Món ăn truyền thống của người Việt Nam
Thói quen ăn uống của người Việt Nam
Hướng dẫn học thêu tay truyền thống Việt Nam
Đừng cố tìm thần dược, 3 loại rau dân dã này của Việt Nam mới là "thần dược" chống ung thư
Nhà trai sẽ mang tráp, mâm quả sang nhà gái để làm lễ ăn hỏi. |
Hầu hết các đôi uyên ương đều biết lễ ăn hỏi là nghi thức truyền thống cần có trong đám cưới ở Việt Nam, nhưng không phải ai cũng nắm rõ được quy trình của nghi lễ này. Vì vậy báo Ngôi Sao sẽ tóm tắt những công đoạn sẽ diễn ra trong buổi lễ ăn hỏi để các bạn trẻ không khỏi lúng túng và bối rối.
1. Chuẩn bị trước buổi lễ
- Hai gia đình sẽ bàn bạc và thống nhất số lượng tráp (thông thường số lượng tráp ở miền Bắc là lẻ, từ 3, 5, 7 đến 15 tráp tùy nhà, còn ở miền Nam, tráp lại là số chẵn). Trong tráp phải có lễ đen, là phong bì tiền nhà trai chuẩn bị để thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Số lượng phong bì lễ đen có thể tùy thuộc vào số lượng bàn thờ của nhà gái hoặc do nhà gái thách cưới.
- Tùy số lượng tráp, nhà trai phải chuẩn bị đội nam thanh niên trẻ để bê tráp và nhà gái cũng chuẩn bị đội nữ có số lượng tương ứng để đỡ tráp.
- Hai nhà lựa chọn ra một giờ đẹp để làm lễ ăn hỏi tại nhà gái. Tới đúng ngày đã định, đoàn đại diện nhà trai sẽ lên đường tới nhà gái.
- Để đảm bảo tới nhà gái đúng giờ, gia đình nhà trai cần tính toán thời gian đi lại cũng như các trở ngại trên đường. Tốt nhất nhà trai nên đi sớm trước giờ làm lễ khoảng 30 phút để tránh tắc đường và có thời gian chuẩn bị.
2. Màn chào hỏi và trao lễ vật
- Khi tới giờ đẹp, đoàn ăn hỏi nhà trai sắp xếp đội hình theo thứ bậc trong gia đình, đi đầu là ông bà, bố mẹ, chú rể, đội bê tráp và các thành viên liên quan.
- Sau khi hai nhà chào hỏi, đoàn bê tráp nam sẽ trao lễ cho đội đỡ tráp nữ để đỡ mâm quả vào nhà.
- Đội bê tráp nam và đội bê tráp nữ sẽ trao phong bao lì xì, trả duyên cho nhau. Các phong bao này do hai nhà chuẩn bị, nhà trai sẽ chuẩn bị phong bao và đưa cho đội nam, nhà gái sẽ chuẩn bị số phong bao tương ứng đưa cho đội nữ. Số tiền trả duyên nên được hai nhà thống nhất trước.
3. Mời nước, trò chuyện
- Sau khi trao tráp, gia đình hai nhà sẽ cùng ngồi uống nước, nói chuyện. Đầu tiên, gia đình nhà gái sẽ giới thiệu các đại diện trong buổi lễ. Để đáp lại, nhà trai cũng giới thiệu các đại diện của gia đình.
- Đại diện nhà trai sẽ phát biểu lý do và giới thiệu về các mâm quả mà nhà trai mang đến.
- Đại diện nhà gái đứng lên cảm ơn, chấp nhận tráp ăn hỏi của nhà trai.
- Mẹ chú rể và mẹ cô dâu sẽ cùng mở tráp.
4. Cô dâu ra mắt hai gia đình
- Gia đình nhà gái cho phép chú rể lên phòng đón cô dâu xuống chào gia đình nhà trai (trước khi chú rể lên đón, cô dâu không được xuất hiện trong lễ ăn hỏi).
- Cô dâu sẽ xuống chào hỏi và rót nước mời gia đình chú rể, ngược lại, chú rể cũng sẽ rót nước mời gia đình cô dâu.
5. Thắp hương trên bàn thờ của nhà gái
- Sau khi cô dâu ra mắt, mẹ cô dâu sẽ lấy từ mâm ngũ quả một số vật phẩm và lễ đen để mang lên bàn thờ thắp hương cúng ông bà, tổ tiên.
- Bố mẹ cô dâu sẽ đưa cô dâu và chú rể lên thắp hương trên bàn thờ nhà gái.
6. Bàn bạc về lễ cưới
- Sau khi cúng ông bà tổ tiên xong, bố mẹ hai nhà sẽ thống nhất ngày giờ đón dâu và lễ cưới.
- Trong thời gian đó, cô dâu chú rể mời nước quan khách và chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người.
7. Nhà gái lại quả cho nhà trai
- Nhà gái sẽ chia đồ lại quả cho nhà trai và trả lại các mâm tráp. Lưu ý, khi chia đồ lại quả không được dùng kéo cắt mà phải xé bằng tay, đồ lại quả phải là số chẵn (thông thường là 10 lễ vật) và khi nhà gái trả lại mâm tráp phải để ngửa nắp lên, không được đóng lại.
- Nhà gái trao đồ lại quả cho nhà trai và nhà trai xin phép ra về.
- Sau khi đã kết thúc lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ mời tất cả các thành viên có mặt cùng ở lại dùng bữa cơm thân mật. Trong trường hợp nhà trai ở xa, nhà gái cũng sẽ mời nhà trai ở lại dùng cơm luôn. Tuy nhiên việc này phải được thống nhất từ trước để nhà gái có kế hoạch đặt cỗ và chuẩn bị tiếp đón chu đáo.
Thông thường, lễ ăn hỏi diễn ra trong khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Tuy nghi lễ không quá phức tạp nhưng đây được coi như lễ đính ước truyền thống không thể thiếu trong đám cưới Việt Nam, nên dù cô dâu chú rể hiện đại vẫn cần phải tuân thủ cũng như thực hiện đúng trình tự lễ ăn hỏi để đám cưới được diễn ra suôn sẻ.
Tô điểm mâm tráp làm đẹp cho lễ ăn hỏi
Nhiều cô dâu chú rể không chỉ quan tâm tới trang trí trong lễ cưới mà còn tỉ mỉ chăm chút cho từng chiếc mâm tráp vào ngày ăn hỏi.
Trong lễ ăn hỏi, các vật phẩm được quan tâm, chú ý nhất chính là mâm tráp bởi đây là vật phẩm nhà trai mang tới nhà gái để xin được cưới cô gái về làm dâu con, làm vợ cho con trai. Số lượng tráp cũng như độ cầu kỳ, hoành tráng của từng mâm lễ vật sẽ thể hiện sự chu đáo, sung túc của nhà trai và thể hiện tình cảm của chú rể đối với cô dâu. Vì vậy, dù trong lễ ăn hỏi ở miền Nam hay miền Bắc, các gia đình cũng đều chú ý sắp xếp, trang trí mâm tráp sao cho đầy đặn, đẹp đẽ nhất.
Ở miền Bắc, tráp ăn hỏi đa số đều là tráp đỏ, còn ở miền Nam, do phong cách của các đôi uyên ương có phần phóng khoáng, hiện đại hơn nên mâm tráp có thể sử dụng nhiều màu trẻ trung khác như vàng đồng hay xanh, trắng tùy theo tông màu chủ đạo của toàn bộ đám cưới.
Mời các đôi uyên ương tham khảo một số mẫu mâm tráp đẹp cho ngày ăn hỏi:
Không chỉ mang màu đỏ truyền thống, tráp và lễ vật có thể mang sắc hồng tươi tắn, thể hiện phong cách hiện đại. |
Việc chăm chút trong cách sắp xếp mâm quả cũng thể hiện sự quan tâm của gia đình nhà trai tới nhà gái trong lễ ăn hỏi truyền thống. |
Màu sắc của cau xanh đối lập với tráp đỏ tạo nên mâm lễ vật tuyệt đẹp. |
Các tráp quả của miền Nam đều là số chẵn, từ 6, 8, 10... khác hẳn với miền Bắc, số lượng tráp ăn hỏi phải là số lẻ, từ 3, 5 đến 7, 9... |
Tráp màu vàng đồng đẹp ấn tượng và sang trọng. |
Ngoài ra, với những đôi uyên ương cá tính, mâm tráp còn có thể sử dụng những màu sáng hiện đại, trẻ trung. |
Tổ chức lễ ăn hỏi và đón dâu cùng ngày
Nếu gia đình cô dâu chú rể cách xa nhau thì việc gộp hai ngày lễ ăn hỏi và rước dâu làm một sẽ là biện pháp tiết kiệm chi phí hiệu quả.
Việc gộp lễ ăn hỏi và đón dâu ngày càng phổ biến, nhất là trong những đám cưới ở miền Nam. Ảnh: Thái Trung - Pi Studio. |
Hiện nay, không ít cô dâu chú rể sinh ra và lớn lên ở hai vùng đất xa nhau. Khi hai người quyết định cưới nhau, gia đình nhà trai sẽ phải vượt đường xa tới nhà cô dâu để tiến hành lễ ăn hỏi, sau đó một thời gian, nhà trai lại phải trở lại để làm thủ tục đón dâu. Trong trường hợp như vậy, việc tổ chức đồng thời lễ ăn hỏi và đón dâu trong cùng một ngày hoặc sát ngày nhau sẽ giảm thiểu sự mệt mỏi và chi phí đi lại cho mọi người.
* Cách thức gộp lễ ăn hỏi và đón dâu
- Thời gian diễn ra hai nghi lễ: Có thể tiến hành trong cùng một ngày hoặc lễ ăn hỏi hôm trước, đám cưới hôm sau. Nếu nghi lễ diễn ra vào hai ngày liên tiếp, nhà trai cần đặt khách sạn, nhà nghỉ ở gần nhà cô dâu để việc đi lại thuận lợi và tạo sự thoải mái cho các thành viên trong gia đình.
- Đồ lễ: Nhà trai vẫn cần chuẩn bị toàn bộ tráp lễ vật ăn hỏi, ngoài ra còn cần có một tráp trầu cau để khi tiến hành lễ ăn hỏi xong, nhà sẽ làm thủ tục xin dâu luôn.
Ngoài ra, nếu cô dâu là người miền Nam, nhà trai phải chuẩn bị một cặp đèn cầy có khảm hình rồng phượng để làm lễ lên đèn, thắp hương trên bàn thờ gia tiên của nhà gái trong nghi lễ rước dâu.
- Trang phục: Nếu tổ chức ăn hỏi và đám cưới trong cùng ngày, thời gian gấp gáp nên các bậc cha mẹ hai bên không cần thay đổi quần áo trong hai buổi lễ này, chỉ có cô dâu phải chuẩn bị cả áo dài cho nghi lễ ăn hỏi và váy cưới (hoặc một chiếc áo dài khác) cho lúc đón dâu.
Nếu hai gia đình chuẩn bị lễ ăn hỏi và đám cưới trong hai ngày liên tiếp thì việc thay đổi phục trang sẽ thoải mái hơn, tùy thuộc vào sở thích của mỗi nhà.
Cô dâu chú rể sẽ phải tiến hành thắp hương trên bàn thờ hai lần. Ảnh: Serendipity. |
- Nghi thức: Những thủ tục chính trong lễ ăn hỏi và lễ cưới vẫn giữ như bình thường.
+ Nhà trai sẽ trao lễ vật ăn hỏi cho nhà gái, thưa chuyện, rồi chú rể đón cô dâu xuống mời nước họ hàng. Tiếp đến nhà trai xin phép nhà gái cho đôi uyên ương được thắp hương trên bàn thờ.
+ Sau khi ăn hỏi kết thúc, đoàn nhà trai xin phép cáo từ, bước ra khỏi nhà gái, coi như đã hoàn thành lễ ăn hỏi.
+ Tiếp đến, nhà trai cử người đại diện mang khay trầu cau vào để làm thủ tục xin dâu, rồi đoàn nhà trai mới được tiến vào đón dâu. Lúc này cô dâu vẫn phải tránh mặt để chú rể lên đón, mới được trở lại chào họ hàng hai bên.
+ Sau khi nghi lễ chào hỏi kết thúc, cô dâu chú rể phải thắp hương lần thứ hai trên bàn thờ gia tiên của nhà gái. Lúc này nhà trai xin phép được đón cô dâu mới về nhà, hoàn thành thủ tục đám cưới.
+ Khi gộp hai lễ ăn hỏi và đón dâu làm một, việc đãi tiệc cũng chỉ diễn ra một lần, sau khi đã hoàn thành cả hai nghi lễ. Nếu nhà trai có nhiều thời gian, nhà gái nên mời đoàn nhà trai ở lại dùng tiệc trước khi đón cô dâu mới về nhà.
Việc gộp hai sự kiện trọng đại trong đám cưới sẽ giúp các thành viên của hai gia đình không mệt mỏi vì phải di chuyển nhiều và việc trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị tiệc cũng trở nên đơn giản hơn.
Chuẩn bị cho lễ ăn hỏi
Chọn áo dài ăn hỏi cho cô dâu thật đẹp, nổi bật
Chuẩn bị trước lễ ăn hỏi
Chọn đội bê tráp cho lễ ăn hỏi
Phong tục cưới hỏi của người Hà Nội
(ST)