên của thuốc phối hợp dihydroartemisinine-piperaquine, biệt dược là arterakine hoặc CV artecan rồi chuyển ngay lên tuyến trên.
Liều thuốc đầu tiên theo nhóm tuổi được sử dụng theo đúng phác đồ quy định như: dưới 3 tuổi dùng nửa viên, từ 3 đến dưới 8 tuổi dùng 1 viên, từ 8 đến dưới 15 tuổi dùng 1 viên rưỡi và từ 15 tuổi trở lên dùng 2 viên. Chú ý không dùng loại thuốc này cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu.
Thuốc phải được nghiền nhỏ và pha với nước sạch cho tan hoàn toàn. Trước khi uống thuốc phải cho người bệnh uống một ít nước, nếu không bị sặc mới cho uống tiếp thuốc đã pha. Nếu người bệnh bị nôn sau khi uống thuốc thì phải cho uống một liều thuốc khác thay thế. Chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên sau khi uống liều thuốc đầu tiên.
Đối với trạm y tế, cơ sở y tế tư nhân, hiện nay ở tuyến này đã được cung cấp loại thuốc artesunate tiêm hoặc quinine hydrochloride tiêm để xử trí các trường hợp nguy kịch. Phải theo dõi chặt chẽ người bệnh, nếu phát hiện có một trong các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính đã nêu ở trên, cần xử trí:
Tiêm ngay liều đầu tiên thuốc artesunate với liều lượng 2,4mg/kg trọng lượng cơ thể. Nếu dựa vào nhóm tuổi, sử dụng dung dịch sau khi pha thuốc với liều lượng dưới 1 tuổi dùng 2ml, từ 1 tuổi đến dưới 5 tuổi dùng 4ml, từ 5 đến dưới 12 tuổi dùng 8ml, từ 12 đến dưới 15 tuổi dùng 10ml, từ 15 tuổi trở lên dùng 12ml (tương ứng với 2 lọ thuốc). Thuốc có thể tiêm bắp thịt hay tĩnh mạch chậm. Không dùng thuốc artesunate cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu trừ trường hợp nguy kịch mà tại cơ sở không có loại thuốc quinine tiêm.
Thuốc quinine hydrochloride tiêm liều đầu tiên được sử dụng cho phụ nữ có thai dưới 3 tháng tuổi với liều lượng tiêm bắp thịt 10mg/kg trọng lượng cơ thể hoặc 1 ống thuốc 500mg. Tiêm thuốc quinine dễ gây áp-xe nên cần được tiêm bắp thịt sâu và bảo đảm vô trùng. Không được dùng thuốc quinine hydrochloride để tiêm truyền tĩnh mạch.
Sau khi tiêm thuốc liều đầu tiên, cần chuyển ngay người bệnh lên tuyến trên càng sớm càng tốt. Nếu thời gian vận chuyển dài trên 8 giờ thì phải cần tiêm liều thuốc tiếp theo. Đối với thuốc artesunate, liều tiêm nhắc lại được thực hiện vào giờ thứ 12 với liều lượng 1,2mg/kg trọng lượng cơ thể; nếu dựa vào nhóm tuổi dùng theo dung dịch sau khi pha thuốc thì sử dụng 1/2 liều lượng so với liều đầu tiên.
Đối với thuốc quinine hydrochloride, liều tiêm nhắc lại được thực hiện vào giờ thứ 8, liều lượng bằng với liều đầu tiên. Phải tìm mọi cách và phương tiện nhanh nhất để chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên trước 24 giờ thì mới có khả năng cứu sống được người bệnh trong tình trạng nguy kịch.
Cần chú ý không chuyển ngay những người bệnh đang ở trong tình trạng choáng sốc như mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, chân tay lạnh, vã mồ hôi, tụt huyết áp hoặc có triệu chứng phù phổi cấp, co giật... Trường hợp cơ sở y tế không thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, cần đề nghị tuyến trên đến tăng cường bằng phương tiện nhanh nhất; đồng thời cơ sở y tế phải tiếp tục điều trị tích cực bệnh nhân trong khi chờ đợi.
Không có sốt rét ác tính, không có tử vong
Để chủ động khống chế sốt rét ác tính nhằm hạ thấp tỷ lệ tử vong, thông điệp và khẩu hiệu hành động cần chuyển đến các cơ sở y tế, đặc biệt đối với y tế tuyến đầu là “Không có sốt rét ác tính, không có tử vong”. Muốn thực hiện được vấn đề này, y tế thôn bản, trạm y tế, cơ sở y tế tư nhân phải có kiến thức, hiểu biết được một cách cụ thể các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính và có kỹ năng xử trí phù hợp, hiệu quả theo đúng hướng dẫn, phác đồ điều trị quy định.
Cần nhớ rằng, để không có sốt rét ác tính, các cơ sở y tế ở tuyến đầu phải phát hiện sớm và bắt đầu giải quyết, xử trí ngay khi bệnh nhân có các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính. Nếu người bệnh đã chuyển sang sốt rét ác tính thì nguy cơ bị tử vong là điều không thể tránh khỏi.
Hiện tại, Dự án quốc gia Phòng chống sốt rét đã cấp các loại thuốc sốt rét đặc hiệu có hiệu lực cao và cấp hoàn toàn miễn phí đến tận những cơ sở y tế ở tuyến đầu, kể cả thuốc tiêm cho trạm y tế. Vì vậy, các cơ sở y tế phải dự trữ đủ các loại thuốc thiết yếu này để xử trí trong các trường hợp khẩn cấp, cần thiết mới mong đạt được khẩu hiệu hành động “Không có sốt rét ác tính, không có tử vong”.
(ST)