Ung thư vú

Ai có nguy cơ bị ung thư vú?

Nguyên nhân chính xác của ung thư vú chưa được biết. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư vú gia tăng ở những phụ nữ lớn tuổi, và thường hiếm khi gặp ở nữ dưới 35 tuổi. Bệnh xảy ra ở những phụ nữ trên 50 tuổi, nguy cơ càng cao ở nữ trên 60. Hơn nữa, ung thư vú xảy ra ở phụ nữ da trắng nhiều hơn nữ Châu Phi và nữ Châu Á.

Nghiên cứu cho thấy những yếu tố sau làm tăng khả năng mắc ung thư vú:

- Tiền sử bị ung thư vú: những phụ nữ đã bị ung thư vú rồi thì nguy cơ mắc ung thư vú ở vú còn lại còn cao hơn người bình thường.

- Tiền sử của gia đình: một người phụ nữ có nguy cơ ung thư vú cao nếu mẹ, chị, con gái họ bị ung thư vú, đặc biệt nếu những người này mắc bệnh lúc tuổi còn trẻ.

- Rối loạn đã được xác định: với chẩn đoán tăng sản không điển hình hay carcinoma tại chỗ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú.

- Sự biến đổi di truyền: các gen trong tế bào mang thông tin di truyền thừa hưởng từ cha mẹ. Yếu tố di truyền chiếm từ 5% - 10% tất cả ung thư vú. Vài gen đột biến có liên quan đến ung thư vú phổ biến ở vài nhóm dân tộc.

Một số gen thay đổi (như BRCA 1, BRCA 2,…) làm tăng nguy cơ ung thư vú. Trong những gia đình có nhiều người mắc ung thư vú, kiểm tra gen thỉnh thoảng cho thấy có sự thay đổi đặc biệt làm tăng nguy cơ ung thư vú. Bác sĩ có thể đề nghị phương pháp nhằm phòng ngừa hay kéo dài sự sống cho bệnh nhân bị ung thư vú, phát hiện sớm ung thư vú ở những phụ nữ có đột biến gen. Những phụ nữ có gen đột biến liên quan ung thư vú hay đã bị ung thư vú một bên thì tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở bên còn lại, ung thư buồng trứng, và có thể những mắc ung thư khác. Nam giới cũng vậy.

Nhiều xét nghiệm có thể phát hiện những gen bị biến đổi. Những xét nghiệm này thường làm ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư.

Những yếu tố phối hợp làm tăng nguy cơ ung thư vú

Estrogen: nhiều chứng cứ gợi ý thời gian cơ thế chịu sự tác dụng estrogen càng kéo dài (estrogen do cơ thể tạo ra, hay do thuốc, hay được phóng thích từ một nốt của cơ thế) thì dễ bị ung thư vú. Ví dụ, nguy cơ bệnh tăng thêm phần nào ở những người kinh nguyệt bắt đầu sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), không có con, hay trị liệu bằng hormon trong thời gian dài. DES (diethylstilbestrol) là một dạng estrogen tổng hợp được sử dụng khoảng năm 1940 – 1971. Thai phụ thường sử dụng DES trong suốt thai kì để phòng ngừa biến chứng được xác định có nguy cơ ung thư vú khá cao. Nguy cơ này không hiện diện ở con gái họ, đã tiếp xúc với DES trước khi chào đời. Tuy nhiên, vẫn cần chú ý khi những bé gái này đến khoảng tuổi mà ung thư vú thường gặp.

Sinh con muộn: phụ nữ sinh con so muộn (sau 30 tuổi) có nguy cơ nhiều hơn người sinh con sớm.

Mật độ của vú: trên phim chụp nhũ ảnh cho thấy dầy đặc thùy và ống dẫn sữa nhưng rất cân đối. Ung thư vú gần như luôn phát triển từ mô thùy hay mô ống dẫn ( không phải mô mỡ). Điều đó cho thấy tại sao ung thư vú thường xảy ra ở những vú có nhiều mô tuyến và ống dẫn hơn những vú có nhiều mô mỡ. Hơn nữa, với những vú có mật độ dày, bác sĩ khó thấy những vùng bất thường trên phim chụp nhũ ảnh hơn.

Xạ trị: nữ < 30 tuổi, vú tiếp xúc tia xạ trong khi xạ trị, đặc biệt là đã điều trị bệnh Hodgkin’s bằng tia xạ.

Rượu: vài nghiên cứu cho thấy, phụ nữ uống rượu sẽ tăng nguy cơ ung thư vú.

Phần lớn phụ nữ bị ung thư vú mà không có những yếu tố nguy cơ trên, ngoại trừ nguy cơ xuất hiện theo sự gia tăng tuổi tác. Các nhà khoa học đang hướng đến những nghiên cứu về nguyên nhân gây ung thư vú để hiểu hơn về yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa bệnh này.

Làm sao phát hiện bệnh ung thư vú ?

Người phụ nữ nên cho bác sĩ biết các yếu tố có thể làm tăng khả năng bệnh ung thư vú. Những người có nguy cơ cao dù ở lứa tuổi nào, nên tham vấn bác sĩ, nên khám vú khi nào và làm như thế nào để được kiểm tra ung thư vú. Biện pháp sàng lọc làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh.

Người phụ nữ có thể góp phần chủ động phát hiện bệnh sớm bằng cách chụp nhũ ảnh và khám vú theo lịch một cách đều đặn. Hoặc có thể tự khám vú.

Dấu hiệu của ung thư vú ?

Ung thư vú giai đoạn sớm thường không gây đau.Thực tế, khi ung thư vú phát triển lần đầu, có thể không dấu hiệu nào cả. Nhưng khi ung thư tăng trưởng, có thể gây những thay đổi mà người phụ nữ nên để ý:

Một cục hay chỗ dày lên ở trong hay gần vú hay ở vùng nách.

Thay đổi kích thước hay hình dạng vú.

Núm vú rỉ dịch đau, hay bị kéo ngược vào vú.

Vú gợn lên hay lõm vào (da vú trông giống như quả cam)

Thay đổi da vú, có quầng, hay núm vú sưng, đỏ, nóng, có vảy.

Các bà, các cô nên gặp bác sĩ ngay nếu có một trong những triệu chứng trên. Thường không phải là ung thư, nhưng quan trọng để bác sĩ kiểm tra thì mọi vấn đề sẽ được chẩn đoán, điều trị sớm và như vậy mới an tâm.

Chẩn đoán ung thư vú như thế nào?

Để tìm được nguyên nhân của bất kì dấu hiệu hay triệu chứng nào, đòi hỏi bác sĩ phải khám và tìm hiểu tiền sử bản thân, gia đình của người bệnh cẩn thận. Ngoài ra, bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm sau:

Khám vú: bác sĩ có thể giải thích cục u bằng cách sờ nắn cục u và mô xung quanh nó cẩn thận. U lành thường cảm giác khác u ác. Bác sĩ kiểm tra kích thước và cấu tạo u và xác định xem nó có di chuyển dễ dàng không.

Chụp nhũ ành: chụp X quang vú có thể có được những thông tin quan trọng về cục u vú.

Siêu âm: sử dụng sóng âm tần số cao, qua siêu âm biết được u nang chứa dịch (không phải ung thư) hay là khối đặc (có thể ung thư mà cũng có thể không là ung thư ). Siêu âm được sử dụng cùng lúc với chụp nhũ ảnh.

Dựa trên những kiểm tra này, bác sĩ có thể quyết định không cần làm thêm xét nghiệm và không cần điều trị. Như thế, bác sĩ có thể cần phải theo dõi bệnh nhân thường xuyên để phát hiện những thay đổi.

Cần làm gì để chẩn đoán xác định?

Tầm quan trọng của một chẩn đoán chính xác được đánh giá cao. Chẩn đoán xác định định hướng điều trị. Phác đồ điều trị được thiết lập cho mỗi loại ung thư vú và mỗi bệnh nhân. Bác sĩ của bạn có thể giải thích rõ bệnh trạng cùng với những lựa chọn điều trị phù hợp với trường hợp của bạn.

Kế hoạch điều trị

Nhiều bệnh nhân ung thư vú muốn chủ động trong quyết định chăm sóc sức khỏe. Họ tìm hiểu tất cả những gì có thể được về bệnh và sự lựa chọn điều trị của họ. Tuy nhiên, người bệnh thường bị sốc và căng thẳng sau khi được chẩn đoán ung thư vú. Điều đó làm cho người bệnh không thể tập trung suy nghĩ về những điều muốn thắc mắc với bác sĩ. Tốt nhất là liệt kê tất cả những câu hỏi trong lần khám sau.

Để nhớ những gì bác sĩ nói, người bệnh có thể ghi chú hay ghi âm. Người bệnh lúc nào cũng muốn có người thân hay bạn bè khi nói chuyện với bác sĩ, họ có thể tham gia thảo luận hay ghi chú hay chỉ lắng nghe.

Bác sĩ có thể giới thiệu người bệnh đến những chuyên gia về điều trị ung thư. Thường điều trị sẽ bắt đầu trong vòng một vài tuần sau khi được chẩn đoán. Sẽ có khoảng thời gian để bệnh nhân thảo luận với bác sĩ về lựa chọn điều trị, tham khảo những ý kiến khác và chuẩn bị tâm lý bản thân và người thân của họ,

Những phương pháp điều trị ung thư?

Ung thư vú có thể điều trị tại chỗ hay toàn thân hoặc kết hợp cả hai.

Điều trị tại chỗ: là lấy hay phá hủy ung thư trong một vùng khu trú như phẫu thuật và xạ trị. Thường sử dụng điều trị bệnh ở vú. Khi ung thư vú đã lan xa, điều trị tại chỗ được dùng để kiểm soát những vùng di căn đó như phổi hay xương.

Điều trị toàn thân: sử dụng để phá hủy hay kiểm soát ung thư khắp cơ thể, như hóa trị, nội tiết tố, sinh học trị liệu. Một vài bệnh nhân được điều trị toàn thân để làm nhỏ khối u lại trước khi điều trị tại chỗ. Số khác điều trị toàn thân dành cho điều trị ung thư đã di căn hay phòng ngừa ung thư tái phát.

Phẫu thuật

Phẫu thuật dùng phổ biến trong điều trị ung thư vú. Có nhiều loại phẫu thuật. Bác sĩ có thể giải thích mỗi loại phẫu thuật, thảo luận và so sánh lợi ích và nguy cơ, và mô tả ảnh hưởng của phẫu thuật đến hình dáng bệnh nhân.Phẫu thuật tối thiểu hay phẫu thuật bảo tồn: đây là phẫu thuật lấy đi mô ung thư chứ không lấy vú. Cắt bỏ u và một một phần tuyến vú. Sau phẫu thuật này bệnh nhân được xạ trị để diệt những tế bào ung thư còn sót lại.

Cắt bỏ u: phẫu thuật lấy đi u và một phần mô bình thường xung quanh nó, thường vài hạch bạch huyết dưới nách cũng được lấy đi.

Cắt bỏ tuyến vú một phần: lấy u và phần lớn mô lành xung. Thỉnh thoảng lấy thêm một phần cơ ngực phía dưới u và hạch bạch huyết vùng nách.

Cắt bỏ tuyến vú: phẫu thuật cắt bỏ vú, mô lấy càng nhiều càng tốt. Tái tạo vú có thể làm cùng lúc hay sau đó.

Cắt bỏ tuyến vú toàn phần: là phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú đơn giản, bác sĩ phẫu thuật lấy toàn bộ vú và một vài hạch bạch huyết dưới nách.

Cắt bỏ tuyến vú tận gốc bổ sung: bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy toàn bộ vú, hạch lympho và cơ ngực.

Cắt bỏ tuyến vú tận gốc: còn gọi là phẫu thuật Halsted, bác sĩ phẫu thuật lấy vú, hai cơ ngực, tất cả hạch bạch huyết, một phân mỡ và da. Ngày nay ít sử dụng phương pháp này. Một số ít trường hợp phẫu thuật này được đề nghị khi ung thư lan đến cơ ngực.

Khảo sát hạch bạch huyết vùng nách: đôi khi hạch bạch huyết vùng nách được lấy để xác định xem ung thư đã lan vào hệ bạch huyết hay chưa.

Tạo hình vú, thường được lựa chọn sau phẫu thuật cắt bỏ vú. Bệnh nhân quan tâm phẫu thuật này nên thảo luận với bác sĩ phẫu thuật tạo hình trước khi làm phẫu thuật cắt bỏ.

Đây là những câu hỏi bệnh nhân thường hỏi bác sĩ trước khi phẫu thuật :

- Tôi có thể quan tâm loại phẫu thuật nào? Có phải phẫu thuật bảo tồn là lựa chọn cho tôi? Tôi nên làm phẫu thuật nào? Phẫu thuật có nguy cơ gì?

- Tôi cần gửi máu của tôi phòng khi tôi cần truyền máu?

- Có phải tôi cần được lấy hạch bạch huyết? Bao nhiêu? Tại sao? Tôi cần phòng ngừa gì khi hạch bạch huyết bị lấy đi?

- Sau phẫu thuật tôi có cảm giác như thế nào?

- Tôi cần phải học những gì để tự chăm sóc hay chăm sóc vết mổ khi tôi trở về nhà?

- Vết sẹo sẽ ở đâu và trông như thế nào?

- Nếu tôi quyết định làm phẫu thuật tạo hình, làm như thế nào và khi nào? Bác sĩ có thể giới thiệu một bác sĩ phẫu thuật tạo hình?

- Tôi sẽ phải thực hiện những bài luyện tập đặc biệt gì?

- Khi nào tôi có thể trở về hoạt động bình thường?

- Tôi có thể nói chuyện với những người đã trải qua phẫu thuật giống như vậy không?

Xạ trị

Xạ trị là dùng tia năng lượng cao diệt tể bào ung thư. Tia xạ có thể tác động trực tiếp qua vú qua 1 máy (xạ trị ngoài). Chất phóng xạ được đặt trong 1 ống nhựa và đặt trực tiếp vào vú (xạ trị trong). Một số bệnh nhân điều trị cả hai cách.

- Xạ trị ngoài: bệnh nhân đến bệnh viện hay dưỡng đường, thường là 5 ngày/tuần trong vài tuần.

- Xạ trị trong: bệnh nhân nhập viện, chất phóng xạ được cấy vào cơ thể trong vài ngày và được lấy ra trước khi bệnh nhân trở về nhà.

Thỉnh thoảng, tùy vào kích thước u và những yếu tố khác, xạ trị được sử dụng sau phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật bảo tồn. Chất phóng xạ tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại.

Trước khi phẫu thuật, xạ trị hay với hóa trị hay nội tiết tố được sử dụng để phá hủy tế bào ung thư hay làm nhỏ u. Phương pháp này thường áp dụng những u lớn và không dễ lấy bằng phẫu thuật.

Những câu hỏi đặt ra:

- Tại sao tôi cần xạ trị?

- Nguy cơ và tác dụng phụ của xạ trị?

- Tác dụng phụ có kéo dài không?

- Khi nào bắt đầu điều trị và kết thúc?

- Tôi cảm như thế nào trong thời gian điều trị

- Tôi có thể làm gì để tự chăm sóc trong thời gian điều trị?

- Tôi có thể tiếp tục hoạt động bình thường không?

- Vú của tôi trông như thế nào sau điều trị?

- Khả năng khổi u có tái phát trở lại không?

Hóa trị

Hóa trị là dùng thuốc giết tế bào ung thư. Trong điều trị ung thư vú thường phối hợp nhiều loại thuốc. Thuốc có thể uống hay tiêm, thuốc theo dòng máu đi khắp cơ thể.

Hầu hết bệnh nhân điều trị hóa trị là ngoại trú bệnh viện hay ở phòng khám bác sĩ. Tuy nhiên phụ thuộc vào loại thuốc điều tri, tổng trạng mà bệnh nhân cần nhập viện khi điều trị.

Nội tiết tố

Điều trị nội tiết tố là lấy đi những tiết tố mà tế bào ung thư cần để phát triển. Điều trị này bao gồm sử dụng thuốc làm thay đổi hoạt động nội tiết tố, hay phẫu thuật lấy buồng trứng. Giống như hóa trị, phương pháp này ảnh hưởng những tế bào ung thư toàn cơ thể.

Liệu pháp sinh học

Là liệu pháp làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể chống lại tế bào ung thư. Ví dụ: Herceptin (trastuzumab) là kháng thể đơn giá mà đích là tế bào ung thư có gen HER – 2. Bằng cách ức chế gen này Herceptin làm tế bào ung thư chậm hay ngưng phát triển. Herceptin có thể điều trị một mình hay phối hợp với hóa trị.

Những câu hỏi đặt ra cho bác sĩ:

- Tại sao tôi cần điều trị toàn thân?

- Nếu tôi điều trị nội tiết tố, cái nào tốt cho tôi hơn. Thuốc hay phẫu thuật lấy buồng trứng?

- Tôi sẽ sử dụng loại thuốc nào? Chúng tác dụng như thế nào?

- Có những tác dụng phụ không? Tôi phải làm gì với những tác dụng phụ đó?

- Điều trị kéo dài bao lâu?

Lựa chọn điều trị

Bệnh nhân ung thư vú bây giờ có nhiều sự lựa chọn trong điều trị. Nhiều phụ nữ cố gắng tìm hiểu về bệnh và việc lựa chọn điều trị. Vì vậy họ có vai trò trong việc quyết định hướng chăm sóc sức khỏe của mình. Người bệnh có nhiều câu hỏi và sự quan tâm về lựa chọn điều trị.

Bác sĩ là người thích hợp nhất để giải đáp: sự lựa chọn điều trị nào và những thành công nào có thể đạt được. Hầu hết bệnh nhân sau điều trị họ trông như thế nào và có thay đổi hoạt động hàng ngày hay không. Bệnh nhân không cần phải hỏi và hiểu hết những thắc mắc trong một lúc, mà có thể hỏi bác sĩ những vấn đề chưa rõ và thông tin cần biết thêm.

Bệnh nhân có thể nói với bác sĩ về những thử nghiệm lâm sàng mới, những phương pháp điều trị mới.

Sự lựa chọn của bệnh nhân phụ thuộc vào một số yếu tố: tuổi, tình trạng mãn kinh, sức khỏe, kích thước, vị trí u, giai đoạn ung thư, kết quả cận lâm sàng, và kích thước của vú. Tính chất tế bào ung thư ( như có phụ thuộc nội tiết tố tăng trưởng hay không) cũng được xem xét. Quan trọng nhất là giai đoạn ung thư. Phân chia giai đoạn dựa trên kích thước u và ung thư đã di căn hay chưa.

Ung thư tái phát

Nghĩa là ung thư xuất hiện trở lại sau điều trị lần đầu. Thậm chí khi khối u ở vú đã được lấy đi hay bị phá hủy. Bệnh thỉnh thoảng tái phát do tế bào ung thư còn sót lại đâu đó trong cơ thể mà chưa bị phát hiện.

Thường tái diễn trong vòng 2 – 3 năm sau khi điều trị, nhưng ung thư vú có thể xảy ra nhiều năm sau đó.

Ung thư tái phát tại chỗ mổ gọi là tái phát tại chỗ. Nếu ung thư xuất hiện ở vùng khác gọi là ung thư di căn. Điều trị ung thư di căn có thể dùng một phương pháp hay phối hợp nhiều phương pháp.

Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm ung thư vú

Các loại ung thư khác nhau về độc tố phát triển và di căn. Một số loại ung thư có thể điều trị thuận lợi nhưng một số loại ung thư mà sự xâm lấn và ác tính cao đến nỗi y học hiện đại phải bó tay.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rõ khi phát hiện u có kích thước càng nhỏ thì cơ hội phẫu thuật chữa khỏi tốt hơn và cuộc sống kéo dài hơn. Một khối u được lấy đi sớm khi chưa di căn hạch bạch huyết và cơ quan khác thì khả năng điều trị khỏi cao hơn.

Hiện tại, chụp nhũ ảnh và khám vú là cơ bản nhất trong sàng lọc vú. Việc vô cùng quan trọng đối với phụ nữ là thực hiện khám vú và chụp nhũ ảnh định kỳ để chắc chắn rằng mình không có ung thư vú tiềm ẩn.

Những tác dụng phụ của điều trị

Thật khó khăn bảo vệ tế bào lành tránh khỏi những tác dụng có hại trong điều trị ung thư vú. Tác dụng phụ của điều trị ung thư vú phụ thuộc vào phương pháp điều trị và mức độ điều trị. Những tác dụng phụ không giống nhau giữa mỗi người và giữa những lần điều trị. Điều quan trọng trong điều trị ung thư là kiểm soát tác dụng phụ.

Phản ứng của bệnh nhân với điều trị được theo dõi chặt chẽ bằng khám lâm sàng, xét nghiệm máu, hay những kiểm tra khác. Bác sĩ, y tá giài thích tác dụng phụ và đưa ra cách giải quyết những tác dụng phụ trong và sau khi điều trị.

Phẫu thuật

Phẫu thuật gây đau và tăng cảm giác vùng mô. Bất kì phẫu thuật nào đều có nguy cơ nhiễm trùng, vết thương khó lành, chảy mau hay phản ứng với thuốc mê. Bệnh nhân gặp những triệu chứng này nên báo ngay với bác sĩ.

Cắt bỏ vú có thể gây ra sự mất cân bằng trọng lượng cơ thể đặc biệt là bệnh nhân có cặp vú to. Da vùng u được lấy đi trở nên căng ra, cảm thấy cứng cơ vai và cánh tay. Sau phẫu thuật cắt bỏ, bệnh nhân có sự yếu sức ở những cơ này, nhưng hầu hết đó là triệu chứng tạm thời. Bác sĩ, y tá, nhà vật lý trị liệu có thể giới thiệu những bài tập giúp bệnh nhân phục hồi lại sức cơ và vận động cánh tay và vai.

Bởi vì dây thần kinh có thể bị tổn thương hay bị cắt khi phẫu thuật nên người bệnh có thể cảm thấy tê liệt hay ngứa rần ở ngực, hố nách, vai và cánh tay. Những cảm giác này biến mất sau vài tuần hay vài tháng, nhưng một số người thì không mất.

Lấy đi những hạch bạch huyết dưới nách làm chậm dòng bạch huyết. Một vài bệnh nhân, dịch bạch huyết ứ đọng ở cánh tay và bàn tay gây căng phù. Cánh tay và bàn tay bệnh nhân cần được bảo vệ tránh những tổn thương do áp lực, thời gian phẫu thuật dài. Họ cần hỏi bác sĩ nên làm thế nào để chăm sóc vết thương, vết cào, vết côn trùng chích hay những tổn thương khác. Bệnh nhân nên gặp bác sĩ ngay khi có nhiễm trùng xuất hiện trên cánh tay, vai.

Xạ trị

Trong thời gian xạ trị bệnh nhân có thể cực kỳ mệt mỏi, đặc biệt là sau nhiều lần điều trị. Cảm giác này có thể còn trong những lần điều trị sau hay luôn luôn. Nghỉ ngơi là quan trọng nhưng bác sĩ khuyên bệnh nhân vận động hết sức mình. Và cũng thường thấy da bị đỏ, khô, đau, và ngứa. Có thể cảm thấy nặng nề và cứng ở vú, nhưng những dấu hiệu này sẽ biến mất. Sắp đến lúc kết thúc điều trị, da có thể trở nên chảy và rỉ mủ. Phơi bày vùng da này trong không khí sẽ mau lành. Bởi vì y phục cọ xát và gây sự kích thích trầy da, nên người bệnh thích mặc quần áo rộng rãi. Chăm sóc da rất quan trọng, việc sử dụng bất kỳ dung dịch hay kem thoa nào cần phải có ý kiến của bác sĩ. Những ảnh hưởng này tạm thời và biến mất khi ngưng điều trị nhưng có thể không mất.

Hóa trị

Tác dụng phụ tùy loại thuốc và liều. Nói chung, thuốc chống ung thư tác dụng lên tế bào phân chia nhanh như tế bào máu. Khi tế bào máu bị ảnh hưởng, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng, bị bầm, dễ chảy máu, cảm giác yếu khác thường và mệt mỏi. Tóc và tế bào lót đường tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng: rụng tóc, chán ăn, buồn nôn, ói, tiêu chảy, hay loét miệng và môi. Những tác dụng phụ này có thể hạn chế được nhờ những thuốc mới. Những triệu chứng này dần dần mất đi, tóc mọc lại nhưng có thể thay đổi màu và cấu tạo.

Vài loại thuốc ảnh hưởng buồng trứng. Nếu bị suy buồng trứng, bệnh nhân có triệu chứng mãn kinh như cơn nóng bừng và khô âm đạo. Rối loạn kinh nguyệt hay tắt kinh và không thể mang thai. Những tác dụng phụ khác ít xảy ra như loạn nhịp tim, ung thư thứ phát như ung thư máu.

Bệnh nhân còn kinh thì vẫn có thể mang thai trong khi điều trị. Bởi vì những ảnh hưởng của hóa trị lên bào thai chưa được biết, bệnh nhân nên tham vấn với bác sĩ vấn đề ngừa thai trước khi điều trị. Sau khi điều trị, khả năng sinh sản hồi phục nhưng bệnh nhân >35 tuổi có khả năng vô sinh.

Nội tiết tố

Tác dụng phụ tùy thuộc vào loại nội tiết tố dùng điều trị hay cách điều trị. Tamoxifen là nội tiết tố thường sử dụng nhất, nó ức chết tế bào ung thư sử dụng estrogen nhưng không làm ngưng sản xuất estrogen. Tamoxifen có thể gây nóng bừng, thay đổi hay ngứa âm đạo, buồn nôn và rối loạn kinh nguyệt. Bệnh nhân còn kinh và có chu kỳ kinh nguyệt không đều thì dễ dàng mang thai khi sử dụng tamoxifen. Nên hỏi bác sĩ về việc ngừa thai.

Tác dụng lo âu hiếm gặp. Nó có thể gây tắc mạch, đặc biệt ở chân và phổi, và một số ít làm tăng nguy cơ nhồi máu.Tamoxifen có thể gây ung thư nội mạc tử cung. Bất kì xuất huyết âm đạo bât thường nên gặp bác sĩ ngay. Bác sĩ có thể khám vùng chậu, sinh thiết nội mạc tử cung và những xét nghiệm khác.

Phụ nữ trẻ đã cắt buồng trứng để phòng ngừa ung thư sẽ làm giảm estrogen. Mãn kinh sẽ xảy ra ngay sau đó, triệu chứng đột ngột và trầm trọng hơn mãn kinh tự nhiên.

Liệu pháp sinh học

Tác dụng phụ khác nhau tùy vào loại chất được sử dụng và khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Nổi mẩn và sưng ở chỗ tiêm vào là tác dụng phụ thường gặp. Cảm giác giống cúm có thể xảy ra.

Herceptin có thể gây những tác dụng phụ trên và những tác dụng phụ khác. Nhưng thường giảm sau lần điều trị đầu. Thông thường, có thể tổn thương tim dẫn tới suy tim. Nó cũng có thể ảnh hưởng phổi, gây vấn đề hô hấp cần can thiệp ngay. Vì vậy, cần khám tim và phổi trước khi điều trị cũng như theo dõi sát.

Chăm sóc như thế nào?

Khám theo dõi đều đặn là quan trọng sau khi điều trị ung thư vú. Bao gồm: khám vú, ngực, cổ, dưới nách, chụp nhũ ảnh. Nếu bệnh nhân có tạo hình, dùng kĩ thuật chụp nhũ ảnh đặc biệt, đôi lúc bác sĩ có thể cần làm thêm phương tiện hình ảnh hay những xét nghiệm khác.

Bệnh nhân đã bị ung thư một bên vú nên báo với bác sĩ ngay những thay đổi ở vùng đã điều trị hay bên vú còn lại. Bởi vì họ có nguy cơ cao bị ung thư vú bên kia, chụp nhũ ảnh là phần theo dõi quan trọng.

Bệnh nhân bị ung thư vú nên nói với bác sĩ những vấn đề về sức khỏe như đau, chán ăn hay sụt cân, thay đổi chu kì kinh nguyệt, chảy máu âm đạo bất thường, hay nhìn có đom đóm, đau đầu, choáng váng, khó thở, ho hay đau họng, đau lưng, bất thường về tiêu hóa. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu ung thư tái phát, nhưng có thể là do vấn đề khác. Quan trọng khi người bệnh chia sẻ những điều đó với bác sĩ.

Nâng đỡ bệnh nhân ung thư vú

Chẩn đoán ung thư vú làm thay đổi cuộc sống bệnh nhân và người thân họ. Những thay đổi này khó kiểm soát. Bệnh nhân, gia đình và bạn bè có những cảm xúc và lo âu khác nhau. Cần có những thông tin và dịch vụ nâng đỡ giúp họ đương đầu những vấn đề này dễ dàng hơn.

Người mang căn bệnh ung thư có thể lo lắng về chăm sóc gia đình, duy trì công việc, và tiếp tục những hoạt động hằng ngày. Bận tâm về những xét nghiệm, điều trị, nhập viện, viện phí. Bác sĩ, y tá, và nhân viên y tế có thể trả lời câu hỏi về điều trị, việc làm, hay vấn đề khác. Gặp gỡ những nhà hoạt động xã hội, giúp khuyên nhủ họ qua đó người bệnh có thể bày tỏ tâm tư của mình. Họ cũng có thể giới thiệu những nơi trợ giúp về phục hồi chức năng, nâng đỡ tinh thần, tài chính, phương tiện vận chuyển, hay chăm sóc tại nhà.

Bạn bè và gia đình phải biết nâng đỡ ủng hộ tinh thần bệnh nhân. Các bệnh nhân ung thư vú thường tập hợp thành 1 nhóm, họ chia sẻ những vấn đề phải đối mặt với bệnh và hiệu quả của điều trị. Tuy nhiên, phải nhớ rằng không ai giống ai. Cách áp dụng điều trị cho bệnh nhân này thì đúng nhứng không đúng cho bệnh nhân khác, ngay cả khi họ có cùng loại ung thư vú. Ý tưởng tốt là thảo luận những lời khuyên của bác sĩ, gia đình, bạn bè.

Nhiều tổ chức thành lập chương trình đặc biệt cho bệnh nhân ung thư vú. Huấn luyện những người tình nguyện mà chính họ cũng mắc bệnh ung thư vú, những người này có nhiệm vụ thăm viếng bệnh nhân, cung cấp thông tin, chia sẻ những lo lắng trước và sau khi điều trị. Họ thường chia sẻ kinh nghiệm về điều trị ung thư vú, phục hồi chức năng, tạo hình vú.

Thỉnh thoảng, phụ nữ bị ung thư vú hay lo âu về những thay đổi cơ thể sẽ ảnh hưởng không chỉ hình dáng bên ngoài mà còn người khác sẽ nghĩ về họ như thế nào. Họ quan tâm việc điều trị ung thư vú sẽ ảnh hưởng đến sự thay đổi về giới tính. Nhiều cặp gia đình nhận thấy rằng khi nói về những vấn đề này sẽ giúp họ tìm những cách để diễn đạt tình cảm của họ trong và sau khi điều trị.

Làm gì để hiểu rõ hơn và phòng ngừa ung thư vú?

Bác sĩ hiếm khi giải thích tại sao người phụ nữ này bị bệnh còn người khác thì không. Tuy nhiên, điều rõ ràng là ung thư vú không phải do đụng chạm, chấn thương. Và bệnh này càng không phải là bệnh truyền nhiễm, không một ai có thể lây ung thư vú từ người khác.

Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú. Ví dụ, họ đang tìm kiếm xem nguy cơ ung thư vú có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố môi trường hay không. Hơn nữa, những nhà khoa học không có đủ thông tin để biết rằng có bao nhiêu yếu tố trong môi trường làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Một vài đặc điểm về lối sống phụ nữ làm gia tăng nguy cơ ung thư vú. Ví dụ những nghiên cứu gần đây cho thấy vận động thường xuyên có thể giảm nguy cơ ở những phụ nữ trẻ. Cũng thế, vài bằng chứng cho thấy liên quan giữa chế độ ăn và ung thư vú. Những nghiên cứu hiện nay đang tìm cách phòng ngừa ung thư vú bằng những thay đổi trong chế độ ăn hoặc bổ sung vào chế độ ăn. Tuy nhiên, thực sự người ta không biết thay đổi chế độ ăn như thế nào sẽ phòng ngừa được ung thư vú.

Chế độ ăn nào giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ.

Có những phương pháp có thể giảm nguy cơ bị ung thư vú:

Chế độ ăn giàu rau và trái cây.

Chế độ ăn ít mỡ và thịt không bị cháy.

Dùng những chất chống oxy hóa một cách hợp lý như vitamin E & C.

Giảm cân, vận động thường xuyên.

Không hút thuốc lá.

Những bằng chứng mà những phương pháp trên làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú là dựa vào những dữ kiện về dịch tễ học. Bằng chứng về dịch tễ bắt nguồn từ việc so sánh hai nhóm nghiên cứu lớn có những đặc điểm tương tự nhau mà khác nhau về chế độ ăn và sự vận động. Những bằng chứng đó chỉ mang tính chất đề nghị không phải là kết luận. Khi xác định những dữ kiện khoa học không đầy đủ bác sĩ phải cân nhắc những nguy cơ của ung thư vú và những lợi điểm của chế độ ăn kiêng. Xem xét lợi và nguy cơ trong thời gian dài đặc biệt quan trọng khuyên nhủ những người trẻ phòng ngừa bệnh.

Giữa vận động và ung thư vú có liên quan?

Có những dữ kiện về dịch tễ cho thấy người vận động nhiều có xuất độ bị ung thư vú ít hơn người không vận động. Lí do của lợi ích không được biết rõ. Những người mập có nồng độ estrogen trong máu cao hơn người bình thường, làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu sẩy thai và sinh non có làm tăng nguy cơ ung thư vú hay không. Vì thế, nhiều nghiên cứu có kết luận trái ngược nhau và câu hỏi này vẫn chưa giải đáp được.

Nghiên cứu dẫn đến việc xác định sự thay đổi (sự chuyển đoạn) ở vài loại gen làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Người có tiền sử gia đình nhiều người bị ung thư vú có thể lựa chọn xét nghiệm máu để thấy rằng họ có sự thay đổi ở gen BRCA 1 hay BRCA 2.

Phụ nữ nào có liên quan nguy cơ ung thư vú di truyền thì nên báo cho bác sĩ biết. Bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân gặp gỡ nhà chuyên môn về di truyền học. Bác sĩ tư vấn về di truyền có thể giúp bệnh nhân quết định xem xét nghiệm nào là phù hợp với họ. Cũng vì vậy, trước và sau khi làm xét nghiệm bác sĩ tư vấn giúp bệnh nhân hiểu và giải quyết những kết quả xét nghiệm có thể xảy ra. Nhà tham vấn có thể giúp những vấn đề về việc làm hay sức khỏe, cuộc sống và bảo hiểm tàn tật. Dịch vụ thông tin về ung thư có thể cung cấp thêm những dữ liệu về xét nghiệm di truyền.

Các nhà khoa học đang tìm kiếm loại thuốc mới có thể phòng ngừa ung thư phát triển. Trong một nghiên cứu rộng, thuốc tamoxifen giảm số mới mắc ung thư vú ở những người tăng nguy cơ bệnh. Hiện nay, các bác sĩ đang so sánh một loại thuốc khác gọi là raloxifen với tamoxifen. Nghiên cứu này goi là STAR.

Tóm lược ung thư vú

Ung thư vú là bệnh thường gặp sau ung thư cổ tử cung.

Nguyên nhân gây ung thư vú chưa được biết đầy đủ mặc dù một số yếu tố nguy cơ đã được xác định.

Ung thư vú được chẩn đoán bằng tự khám vú hay bác sĩ khám, chụp nhũ ảnh, siêu âm vú, và sinh thiết.

Có nhiều loại ung thư vú và chúng khác nhau ở khả năng di căn đếm cơ quan khác trong cơ thể.

Điều trị ung thư vú tùy vào loại và vị trí của ung thư cũng như tuổi tác và sức khỏe của bệnh nhân.

Phụ nữ từ 35 – 40 tuổi nên có nhũ ảnh thường qui. Từ 40 – 50 tuổi chụp nhũ ảnh nên thực hiện cách năm. Sau 50 tuổi nên làm nhũ đồ mỗi năm.

Táo đỏ có thể chống ung thư vú

Một số loại rau quả vỏ đỏ (như táo, ớt) tập trung nhiều kaempferol và quercetin - 2 chất có khả năng khống chế sự tạo thành mạch máu nuôi khối u. Các nhà khoa học Singapore đang tìm cách kết hợp những chất này với một số thuốc chống ung thư nhằm làm giảm tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc.

Giáo sư Huynh The Hung và cộng sự thuộc Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore đã tiến hành dùng thử nghiệm kaempferol, quercetin và một số chất có nguồn gốc thực vật (phytochemical) trên những con chuột bị ung thư vú và tuyến tiền liệt. Kết quả cho thấy, các chất trên đã làm giảm tốc độ phát triển của khối u tới 75% và khiến nó teo dần. Trong khi đó, những con chuột ung thư không được tiếp xúc với những chất này đã chết sau vài tháng.

Theo giáo sư Huynh, kaempferol và quercetin có thể giúp khống chế các protein của khối u tạo mạch máu, nhờ đó cản trở sự phát triển của những tế bào bệnh. Hiện nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 2 chất này có trong nho, ớt, táo đỏ và rượu vang.

Nghiên cứu trên sẽ được đăng trên tạp chí quốc tế Cellular Physiology vào tháng tới.

Sống lành mạnh giúp trì hoãn thời điểm mắc ung thư vú.

Ở những người dễ bị ung thư vú do mang gene đột biến, việc tăng cường vận động cơ thể và kiểm soát tốt cân nặng lúc trẻ có thể làm cho bệnh đến muộn hơn. Đây là phát hiện mới nhất của Hiệp hội nghiên cứu Ung thư vú New York, Mỹ.

Trưởng nhóm nghiên cứu Mary – Claire cho biết, những phụ nữ mang một trong hai gene BRCA1 hoặc BRCA2 đột biến có 80% nguy cơ phát triển ung thư vú. Những biến đổi của 2 gene này làm suy giảm khả năng tự sửa chữa tế bào của cơ thể. Ngoài ra, họ có thể bị căn bệnh ung thư buồng trứng đe dọa.

Tuy nhiên, giáo sư Kinh nhấn mạnh: “Việc tăng cường luyện tập cơ thể và kiểm soát cân nặng hợp lý trong thời kỳ thanh thiếu niên có thể trì hoãn được thời điểm khởi phát bệnh”.

Bà cùng cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu được xem là quy mô nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực ung thư vú – tìm hiểu cấu trúc gene của hơn 2.000 phụ nữ đến từ những gia đình có ít nhất 1 người mắc bệnh.

Kết quả cho thấy, những người chăm chỉ vận động cơ thể khi còn trẻ thường mắc bệnh muộn hơn người không tập luyện. Và những người không bị béo phì, giữ cân nặng phù hợp với giai đoạn tuổi này cũng nhận được kết quả tương tự.

Ngoài ra, nhóm chuyên gia còn nhận thấy, những người mang gene đột biến và sinh trước năm 1940 có 24% nguy cơ phát triển bệnh ở tuổi 50. Trong khi nguy cơ ở nhóm mang gene tương tự nhưng sinh sau năm 1940 cao hơn nhiều, tới 67%.

Điều này chứng tỏ yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thời điểm mắc bệnh. Nghiên cứu cũng phủ nhận luận điểm trước đây, rằng phụ nữ chỉ “ thừa hưởng” nguy cơ từ mẹ. “ Điều này là hoàn toàn sai lầm vì nó còn liên quan đến bệnh sử của người cha và gia đình họ nội”. King nói.

Kiểm tra nhanh ung thư vú.

Nhóm nghiên cứu ở ĐH Minnesota, Mỹ vừa phát hiện một phương pháp kiểm tra nhanh ung thư vú. Phương pháp này chỉ tốn vài phút với sự hỗ trợ của máy chụp cắt lớp, và đặc biệt là không gây ra một sự khó chịu nào cho bệnh nhân.

Từ trước đến nay, những người nghi ngờ bị ung thư vú phải tiến hành làm sinh thiết, tức lấy các mẫu thử khác biệt ở các mô ngực để xác định xem chúng có bị ung thư hay không. Phương pháp này thường gây ra sự khó chịu.

Mới đây, các chuyên gia ở ĐH Minnesota, Mỹ sử dụng phương pháp chụp cảm ứng từ (MRS) để nhận dạng ung thư vú. Công việc này gần giống như phương pháp chụp cắt lớp MRI (sử dụng sóng radio để ghi lại những hình ảnh bên trong cơ thể, giúp phân biệt mô khỏe và mô bệnh), không phải xâm nhập vào bên trong cơ thể mà lại cho kết quả chẩn đoán khá chính xác bệnh ung thư vú.

Trong trường hợp này, phương pháp MRS dùng kiểm tra lượng choline (tCho – một hóa chất có mặt trong các tế bào ung thư ) trong các mô ngực. Các mô, khối u ác tính có lượng Cho cao hơn những mô, khối u lành tính.

Với phương pháp này, chỉ sau vài phút sẽ có kết quả kiểm tra, rất chính xác và không gây bất kỳ sự khó chịu nào. Và không cần tiến hành làm sinh thiết. “Sử dụng các đặc tính từ trường và phương pháp kỹ thuật quang phổ này có thể cung cấp mọt phương pháp tiến bộ để chẩn đoán ung thư vú để từ đó có phương pháp điều trị sớm hơn”, giáo sư Michael Garwood cho biết.

Biếng ăn có thể ngừa… ung thư vú

Phụ nữ trẻ mắc chứng biếng ăn có nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú thấp hơn người bình thường 50%, các nhà khoa học Mỹ và Thụy Điển tuyên bố. Điều này chứng tỏ lượng caloric hấp thu vào những giai đoạn phát triển quan trọng có ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triền bệnh.

Người ta từng khuyến cáo phụ nữ và những cô gái trẻ không nên tự bỏ đói bản thân, vì chán ăn là một rối loạn thần kinh nghiêm trọng, có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đến từ Đại học Harvard (Mỹ) và Viện Karolinska (Thụy Điển) cho rằng, biếng ăn có thể không thực sự gây hại cho phụ nữ. Họ đã tiến hành theo dõi trên 7.000 phụ nữ Thụy Điển dưới 40 tuổi, từng nhập viện vì chứng biếng ăn trước tuổi 20 từ năm 1965 đến 1998.

Vào cuối giai đoạn nghiên cứu, nhóm chỉ phát hiện ra 7 người phát triển ung thư vú, trong khi có tới 15 trường hợp mắc bệnh ở nhóm phụ nữ bình thường cùng số lượng. Mức độ chênh lệch tương đương 53%. Điều này chứng tỏ trong 1.000 phụ nữ biếng ăn sẽ có 1 người phát triển bệnh ung thư vú, so với 2 người trong nhóm bình thường.

Theo tiến sĩ Karin Michels, trưởng nhóm nghiên cứu, chính sự hạn chế hấp thu calorie vào những giai đoạn phát triển quan trọng đã làm giảm lượng oestrogen và những một số hooc môn khác kích thích sự phát triển của khối ung thư. Đặc biệt, những cô gái lười ăn thường tắt kinh rất sớm, làm giảm đang để lượng oestrogen. Ngoài ra, sự hạn chế calorie vào giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành còn khống chế quá trình phân bào của các tế bào vú, giảm nguy cơ đột biến gây ung thư.

Phát hiện trên đã nhận được sự ủng hộ của một số nghiên cứu trên động vật trước đó, cho thấy sự hạn chế hấp thu calorie có thể chống lão hóa, giảm nguy cơ mắc ung thư và kéo dài tuổi thọ.

Chứng biếng ăn giúp tránh ung thư vú

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Karolinska (Thụy Điển) công bố ngày 11/3 cho thấy, những phụ nữ thời trẻ mắc chứng biếng ăn sẽ tránh được nguy cơ bị ung thư vú.

Nghiên cứu trên 7.300 phụ nữ ở độ tuổi 40 trong vòng 3 thập niên, những người từng có tiền sử biếng ăn ở giai đoạn dậy thì, độ tuổi trưởng thành đã giảm được 53% nguy cơ bị ung thư vú.

Chứng biếng ăn làm giảm lượng estrogen – loại hormon gây ung thư, khống chế quá trình phân bào đồng thời làm tăng một số loại hormon có tác dụng ức chế khối u phát triển. Riêng những ai đã từng sinh nở thì khả năng giảm bệnh lên tới 76%.

Tắm nắng có thể tránh được ung thư vú

“Lượng vitamin D có thể giúp tránh được bệnh ung thư vú. Tắm nắng rất có hiệu quả trong việc sản sinh ra vitamin D cho cơ thể”, các chuyên gia ĐH Birmingham và bệnh viện Thánh George, London cho biết.

Vitamin D thiếu là do chế độ ăn uống kém hay do thiếu ánh sáng mặt trời. Vitamin D được sản sinh ra hằng ngày do tắm nắng. Nó cũng được sản sinh hằng ngày, gan, dầu cá và ngũ cốc là những nguồn giàu vitamin. Tuy nhiên, vitamin D cũng có nhiều độc tính cho nên quá nhiều vitamin D có thể sẽ phá vỡ lượng phosphate và canxi trong cơ thể.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy lượng enzyme khá cao trong các mô ngực hỗ trợ vitamin rất nhiều trong cuộc chiến giúp cơ thể chống lại sự lan rộng của ung thư vú. Những nghiên cứu trước đây cũng cho thấy lượng vitamin D cao có thể góp phần làm giảm ảnh hưởng của ung thư vú.

Phơi nắng là nguồn cung cấp vitamin D nhiều nhất. Điều này bổ sung cho những nghiên cứu trước đây khi cho rằng vitamin D chủ yếu được tạo ra ở gan. “Tắm nắng rất có hiệu quả trong việc sản sinh vitamin D cho cơ thể”, các chuyên gia cho biết.

“Nhưng hầu hết ai trong chúng ta cũng biết những nguy hiểm của việc tắm nắng, chính vì thế không nên lạm dụng chúng. Và có lẽ đây là lúc mà chúng ta cần quan tâm đến việc cải thiện chế độ ăn uống, dành nhiều ưu tiên hơn cho vitamin D”, các chuyên gia khuyên.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc gia tăng tỷ lệ ung thư ở Anh có thể có liên quan đến thực tế bởi vì cơ thể họ có rất ít vitamin D. Một điều rất không may là những phụ nữ sống trong vùng khí hậu nhiều mây mù như ở Anh sẽ không có đủ “nguyên liệu” để sản sinh ra vitamin D.

Kỹ thuật gene có thể ngăn ngừa ung thư vú

Những tiến bộ trong sinh học phân tử có thể sớm loại bỏ phẫu thuật như là một liệu pháp chữa ung thư vú và cuối cùng có thể ngăn ngừa chứng bệnh tai ác này, theo một hội nghị qui mô về sức khỏe diễn ra tại Melbourne ngày 3 – 5.

Nhà nghiên cứu bệnh học và kỹ thuật gene Deon Ventex báo cáo tại hội nghị rằng nhờ kỹ thuật mới, các bác sĩ phân tử đã có thể xác định ít nhất ba đường dẫn di truyền khác nhau là nguyên nhân gây ra ung thư.

Mỗi loại ung thư di truyền khác nhau phản ứng lại các loại thuốc chữa ung thư khác nhau, do đó việc xác định gene gây ra ung thư có nghĩa là liệu pháp có thể nhắm đến loại ung thư đó một cách chính xác.

Venter nói: “ Kỹ thuật này sẽ không chỉ dẫn đến những chẩn đoán mới và những loại thuốc để chữa ung thư mà còn đưa đến việc phòng ngừa nữa. Ông nói rằng các phụ nữ trong gia tộc có người bị ung thư vú có thể đánh giá mình có nguy cơ đó hay không và điều chỉnh cách sống hoặc uống thuốc ngừa chứng bệnh này.

Aspirin có thể giảm nguy cơ ung thư vú

Những người phụ nữ sử dụng aspirin hoặc những loại thuốc không thuộc các thuốc chống viêm steroid ít nhất một lần trong tuần, trong sáu tháng hoặc lâu hơn thì giảm được 20% nguy cơ bị ung thư.

Những người uống 7 viên một tuần hoặc nhiều hơn thì có thể giảm đến 28% nguy cơ bị ung thư. Kết quả nghiên cứu từ 2.884 phụ nữ thường sử dụng aspirin cho biết.

“Những kết quả nghiên cứu của chúng tôi ủng hộ bởi các bằng chứng về dịch tễ học trong phòng thí nghiệm, ủng hộ ý kiến cho rằng sử dụng aspirin và những thuốc loại thuốc tương tự, những loại thuốc không thuộc thuốc chống viêm, có thể ngăn ngừa ung thư vú, đặc biệt là ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh”, các nhà nghiên cứu ở ĐH Columbus, New York cho biết.

Một nghiên cứu khác với Ibuprofen, một loại thuốc giảm đau cũng làm giảm viêm, dùng điều trị các tình trạng viêm khớp cho ra kết quả không chắc chắn và những trường hợp sử dụng acetaminophen không làm giảm nguy cơ bị ung thư vú.

Chất xơ ngăn ngừa ung thư vú

Một trong những nguyên nhân gây ung thư vú có liên quan đến hooc môn oestrogen. Để kiểm soát nội tiết tố này, phụ nữ cần kiên trì theo đuổi một chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ và ít béo, các nhà khoa học Mỹ khuyến cáo.

Mức tiêu thụ chất xơ có thể làm giảm lượng oestrogen ở những bệnh nhân ung thư vú, tiến sĩ Cheryl L. Rock, Đại học California, cho biết.

Rock và cộng sự đã kiểm chứng luận điểm trên với khoảng 300 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú ít nhất 2 năm. Họ được chia thành 2 nhóm, trong đó một nhóm được khuyên ăn nhiều rau quả, ít chất béo và tham gia 12 buổi học nấu ăn với sự tư vấn qua điện thoại.

Nhóm đối chứng chỉ được khuyên chung chung, không nhắm vào loại ung thư cụ thể nào. Định lượng cho thấy, những người có chế độ dinh dưỡng đặc biệt tiêu thụ chất xơ nhiều hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (khoảng 29g/ ngày), và mức hấp thụ năng lượng từ chất béo giảm mạnh.

Sau một năm, hàm lượng estrogen ở nhóm đặc biệt đã tiêu hao đáng kể, trong khi nhóm đối chứng lại có chiều hướng gia tăng. Sự chênh lệch này là do mức tiêu thụ chất xơ mang lại, Rock nhận định, song cơ chế của nó vẫn còn là ẩn số. Nếu mọi việc được sáng tỏ, phát hiện trên có thể sẽ rất hữu ích cho những phụ nữ mắc các bệnh liên quan đến hooc môn steroid sinh sản như ung thư buồng trứng hoặc vô sinh.

(St)

Tôi thỉnh thoảng bị ngứa một bên vú. Tôi nghe nói tia X làm tăng nguy cơ bị unh thư vú. Tôi hay bị ốm và cũng đã từng phải chụp X ray nhiều lần, đặc biệt vùng cổ, mặt. Nhiều lần chụp Xray tôi quên kg tháo các đò kinh loại trên người. Vậy tôi muốn hỏi tôi có bị bệnh ung thư vú không. Trân trọng cám ơn
hơn 1 tháng trước - Thích (16)
Những điều trên chưa đủ để khẳng định bạn bị ung thư vú. Bạn nên đi kiểm tra sớm vì dù thế nào việc khám vú định kì cũng là việc cần thiết với mọi người phụ nữ. Bạn không nên quá lo lắng nhé
hơn 1 tháng trước - Thích (17)
Gửi hỏi đáp - bình luận