Video Clip: Xạ trị ung thư ở Thanh Hóa
Tác dụng chữa bệnh của củ nghệ vàng: chống ung thư, khử trùng
Thực quản là bộ phận nào trong cơ thể chúng ta?
Thực quản, đó là một phần của ống tiêu hóa, nối từ họng đến dạ dày. Thực quản nằm dọc ở vùng cổ, giữa khí quản phía trước và cột sống phía sau. Ở người trưởng thành, thực quản dài khoảng 25 cm ( 10 inche) . Khi chúng ta nuốt, các cơ ở thành thực quản co bóp để đẩy thức ăn xuống dạ dày. Các tuyến trên thành thực quản tiết ra chất nhầy, nó có tác dụng giữ lòng thực quản luôn ẩm ướt và bôi trơn thành thực quản giúp việc nuốt thức ăn dễ dàng hơn.
Cũng như tất cả các cơ quan khác trong cơ thể, thực quản được cấu tạo bởi nhiều loại tế bào khác nhau. Các tế bào thông thường chỉ phân chia để tạo ra những tế bào mới khi cần thiết. Chính điều này góp phần cho chúng ta có một cơ thể khỏe mạnh.
Những nguyên nhân nào gây ung thư thực quản?
Ở một số vùng trên thế giới, ung thư thực quản là một bệnh tương đối phổ biến, nhưng tại MỸ, ung thư thực quản chỉ chiếm 1% tổng số các loại ung thư.
Nguyên nhân chính xác gây ung thư thực quản vẫn chưa được biết đến. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu điều này. Một khi nguyên nhân chính xác gây ung thư thực quản được tìm ra, chúng ta càng có nhiều cơ hội để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.
Những nghiên cứu thực hiện tại Mỹ cho thấy, ung thư thực quản thường gặp ở những bệnh nhân trên 55 tuổi. Nam giới bị bệnh nhiều gấp đôi phụ nữ, người da đen bị nhiều hơn người da trắng. Lý do tại sao chưa được giải thích hợp lý.
Một điều chắc chắn là ung thư thực quản không phải là một bệnh lây truyền, vì thế người này không thể mắc bệnh do lây từ người khác.
Bên cạnh đó, các nhà kha học cũng tìm ra nhiều yếu tố nguy cơ, mà có thể làm tăng tỉ lệ ung thư thực quản. Tại Mỹ, hút thuốc và uống rượu quá mức là những yếu tố nguy cơ thường gặp nhất. Một người vừa uống nhiều rượu vừa nghiện thuốc lá thì nguy cơ tăng lên nhiều lần so với người chỉ hút thuốc hoặc chỉ uống rượu.
Nếu hạn chế uống rượu có thể làm giảm nguy cơ ung thư thực quản cũng như nguy cơ ung thư các cơ quan khác như ung thư khoang miệng, ung thư vòm họng, ung thư vòm hầu… Còn nếu không hút thuốc, chúng ta có thể giảm nguy cơ bị ung thư thực quản, phổi, khoang miệng, họng hầu, bàng quang và tụy. Hơn nữa, một người bị ung thư vì hút thuốc cũng dễ bị ung thư thứ phát hơn người khác. Hầu hết các Bác sĩ đều yêu cầu bệnh nhân ung thư thực quản ngừng hút thuốc để hạn chế việc phát triển một ung thư thứ phát đồng thời giảm nhẹ các triệu chứng của ung thư thực quản, như ho chẳng hạn.
Một khi niêm mạc của thực quản bị kích thích thường xuyên và kéo dài cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư. Vùng niêm mạc ở đoạn cuối thực quản thường bị viêm kéo dài khi người bệnh bị chứng trào ngược dạ dày thực quản. Khi các tế bào vùng bị tổn thương chuyển đổi dần dần thành những tế bào tương tự tế bào niêm mạc dạ dày, các Bác sĩ gọi đây là tình trạng thực quản Barrett. Trong một vài trường hợp, thực quản Barrett có thể dẫn tới ung thư thực quản.
Còn nhiều dạng tổn thương khác của niêm mạc thực quản mà cũng là nguy cơ chuyển thành ung thư thực quản. Ví dụ một người đã từng uống một thư thuốc tẩy rửa hoặc uống dung dich hóa học gây bỏng thực quản thì sẽ có nguy cơ ung thư thực quản cao hơn mức bình thường vì các loại chất hóa học trên gây tổn thương nhu mô thực quản nặng nề.
Dinh dưỡng kém cũng là một yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản. Các nhà khoa học không biết chính xác chế độ ăn như thế nào thì ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh này, nhưng chắc chắn một điều là một chế độ ăn cân bằng với nhiều loại rau quả giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Thông thường, một bệnh nhân ung thư thực quản thường không tìm thấy yếu tố nguy cơ rõ ràng. Trong hầu hết các trương hợp, bệnh sinh ra là do nhiều yếu tố cùng tác động lên.
Nếu bạn nghĩ rằng mình thuộc nhóm nguy cơ cao của bệnh, bạn nên gặp gỡ và trò chuyện với bác sĩ của mình để được tư vấn. Các Bác sĩ sẽ giúp bạn làm giảm nguy cơ mắc bệnh xuống đồng thời sẽ lên một kế hoạch để theo dõi kỹ lưỡng.
Triệu chứng của ung thư thực quản là gì?
Những khối u còn rất nhỏ ở thực quản thường không gây ra triệu chứng nào. Khi khối u lớn lên, thì triệu chứng thường gặp nhất là khó nuốt tăng dần. Người bệnh sẽ cảm thấy nghẹn ở cổ hoặc cảm giác nóng dát khi nuốt thức ăn. Đôi khi lại có cảm giác cục thức ăn bị kẹt ở ngay phía sau xương ức. Triệu chứng khó nuốt tăng dần. Ban đầu là khó chịu khi ăn các thức ăn cứng và dai như thịt, bánh mì, rau sống, các thức ăn dạng hạt….Khi khối u lớn hơn, long thực quản càng ngày càng hẹp thì những thức ăn khác thậm chí là thức ăn dạng lỏng cũng làm bệnh nhân nuốt khó khăn. Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như khó tiêu, nóng rát trước ngực, nôn ói, nghẹn thức ăn. Vì những nguyên nhân này mà bệnh nhân càng ngày càng sút cân và gầy mòn.
Đôi khi người bệnh còn có triệu chứng ho khan và thở khò khè, cảm giác đau rát sau ức hay đau vùng cổ.
Các triệu chứng trên không chỉ gặp trong ung thư thực quản mà còn gặp trong nhiều bệnh khác, thế nên một khi bạn ghi nhận thấy mình có những triệu chứng đó thì nên đến gặp một Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được tham vấn.
Bằng cách nào chúng ta chuẩn đoán được ung thư thực quản?
Để tìm nguyên nhân gây nên các triệu chứng kể trên. Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về quá trình diễn tiến của các triệu chứng (gọi là bệnh sử) đồng thời tìm hiểu về tiền căn bệnh tật của bản thân người bệnh và gia đình người thân của anh ta. Bên cạnh đó, để có được những thông tin khái quát về bệnh, có thể Bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cho bệnh nhân của mình, chẳng hạn như chụp X quang thực quản.
Chụp thực quản đồ là một xét nghiệm cần thiết. Bạn được uống một dung dich cản quang, thường là Barium, sau đó người ta sẽ chụp một loạt nhiều hình X-quang của thực quản. Vì Barium là thuốc cản quang, nó bao lên bề mặt niêm mạc thực quản. Người Bác sĩ còn có thể dùng một màn hình huỳnh quang theo dõi trực tiếp sự di chuyển của barium trong lòng thực quản xuống đến dạ dày.
Hầu hết các bệnh nhân cũng được thực hiện một xét nghiệm là nội soi thực quản. Trước khi thực hiện việc nội soi, bệnh nhân được xịt thuốc gây tê vào họng, sau đó Bác sĩ sẽ đưa vào miệng bạn, qua họng xuống đến thực quản một ống nội soi, đàn hồi, có đèn ở đầu ống. Nội soi giúp người Bác sĩ quan sát được niêm mạc thực quản và vùng tâm vị, nơi thực quản nối với dạ dày. Nếu phát hiện một vùng nào đó bị tổn thương, Bác sĩ sẽ bấm sinh thiết, lấy một mảnh mô nhỏ để quan sát dưới kính hiển vi nhằm phát hiện tế bào bất thường. Nhà giải phẫu bệnh là người đọc các tổn thường này, nếu phát hiện thấy tế bào ung thư (ác tính) , thì tiếp theo đó là xác định loại tổn thương. Các ung thư ở đầu và giữa thực quản thường là ung thư tế bảo vẩy, trong khi đó ung thư ở đoạn cuối thực quản gần dạ dày thì thường là ung thư tế bào tuyến.
Một khi nhà giải phẫu bệnh phát hiện ra ung thư, thì người Bác sĩ cần biết thêm về giai đoạn hay độ lan rộng của khôi u. Việc phân độ của ung thư là một công việc quan trọng để đánh giá chính xác những cơ quan nào của cơ thể đã bị khối u xâm lấn. Việc quyết định điều trị là giựa trên giai đoạn của ung thư. Để phân độ chính xác , người thầy thuốc cần thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng, đặc biệt lưu ý vùng cổ và ngực , làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác như xét nghiệm máu, chụp X-quang,….
Các Bác sĩ cũng hay chỉ định thêm chụp Ctscan vùng ngực và bụng trên. CTscan cũng là chụp X-quang, nhưng cùng một lúc nhiều film được chụp, sau đó được máy tính phân tích và cho ra hình ảnh chính xác. Một số bệnh nhân phải chụp thêm cả film MRI, đây là kĩ thuật chụp dựa trên tính nhiễm từ của các phân tử nước trong cơ thể. Máy chụp là một máy từ trường lớn nối với máy tính để xử lý hình ảnh.
Các Bác sĩ còn sử dụng nhiều phương pháp và phương tiện đặc biệt khác để phát hiện các khối u di căn. Ví dụ như gương soi hầu họng, ống nội soi khí quản và phế quản - đường dẫn khí vào phổi, để phát hiện ung thư thứ phát ở những nơi này.
Đôi khi các hạch kế cận thực quản to lên, phát hiện được khi khám, thì Bác sĩ có thể cho sinh thiết hạch này tìm xem có tế bào ác tính hay không?
Điều trị ung thư thực quản
Việc điều trị ung thư thực quản phụ thuộc vào một số yếu tố. Trong đó có vị trí chính xác của khối u, kích thước, độ xâm lấn, và khối u thuộc loại nào. Ngoài ra, người bác sĩ còn quan tâm đến tuổi tác của bệnh nhân, đến tình trạng sức khỏe chung để áp dụng điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Bác sĩ điều trị của bạn đôi khi cũng cần tham khảo ý kiến của những Bác sĩ điều trị ung thư khác. Bạn cũng nên tham gia vào các chương trình nghiên cứu trong điều trị ung thư. Các cuộc nghiên cứu này, còn gọi là thử nghiệm lâm sàng, đều nhằm tìm ra phương pháp mới tốt hơn trong việc điều trị ung thư thực quản.
Nhiều bệnh nhân muốn chủ động trong việc quyết định điều trị cho mình, vì thế họ tìm hiểu khá kĩ căn bệnh này. Việc đặt câu hỏi cho người bác sĩ điều trị là rất cần thiết, và bác sĩ phải có trách nhiệm giải thích cho bệnh nhân của mình. Hầu hết các bệnh nhân đều muốn biết về mức độ lan của bệnh, về việc điều trị như thế nào, hi vọng thành công ra sao, và quan trọng là việc điều trị sẽ hết bao nhiêu tiền.
Nhiều bệnh nhân thấy cần phải chuẩn bị một danh sách các câu hỏi trước khi đến gặp bác sĩ. Bạn hãy ghi lại những điều người bác sĩ giải thích cho bạn, điều này rất có ích. Nhiều khi bạn cũng cần một người thân hay bạn bè bên cạnh mình khi nói chuyện với bác sĩ, người này có thể tham gia vào cuộc trò chuyện của bạn với bác sĩ. Có rất nhiều điều bệnh nhân chưa biết về căn bệnh và việc điều trị, thế nên bạn cần nhiều dịp để hỏi về những điều mình chưa rõ với bác sĩ điều trị của bạn.
Phương pháp điều trị
Thông thường ung thư thực quản không thể chữa được trừ khi ta phát hiện được ở giai đoạn sớm của bệnh, khi khối u chưa xâm lấn. Đáng tiếc là ung thư giai đoạn sớm lại có rất ít triệu chứng, và khi phát hiện thì bệnh thường ở giai đoạn tiến triển.Tuy nhiên, ung thư giai đoạn tiến triển vẫn có hi vọng chữa trị và triệu chứng có thể giảm.
Ung thư thực quản thường được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị, hoặc hóa trị. Người thầy thuốc có thể chỉ dùng một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phường pháp, điều này còn tùy thuộc vào tình trạng người bệnh.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân muốn bác sĩ áp dụng nhiều phương pháp chữa trị cho mình. Còn các bác sĩ lại thường thảo luận với nhau để chọn phương pháp thích hợp nhất cho bệnh nhân. Việc thảo luận thường giữa các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, nhà phẫu thuật, chuyên gia về ung bướu học, chuyên gia về xạ trị ung thư, các y tá, các chuyên gia dinh dưỡng và các nhà hoạt động xã hội.
Phẫu thuật thường là một phần quan trọng của việc điều trị. Nhiều bệnh nhân ung thư thực quản phải trải qua một cuộc phẫu thuật để cắt bỏ thực quản. Phẫu thuật này bao gồm cắt khối u và một phần thực quản, nạo hạch quanh khối u và một số mô lân cận. Sau đó, phần thực quản còn lại được nối với dạ dày, đôi khi người phẫu thuật viên phải tạo một thực quản giả bằng cách lấy một phần ruột đưa lên đây.
Trong trường hợp khối u thực quản không thể cắt bỏ được, có thể do dính nhiều vào các cơ quan lân cận, bóc tách khó khăn, thì người phẫu thuật viên phải tạo một đường bắc cầu ngang qua để nối từ khoang miệng tới dạ dày. Đôi khi, các bác sĩ phẫu thuật không thể mở rộng thực quản ra, lúc này phải chờ cho khối u lớn hơn một chút rồi thực hiện lại. Cũng có khi, phẫu thuật viên phải đưa vào lòng thực quản một ống nhỏ ( gọi là đặt stent) để giúp thông thực quản. Gần đây các bác sĩ dùng tia laser để phá hủy mô ung thư, sau đó tiến hành việc bóc tách khối u.
Xạ trị là phương pháp dùng tia phóng xạ chiếu vào khối u nhằm tiêu diệt tế bào ác tính và ngăn không cho chúng phát triển nữa. Giống như phẫu trị, xạ trị là phương pháp điều trị tại chỗ, chỉ tác động lên các tế bào ở vùng điều trị. Xạ trị có thể thực hiện trước phẫu trị để tiêu diệt và thu nhỏ khối u hoặc cũng có thể thực hiện sau phẫu trị để tiêu diệt nốt những tế bào ác tính còn sót lại sau mổ. Đôi khi kích thước và vị trí của khối u gây khó khăn cho việc phẫu thuật hoặc tình trạng bệnh nhân không cho phép phẫu thuật thì xạ trị được áp dụng để thay thế hoàn toàn phẫu trị. Thậm chí khi phẫu thuật và xạ trị không tiêu diệt hoàn toàn tế bào ác tính, thì xạ trị cũng có thể làm giảm đau và giúp bệnh nhân dễ nuốt hơn.
Xạ trị ngoài là khi nguồn phóng xạ được đặt bên ngoài cơ thể, còn xạ trị trong là nguồn phóng xạ được đưa trực tiếp vào vị trí khối u. Thông thường, việc điều trị ung thư thực quản cần liều xạ trị ngoài 5 lần 1 tuần trong thời gian vài tuần. Trong thời gian xạ trị, bệnh nhân có thể nhập viện hay điều trị ngoại trú đều được. Trong khi đó, để xạ trị trong bệnh nhân phải nằm viện trong thời gian ngắn để được cấy nguồn phóng xạ vào người.
Hóa trị thì lại là phương pháp dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ác tính. Bác sĩ điều trị có thể dùng một loại thuốc hoặc kết hợp nhiều loại thuốc trong khi điều trị cho bạn. Hóa trị có thể áp dụng một mình hoặc kết hợp với xạ trị trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u và sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại. Hóa trị cũng được dùng trong trường hợp không thể mổ được hoặc khi khối u tái phát sau mổ và sau xạ trị.
Hầu hết các loại thuốc điều trị ung thư thực quản đều dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Một số ít khác dùng bằng được uống. Hóa trị là một phương pháp điều trị toàn thân, nghĩa là thuốc theo dòng máu để có thể đến tất cả các tế bào ung thư trong cơ thể. Thường việc dùng thuốc theo từng chu kì một, cứ một thời gian dùng thuốc, rồi một thời gian nghỉ. Nhiều bệnh nhân khi áp dụng hóa trị chỉ cần điều trị ngoại trú hoặc đến phòng mạch của Bác sĩ hoặc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, tùy theo loại thuốc, tùy theo tình trạng bệnh nhân, theo kế hoạch điều trị mà đôi khi bệnh nhân cũng cần nhập viện.
Một số nghiên cứu trong điều trị ung thư thực quản
Vì ung thư thực quản là một bệnh khó kiểm soát nên đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm ra những phương pháp mới hiệu quả hơn trong điều trị bệnh này. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra nhiều cách để hạn chế bớt các tác dụng phụ trong điều trị. Mặc dù nhiều phương pháp mới có rất nhiều hứa hẹn nhưng tất cả vẫn còn trong vòng thử nghiệm. Những thử nghiệm này được thiết kế để làm sao có được câu trả lời cụ thể rằng phương pháp nào là hiệu quả và an toàn. Những bệnh nhân tham gia vào việc điều trị này chính là những người tham gia đóng góp cho khoa học và nếu thành công họ sẽ là những người đầu tiên được hưởng lợi ích từ những nghiên cứu này.
Hiện tại có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư thực quản đang được thử nghiệm trên lâm sàng. Các Bác sĩ vẫn đang tìm cách kết hợp nhiều phương thức chữa trị mới nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Hiện đã có một số loại thuốc kháng ung thư mới, hoặc một số loại thuốc mà khi dùng sẽ làm tế bào ung thư nhạy cảm với tia xạ. Tất cả cũng đang còn trong vòng thử nghiệm. Ngoài ra một phương pháp mới cũng đang được thực nghiệm là liệu pháp điều trị bằng quang năng (photodynamic). Trong phương pháp này, người ta dùng một loại thuốc làm tế bào ung thư trở lên nhạy với tia laser, sau đó tai laser được dùng để tiêu diệt những tế bào này. Các liệu pháp sinh học, giúp cơ thể con người tăng sức đề kháng, đủ để chống chọi tế bào ung thư hiệu quả hơn, cũng đang được tìm tòi.
Bệnh nhân nếu muốn tham gia vào các chương trình thử nghiệm này có thể gặp và trao đổi với Bác sĩ của mình và đề đạt nguyện vọng. Bạn có thể tham khảo quyển sách What are clinical trials all about? ( Mục đích của các cuộc thử nghiệm lâm sàng), để biết thêm về những thuận lợi và nguy cơ có thể xảy ra với mình khi bạn tham gia vào các chương trình này.
Có một cách giúp bạn tìm hiểu về các chương trình này, đó là thông qua PDQ, một kho dữ liệu đã được vi tính hóa về điều trị ung thư. Được xây dựng bởi Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia của Mỹ, PDQ cung cấp khá đầy đủ thông tin về các chương trình thử nghiệm lâm sàng trên cả nước và được cập nhật thường xuyên.
Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi điều trị
Các phương pháp điều trị ung thư đa phần là các phương pháp điều trị mạnh, rất khó hạn chế các tác dụng của thuốc lên các tế bào không phải ung thư khác của cơ thể. Chính vì các tế bào khỏe mạnh khác cũng có thể bị tổn thương khi điều trị, nên tác dụng phụ không mong muốn của việc điều trị là không thể tránh khỏi.
Các tác dụng phụ khi điều trị khá đa dạng, phụ thuộc chủ yếu vào phương pháp điều trị và mức độ ảnh hưởng trên toàn cơ thể của thuốc. Thêm nữa, phản ứng của cơ thể mỗi bệnh nhân là khác nhau. Bệnh nhân là những người theo dõi và phát hiện các tác dụng này đầu tiên và chính xác. Trong điều trị ung thư thực quản, phẫu thuật là phương pháp chủ yếu, một số bệnh nhân có những khó khăn trong ăn uống, vì vậy có thể họ cần được nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch trước và sau khi mổ vài ngày. Bác sĩ đôi khi cũng cần cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh để điều trị và phòng ngừa bội nhiễm. Người bệnh cũng cần được tập ho và tâp thở đúng cách để giúp phổi không bị ứ đọng, tránh viêm phổi khi phải năm lâu. Cảm giác khó chịu và đau sau phẫu thuật có thể hạn chế bằng cách dùng thuốc giảm đau.
Việc điều trị bằng tia phóng xạ kéo dài có thể khiến bệnh nhân khá mệt mỏi. Hãy cố gắng nghỉ ngơi bất cứ lúc nào, điều này rất quan trọng. Vùng da bị chiếu tia có thể bị tấy đỏ và khô nứt. Bạn nên để vùng da này tiếp xúc với không khí tự nhiên, nhưng tránh không tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, cũng không nên mặc quần áo chà sát nhiều vào vùng da đó. Chăm sóc da cẩn thận rất quan trọng. Bác sĩ có thể hướng dẫn cho bạn một số loại xà phòng thích hợp, còn bạn không nên dùng xà phòng hay thuốc tẩy rửa nào lên vùng da đó nếu không có ý kiến của Bác sĩ. Chiếu xạ ở cổ có thể khiến bạn thấy khô, rát cổ, và gây ho khan. Hãy uống thêm nhiều nước, Bác sĩ cũng có thể cho bạn một số thuốc chữa ho. Nếu bạn có cảm giác nóng rát, khó chịu hay đau khi nuốt, người thầy thuốc sẽ cho bạn một số thuốc tê tại chỗ hay thuốc giúp bôi trơn để bạn nuốt dễ dàng hơn. Một số bệnh nhân nhận thấy khi dùng thuốc kháng acid (antacid) lại giúp họ thấy dễ chịu hơn, dễ tiêu hơn. Một số ít bệnh nhân lại có cảm giác khó thở, thở nông trong khi xạ trị. Bác sĩ cũng có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này .
Còn trong hóa trị, các tác dụng phụ phụ thuộc vào loại hóa chất mà bạn sử dụng. Nói chung, các thuốc kháng ung thư có đích tác dụng là các tế bào có tốc độ phân chia nhanh. Trong số đó có các tế bào máu, gồm hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy trong máu, bạch cầu có nhiệm vụ chống nhiễm trùng và tiểu cầu có nhiệm vụ làm đông máu. Khi các tế bào này bị ảnh hưởng , cơ thể sẽ thấy mệt mỏi hơn. Các tế bào lông, tóc và tế bào ở các niêm mạc cũng là những tế bào phân chia nhanh. Vì thế hóa trị có thể sẽ khiến bạn vị rụng tóc, ăn uống kém, không ngon miệng, buồn nôn, và nôn. Các triệu chứng này thông thường tự mất đi khi việc điều trị chấm dứt.
Cân nặng của người bệnh cần được theo dõi kĩ lưỡng, bởi vì việc sút cân là một vấn đề khá nghiêm trọng đối với người bệnh ung thư thực quản. Việc nuốt thức ăn khó khăn cộng thêm cảm giác mệt mỏi sẽ khiến người bệnh không thấy đói và ngon miệng khi ăn. Nói chung,một bệnh nhân dinh dưỡng tốt thường đối phó với các tác dụng phụ của điều trị dễ dàng hơn.
Một số bệnh nhân dùng các thức ăn lỏng như súp, cháo khi việc nuốt khó khăn. Khi chuẩn bị thức ăn cho bệnh nhân ung thư thực quản, ta nên chọn món có nhiều thành phần, nhiều chất dinh dưỡng. Các loại bánh pudding, kem, súp, là những món dễ nuốt và nhiều chất dinh dưỡng mà bạn có thể dùng. Các Bác sĩ ,y tá, các nhà dinh dưỡng học có thể tư vấn cho bạn một chế độ ăn để làm sao đảm bảo cung cấp đủ calori cũng như chất đạm giúp bạn không bị sút cân đồng thời giúp các tế bào bình thường khác trong cơ thể có thể hồi phục.
Ví dụ một thực đơn gồm các món dạng lỏng hoặc uống sữa có hàm lượng protein cao…
Tóm lại, nhân viên y tế sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về ung thư thức quản, cách điều trị cũng như các tác dụng phụ của việc điều trị.
Người bệnh và gia đình của họ phải làm gì để đối phó với căn bệnh này?
Khi được chuẩn đoán mình bị bệnh ung thư thực quản hẳn người bệnh và gia đình mình sẽ có nhiều xáo trộn. Đôi khi những xáo trộn này rất khó có thể gi��i quyết. Đa phần người bệnh cùng người thân của mình sẽ có cảm giác bối rối. Ban đầu, có thể là sợ hãi, giận dữ và suy sụp. Đó là những phản ứng bình thường của con người khi đối mặt với một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Hầu hết bệnh nhân thường vượt qua khó khăn này dễ dàng hơn khi họ chia sẻ suy nghĩ và tình cảm của mình với những người thân xung quanh. Chia sẻ là cách giúp xóa bớt nỗi đau của người bệnh đồng thời giúp những người xung quanh hiểu, thông cảm và có những hỗ trợ cho người bệnh. Ngoài ra còn có những lo lắng về các xét nghiệm , về việc điều trị, về việc nằm viện và về vấn đề viện phí. Bác sĩ ,y tá, các nhân viên xã hội… là người giúp bệnh nhân giảm bớt nỗi lo lắng này.
Bệnh nhân và người thân cũng rất quan tâm đến tương lai sắp tới của họ. Thường thì họ sẽ dựa trên các thống kê để tính toán xem liệu người thân của mình có được chữa khỏi hay không hoặc người bệnh sẽ sống được bao lâu nữa. Nhưng bạn phải lưu ý rằng các thống kê là dựa trên một số lượng rất lớn bệnh nhân. Bạn không thể áp dụng nó lên một bệnh nhân cụ thể nào được vì không có sự giống nhau giữa hai người bệnh ung thư. Người thầy thuốc điều trị và nắm vững tiền sử bệnh của bệnh nhân là người thích hợp nhất để đưa ra tiên lượng cho bệnh nhân của mình. Người bệnh không nên e ngại khi hỏi về tiên lượng của mình, nhưng bạn cần nhớ rằng ngay cả người thầy thuốc cũng không đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra.
Chung sống với một căn bệnh hiểm nghèo như vậy thật khó khăn. Người bệnh và những người nuôi bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức. Một khi họ được cung cấp đầy đủ thông tin thì chắc chắn họ sẽ có nhiều can đảm hơn để vượt qua thử thách.
Người Bác sĩ có thể giải thích đầy đủ về căn bệnh, cho bạn những lời khuyên trong điều trị, trong công việc, trong các hoạt động hàng ngày của bạn. Còn các y tá, các nhân viên xã hội, các nhà tư vấn, các tổ chức tôn giáo… sẽ giúp bệnh nhân trong các vấn đề về tương lai của họ, về các mối quan hệ, về tài chính….
Người thân nếu có những kinh nghiệm bản thân về bệnh ung thư có thể là những người hỗ trợ rất tốt cho bệnh nhân.Thêm nữa, bệnh nhân nên được gặp gỡ và trò chuyện với những người đã từng mắc bệnh tương tự. Các bệnh nhân ung thư thường tổ chức thành từng nhóm đề giúp đỡ lẫn nhau, tại đây họ có thể chia sẻ kinh nghiệm cho nhau và giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng mỗi bệnh nhân không ai giống ai, điều trị và những kinh nghiệm để đối phó với ung thư của người này có thể không áp dụng cho người kia, ngay cả khi họ cùng bị một loại ung thư. Người bệnh nên hỏi ý kiến Bác sĩ về những lời khuyên của bạn bè và người thân mình.
Thường thì những nhân viên xã hội tại các bệnh viện có thể hỗ trợ bạn về tinh thần, về tài chính, về việc đi lại và việc chăm sóc y tế tại nhà. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ( The American Cancer Society) là một tổ chức như vậy. Với mục đích hoạt động phi lợi nhuận, hiệp hội này có rất nhiều hỗ trợ cho người bệnh ung thư và gia đình họ. Điện thoại của các chi nhánh địa phương của hội bạn có thể tìm thấy trong những trang trắng của cuốn danh bạ điện thoại.
Tóm tắt
Trong những nguyên nhân chính xác gây ung thư thực quản chưa được biết thì người ta lại xác định được nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh.
Nguy cơ bị ung thư thực quản tăng lên nhiều lần nếu như thực quản bị tổn thương kéo dài bởi các yếu tố kích thích như : thuốc lá, uống rượu, bệnh viêm thực quản Barrett.
Việc chuẩn đoán ung thư thực quản có thể được nhờ chụp x-quang thực quản với thuốc cản quang Barium, và nội soi kết hợp sinh thiết giúp khẳng định chắc chắn chuẩn đoán.
Khối u thực quản có thể làm bệnh nhân nuốt khó khi ăn các thức ăn cứng.
Việc điều trị ung thư thực quản tùy thuộc vào kích thước, vị trí, độ lan của khối u, đồng thời cũng phụ thuộc vào tuổi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
(St)