Vấn đề sức khỏe trong mùa nóng

Hàng năm vào mùa nóng trời thường nắng gắt, do đó khi đi ngoài đường lâu da ta dễ bị khô, sậm đen và đổ mồ hôi nhiều do đó cơ thể dễ bị mất nước và hay bị khát, bị thiếu nước nên vấn đề sức khỏe đáng quan tâm nhất trong mùa nóng là phải chú ý ăn uống sao cho khỏi bị “ngộ độc thức ăn”, để bảo vệ làn da và đề phòng các chấn thương…ngoài ý muốn.

Nhu cầu về nước -ưu tiên số 1:

Cơ thể con người cần tới nước là để:

  1. Đổi mới các tế bào và các dịch lỏng như máu, các dịch tiêu hóa, chất nhớt (mucus), nước mắt…
  2. Giúp các cơ quan và bộ phận hoạt động được nhất là ống tiêu hóa. Vì tiêu hóa là thủy phân = kết hợp với nước để phân tích thành những chất đơn giản, dễ hòa tan trong nước, dễ hấp thụ vào máu
  3. Gìn giữ cho lớp niêm mạc bên trong hệ tiêu hóa (miệng, thực quản…), hệ hô hấp (họng, hầu phế quản), hệ đường tiểu… được lành mạnh, trơn tru, ẩm ướt.
  4. Để thận sản xuất ra nước tiểu, bài tiết các chất thải hòa tan trong nước.
  5. Da tiết ra mồ hôi, điều hòa thân nhiệt. Trẻ con sau một buổi hay một đêm nằm dưới quạt hay cả ngày trong phòng có máy lạnh đôi khi lên cơn sốt vì bị mất nước theo hơi nước bốc từ da và không khí thở ra được thay đổi liên tục. Vì thế không nên để trẻ nhỏ ngủ trong phòng có máy lạnh hay để quạt hướng thẳng vào mặt bé (nếu trời nóng có thể để quạt quay ra hướng khác cho có hơi gió mát).

Về ăn uống:

Mùa này do thời tiết nắng nóng nên thức ăn dễ bị ôi, thiu, khó bảo quản… vì thế vấn đề cốt yếu là cần tránh sao cho không bị ngộ độc do ăn phải thức ăn không còn hợp vệ sinh, bị thiu thối hoặc các loại rau còn dính thuốc trừ sâu… dẫn đến nôn, ói, tiêu chảy… Cơ thể bạn vốn đang cần nước, sẽ lại bị mất nước thêm là điều không nên.

Viêm bao tử - viêm ruột do ngộ độc thức ăn là một tình trạng nhiễm trùng bao tử và ruột do thức ăn bị nhiễm trùng (hay độc chất như thuốc trừ sâu) gây nên. Đôi khi những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày cũng là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc như: rửa chén bát không kỹ, không hợp vệ sinh, uống nước đá làm bằng nước chưa tiệt trùng - điều kiện nay còn khá phổ biến – hay mua rau còn dính thuốc trừ sâu… là có thể làm cho nôn, ói, tiêu chảy, khiến cơ thể mất nước rất nhanh.

Khi bị ngộ độc thức ăn (kể cả trường hợp nhẹ) – cũng may phần nhiều các trường hợp là ngộ độc nhẹ, không nghiêm trọng nhưng đôi khi vẫn phải nhập viện – thì ở người lớn cũng như trẻ em đều có những triệu chứng sau:

  • Nôn mửa và buồn ói
  • Tiêu chảy
  • Đay thắt bụng
  • Biếng ăn
  • Sốt

Khi gặp trường hợp như vậy, điều cần làm ngay là:

  1. Cẩn thận uống (hay cho uống) khoảng 1 lít đến một lít rưỡi nước mỗi ngày. Cho uống dung dịch muối + đường pha theo tỷ lệ: 1 muỗng cà phê muối (5g) với 8 muỗng cà phê đường (4g) hòa với một lít nước chín là tốt nhất.
  2. Không nên ăn bất cứ thứ gì cho đến khi nôn ói, sau đó bắt đầu ăn nhẹ (cháo, xúp)
  3. Đo nhiệt độ, nếu còn sốt thì hãy uống một liều paracetamol để làm hạ nhiệt.
  4. Cẩn thận rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Nếu bạn có con nhỏ cũng cần rửa tay sau khi thay tã cho con và trước khi sửa soạn thức ăn cho bé. Trụng nước sôi tiệt trùng tất cả những dụng cụ dùng để pha sửa cho bé bú.

Vậy khi chế biến và bảo quản thức ăn bạn cần phải chú ý tới vấn đề vệ sinh - nhất là ở những khu vực thường bị cúp điện. Khi ăn rau sống bạn nên cẩn thận rửa kỹ từng lá và ngậm ít phút trong nước với một ít muối hoặc thuốc tím để sát trùng.

Phòng ngừa bao giờ cũng tốt hơn:

Hãy cẩn thận chú ý tới vấn đề vệ sinh khi chế biến thức ăn. Nếu bạn để dành bất cứ thức ăn nấu chín nào, bạn hãy giữ trong tủ lạnh nhưng đừng để quá hai ngày và khi hãm phải để thức ăn sôi lại vì nhiệt độ cao sẽ diệt được các vi khuẩn có khả năng gây viêm bao tử, viêm ruột. Bạn hãy rửa rau cho kỹ, rửa chén bát với nước thật nóng hay có bỏ thuốc sát trùng. Bạn hãy úp cho ráo nước ở nơi khô ráo, che đậy (để bảo vệ chuột, bọ, côn trùng…) nhưng thông thoáng.

Trong mùa này nước chiếm một vị trí quan trọng trong chế độ ăn. Người lớn cần tới khoảng 2 lít nước mỗi ngày (= khoảng 4% cân nặng của một người 50kg). Nếu nhà bạn có trẻ nhỏ thì luôn luôn nên chuẩn bị sẵn nước chín vì trẻ con thường cần đến nước nhiều hơn người lớn tới 15% thể trọng: một em bé 7kg cần khoảng 1 lít nước/ngày.

Ngoài nước uống, ta nên quan tâm đến lượng nước có sẵn trong các thức ăn. Mùa đông ai cũng ưa (ăn nhẹ) – thích rau, trái cây tươi, bữa ăn nào cũng cần có canh và đặc biệt là canh chua rất được ưa chuộng vì đặc tính “thanh nhiệt, giải khát” của nó. Theo Tây y, canh chua có tính “bù nước” do mang lại một dung dịch muối + đường, có tác dụng như Oresol nếu có được lá vang thì càng tốt vì lá này có vị hơi chát đi kèm với vị chua có tác dụng “thu liềm, cầm mồ hôi” thực sự có tác dụng giải khát. Muốn có ngay một tô cánh chua “dã chiến” bất cứ ai cũng nấu được, các bạn có thể dùng một trong những trái sau đây: sấu, thanh trà, cà chua, xoài non. Đun nước sôi, cho vào luộc cùng với rau (rau muống chẳng hạn) khi rau chín thì vớt ra, một phần dầm trong nước luộc làm canh, một phần vớt ra, một phần vớt ra thêm nước mắm + chút đường là có ngay một thứ “xốt” chua ngột để chấm rau nữa!

Trong mùa đông mọi người cũng thường dùng ít dầu mỡ, đường, bánh mì bị xem như “nóng” và thích ăn những thức ăn “mát” như bún, phở - không phormone – và chuộng các loại trái cây mong nước có nhiều vào mùa này như: bưởi, dưa hấu, thanh long…

Bạn có thể lợi dụng mùa nóng để áp dụng chế độ ăn nhẹ calo và tăng thêm hoạt động để trút bớt số kilô dư thừa, lỡ tích vào dịp tết do ăn nhiều bánh chưng, bánh tét.

Ở nơi làm việc:

Thường các cơ quan, văn phòng làm việc hiện nay đều có trang bị máy điều hoà không khí để giúp cho mọi người lao động có năng suất hơn vì đỡ đổ mồ hôi. Song điều cần lưu ý là quạt cũng như máy lạnh trong quá trình điều hòa này thường có tác dụng làm cho không khí trở nên khô: Không khí ở bên ngoài có “độ ẩm” cao được thay thế bằng một bầu không khí khô ráo hơn – và làm cho những người ở trong căn phòng… cũng “bốc hơi” theo. Mát thì có mát (có người còn cảm thấy “lạnh” phải khoác thêm áo ấm!) nhưng thỉnh thoảng vẫn phải cần uống nước - để bù “hơi nước” mất đi theo hơi thở và từ làn da. Như vậy ngồi trong phòng máy lạnh cũng có mặt hay vì nó tránh cho cơ thể bạn bị “khô” đi quá - tựa như bó hoa đặt dưới quạt trần - người ta thường khuyên đừng nên ở trong phòng máy lạnh quá 2 giờ mà nên “đi ra đi vào” để được hít không khíc có độ ẩm cao bên ngoài!

Chấn thương ngoài ý muốn:

Những người làm việc văn phòng – hay làm việc trí óc – khi được nghỉ cuối tuần thường có khuynh hường hay dùng hoạt động thể thao để “bù trừ” nên dễ bị những chấn thương ngoài ý muốn do… “lực bất tòng tâm”!Từ chạy bộ, đánh cầu lông hay quần vợt, thể dục nhịp điệu hay lắc vòng, môn nào cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến các khớp xương đầu gối, cột sống, khuỷu tay… do đó chúng ta cần biết nguyên lý để đề phòng.

Chẳng hạn trong khi chạy bộ bạn sẽ phải chịu tác động của những lực lớn là các xương và các khớp xương ở chân, hông, xương chậu và cột sống, do đó điều quan trọng nhất là bạn cần phải có loại giày đặc biệt để mang khi chạy bộ. Bạn không nên vội vàng bắt đầu một chương trình luyện tập để làm cho cơ thể khỏe hơn và tăng cường sức mạnh của đôi chân và cột sống bằng cách đi bách bộ và bằng những bài tập chạy đơn giản khi chưa chuẩn bị trước các dụng cụ cần thiết vì bạn sẽ có nguy cơ chuốc phải nhiều điều rầy rà. Các chấn thương thường hay gặp nhất là ở các phụ nữ chạy bộ là bị bong gân và dây chằng cổ chân, đầu gối và hông. Những triệu chứng này là do đi giày không vừa hoặc quá mòn, chạy trên mặt bằng gồ ghề hoặc bởi tư thế bàn chân bất bình thường (khiến cho bạn chân nghiêng đi khi đạp xuống mặt đất).

Sự va chạm thường xuyên có thể làm cho bạn bị đau lưng hay đau đầu gối - điều này có thể được cải thiệt bằng cách chạy trên nhưng mặt bằng trơn tru hơn hay bằng một tấm đệm gót gắn bên trong đôi giày. Va chạm đôi khi có thể làm bạn gẫy một cái xương bàn chân hay xương cẳng chân do bị ấn mạnh (quá). Điều này biểu hiện bằng một vết nứt phải chạy bộ nhiều tuần lễ cho đủ thời gian xương lành lại. Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên bỏ luôn môn chạy bộ trong tương lai. Các chuyên gia đều đồng ý là bạn có thể tập luyện cơ thể bằng cách đi bộ nhanh - điều này cũng có hiệu quả chẳng kém gì môn chạy bộ

Phụ nữ dễ đau đầu gối hơn nam giớibởi lẽ xương chậu của phụ nữ theo tự nhiên thường rộng hơn xương chậu của đàn ông để dễ sinh nở, đầu tiên của xương đùi được đặt chếch ra ngoài hơn và góc Q của họ lớn hơn. Điều này có ảnh hưởng làm yếu khớp đầu gối và các vận động viên (như những người chạy vượt rào và chạy marathon) thường tạo sức căng lớn lên đầu gối có thể phát sinh ra một chứng viêm gọi là nhuyễn sụn đầu gối (hay gọi nôm na là bệnh đầu gối người chạy bộ) khiến cho những người này thường bị đau nghiêm trọng phía trước đầu gối gây khó khăn cho việc đi bộ. Thêm vào đó, đi đứng không cẩn thận cho việc đi bộ. Thêm vào đó, đi đứng không cẩn thận xương bánh chè có thể bị tuột ra khỏi đầu gối!

Ngoài ra khi chơi cầu lông hay tennisnếu bạn không quen cầm vợt thì cũng dễ bị đau khuỷu tay.

Vật lý trị liệu:

Phép trị liệu này sử dụng đủ mọi phương pháp để giúp cho cơ thể bạn sung sức trở lại, chủ yếu là bằng xoa bóp để giúp máu lưu thông và làm tăng độ dẻo dai của cơ bắp bằng cách thúc đẩy cho máu dẫn tới cơ bắp. Làm như vậy cũng giúp bạn loại bỏ đi các chất thải từ hệ tuần hoàn và giúp giảm đau. Nhiều hình thức trị liệu bằng nhiệt ở bề mặt và ở trong sâu giúp giảm đau và làm giảm co cơ và cũng làm tăng lưu lượng máu dẫn tới khu vực. Các phương pháp bề mặt gồm có chườm nóng, ngâm nước nóng ấm và dọi đèn hồng ngoại. Các phương pháp nhiệu sâu áp dụng những dòng điện tần số cao - người ta thường gọi là dao đốt sóng ngắn.

Nhưng phòng ngừa vẫn là trên hết:

Có nhiều cách để giúp bạn có thể tránh được các chấn thương:

  • Làm ấm dần dần và toàn diện cơ thể trước bất cứ hoạt động thể thao nào
  • Đừng tập luyện sớm quá ngay sau khi ăn hay uống
  • Nếu học cách tự bắt mạch và đừng tập ráng sức, vượt quá mức chịu đựng của mình
  • Hãy ngưng ngay, đừng ráng sức nếu bạn cảm thấy đau vì điều đó là không bình thường.
  • Bạn nên tập nên những mặt bằng phẳng phiu (thí dụ như chạy bộ ở những đoạn đường gồ ghề có thể làm bạn bị căng dây chằng)

Dù bạn có cảm thấy sung sức đến đâu, cũng nên tập có chừng mực, gắng sức quá sẽ là điều không tốt.

Ra nắng nhiều nên cẩn thận:

Trong mùa nóng mọi người, nhất là các bạn gái có làn da mỏng manh nhạy cảm với ánh nắng gay gắt nên cẩn thận khi ra nắng hoặc khi hoạt động nhiều dưới ánh nắng mặt trời. Các biến chuyển đột ngột về thời tiết thường làm cho các mạch máu nuôi da giãn nở, rồi co thắt là điều không tốt đối với việc giữ ẩm cho làn da và dễ làm cho “da khô” chóng già!

Các hoạt động ngoài trời thường hấp dẫn và thu hút sự chú ý của bạn và nhiều ngươờ lai còn muốn có làn da rám nắng. Tuy nhiên bạn cũng nên nhớ là các tia nắng có hai tác hại trên da. Tác hại thứ nhất là có tiềm năng gây ung thư da và bệnh này mỗi ngày một tăng lên, theo các số liệu thống kê gần đây trên toàn cầu. Thứ hai, phơi da dưới ánh nắng gắt dễ làm cho da già cỗi. Chất tạo keo collagen là cấu trúc đàn hồi đem lại cho da tính mềm mại, khả năng đàn hồi (khi ấn ngón tay xuống da, da lại nấy bật lên được). Ở một làn da trẻ trung “mơn mởn” chưa bị phơi nắng, chất tạo kéo collagen nằm thành những bó song song, đều đặn - giống như một miếng vải thun mới. Qua những năm tháng phơi nắng, các bó chất tạo keo collagen bị phá vỡ, bung ra và nằm lộn xộn tứ phía, giống hệt như một miếng vải thun cũ kỹ không còn co giãn và không còn nẩy bật lại nữa, tạo ra các nếp nhăn. Do đó cứ sau mỗi kỳ nghĩ hàng năm, nước da rám nắng sẽ làm cho những người ham phơi nắng trông “già đi” từ 5 đến 10 tuổi nhất là những người từ 50 tuổi trở lên! Vậy nếu có ra nắng thì tối thiểu bạn không trực tiếp xúc với ánh nắng như khi bạn ngồi dưới dù có nắng bên ngoài hắt lên.

Việc chăm sóc da:

Bạn hãy thoa kem chống nắng với một yếu tố có độ bảo vệ cao; số độ càng cao sức bảo vệ càng lớn, thời gian ra nắng càng có thể kéo dài.

Nước da bạn (nhất là các bạn gái) càng trắng bao nhiêu thì càng phải cẩn thận bấy nhiêu. Tốt nhất là khi ra nắng như ở bờ biển chẳng hạn, bạn đừng bao giờ phơi nắng quá 10 phút trong ngày đầu tiên và nên tăng dần 10 phút ở mỗi ngày sau (Bảng 1)

Đừng quên là mỗi khi da bạn bị rám nắng thì sức đề kháng của làn da bạn đối với các tác nhân gây ung thư cũng bị giảm đi. Sau khi bơi lội, nếu bạn có làn da trắng và muốn giữ gìn làn da này bạn có thể thoa một lớp kem chống nắng thay thế lớp da bị trôi đi mất. Nếu có điều kiện bạn nên thoa kem giữ ẩm trong ngày hễ khi nào nhớ tới.

Bảng 1: Đồ thị ra nắng an toàn

Yếu tố bảo vệ chống nắng

Độ 4

Độ 8

Độ 15

Loại da

Thời gian phơi nắng an toàn

Trắng

10 phút

40 - 80 phút

1,5 – 2 giờ

Vừa phải

50 – 80 phút

2 – 2,5 giờ

5 – 5,5 giờ

Ngăm đen

1,5 – 2 giờ

3,5 – 4 giờ

suốt ngày

Đen

4 giờ

suốt ngày

suốt ngày


(St)