Ủ ấm cho trẻ sơ sinh đúng cách

Không ít người mẹ cẩn thận đến mức mặc cho bé quá nhiều áo quần. Kết quả, khi bị nóng quá, bé dễ toát mồ hôi và mồ hôi thấm ngược trở lại càng làm bé lạnh hơn.


Trằn trọc cả đêm, mẹ Bo phải trở dậy mấy lần để đắp chăn cho con. Mùa đông, mẹ sợ nhất lúc nào cũng thấy Bo nằm co lại ngủ, chân tay thì lạnh cóng, chăn tung ra bên cạnh.

Lo cho cậu con trai 10 tháng tuổi, từ đầu mùa đông, chị Hồng (Định Công - Hà Nội) đã phải sắm cho con vài bộ body ấm để khi mặc bé không bị hở bụng. Chị cho biết, dù vậy, đêm chị vẫn phải thức dậy nhiều lần, khi thì để đắp thêm chăn cho con, lúc lại phải sờ gáy, lưng xem có ra mồ hôi không rồi lấy khăn lau khô.

"Thời tiết khắc nghiệt quá, mình mà không cẩn thận, con ốm như chơi, lúc đó thì còn mệt gấp nhiều lần", chị nói.

Không chỉ riêng mẹ Bo, rất nhiều bố mẹ mùa đông tới là mắt thâm quầng, mặt mũi phờ phạc. Mùa đông năm ngoái, chỉ một đêm ngủ quên, mẹ để Sóc lật tung chăn ra ngoài, tỉnh dậy, đã thấy toàn thân bé đã tím tái, lạnh giá, nhịp thở khó nhọc. Mẹ Sóc phải lập tức đưa con khám và mất vài tuần điều trị viêm phế quản cấp tính.

Một số mẹ phòng xa như mẹ Tun, mặc nhiều quần áo cho con trước khi đi ngủ. Nếu chẳng may con có bị hở chăn, cũng không sợ lạnh. Vì thế, đêm Tun lại nóng quá, toát mồ hôi và bị cảm lạnh. Ai lại con đi ngủ cũng “diện” đủ quần áo như ban ngày. Vẫn áo khoác, áo len và ao thun bên trong và trùm chăn lông vũ ra ngoài.

Các bố mẹ có con nhỏ than thở trên các diễn đàn online vì khổ sở đủ đường với việc giữ ấm cho bé trong đêm. Các con đều có xu hướng đạp chăn ra ngoài và không có ý thức đắp lại. Có bố mẹ biết con hay tung chăn, nên mặc quá nhiều quần áo cho bé, khiến bé không xoay mình được, nóng bức, toát mồ hôi, nếu không lau kịp lại dẫn tới mắc bệnh về đường hô hấp.


Việc giữ ấm cho bé khi ngủ trong mùa đông là bài toán nan giải của rất nhiều ông bố bà mẹ. (Ảnh minh họa)


Dưới đây là một vài gợi ý giúp bố mẹ cho bé ngủ mà không bị nóng hay lạnh trong những ngày thời tiết khắc nghiệt như thế này.

- Trước tiên, bạn cần chọn quần áo ngủ cho con sao cho an toàn, thoải mái và giúp bé duy trì thân nhiệt tốt nhất. Đồ ngủ của bé không nên dày, bí quá. Bạn nên chọn trang phục bằng sợi tự nhiên mềm, giúp da “thở” được như cotton là tốt nhất. Tránh đồ ngủ có ruy-băng, dây buộc, đính chuỗi hạt hoặc những chi tiết trang trí khác vì nó có thể quấn cổ bé.

- Không bao giờ được ủ ấm quá mức cho bé. Ủ ấm quá có thể làm tăng nguy cơ đột tử khi ngủ ở bé. Giữ ấm đúng cách là giữ đủ ấm cho bé, nhất là những vùng dễ bị nhiễm lạnh như lòng bàn chân, bàn tay, thóp và ngực.

- Những loại túi ngủ được thiết kế đặc biệt dành cho mùa nóng và mùa lạnh cũng tốt cho giấc ngủ của bé.

- Một đôi tất là cách tốt để giữ ấm cho những ngón chân của bé khi trời lạnh. Đừng đắp quá nhiều chăn dày, nặng cho bé vì nóng quá sẽ làm bé tăng thoát nhiệt ở đầu, dẫn tới dễ bị đột tử khi ngủ.

Đối với bé sơ sinh, đầu là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng đồng thời lại là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, việc đội mũ và dùng băng quấn thóp là cần thiết với bé mới sinh (đặc biệt là các bé sinh non) nhưng với bé khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi, việc đội mũ khi ngủ là không cần thiết, mà ngược lại sẽ khiến nhiệt độ của não bé tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của vùng thần kinh kiểm soát hô hấp.

- Với những ngày trời ấm, bé có thể ngủ ngon mà không cần đắp chăn hay mặc thêm áo. Cần đặt bé ngủ ở chỗ tránh hơi của máy điều hòa phả vào và tránh nơi gió lùa trực tiếp từ cửa sổ.

Cách giữ ấm cho bé sơ sinh

Không ít người mẹ cẩn thận đến mức mặc cho bé quá nhiều áo quần. Kết quả, khi bị nóng quá, bé dễ toát mồ hôi và mồ hôi thấm ngược trở lại càng làm bé lạnh hơn.

Tham khảo gợi ý giữ ấm đúng cách cho con, từ Thinkbaby:

Cha mẹ không nên quá lo nếu tay (chân) của con hơi lạnh. Đây là hiện tượng bình thường trong vòng vài tháng đầu đời. Vì thế, khi muốn kiểm tra thân nhiệt cho bé, thay vì sờ vào tay, có thể áp mu bàn tay của mẹ vào gáy (hoặc ngực) của con. Nếu vùng đó ấm thì không cần lo lắng. Nếu thấy lạnh, cần quấn thêm chiếc chăn mỏng bên ngoài cho con. Nếu cực kỳ lạnh, hãy ôm con trong lòng, làm ấm bé trước khi đặt con nằm xuống và quấn thêm chăn mỏng.

Do thân nhiệt của bé chưa được ổn định, bạn cần luôn để mắt tới con vì bé có thể nóng – lạnh bất thường.


Đội mũ

Do đầu là vùng dễ bị mất nhiệt nên bé luôn cần được đội mũ khi trời lạnh. Nhưng do hoạt động của bé sơ sinh chủ yếu là nằm; vì thế, ở khu vực ấm áp hoặc khi đang ngủ trong phòng ấm, bạn có thể cởi mũ và quần áo khoác ngoài cho con. Nếu đội mũ liên tục trong phòng ấm, tóc bé có thể bị bết lại vì mồ hôi.

Quần áo

Trong ngày lạnh, phù hợp nhất là cho bé mặc bộ quần áo liền (loại dành cho bé sơ sinh); thay vì, mặc cho bé một áo khoác quá dày hoặc chồng áo nọ lên áo kia. Bên ngoài, có thể quấn con bằng chăn ấm. Kiểu mặc chồng áo nọ lên áo kia chỉ thích hợp cho những ngày cực kỳ buốt giá.

Nếu phải đưa con ra ngoài trời, cần lưu ý giữ ấm chân, tay, đầu và quấn 2 chiếc chăn cho bé. Vào mùa đông, nhiệt độ trong phòng – ngoài trời hoặc trong ôtô – ngoài phố có sự chênh lệch rất lớn. Do đó, việc mặc thêm hoặc nới lỏng quần áo cho bé cần linh hoạt.

Giữ ấm khi đi ngủ

Với bé sơ sinh, có thể chọn cho con trang phục ngủ dày dặn và ấm áp. Sau đó, việc đắp thêm chăn dày hay mỏng (có mặc thêm áo không) còn tùy thuộc vào nhiệt độ trong phòng.

Nhiều cửa hàng bán chăn xốp nhẹ hoặc chăn cotton cho bé nằm cũi. Chăn chất liệu len thường nặng và tiềm ẩn nguy cơ gây ngứa cho bé. Với những giấc ngủ ban ngày của bé thì không cần cầu kỳ như giấc ngủ ban đêm, vì nhiệt độ ban ngày bao giờ cũng cao hơn.

Nếu bạn lo lắng bé đạp chăn trong lúc ngủ thì túi ngủ được bày bán ở các cửa hàng dành cho bé là lựa chọn phù hợp. Có rất nhiều kích cỡ, giá cả và kiểu dáng túi ngủ mà bạn có thể chọn mua. Nên mua chiếc túi có chiều dài – rộng tốt để bé có thể sử dụng khi đã lớn hơn (thường là đến 2 tuổi). Loại túi ngủ có khóa kéo dọc từ trên xuống dưới thuận tiện hơn cho mẹ lúc thay tã cho con.

Giữ nhiệt độ trong phòng

Nếu dùng máy điều hòa ấm thì bạn nên điều chỉnh nhiệt độ trong phòng bé là 20-23ºC. Nếu dùng quạt hay đèn sưởi thì bạn cần tính toán khoảng cách giữa bé và nguồn nhiệt. Từ đó, có quyết định giữ ấm cho bé hợp lý. Cần lưu ý các thiết bị tạo nhiệt sẽ làm không khí trong phòng bị khô. Khi đó, một chiếc máy tạo độ ẩm hoặc một bát nước đặt trong phòng giúp không khí dễ chịu hơn.


Giữ ấm cho bé sơ sinh là rất quan trọng, nhưng nếu bé bị ủ ấm thái quá sẽ gặp phải nguy cơ đột tử cao trong lúc ngủ.

Giữ ấm cho bé thế nào cho đúng? Một vài lời khuyên dưới đây sẽ rất hữu ích cho bạn!

1. Với những bé sinh non hoặc có vấn để về sức khỏe


Những em bé này thường có sức đề kháng yếu, nên bên cạnh việc giữ ấm như các bé bình thường; bé thiếu tháng, bé yếu cần được chăm sóc đặc biệt để sớm thích nghi với môi trường bên ngoài.


Một phương pháp giữ ấm đơn giản, nhưng hiệu quả được các bác sĩ khuyến khích là giữ ấm cho bé bằng phương pháp Kangaroo


Phương pháp Kangaroo là gì?


Phương pháp Kangaroo còn gọi là phương pháp chuột túi hay da kề da là cách ôm giữ sát trẻ vào ngực trong làn áo của người ôm trẻ sao cho có sự tiếp xúc da kề da giữa trẻ và người giữ trẻ. Mang tên Kangaroo vì phương pháp này giống như cách một con chuột túi mẹ giữ con, vừa để dùng hơi ấm của mình giữ ấm con vừa để bảo vệ con. Phương pháp này giúp trẻ mới ra đời vẫn giữ được sự mật thiết với cơ thể mẹ. Bố cũng có thể thực hiện phương pháp này nhưng tốt hơn nên để mẹ thực hiện vì mẹ cũng có thể đồng thời cho con bú.

Những lợi ích của phương pháp chuột túi


- Đối với mẹ, phương pháp chuột túi duy trì mối quan hệ tình cảm mẹ con gắn bó như lúc còn trong bụng mẹ. Nhờ đó xây dựng niềm tin về khả năng chăm sóc trẻ của mẹ. Điều này làm tăng lượng sữa mẹ lên gấp hai lần giúp các bà mẹ có nhiều sữa hơn và cho con bú tốt hơn.


- Đối với con, hơi ấm của mẹ truyền qua con giúp ổn định nhiệt độ cơ thể trẻ, sự âu yếm của mẹ giúp trẻ an tâm. Ngoài ra nhịp tim, nhịp thở của mẹ cũng giúp  trẻ ổn định nhịp thở và nhịp tim vốn rất dễ rối loạn thường gây nên những cơn ngừng thở, suy hô hấp phải xử trí cấp cứu.


* Về tâm lý, sự gần gũi của mẹ giúp trẻ vơi đi nỗi lo lắng, sợ hãi ở môi trường bên ngoài, tạo nên giấc ngủ dài hơn, trẻ ít khóc hơn. Những điều này vừa giúp trẻ  tăng cân vừa làm sâu đậm tình cảm mẹ con.


* Phương pháp cũng có tác dụng tích cực trên sức khỏe của trẻ, giúp trẻ ít bị nhiễm trùng bệnh viện, ít bị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Các nghiên cứu cũng cho kết quả có nhiều hứa hẹn trong điều trị cơn khóc dạ đề cũng như tác dụng tích cực trên sự phát triển vận động của trẻ.

Các bà mẹ có thể thực hiện phương pháp chuột túi như thế nào và trong bao lâu?


- Việc áp dụng phương pháp chuột túi sau sinh càng sớm càng tốt, Mỗi trẻ sơ sinh đều có những điểm khác nhau nên bắt đầu một cách nhẹ nhàng, thường từ một đến hai lần trong ngày, ấp bé vào ngực mỗi lần ba mươi phút, thay đổi tư thế cho bé bú rồi lại ấp bé vào ngực. Sau đó có thể kéo dài đến vài giờ, thực hiện hai đến ba lần trong ngày.


- Khi thực hiện phương pháp này các bà mẹ nhận biết bé khỏe bằng cách sờ tay chân bé thấy luôn ấm áp và trẻ cũng có cùng nhịp thở và nhịp tim với mẹ.


- Thời gian thích nghi về nhiệt độ của trẻ sơ sinh là từ ba tuần đến một tháng. Do vậy các bà mẹ có thể thực hiện phương pháp này trong khoảng thời gian trên hoặc cho đến khi nhiệt độ cơ thể trẻ ổn định, lúc này trẻ sẽ tự rời mẹ ra.


Phương pháp Kangaroo cũng rất hiệu quả với các em bé sơ sinh bình thường và ngày càng được các bà mẹ sử dụng.

2. Với những bé sinh đủ ngày, đủ tháng và sức khỏe bình thường


- Sau khi sinh, nên cho cho bé nằm chung với mẹ ngay, để bé có thể cảm nhận được hơi ấm và tình yêu của mẹ.


- Chú ý giữ ấm các điểm quan trọng dễ bị nhiễm lạnh nhất trên cơ thể bé: lòng bàn chân, tay, chỏm đầu (thóp) và phổi. Để làm tốt việc này, trong những tuần đầu sau khi sinh, bạn cần đội mũ và đi tất tay, tất châncho bé.


- Sau khi cho bé đi tiêu, tiểu, bạn cần thay tã lót ngay để bé không bị ướt, bị nhiễm lạnh.


Giữ ấm cho bé sơ sinh


- Cho bé ở trong phòng thoáng, đảm bảo đủ nhiệt độ và tránh những nơi có gió lùa. Đối với những  bé sơ sinh đẻ đủ tháng nên để nhiệt độ trong phòng từ 22-24 độ C. Đối với những trẻ đẻ thiếu tháng, nên giữ nhiệt độ trong phòng ở mức 24-26 độ C.


- Khi cho bé ra ngoài, cần cho bé mặc đủ ấm, đặc biệt lưu ý giữ ấm vùng thóp đầu, và gan bàn chân bé. Khi vào trong phòng ấm, bạn nhớ cởi bớt đồ cho bé, nếu không bé có thể bị nóng, ra nhiều mồ hôi sẽ dễ bị nhiễm lạnh.


- Trong đêm lạnh, nên đắp thêm chăn cho bé nhưng không nên quấn bé quá chặt, có thể gây khó thở.


- Tắm nắng cho bé vào lúc nắng sớm ấm áp (khoảng 9-10 giờ sáng vào ngày thường và 10-11 giờ vào những ngày đông) và nên sử dụng quạt sưởi nếu trời lạnh.


- Nhiều bà mẹ sợ bé bị lạnh nên ôm ấp con thường xuyên kể cả khi đi ngủ. Làm như vậy không tốt bởi cơ hội truyền nhiễm vi khuẩn cho bé thông qua đường hô hấp hay tiếp xúc ngoài da rất cao. Đó là chưa kể đến trường hợp, mẹ ngủ say có thể dùng tay hay chăn bịt kín Mũi của trẻ dẫn đến bị ngạt thậm chí tử vong.


họn mua đồ cho bé sinh mùa đông

Dự sinh vào tháng sau, chị Chi (Cầu Giấy, Hà Nội) không biết nên sắm những gì cho con để vừa đủ ấm, vừa không quá tốn kém. Chia sẻ của chuyên gia và chị em từng sinh vào mùa này sẽ giúp các bà bầu như chị.
 

Cũng như chị Chi, không ít bà bầu sinh con vào mùa đông lúng túng trong việc sắm đồ cho bé yêu sắp chào đời vào những ngày lạnh.

Theo chị Nguyễn Thị Nhung, chủ một cửa hàng chuyên bán đồ trẻ em ở phố Mai Dịch, Hà Nội, so với mùa hè, các bé sinh vào mùa đông cần được chuẩn bị nhiều đồ hơn, để chống lại cái lạnh và đề phòng những ngày mưa phùn đồ giặt phơi lâu khô.

Chị Nhung cho biết, ngoài các đồ cần thiết như áo cotton mềm, khăn sữa, tã, các bé cần có những quần áo dày và chăm để ủ ấm. Các phụ kiện như tất chân, tất tay cũng cần mua loại dày nhưng không cứng.




Theo chị, quần áo, chăn ủ bằng bông cho bé sơ sinh được nhiều bố mẹ lựa chọn hơn cả do đặc tính mềm, ấm, lại không gây khó chịu cho bé như đồ len, dạ... Nhiều bà bầu nghĩ áo len chui đầu và cao cổ sẽ giữ ấm tốt cho con nhưng thực ra, với bé mới sinh, không nên sắm đồ này vì mặc vào cởi ra khó, sẽ khiến bé sợ. Nên mua cho bé những áo dạng cài cúc, cổ không quá cao, khi lạnh có thể quàng thêm khăn sữa cùng yếm để giữ ấm cổ và ngực. Nếu mua đồ len cần chọn loại có chất liệu tốt, mềm mại, không thô cứng, xù, tránh gây dị ứng cho bé.

Vừa sinh con được 2 tuần, chị Lê Mai Giang (phố Kim Đồng, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: Mùa đông lạnh nên mua nhiều tã giấy để giữ ấm cho con hơn là sắm tã xô, có điều cần thay thường xuyên và rửa sạch vùng kín để con không bị hăm. Để tránh bé ị tè ra đệm, nên mua vài chiếc ga chống thấm trải bên dưới ga thường, đồng thời dùng thêm tấm lót nilong cho con mỗi lần thay tã.

Theo chị Giang, nếu có điều kiện nên sắm một chiếc máy sấy quần áo để khỏi lo những ngày mưa phùn đồ của bé chưa khô.

"Những ngày mưa phùn gió bấc vừa rồi mà không có máy sấy thì mình không biết xoay kiểu gì, khi đồ của con thì không thể không thay, không giặt vì tè, ị và trớ liên tục", chị nói.

Chị cho biết, những ngày rét, không nên mua giấy ướt lau cho bé vì sẽ rất lạnh lại dễ làm khô da. Thay vào đó là dùng bông tiệt trùng hoặc khăn xô, mỗi lần vệ sinh chỉ cần nhúng vào nước ấm rồi lau cho bé.

Nếu không có điều hòa hai chiều thì nên mua máy hay quạt sưởi để làm ấm cho bé những lúc trời quá lạnh hoặc mỗi lần tắm, thay đồ cho con.

Chị Hồng (khu đô thị Pháp Vân, Hà Nội) sinh cả hai con vào mùa đông thì cho rằng, nên sắm cho các bé vài bộ đồ liền thân, vừa giữ ấm tốt, để bé không bị hở bụng, lưng mỗi khi xê dịch, vừa gọn gàng. "Có thể mua nhiều chất liệu, cotton mặc hôm trời ấm, bộ liền bông hay nỉ mặc ngoài lúc đi ngủ, một bộ liền phao dùng khi bé cần ra ngoài trời, đi tiêm phòng", chị Hồng nói.

Theo chị, không nên mua đồ quá chật, khiến bé khó chịu, nhưng cũng đừng sắm đồ quá rộng đợi bé lớn vì khi "bơi trong áo" bé sẽ không đủ ấm.

Bác sĩ Lê Tố Như, phó Khoa sơ sinh, BV Nhi trung ương cho biết, sắm đồ cho bé sinh vào mùa đông ngoài quan tâm đến tác dụng giữ ấm, cần chú ý tới chất liệu sản phẩm và sự an toàn của con. Tất tay, tất chân nên mua loại dày nhưng không quá chật hay có sợi thun bít vào cổ tay cổ chân bé. Cũng cần kiểm tra bên trong tất có các sợi vải, sợi len bị sổ ra không, tránh nguy cơ quấn vào tay, chân con. Đồ mặc bên trong cùng cho bé nhất thiết phải là chất cotton mềm, không có các cạnh sắc ở vùng nách, cổ, không cọ xát vào da trẻ. Bên ngoài có thể mặc cho bé đồ bằng bông, len, nỉ chất lượng tốt.


Tham khảo thêm cách quấn khăn cho trẻ sơ sinh đúng cách

Mới chào đời, khăn quấn giúp trẻ có cảm giác an toàn giống như khi còn ở trong bụng mẹ. Quấn trẻ sao cho khéo để bé cảm thấy thoải mái, an toàn và dễ ngủ hơn, cũng là một kỹ thuật.


Lợi ích của việc quấn khăn cho trẻ sơ sinh là giúp thần kinh ổn định, giảm quấy khóc, bé dễ ngủ và ngủ ngon hơn, giữ thân nhiệt ổn định, giảm nguy cơ đột tử. Ngoài ra khi trẻ ngủ, quấn khăn vừa vặn ôm sát cơ thể giúp bé không bị giật mình.

Sau đây là các bước thực hiện quấn khăn được các chuyên gia hướng dẫ

- Trải chiếc khăn ra theo dạng hình thoi. Cầm một góc của tấm khăn gấp vào giữa sao cho đầu khăn nằm ở điểm trung tâm của tấm khăn.

- Đặt em bé nằm giữa tấm khăn vừa gấp xong, đầu hướng về phía đường gấp.

- Đặt tay phải của bé xuôi theo chiều dọc cơ thể.

- Một tay của mẹ nâng phần khăn bên tay phải phủ chéo lên cơ thể bé, đồng thời nâng nhẹ phần cơ thể bên trái của bé để chèn phần khăn dư xuống dưới.  

- Tiếp tục lấy phần khăn bên trái phủ chéo lên phần cơ thể còn lại của bé.

- Cuối cùng lấy phần khăn dư ở phía dưới chân quấn vòng ngược lên cơ thể của bé rồi định vị tấm khăn lại.

Lưu ý không nên quấn quá chật hoặc quá lỏng lẻo, bởi nếu quá chật trẻ sẽ khó cử động, còn quá lỏng trẻ sẽ không nằm yên vị được. Không nên quấn 2 tấm khăn một lúc, khăn không quá dày vì sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể bé. Nếu thấy bé ra mồ hôi hoặc người nóng lên, đó là dấu hiệu gia tăng nhiệt độ cơ thể. Điều này chứng tỏ bạn đã quấn khăn sai cách, hãy tháo khăn ra và quấn lại từ đầu.




Hiện tượng nổi mụn ở trẻ sơ sinh
Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh
Làm gì khi trẻ bị sặc sữa
Tư thế nằm ngủ của trẻ sơ sinh
Chăm sóc trẻ sơ sinh mùa đông
Chăm sóc răng miệng cho trẻ sơ sinh


(st)